Bên Lê` Đại Hội VBVNHN Kỳ 8

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
 Phạm Ngũ Yên


1.
Tôi đi qua bờ đường đang mùa đông. Những lá vàng của mùa thu còn nguyên chưa bị trôi giạt về một hướng nào đó. Nhìn qua, khung cảnh thật âu sầu. Nhưng trong lòng tôi niềm vui cứ ngập tràn vì biết em vừa trở về sau những năm dài biền biệt. Tôi biết có những đời lá phải lìa cành vì thời tiết đã làm cho chúng không còn mầm xanh từ một mùa xuân mênh mông, giống như những lời chia ly phải nói ra sau một lần hội ngộ. Những tình yêu cũng vậy. Chúng luôn quấn quýt bằng những môi hôn, nhưng đồng thời cũng đón nhận những tàn phai đậu xuống.

Thành phố tôi về hôm nay cùng những giao lộ trăn trở ngày đêm vì tiếng xe cộ ồn ào. Những con đường quen thuộc và góc phố quen thuộc nhìn xuống bộ hành với một lòng bao dung lướt thướt. Vì sương mù và giá rét đang ùa trên những bảng tên đường. Như Dairy Asford, như Willcrest dẫn đến nhà bạn bè tôi. Thành phố đó đang vừa đón nhận một tia nắng ấm làm cho những con chim từ phương xa bớt lạnh khi bay về tìm kiếm mùa xuân.

Tháng mười hai ở Việt Nam bây giờ đang có những cơn gió cuốn mình trong những chiếc áo rét, khi các cô gái Sàigòn đang làm dáng vì chiếc khăn len nồng nàn quấn quanh cổ. Những bước chân của họ cuống quýt trên vỉa hè chật chội vì hàng hóa Giáng Sinh bày bán tràn lên lối đi.
Tháng mười hai cũng lãng mạn dấy lên mùi hương cốm và đàn sếu vừa sang sông. Có biết bao điều quen lạ từ những thơ ấu của người đàn ông già, chợt hiện ra. Chợt rền rĩ trong buồng tim đang thiếu dần những nhịp đập thanh xuân. Thời gian đang ruổi dong, mà cuộc đời thì vắng lặng.
Có những tình yêu đi qua và mất dấu trên những vai đời. Có những hạnh phúc không bao giờ tồn tại dài lâu vì những biến động. Sẽ không còn gì khi một dung nhan lộng lẫy vừa bỏ đi và nỗi buồn sẽ đuổi xua niềm vui giữa hai bờ chộn rộn.
Nhưng cũng có những hạnh phúc tưởng chừng lẻ loi, nhưng vô cùng vạm vỡ, khi mùa đông không thể làm lạnh lẽo hết những tâm lòng bao dung. Trên các cây sồi đang đung đưa lời gió có những cánh chim bay về kêu gọi mùa phục sinh. Ðó là các nhà văn nhà thơ từ những góc đời lưu vong khác nhau đã quy tụ về đây, cùng vỗ nhịp chào trăm năm trên những hơi thở ngắn hạn. Họ là những người bạn tôi quen và không quen, nhưng thân thiết với nhau vô cùng vì từng chung một vết thương giấy mực. Họ vừa rời bỏ một bàn viết lữ thứ, và những thương tích vừa nóng hổi hôm qua, quy tụ về góc đường Clairwood và xa lộ 59, để chia sẻ cái hạnh phúc tưởng chừng lẻ loi kia, nhưng rất đời và rất lẫm liệt.

Là Trường Sơn Lê Xuân Nhị, là Vũ Châu Sa từ New Orleans. Họ từ những phế tích hoang tàn để vượt đường 10 xuôi về hướng Bắc. Là Ngô Sỹ Hân chưa hết còn ngơ ngác vì những ngọn gió mịt mùng thổi qua vùng biển hồ Michigan. Là Nguyễn Thiếu Nhẫn, là Hoàng Xuyên Anh về từ San Jose, nơi “gió tanh mưa máu”. Là Thu Nga, Trương Sĩ Lương, Phan Ðình Minh, Nguyễn Ðức Nhơn mới vừa trải qua một cơn mưa tuyết phủ phàng xuống vùng Arlington, Fort Worth. Họ gác lại những trang báo bề bộn tin tức và những quảng cáo chờ lên khuôn. Là Huỳnh Công Ánh gần mười năm không tái xuất giang hồ, anh ngậm mãi trong lòng những bài Hưng Ca tuyệt vời như một con chim không chịu ngứa cổ. Là Sơn Tùng mệt lã vì mỗi ngày đơn độc giác đấu với những bầy sói. Ông cùng Ðăng Nguyên và Lãm Thúy bỏ lại sau lưng những lãng mạn của rừng phong Virginia và điện Capitol để về hít thở bụi bặm của Texas. Là Nguyễn Ðăng Tuấn từ Florida, nơi màu xanh của biển nối liền với màu xanh của trời. Là Tiến Sĩ Nguyễn Viết Ðức không bao giờ ngồi yên mà đi khắp mọi nơi, nhưng lòng luôn ngậm ngùi về một dòng sông đang chuyển mình- Là Văn Bút Việt Nam hôm qua còn ràn rụa niềm đau từ một mùa biển động.

Là những chủ nhà luôn niềm nở với khách phương xa. Là Yên Sơn luôn thổn thức với Quê Hương Bỏ Lại. Là Vĩnh Tuấn của hơi thơ Tống Biệt Hành. Của Lan Cao lúc nào cũng tìm về với môi hôn và làm thơ mỗi ngày mỗi tới. Là Túy Hà “một mình một ngựa” bồng bềnh qua những đường phố thị phi với lòng hào sãng gió trăng. Là Linh Phương mỗi đêm níu kéo những vì sao rưng rưng đậu xuống phím dương cầm. Là Huỳnh Quang Thế già nua nhưng luôn bận tâm với những thăng trầm của Văn học. Là Nguyễn Thế Giác đầy thương tật nhưng mang trên lưng cả một Trường Sơn gai góc.

Người Chủ Tịch Văn Bút Nam Hoa Kỳ đó dù không rành đường sá nhưng vẫn chịu khó đưa rước khách vãng lai và đôi lúc làm nản lòng cảnh sát.
Là Nguyễn Mạnh An Dân luôn đốt cháy ước mơ để trùng tu lại đổ nát. Với anh, ngày tháng vội vàng không đủ cho anh sống và làm việc, nhưng ở cuối những trang đêm trang ngày chật hẹp kia là một tấm lòng sâu đậm với quê hương. Với Tổ Quốc. Tôi biết vậy.

Và còn ai nữa? Có Hoàng Duy Hùng trẻ trung nhưng chững chạc. Anh đại diện cho những người trẻ dấn thân và là niềm tự hào của Texas. Buổi sáng ngày diễn ra Ðại Hội Văn Bút Việt Nam lần thứ 8, anh đã dùng tài năng Anh Ngữ lưu loát của mình để chuyển đạt đến cho vị khách mời ngoại quốc- nhà văn Adam Somers- hiểu được cái quyết tâm muốn làm mới mẻ lại tinh thần Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại sau những năm dài xáo trộn- Những gì anh nói lên sẽ trở thành những ngọn lửa ấm để xua đi một mùa đông buồn. Những gì anh nói lên, có khả năng trì kéo người nghe cúi xuống một hạnh phúc đã lâu rồi không chạm đến...

2.
Những cánh hồng đào vẫn nồng nàn đậu trên các bờ tường chưa được trùng tu. Màu vôi vô cảm lạnh căm. Ðiều đó nói lên rằng dầu cho cuộc đời này có ngập tràn giông bão, chúng ta vẫn tìm thấy được niềm vui trong những hoàn cảnh buồn. Sự đau khổ hay nghịch lòng hôm qua giống như những chiếc lá khẽ khàng rụng xuống bàn tay.

Cái thời mà sự đố kỵ và khêu dậy những tham vọng đã qua.
Cái thời mà lòng căm thù sự thật và cố tình quay lưng lại với những nguyên tắc dân chủ cũng đã qua. Trang sử Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại vừa khép lại những trang sách tồi tệ lúc 12 giờ trưa ngày 13 tháng 12 năm 2008.

Cách đây 2 tháng, những người cầm viết trong Văn Bút chưa hình dung được cái kết quả rực rỡ như vậy, thậm chí đến việc hình thành một Ðại Hội cũng gần như mơ hồ. Vì những sự đánh phá không mệt mỏi của những tên vô lại. Từng ngày từng giờ chúng đã bày binh bố trận và trùng điệp những kế hoạch mang dấu ấn của nghị quyết 36. Mục đích duy nhất là không để cho Văn Bút được yên và những người cầm viết chân chính có thì giờ sáng tác. Những tấm lòng ma cô ma cạo kia đã dẫn dắt theo những bầy âm binh đói khát danh vọng xuống đường đòi hỏi những điều nghịch lý. Chúng mong đợi sự tan rã và biến mất của Văn Bút Việt Nam tại hải ngoại. Nguyên tắc sống và làm việc của chúng là luôn thở ra những xú uế và viết xuống những câu văn làm đau lòng giấy mực. Ngày tháng đã ngắn ngủi vì chỉ có 60 năm cuộc đời. Nhưng những điều làm ra vinh quang sao ít hơn những điều ô nhục?

Tháng mười hai trở về đem theo giá rét. Tiếng chim ủ ê rớt xuống một gờ mái. Trên nóc giáo đường những ngọn đèn nhiều màu kêu gọi một mùa Lễ trọng đại. Ðâu đây tiếng chuông chạy dài trên những thềm cỏ mộng mị. Hình như có sợi mưa bay nghiêng trên vai hay tóc của người tình quấn quít? Khi người ta yêu nhau, người ta dễ mở lòng ra để đón nhận cái khoảnh khắc và ngay cả cái vô chung. Mới ngày nào tôi đi qua góc phố im lặng đường 10 và hàng cây không biết nói. Sương mù mịt ngoài kính xe trong khi đường chiều mịt mùng. Trong lòng tôi có một điều gì đó, mơ hồ, về một giá trị nhân bản mà đời sống luôn bày tỏ ra- và chúng ta muốn nhận thức hay nắm bắt được, chúng ta phải trả một giá đắt.

Từ năm 1995 đến cuối năm 2008, mười ba năm nếu tính ra là bốn ngàn bảy trăm bốn mươi lăm ngày. Văn Bút Việt Nam Hải ngoại giống như con thuyền bị sóng. Bao phen tưởng chừng con thuyền đó bị tan ra từng mảnh hoặc bị chìm mất trong nước. Có những lúc thuyền phu vững tay chèo, có lúc buông lơi muốn mặc cho số phận. Chân trời thì mờ mịt và bến đậu thì vô vọng. Ngoài biến cố thiên nhiên, lại xảy ra biến cố trong lòng người. Bao nhiêu điều xót xa giữa những người cầm bút với nhau, dù đứng trên quan điểm nào, cũng là điều đáng hổ thẹn. Những người cầm bút chân thật đều không ai muốn Văn Bút bị tan rã hay biến mất. Chỉ có cộng sản và những hệ lụy với nó mới mong đợi điều đó xảy ra.

Mười ba năm biết bao nhiêu biển dâu làm suy giảm lòng tin vào giá trị đích thực của những dòng chữ viết xuống mong làm đẹp cho đời. Chúng ta chưa trả hết nợ cha ông, lại vô tình mắc thêm món nợ chữ nghĩa. Chúng ta chưa thể làm sáng ngời chính nghĩa của một người viết mang trên lưng hồn thiêng sông núi Việt Nam, thì cũng đừng làm hoen ố màu son trên vòm cong Văn Miếu.

Tôi khao khát thấy sự hồi sinh của Văn Bút như khao khát nhìn lại quá khứ của tôi. Nơi tuổi thơ tôi xanh biếc màu trời và cánh diều bay bồi hồi trong gió.

Có tiếng sóng biển rung qua trí nhớ tôi và tiếng một con ve kêu vang trong tim. Mọi thứ đều đẹp và tròn vo như vết mực thơ ngây ngày nào...

3.
Năm tháng dù dài và dù khó hiểu, cuối cùng tôi cũng tìm thấy cuối cùng cho một gian khổ. Rằng sự bền bĩ của những người cầm viết lương thiện đã được bù đắp. Ðại hội lần thứ 8 của Văn Bút VN Hải Ngoại đã thắp sáng lại niềm tin vào một giá trị đích thực và rất nhân bản.

Tôi không còn buồn khi những trận gió đêm thổi qua mái nhà, than vãn về những ngày đông lạnh lẽo.
Tháng mười hai tôi trở về Austin, qua con đường 10 và bắt ngang đường 71, về hướng tây. Qua những nông trại sững sờ vạt mưa trái mùa. Trời lạnh như chưa từng biết lạnh. Cái lạnh ùa qua lòng trống vắng của người đàn ông già nhưng tôi vẫn nghe ấm áp lạ lùng.

Vài dãy đèn trên hàng rào và quanh gốc cây sồi chạy đuổi theo xe giống như hạnh phúc rượt đuổi. Mùa đông có vẻ kéo dài vì cơn rét sẽ đi qua thành phố tôi ở nhiều ngày. Thời gian là mười giờ tối. Ánh đèn xe chạy ngược chiều quét mải miết trên mặt đường khuya và tiếng kêu của một con thú ăn đêm cắt đôi sự tỉnh lặng. Vài cây xăng bán khuya sáng rực ánh điện nơi những vòi bơm và thềm hành lang có thùng rác đang lạnh buốt những bao ni lông phế thải.

Tôi ngỡ tôi đang bay trong giấc mơ vườn nhà nàng. Giấc ngủ se lòng thiếu nữ. Và tiếng gió sẽ bay qua môi em thầm thì những lời trìu mến. Còn tôi. Ngọn gió vẫn bay ngược về phía tôi để tôi nghe thoảng màu son trên môi nàng, như một màu đời lộng lẫy...

PNY