Võ Đại Tôn Hoàng Phong Linh

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Giới thiệu sách
 
“Tổ Quốc Hành Trình 30 Năm” và “Tuổi Thơ Và Chiến Tranh
 
 
Thật là một điều vinh hạnh và thật vui khi được đứng đây để nói về tác phẩm của chiến hữu Võ Đại Tôn, chúng tôi xin dùng chữ Chiến Hữu như trong thơ mời của ban tổ chức. Danh từ chiến hữu thiết nghĩ không phải chỉ dung trong quân đội nhưng nó có thể dùng giữa những người cùng chung chiến tuyến, một chiến tuyến không CS, một chiến tuyến chỉ có màu trắng tinh khiết, không màu đen tối tăm và cũng không vằn vên lừa đảo. Danh từ “chiến hữu” mang môt ý nghĩa thân thương, gần gũi- và bản thân chúng tôi cũng đứng trong chiến tuyến đó
 
Và cũng xin thưa, chúng tôi không dám làm công việc điểm sách, phê bình sách của một chiến hữu đầy khả kính của chúng ta, mà chúng tôi chỉ dám làm một việc là giới thiệu đến qúy quan khách 2 cuốn sách giá trị của chiến hữu Võ Đại Tôn theo cái nhìn, và cảm nghĩ của chúng tôi
 
Thưa qúy quan khách chỉ cần nhìn cái hình bìa, đây là bức ảnh độc đáo của nhiếp ảnh gia Cao Lĩnh có tên là Độc Hành, hình ảnh của một người Việt Nam đang mang trên vai một túi xách đi giữa một bầu trời mênh mông, cô quạnh bên cạnh một gốc cây già trơ trụi lá, đã nói lên cái hành trình nghiệt ngã của một người mà thuở niên thiếu đã hy sinh bảo vệ đất nước, đến khi lịch sử sang trang, những chiến sĩ anh dũng của miền Nam đã bị CS bỏ tù, khủng bố, hành hạ, từ trí óc đến thể xác, chỉ còn một túi xách trên vai, trong một đất nước chỉ có hận thù, tra tấn . Đây là hình ảnh của những người tù của chế độ CS, mà họ gọi một cách trịch thượng là “Tù cải tạo”, đó cũng là hành trình của chiến hữu Võ Đại Tôn, hành trình của những nạn nhân CS trong suốt 30 năm từ năm 1975- sau khi CS cưỡng chiếm miền nam- đến năm 2005, cũng là hình ảnh của người dân Việt Nam sau khi miền Nam thất thủ, tòan quốc phải sống trong một đất nước được liệt kê trong danh sách những nước nghèo nhất trên thế giới
 
 “Tổ Quốc Hành Trình 30 Năm” là một tuyển tập thơ văn đấu tranh
 
Ngay trang đầu, chiến hữu Võ Đại Tôn Hòang Phong Linh, đã cảm đề về cái hình “Độc Hành” này:
 
“Cây cội nguồn Văn Hiến
Giờ trụi lá trơ cành
Rồng Tiên xưa Non Biển
Nay Tổ Quốc Độc Hành
 
Hành trang cha nghèo khổ
Mang nổi sầu cô đơn
Nhìn quê hương bong đổ
Nuốt đau vạn tủi hờn
 
 
Sau đó chiến hữu Võ Đại Tôn   đã trần tình cùng tổ quốc khi tình yêu đất nước ngút ngàn ông đã anh dũng trở về mong tiếp tục con đường đấu tranh dành lại sự tự do dân chủ nhưng không may bị sa cơ và bị CS cầm tù 10 năm, và bây giờ sau 30 năm, nhìn lại
 
“Tổ Quốc của tôi ơi
Ba mươi năm trời
Áo tôi đã rách
Còn sợi chỉ nào từ nguồn thiêng liêng huyết mạch
Cho tôi xin, vá lại áo đời
Tôi đã đi, đường gai góc mòn hơi
Xuyên rừng núi-mồ hôi pha trộn máu
Về quê hương, nguyện lòng son chiến đấu
Nửa đường đi thành đêm tối lao tù
Mười năm ôm hận nghìn thu
Lênh đênh chìm theo vận nước
Và hôm nay, vạn nẻo đường xuôi ngược
Tôi vẫn còn tiếp bước cha ông ….”
 
Phải, sau 30 năm xuôi ngược chiến sĩ Võ Đại Tôn   vẫn tiếp tục đi khắp nơi mang tiếng nói của chính mình, một nhân chứng sống, từ lúc CS trá hình với danh từ chống Pháp cứu nước “Việt Minh”, họ chôn sống mẹ ông, họ chôn sống chú ông và cho tới khi miền Nam sụp đổ 1975, ông lại là là  nhân chứng sống, một lần nữa khi trải qua 10 năm trong lao tù CS! Ba mươi năm nhìn lại ông vẫn thấy
 
“….Còn hôm nay vì hai tiếng Tự Do
Trăm ngàn thây vùi tan nơi vực thẳm
Và óai ăm thay:“………….giấc mơ vàng: mong thóat khỏi quê hương”
 
Quê hương dầu nghèo dầu rách nát, không ai muốn rời nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng một quê hương bị nhuộm đỏ bởi lòai quỷ dữ, nên con dân mới chịu cảnh lạc đàn tan nghé .  
Trong bài thơ “Việt Nam: 30 năm, nỗi đau bất tận” nhà thơ chiến sĩ Hòang Phong Linh đã tả cảnh tan tác của một trang sử đen tối :
 
“…..Kẻ chiến thắng cao tay thù hận
Búa liềm vung, ngạo nghễ cười vang
Người đành thua, dòng máu lệ hòa tan
Chung tủi nhục, chìm sâu theo vận nước ….
 
Những cảnh chia ly, tan tóc:
 
“….Mẹ dắt đàn con bỏ cả xóm làng
Tìm sinh lộ, vượt trùng dương thảm khốc
Mảnh thuyền tan giữa cuồng phong bão lốc
Sóng nghìn khơi làm tang trắng nghìn năm ….”
 
Những bài thơ mang một tính chất bi hùng tráng, đọc lên để cảm nhận niềm đau của cả một dân tôc, đọc lên để cùng đau với nỗi đau của chiến hữu Võ Đại Tôn . Những lời thơ như rỏ từng giọt máu đào của chính tác giả và của chính mỗi chúng ta, người con đất Việt- dù sống ở hải ngọai, hay bất hạnh còn kẹt lại ở Việt Nam dưới ách cai trị độc tài của chế độ Cộng Sản .
 
Nửa cuốn sau của “Tổ Quốc Hành Trình 30 Năm” là những suy tư được ghi lại “30 Năm Đấu Tranh bằng lửa tim và những nỗi cô đơn” khi ông ghi lại những cảm xúc mà đọc lên nghe thấm thía niềm đau của tác giả, nỗi cô đơn khi bị sa cơ thất thế, hùm thiêng sa lưới“……Ngày tôi từ Úc Châu qua Thái Lan, rồi băng rừng vượt suối trở về đất Mẹ, để bắt liên lạc cùng anh em quốc nôi, nỗi cô đơn chỉ gói trọn trong bốn vách xà lim biệt giam …” rồi nỗi cô đơn lại ngút ngàn như bài thơ “Tiếng chim bên dòng thác Champy” khi chiến hữu Vũ Hòai của ông đã hy sinh vì tổ quốc trên đường cùng ông trở lại quê hương chiến đấu, ông khóc bạn:
 
“Dăm trường xa sao nửa đường đứt đọan
Em thành chim trong tiếng hát hoang vu …”
…..
Tiếng chim trong rừng núi
Vọng về từ cõi mơ
Đường quê hương-anh ngã ngựa không ngờ
Trong phút chốc trở thành tên chiến bại
Em là chim trên gành xa hót mãi
Anh là chim trong bốn vách tù cao …”
 
 và như vậy:
 
 “Đường ta đi đã lên đèo xuống dốc …hành trang nghèo mà nặng gánh cô đơn..” Và nhiều lúc ông thấy “….Dường như cuộc chiến tranh dành lại Tự Do cho quê hương dân tộc này đã “ủy nhiệm” cho một số ít người tự nguyện, còn biết đau niềm đau của Tổ Quôc….”Nhưng rồi ông nhận thấy “……Rồi, tôi lại đứng lên từ những nỗi cô đơn của một người kháng chiến suốt 30 năm qua và lại bước đi dưới ngọn lửa soi đường của con tim không bao giờ đươc phép quên niềm đau của Tổ Quốc …”
 
Đến câu chuyện “Miếng bánh chưng trong tù” tác giả Hòang Phong Linh đã cho chúng ta thấy thân phận của những người tù cải tạo của CS đáng thương tới chừng nào, họ bị   hành hạ và đói khát triền miên, và phải cố sinh tồn bằng những mưu mẹo “  Ông cũng như nhiều người tù đã vượt qua và sống sót, ông viết “Đấy là một trong vạn cách sinh tồn của người tù . Miễn sao không bán rẻ anh em, không hèn hạ làm “ăng ten” cho kẻ thù để đạp lên xác đồng đội mà sống, giả dại qua ải để mong một ngày thóat cũi sổ lồng mà tiếp tục đấu tranh. …”
 
Trong câu chuyện “Quả Trứng luộc” mà ở đọan sau của bài nói chuyện chúng tôi sẽ nói chi tiết hơn , khi  nhớ lại, ông đã viết “Qủa trứng luộc ngày xưa mẹ cho tôi trước khi lên đường đã nuôi tôi nên người hôm nay . Từ một đứa trẻ sớm mồ côi mẹ mà không biết, mãi cho đến bây giờ, đã có bao nhiêu cái chết oan khiên tức tưởi do người CS gây ra ? Người mẹ chỉ vì lòng thương con vô bờ mà đã bị kết tội oan ức, đến chết vẫn không hiểu vì sao ….”
 
Gần cuối cuốn sách là những tình cảm, cảm nghĩ thân thương tác giả dành cho những người cùng chung chiến tuyến như ca sĩ Hùng Cường, ca nhạc sĩ  Nguyệt Ánh, Nhà danh họa Vũ Hối
 
Và cuối cuốn sách là những lời dành cho “Những tấm lòng vàng nhân chứng” đó những chứng nhân của cuộc họp báo quốc tế lịch sử ngày 13 tháng 7 nam 1982, mà chiến sĩ Võ Đại Tôn đã đánh lừa được CS, hiên ngang tố cáo tôi ác của chúng và duyên kỳ ngộ tác giả đã gặp những ký giả của các cơ quan truyền thong báo chí ngọai quốc và ông đã nói “họ là những đóa hoa hồng thơm ngát Tình Người” , và ông vần giừ một lòng thủy chung như những lời nói son sắt khi tuyên bố những lời bất khuất trước kẻ thù “ Tôi không phản bội bất cứ ai đã giúp đỡ tôi . Tôi tiếp tục duy trì lập trường chính trị của tôi để tranh đấu cho tự do và giải phóng dân tộc . Tôi đã sẵn sàng chấp nhận bất cứ một bản án nào mà chế độ CS dành cho tôi “ và cho tới bây giờ ông vẫn khẳng định:
 
“Trăm năm còn một chữ Tâm
Thịnh suy giữ vẹn, thăng trầm giữ nguyên “
 
Trong cuộc hành trình 30 năm, chiến sĩ Võ Đại Tôn không ngừng chiến đấu để một ngày “…Cùng tòan dân vung cánh tay thần
Đòi trả ta Sông Núi
Trả lại cho ta một đời không hận tủi
Cùng năm châu sánh bước ngang hang “
…..
Lòng dân sứ mệnh cùng chung
Giải trừ quốc nạn, phục hưng giống Rồng
Đuốc thiêng Văn Hiến soi lòng
Việt Nam Nhân Bản, trời Đông rạng ngời “,
 
 Sau khi đọc xong Tổ Quốc Hành Trình 30 Năm, ta tự hỏi một con người hiên ngang, được hun đúc được dạy dỗ và cuộc đời niên thiếu ông ra sao? còn thân mẫu ông ? hình dung, tâm tính như thế nào? mà trong hai cuốn sách, đã được chiến hữu Võ Đại Tôn, dầu nay đã quá thất thập cổ lai hi, vẫn còn nhớ về thân mẫu như một bà tiên hiền dịu
 
Chúng tôi phải thú nhận là khi đọc tác phẩm Tuổi Thơ và Chiến Tranh của chiến sĩ Võ Đại Tôn, chúng tôi đã bị lôi cuốn bởi câu chuyện và giọng văn trung thực như đang kể chuyện hay tâm tình với người đọc, câu chuyện có mãnh lực khiến chúng tôi đọc   với thời gian kỹ lục . Bỏ cuốn sách xuống rồi, chúng tôi vẫn còn hình dung một cậu bé Võ Đại Tôn, được sinh ra trong một gia đình sung túc gồm có 10 anh chị em, ông là người con thứ tám , và từ một cuộc đời của cậu Ấm, cô Chiêu trong một đại gia đình có bác, có chú có anh em ruột và họ sống hạnh phúc ấm êm với nhau và cùng được hấp thụ truyền thống Việt Nam và cũng được hấp thụ chương trình văn hóa của trường Pháp tại Đà Nẵng bỗng nhiên trở thành một thiếu niên nhà quê lam lũ hòan tòan
Nguyên nhân là chiến tranh- bắt đầu giữa Nhật Pháp, và  sau đó Nhật lại đầu hàng,  lúc ấy ở Việt Nam thì nạn đó lan tràn khắp nơi, rồi vua Bảo Đại thóai vị và Hồ Chí Minh lên cầm quyền ở miền Bắc, tác giả ghi lại “… mọi sự đổi thay bất ngờ trong đời sống đang chờ chúng tôi trước măt. Tuổi thơ của tôi bắt đầu đi vào một khúc quanh gai góc, vì chiến tranh
 
Gia đình ông phải rời bỏ thành phố Đà Nẵng về quê Hội An, làng Kim Bồng khi ấy ông  được 9 tuổi, Và cả đại gia đình ông lại sống với nhau trong căn từ đường .Lúc ấy phong trào Việt Minh nổi lên khắp nơi với lệnh “tiêu thổ kháng chiến”, “bài phong đả thực” .,
 
Đây là khỏang thời gian được tác giả Hòang Phong Linh mô tả : giai đọan tuổi thơ của ông phải vất vả vật lộn với cuộc sống, càng ngày càng cơ cực, anh em trong gia đình ông phải làm đủ mọi thứ công chuyện như có ngươi thì ra đồng làm việc, người dọn dẹp làm việc trong nhà , còn ông tập xay lúa và múc cám cho heo ăn . Thức ăn thì bữa với rau lang, rau dền thỉnh thỏang mới được mẹ ra chợ mua thịt về cho ăn, và điều quan trọng là tất cả mấy an h em của ông không còn được đi học nữa vì làng không có trường và là thời kỳ tản cư . Lớp phải đối diện với chiến tranh nào là lo sợ máy bay bà già thám thính, nào lo đào hầm trú ẩn . Lúc này những người có nhà ở Đà Nẵng đều bị quân Pháp chiếm giữ, và căn nhà của tác giả cũng cùng chung số phận
 
Chiến tranh càng ngày càng lan tràn khắp nơi, Việt Minh lộ hiện nguyên hình là Cộng Sản, họ vừa dụ dỗ, vừa dọa nạt dân quê với chiêu bài tham gia phong trào chống Pháp cứu nước
 
Lúc này là lúc thân mẫu của tác giả lâm bịnh ho lao đến thời kỳ nặng phải ở riêng trong một cái chòi sau vườn để không lây bệnh cho gia đình, con cái . Lòng hiếu thảo của ông  thể hiện qua những lần sắc thuốc cho mẹ, người mẹ mà ông lúc nào trong đầu ông cũng dịu dàng xinh đẹp như một bà tiên, và mặc dù bị cấm đóan sợ gần mẹ thì lây bệnh, nhưng ông vẫn tìm cách được ngồi cạnh mẹ, được mẹ ôm vào lòng .Ông tả “mỗi đêm phải đứng xa nhìn  bóng mẹ qua ánh đèn dầu chập chờn hiu hắt và nghe tiếng mẹ ho khúc khắc từng cơn . Có lẽ mẹ đang khóc khi nghe tiếng khóc của tôi, tiếng khóc của hai mẹ con quyện hòa nức nở trong đêm khuya vắng với tiếng lá tre rì rào”
 
Gia đình ông và người dân miền quê ở đây bị chiến tranh vây bủa, Pháp đi lùng Việt Minh còn Việt Minh thì hạch xách làm tình làm tội người dân đủ điều nào là bài trừ phong kiến, đánh đuổi thực dân, nhưng thật sự Việt Minh đang cố gắng vơ vét những gì còn sót lại trong các gia đình từ thóc gạo đến heo, chó cũng không tha, bộ mặt gian ác Việt Minh Cộng Sản càng ngày càng hiện  rõ hơn .
 
Gia đình ông Võ Đại Tôn vì có vốn liếng Pháp Văn nên cũng tai qua nạn khỏi trong nhiều cuộc bố ráp của Tây và cũng lý do đó mà Việt Minh đã nghi ngờ và tìm cách trả thù .
 
Câu chuyện đến hồi bi thảm, thương tâm, thân mẫu của ông không thể nhìn thấy con mình đói khát, nên dầu đang bệnh nặng bà cùng 2 người em chồng cố lặn lội về lại Đà Nẵng để mong đòi lại được căn nhà để đại gia đình được hồi cư, mong cuộc sống các con thóat khỏi cảnh cơ cực và có thể đi học trở lại.
 
Không ngờ một lần ra đi là lần vĩnh biệt ngàn thu, tác giả đã ghi “Tôi viết những trang sau đây trong tuổi xế chiều của đời một người con thương mẹ, hôm nay qua dòng nước mắt còn sót lại, sau hơn 60 năm chon kín trong lòng với bao nỗi niềm đau xót đến tận cùng ….”
 
Người mẹ và hai người chú không bao giờ tới được Đà Nẵng để đòi lại nhà,và câu chuyên Cộng Sản thủ tiêu 3 người thân yêu của tác giả vô cùng đau đớn, ngừoi mẹ lúc ấy đã ho ra máu nhiều lăm, nhưng phải hy sinh, toan tính lặn núi trèo non trở về phố cũ đòi lại nhà cửa cho chồng con . Người chồng và những đứa con đã cảm nhận được chuyến đi lành ít, dữ nhiều mà tác giả đã tả, cả tâm linh cũng báo hiệu điều đó . Thân mẫu ông ra đi chắc cũng linh cảm được điều này, bà đã bịn rịn dặn dò chồng
 
 “Thôi, ông vô đi, cho mấy con ngủ, khuya lắm rồi . Tui đi nghe, mai mốt sẽ về, ông đừng lo quá “ và tình thương của mẹ dành cho ông trong lần cuối trước khi giã từ “Mẹ lần tay vào lưng quần lấy ra một quả gì tròn tròn, màu trắng mờ nhạt trong bóng đêm, nhét vào tay tôi, khẽ nói:”má để dành cho con cái trứng vịt luộc đây nè . Con ăn đi rồi vô ngủ . Hồi nãy má ăn cơm với nước mắm rồi . Má không có đủ để cho mỗi đứa một trứng .Thôi, má đi nghe “. Mẹ tôi cúi xuống ôm hôn tôi rồi vùng chạy theo hai chú đang chờ . Bóng bốn người khuất sau lũy tre làng đang rũ ngọn xuống như những bong ma khổng lồ trong đêm khuya vắng . Đêm hôm ấy tôi cầm chặt quả trứng vịt luộc trong tay mà ngủ say lúc nào không biết .
 
Và quả như những điều gỡ và linh cảm của mọi người, mẹ và 2 chú ông đã đi vào cõi hư vô, với cái chết đau đớn oan khiên do Việt Minh Cộng Sản gây ra, mẹ ông lúc đó chỉ mới 43 tuổi một người chú tên Dương 47 tuổi và chú Mười 31 tuổi, cho đến gần 13 năm sau mới tìm ra tung tích và vụ sát nhân kinh hòang mới được phơi bày
 
Tác giả khi viết lại những đọan này đã tả
 
“…những cực hình dã man nhất mà người CS đã giáng lên tấm thân cằn cỗi bệnh họan của mẹ tôi, thực sự là tôi đang khóc . Như tự cầm dao cứa xẻ lòng mình để thấy dòng máu từ quá khứ chảy ra với bong hình của mẹ hiện về trong đêm đen, hơn 60 năm về trước .”
 
Ông viết tiếp: “Trong cõi đời này, có lẽ không có một người con nào muốn phơi bày cái chết oan khiên của mẹ mình cho mọi người biết vì đấy là nỗi đau riêng thầm kín tận cùng . Nỗi Đau (viết hoa), đeo đẳng suốt đời không quên …”Nhưng “vì cái chết thảm thương của mẹ và hai chú tôi xảy ra trong một giai đọan chiến tranh và do những người mất nhân tính gây ra, trở thành một trong hang triệu nạn nhân của CS ngay từ những năm tháng đầu tiên họ hiện diện trên quê hương chúng ta, cho nên tôi nghĩ cần phải ghi lại để các Thế Hệ Tuổi Trẻ VN có thêm một phần tài liệu . Như là một trong muôn ngàn bản án vạch trần tội ác bí mật hay công khai của người CS trước lịch sử Dân Tộc và lương tâm nhân lọai“
 
Việc tìm ra cái chết đau thương của mẹ và hai chú cũng là một sự đưa đẩy hiển linh khi anh Hai của tác giả bị bắt buộc tham gia vào một phong trào thanh niên tiền phong của Việt Minh CS và anh của ông tình cờ phát giác ra đôi giầy của mẹ ông được chủ nhà- nơi mẹ và chú ông bị bắt và bị sát hai- dấu trên mái tranh
 
Và cho đến gần 13 năm sau khi tác giả Võ Đại Tôn và anh em trong gia đình trở thành sĩ quan của QLVNCH mới tìm tới làng Cổ Lưu để tìm cái chết của mẹ và hai chú với sự giúp đỡ của vị quận trưởng tại đây, gia đình của ông mới tìm ra thủ phạm đó là tên Hùynh Thân, lúc ấy làm trưởng ban ám sát, hắn đã thú nhận và cũng như qua lời khai của nhân chứng của vụ giết người dã man là hai anh em chủ nhà nơi mẹ và hai chú ông tạm trú qua đêm .
 
Những hình ảnh   vô cùng khủng khiếp mà CS đã dung để tra tấn mẹ và 2 chú , được tuần tư diễn ra sau khi họ bị kết tội là tìm đường đi “liên lạc” với Tây
 “….Họ chọn chỗ có mắt tre thật cứng, bắt từng người đút ngón tay vào các nẹp tre rồi họ ra sức bóp lại, lấy thêm chày vồ đập mạnh xuống, làm cho các ngón tay nạn nhân bị kẹp nát, đứt thịt, lòi cả xương các ngón tay, máu chảy dầm dề và nạn nhân ngất đi . Mẹ tôi là người đàn bà ốm yếu bệnh họan cho nên chỉ bị kẹp các ngón tay một hai lần là ngất xỉu ngay . Họ còn lây chày vồ họăc thân gốc tre đánh mạnh vào đầu từng người, máu tuôn ra ướt mặt và áo quần . Mẹ tôi cố bò đến gục ngã xuống chiếc giường tre …”
 
Sau đó cũng theo lời cung khai của tên Thân thì họ đã dẫn ba người ra bãi cát trống, hai chú phải tự đào hố chôn mình và cảnh giết ngừơi gớm ghiếc dã man diễn biến, chúng dùng cuốc phang ngang lưng và đầu của hai chú ông cho rớt xuống hố
 
Và rồi “Hắn đến xốc mẹ tôi đứng dậy trong khi mẹ tôi đang ôm mặt khóc lớn .Hắn lạnh lùng dẫn mẹ tôi đến cạnh miệng hố, xô xuống thật mạnh, mẹ tôi rớt xuống nàm sấp trên người chú Tám . Hắn đứng trên hố, cầm cái cuốc phang xuống mấy nhát thật mạnh vào lưng mẹ tôi, làm cả thân hình mẹ tôi quằn cong lại .Họ đã chôn sống 3 người thân yêu của tác giả!
 
 Phần tả lúc ông và gia đình bới tìm từng khúc xương khô của mẹ và hai chú bằng những bàn tay run rẩy, làm ngươi đọc không thể nào không rơi lệ
 
Phần cuối tác giả quay trở lại với quãng đời tuổi thơ cực khổ tại làng Kim Bồng cho đến khi được hồi cư
 
Cái chết đau thương uất ức của mẹ ông là một điển hình cho những cái chết oan khiên của hàng ngàn đồng bào bị CS giết hại trong phong trào Cải Các Ruộng Đất ngòai Bắc, Tết Mậu Thân ở Huế, mẹ tác giả cũng như bao bà mẹ khác đã chết hoặc đang sống dưới chế độ bạo tàn của CS, trong một đất nước: người sống không an, mà chết cũng không được mồ yên mả đẹp, vì đất nước do người CS cai trị càng lúc càng nghèo đói thảm thương:
 
Tác giả đã viết bài thơ “Nước trôi mồ mẹ” trong chuyến công tác miền Trung và chứng kiến cảnh lụt lội, và hôm nay tác giả đã ghi lại để nhớ về 60 năm cái chết oan khiên của người Mẹ thân yêu:
 
“Con quỳ bên ni gìong sông
Bên tê mồ mẹ
Trời ơi, nước ngập tràn đồng
Từng khúc xương trôi đau lòng con trẻ
Con mang trong người thịt xương của Mẹ
Chừ trông nước lụt dâng về
Con còn bên ni, mẹ mất bên tê
Sóng bao la vỗ, bốn bề mẹ mô ?”
……
Nhưng Mẹ ơi, vì lòng nhớ thương Mẹ, vì tình yêu dân tộc mãi mãi nung nấu tâm can con nên nhất định con sẽ về. Cộng Sản đang cai trị dân tộc ta bằng bạo lực sắt máu, nhưng người dân Vịệt nhất định tiếp tục đấu tranh và sẽ không hổ thẹn với tiền nhân, với bao anh linh chiến sĩ đã bỏ mình, bảo vệ lý tưởng tự do . Mẹ Việt Nam ơi:
 
“Xin mẹ vui, đừng khóc
Đuốc lên đường đang chỉ hướng: Việt Nam!”
 
Chúng tôi xin được kết thúc cảm nghĩ của mình về hai cuốn Tổ Quốc Hành Trình 30 Năm “Tuổi Thơ và Chiến Tranh của   chiến hữu Hòang Phong Linh Võ Đại Tôn với những câu thơ của tác giả,  nói lên tâm tình của ông, và đó cũng chính là tâm tình của những người con lưu lạc mong một ngày về quang phục quê hương:
 
“Lời trần tình 30 năm
Tôi viết bằng tim máu
Từ nỗi đau chôn giấu
Kính dâng lên Tổ Quốc hằng yêu
 
Cùng với hịch cứu nguy Dân Tộc:
 
“Đây tiếng thét Diên Hồng
Ngày mai quang phục giống Rồng nòi Tiên”
 
 
Cảm ơn qúy quan khách đã lắng nghe
Thu Nga
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

n/a