Chương Trình Đặc Biệt

Ngày Xuân Lan Man Về Những Hình Ảnh Tết Qua Thi Ca

câu chuyện thơ văn

Thu Nga 

Tết là một chữ gì rất thiêng liêng quan trọng đối với người Việt Nam. Dầu đã xã quê hương gần 28 năm rồi mà mỗi lần nhắc đến chữ ‘’Tết’’ là lòng ai cũng có một niềm rung động rạt rào. Nỗi nhớ quê hương vẫn ngút ngàn trong tâm tưởng.
 
Ngày Tết quan trọng đến nỗi dẫu sang, hèn, dân gian hay vương giả cũng đều đón Tết. Sang thì mâm cao, cổ đầy mà hèn thì cũng phải có mâm cơm tươm tất và mọi nhà đều bày biện, trang hoàng, sơn sửa cho hợp với không khí Tết và chào đón ông bà một cách tôn kính trang trọng hơn.
 
Một trong các trang trí trong bà ngày Tết là những câu lìễn, câu đối. Theo quan niệm khi xưa ‘’nhất sĩ, nhì nông’’ nên những vị thâm nho, văn hay chữ tốt rất được trọng vọng. Nhưng theo thời gian, quan niệm này đã thay đổi lần lần, nên hình ảnh các cụ đồ già ngồi ‘’bày mực tàu giấy đỏ’’ đã lần lần phai nhạt với thời gian, hình ảnh thân thương của ông đã được nhà thơ Vũ Ðình Liên diễn tả như sau:
 
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
‘’Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay’’
 
Ðã lớn lên ở Việt Nam, làm sao quên được hình ảnh những rộn rịp, hoa đua khoe thắm của những chợ Tết trong những ngày cuối năm! Mọi người hình như hối hả vì ‘’năm hết, Tết đến’’, công nợ đã đến bên lưng. Những giây phút cuối của năm hình như là chạy nhanh hơn thường lệ, tuy nhiên trong cái hối hả vẫn mang một không khí tưng bừng náo nhiệt. Chợ Tết trong bài thơ ‘’Chợt Tết’’ của Ðoàn Văn Cừ đã vẽ lại khung cảnh rộn ràng đó:
 
‘’... Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các cấp tưng bừng ra chợ Tết
Họ vui bừng kéo hàng trên cỏ biếc
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon
Vài cụ già chống gậy bức lom khom
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ
Thằng cu bé nép đầu vào yếm mẹ
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau...’’
 
Chợ Tết bán đủ bánh mứt xanh đỏ, tỉa bông, tỉa hoa thật tình là chú trọng đến mỹ thuật về thị giác hơn là phẩm vị cho vị giác. Những đòn bánh tét dài, những cái bánh chưng vuông vắn được bày biện khéo léo bên cạnh những giỏ lê, táo, nho, hồng, đào, mận v...v...tươi rói mới được chở đến từ các vườn trái cây tạo thành một bức tranh tỉnh vật xuất sắc.
 
Trong ba ngày Tết có rất nhiều món ăn, nhưng món ăn không thể thiếu là những món như: bánh chưng, dưa hành, thịt kho dưa giá:
 
‘’Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh’’.
 
Trong ngày đầu năm ta có tục lệ đốt pháo để xô đuổi ma quỷ đi, và rước ông bà về ăn Tết với con cháu trong 3 ngày Tết. Ðêm 30 Tết, tức là đêm giao thừa, pháo nổ ran cả làng trên xóm dưới, các nhà có tiệm tùng, treo những tràng pháo thật dài thật to trước cổng, pháo nổ to, không bị đẹt thì mọi chuyện đều suông sẻ, hanh thông:
 
‘’Ðì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Om sòm trên vách bức tranh gà (Tú Xương)
 
Những cái pháo không nổ được, văng tung trong đám xác pháo tơi tả, sẽ được các em bé đi nhặt về đốt riêng. Các em nhỏ trong bầu không khí vui nhộn đã được cha mẹ mặc áo mới, giày mới, tóc cũng được hớt xén cẩn thận, nữ trang, vàng ngọc cũng được cha mẹ diện vào cho con cái:
 
 
‘’Thuở bé tôi đeo chiếc khánh vàng
Quần đào xẻ đũng áo hàng lam
Chân đi hài đỏ, tay thu pháo
Nhộn cả nhà lên, tiếng hát vang’’ (Lan Sơn)
 
Các em nhỏ trong cái ngây thơ còn sung sướng huống chi là các cô gái đẹp trong tuổi dậy thì, lại càng trang điểm lộng lẫy, kỹ càng hơn khi xuân đến. Nếu không gặp ý trung nhân thì:
 
‘’Mỗi năm một tuổi như đuổi xuân đi
Cái già xồng xộc nó thì theo sau’’ (ca dao)
 
Nên ngày xuân là một dịp để các nàng khăn quàng, lượt giắt, má phấn môi son đi trẩy hội, đi du xuân để xem có gặp được ý trung nhân chăng. Hình ảnh dễ thương của các nàng thiếu nữ miền bắc khi đi lễ chùa đã được Nguyễn Nhượng Pháp tả một cách sống động:
 
‘’Khăn nhỏ đuôi gà cao
Em đeo giải yếm đào
Quần lĩnh áo the mới
Tay cầm nón quai thao’’
 
Trong dịp này, các nàng hay đi lễ chùa chiềng để cầu phúc, cầu duyên:
 
‘’Trên đường cát mịn một đôi cô
Yếm đỏ, khăn thâm trẩy hội chùa’’.
 
Tết chỉ có 3 ngày, nhưng mùa xuân thì kéo dài cả tháng giêng ‘’tháng giêng là tháng ăn chơi’’ nên các nàng vẫn tha hồ nhởn nhơ cùng với gió xuân:
 
‘’Mừng xuân mừng hội cổng làng
Là nơi chen chúc bao nàng ngây thơ’’
 
Thật ra các nàng đã thấy lòng rộn rã từ lúc gió đông đã bắt đầu bớt lạnh, lòng cũng cảm thấy ấm theo với đất trời:
 
‘’Em nhớ năm em lên mười lăm
Cũng ngày đông cuối sắp sang xuân
Mừng xuân em thấy tim hồi hộp
Nhìn cái xuân sang khác mọi lần...’’
 
Rồi mùa xuân cũng đã đến, ngày 30 hoa xuân nở rộ, má nàng hồng hay hoa đào hồng trong khung cảnh mùa xuân thơ mộng:
 
‘’Ba mươi em đứng ngắt hoa đào
Nghỉ học anh về qua trước ao
Ném hoa em vội chạy ngay vào...’’
 
Ba ngày Tết thật nhộn nhịp tưng bừng, ngày mồng một đã qua, ngày mồng hai mới thật là sung sướng, được chàng đến thăm. Theo lệ của ta ‘’mùng một nhà cha, mùng hai nhà mẹ, mùng ba nhà thầy’’. Tức là mồng một thì lo đi về nhà bên nội, mồng hai mới đi nhà bên ngoại, nếu chưa cưới thì đến chúc Tết nhà cô dâu tương lai ngày mồng hai:
 
‘’...Mùng hai anh lễ Tết nhà em
Em đứng nhìn anh nấp bóng rèm...’’
 
Tâm sự các chàng trai trong ba ngày Tết cũng không kém phần nao nức vì đây cũng là dịp để đi ngắm nghía, chọn lựa. Không cần đi đâu xa chỉ cần tới cổng đình làng là gặp hầu hết các thôn nữ yêu kiều diễm lệ đang trẩy hội xuân:
 
‘’Mừng xuân ngày hội cổng làng
Là nơi chen chúc bao nàng ngây thơ...’’(Bàng Bá Lân)
 
Hội ngày Tết có đủ cả bầu cua tôm cá, bè chòi, đánh đu, thả thuyền, đô vật, đối đáp bằng thơ văn, đám rước, đua thuyền v...v...Hãy đọc bài thơ ‘’Ðám hội’’ của Nguyễn Văn Cừ để có cảm tưởng như ta đang sống trong một quang cảnh’’ngựa xe như nước, áo quần như nêm’’ của ngày hội quan trọng nhất trong năm:
 
‘’Mùa xuân ấy ông tôi lên tận tỉnh
Ðón tôi về xem hội ở làng bên
Suốt ngày đêm chuông trống đánh vang rền
Người lớn bé mê man về hát bội
Những thằng cu tha hồ khoe áo mới
Và tha hồ nô nức kéo đi xem
Các cụ già uống rượu mãi gần đêm
Tổ tôm điển chơi đều không biết chán
Những con bé áo xanh đòi chị ẵm
Ðể đi theo đám rước lượn quanh làng
Các bà đồng khăn đỏ chạy lăng quăng
Ðón các khách thập phương về dự hội
Một chiếc kiệu đương đi dừng bước lại
Rồi thình lình quay tít mãi như bay
Một bà già kính cẩn chắp hai tay
Ðứng vái mãi theo đám người bí mật
Trên bãi cỏ dưới trời xuân bát ngát
Một chị đương đu ngửa tít trên không
Cụ lý già đứng lại ngẩng đầu trông
Mắt hấp háy nhìn qua đôi mục kính
Mấy cô gái nép gần hai chú lính
Má đỏ như bẽn lẽn đứng bên nhau
Chiếc ô đen lẳng lặng tiến ra cầu
Tìm đến chiếc sàn màu bay trước gió
Bác nhà quê kiễng chân nhìn ngấp ngó
Rồi leo lên, ai nấy cùng trông
Ðoàn trải dài vun vút giữa giòng sông
Người lố nhố chèo trên dòng nước lạnh
Bọn đô vật trước đình thi sức mạnh
Mình cổi trần gân cốt nổi như lươn
Tiếng reo hò khuyến khích dậy từng cơn
Lẫn tiếng trống bên đường khuya rộn rã
Bên mấy chiếc khăn vuông hình mỏ quạ
Ðứng chen vào chiếc mũ trắng nghênh ngang
Bọn trai quê bá cổ cạnh cô hàng
Vờ mua bán, để tìm câu chuyện gẫu
Một chú xẩm dạo đàn bên chiếc chậu
Mới lờ mờ nghe ngóng tiếng gieo tiền
Thằng bé em đòi mẹ bế lên đền
Xem các cụ trong làng ra cử lễ’’
 
Ta hay tin rằng những ngày đầu năm là những ngày có thể tiên đoán cho tương lai cả năm, nên ai ai cũng phải nói năng nhỏ nhẹ, tươi cười, không cau có, bẳn gắt, không nói tục, không chửi thề. Ai ai cũng ráng đối đãi nhau thật hòa nhã, tìm cho nhau những lời chúc chân thành nhất. Mặc dù những câu chúc đôi khi ta biết khó thành sự thật nhưng vẫn chúc cho nhau vì thế Tú Xương mới châm biếm:
 
‘’Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu
Phen này ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đưa giã trầu
Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu
Trăm nghìn vạn mớ để vào đâu
Phen này ắt hẳn gà ăn bạc
Ðồng rụng đồng rơi lọ phải cầu
Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang
Ðứa thì mua tước, đứa mua quan
Phen này ông quyết đi buôn lọng
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng
Lẳng lặng mà nghe nó chúc con
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn
Phố phường chật hẹp người đông đúc
Bồng bế nhau lên nó ở non’’
 
Trần Tế Xương cũng có một bài thơ xuân ‘’Xuân nhật ngẫu hứng’’, mà tâm sự cũng rất mang mang, với ý châm biếm:
 
‘’Xuân từ trong ấy mới ban ra
Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà
Ðì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Loẹt lòe trên vách, bức tranh gà
Chí cha chí chét khua giày dép
Ðen thủi đen thui cũng lượt là
Dám hỏi những ai nơi cố quận
Rằng xuân, xuân mãi thế ru mà?’’
 
Một mùa xuân nữa lại đến, mái đầu chúng nay đã bạc mà vẫn chưa thấy mùa xuân thanh bình nơi đồng quê- như mùa xuân của Ðoàn Văn Cừ (chợ tết)- trở lại:
 
‘’Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các cấp tưng bừng ra chợ Tết
Họ vui bừng kéo hàng trên cỏ biếc
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon
Vài cụ già chống gậy bước lom khom
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ
Thằng em bé nép đầu vào yếm mẹ
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu
Con bò vàng ngộ nghĩnh chạy theo sau...’’
 
 
Như vậy đó, mùa xuân đã xa và mùa xuân hình như không còn trọn vẹn vì không còn những hình ảnh rộn rịp nơi quê cũ năm nào. Những hình ảnh đó bây giờ đã lui vào quá khứ, biết bao giờ mới có lại được mùa xuân thanh bình của những ngày tháng cũ?! Ta chỉ ngậm ngùi như tâm sự ông đồ già trong một mùa xuân cô đơn, mà người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ:
 
‘’...Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Năm nay hoa đào nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?’’
 
Thu Nga