Viết từ đường Heatherglen

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

Phạm Ngũ Yên

 
1.
Mùa xuân không bao lâu nữa sẽ đến cho tiếng chim kêu trong trẻo như một lời suối. Buổi sáng nay tôi biết được điều đó khi vừa thức giấc. Tôi nằm nán lại trên giường và sự lười biếng ùa về như bóng tối ngoài kia. Tin tức bão tuyết trên máy truyền hình lúc khuya báo tin các sở làm và trường học đóng cửa trọn ngày hôm sau.
Tiếng chuông báo thức lúc 6 giờ từ chiếc điện thoại cầm tay giống như vọng về từ một dòng sông nào đó, của quá khứ, mà trong buổi sáng cuối tuần tôi nghe với lòng thanh thản, bình tâm. Nếu không có mưa bão, thì giờ này tôi phải trèo xuống giường cùng sự luyến tiếc với chăn nệm tàn đêm. Tôi sẽ cố gắng làm những công việc lỉnh kỉnh, khởi đầu cho một ngày mới. Như pha cho mình một ly trà xanh có bỏ thêm vài miếng gừng tươi đập nát, sau đó để ly nước vào microwage và nhấn cho nó vận hành khoảng 5 phút. Với ly nước trà gừng này, mùa đông khi đi làm tôi sẽ không sợ bị cảm lạnh. Trong khi chờ đợi nước sôi tôi vào phòng tắm làm vệ sinh trong đó có việc tắm dưới vòi nước nóng từ chiếc bông sen trong bồn tắm... Sau đó là cạo râu, đánh răng và mặc quần áo ấm, ra ngoài nổ máy xe, chuẩn bị đi làm. Tôi tập thói quen đều đặn như vậy mỗi ngày, ngày nắng cũng như ngày mưa. Ngoại trừ những lần đi xa phải ngủ lại nhà bạn bè quen tôi tạm bỏ bớt chuyện nấu trà gừng.
Ðêm qua có tuyết rơi trên mái nhà và khi tôi hé màn cửa nhìn ra ngôi nhà hàng xóm, đã thấy tuyết bám trắng không sót một phía nào. Công viên sau nhà cũng vậy. Tuyết làm cho bãi cỏ vàng úa từ một mùa thu trở nên mênh mông hơn và công viên có vẻ như chạy lùi xa khỏi tầm mắt. Khung cảnh đẹp và lãng mạn giống như hình ảnh các thành phố Âu Châu thường thấy trong các thiệp Giáng Sinh. Thời tiết cho hay nhiệt độ xuống dưới khoảng 27 độ F, có nhiều đoạn đường trong thành phố sẽ đóng. Các xa lộ quan trọng như I.35 và 183 sẽ không còn một bóng xe lai vãng, ngoại trừ những xe cảnh sát và xe ủi tuyết chạy tới chạy lui để làm công việc mà không ai muốn giữa thời tiết khắc nghiệt, là giải quyết những tai nạn giao thông và san bằng những đụn tuyết giữa mặt đường.
 
Buổi sáng trôi qua chầm chậm. Tôi ngồi vào computer để theo dõi thời tiết, sau đây là một vài tin tức trích từ hãng thông tấn AP, do tờ báo điện tử Calitoday trích lại: “Sau Giáng Sinh, vài vùng của Hoa Kỳ vẫn còn bị thời tiết xấu hoành hành khiến tình hình giao thông vẫn còn tệ hại. Nhiều con đường ở vùng Trung Tây phủ một lớp nước đá rất nguy hiểm. Nhiều nơi ở Utah, Arizona, New Mexico, Colorado, Wyoming, Montana và Dakotas thứ sáu 26/12 vẫn còn nhiều cảnh báo bão tuyết mùa đông. Trong rặng núi Rocky Mountains sẽ có tới 20 inches tuyết rơi và cùng lúc gió giật có khi lên tới 80 dặm/giờ. Tại vùng Trung Tây, nhiều con đường và xa lộ vùng Chicago bị giá băng. Xa lộ I.290 đã bị đóng lại một quãng thời gian do giá băng nhưng đến trưa thứ sáu thì nhiệt độ lên lại một chút. Ðoạn đường Indiana Toll Road dài 150 dặm bị đóng trong vòng 2 giờ. Các viên chức của Utah đã cho đóng lại xa lộ I.84 dọc theo biên giới với Idaho vì đã có nhiều tai nạn xe cộ xảy ra. Colorado cũng đóng ít nhất 2 đoạn đường dẫn lên núi.Vùng núi non xung quanh Lake Tahoe có tuyết rơi tới 2 feet. Tại vài trung tâm nghỉ đông trong 2 tuần qua tổng cộng tuyết rơi tới 10 feet...”
 
“Nhiều nơi ở vùng Trung Tây đã bị lụt lội hăm dọa thứ hai 29/12 sau khi có nhiều nơi tuyết bắt đầu tan chảy. Michigan vẫn còn tới 177,000 khách hàng mất điện. Chúa nhật qua lại xảy ra bão tuyết với gió giật lên tới 60 dặm/giờ khiến nhiều người trong số nói trên có thể sẽ không có điện kéo dài qua tới thứ tư. Nhiệt độ bắt đầu tăng trở lại sau 1 tuần bão tuyết dữ dội. Các nhà dự báo thời tiết cho biết có thể nhiều vùng của Iowa, Missouri, Illinois, Indiana, Michigan và tây bắc Ohio sẽ bị lụt.Tại Michigan, nhiều nơi các con đường lộ của quận hạt Ottawa bị ngập nước từ 2 đến 3 feet và thềm nhà của nhiều căn nhà địa phương đã bị nước tràn vào.National Weather Service tiên đoán nước sông Fox River vùng đông nam Wisconsin có thể dâng cao hơn mức lũ tới 1 feet thứ ba 30/12 tại thị trấn Wheatland. Sông Grand River phía tây bắc Missouri đã dâng nước gần 9 feet tại vaì vùng tuần qua. Các báo động bão tuyết vẫn còn được loan ra trong vùng Tây Bắc, vốn bị bão tấn công từ vài tuần qua. Ðông bắc tiểu bang Washington và Idaho có thể bị lượng tuyết từ 3 đến 7 inches rơi xuống trong các thung lũng và tới 10 inches trong vùng núi...” (theo AP)
 
May mắn nơi tôi ở không bị cúp điện, (hoặc cúp những nơi khác mà tôi không biết). Bình cà phê nồng nàn trong bếp lò đã giữ chân tôi suốt ngày trong nhà và tôi nhớ những mùa đông đầy mưa, nơi thành phố Blao, chỉ có tôi và nàng trong căn nhà lợp tôn. Tiếng mưa bên ngoài và bếp lửa bên trong. Những trái bắp chín lấy ra từ lò than và thoa lên một chút mỡ hành. Vòng khoai lang trước sân nhà quyến rũ bầy chim sẽ đến mỗi ngày. Những đứa em nàng đến trường từ sớm. Mù sương quanh quẩn trên mặt hồ Ðồng Nai Thượng. Tình yêu cũng lãng đãng như vậy khi tôi đang là một người lính trôi giạt về thành phố của nàng.
Ngày đó tôi chưa định giá được có bao nhiêu lời yêu đương nồng nhiệt trên môi nàng. Nhưng tôi đã biết bao điều quen lạ làm nặng lòng tôi, khi nghe nàng cười. Có những niềm vui tuyệt diệu trôi về như mưa từ sau mỗi lần cách biệt. Chúng tôi yêu nhau biết bao. Vì cả hai đều rất trẻ.
 
Lúc tôi về phép Sài Gòn thăm gia đình, nàng chuẩn bị về Ðà Lạt học. Nàng có một người anh bà con là Trung sĩ Nhất Bảo, đang phục vụ trong ngành Quân Cảnh Tư Pháp, doanh trại nằm trên đường Trần Hưng Ðạo. Nàng sẽ về đó với anh Bảo để tiếp tục học cho xong Tú Tài một. Ngày hết phép trở lại Ðà Lạt, tôi có đến thăm nàng. Căn phòng nằm sau khu gia binh của đơn vị Quân Cảnh có lính đội nón sắt gác bên ngoài lô cốt. Tôi ngại ngần về thân phận tôi cũng như ngại ngần không biết dáng vẻ giang hồ của tôi có làm xốn xang những người lính đang làm việc tại đó hay không? Tôi vốn là một kẻ thích vượt ra ngoài những khuôn khổ có sẵn, những hình thức và những giáo điều. Nói chung tôi không thích bị ràng buộc, nên tôi sẽ khó lòng làm vui lòng những quân nhân gương mẫu lúc nào cũng chờ đợi cơ hội để phạt người khác.
 
May mắn anh Bảo thương nàng như em gái ruột, nên anh cũng không khó khăn với tôi. Chiều cuối tuần anh Bảo lái xe Jepp đưa tôi và nàng đi ra phố. Ðôi lần vào cà phê Tùng nghe nhạc, nhìn ra cửa kính bên ngoài xem thiên hạ dạo phố về đêm. Ðôi lần đến Phan Ðình Phùng ăn chè. Những lần khác loanh quanh bờ hồ. Những chiếc lá rụng xuống từ mùa thu đang thổn thức dưới bước chân của bộ hành và sau đó ướt nhòa vì mưa. Những cơn mưa bất chợt của núi rừng. Như nỗi nhớ ướt nhòa trong ngăn ký ức. Hạnh phúc của chúng tôi có chiều hướng mục rã vì có quá nhiều giông bão bay qua những vai đời.
 
2.
Có ai đó nói rằng nếu soi những bông tuyết qua kính hiển vi thì không có bông tuyết nào giống như bông tuyết nào. Trong hàng triệu bông tuyết rơi xuống đường phố mênh mang kia là hình ảnh của hàng triệu thế giới khác nhau. Dù chúng lấp lánh và mượt mà giống nhau. Tình yêu của tôi với nàng cũng giống vậy.
Dù bây giờ, tôi không còn nắm được bàn tay của nàng và môi miệng không còn gần gụi nhau, nhưng cảm xúc về nhau vẫn không thay đổi. Mỗi lần nghĩ đến nàng, lòng tôi dấy lên một nỗi chua xót mới mẻ. Quá khứ chỉ là một khoảnh khắc của đời sống, nhưng nó bám chặt vào đời sống làm cho con người không thể quên.
 
Lâu lắm rồi, tôi không nghe được tin tức nàng. Không được cầm lấy bàn tay mềm mại của nàng như cái thời lửa cháy, trong căn nhà ở cuối vạt rừng, ở Blao. Và cuối một bờ hồ có tên là Ðồng Nai Thượng. Tôi nhớ những món ăn mà cả tôi và nàng đều thích. Những trái bắp nướng thơm nóng trên bếp lò nhà nàng và được phết mỡ hành chung quanh. Những trái ổi sẽ tròn vo trong túi quần Treilli của tôi. Tôi nói với nàng đó là một món ăn thôn dã mà thị thành rất hiếm hoi. Mùa đông đi qua con đường dẫn ra Chợ Mới với chiếc áo khoát rộng thùng thình, tôi và nàng thở những hơi khói trong khi sương lạnh mịt mùng trên mặt hồ. Ðời nghe vắng những trùng phùng dù bàn tay luôn nằm trong tay nhau và mắt lúc nào cũng nhìn nhau say đắm. Trên những cánh cửa mòn hơi hám của niềm vui vừa chập chờn đậu xuống như một cánh bướm. Một thoáng rồi vụt bay. Thành phố cũ nàng bây giờ vẫn như ngày xưa. Nếu có thay đổi thì chỉ chút it. Những nụ hoa có thể sẽ bị chìm khuất đâu đó vì nhà cửa xây cất cao hơn, nhưng hồn hoa vẫn chung thủy đậm đà.
 
Khi tôi rời Việt Nam, Sàigòn đang mùa xuân. Trên đường vào phi trường, cánh gió vừa trải căng lòng trên những ngọn sao già trong khi tiếng gầm rú ngoài phi đạo. Người ta ít khi muốn cúi xuống để chạm đến một nghịch cảnh đau lòng. Nhưng không ai có thể quay lưng lại với nỗi buồn. Nó giống như những giọt đắng đọng trong lòng nhau khi mỗi đêm về choàng thức.
 
Tôi biết về nàng, không nhiều lắm, do lời kể của Minh - em trai nàng. Nó đưa tôi ra phi trường ngày tôi rời VN. Qua nó, tôi biết nàng đang từng trải một hạnh phúc. Từng làm chủ một tiệm bán đồ chạp phô ở chợ Bảo Lộc. Thu nhập tài chính trong gia đình khá sung túc và có một chút tiếng tăm, vì chồng nàng là một giáo sư đang dạy học tại trường Trần Hưng Ðạo, Ðà Lạt. Hai đứa con gái lớn đang học ở Sài Gòn. Ðại khái là vẫn hạnh phúc như cái thời nàng chưa từng quen biết tôi.
 
Những bài tạp văn tôi viết khi tôi ra hải ngoại, thỉnh thoảng có nhắc đến tên nàng. Ðến một thổ ngơi mà nàng sinh ra và lớn lên. Ðến ngôi trường Trung Học của nàng mà tất cả các nữ sinh nơi đó đều mặc áo len màu tím. Ðến những quán cà phê mà hai chúng tôi thường ghé vào. Những bài hát tầm thường nhưng lãng đãng sương khói mơ màng. Những chiếc bàn cũng đơn sơ không cầu kỳ, nhưng trên đó từng ghim xuống một tình yêu lộng lẫy. Những kỷ niệm của hai chúng tôi ngày đó buồn lạnh như sông và tình yêu đôi lúc trở mình hiu hắt. Giống như một đời lá. Chúng chỉ bám chặt vào cành khi nhựa xuân còn đó. Gần bốn mươi năm rồi còn gì. Làm sao để chắc lá vẫn còn xanh mà không hẹn ngày chờ rụng?
 
Tôi không thể nói lời từ biệt với nàng. Nơi tôi ở mùa đông ngơ ngác nghe những cơn gió giận bỏ đi không chịu trở về nơi góc hiên cũ mòn. Lá khô đùn lên cùng với bụi bặm thời gian. Tình yêu dang dở nửa chừng nhưng sao đậm mãi trong lòng tôi nỗi ray rức. Ở một con đường, mỗi người đứng ở hai phía. Ðôi lúc nghĩ về nàng, tôi hình dung ra tiếng cười và đôi mắt ấm áp luôn đuổi xua giá rét của nàng. Bảo Lộc ấp ủ gì khi sương mù mỗi sáng bay mênh mang trên đường ra chợ? Những lối xưa quen và những góc phố lạnh lẽo chưa kịp tỉnh thức. Làm sao để tôi quên được những ràng buộc về nàng, dù ngày tháng mới mẻ mọc lên như cây lá dọc bên đường quốc lộ. Khoảng không gian chật chội ngày nào từng chứng kiến tình yêu của chúng tôi, bây giờ có còn không hay đã tan vỡ? Và nàng đi qua mỗi ngày với tấm lòng trống trải không một tiếng gió nồng nàn.
 
3.
Năm nay Tết VN trùng vào cuối tháng giêng tây. Hơi lạnh của một mùa đông vẫn ruổi dong trên đường phố mùa Xuân. Màu hoa soan có còn rung trên mái trường ngày nào, như đã từng rung trên tuổi thơ của tôi? Ðêm giao thừa có chiếc lá cuối cùng nào chợt rụng để tiễn chân một năm cũ?
 
Làm sao để lòng người đàn ông già thôi không thổn thức vì một màu hoa hay một lời chim khi gió mùa về làm se môi. Và hơi thở trên miệng như dòng sông đêm chảy qua từng lau lách.
 
Ðâu đây nơi các siêu thị dành cho người VN đã thấy bày bán bánh mức. Những cánh thiệp màu hồng chuyên chở những lời chúc tốt lành. Những cành đào và cành mai giả tạo khơi dậy một niềm riêng tháng chạp. Không có ông đồ già và giấy đỏ để chữ nghĩa có dịp xuống đường. Có một chút mưa bay trên nóc mui xe. Trên những vầng trán già nua và đó đây những thanh niên thiếu nữ tìm đến nhau không cần đem theo những phong bao lì xì. Hình như họ đã ngầm gởi cho nhau một niềm tin viết trên tấm lòng non trẻ.
 
Con gái tôi mùa xuân này vượt qua sinh nhật thứ hai mươi hai. Nó đang chạy trên cánh đồng thơ ấu của ba nó ngày xưa bằng những vòng bánh xe trên 60 dặm một giờ. Tuổi thơ nó không có cánh diều cũng không có tiếng dế. Không có bụi bặm đường phố và tâm hồn không lấm tấm những hoa ô môi, hoa mắc cỡ ngày nào. Nó là một người Mỹ da vàng đương nhiên gia nhập vào dòng chảy của Mỹ Quốc. Làm sao để tôi gởi đến cho nó một lời chúc mùa xuân mang tình tự Việt Nam mà không vấp phải những hờ hững? Làm sao để cho nó hình dung được rằng bên kia bờ Thái Bình Dương, tuổi thơ của anh chị em nó thiếu nhựa hồn nhiên trong những cơ thể không lớn kịp với đời? Làm sao để cho nó hiểu rằng ở tuổi nó, những đứa trẻ Việt Nam đang khao khát mọi tiện nghi đơn giản nhất.
 
Bên cạnh những cơ hàn và rách nát của tuổi thơ như vậy, Sài Gòn cũng đang ráo riết đón Tết. Nghe nói chính quyền VN đang phô trương ra bên ngoài những hình ảnh biểu lộ sự phồn vinh để quyến rũ người ngoại quốc đầu tư. Trên tin tức loan đi từ báo chí hải ngoại, người ta nhìn thấy Sài Gòn về đêm đang vươn mình hối hả bay theo những gót chân tư bản. Trong ánh sáng chói lòa từ một góc chợ Bến Thành, bảng quảng cáo chạy bằng đèn in hàng chữ “Phố Mua Sắm”. Giá cả hàng hóa trưng bày trong phố không rẻ, nhưng dù sao cũng thu hút được một số thanh niên thiếu nữ vào đó, để tìm kiếm một vài niềm vui ngắn hạn. Bên cạnh đó khu giải trí Thảo Cầm Viên cũng bày ra nhiều mô hình lồng đèn do Singapore và Trung Quốc dựng lên.
 
Sài Gòn cũng là một xứ sở có đầy những nghịch lý. Nơi mà kẻ giàu và người nghèo cách biệt nhau không phải trong gang tấc mà cả muôn trùng. Cách đây hơn một năm, VN được trở thành một thành viên chính thức của WTO, đánh dấu một thay đổi mới trong nền kinh tế không còn ám ảnh bóng ma xã hội chủ nghĩa. Nhưng có thật vậy hay không? Làm sao để trong một sớm một chiều những người cầm đầu chế độ già nua kia có thể xóa sạch những tồi tệ từng bám rễ chằng chịt như một căn bệnh ung thư?
Sự nghèo đói vẫn là một nhức nhối, dù chế độ khua chiêng giống trống và lên bảng hiệu mỗi ngày. Thế giới vẫn không chóa mắt và nhìn thấy đàng sau những phồn vinh giả tạo kia biết bao hình ảnh thương tâm khác. Biết bao kẻ không nhà ngủ lê la trên các vỉa hè. Những gạo chợ nước sông. Những thân phận lầm than thấp hơn những hố rác. Những phụ nữ mà nhân phẩm không cao hơn bề dầy của một tờ giấy bạc?
 
4.
Buổi sáng mai hôm nay có đóa hoa nào nở riêng trong ngăn hồn tôi và em khi chúng tôi ngồi nhìn ra sân đậu xe bên ngoài quán cá phê quen? Ðời sống quá đẹp dù đời sống vẫn hàm chứa những dung tục. Vì trong cùng một thời gian và một góc không gian chật hẹp tôi chỉ cho em nhìn thấy hạnh phúc rõ rệt. Cùng một đời cây, nhưng phía nầy đã thu phong nhuộm đỏ - phía kia lại khẳng khiu cành nhánh âu sầu.
 
Ở một vài nơi khác, bão tuyết vừa tan, màu xanh của lá vừa nhú lên như thách thức với nghịch cảnh để vươn vai chạy đuổi theo từng cánh gió bên ngoài.
 
“Rồi lá sẽ úa vàng dưới xanh thẳm trời xanh
Em rồi sẽ khác xưa và anh cũng thế
Hạnh phúc là con đường ta đi hoài chẳng hết
Anh ngã ở chặng đầu bởi không thật lòng yêu...”
(khuyết danh)
 
Khi người ta yêu nhau, khó lòng để quay lưng lại với những đam mê mù lòa. Giống như cửa biển xưa giờ vẫn ngập tràn tiếng gió làm đắm đuối bờ cát mênh mông. Mọi thử thách rồi sẽ dấy lên nhưng nỗi say đắm về nhau sẽ giúp cho người ta nắm tay vượt qua những đê điều bất trắc.
 
Khi Vũng Tàu hứng chịu hoàn toàn cơn bão Darian từ Philippines thổi qua, tôi gọi phone về hỏi thăm những người thân nơi quê nhà. Cả một vùng biển xác xơ như vùng quê trong thời kỳ chiến tranh. Căn nhà của em gái tôi nằm ở chân Núi Lớn bị bay mái. Những cây dừa chạy dọc theo con đường ra Bãi Trước bị tróc góc, nằm phơi mình nửa dưới biển, nửa trên bờ. Những trụ điện có từ thời Pháp thuộc dĩ nhiên cùng chung một số phận. Chúng gẫy gục lòi trụ sắt ra ngoài và dây điện chằng chịt trên mặt đường. Một ngôi chùa ở Thích Ca Phật Ðài bị sập 4 bức tường, còn lại tượng Phật bằng đá trắng ngồi trầm ngâm. Nước mưa bay trên mái đầu của Tượng, có lẽ hòa tan cùng nước mắt.
Một trong những nguyên nhân chính làm cho Vũng Tàu bị tàn phá nhiều hơn so với các tỉnh khác là vì nhà nước tại địa phương thiếu khả năng “phòng chống thiên tai”. Vừa thiếu khả năng, vừa vô trách nhiệm. Những người cầm đầu các cơ quan lo về an sinh xã hội không đủ tri thức để học biết những bài học từng xảy ra nơi những nước láng giềng. Ðể từ đó tìm ra kế hoạch đối phó. Ðâu phải VN chưa từng xảy ra bão lụt hay hạn hán? Miền Trung há không phải là vùng đất mà thiên tai thường thăm viếng hàng năm đó sao?
 
Nhưng có một điều tôi buồn vô cùng, khi hay tin cây điệp già nua thời thơ ấu của tôi giữa nhà lồng Chợ Vũng Tàu bị đốn ngã.
 
Những đứa con của thành phố Vũng Tàu khoảng từ 40 đến 60 tuổi không ai không biết đến cây điệp đó. Nó già đến nỗi khi nhắc về quá khứ của thập niên 50, 60 người lớn luôn đưa nó vào trong câu chuyện để kể cho bầy con cháu nghe. Nó có mặt và chứng kiến những vui buồn của thành phố, của bao chế độ biến hóa, đổi thay. Của bao nhiêu người ngoại quốc đến, rồi đi, rồi đến, như mực thủy triều lên xuống mỗi ngày. Nó cũng chứng kiến những đứa con sinh ra, lớn lên và đa số đều thành đạt. Ða số đều nghe tình yêu đầu đời chấp cánh từ thân thể sù sì của nó. Như nhựa đời làm nên lá xanh. Mỗi ngày trôi qua, thân cây điệp ấp ủ niềm vui và nỗi buồn sum suê trên các cành nhánh. Nó ngậm trong lòng những bao dung và những hi vọng làm nên diệp lục tố cho đời.
Chung quanh nó còn có một khu đất trống mà sau nầy mọc lên một cái chợ. Ngôi chợ có hai cửa Ðông, cửa Tây và một nhà Lồng chính giữa. Cửa Ðông quay mặt với những quán xá nhộn nhịp và những rạp hát. Cửa Tây hướng ra biển. Nên tuổi đời của cây điệp có lẽ còn lớn hơn tuổi đời của hai dãy phố Trưng Trắc, Trưng Nhị dọc hai bên nhà Lồng Chợ.
 
Mỗi ngày tôi đi học, tôi phải đi qua nó. Qua những tiệm tạp hóa, những quán cà phê. Qua một tiệm thuốc Bắc có tên là tiệm của Thầy Lang Cỗ. Hơi thở của lá từng mùa xuân hạ thu đông phủ xuống trên từng viên gạch, từng vỉa nhựa đường. Hơi thở của cây cũng đậu xuống cùng đêm và bay lên cùng nắng. Ðể cho năm tháng trẻ mãi trên từng bước chân chúng tôi.
 
Tôi không quên được dưới bóng mát của cây, những đứa trẻ là chúng tôi ngày đó, tụ năm tụ ba chơi bi, đánh đáo, đá cầu. Thỉnh thoảng có những đoàn bán thuốc dạo ghé qua. Những người hát sơn đông mãi vỏ thường dẫn theo một con khỉ làm trò. Tiếng phèn la và tiếng trống lùng tùng xèng quyến rũ người qua đường hiếu kỳ. Họ dừng lại làm thành một vòng tròn nhỏ. Sau đó là những bà bạn hàng cũng bỏ bê việc buôn bán liếc mắt nhìn vào. Những xô lấn, cải vả với nhau chỉ để giành một chỗ đứng thuận tiện. Sau đó là vài lời giới thiệu của người chủ đoàn hát. Bên cạnh ông là những chiếc ghế thấp bày biện những lọ thuốc. Những dịp như vậy luôn có mặt chúng tôi. Tâm hồn chúng tôi căng ra để đón nhận những điệu bộ của từng nhân vật trong đoàn, cùng với những toa thuốc mầu nhiệm gia truyện có thể trị bá bệnh. Và những câu nói làm sự mê say ngất dừng lại giữa hai hồi trống: “Ông Hai bên kia mua một chai ... Bà Bảy đàng kia gọi hai gói...”
 
Khi tôi vào đời và đi lính, cây điệp vẫn còn hiện hữu nơi đó. Nhiều khi tôi quên hẳn nó khi có công việc đi ngang. Nhưng lạ lùng làm sao, dù nó nằm yên trong trí nhớ nhưng bóng mát của nó luôn che chắn một góc hồn tôi. Luôn đẩy thanh xuân mượt mà của tôi đi về phía mặt trời trước mặt.
 
Lũ lượt mọi người vượt qua biển dâu. Những đứa trẻ chúng tôi lớn lên và mộng. Vài đứa vừa yêu nhau cùng nắm tay đi dưới bóng mát của cây, để trở về nhà. Tình yêu học trò có khi lấm tấm những cành nhánh thủy chung. Rồi chiến tranh làm cho chúng tôi rời Vũng Tàu để đi vào quân ngũ. Cây điệp già nua vẫn chôn chân nghe ngóng một cổ tích ràn rụa, trong đó màu xanh của lá mỗi ngày vân xanh và vẫn thằm như màu đời...
 
PNY
 
 
 
 
Copyright © 2008 - All rights reserved.