Thời Sự Trong Tuần - Feb 27, 2010

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
KHỦNG HOẢNG TOYOTA - TOYODA
 
Ông Akio Toyoda, chắt của một nhà thành lập ra một công ty sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới, và ông Yoshimi Inaba, chủ tịch công ty tại Bắc Mỹ, hôm thứ Tư 24 tháng 2, xuất hiện trước một ủy ban của Hạ Viện Hoa Kỳ, đã xin lỗi và giải thích về những khuyết điểm gây cho những chiếc xe của họ bất ngờ tăng tốc độ ngoài sự kiểm soát.
Trong suốt buổi điều trần, ông Toyoda và Inaba đã sử dụng nhiều chữ “hổ thẹn” khi nhắn đến những việc xảy ra ngoài ý muốn trong quá khứ. Ông Toyoda nhắc nhở đến ủy ban rằng ông và công ty rất mong muốn sửa chữa những gì đã bị thiệt hại. Trong đoạn mở đầu phiên điều trần, ông Toyoda nói rằng tất cả những chiếc xe Toyota đều mang cái tên của ông, vì thế khi những chiếc xe này bị thiệt hại, cũng chính là sự thiệt hại đối với cá nhân ông. Chủ tịch ủy ban điều tra Hạ Viện là dân biểu Edolphus Towns, trong buổi điều trần đã kể lại về những cái chết thảm của nhân viên Tuần Tra Xa Lộ California Mark Saylor và gia đình của ông này khi chiếc xe Lexus của họ tự nhiên tăng tốc độ bất thường trên con lộ ở San Diego và những tiếng kêu khóc cuối cùng của họ đã được thâu lại bởi cơ quan 911.
Bộ trưởng Bộ Vận Chuyển Ray Lahood chỉ trích nặng nề công ty là đã trở nên ‘lãng tai” về vấn đề an toàn vì họ không chịu lắng nghe hay phản ứng về hàng loạt các vụ khiếu nại của khách hàng. Văn Phòng Quản Trị An Toàn Giao Thông Xa Lộ Quốc Gia (NHTSA) cho hay có thể đã có 39 người bị thiệt mạng vì sự tăng tốc ngoài ý muốn này của các chiếc Toyota.
Ông Toyoda nhiều lần lên tiếng xin lỗi và hối tiếc về những tại nạn xảy ra. Ông cũng gửi lời chia buồn với gia đình Saylor bị thiệt mạng với những chiếc xe của hãng. Ông cho rằng, công ty Toyota phát triển quá nhanh trong những năm qua nên đã có những sự nhầm lẫn về những ưu tiên của công ty. Ông LaHood và một số nhà làm luật còn cho rằng một trong những vấn đề chính của công ty là họ đã quá cao ngạo, hoặc ít ra là bị người Nhật đã không chịu lắng nghe các tài xế ở Hoa Kỳ đã khiếu nại điều gì. Các nhà làm luật Mỹ còn cho rằng có thể là vì sự cách biệt giữa hai nền văn hóa và cách thức điều hành công ty và chính phủ cũng khác nhau.
Ông Lahood cho hay các giới chức Hoa Kỳ đã phát giác những vấn đề này từ năm ngoái, nên quyền bộ trưởng Bộ Vận Chuyển Hoa Kỳ lúc bấy giờ là ông Ron Medford đã thân hành đến tận công ty Toyota để nói chuyện với các giới chức cao cấp nhất của công ty với hy vọng thông điệp của ông được người Nhật chú ý. Một lý do khác là sự khác biệt về tính đa dạng chủng tộc trong tầng lớp giám đốc của công ty sản xuất xe hơi này. Dân biểu John Jimmy Duncan Jr. cho rằng tầng lớp lãnh đạo cao cấp nhất gồm toàn người Nhật mà không có một người Mỹ nào. Ông khuyên công ty nên chọn vài người Mỹ vào trong bộ lãnh đạo cao cấp nhất với những người Nhật.
Ngoài những lời thật lòng xin lỗi, ông Toyoda hứa là công ty sẽ có những bước hành động trong tiến trình thu hồi và sửa chữa để lấy lại lòng tin của giới tiêu thụ về vấn đề an toàn. Hơn nữa, ông cho hay sẽ bảo đảm là các thành viên trong ban quản trị phải là những người lái những chiếc xe để trở thành những người đầu tiên phát giác ra những khuyết điểm của nó.
Hôm thứ Sáu 26/02, sau khi xem xét các hồ sơ của công ty Toyota, chủ tịch ủy ban Hạ Viện cáo buộc công ty đã dấu kỹ một số hồ sơ trong lúc công ty phải đối diện với các vụ kiện của các nạn nhân trong các vụ tai nạn. Dân biểu Edolphus Towns, đã yêu cầu chủ tịch Yoshimi Inaba, người đang giữa trách nhiệm điều hành công ty Toyota tại Hoa Kỳ phải giải thích tại sao những hồ sơ này lại không gửi cho các luật sự bên khiếu nại.
Hiện nay các cơ quan an toàn đang điều tra xem là công ty Toyota đã có hành động đủ nhanh trong việc thu hồi khoảng 8.5 triệu chiếc – 6 triệu chiếc tại Hoa Kỳ - sau khi họ phát giác những vấn đề có liên quan đến bàn đạp ga.
Cũng trong ngày thứ Sáu, Toyota cho hay họ sẽ mở rộng chương trình thu hồi kể từ tuần này tại nhiều nơi. Qua chương trình này, các dealers sẽ đưa ra nhiều dịch vụ miễn phí khác nhau, chẳng hạn như họ sẽ đưa rước hoặc đến tận nhà kéo xe, trả tiền mướn xe hoặc chi phí taxi cho những khách hàng đã không thể sử dụng những chiếc xe của họ trong thời gian sửa chữa.
Ông Toyoda, năm nay 53 tuổi, thuộc một dòng họ nổi tiếng tại Nhật. Ông không được nhiều người biết tiếng tại Hoa Kỳ cho tới khi vụ thu hồi những chiếc xe do bàn đạp ga bị kẹt đã đưa ông vào trung tâm của vụ khủng hoảng này. Mặc dầu chỉ nắm 2% cổ phần của công ty, gia đình Toyoda đã giữ một vai trò tích cực trong việc điều hành công ty Toyota kể từ khi thành lập vào năm 1937 bởi ông cố nội Toyoda là cụ Sakichi. Các du khách đến thăm thành phố Nagoya, Nhật Bản, sẽ có thể vào thăm một tòa nhà nhỏ được ghi nhận trên một tấm giấy bên ngoài cho biết đó là nơi khởi đầu cho công ty Toyota. Mỗi một thế hệ trước ông Toyoda kể từ Kiichiro đều nắm vai trò then chốt. Ông Eiji Toyoda, 96 tuổi, anh em con chú bác với Kiichiro, đã lãnh đạo công ty trở thành nổi tiếng trên thế giới vào thập niên 1980. Thân phụ của ông Akio Toyoda, vừa mừng sinh nhật năm thứ 85 trong tháng này, đã dẫn dắt công ty từ thập niên 80 và 90 cho tới khi xâm nhập sâu vào thị trường Hoa Kỳ.
Khởi đầu thì ông Akio Toyoda không muốn theo nghiệp của cha ông. Sau khi tốt nghiệp 2 năm đại học tại Nhật, ông sang du học tại ngoại ô Boston và tốt nghiệp cử nhân MBA tại đại học Babson College. Ông sinh sống vài năm tại New York và làm việc cho hai công ty cố vấn.
Khi một số các đồng nghiệp nhiều lần thắc mắc tại sao ông không đi vào ngành xe hơi thì lúc bấy giờ ông Toyoda mới nghĩ đến việc trở về quê hương. Nhưng ông đã đưa ra một điều kiện với thân phụ của mình là ông cần được bắt đầu sự nghiệp từ những công việc lao động sản xuất cho tới việc bán xe và phải được huấn luyện như một nhân viên tập sự.
Năm ngoái, trong bối cảnh công ty bị khủng hoảng tài chánh tệ hại nhất kể từ thời kỳ của ông nội, công ty đã chọn ông Akio Toyoda lên làm chủ tịch lãnh đạo, nhưng tới nay ông phải đối diện với một khủng hoảng mới. [] QUAN HƯNG