Cha Mẹ Cú Đẻ Con Tiên

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

 

Truyện Ngắn

Cha Mẹ Cú đẻ con tiên

Thu Nga


Không biết người chồng đó tên thật là gì, hàng xóm chỉ kêu anh là Cụt vì anh cụt cả hai chân, còn người vợ được kêu là Ðào Bét vì hai con mắt chị bét chẹt (lúc ấy tôi cứ nghĩ chị tên Ðào nhưng sau nầy mới biết là không phải)

Anh Cụt, chị Ðào hình như đều là người Bình Ðịnh. Anh Cụt có gương mặt đen thui như bồ hóng, tóc tai bù xù, thỉnh thoảng mới được chị Ðào Bét mượn kéo cắt nham nham, nhở nhở chung quanh mặt và say gáy. Anh có đôi mắt sâu hoắm như hai lỗ giếng khô, cũng hơi ben bét. Tứ thời anh chị bận một bộ bà ba nâu. Hai chân anh nghe nói bị xe đụng và bị cưa đến đầu gối; vì thế, hai ống quần được cột túm lại ở chỗ đầu gối bị cưa. Anh Cụt di chuyển bằng cách lết, hai bàn tay được xỏ vào trong hai miếng cao su vỏ xe để chống xuống đất làm sức mạnh để di bàn tọa tiến hay lùi, đồng thời dưới đít anh cũng được mang một tấm ‘’cạc tông’’ dày để khỏi mòn quần.

Chị Ðào Bét có gương mặt hơi tròn, đôi lông mày rậm rạp nằm trên một đôi mắt bị bét- chắc là đã hết thuốc chữa. Cái mí dưới như bị kéo trệ xuống đỏ lòm, không ai muốn nhìn thẳng vào mắt chị cả. Tuy nhiên chị có nụ cười thật trẻ thơ, thật rạng rỡ. Chẳng buồn phiền, giận dỗi ai bao giờ. Mà làm gì chị dám buồn phiền và giận dỗi ai vì chị phải đi xin kiếm cơm ăn qua ngày, nếu không ai thuê chị làm việc lặt vặt như chùi nhà, giặt quần áo, quét chợ, quét sạp v...v...

Nhà tôi ở đầu xóm, cái chòi của chị nối ở cuối xóm, nên cũng coi như người cùng xóm. Mạ tôi hay sai tôi đem cho chị mùng mền, quần áo cũ như đồ ăn thức uống dư. Chị Hồng tôi có sạp bán quần áo con nít ở chợ và có hai đứa con gần bằng trang lứa với con chị Ðào Bét nên thường hay sai tôi chạy xuống cho quần áo cũ cho thằng Hư và con Nhát. Cả hai đứa bé đều có gương mặt dễ coi, chỉ có điều da thằng Hư đen thui và hơi mốc mốc.

Thật ra lúc đầu chị cũng được nhiều người thương tình kêu thuê làm đủ mọi việc như lau chùi, khuân vác, quét chợ, giặt giũ, nên chị kiếm được tiền lai rai nuôi hai đứa con dại-thằng Hư năm tuổi và con Nhát ba tuổi- và người chồng què quặt; nhưng thấy cặp mắt chị ghê quá nên người ta cũng không muốn lại gần sợ bi lây đau mắt. Sau chị đổi qua nghề bán trứng dít. Chả hiểu con dít là con gì dưới biển, tôi chỉ nhớ trứng dít khi luộc lên có màu trắng ngà như trứng gà, nhưng vỏ trứng mỏng và dai như ni lông, nhăn nhúm lại. Muốn ăn ta cắn một lỗ nhỏ rồi cứ như vậy, từ từ mút ra. Trứng có một vị bùi bùi, thơm thơm. Nhưng cũng như những công việc được thuê lặt vặt khác, người ta lại ghê ghê vì đôi mắt không được thẩm mỹ của chị và đôi tay của chị thì lại hay đưa lên dụi mắt nên nghề bán trứng dít luộc của chị cũng sập gánh. Lúc chị đi bán trứng dít luộc, một lần tôi thấy chị gánh đi ngang qua ngõ sau nhà con Liên khi tôi xuống nhà nó mượn sách. Tôi và nó đang đứng sau hè, dưới tàn cây khế. Tôi thích trứng dít lắm, nên mặc dù sợ nhìn vào đôi mắt tèm nhèm của chị, tôi vẫn kêu chị lại mua một cái, con Liên mua một cái. Chị hỏi tôi làm gì ở đây?, tôi nói:’’Em đi mượn sách chép bài’’. Tôi hỏi lại: ‘’Chị đã bán gần hết chưa?’’. Chị lắc đầu:’’Ế quá! chắc phải bán cả đêm’’. Con Liên chép miệng:’’Tôi nghiệp!’’. Tụi tôi còn nhỏ, tuy không gớm mắt bét của chị lắm, nhưng cũng không có tiền để mua thêm giúp chị. Có nhiều bữa gần đến khuya chị mới về tới căn chòi của chị. Anh Cụt và hai con đã ngủ lê, ngủ lết trên cái chỏng tre xiêu vẹo có ló chiếc chiếu rách teng beng.

Anh Cụt và chị Ðào Bét cất một cái chòi sau căn nhà bếp của anh chị Tư giặt ủi. Nghe nói lúc đầu chị Tư chửi bới không cho, đòi dở sập chòi nhưng khi thấy chị Ðào Bét khóc lóc gào than, chị Tư mới không làm dữ nữa, nhưng mỗi lần thấy chị Ðào Bét, chị Tư nguýt, háy, trong khi anh Tư lại tốt hơn, hay dúi cho thằng Hư, con Nhát vài cái bánh bò, bánh tráng dư của lũ con anh.

Có một điều kỳ khôi là con mắt anh Tư cũng hơi bét, và bà con trong xóm xì xào là anh Tư hồi trước ít bét nhưng vì anh có tình ý này nọ với chị Ðào Bét nên bị lây (?). Không chừng vì lý do này mà chị Tư ghét chị Ðào Bét như kẻ thù chăng?!

Còn anh Cụt ít khi đi ra khỏi chòi lắm. Chị đi xuống chợ, quét dọn hay xin ăn kiếm tiền mua gạo, anh Cụt ở nhà giữ con. Anh vét một chén cơm nguội trong cái nồi đất den đặc lọ nghẹ, chan vô một tí nước cá kho, nói là cá kho nhưng không thấy cá đâu hết, chỉ thấy còn sót lại vài cái đầu cá cơm nát vụn trong một lớp nước đen sền sệt. Anh đút cơm cho con Nhát, mỗi một muỗng anh phải chu miệng lại với con:’’Ùm!’’ Con bé không chịu hả miệng. Anh nhắc lại:’’Ùm! ùm đi con!’’. Con bé lắc đầu, dỗ mãi không được, anh đâm bực lấy bàn tay đập vào cái mông của nó một cái đâu quắn đít. Con Nhát ré lên, anh càng hét, con Nhát lại càng khóc to hơn. Nó ngồi giãy đành đạch dưới nền đất bụi bặm, dơ bẩn. Anh quăng mạnh chén cơm chan nước cá xuống đất, nhưng may quá, cơm không đổ ra ngoài, thằng Hư đang ngủ trưa trên cái chỏng tre, giật mình thức giậy, tính léo xuống lấy ăn thì con vện của anh Tư giặt ủi đã đi vào liếm sạch bách. Anh Cụt tính đánh thêm vài cái vào mông con Nhát để nó nín, thấy con Vện đã liếm sạch chén cơm, anh quay lại đập cho con chó một cái đích đáng vô hông, con chó kêu oăng oẳng chạy mất. Con Nhát nghe tiếng kêu đau đớn của con chó, sợ hãi ngồi vụt dậy đu vào cổ của cha. Anh quên mất đang giận con, lấy hai tay ôm chặt nó lại. Anh quay sang hỏi thằng Hư:

--Mầy muốn ăn cơm phải hông? còn một dề cơm cháy dưới đáy nồi, tao lấy cho ăn nghen?’’.

Anh Cụt hay nhìn lóng ngóng ra đường chờ chị Ðào Bét, khi vệt nắng chiều đã tắt từ lâu. Khi nào may mắn được người thuê quét dọn, chùi rửa sạp, chị ghé mua chai mắm nêm, vài cái bánh tráng nướng mè, mấy cái bánh ướt sau khi mua vài lon gạo để dành. Anh thương chị cực khổ hơn anh, nhưng anh biết làm saon hơn với hai cái chân cụt? Bây giờ chị lại có chửa, bụng đã khá to. Anh thở dài. Tiền đâu mà nuôi thêm một miệng ăn? Mấy lúc này, hàng xóm, láng giềng đã xầm xì:’’Giàu có đẻ không nói gì, ăn mày không đủ nuôi miệng mà sao đẻ lắm thế?’’Có kẻ còn ác độc hơn:’’Thằng chồng què làm gì còn sinh con được? Ðồ ăn mày thối tha!’’.

Chị Ðào Bét biết họ chửi rủa, trù ẻo chị đủ thứ nhưng chị không buồn, chị chỉ lo không đủ tiền nuôi chồng con thôi. Chị chạy đầu nọ, chạy đầu kia, xin làm đủ thứ việc, không từ một việc gì. Hôm nào không có việc, chị dắt con đi xin ăn thật xa. Còn hàng xóm của chị, thì chị không dám. Khi nào họ muốn cho thì họ lại cái chòi của chị cho vài lon gạo, một chén mắm, chén mỡ, vài cái bánh tráng, một ít dầu hôi để đốt đèn. Ðôi lúc trong đêm khuya khoắc, hàng xóm nghe văng vẳng tiếng hát ư ử của chị. Nghe kỹ mới biết chị ca kiểu hát Bội. Có khi chị là Ðắc Kỷ lên giọng nỉ non xin Bá Ấp Khảo đừng hạ lưỡi đao kết thúc đời một con chồn yêu quái. Khi thì chị là Phàn Lê Huê, giận dữ với Tiết Ðinh San, có lúc chị là Ðiêu Thuyền đang giỡn hớt với Lã Bố...nghe cũng hấp dẫn lắm.

Chỉ có một mình chị Tư giặt ủi là không muốn nghe chút nào. Chị đi ra, đi vô chửi ‘’cái con xướng ca vô loài không cho hàng xóm ngủ, cái đồ đào thúi, đào lẳng, đào mất nết, đào ăn mày...’’ đủ thứ danh từ chị gán cho chị Ðào Bét. Có một lần tôi tình cờ thấy con Nhát kéo lê dưới đất một cái khăn choàng màu đỏ như khăn choàng của mấy cô đào hát lúc diễn làm công chúa hay hoàng hậu gì đó- vì tôi cũng hay được mạ dẫn đi coi hát bội và cải lương nên thấy cái khăn choàng đó giống lắm. Con Nhát mới lôi ra đến ngoài sân, chị Ðào Bét mới đi chợ về, chị chạy lại giật cái khăn làm con Nhát té chúi mũi, chị còn xáng cho nó một bạt tai xiểng liểng rồi đem cái khăn chạy vội vào trong lều, giở chiếc chiếu rách nát dưới gậm giường, cuốn cái khăn màu đỏ chói lại. Mắt chị mơ màng như sương khói, nét mặt u buồn chứ không có vẻ giận dữ nữa. Chị ôm con Nhát đang dãy đành đạch dưới đất vào lòng, hát nho nhỏ dỗ dành như hối hận vì đã lỡ tay. Anh Cụt mặt cũng tối sầm lại nhưng không nói nửa lời.

Có lần xuống nhà con Liên làm bài đến tối mịt tôi mới ra về. Từ nhà con Liên tôi phải đi ngang qua khu nhà thương thí, rồi từ nhà thương, phải đi ngang qua khu nhà xác. Buổi tối đi ngang qua ngã tư này rất ớn xương sống. Ngoài cái nhà xác ra, bên kia góc đường là những cây vông đồng. ban ngày không một tia sáng mặt trời lọt vào, ban đêm thì âm u và rùng rợn! Ðã vậy còn nghe nói ban đêm người ta đi ngang qua mấy cây vông đồng nầy hay thấy ma đánh đu trên đó (?). Có người bảo khi đi ngang qua đó, còn nghe tiếng ma nói chuyện rù rì. Còn một góc đường thì tối thui, dẫn vào một cái ‘’xóm di cư’’, đèn đuốc lù mù như ma trơi. Ði thêm vài bước nữa là trường Quân Dân Chính. Trường này cũng bị đồn là có ma. Thiên hạ còn kháo nhau, đêm hôm khuya khoắc có tiếng ma học trò ê a và có tiếng thước kẻ đập lọc cọc giảng bài. Tôi chân thấp, chân cao vừa đi, vừa chạy. Khi ngang qua cái bóng thâm u của cây vông đồng thì tôi nghe có tiếng lào xào. Hồn vía tôi bay lên mây. Có tiếng cười khúc khích. Tôi ân hận vì anh Cường của Liên hỏi tôi muốn anh đưa về không, tôi lắc đầu nói cho oai:’’Dạ không!’’. Trong khi mới đi ngang qua dưới tàn cây khế của nhà nó thì trống ngực đã đánh liên hồi rồi.

Thật ra hồi chiều tôi tính qua nhà con Khanh làm bài chung với nó nhưng từ nhà con Khanh về, tôi phải đi qua một cái ngõ nhỏ dài heo hút, mà cái ngõ đó có nhiều cây duối cũng um tùm, thâm u không kém; hàng xóm cũng đồn ở cây duối có con ma cụt đầu, chống nạng. Họ còn nói chắc như đinh đóng cột, con ma lính Pháp! Con ma không đầu hay xuất hiện ban khuya, chống nạng lạch cạch đi cùng làng cùng xóm rồi nhảy lên cây duối đánh đu. Thành ra đi tới nhà đứa nào tôi cũng kẹt, nhưng không đi thì thiếu bài vì tôi mới đau nên đã nghĩ mất một buổi.

Lúc đầu tôi bước mau, sau nghe có tiếng chân đi sau lưng, tôi bắt đầu chạy lúp xúp, vừa chạy vừa thở, sách vở kẹp ở tay gần rớt xuống đất. Tôi quay đầu ra sau nhìn. Ối trời ơi! dưới tàn cây vông đồng có hai bóng đen thui, hình như là một người đàn ông và một người đàn bà! Tôi vẫn chạy. Bỗng có tiếng gọi:

--Phượng! Phượng! phải phải không? làm gì chạy dữ dzẩy!?

Tiếng nói có vẻ quen quen, nhưng tôi không ngừng lại. Tiếng nói đuổi theo:

--Phượng! chị Ðào Bét đây mà! chờ chị ‘’dới’’, đừng sợ!

Lúc đó tôi mới hoàn hồn đứng lại nhìn lui. Tôi thở không ra hơi:

--Chị làm em mất hồn đây nì. Có phải chị đứng dưới gốc cây vông đồng đó không?

Chị ngập ngừng nói:

--Phải.

Tôi hỏi tiếp:

--Chị làm chi dưới đó? Ai đứng với chị rứa?

Chị im lặng một giây:

--Ðâu có ai đâu nà?!

Tôi vẫn thắc mắc:

--Em thấy rõ ràng mà! Bóng một người đàn ông! Bộ chị không sợ ma răng?!

Chị lãng sang chuyện khác:

--Chị mới đi làm công chiện dìa, chị đi ngang qua đó ‘’thâu’’ mà. Có gì mà sợ! con nhỏ nhát dữ hén!

Sau đó tôi quên mất câu chuyện. Ðến ngày chị Ðào Bét sinh con, hàng xóm lại bàn tán xôn xao. Không biết người ta khen hay chê khi nói:’’Cha mẹ cú, sanh con tiên’’ vì đứa con trai được đặt tên rất đàng hoàng là Dũng chứ không phải tên xấu xí như hai đứa lớn. Ðứa bé có cặp mắt đen lay láy dưới đôi lông mày rậm như của chị Ðào Bét. Nước da nó lại trắng tươi. Người ta tới thăm chị, vì lòng từ thiện cũng có mà vì lòng tò tò thì nhiều hơn. Chị Tư giặt ủi cũng đem cho chị Ðào Bét mấy cái khăn lông rách để nhìn mặt thằng bé mới sanh. Chị Tư chằm bằm soi mói coi từng sợi tóc, móng tay. Nghe nói chị muốn điều tra coi thằng Dũng có giống anh Tư tí nào không- Vì sau đó chị về nhà liếc ngang, liếc dọc nét mặt của chồng. Chị nói kháy:

--Làm sao mà nó lại đẻ ra một đứa con đẹp quá dậy hổng biết?!

Thấy anh Tư nín khe, chị tiếp:

--Không biết có lộn giống, lộn chuồng gì hông!?

Thấy chồng vẫn không hé môi, chị nổi sùng:

--Bộ anh điếc hay sao không trả lời tui?

Anh Tư chưng hửng:

--Má mầy nói cái gì ai biết mà trả lời, trả vốn?!

Chị Tư hứ một tiếng thật lớn:

--Phải! anh đừng có làm bộ! Tui hỏi anh tại sao con Ðào Bét đẻ đứa con không giống nó, cũng không giống chồng nó tí nào là sao?

Anh Tư càng chưng hửng hơn:

--Sao tự nhiên má mầy hỏi chuyện lãng nhách! Làm sao tao biết được?!

Chị Tư bực tức:

--Anh không biết thì ai biết?!

Chú Chín đạp xích lô cũng bị vợ hạch hỏi:

--Dạo này tôi thấy anh hay ghé vô chòi vợ chồng con Ðào Bét chi vậy?

Chú Chín vừa vấn điếu thuốc lá vừa nói:

--Thì thấy tụi nó tội nghiệp đem cho nó mấy lon gạo với lon sữa bò chớ làm gì.

Thím Chín to giọng:

--Ai biểu ông?!

Chú Chín nổi quạu:

--Tui làm phước mà phải xin phép bà nữa sao?

Thằng Dũng càng lớn, càng đẹp. Ngoài đôi lông mày rậm được thừa hưởng của mẹ, nó không có một nét gì gọi là giống con của anh Cụt và chị Ðào Bét. Anh chị vẫn cực khổ, lây lất sống qua sự bố thí của mọi người ở xa cũng như ở gần. Anh Cụt đâu có đui để không thấy những cái nhìn soi mói vào mắt vào mũi của cho con anh và anh cũng không điếc để không lọt vào tai nhưng lời nói không đẹp như:’’Mắt của thằng Dũng sao giống thằng Trư con vợ chồng Tư Giặt Ui quá hén?’’ Hoặc:’’Mẹ! cái miệng thằng nhỏ không phải là miệng của Chín Ðạp Xích Lô thì của ai nữa!’’. Bà Lãng cuối xóm vừa nhai trầu, vừa thủng thẳng nói:’’Người ta nói cha mẹ cú, đẻ con tiên, cha mẹ hiền, sanh con dữ, có gì lạ mà mấy người nhiều chiện dữ dậy hổng biết!’’. Thím Chín nghe được lên giọng:’’hứ! cha mẹ cú sinh con tiên cái cù loi tui, con lộn giống, lộn giòng thì có!’’

Một đêm gần sáng, có tiếng la thất thanh từ trong căn chòi lá của anh Cụt và chị Ðào Bét phát ra. Tiếng la to quá đánh thức cả xóm dậy. Tôi cùng mạ tôi chạ xuống cuối xóm coi có chuyện gì. Chị Bét đang lăn ra giữa chòi kêu khóc thảm thiết. Hàng xóm láng giềng người câu này, kẻ câu kia mới biết có người đã bắt cóc con chị đem đi khi cả nhà chị đang ngủ. Trái với chị đang la khan giọng, anh Cụt nhìn xuống nền đất đen, tay ôm con Nhát, im lặng trầm ngâm, lại có vẻ chịu đựng. Mắt anh đỏ hoe. Tôi nhìn quanh thấy người lớn xì xào, to nhỏ. Tôi hỏi mạ:

--Răng không báo cảnh sát để họ tìm thằn Dũng hả mạ?

Mạ tôi lắc đầu:

--Không làm chi được mô! Con của người ta thì người ta bắt lại, mần răng được chừ!

Tôi thắc mắc:

--Con ai mạ? Con của chị Ðào Bét với anh Cụt mà?! Răng người ta lại bắt con của anh chị đi tội nghiệp rứa?

Mạ tôi nạt ngang:

--Con nít biết chi!

Có tiếng chanh chua của thím Chín, vừa mới bước đến trước căn lều:

--Tui đã nói ‘’rầu’’ (rồi)! Thằng Dũng mà là con của thằng Cụt thì tui đi đầu xuống đất! Tui đã nói từ lúc thằng nhỏ mới đẻ mà không ai tin tui. Ở đó mà ‘’cha mẹ cú, đẻ con tiên!’’ Cái đồ xướng ca, dô lại, đáng kiếp!

Thím còn tính nói nhiều nữa, nhưng có một giọng cười gằn của chú Ba Rô cất lên:

--Không biết thì im mẹ nó có miệng thúi lại. Con người ta bị bắt cóc không thương còn nói chuyện dô diên! Ðứa nhỏ bị bắt cóc là thằng Hư, đứa đầu chớ đâu phải đứa mới sanh là thằng Dũng đâu mà làm tài khôn! Cái miệng thất nhơn, ác đức!

Thím Chín mắc cỡ nói nhỏ:’’Dẩy na?!’’ (vậy à) rồi lủi đi mất. Lúc đó tôi cũng mới biết đứa bé bị bắt cóc mang đi là thằng Hư chớ không phải thằng Dũng. Trí óc non nớt của tôi cũng không thể nào đoán nổi câu chuyện khúc mắc đau lòng của chị Ðào Bét được.

**

Hơn hai mươi lăm năm sau, từ cái đêm hôm đó, tôi gặp người bạn cũ ở xóm xưa là con Nam, mới từ Washington dọn đến Texas. Hôm đó đọc báo thấy có vụ tráo con, đổi con, cha mẹ không biết đứa nào mới đúng là con mình, sau phải đi thử nghiệm mới chắc ăn. Tôi nhớ lại câu chuyện thằng bé Dũng, mà hàng xóm hồi đó không biết chắc có phải con của anh Cụt hay không, tôi hỏi Nam:

--Ê Nam! mi nhớ anh Cụt với chị Ðào Bét không? Hồi đó chị sinh thằng Dũng, người ta nói nó không phải là con anh Cụt. Phải chi lúc đó văn minh như bây chừ, chỉ cần đi khám nghiệm là biết liền phải không mi?

--Ừ! nhưng mầy quên một điều, là người ngoài không biết có đúng là con anh Cụt hay không, nhưng anh Cụt và chị Ðào Bét phải biết chứ! nhất là chị ấy!

--Thì dĩ nhiên là vậy rồi!...Nhưng không biết ai đã bắt mất đứa con lớn của anh chị? Và nếu người ta nghi thằng Dũng không phải là con của anh Cụt thì tại sao họ lại không bắt thằng Dũng mà lại bắt thằng Hư?

Con Nam ngạc nhiên:

--Bộ mày không biết gì thiệt sao? Chị Ðào Bét hồi xưa là đào chánh của gánh hát bội Huỳnh Long...

Tôi thầm nghĩ thật nhanh:’’Hèn gì người ta gọi chị là ‘’Ðào’’, ‘’Ðào’’ là đào hát chớ không phải tên chị là ‘’Ðào’’, sao hồi đó mình khờ quá vậy không biết’’.

Tiếng con Nam vẫn tiếp tục, cắt giòng tư tưởng của tôi:

--...Vì đau mắt hột mà không chữa trị đúng lúc nên chị bị bét, phải bỏ nghề. Lúc đó chị là vợ nhỏ của ông Khìa, xã trưởng Mỹ Thạnh. Vợ lớn ông này đã mười năm lấy ông mà không sanh con trai, chỉ có hai đứa con gái. Nhưng chị Ðào Bét nghĩ ông Khìa mê chị vì chị là đào chánh, nhan sắc mặn mòi, nhất là dưới ánh đèn sâu khấu, nay đôi mắt chị bị bét như vậy, biết ông có còn thương chị nữa hay không. Lúc đó chị có mang thằng Hư rồi mà chị không biết. Chị bỏ gánh hát, bỏ làng đi xứ khác, rồi ưng anh Cụt. Ông xã Khìa nghe chị sanh con của ông nên ông đi lùng tìm chị.

Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tôi bỗng nhớ đến hai bóng người dưới gốc cây vông đồng năm xưa mà lúc đó tôi tưởng mình thấy ma. Tôi nhớ đến dáng vẻ lúng túng của chị Ðào Bét khi tôi hỏi chị đứng với ai dưới gốc cây. Tôi lại nhớ đến câu nói ác độc của những người hàng xóm không có tình người. Tôi hỏi Nam:

--Sau đó gia đình anh Cụt và chị Ðào Bét sống ra sao?

--Ừ!Tao nhớ gia đình mầy đi vô Nha Trang sau cái đêm đó không lâu nên mầy không biết, anh Cụt lên cơn thương hàn rồi chết, cả xóm thương tình hùn tiền mua hòm chôn cất và giúp đỡ chị Ðào Bét rất nhiều để nuôi con. Có một chuyện mà mầy không ngờ là thím Chín sau nầy thương thằng Dũng lắm, thím nhận thằng Dũng làm con nuôi sau khi anh Cụt mất. Mỗi lần nựng thằng Dũng, thím hay nói:’’Tổ mẹ mầy! đúng là cha mẹ cú đẻ con tiên, sao mầy dễ thương dzẩy không biết!’’

Chuyện nầy thật tình tôi không thể nào ngờ được! Mà ở đời có thiếu gì chuyện không ngờ!

Thu Nga