Truyện Phim Nếu Thu Này
Nếu Thu Này
Thu Nga
Mạ ơi!
Con nhận được thư chị Quyên hôm qua, chị kể cây hoa phù dung trồng ở chân mộ của mạ nay lớn và hoa nở rất nhiều. Con hình dung thấy được những bông hoa màu đỏ, giữa những ngôi mộ trắng, chắc đẹp lắm và điều này làm con tự nhiên ấm lòng đi. Con tưởng tượng mạ cũng mỉm cười nhìn những bông hoa đã làm cho mộ mạ đỡ quạnh hiu, buồn bã phải không mạ. Nhưng đọc tới cuối thơ, lòng con đau thắt lại, chị Quyên nói, con chó của anh Quang đã chết và cái chết của nó làm con bàng hoàng, thương xót...con thương con chó của anh Quang và ... con thương con chó của con...vì mạ ơi! con chó của con cũng vừa mới chết đêm kia! Con bước ra sân với lá thơ của chị trên tay, không biết mắt con mờ đi vì lệ hay vì sương đã bắt đầu rơi khi bóng chiều đang chụp xuống.
Mùa thu thật sự đã về với những lá vàng rơi đầy sân trước sân sau, lá vàng rơi xuống hồ cá, lá vàng bị gió thổi đầy ắp trong patio. Lá vàng từ những cây cối rậm rạp ở nhà mình bay sang cả nhà hàng xóm, rơi xuống mặt hồ đang tĩnh lặng. Rồi những lá vàng của nhà bên cạnh cũng theo cơn gió, thổi sang nhà mình khi cửa ngỏ vừa mới quét xong!
Lá vàng lả tả trên thềm cũ
Kỷ niệm rơi dài trên lối xưa
Thời gian trôi nhanh quá mạ, mới đó mà thu lại về nữa. Bầu trời hình như xuống thấp hơn. Những đám mây khi thì có hình dạng người, lúc khác có hình dạng của những con thú kỳ dị. Ðôi khi vừa lái xe, con vừa để trí óc tìm đám mây nào có hình con chó như câu ‘’bức tranh vân cẩu’’hay không, nhưng chưa hề thấy. Hôm qua, sau ngày con chó tên Baby của con chết, con tìm hoài hủy trên đám mây nhưng không thấy hình của nó đâu cả. Con thấy mùa thu buồn hiu ngoài kia đang kéo chiều về. Con cứ ân hận, giá mình đừng đi đâu hết, ở nhà, biết đâu con chó không chết?! Con buồn khóc nguyên cả buổi sáng, không làm gì được! Con khóc vì thương con chó, hay con khóc vì hối hận đã bỏ bê nó trong một thời gian quá dài? Cũng như cách đây 3 năm và tới bây giờ con vẫn còn khóc vì đã không về thăm anh con trước khi anh nhắm mắt. Nỗi ân hận không ở gần những người thân yêu của mình trong giờ phút cuối cùng, chắc có lẽ là thân phận của đời con!
Con ngồi bên hồ cá, nhìn những con cá quẫy đuôi bơi lội một hồi, những con cá lại biến thể thành con chó màu đen kêu ăng ẳng đòi ra ngoài chạy nhẩy...mắt con hoa lên, con phải dụi mắt, định thần để thấy những con cá vẫn là những con cá...những con cá không biết con đang buồn, vẫn nhỡn nhơ lượn qua, lượn lại dưới gốc cây thủy trúc.
Con nhớ mình đã đọc đâu đó là muốn trị bệnh buồn, ta hãy nghĩ đến những chuyện vui. Con để trí óc mình tìm tòi những kỷ niệm đẹp để quên đi cái thiếu vắng của con chó. Không cần tìm chi xa xôi, con nhớ lại ngay, mới buổi tối thứ sáu, con đã gặp, đã nói chuyện, đã nghe những người bạn thân hát ngâm thơ, nói cười đùa giỡn. Nhớ cái dí dỏm, hóm hỉnh và rất bình dân của anh Vũ Hối. Nhớ giọng ngâm cao vút lạ lùng của anh Thanh Hùng, nhớ giọng ngâm giọng hò đặc sệt Huế của Thúy Vân, Trương Sĩ Lương, giọng nói chuyện trầm trầm của Phan Ðình Minh. Nhớ tiếng ngâm truyền cảm, quen thuộc của Nam Anh và vui mừng vì mình có thêm một người bạn văn nghệ của Thu An... sự tự nhiên, hồn nhiên của anh Nhật Vũ, những tiếng cười đùa hò hát của những người bạn khác nữa làm lòng con tự nhiên thấy an ủi thật nhiều
Ôi những tình bạn văn nghệ thắm thiết đã đem mang lại trong con những kỷ niệm thật đẹp. Ngồi điểm lại những gương mặt bạn bè mình mới gặp, chợt con nhớ đến gương mặt khả ái của Kim Anh. Mỗi lần họp mặt, Kim Anh ít nói, hay ngồi chơi, nói chuyện với con chó của con. Chị rất thương chó. Ở nhà chị có tới 3 con. Khi nào thấy con chó nào không nhà, không cửa, chị đem về săn sóc, tìm chỗ tốt cho nó ở, nếu không ai nuôi, chị nuôi hết. Tối nay chị cũng âu yếm, vuốt ve nó như mọi khi chị tới chơi. Con Baby rất khôn, nó biết chị thương nó, nên nó hay quấn quýt bên chị xin ăn.
Mạ ơi! sáng nay khi nghe con nói chuyện con Baby đã bỏ con ra đi trên đài phát thanh trong một phút tản mạn buổi sáng, Kim Anh đã gọi lại chia buồn. Chị khóc sụt sùi khi nghe con kể chuyện. Chị lại nói, may quá, chị đã gặp và vuốt ve, nói chuyện với nó lần cuối. Chị cũng nhắc lại những giây phút vui đùa bên nhau trong tiếng thơ, tiếng nhạc, chị nói con Baby có party rồi mới chết, vậy cũng được. Con chợt nhớ ra rằng, ở đời hợp tan là chuyện thường ‘’hoa nở để tàn, người gần để ly biệt’’. Người hay vật tới lúc ly biệt là phải biệt ly thôi. Câu thơ của anh Vũ Hối chợt vang lên với tiếng ngâm sang sảng của anh Thanh Hùng:
‘’Ðời ta nửa tỉnh nửa say
Nửa đen, nửa trắng, nửa ngày, nửa đêm
Nửa vui với nửa ưu phiền
Nửa sông cồn cát, nừa triền núi cao
Nửa thương, nửa nhớ nghẹn ngào
Nửa cười tha thiết, nửa ngao ngán tình
Nửa hồn đau kiếp phù sinh...’’
Phải! trên cuộc đời này, không có gì tuyệt đối cả phải không mạ. Nửa vui thì sẽ có nửa buồn. Con ngó chăm chú vào từng gốc cây, từng góc hè thấy trong đầu hình ảnh thân yêu của con Baby, con chó con đã nuôi hơn 15 năm! Con tưởng tượng thấy hình dáng quen thuộc màu đen di chuyển từ chỗ này, sang chỗ kia, cái đầu cúi xuống đất, chiếc mũi hít hít đánh hơi, thỉnh thoảng nó lại gặm một nhúm có, nhai lia lịa. Con nghe nói, mỗi lần cảm thấy trong minh không được khỏe, chó tự chữa bệnh cho mình bằng cách ăn cỏ để rồi sau đó tự nôn ra để tẩy sạch đường ruột, chả biết có đúng không. Tuy nhiên mỗi lần thấy nó ăn cỏ, con hay lấy tay đẩy nó đi không cho ăn vì sợ nó bị bệnh. Sau khi nó chết, con thơ thẩn đi lên, đi xuống cầu thang hoài như cố ý tìm kiếm nó. Ði ngang nơi chỗ con Babay nằm chết tối qua, con lại rơm rớm nước mắt. Hàng ngày, từ lúc già yếu, con Baby hay nằm ngay chỗ cửa phòng trước khi bước xuống bậc thang đầu tiên. Ðôi lúc, nó nghe tiếng động, hay thấy có vật gì di chuyển ngoài đường, nó tỉnh dậy và sủa inh ỏi. Có khi có lẽ ngủ đã đầy, hay không ngủ được, nó đi lững thững từ phòng này, sang phòng khác, ngửi cái này, quèo cái kia như tìm kiếm cái gì nó đã dấu nhưng đã quên không biết để đâu. Nó làm con nhớ ra mình cũng có nhiều khi nghễnh ngãng như vậy, mỗi lần cất một món gì ở đâu không tìm ra. Khôi hài một cái là có những chuyện muốn quên thì cứ nhớ, những chuyện cần nhớ thì lại quên.Mạ đâu ngờ đứa con út nhỏ bé của mạ đã có một ngày như bây giờ phải không? Con thật sự đã già và đã mệt mỏi rất nhiều theo năm tháng dần trôi.
Mạ, nhìn vết máu của Baby để lại trên thảm con không khỏi ngậm ngùi và thương nhớ con vật thân yêu. Con chó đã chia xẻ ngọt bùi với gia đình con từ khi mới 4 tháng rưỡi. Con thắc mắc không biết tại sao miệng lại ứa máu, khi chết. Trong tiếng khóc sụt sùi của mình, con nghe tiếng cháu Nhân của mạ ở California giải thích có lẽ con chó bị động kinh trước khi nó chết và chắc nó đã cắn vào lưỡi. Cách đây 15 năm, cháu Loan, đã nằng nặc đòi nuôi một con chó và 2 mẹ con tụi con đã đem nó về từ một người đàn ông có một đàn chó chạy ra, chạy vào một cách thoải mái trong một căn nhà ngập đầy mùi chó. Con Baby lúc đó, nhỏ nhất trong đám chị em của nó và thân thể đầy bọ chét. Những năm đầu, khi Loan còn ở trung học, nó săn sóc và chơi đùa với con chó, đến khi nó lên đại học, con Baby được thằng út Thuận lo lắng dùm cho tới khi thằng út cũng rời tổ ấm, đi học xa, con chó được giao lại cho cho nhà con chăm lo. Qua 3 ‘’trào’’cha con, lúc nào Baby cũng được nằm trên chăn ấm, nệm êm, không bao giờ chịu ngủ dưới đất. Con cũng cưng nó, nhưng từ khi có cháu nội, ngoại, con hình như không còn chơi đùa với nó nhiều nữa, nhưng nó vẫn thương con nhất nhà, lúc nào cũng quấn quýt bên chân con, đôi khi con phải gạt nó ra vì mắc chăm lo những công chuyện khác. Con Baby rất khôn, những đứa trẻ lạ mà chọc nó, nó nổi giận hầm hè, nhưng với mấy đứa chắt của mạ, thì nó lại nhường nhịn hết mực, không bao giờ tỏ ý gì bực bội cả. Hễ đứa cháu nằm ngủ nó nằm dưới chân như canh giữ.
Mạ ơi! Mấy tháng trước đây, Baby không thể đi bộ được nữa, trước đó, mỗi lần đi bộ, nhà con phải bồng nó lên tay một đoạn dài rồi lại thả xuống đi một đoạn, rồi lại bồng nó, nhưng lúc sau này, nó đi chậm chạp, mắt mờ, tai nghễnh ngãng nên không dắt nó đi bộ được nữa. Leo lên ghế, nó cũng không leo được, tối ngủ phải bồng nó lên giường. Nhớ khi còn trẻ, nó có thể nhảy lên chiếc giường, hay cái ghế rất cao. Bây giờ ban ngày nó hay nằm ngủ trên tấm thảm, ở phòng ‘’Den’’, nếu có người ở nhà. Khi không có ai ở nhà, nó nằm trên lầu, đầu gác lên hai chân trước. Có khi đi đâu về kêu hoài, kêu mãi cũng không thấy nó xuống vì nó bị lãng tai nặng. Khi nào con ngồi bên hồ cá, nó chạy ra lẩn quẩn bên chân.. Khi con làm việc, nó nằm bên cạnh. Con trang điểm trong phòng tắm, nó nằm ngay ở cửa để đợi. Nó thật sự như cái bóng của con. Dạo sau này nó trong khi ngủ nó ngáy có vẻ mệt nhọc, đôi lúc như rên rỉ.
Thấy con lại sắp khóc khi nói chuyện, Nam Anh cũng như Thúy Vân an ủi, con chó chết, nó sẽ hoá kiếp làm người, kiếp sau không làm chó nữa. Con nhớ mạ cũng đã nói như vậy, đúng không mạ? Có thật sự nó sẽ đi đầu thai làm người hay không? Ðầu con lại lẩn quẩn với chữ ‘’nếu’’. Nếu con bỏ bàn tiệc về sớm hơn một tí thì có cứu nó được không? có thể. Chữ nếu này đã ám ảnh Con hoài, và thỉnh thoảng vẫn về ám ảnh con khi con tự hỏi ‘’nếu’’ thời gian có thể xoay ngược trở lại, ‘’nếu’’ thu này có thể đổi thành cái mùa thu trước khi anh con chết....con sẽ tìm đủ mọi cách để được gần anh, dầu bất cứ giá nào.... Lòng con lại nghẹn ngào nhớ đến hình ảnh ốm yếu của anh trong tấm hình đám tang mà mấy đứa cháu đã gởi cho con. Cuộc đời của anh đã trải qua bao nhiêu truân chuyên, gian khổ. Lúc trai trẻ đi lính, chiến cuộc tàn đi tù, vợ con nheo nhóc, rồi đi kinh tế mới, sống một cuộc đời lam lũ, chịu đựng, rồi chết trong đau buồn mà ước nguyện nhỏ nhoi nhìn lại mặt đứa em thân yêu cũng không có được.
Mạ ơi! Lòng tôi chợt nhói đau khi nhớ đến con chó của anh. Con chó trung thành nằm dưới giường, không chịu đi đâu khi anh chết và nó đã đi bộ suốt quãng đường dài cùng với đám tang đưa anh về nơi an nghĩ cuối cùng. Con nhớ đến đôi mắt u buồn khi nó nhìn con, từ khi anh chết, nó bỏ ăn, nằm hướng ra cửa như chờ đợi chủ về, trong sự mỏi mòn.
Con lại nhớ mùa thu năm nào, khi con từ Sài Gòn về thăm anh, anh mặc đồ trận, đội nón sắt, dáng anh gầy, cao, gương mặt rạm đen vì nắng gió. Anh ngồi uống rượu với những người lính thuộc cấp của anh. Chị Quyên cằn nhằn anh uống rượu nhiều quá, anh làm lơ vẫn cứ tiếp tục uống cho tới một ngày cũng vào mùa thu, anh vào Sài Gòn chữa bệnh. Anh ốm đi nhiều, bộ đồ trận sau khi anh trở lại chiến trường rộng thùng thình. Anh vẫn miệt mài đi đánh giặc, mỗi lần về lại miệt mài uống rượu như để quên đi gian khổ của trận hành quân mà khoảng cách giữa sự chết và sự sống chỉ bằng đường tơ kẽ tóc. Mạ chỉ có một mình anh là con trai nên mạ cầu khẩn Phật trời hàng đêm để đứa con trai cầu tự của mạ được bình yên trở về từ chiến trận. Nhưng súng đạn không cướp mất người trai khói lửa...mà, hai mươi lăm năm sau, khi con rời quê hương, con lại nhận được tin anh đã vĩnh viễn rời cõi đời, con ngẫm nghĩ có lẽ con sâu rượu nằm trong mình anh mấy chục năm nổi giậy đã góp công sức cùng Cộng Sản đã cướp sinh mạng anh, mạ ơi!
Mạ biết không, có người thắc mắc tại sao con đi dự Ðại Hội Toàn Quân, tại sao con say mê làm chương trình ‘’Cùng chung chiến tuyến’’, tại sao con hay phát nhạc lính, tại sao con giận, ghét những kẻ ‘’đâm sau lưng chiến sĩ’’....rất dễ hiểu! con cảm phục sự hy sinh của họ, như anh con, một thời dài niên thiếu, khi mắt còn trong, tóc còn xanh họ đã hy sinh quãng đời thơ mộng, nhập ngũ, giữ gìn bờ cõi cho bà con có dịp ăn chơi, du hí nơi chốn thị thành. Khi CS cưỡng chiếm miền nam, họ phải buông súng và bị lùa vào cái nhà tù mà chúng gọi một cách xách mé là ‘’cải tạo’’, vợ con họ đói khổ, bị lùa đi vùng kinh tế mới, không có cơm ăn.
Con nhớ đến những đứa cháu tội nghiệp đã kể rằng, nó sinh ra, mẹ nó không có sữa cho bú, nuôi bằng nước cháo, nước cơm, lớn lên ăn củ mì thay gạo. Cha ăn củ mì trong tù, con ăn củ mì nơi vùng đất cày lên sỏi đá mà bọn CS rêu rao tuyên truyền: ‘’với sức người sỏi đá cũng thành cơm’’. Sỏi đá không biến thành cơm cho người ‘’tù cải tạo’’ mà sỏi đá lần lần đi vào dạ dày anh con, đi vào dạ dày của những người chiến sĩ... và đã giết chết họ. Nếu CS không giết nổi những chiến sĩ can trường thì chúng cũng làm thui chột họ đi, như chúng đã làm thui chột- cả nghĩa đen, lẫn nghĩa bóng- nhà danh hoạ và cũng là một chiến sĩ, Vũ Hối, CS đã cố diệt biết bao nhiêu tinh hoa của đất nước, mà ông là một điển hình, họ hành hạ, đánh đập ông đến mù một con mắt chỉ vì ông không chịu phản bội lời thề sông núi, ông hiên ngang, bất khuất trước bạo lực, cùm gông- và khi ông mù một con mắt ông không còn có thể vẽ chân dung được nữa, nhưng cũng may, nét thư họa như phượng múa rồng bay của ông vẫn còn tồn tại. Con đã thấy, đã gặp, đã nghe rất nhiều chiến sĩ can trường vẫn vươn lên sau những năm tháng dài đằng đẵng trong lao tù CS, sức lực họ tuy có hao mòn nhưng tim óc họ vẫn còn bừng bừng khí huyết của Quang Trung, Lê Lợi... Con kính phục những vị ‘’sinh vi tướng, tử vi thần’’ của các bậc tướng lãnh như Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai... đã tuẫn tiết theo thành theo gương Hoàng Diệu, Võ Tánh...con ngưỡng mộ những anh hùng dầu không thành công cũng thành nhân như Lý Tống...đã nêu gương can đảm của Nguyễn Thái Học...Con thương xót và ngậm ngùi khi nghĩ đến hàng hàng, lớp lớp mộ bia chiến sĩ QLVNCH nằm cô đơn trong nghĩa trang quân đội và rồi mồ mả của họ đã bị cày nát, đào xới bởi bọn VC vô thần:
‘’Ta như người lính vừa thua trận
Nằm giữa sa trường nát gió mưa
Nhắm mắt cố quên đời chiến sĩ
Làm thân cây cỏ gục ven bờ
Chợt nghe từ đáy hồn thương tích
Vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa (thơ Thanh Nam)
Và mạ ơi! con hận những kẻ phản bội, vong ơn, hình như họ nghĩ rằng chuyện gìn giữ nước non là chuyện tất nhiên của những người lính và chuyện CS bắt lính cầm tù, hành hạ, giết chết... cũng chỉ là chuyện tự nhiên.
Mạ ơi! Khi đi dự đại hội toàn quân, con đã thấy những vị tướng già cầm gậy chống, những chiến sĩ đi xe lăn, những anh hùng lưng oằn xuống, bệnh tật sau những tháng ngày bị đầy ải trong tù. Họ tụ tập về đây theo tiếng gọi thiêng liêng của hồn thiêng sông núi, họ tụ tập về đây theo tiếng gọi của tập thể huynh đệ chi binh. Họ về đây để tưởng nhớ lại những người bạn, những đồng đội đã nằm xuống, những đồng đội không chịu đựng nổi những nghiệt ngã của lịch sử mặc dù ‘’chí chưa hao mà sức đã mòn’’* .. Họ về vì văng vẳng bên tai
‘’...hồn tử sĩ về trong hơi gió
Sóng oan khiên còn trắng biển đông’’ *(thơ Hà Huyền Chi)
Con xót xa nhớ đến ngôi mộ của anh con nằm chơ vơ trong nắng quái chiều hôm. Mấy đứa cháu con hay đem cả con chó trung thành ra thăm mộ. Con chó nằm phủ phục trước mộ, không chịu về. Cho đến một ngày chị Quyên đem cơm ra cúng, chị thấy nó đã chết! đầu nó hướng về tấm bia có khắc tên của chủ, mạ ơi!
Con đi qua, đi lại không biết bao nhiêu lần nơi con Baby nằm chết. Con lại ân hận, giá biết nó sắp chết như vậy,con sẽ chơi đùa, vuốt ve nó nhiều hơn. Dạo sau này bận quá, đôi khi thấy nó ngước đôi mắt buồn bã già nua nhìn con, con cũng không có thì giờ đâu mà cuối xuống vuốt đầu nó như con hay làm. Nếu con biết đêm hôm đó nó ra đi, con sẽ ở nhà ngồi bên nó,và dầu con có bận rộn trên computer, con cũng sẽ thấy được nó nằm bên cạnh, thở mệt nhọc nhưng ít ra con cũng biết nó hiện hữu rất thân thương, rất gần gũi; hay ít ra trước giây phút lìa đời, nó cũng cảm thấy an ủi hơn khi có chủ bên cạnh. Con Baby đã để cả đời sống của nó vào bàn tay con cho đến khi nó buông xuôi, ra đi vĩnh viễn...Mạ ơi! mắt con cay xè, trong làn khói mỏng, con thấy cây hoa phù dung đang nở hoa ở góc vườn, con sẽ đem tro của Baby chôn ở dưới gốc phù dung, để Baby nhìn hoa nở mà sủa bâng quơ.
Con chợt cảm thấy bàn chân nhỏ xíu đang quào quào vào chiếc dép của con như muốn con ban cho một sự âu yếm...Con cúi xuống, chỉ thấy một chiếc lá vàng bị gió thổi tạt vào chân... Con bỗng quay quắt với niềm ước mơ:Nếu con có thể quay thời gian lại! Nếu mùa thu này là mùa thu năm cũ!?
Thu Nga
- Login to post comments
- Printer-friendly version