Mua Xuân mây ngàn

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

 

Mùa xuân mây ngàn
 
Thu Nga
 
   Trời Pleku trở nên giá buốt vào buổi chiều khi mặt trời khuất bóng. Cái lạnh da diết, buồn râm ran đến từ chân sợi tóc, đến từ một góc của trái tim heo hắt tỏa ra ngoài, theo bóng đêm lan dần đến hàng hiên.
 
   Cư xá sĩ quan truyền tin dần dần chìm vào bóng đêm cô quạnh. Tôi vội vã đóng cửa sau, tắt đèn bếp, vội bế đứa con 18 tháng,chạy lên nhà trên. Từ nhà bếp lên nhà trên có hai cánh cửa ăn thông nhau, một cánh cửa dẫn vào nhà trên. Nhà bếp thấp hơn nhà trên nhiều nên có nhiều bậc tam cấp. Giữa 2 bậc tâm cấp là một cái bầu xây bằng xi măng, ở giữa chỉ toàn đất cát, không đen, nhưng cũng không trắng lắm, có một màu nhờn nhờn, không che kín được một gốc cây thật to đã bị đốn đi từ lúc nào không biết. Bên trên cái cây đã chặt là một lỗ hỗng rất lớn không được che đậy gì cả. Trước đó tôi được biết người ta có che bằng những miếng ni lông, nhưng bây giờ ni lông đã rách, người ta cũng không buồn che miếng khác, chỉ có một lỗ trống rỗng, người lớn không chui lọt, nhưng con nít có thể luồn vào được. Những ngày trời tối sớm, nhà tôi chưa về, tôi ít khi dám xuống nhà bếp, nếu có, thì cũng vội ba chân bốn cẳng, làm cho xong công việc cần thiết, rồi rút lên nhà trên ngay.
 
   Tôi theo chồng lên Pleku đã được hơn một năm. Căn nhà chúng tôi ở cuối dãy. Bên hông là một đám đất trống, mấy bà vợ sĩ quan ở bên cạnh gieo vài đám bắp, vài cụm cải xanh, cà chua cho đỡ buồn. Bắp cũng lên trái khá to nhưng ăn thì lạt nhách. Nhiều người nói bắp ở Pleku không ngọt vì phải chuyên chở qua sông (?) tôi không hiểu mấy về lời giải thích này nhưng cũng không hỏi lại. Bên phải là một dãy nhà nối vách liền nhau. Vách được làm bằng gỗ và giấy cùng bao cát nên phòng bên này làm gì, phòng bên kia có thể nghe rõ mồn một. Nhà sát bên cạnh tôi là nhà anh chị Thông, anh mang lon đại úy, có 5 đứa con, đứa nọ trông coi đứa kia rất ngoan. Vì nhà đông con nên anh cho lính về nối cái bếp ra thật dài phía sau. Trong bếp nào lu, nào chậu thau, thức ăn bày la liệt. Chị Thông có vẻ đẹp của một người khỏe mạnh, to cao, trông khi anh Thông có vẻ nhỏ thó, ốm yếu. Đứa con lớn là con trai, nhưng vì nhiều em nên nó quán xuyến từ trong ra ngoài, nấu cơm, bế em, giặt giủ và học bài cùng lúc. Sau này có lẽ vì kinh tế eo hẹp, chị Thông phải đi làm sở Mỹ kiếm thêm tiền. Chị Thông cũng hay đem qua cho thằng bé Nhân của tôi vài trái táo, nho hoặc những thoi kẹo chocolat màu đen, mùi vị thật thơm.
 
   Trong cư xá, ngoài chị chị Thông hay chạy qua, chạy lại tôi chỉ chơi thân với chị Tánh. Chị Tánh ơ cuối dãy đầu kia. Muốn qua nhà chị tôi phải đi hết cả dãy hành lang. Khi mặt trời đã khuất bóng, màn đem kéo về, muốn qua nhà chị, tôi đi vội vã như ma đuổi. Nghe nói ở Pleku ma Hời nhiều lắm. Những con ma Hời cũng theo lời nhiều người, nó có thể thư con gà, con vịt trong bụng người ta cho đến khi cái bụng sưng chướng lên thì chết. Tôi cũng được nghe chị Tánh tả thấy ma ngay trong cư xá này. Tôi nói: ‘’thôi đừng giỡn nghe cha bà thấy thiệt không? bà Tánh trả lời ‘’tôi thấy rõ ràng, nó đi bên hông nhà bà đó! bà qua tôi thì được, nhưng tôi không dám qua bên đó ban đêm đâu! ghê l ắm’’. Thấy nét mặt của bà, tôi biết bà nói thật. Từ đó, tôi hay đóng cửa dưới sớm hơn, tôi ôm con vào lòng ru hời ru hỡi cho nó ngủ. Tiếng ru của tôi trong đêm bỗng nhưng dội lại như có tiếng nói ai nhại theo, làm tôi giật mình. Tôi mong nhà tôi về nhà sớm cho tôi đỡ sợ. Muốn qua nhà bà Tánh chơi, nhưng nhớ tới cái hành lang dài hun hút dưới những tàn cây thông, tôi không đủ can đảm. Muốn gõ cửa qua nhà bà Thông thì nhớ mới hôm qua, ông bà vừa gây nhau một trận thật gây cấn và cũng như mọi hôm, tiếng khóc phụ họa của những đứa con nhỏ, làm tôi chùn bước.
 
   Nhớ tới hôm nay đã là 25 tháng chạp, tôi bỗng dưng thấy bồn chồn. Tôi nhớ nhà, nhớ mạ. Tôi ao ước phải chi tôi đang ở nhà, mẹ con tôi đâu có phải cô đơn, sợ hãi như vầy. Tôi lại nhớ đến không khí Tết ở trong xóm mỗi độ cuối năm. Ba tôi mang hộp sơn xanh lá cây thật to sơn lại khung cửa trước và các cửa sổ. Bàn thờ được phủi bụi thay bông ni lông mới. Lư hương, chân đèn bằng đồng được lau chùi sáng loáng. Mạ tôi cũng như những người đàn bà trong xóm lo mua thêm gạo, mắm, bánh trái hoa quả. Nhà nào cũng làm mứt bánh. Tôi nhớ món mứt gừng ngọt lịm bỏ vào miệng nhai thật nhanh rồi nuốt liền vì cay quá, rót một tách nước trà đậm của ba tôi uống vội, nghe cổ họng mình vừa ngọt, vừa đắng, vừa cay thật tuyệt. Mạ cũng làm gừng dẻo. Gừng được xắt từng sợi. Khi làm xong ăn mứt dừa dẻo, uống nước trà nóng, không có gì thú vị bằng. Tôi cũng mê mứt me mạ làm. Mứt me vừa chua vừa ngọt cũng như mứt trái chùm ruột (có người gọi trái tầm duột) tôi hỏi mạ tại sao gọi trái chùm ruột, mạ nói trái nó dính vào như như chùm ruột (?) .
 
   Tôi cũng nhớ đến những bộ quần áo mới mạ dẫn anh em tôi đi mua vải, đưa cho chị Thu ở cuối xóm may cho tôi một bộ đồ bộ có bông hoa thật rực rỡ, anh tôi được một chiếc quần sọt màu xanh, áo trắng để vừa đi chơi, vừa đi học. Tôi được mua đôi guốc sơn mài mới có quai trong suốt, anh Hai tôi được một đôi giày sandal màu nâu. Tôi còn được mua một chiếc nón Huế bài thơ. Trong chiếc nón có bài thơ, có hình chùa Thiên Mụ. Tôi được chị thợ may, tặng riêng một quai nón màu tím có thắt nơ hai đầu nón . Tôi cảm ơn chị rối rít, đội nón trên đầu, rồi bắt chước các chị lớn hơn trong xóm, kéo nghiêng một bên làm duyên...
 
   Đang say mơ với giấc mộng thời thơ ấu, tôi giật mình vì có tiếng động trên mái nhà. Tôi e ngại nhìn chăm chăm vào bức vách dẫn xuống nhà bếp. Tôi chợt nghĩ đến bóng ma bà Tánh nói hôm trước. Tôi thầm lo “không biết con ma đó có thể leo vào cái lỗ hỗng ở nhà bếp không? nếu đó không phải con ma, mà là người thật thì sao? Tôi nhìn cái cây gác ngang an toàn của cái cửa và cảm thấy trong lòng thật bất an. Đêm hôm đó may nhà tôi về sớm hơn thường lệ thấy tôi đang ôm chặt con trong lòng, trên mí mắt còn long lanh giọt lệ. Không biết giọt lệ âu lo hay giọt lệ nuối tiếc thời trẻ thơ êm ấm..
 
   Chiều 29 Tết, tôi cũng đã chuẩn bị trong nhà thật tươm tất. Bà Thông bày tôi làm thịt đông, dưa giá. Kho thịt ba rọi với trứng vịt trong nước dừa tươi. Một nồi măng nấu vịt thật lớn. Bà Thông dặn đừng ăn ngày Mồng một, sợ thịt vịt xui, đợi đến mồng 2 hãy ăn. Tôi cũng bắt chước mạ ram một con gà và ram một miếng thịt heo thật vàng thật thơm cho đủ bộ. Tôi cũng chuẩn bị đầy đủ hoa quả, bánh trái để cúng giao thừa. Nhớ tới cúng giao thừa, tôi cũng hơi chột dạ. Bà Tánh nghe tôi nói sợ ra ngoài ban đêm, bà bày, cúng sớm sớm cũng được, tôi nói cái lỗ hỗng này cũng như ở ngoài, tôi cúng ngay ở đây được không? bà lắc đầu ‘’không được đâu, mấy ông thần Hành Khiển không vào nhà được. Mấy ông ấy đến để bàn giao việc dưới trần thế rồi ai lo việc nấy đi ngay, nên phải cúng ngoài trời. Bà nói thêm, hễ tôi rãnh, sẽ chạy qua với bà, hay là...bà nhờ bà Thông ra đứng với bà, thắp nhang xong là được rồi. Tôi lắc đầu ‘’thôi! bà Thông là Công Giáo, mình cúng kiến nhờ người ta làm chi, hễ bà có rãnh qua với tôi một chút thôi’’. Nhưng cũng như tôi, chắc bà nhớ tới cái hành lang dài hun hút đâm ra e ngại, nên tôi lại lui cui một mình thắp nhang xong, ù té chạy vào nhà, đóng cửa cài then sau trước và ôm con vào lòng chờ chồng về. Mấy ngày hôm nay có lệnh cắm trại một trăm phần trăm. Hàng ngày, đứng trước hiên nhà nhìn về phía quân đoàn, chỉ thấy những đoàn convoi chạy qua, chạy lại rầm rầm. Tôi cầu xin trời Phật cho mạ tôi đem được người giúp việc lên càng sớm càng tốt. Mạ thấy tôi viết thư nói sợ ở nhà ban đêm một mình, mạ xót xa chép miệng tội nghiệp con gái lấy chồng nhà binh phải xa cha xa mẹ, sống ở xứ gió bạt mây ngàn. Mạ viết thư nói qua Tết, mạ lên thăm và sẽ mang theo con bé giúp việc vừa đỡ đần cho tôi mà trong nhà cũng có người này người kia, lỡ đêm hôm tối lửa tắt đèn...
 
   Buổi sáng ngày Ba Mươi của năm Mậu Thân, tôi có gặp các bà trong cư xá lên xe, xuống xe thật tấp nập. Những nhà của các ông Thiếu Tá, đêu được tài xế lái xe jeep đi chợ mua sắm hàng Tết. Nhà tôi lúc đó mới tốt nghiệp từ trường Võ Bị, mang lon trung úy nên không thấy có xe riêng, thỉnh thoảng tôi được bà Thông rủ đi chợ hay đi phố chung, có khi bà thiếu tá Tường ở sát cạnh bà Tánh rủ tôi với bà Tánh cùng đi cho vui. Đi với các bà ấy tôi và bà Tánh hơi ngại vì các bà có chồng cấp cao hơn, lớn tuổi hơn nhiều và cũng kiểu cách hơn, nên tôi với bà Tài hay đi xe lam ra chợ. Đi ngang nhà ai cũng thấy đèn nến sáng choang, hoa mai, hoa cúc vàng ối, lính tráng về nhà sơn nhà, sơn cửa thật náo nhiệt. Tôi cũng đã mua được mấy chậu hoa cúc thật lớn để ở hai bên cửa. Chè, xôi cũng đã nấu xong, sửa soạn cúng Giao Thừa.
 
    Tuy không khí xuân có vẻ rộn ràng, nhưng có một điều gì không được hoàn toàn.Tôi nghe tiếng đại báo ì ầm đâu đó rất gần. Ban đêm thằng cu Nhân tôi ngủ không được yên giấc. Tôi tự nhiên bị mắc chứng mất ngủ. Nhiều đêm nằm thao thức chờ mong trời mau sáng. Mấy hôm nay tôi thấy nhà tôi và các sĩ quan trong cư xá không được về nhà thường xuyên nữa. Nhà tôi nói, hay là em qua nhà bà Thông ngủ tạm. Nhà bà đông, em sẽ đỡ sợ hơn. Tôi hơi ngần ngừ, nhưng nhớ tới những tiếng súng, tiếng đại bác và nhớ tới tiếng pháo kích khi còn ở nhà Tuy Hoà, tôi gật nhẹ đầu nhưng nói để đêm hết đêm nay, cúng giao thừa xong, mai em qua bên bà Thông vậy.
 
   Tôi chợt choàng tỉnh giấc, tôi hoảng hốt nhớ ra hôm nay là sáng mồng Một thì phải!? Đêm qua tôi trằn trọc không ngủ mới chợp mắt thôi. Trời đã sáng ngoài kia. Có tiếng súng nổ đâu đây như thật gần. Tiếng đạn kinh hồn quá. Có tiếng pháo kích rú ngang đầu. Tôi ôm con lăn vội xuống giưòng. Tiếng rít ghê hồn đi qua, rồi tiếng nổ vang trời. Tôi chợt sợ hãi muốn òa lên khóc, nhưng sợ con giật mình nên cắn răng thật chặt. Tôi lâm râm cầu khẩn Phật Trời che chở cho mẹ con tôi. Hình như đang có đánh nhau ở đâu đây, gần lắm. Việt Cộng có vào được thành phố hay không? Nước mắt tôi chảy dài, tôi nghĩ đến bao nhiêu người thân yêu giờ này đang làm gì nơi phố thị? chắc họ đang chuẩn bị một cái Tết bình yên hạnh phúc hơn tôi. Tôi chợt đến cái lỗ hỗng của trần nhà bếp! nêu có một tên Việt Cộng nào leo vào đó thì sao? Tôi run cầm cập. Hình như tôi đang bị sốt rét, mình tôi ớn lạnh. Tôi nhìn xuống, đứa con vẫn thiêm thiếp ngủ trong vòng tay của tôi. Tôi ôm chặt con vào lòng nghe tiếng súng đì đùng, tiếng moọc chê nghe ớn lạnh. Tôi lắng nghê tiếng động bên nhà bà Thông, hình như cả nhà cũng đã lăn hết xuống đất, thỉnh thoảng tôi nghe tiếng sột sọa thì thì thầm. Tôi vẫn lâm râm cầu khẩn cho mẹ con tôi được bình yên. Tôi mong tiếng súng dứt để chạy qua nhà bà Thông...
 
   Ngay hôm đó, tôi đem nồi, niêu, soong chảo, bánh mứt, mùng màn qua nhà bà Thông. Bà Tánh cũng đòi sang ở chung. Nhà bà Thông đã đông, nay có thêm hai mẹ con tôi và hai mẹ con bà Tài nhưng ông bà Thông có vẻ thật tình muốn chúng tôi ở chung cho đỡ sợ. Bé Loan, con thứ nhì của bà Thông thích thằng Nhân của tôi nên nó cũng vui. Chúng tôi được tin Việt Cộng đã chiếm nhiều tỉnh: Kon Tum, Ban Mê Thuột và đã chiếm nhiều nơi trong thành phố Pleiku. Chúng tôi còn nghe Việt Cộng đã vào nhiều khi gia binh bắt giết đàn bà con gái. Không biết tin thật hay tin nhảm, nhưng có người còn nói thêm, Việt Cộng thấy ai sơn móng tay, chúng nó sẽ rút hết móng. Bà Thông, bà Tánh và tôi vội vàng dùng acetóne chùi thật sạch. Khi màn đêm buông xuống, chúng tôi kéo mền gối xuống đất nằm cho an toàn. Nhưng những tiếng rít kinh hoàng của pháo kích làm tim tụi tôi thót lên đến cổ. Bà Thông trấn an ‘’khi tiếng pháo kích rít lên ngang đầu, có nghĩa là nói qua khỏi mình rồi, đừng lo’’. Tôi run run thì thầm ‘’V ậy nếu tiếng kêu mình không nghe thì nó ....’’Bà Tánh bịt miệng tôi lại ‘’ Cái miệng ăn mắm, ăn muối...không có đâu!’’ tôi thấy tay bà cũng run rẩy không thua gì tay tôi.
 
    Tin tức dồn dập đưa về từ các ông qua các bà loan chuyền với nhau thật là không vui chút nào. Chúng tôi đã ăn sạch tất cả những thức ăn nấu nướng trong ba ngày Tết, chỉ còn bánh chưng. Thằng con cả của bà Thông cắt những miếng bánh chưng thật mỏng vì đông người. Tôi nhai miếng bánh chưng thấy miệng mình thật lạt lẻo. Không khí chiến tranh lan tràn. Chúng tôi cũng nghe Việt Cộng đã tổng tấn công khắp nơi, chứ không riêng gì Pleiku. Tôi nhớ tới mạ và rưng rức khóc. Không biết Tuy Hòa ra sao? ba mạ, anh chị và cac cháu có bình yên không?
 
   Những ngày ở nhà bà Thông, tôi va bà Tánh nói về chuyện bóng ma bên hông nhà. B à Thông có vẻ thành thạo cho biết, đó là bóng ma một người Hời b ị t ình phụ n ên đã
quyên sinh. Sau khi chết không đ ược si êu thoát. Mặc dù bà là người Công Giáo nh ng bà khuyên tôi, nếu sợ thì h y cúng ki ếng cho oan hồn này, không chừng nó sẽ cứu độ
được nó đi đầu thai kiếp khác. Tôi định bụng sẽ làm như vậy khi mọi chuyện trở lại bình yên.
 
    Đến ngày mồng 4, chúng tôi cũng được biết tình hình có vẻ khả quan hơn. Nghe nói quân mình đã chiếm lại được hoàn toàn. Sau này tôi mới được biết Cộng Quân đã không tấn công vào Pleike kịp ngay trong đêm Giao Thừa như các nơi khác, vì tấn công khi mặt trời đã lên nên chúng đã bị quân đội ta đánh bật ra ngay khỏi các cứ điểm quan trọng. Tuy nhiên những đêm sau đó, chúng đã pháo kích vào các vị trí quân sự của VNCH và Hoa Kỳ. Tôi cũng được tin Cộng Quân tấn công Tuy Hòa đêm mồng 1 rạng mồng 2 Tết, chúng cũng pháo kích nhiều vị trí VNCH nhưng chỉ nội trong ngày mồng 2 chúng đã bị quân ta đánh bật. Tôi cảm tạ Phật Trời đã che chở cho ba mạ tôi. Tôi nhớ đến căn hầm chống pháo kích ba tôi xây ở sau căn nhà bếp. Mỗi lần nghe tiếng pháo kích, cả nhà vội vã chạy ra hầm. Trên hầm là bao cát. Hầm được đào sâu dưới đất. Ẩm ướt. Đôi khi trùn bò lổm ngổm làm tôi ớn lạnh cả mình. Mặc dầu ba tôi đã để nhiều đèn pin dưới hầm, nhưng ông lại sợ bóng đèn tỏa ra không tốt. Các nhà hàng xóm, nhà nào không có hầm chìm, thì làm hầm nổi. Bao cát bán chạy như tôm tươi.
 
    Đến ngày mồng 4 Tết, tôi dọn đồ đạc về lại căn nhà mình. Như vậy đó, tôi đón xuân năm Mậu Thân trong tiếng súng kinh hoàng, trong nỗi lo nghẹt thở. Cuối năm Mậu Thân, đứa con trai thứ nhì của tôi ra đời. Cháu được đặt tên là Hòa Bình. Hoà Bình là niềm mơ ước của tôi, của tất cả mọi người dân nước Việt. Ngày chúng tôi đang tị nạn tại Fort Chaffee, đêm đêm nghe tiếng hát của người lính vừa bị bắt buộc buông súng, cất tiếng hát thật buồn trong đêm ‘’...Rồi có một ngày, có một ngày chinh chiến tàn, anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao...vui cùng ruộng nương, cùng đàn trâu...mái tranh quê với chiếc cầu tre....’’ Ôi! hình ảnh quê hương hòa bình sao mà đẹp! Nhưng giấc mộng hoà bình chưa bao giờ người dân Việt đạt được. Ngày 30 tháng 4, ngày mà Văn Tiến Dũng gọi là chiến thắng mùa Xuân (lại mùa Xuân) đã không mang lại hoà bình, tự do no ấm cho toàn dân, mà chỉ thấy đảng Cộng Sản miền Bắc mang lại đau thương, chết chóc chia ly. 33 năm đã trôi qua, từ Tết Mậu Thân đến nay đã tròn 40 năm! 40 năm! máu và nước mắt người dân vẫn còn tuôn như suối. Hòa Bình ơi! Việt Nam ơi! Những lời kêu gào đau thương thống thiết của toàn dân đang vang dội khắp nơi. Những lời van xin, nguyện cầu này chắc chắn sẽ động đến đất trời. Đứa con Hoà Bình của tôi nay cũng tròn 40 tuổi và giấc mộng hoà bình của tôi vẫn chưa đến và giấc mộng của người lính bắt buộc buông vũ khí cũng vẫn còn xa tầm tay với ‘’...Rồi anh sẽ cùng em về thăm, một bia phím trong nghĩa địa buồn, bạn anh đó đang ngủ say...’’
 
    Chiều nay nhìn bóng đêm từ từ chụp xuông ngoài kia, tôi chợt thấy mùa xuân Mậu Thân của Pleiku lãng đãng mây ngàn năm xưa trở lại. Những người bạn của tôi:bà Thông bà Tánh nay ở đâu? còn hay mất? Bây giờ lại một mùa xuân nữa lại về nơi đất khách. Tôi trịnh trọng  đốt một nén nhang hướng về tổ quốc, cho những nạn nhân bị CS sát hại trong Tết Mậu Thân... Những trái đạn pháo kích đã giết hại biết bao nhiêu người dân vô tội... Trước thềm năm mới, một lần nữa, chúng ta nguyện cầu hồn thiêng sông núi, nguyện cầu các anh linh chiến sĩ phù trì cho công cuộc đấu tranh của người dân trong nước được thành công...Chúng ta sẽ về, về để xây dựng lại quê hương, xây dựng lại mộ phần bị mất.
 
   Tôi sẽ trở về thăm lại Pleiku. Không biết khu cư xá, nơi căn nhà tôi ở, cái lỗ hỗng có còn đó chăng? Cái bóng ma bà Tánh thấy chắc nay đã được đầu thai kiếp khác hay vẫn còn lang thang vất vưỡng nơi ngọn cỏ đầu cây? Tôi sẽ viếng một phần ba mạ và anh tôi để nói rằng “Hoà Bình đã thật sự trở về trên quê hương, dân tộc.
 
Thu Nga