Nợ nần

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

Thu Nga

Thông thường người Việt ta khi sắp bước sang năm mới, hay ngồi  tính sổ để xem mình có mắc nợ ai thì lo trả kẻo ‘’dông’’ cả năm, và cũng phải nhớ kẻ nào còn nợ mình để đi đòi, nếu không thì ‘’tiền để lâu kít trâu hóa bùn’’. Tính tới, tính lui thì thấy cuộc đời cũng có mắc nợ mình nhưng mắc ít thôi, còm nợ của mình đối với đời thì lại quá nhiều, không biết chừng nào mới trả hết.

Trước tiên, khi ta mới mở mắt chào đời thì đã nợ cha, nợ mẹ. Công cha bao năm chưa trả, nghĩa mẹ chín tháng cưu mang, bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn...’’ hay ‘’công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra ‘. Công cha nghĩa mẹ dầu có đầu thai chín kiếp trả nợ cũng chưa hết, đừng nói chi là chỉ có đời này. Khi biết công ơn cha mẹ thì cha mẹ đâu còn ở trên đời mà trả. Mẹ sinh con ‘’mẹ tròn con vuông’’ thì mẹ tạ ơn trời phật và con cũng phải mắc ơn ông trời luôn. Vì nếu trời không phù hộ cho mẹ ‘tròn thì’’ làm sao con ‘’vuông’’ có thể ‘’ra’’ và mặt trên cõi đời này được?. Lấy chồng lấy vợ phải biết cảm ơn cha mẹ chồng, cha mẹ vợ vì đã sinh ra cho ta người phối ngẫu. Mẹ chồng có ăn ở không phải, nàng dâu cũng phải ăn ở cho hiếu đạo vì ‘’mẹ chồng dữ, mẹ chồng chết, nàng dâu có nết nàng dâu chừa’’ . Nghe   ‘’bắc thang lên hái hoa vàng, vì ai cho thiếp biết chàng từ đây’’ không phải cảm ơn người mai mối là gì?!

Ðến tuổi cắp sách đi học, nợ ơn thầy, ơn cô, ‘’nhất tự vi sư, bán tự vi sư’’, một chữ cũng phải gọi là sư phụ, mà nửa chữ cũng phải gọi sư phụ. Huống chi phong tục đời xưa phải kính trọng, tôn thờ theo thứ tự: ‘’quân, sư, phụ’’ (vua, thầy rồi mới đến cha). Ơn trường học đã dạy dỗ đào tạo cho ta từ môn đức dục để ăn ở cho phải đạo cả thể dục cho thân thể khoẻ mạnh vì thân thể khỏe mạnh, có sức khỏe mới làm nên được mọi chuyện ‘’khỏe vì nước kiến thiết quốc gia...’’ Thầy cô có khẽ trên tay ta mấy cái đau điếng hay lâu lâu bắt quỳ xơ mít thì cũng phải hiểu rằng thầy cô chỉ muốn ta nên người mới trừng phạt vì ta hư mà thôi- ‘’yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi’’. Nội trong cái việc học hành, thi cử chúng ta cũng mắc nợ cả lô người: nào là biết ơn người đã làm ra bảng đen, phấn trắng, người may cho ta bộ quần áo để mặc đi học hàng ngày. Cảm ơn lọ mực tím đã được những bàn tay ngón nhỏ thon thon nắn nót từng chữ cái. Cảm ơn chiếc nón bài thơ che mưa, che nắng. Cảm ơn đôi guốc Ðakao làm dáng nàng thêm đẹp. Mặc áo lụa Hà Ðông tha thướt thì nhớ đến người nuôi tằm, dệt vải. Nàng mặc áo màu gì, phải nhớ yêu và cảm ơn màu đó ‘’áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc, áo nàng xanh, anh mến lá sân trường, sợ thư tình không đủ nghĩa yêu thương, anh thay mực cho vừa màu áo tím’’. Chàng trai trong bài thơ của Nguyên Sa coi bộ đang si tình nặng. Cũng như khi yêu nhau, người ta cảm ơn cả con đường cái, cả bờ sông nơi người yêu cư ngụ vì ‘’thương nhau thương cả đường đi’’, hoặc ‘’yêu cây nên nhớ đến hoa, yêu dì thằng Ðỏ, mua quà nó ăn’’.

Từ lúc Quốc Tổ Hùng Vương dựng nước, bao nhiêu xương máu cha ông đã đổ ra để giữ gìn bờ cõi. Rồi hàng hàng lớp lớp những thanh niên đến tuổi lên đường ngập ngũ làm nhiệm vụ công dân, họ đã nằm gai, nếm mật bảo vệ quê hương để người dân sống yên vui nới thành thị. Tên của các vị anh hùng, dân tộc đã được ghi danh vào sử sách, nhưng cũng có biết bao nhiêu chiến sĩ vô danh đã hy sinh vì tổ quốc. Khi  thương yêu các anh chiến sĩ nên phải nhớ ơn những người nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ đã có những bài hát, bài thơ, câu truyện ca tụng các anh? ‘’Họ là những anh hùng không tên tuổi, sống âm thầm trong bóng tối mênh mông...’’. Ta biết ơn và thương xót những thương phế binh, suốt cuộc đời trai trẻ, nằm gai, nếm mật, hy sinh gian khổ, máu và mồ hôi của họ đã đổ ra để giữ từng tấc đất, bụi cây, bảo vệ quê hương,  nay họ phải sống lây lất, người mất tay, kẻ cụt chân, có người mù cả hai mắt...

Trong tuổi hoa mộng ô mai, lại cảm ơn các chàng chụp hình để các cô các cậu học sinh có những tấm hình điệu điệu, ngây ngô dán vào lưu bút ngày xanh. Các nàng ăn trái ổi, trái cóc tự nhiên phải nhớ ‘’ăn trái nhớ kẻ trồng cây’’, nếu biết cây nào cho mình trái ngọt thì không quên ‘’ăn cây nào, rào cây ấy’’.

Khi tối lửa, tắt đèn, họ hàng không có bên cạnh, ta cảm ơn người hàng xóm đã đỡ đần, giúp đỡ chén đường, muỗng muối ‘’bán bà con xa, mua láng giềng gần’’. Người xưa cũng có câu ‘’giàu vì bạn, sang vì vợ’’, ta cảm ơn những người bạn thân tình, sống chết vui buồn có nhau’’bạn bè là nghĩa tương tri, sao cho sau trước một bề mới nên’’, ‘’bạn vàng lại gặp bạn vàng, long, lân, qui, phượng một đoàn tử linh’’.

Từ khi sảy đàn tan nghé, dân Việt  lưu lạc bốn phương. Ngẫm nghĩ lại nếu không có bàn tay nhân ái của các những người khác chủng tộc làm sao ta được hưởng những thứ tự do hiện có? Cảm ơn các trường đại học, các giảng sư, mỗi nơi mỗi công đào tạo cho con cháu ta trở thành bác sĩ, kỹ sư, giáo sư v....nhưng ta cũng phải cảm ơn những người đang quét đường, đan làm những công việc chân tay nặng nhọc để chúng ta có con đường bằng phẳng, sạch sẽ mà đi, những building chọc trời để làm việc. Nếu ai cũng ngồi nhà mát, ăn bát vàng làm sao ta có con cá, con tôm từ ngoài biển đưa vào mâm cơm bốc khói của mỗi bữa cơm gia đình? Nếu cô gái nào cũng có tóc dài xỏa phủ bờ vai cho chàng thi sĩ phải thốt:’’tóc em dài em cài hoa thiên lý, thấy miệng em cười anh để ý em thương’’ thì làm sao có bài thơ của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên,  ca tụng người em gái có mái tóc con trai demi garcon? Nếu mắt ai cũng to như mắt phượng thì làm sao có người lại tôn thờ một đôi mắt lá răm? Không phải ai cũng thích hàm răng trắng ởn như anh Chà Và, vì thiếu gì những kẻ si tình khi xưa, thích những mợ răng đen hạt huyền?

Khi người yêu bỏ quê nhà, lên tỉnh học đòi làm người thành thị, lúc đó người con trai mới tiếc, mới nhớ, mới mang ơn làm sao mùi hương đồng nội, sắc đẹp mộc mạc của người con gái thôn quê ‘’hôm qua em đi tỉnh về, hương đồng gió nội bay đi ít nhiều’’

Nói cho cùng, nếu không có kẻ ác, ta làm sao biết ơn kẻ thiện, nếu toàn người xấu , làm sao có kẻ ca tụng người đẹp tô thắm cho đời thêm hương. Nếu toàn kẻ lùn, người cao không ngẩng cao đầu vì hãnh diện, nếu không có những kẻ đâm sau lưng chiến sĩ, ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản thì cũng có những người làm chúng ta ngưỡng mộ như chiến sĩ Lý Tống, chiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hạnh. Cũng phải nhắc thêm vì có những kẻ qua được xứ tự do, liền quên ngay lý lịch của mình để làm tay sai cho Cộng Sản nên tên những vị vì nước đấu tranh vẫn còn ở tại
Việt Nam lại được mọi người kính phục như Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn, Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế, nhà báo Ðỗ Nam Hải v...v...có những vị sư hổ mang, những linh mục, mục sư  quốc doanh ta mới thấy hào quang rạng rỡ quanh Hoà Thượng Thích Quảng Ðộ, Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa Thượng Tuệ Sỹ, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, mục sư Nguyễn Hồng Quang v...v....còn nhiều và nhiều nữa!

Cổ nhân có câu ‘’thi ân bất cầu báo’’; làm ơn cho ai, không cần người trả lại. Nhưng nhớ ơn ai, ta không bao giờ được quên. Báo ơn trong truyện Lưu Bình Dương Lễ thật thâm thúy. Nếu không nhớ ơn bạn hiền ghi sâu tất dạ, thì Dương Lễ đã không để nàng Châu Thị nuôi bạn mình từ lúc sa cơ thất thế cho đến lúc đỗ đạt thành tài. Chuyện ăn khế trả vàng, kể một con chim trả ơn Công Dã Tràng bằng một bao bố vàng, giá trị kếch sù vì chúng đã được ông đãi ăn những trái khế chua rẻ mạt. Trong truyện Tam Quốc Chí, những kẻ làm ơn đã trả công thật xứng đáng. Như Lưu Bị đã được biết bao anh hùng hào kiệt hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ vị vua đầy ân đức này, như Triệu Vân đã liều chết phò Á Ðẩu trong trận Ðơn Dương Trường Bản. Vì nhớ ơn Tào Tháo đã hậu đãi mình biết bao ơn nghĩa, rồi lại nghĩ đến việc phá ải chém tướng mà đi,  nên Vân Trường đã tha Tào tại Hoa Dung lộ. Ðiêu Thuyền vì nhớ ơn cha nuôi là Vương Doãn, nên hy sinh nhan sắc, danh dự mình, lấy hai chồng để diệt bạo chúa Ðổng Trác và kẻ hữu dõng vô mưu Lã Bố để cứu nước nhà qua cơn biến loạn trong vụ án Phụng Nghi Ðình. Ðường Tăng Tam Tạng vì có lòng bác ái, đã cứu vớt Tề Thiên, Sa Tăng, Bát Giới nên lúc đi thỉnh kinh, các đệ tử đã hết lòng, nhiều lúc hy sinh cả tính mạng để cứu sư phụ, vì vậy ngài mới đến được Tây Trúc hoàn thành sứ mạng.

Nói chuyện ơn nghĩa từ cổ chí kim, biết bao nhiêu truyện mang tính cách khuyên răn người đời ăn hiền ở lành còn ác giả, ác báo. Cứ thi ân đi. Người được ta thi ân không phải lúc nào cũng là người trả ân cho ta, nhưng đời còn dài, ta sẽ được những người khác giúp đỡ trong những cơn hoạn nạn. Hãy nhớ câu: ‘’làm thiện phước có thể không đến liền nhưng họa không đến, làm ác họa  có thể không đến liền nhưng phước thì mất hẳn’’. Hãy làm ơn. Cứ để đời mang ơn ta, người nợ ta nhiều mối ân tình để thấy cuộc sống đầy ý nghĩa. Sống dài bao lâu không cần thiết, sống cho có ý nghĩa mới là điều quan trọng.

Tính sổ đời cuối năm, cảm thấy ơn sâu nghĩa nặng không làm mình mỏi mệt vì trả không nổi, nhưng chỉ thấy một sự cảm động lâng lâng, một ơn phước tràn đầy, một thứ hạnh phúc tự đâu tràn đến, ta thấy may mắn hơn nhiều người bội phần. Cảm ơn đời đã cho ta những người bạn cùng chung chiến tuyến, đã chung lưng đấu cật suốt hơn 30 năm qua. Cảm ơn ta có đôi mắt để nhìn rõ bạn hay thù, cảm ơn đôi tai để ta nghe những lời hay ý đẹp. Cảm ơn cái miệng đã cho thốt những lời tử tế với bạn bè, cảm ơn đôi tay để ta gầy dựng nên sự nghiệp ở đời sau những mất mát đau thương của ngày 30 tháng 4 75.

Nợ tiền ta nên thanh toán sòng phẳng. Nhưng nợ ân tình, theo kinh nhà Phật, không trả hết kiếp này, kiếp sau trả tiếp vì ‘’nợ tình mang xuống tuyền đài chưa tan’’ như chuyện Trương Chi Mỵ Nương, hay là ‘’làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai’’, như nàng Kiều thề thốt với Kim Trọng. Ðôi khi ‘’giết không được thì tha’’ cho kẻ mắc nợ, hoặc ‘’oán báo oán, oán đời đời chồng chất, lấy ân báo oán, oán nọ mới tiêu tan’’, tuy nhiên, cái nợ mất nước vào tay Cộng Sản ta nhất định phải đòi! Và có một ngày không xa, ta sẽ cảm ơn đôi chân (cứng) hơn đá (mềm) đã đưa tay vượt đường xa vạn dặm tới được bến bờ tự do và đã đưa ta về lại quê hương Việt Nam để hát vang những bài hát ca ngợi quê hương, hát vinh danh những người đã nằm xuống...  trên khắp miền đất nước trong một mùa xuân chiến thắng- (đòi được nợ)


Thu Nga