MÀU HOA TRONG KÝ ỨC

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Thu Nga
 
Bây giờ là tháng mấy? Sao bầu trời vẫn xanh, sao mây kia vẫn trắng, nhưng sao bầy chim di lại bay lượn từng đàn như đang muốn tìm về tổ ấm? Nhà của chúng ở đâu? chúng nghĩ gì khi đôi cánh đập không ngừng trên không gian mònh mỏi? Đàn chim kia sẽ có một ngày tìm được cội nguồn chăng? Tôi lẩn thẩn rồi, hay tâm trí đã bị “mất thăng bằng” nên ngày tháng đôi khi cũng lộn xộn như mới giấy tờ nằm ngổn ngang trên bàn làm việc. Tin tức từ Việt Nam càng ngày càng tồi tệ, Cộng Sản cướp nhà, cướp đất của người dân khốn khổ, bán đất dâng biển cho quan thầy Trung Cộng, sang đoạt đất đai, đàn áp giáo xứ Thái Hà! 33 năm đã trôi qua và nước mắt người dân Việt vẫn tuôn trào như suối!
 

Còn tôi, đã hơn 33 năm rời xa tổ quốc kể từ ngày “Tổ quốc vấn khăn tang mây che phủ đầu trên thành phố thân yêu, xóm làng thị trấn thân yêu...” Tiếng hát như nghẹn ngào uất hận của ca sĩ Việt Dũng phát từ làn sóng phát thanh của một đài Việt Ngữ làm mắt tôi như có một màn sương che phủ. Định làm một công việc quan trọng nhưng không còn thích thú nữa, tôi bỏ ra ngoài sân, ngồi xuống cái ghế đá bên cạnh hồ cá.Nhìn đàn cá Koi bơi lội nhởn nhơ dưới mặt nước mà tâm hồn như để đâu đâu. Buổi chiều chầm chậm tới. Vài cánh bông red buds từ cành rụng, bay đậu lên mái tóc. Tôi nhìn lên tàn cây, trời đã sập tối, những bông hoa cũng vẫn còn nhìn loáng thoáng màu tim tím mặc dù có tên là nụ đỏ. Những bông hoa làm một vết thương khác...vết thương này cũng đã tưởng liền da, nhưng chợt từ trong tiềm thức bừng chợt dậy làm lòng tôi tự nhiên trùng hẳn xuống. Hoa khế rụng! Red buds rụng! những nụ hoa nhỏ lửng lơ bay nơi khu vườn của người bạn học tên Liên và của người đã làm tâm hồn ngây thơ của tôi một lần xao xuyến.
 
Sau vườn nhà Liên có nhiều cây khế, khế ngọt, khế chua đều có hoa giống nhau, chỉ khi nào hái ăn mới biết cây nào chua, cây nào ngọt. Những chùm hoa khế nhỏ li ti. Tôi và Liên hay ngồi bên thềm xi măng gần miệng giếng, tán gẫu cười khúc khích. Mặt trời đã bắt đầu xê xế về tây. Một vài tia nắng le lói dọi ánh sáng qua các lùm cây rậm rạp. Nhà Liên ngoài khế ra, còn vô số trái cây khác như ổi, mận, chùm ruột, cam và một hàng dừa dọc hàng rào. Ba Liên lại trồng đủ thứ hoa, mùa nào hoa cũng rực rỡ; nhưng tôi lại thích màu hoa khế. Chùm hoa khế mang một dáng vẻ mộc mạc đơn sơ nhưng rất duyên dáng, mặn mà. Mỗi lần có cơn gió thổi qua, những cánh hoa khế nhỏ bay đậu đầy trên sàn xi măng..
 
Đến mùa khế, những chùm khế to, mọng nước treo lủng lẳng trên đầu hai đứa. Liên bẻ 2 trái vừa chín. Nó không muốn vào nhà lấy dao rọc cạnh khế, nên hai đứa dùng răng gặm hết các khía của trái khế thật sạch sẽ, xong mới bỏ vào miệng cắn từng miếng nhỏ. Tôi lắc đầu khi nếm một trái khế ngọt:”khế này lạt nhách, mi hái thử cây khế kia đi”. Liên đứng giậy, nhảy lên chụp một chùm khác của cây khế bên cạnh. Hai đứa lại nhăm nhăm mấy cạnh khế rồi lại nếm thử. Tôi gật gù:”mi thấy chưa! me với khế phải chua chua như ri ăn mới thấm!”. Những hột khế nhơn nhớt giữa ruột khế, hai đứa vừa ăn vừa nghe buổi chiều trôi qua trong sự thanh thản êm đềm. Qua khung cửa sổ nhà Liên, tôi thấy bóng của một người mà tôi vừa muốn thấy mặt, vừa run không dám đối diện... tim tôi chợt trượt đi một nhịp...
 
Trong nhà Liên bắt đầu có tiếng khua dọn lào xào. Chị Lan, chị cả của Liên qua khung cửa sổ thấy lăng xăng chuẩn bị cho buổi cơm chiều. Liên mời tôi ở lại ăn cơm. Tôi lắc đầu ...nhớ tới việc phải đối diện với thầy Quý, thầy dạy Việt Văn của tụi tôi. Thầy Quý rất thương học trò nhưng nghiêm nghị. Tôi ỷ là bạn của Liên là em của thầy nên đôi khi cũng nhỏng nhẻo như nó. Tôi chỉ thích ăn cơm ở nhà dưới chỉ có tôi với nó và chị Lan. Ăn cơm thì ít, nói chuy ện và nghịch ngợm nhiều hơn. Nghịch đến độ chị Lan dọa sẽ mét thầy cho 2 đứa điểm vịt lộn. Tôi le lưỡi ra vẻ sợ sệt. Tôi nhớ ánh mắt thầy khi giảng Việt Văn. Lớp học im phăng phắc. Con trai chăm chú không còn nghịch ngợm, con gái say sưa như uống từng khuôn vàng thước ngọc từ đôi môi thầy. Đôi mắt thầy sâu thẫm dưới hai hàng lông mi đậm nét...thầy giảng say mê, để hết tâm hồn vào áng văn tuyệt tác của Nguyễn Du.. tuy vẫn nghiêm nghị nhưng trong cái sâu thẳm của đôi mắt, tôi lại thấy những nét thâm trầm, kỳ lạ, đôi khi lại có vẻ âu yếm nữa nhất là khi thầy cười với hàm răng thật trắng... đôi mắt, h àm răng... làm cho cô học trò mới 17 tuổi, đáng lẽ vẫn còn bé bỏng ngây thơ chợt xao xuyến, bâng khuâng.   Tôi đã có những giây phút sung sướng như vậy với Liên,..cho đến một ngày...
 
 
 Không tìm thấy Liên trong nhà, trời đã chạng vạng tối, tôi vội chạy ra vườn, nghĩ là nó đang học bài ngoài đó. Tôi thấy có bóng người thấp thoáng ở dưới cây khế, tóc cũng xỏa dài như nó, tôi chạy a lại tíu tít nhưng bỗng khựng lại vì khi người đó quay lại , một mái tóc dài che một bên mặt  của Thúy Ái, cô bạn cùng lớp đệ tam nhưng cô học ban A còn tôi và Liên học ban C. Thúy Ái có vẻ giật mình, nhưng Thúy Ái vừa lấy lại bình tĩnh thì tôi càng giật mình hơn vì bóng tối chớp nhóa tôi không thấy thầy Quý đang đứng tựa cạnh giếng!
 
À thì ra lời đồn xôn xao thầy Quý và Thúy Ái có tình ý với nhau là có thật sao?! Có lẽ thấy thái độ luống cuống của tôi, thầy Quý sửa lại vẻ mặt trước đó tươi tĩnh, nghiêm nghị trở lại và nói:’’Ngân đi tìm Liên phải khôn? Liên qua nhà mệ Báu, sắp về rồi. Ngân vô nhà chờ hỉ”. Tôi đi như giật lùi, tránh nhìn đôi mắt thầy, mà chắc gì còn nhìn được vì bóng tôi mênh mông lan tràn khắp khu vườn chỉ còn bóng trăng nhờn nhờn đang tỏa xuống. Tôi cũng quên không chào Thúy Ái, tôi quay lưng lắp bắp:”dạ không răng mô, em về, mai tới...”. Tôi nghe tiếng thầy Quý ầm ừ gì đó.
 
Sáng hôm sau tôi không nhìn thầy Quý giảng bài. Tôi làm bộ cúi xuống đọc sách. Mà tôi có đọc được hàng nào đâu! tôi thấy mái tóc che nửa mặt Thúy Ái. Tôi thấy gương mặt loang loáng bóng trăng của thầy dưới tàn cây khế. Tôi cũng nghe tiếng rù rì của mấy đưa bạn nói thấy thầy Quý chở Thúy Ái trên xe vespa của thầy. Tôi cũng nhớ đến gương mặt con Nga, ngồi đầu bàn bên kia. Hình như con nhỏ này cũng vấn vương vì đôi mắt huyền bí của thầy Quý- vì sau khi nghe tụi bạn nói chuyện, gương mặt nó đờ đẫn, tôi thấy nó bỏ đi lửng thửng một mình ở góc sân trường. Không biết có bao nhiêu đứa học tr  bị chi phối bởi đôi mắt của thầy?!
 
Tôi không đến nhà Liên thường xuyên nữa! tâm hồn non nớt của tôi bị thương. Thầy Quý vẫn thao thao giảng Việt văn, hết Kiều đến Chinh Phụ Ngâm, cả lớp vẫn say sưa theo dõi lời thầy.  Thầy vẫn nói chuyện với tôi một cách thương mến...nhưng tôi không thể làm tự nhiên với thầy được. Liên hỏi sao không thấy tôi đến chơi thường nữa, tôi nói mạ la con gái đi mô hoài không tốt. Nó còn nói thêm “Anh Quý nói răng không thấy mi lại chơi”. Tôi buột miệng “thầy Quý nói rứa à”. Nó trợn mắt “không lẽ tau nói láo với mi? chiều mi lại hí?”. Tôi bặm môi lắc đầu. Tôi nhất định không muốn tới nhà nó, không muốn nhìn thấy qua khung cửa nữa. Tôi chỉ muốn nhìn Thúy Ái để xem những sự thay đổi trên gương mặt của nó. Hình như nó cũng hay nhình trộm tôi. Một lần đi ngang qua lớp Thúy Ái, nó nhìn tôi tính nói chuyện, nhưng tôi giả bộ ngó lơ. Đôi lúc tôi tự trách sao mình xấu quá, nhưng tôi không làm sao xóa bỏ hình ảnh Thúy Ái và thầy Quý dưới bóng cây khế sau vườn.
 
Khi thời cuộc bắt đầu sôi động với các buổi biểu tình xuống đường của Phật Giáo ở Huế, thầy Quý đã từ bỏ gia đình tại Tuy Hoà và không thấy trở lại trường xưa. Liên buồn buồn báo cho tôi biết, khi hai đưa ngồi dưới tàng cây khế, thầy Quý ra đi theo lý tưởng của thầy. Sau này tôi mới biết, lý tưởng của thầy là đi theo yễm trợ nhóm sinh viên phản chiến, thân Cộng. Chính thầy là một trong những nhóm người xách động, hô hào, người dân Huế đem bàn thờ Phật ra đường cản bước xe tăng hành quân của lính Việt Nam Cộng Hòa. Tôi nhìn lên cao. Cây khế đang trổ hoa. Những bông hoa nhỏ rung rung trong cơn gió nhẹ. Một bông hoa đậu ngay lên tóc Liên. Tôi đưa tay bắt lấy. Nó hỏi “mi nhớ anh Quý phải không?” tôi giật thót mình, hỏi một câu ngu muội: ”răng...răng mi biết...”. Nó cốc lên đầu tôi nói kiểu kẻ cả:” ôi dào! tau đi guốc trong bụng mi, cái mặt đờ đẫn của mi dấu ai được!”. Tôi mắc cỡ ngồi im. Nói thành thật nói Thúy Ái bỏ anh Quý, nên anh mới đi luôn, nêu không chắc anh về dạy lại rồi. Con nớ đoảng hậu! phải chi anh Quý thương mi! Lòng tôi nhói đâu. Phải chi anh Quý thương tôi! Nụ cười của tôi méo xệch. Nó thương hại ôm vai tôi vỗ về như người chị:’suỵt...suỵt đừng khóc....bây chừ anh không nhớ tới ai đâu...mạ bệnh anh cũng không về, ba tau đánh điện tín mấy lần, anh cũng không trả lời...”
 
 Tôi trưởng thành với thời cuộc. Khói lửa vẫn lan tràn với những đoàn công voa chạy rầm rầm trong thành phố. Những đứa con gái cùng thời với tôi đã lên xe hoa. Có đứa rời thành phố nhỏ Tuy Hòa để đi đến những miền xa xôi khác. Có đứa trở thành góa phụ thơ ngây. Tôi cũng theo chồng lên tận xứ cao nguyên Pleiku. Từ Pleku chồng tôi lại vào SàiGòn rồi năm 75, theo vận nước nổi trôi, tôi mất ba, mất mẹ, mất anh, mất bao nhiêu bạn bè thân thuộc và mất luôn cả cây khế tuổi mộng mơ...tôi theo đoàn người di tản lưu lạc đến đây đã 33 năm kể từ ngày “Tổ quốc vấn khăn tang...”
 
Một lần nghe bài hát “quê hương là chùm khế ngọt” tôi mỉm cười chua chát. Chùm khế nay được CS chăm bón không còn là chùm khế ngọt mà là một cây khế đầy sâu. Vì ăn cây khế đầy sâu nên trẻ thơ  không còn lớn nữa vì cây khế đầy sâu nên thầy Quế từ một ông thầy uyên bác, giạy những áng văn chương óng ả  bỗng nhiên thầy quên cha, quên mẹ, quên em, mẹ đau không cần biết, cha gọi không buồn thưa, đi theo lũ ng ười
không tim óc, thờ phượng chủ nghĩa vô thần. ‘’Quê hương là chùm khế ngọt...’’ nghe sao thật lắm ngậm ngùi. Chùm khế ngọt treo lửng lơ trên đầu người dân đói khổ và dưới chân cây khế là những cạm bẫy, hầm chông. Chùm khế ngọt chỉ có thể hái ăn được khi gốc cây khế được vun trồng trong ánh sáng tự do, được nuôi dưỡng với phân bón dân chủ.
 
Làn gió mùa xuân thổi xôn xao qua các chùm hoa red bud. Ba má Liên nay chắc đã ra người thiên cổ. Chị Lan có còn nướng bánh bông lan trong chiếc lò đầy than hồng? Tôi mơ màng thấy tàng cây khế đầy hoa. Cây khế nhà Liên, hay là nhà của thầy Quý giờ ra sao? Những chùm khế đang réo gọi ai đây? Có lẽ đang mời gọi ‘’khúc ruột ngàn dặm’’ đem dollar về xây dựng quê hương rách nát?
 
Chừng nào những người như thấy Quý thức tỉnh biết trở về với cội nguồn, với dân tộc với cha mẹ thì cây khế năm xưa mới đủ sức trổ ra những chùm khế thật sự ngọt ngào.
 
Thu Nga