Chuyện Bên Lề Đại Hội Khóa 18

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

Chuyện Bên Lề Đại Hội Khóa 18 CSVSQ/TVBQGVN
Ngày 8,9 tháng 11 năm 2008 tại San Jose, CA

Thu Nga

Vào đầu tháng 11, khi không khí mùa thu bàng bạc khắp không gian, chúng tôi lại làm một chuyến viễn du, đến miền Bắc CA; Chúng tôi đây, 1 người là “Cùi” K18 Trường Võ Bị Quốc Gia VN và tôi, nói theo ngôn ngữ của gia đình Võ Bị, là “dâu Võ Bị”, để dự buổi đại hội K18 toàn thế giới được tổ chức 2 năm một lần.

Với thời gian như “bóng câu qua cửa sổ”, mái tóc của chàng sinh viên ngày xưa và của người bạn đường của mình nay đã nhuốm màu sương gió. Những nét răn rỏi, của chàng trai- đã theo tiếng gọi non sông, xem mạng sống tựa lông hồng- và những nét trâm anh của một thời áo trắng mà một bài hát có câu “bàn tay thon ngón nhỏ, đan tay rắn sông hồ”, được thế vào là những nét nhăn ngang dọc- của cả chàng lẫn nàng- và cả 4 đôi tay nay cũng đều trở thành chai đá! Tuy nhiên trong tâm hồn của mọi người lúc nào cũng đầy ắp những kỷ niệm ngọc ngà của thời niên thiếu cũ. Và cũng sợ thời gian và tạo hoá tạo nên những cảnh chia ly, mà mỗi năm lại mất thêm một đôi người thân mến, nên dầu xa xôi ngàn dặm, có kẽ tận bên trời Anh Quốc, cho đến các tiểu bang, xa gần đã tụ tập về thật đông đủ.

Chiếc máy bay vừa hạ cánh, chúng tôi theo đoàn người khuân vác nào valise, nào túi xách, cái đeo trên vai, cái xách trên tay, cái kéo lê dưới đất, cái quàng trên cổ, cái khoác sau lưng, tay người nào cũng bận rộn chỉ vì không muốn xài thêm $15 cho mỗi cái valise lớn gởi trước. L ên m áy bay, ng ư ời nào cũng vội vội vàng vàng tìm chỗ để ngay chiếc valise nhỏ lên cái hộc tủ cao, sợ khi có nhiều người lên sẽ không có đủ chỗ. Trước đây khi gởi hàng hóa không tính tiền, người ta chỉ thích gởi hàng hoá trước cho nhẹ tay, khỏi phải tay xách, nách mang cồng kềnh- nay thì hầu như các hãng máy bay đều tính thêm các tiền lăng nhăng để kiếm thêm chút nào hay chút nấy để bù vào tiền xăng, nhớt lỗ lã, nên hành khách tận dụng tối đa những túi xách tay. Nếu phải gởi thùng hàng, thì ai cũng “make sure” là cân đủ 50 pounds kẻo phí của giời, đã tốn thì phải cân tối đa! Những kẻ lên sau chót, chật vật mãi mới tìm ra một lỗ trống để có thể xô, đẩy các bao khác và nhồi nhét bao bị mình vào, nhưng có kẻ cũng không tìm được một khe hỡ nào nữa, nhân viên hàng không lại phải kêu gào ai có bao bị nhỏ như laptop hoặc xách tay vừa phải có thể để lọt dưới chân hàng ghế trước thì xin “move” ngay để có chỗ cho bà con khác. Rồi một màn, xào qua, sớt lại, đẩy tới, đẩy lui, nhiều người ngồi ở hàng F phải lấy đồ đạc hàng G, hay ngưòi hàng E mà hành lý ở mãi tận hàng H. Thành ra khi xuống máy bay lại có màn lộn xộn đi tìm đồ đạc tùm lum.

Người mình ai cũng thích “sale” nên tìm mãi chúng tôi mới có 2 cái vé khứ hồi hơi vừa vừa túi tiền, vì vậy không đi được máy bay một mạch mà phải ghé lại Denver. Bước chân xuống phi cơ, khống khí lành lạnh như ùa qua làn cửa kiếng, cảm thấy nhớ nhớ ly cà phê mà buổi sáng mới 3 giờ dậy chưa kịp uống, thì tôi thấy ngay một gương mặt quen quen, tôi lấy tay chỉ anh, và tôi cũng thấy anh lấy tay chỉ tôi. Dạo này cái miệng của tôi đi trước cái óc, đáng lẽ ngược lại, nên một chốc tôi mới nhớ ra là anh Nguyễn Đức Tuấn. Tôi lại thắc mắc nhưng chưa kịp hỏi anh làm gì tại sân bay Denver?! Ngồi nhâm nhi ly cà phê với nhau, mới biết anh chị đi thăm con từ Missouri, và chuyến bay cũng đổi tại Denver!

Xuống chỗ lấy hành lý tại San Jose, chúng tôi đã nhận thấy nhiều cái đầu tóc đen, tiếng Việt rổn rảng, nụ cười thân quen. À thì ra nhiều “cùi” 18 đã túc trực ở đây. Có anh Lê Văn Mễ đến đón anh chị Tuấn. Còn anh Nguyễn Văn Nhân và anh Lại Đình Đán đón chúng tôi. Nhiều người về tham dự đại hội, nên các gia đình chia nhau -không phải của- người ở xa đến, mỗi nhà vài người cho dễ tiếp đãi (chứ không phải cho dễ kiểm soát). Anh Mễ cho biết sẽ còn đón thêm vài người nữa, anh Nhân cũng cho biết hôm qua, thứ Sáu đã đón một vài người trước rồi.

Nhà anh Nhân chứa 3 cặp: Lại Đình Đán, Trần Hữu Hiền và Đỗ Văn Hạnh. Chẳng ai than chật chội cả, vì càng chật càng vui. Chị Đán, chị Nhân và tôi tíu ta tíu tít như trăm năm mới gặp lại nhau. Chị Nhân thì lâu lắm mới gặp nhưng anh chị Đán thì chúng tôi mới gặp cách đây chỉ 2 tuần, trong bữa đám cưới con anh chị Ấn. Các bà các ông cứ thi nhau khen bừa cả lên là ai cũng còn trẻ, đẹp trai, đẹp gái và giả bộ quên nhòm những vết chân chim đầy trên khóe mắt và tóc thì năm bảy màu (nhuộm thưòng xuyên quá, nên có sợi đen, sợi đỏ, sợi nâu lại còn có sợ blondie nữa trời ạ!). Anh chị Hiền vì là lần đầu tiên về San Jose nên đã được người nhà chở đi thăm viếng chiếc cầu vàng “Golden Gate” chưa về. Khi về thì than trời San Francissco sương mù nhiều quá nên chả thấy cầu đâu mà chụp hình!

Chúng tôi được khổ chủ Nhân đem đi ăn bún ốc Quán bún ốc hôm nay thật đông khách. Ngoài trời thì gió trở lạnh, người ta sắp hàng tới ngoài đường. Chờ mãi rồi cũng tới phiên mình được tiến sâu hơn vào trong quán và cuối cùng cũng order được tô bún riêu ốc. Trời lạnh, nhìn tô bún nóng bốc khói, thơm điếc mũi, chưa nếm đã thấy ngon rồi. Thực khách vừa chan vừa húp, vừa hít hà, coi bộ “enjoy” hết cỡ, chỉ thiếu có những tiếng “ợ” rột rột là cảnh ăn uống trong phim Tàu ngay. Mùi mắm tôm quốc hồn, quốc túy thơm điếc mũi, khèo một đầu đũa quậy quyậy vào tô nước lèo, húp thử một muỗng xem vừa chưa, chất ngọt ngọt, bùi bùi, cứ lừ lừ trôi xuống cổ họng.

Để tiêu bớt những tôi nước lèo béo bở, chúng tôi đi shopping. Khu shopping Việt Nam này khá lớn. Mấy bà sà vào hang giầy. Ôi thôi, giày cao, giày thấp, giầy ống, giầy quai, hiệu nào cũng có, nào là Louis Vuiton, Gucci, Channel....loại nào cũng giả, không giả không tính tiền! tôi và bà Đán tậu mỗi người vài đôi. Thước tấc mình khiêm nhường mang đôi giầy cao 4 inches (cẩn thận! không bị ngã dập quai hàm) khi mang vào thấy mình cũng cao đáo để đấy chứ, “sang trọng” như chúng tôi mang vào ai dám bảo là giả, chúng tôi tự an ủi.

Bước ra khỏi cái mall Việt Nam, trời đã xế bóng. Mấy ông than: “chỉ mới vào có một tiệm mà đã hết mấy tiếng rồi! Anh Nhân vội vàng đưa chúng tôi thăm Viện Bảo Tàng thuyền nhân và Việt Nam Cộng Hòa- vì mọi người đã hẹn nhau tại đó. Tới nơi đã thấy vài ba người đang đứng ngoài cổng. Gió thổi khá mạnh, mấy bà dục đi vào trong kẻo lạnh. Càng ngày các “cùi” và các chị đến càng đông, chúng tôi rủ nhau đi vào trong. Quang cảnh bên trong bảo tàng viện làm cho lòng tôi chùng xuống cảm động. Đã nghe bảo tàng viện Việt Nam do ông Vũ Văn Lộc tạo nên nhưng chưa được đến tận nơi; nay mới được đến thăm. Những bức tượng của quân dân cán chính như hình thật. Bức tượng một người lính VNCH đang trong tư thế chào vĩnh biệt trước ngôi mộ của một người lính “không chân dung” chỉ có chiếc mũ sắt đội trên chiếc báng súng, và một đôi giày chơ vơ, làm tôi liên tưởng đến bài hát “Người tình không chân dung” “Hỡi người chiến sĩ, đã để lại chiếc nón sắt bên bờ lau sậy này...” đã có biết bao nhiêu những lính đã để lại nơi rừng sâu, núi thẩm, nơi hốc đá, bờ đê những nón sắt, những giầy sault, những máu xương vương vãi để bảo vệ tổ quốc và để chúng ta có được ngày hôm nay. Bên cạnh đó là một chiếc bàn thờ nhỏ, trên có hình ảnh bức tượng “tiếc thương” (người lính đang cầm cây súng ngồi nghĩ chân trước nghĩa trang quân đội). Trên bàn thờ có 3 cây nhang, chúng tôi theo sự mỗi người thắp một cây nhang trước bàn thờ của người chiến sĩ vô danh, tử nạn ngày 7 tháng 6 năm 1968 và bùi ngùi tiếc thương những anh hùng liệt sĩ đã vị quốc vong thân mà một phần không người nhang khói tại Nghĩa trang Quân Đội tại Việt Nam.

Hình ảnh thân thương của quân đội chưng bày thật mỹ thuật va công phu mang lại một thuở thân thật thân thiết của miền quá khứ. Nhớ ơi là nhớ! Treo trên tường là chiếc tủ kính có trưng bày các huy chương đủ loại. Những bức tượng quân dân, cán chính cao bằng người thật và nhìn cũng rất thật, mọi người lại chen chúc sắp hàng cùng với các bức tượng để chụp hình. Hai cái giá máng những bộ quân phục của cac binh chủng, đủ các
cấp bậc ở phía trong. Một bức hình thật lớn vẽ lại cảnh oai hùng trận chiến thắng Cổ Thành Quảng Trị.

Nhưng những hình ảnh làm tôi phải mủi lòng là những bức tượng tả cảnh người chôn người trong các trại tù Cộng Sản. Người tù chết được người bạn tù đẩy trên chiếc xe đến huyệt mộ được đào vội vàng. Cảnh người tù sau ngày làm việc cực khổ, sức tàn, lực cạn dang ngồi dựa vào tường, miệng há hốc đưa mặt ra ngoài cửa sổ để thở...

Trên cao nữa là một chiếc tủ nhỏ trên đó trưng bày nào gương, lược,dao, muỗng, nĩa của những người đã từng gọi là “tù cải tạo” chế tạo bằng chính đôi tay của mình. Nhìn những vật dụng này tôi ngẩn ngơ tự hỏi: “đúng như CS đã nhổi nhét vào đầu người dân “với sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Với chính sách, chủ trương đó, họ đã quăng cho những người tù “cải tạo” một cái rựa, cái cuốc trong rừng sâu mênh mông, nơi đất đỏ mịt mù hoặc những vùng toàn sỏi, đá, những người tù khốn khổ phải tự phạt cây, cất nhà, cuốc đất trồng trọt với hai bàn tay rướm máu. Đúng sau những tháng năm đói khát, nghiệt ngã nhiều người đã gục ngã trong khi “lao động” và cuối cùng cũng đã biến miền sỏi đá dầu không thành cơm, nhưng cũng thành sắn, khoai đậu ăn đỡ lòng-. Những người tù đã dùng bàn tay không, gân guốc, xương xẩu, nhưng vẫn được điều khiển bởi bộ óc thông minh (dầu ngục tù đã hành hạ không bút mực nào tả xiết) tạo ra những cái muỗng, đôi đũa để ăn, tạo những cái lược chải đầu, cả cái kéo nữa, rất khéo léo.

Đang đứng bùi ngùi nhìn ngắm những bức tượng, những tiếng chào hỏi mừng rỡ chung quanh. Tôi nhìn lên, bây giờ các anh chị đến càng lúc càng đông. Tôi và chị Khương ôm choàng lấy nhau, rồi nhiều cái ôm choàng khác nữa...Bên ngoài trời gió vẫn thổi, nhưng các anh, các chị lâu lâu mới có dịp gặp nhau, tay bắt mặt mừng, ở trong đã chật, nên các cậu mợ vẫn hiên ngang đứng ngoài gió lạnh nói chuyện hàng giờ. (Khóa 18 còn hay gọi nhau là “cậu, mợ” rất dễ thương )

Một chiếc tàu được trưng bày bên ngoài, trên một bãi cát. Nhìn chiếc tàu mong manh, yếu đuối mà cảm thương cho những người Việt can cường, thà chết tự do trên biển sóng mong mênh còn hơn sống dưới ách cai trị độc tài của Cộng Sản. Chiếc thuyền này nếu ở Mỹ, chắc chắn họ chỉ cho lên khoảng 10 người là cùng vậy mà nó đã từng chở gần cả trăm người vượt trùng khơi để tìm cái sống trong cái chết.

Mấy chị cũng đ ứng đầy sân và tíu tít gọi nhau chụp hình kỷ niệm, chụp xong kéo nhau
đứng từng nhóm nói chuyện. Khi gặp nhau các bà thường là “tố yêu” các ông một cách kinh khủng, có bà lại còn đòi tặng các ông một bó hoa “cẩm chướng” (vừa lẩm cẩm vừa chướng) nhưng khi đứng chụp hình thì miệng cười ỏn ẻn (cứ như là “tương kính như tân”). Có người tự ví mình như “hai con khỉ già, tối ngày cãi nhau sùng sục, có người cũng tự nhận mình chắc cũng same same với mấy ông “gái đeo hoa, già đeo tật” sao hồi đó hào hoa, phong nhã mà bây giờ khó tính thế -chắc mấy ông cũng nhận xét mấy bà như vậy thôi, mới ngày nào em như con mèo dễ thương vậy mà với thời gian như bóng câu qua cửa sổ, em trở thành con sư tử lúc nào không hay. Tuy nhiên buổi sáng, khi mấy bà còn rù rì chưa ra khỏi giường bảo nhau lắng tai nghe mấy ông có “nói xấu” mình không thì mấy bà thất vọng não nề: mấy bà không phải là đề tài cho mấy ông nói, ông thì nói thời sự, ông thì nói kinh tế, ông thì kể chuyện đời xửa đời xưa! Ủa! coi bộ mấy ông “cao thượng “ hơn mấy bà sao!? không nói “xấu yêu” vợ tí nào cả! Hay mấy ông “cẩm chướng” đến nỗi đã quên phéng những trận đấu ồn ào với mấy bà rồi!? chắc “đấu” nhiều quá cũng thành thói quen. Chỉ “bất đồng ý kiến” (như cơm bữa) nhưng vẫn “sống chung hòa bình”. Mấy bà vẫn đi shopping mua đủ thứ trên trời dưới đất. Một cái bóp LV $2,000, về nhà nói với ông chỉ có $20! mấy ông cũng tin, hoặc đi tậu một cái áo da $1,000, sợ ông chồng “xót dạ” chỉ nói “mua ở chợ trời có $5! Ngoài tật mau quên dễ dãi mấy ông còn mang bệnh “cả tin” nữa rồi! Thấy nói “xấu yêu” ông chồng mãi cũng tội, mấy bà kết luận “vậy chứ mấy ông còn dễ thương lắm, tốt bụng với vợ con lắm lắm, muốn gì được nấy, muốn đi shop, chở đi shop, mấy ông chỉ cần mang theo tự điển đọc hết cuốn để trở thành nhà thông thái, trong khi chờ vợ đi sắm hàng, muốn đi họp khoá, thì đây quý bà cũng đang họp nhau như mấy ông vậy thôi, còn phàn nàn gì nữa!

Buổi tối thứ Bảy, tất cả gia đình 18 và một số ít thân hũu đã được ăn một bữa “all you can eat” thật ngon miệng. Ăn ở những nhà hàng lọai này- nếu được dịch ra tiếng Việt là “ăn bao nhiêu cũng được” hoặc “ăn cho đã”- tuy là thú vị, có điều cứ tì tì mà ngốn đủ hết cả các thức được bày ra và đi ăn thường xuyên ở đây, sợ rằng hui nhị tì sớm vì ai cũng có khuynh hướng “ăn cho đáng đồng tiền bát gạo” vì vậy nên ăn xong, ai cũng ôm bụng mà thở. Các quầy hàng có hàng hà sa số thức ăn. Mới ăn 1/3 các món thì đã lưng lửng cái bụng. Con mắt thì còn nhìn mà miệng thì đã ớn. Nhớ tới câu của người Mỹ hay nói “You are what you eat”, dịch “thoát” là “nhìn anh là tôi biết anh ăn nhiều hay ít”. Vì vậy cái miệng làm khổ cái thân! nói nhiều cũng khổ cho thân, mà ăn nhiều cái thân cũng lãnh đủ!

Nhìn vào section được đặt tiệc riêng của K18 Võ Bị mà chóng mặt vì vui. Người đâu mà ngưòi lắm thế. Ai cũng tay bắt mặt mừng, có người gặp nhau sau kỳ đại hội trước tức là chỉ có 2 năm, có người không tham dự được thường xuyên thì có thể là 4 năm hay hơn nữa. Ai may mắn hoặc có duyên với nhau nhiều hơn- như chúng tôi với anh chị Đán chẳng hạn. Những người trong ban tổ chức như Anh chị Phạm V ăn Ngọc, anh chị Lã Quý Trang , anh chị Nguyễn VănThiệt và nhiều nữa chạy chắc cũng gần “vắt giò lên cổ” để cho các bữa hội ngộ được chu đáo. Các “cùi” từ xa về tay bắt, mặt mừng như “nữ hoàng Ăng Lê” từ Anh quốc, chị Ngô HữuThạt, với nụ cười thật tươi, anh Nguyễn Ngọc Ánh từ Seattle tới. Anh này coi bộ hạnh phúc hơn anh nào hết vì sắp sửa được lên xe bông. Sau những tháng ngày cô đơn bây giờ “con tim đã vui trở lại”. Mấy bà theo ghẹo anh hoài. Đang “inlove” nên nụ cười của anh có vẻ e lệ, gương mặt đỏ rần lên như trai mới lớn. Anh chị Nguyễn Văn Xuân cũng bị trêu chọc vì trái tim của anh Xuân sau những lần vật vã (có lẽ yêu nhiều quá bị tim hành) bác sĩ phải thế vào tr ái tim bằng sắt.

Một người mà chúng tôi cũng chọc liên tiếp nhất định không tha là một anh khác (xin dấu tên, ai có tật giật mình). Trước đây một tuần, anh gặp lại “người xưa” ở Houston, tới bây giờ mọi người còn nhắc và chọc anh vì khi gặp lại thì cái hình bóng mỹ miều, mái tóc thề, đôi mắt đen huyền, thân gầy như liễu theo thời gian đã không còn tồn tại nữa nên nét mặt của anh cũng khá ngỡ ngàng. Giá mà không gặp lại chắc anh sẽ còn suốt đời ôm ấp một hình ảnh đẹp thì có lẽ tốt hơn. Tôi nhớ đến câu chuyện của một người quen kể lại, sau khi được CS thả ra khỏi tù, anh ra tận Hà Nội tìm lại người yêu xưa (chỉ để thăm viếng để xem “dung nhan đó bây giờ ra sao”), khi một cụ bà lụm cụm ra mở cửa, anh ngập ngừng, nhỏ nhẹ “thưa cụ, cho cháu hỏi cô ....có còn ở đây không ạ”, bà cụ già đôi mắt hấp hem, răng lưa thưa trả lời “thưa ông...chíng tôi đây ạ!”. Như vậy thì anh này và anh kia đều “em không còn đôi má đào, như ngày nào...” nữa ôi thôi! đúng là vỡ mộng! Các bà chọc anh và cười ngặt nghẽo vui thích.

Bữa ăn có ngon cách mấy, câu chuyện có dòn tan cách mấy cũng phải đên lúc chia tay. Gió thổi càng ngày càng mạnh, trời lại lất phất mưa. Đã đứng lên vẫn còn lưu luyến mặc kệ gió mưa.

Sáng chủ nhật, khi mặt trời vừa lên, hơi đủ ấm một chút, chúng tôi lại leo lên xe đi đến
phòng h ọp. Đã có nhiều người đến, các anh mặc đồ vest, ho ặc m ặc b ộ đ ồ kaki ,trên
đ ầu đội mũ màu kaki có huy hiệu Võ Bị, có anh đội mũ Nhảy Dù màu đỏ. Với cách xưng hô “mày, tao” thân thương, trong những giây phút trùng phùng họ quên đi tuổi tác đã xấp xỉ 7 bó. Những tên tuổi đã gắn liền với các trận đánh kinh hồn như anh Lê Văn Mễ, Nguyễn Lô, Phan Nhật Nam, hay thầy tướng số Nguyễn Văn Lành, tóc không bạc phơ thì cũng muối loang nhiều hơn tiêu, không muối tiêu thì cũng nhìn rất thông thái với cái trán hói hơn một nửa.

Từng cặp, từng cặp thay phiên nhau lên chụp hình, mấy ông thì cười khoái chí, mấy bà cười chúm chím cứ như đang chụp hình đám cưới. Chiến tranh nóng hay lạnh cũng được bỏ một bên. Phải cười tươi lên không thì khi có hình xấu ráng chịu. Mấy chị áo dài rực rỡ, dầu nét thời gian có đi qua nhiều lần trên mái tóc, dầu cháu nội ngoại đầy đàn, bà nào cũng giữ được nét thanh tao, kiều diễm của một thời làm người yêu của các chàng trai Võ Bị.

Giây phút cảm động nhất đã làm cho các chàng trai Cựu Sinh Viên Sĩ Quan và các nàng dâu rơi lệ là Lễ Truy Điệu truyền thống Võ Bị và khi tên của những người bạn cùng khóa được xướng lên, những giọt nước mắt lung linh đã hiện lên trên khóe mắt của nhiều người. Những người bạn đó đã ra đi vĩnh viễn, có người đã hy sinh ngay trên chiến trường với những trận đấu oai hùng, có người đã hy sinh ngay sau khi mãn khóa, có người đã gục ngã trong trại tù Cộng Sản, có người chết trên đường tìm tự do, có người chết vì bệnh tật tại VN hay tại các nước tự do sau khi CS thả ra....trong giây phút đó, chắc các anh đang hình dung lại từng gương mặt, từng nụ cười, từng ngày tập luyện gian khổ nơi trường Mẹ- mà nay những hình ảnh đó đã khuất chìm trong cõi hư vô! Chúng tôi nhìn thấy những tiếng hỉ mũi nho nhỏ, hoặc bàn tay đưa lên lau vội giòng lệ nóng.

Cũng như giây phút thiêng liêng, trang trọng và cũng làm cho mọi người cảm động khi chung rượu được hai anh Trang và Thiệt rót ra ly, nơi chiếc bàn tiệc dành riêng cho những người vắng bóng, trong buổi tiệc buổi tối tại cũng tại phòng họp này.

Trước khi đi dự tiệc ra mắt ban đại diện khóa, các mợ được các cậu “mời đi chỗ khác chơi” để các ông họp. Việc gì chứ rủ nhau đi shopping là “nghề” chính của mấy bà. Chúng tôi: bà Đán, bà Nhân, bà Hiền lôi thêm“sư cô” Lành đi theo cho vui. Thầy tướng số Lành nhìn chúng tôi với ánh mắt nghi ngờ vì “sư cô” ít ăn, ít nói, hiền lành lắm mà theo mấy bà già xí xọn” này thì không có biết có phải “giao trứng cho ác không” nhưng chúng tôi đã vội trấn an thầy “đêm sư cô đi như thế nào, sẽ đem về như thế ấy”...Chả biết mua sắm cái gì, ăn uống ra sao mà khi nhìn đồng hồ thì đã gần đến giờ đi dự tiệc. Mỗi bà lại tậu thêm vài đôi ghuốc (giả) hiệu và ăn vài ly chè thiệt ngọt miệng, lại xách lủ khủ nào bánh ngọt, bánh bao, lạp xưởng, chà bông. Tụi tôi hỏi “sư cô”: “đi đã chưa! chắc lần sau “thầy” Lành không cho cô đi theo tụi tui nữa mô! “. “Sư cô cười ỏn ẻn không trả lời.

Quan khách hôm nay đặc biệt có các niên trưởng như trung tướng Lâm Quang Thi, thiếu tướng Bùi Đình Đạm cũng như nhiều niên trưởng khác, niên đệ cũng khá đông. Mọi người tay bắt mặt mừng, hàn huyên như pháo Tết.

Trên sân khấu những bình hoa hồng đang khoe sắc thắm dưới tấm banner “Chào mừng đại hội 2008 CSVSQ Khoá 18 TVBQGVN trang trọng cũng như chiếc bánh sinh nhật 45 tuổi của khóa được anh Thiệt (cựu đại diện khóa và anh Trang tân đại diện khóa) trang trọng cắt.

Văn nghệ cũng khá tưng bừng kiểu “cây nhà lá vườn” hay “lính hát, lính nghe” và cũng như câu “của không ngon, đông con cũng hết” chỉ cần gặp nhau là vui rồi, văn nghệ văn gừng chỉ là chuyện phụ. Các “ca sĩ tài tử” được các anh hoặc các chị lên tặng hoa cũng sung sướng ra mặt! các chị nghịch ngợm lấy đũa gõ lên thành chén để cổ võ tinh thần yêu văn nghệ “hát hay không bằng hay hát”. Anh Hoà phụ trách phần “khoe” thành tích những cậu nổi tiếng xuất thân từ khóa 18, trong đó có nhà văn như nhà văn Phan Nhật Nam, lại có cả thầy tướng số tử vi Nguyễn Văn Lành đã bốc một quẻ “xanh dờn”, cậu Hòa dí dỏm “nhà chiêm tinh gia Nguyễn Văn Lành đã bói: kỳ bầu cử này, nếu ông McCain của đảng Cộng Hòa không thắng thì.....thì ông Obama đảng Dân Chủ....sẽ thắng!”. Các cậu này tuy già mà còn tếu không thể tưởng!

Sương ngoài kia đã xuống, giói thổi vi vu, mưa lay bay khá lạnh nhưng những giây phút gặp gỡ thật ấm lòng. Ai cũng tần ngần không muốn chia tay. Nhìn những mái đầu bạc trắng, nhìn những đôi chân đã có phần khập khễnh, nhìn những người đã thay trái tim không biết bao nhiêu lần, có người sắp mổ tim và hầu như ai cũng bị cao máu, cao mỡ hay tiểu đường và nhìn những vết thời gian ngang dọc... tôi lại thấy nao nao “hôm nay đây còn vui trông thấy nhau...” nhưng tới ngày mai, ngày mốt, 2 năm nữa , việc gì sẽ xảy ra, có gặp nhau đầy đủ hết hay không?

Con chim sắt lại mang chúng tôi trở lại Dallas, mặc dù phải ở lại trạm Denver gần 2 tiếng đồng hồ vì Dallas đang bị mưa bão, chúng tôi ngồi ôn lại những giây phút chia tay thật bịn rịn tại nhà anh chị Nhân Chúng tôi chia nhau từng món quà, từng trái hồng, từng viên kẹo me, từng hộp phấn, cây son làm kỷ niệm. Mang theo về chân tình của những người bạn cùng khóa với dạ mang mang. ...nhớ chị Chánh, anh đã qua đời và chị thay thế anh về họp khóa, nhớ lời tâm tình chân thật của anh Lã Quý Trang khi được giới thiệu là tân đại diện khóa niên khóa, nhớ cái ôm siết chặt của các chị, nhớ nụ cười rạng rỡ của các anh, nhớ những lời bông đùa dí dỏm mang lại những trận cười thâu đêm không ngủ, nhớ những phút chia tay quyến luyến không rời.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới đó mà xa quê hương đã 33 năm trời! Bóng dáng oai hùng của những chàng trai Võ Bị cung kiếm ngang trời cùng những người con gái tóc thề yểu điệu của một thời mộng mơ quá khứ bây giờ đã đổi thay...Tuy vậy, tạo hóa chỉ có thể thay đổi được hình dáng bên ngoài, nhưng không thể nào bôi xóa đi những tình cảm thân thương, quý báu của những người cùng xuất thân từ ngôi trường Mẹ thân yêu, tạo hóa cũng không thể nào làm phai đi lời thề nơi Vũ Đình Trường trong ngày mãn khóa “...vẫn mong một ngày về giải phóng quê hương”- thì tới tuổi nào, tới giai đoạn nào trong cuộc sống, câu “tổ quốc, danh dự, trách nhiệm” vẫn mang nặng bên lòng người trai nước Việt.

Thu Nga