THỜI SỰ TRONG TUẦN – AUG 7, 2010

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

CHÍNH TRỊ LẬT LỌNG

QUAN HƯNG
Đại tướng Hải Quân Hoa Kỳ John D. Lavelle không còn sống để chứng kiến cấp bậc và danh dự của mình được phục hồi, thế nhưng con cái và cháu chắt của ông đang hy vọng sẽ ăn mừng ngay tại quê nhà Cleveland của ông.
Bộ Quốc Phòng hôm thứ Tư 04 tháng 8, 2010 tuyên bố rằng tổng thống Barack Obama đã đề nghị phục hồi cấp bậc đại tướng, một chức vụ cao nhất trong quân đội Hoa Kỳ cho Lavelle. Ông qua đời năm 1979, bảy năm sau khi bị buộc phải về hưu sớm và bị giáng xuống hai bậc còn thiếu tướng. Đại tướng mang 4 sao, trong khi thiếu tướng chỉ có 2 sao.
Ông Lavelle tốt nghiệp trường Cathedral Latin School và John Carroll University, bị cáo buộc là đã ra lệnh đánh bom Bắc Việt mà chưa có sự chấp thuận của cấp trên, sau đó ông còn bị đổ oan là đã giả mạo hồ sơ để che dấu việc làm đó. Sau này tất cả những cáo buộc trên đều không có bằng chứng.
Trong một bản thông cáo công bố hôm 4 tháng 8, 2010, bà quả phụ Mary Jo Lavelle nói rằng: “Jack là một người tốt, một người chồng, một người cha tốt và một quân nhân gương mẫu. Tôi ước gì ông còn sống để nghe được tin này.”
Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện cần phải đồng ý đề nghị phục chức đại tướng cho ông Lavelle, cũng như cần được sự chấp thuận của Bộ Trưởng Hải Quân, Bộ Trưởng Quốc Phòng và sau hết là tổng thống.
Vào năm 2007, câu chuyện bắt đầu xoay chuyển khi tạp chí Hải Quân cho đăng một bài viết của vị tướng không quân về hưu Aloysius Casey và con trai là Patrict Casey. Họ dùng các tài liệu đã được bạch hóa cùng văn bản ghi lại những cuộc đàm thoại của tổng thống Richard Nixon tại phòng Bầu Dục Tòa Bạch Ốc để chứng minh là ông cựu tổng thống Nixon đã bí mật cho phép có thêm các vụ ném bom ác liệt vào Bắc Việt trong tháng hai năm 1972. Hai tác giả cho biết các vụ tấn công đó được các lãnh đạo cao cấp của Hoa Kỳ cho phép, trong đó gồm tổng tham mưu trưởng liên quân đô đốc Thomas H. Moorer, và chỉ huy quân đội Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam tướng Creighton T. Abrams.
Ông Lavelle buộc phải về hưu năm 1972, nhưng Không Quân Hoa Kỳ từ chối không đưa ông ra tòa án quân sự mặc dầu một số giới chức chính phủ nghĩ rằng ông đáng bị xét xử như thế.
Theo lý lịch trong hồ sơ của Hải Quân, ông được cấp bằng phi công của trường huấn luyện quân sự ngay sau khi tốt nghiệp đại học năm 1939. Ông là phi công chiến đấu phục vụ tại Âu Châu trong thời Đệ Nhị Thế Chiến và được thăng chức rất nhanh sau chiến tranh chấm dứt. Vào thời gian ông Levelle bị giáng chức trong tháng 4 năm 1972, ông là đại tướng 4 sao tư lệnh thứ 7 Hải Quân Mỹ, bộ chỉ huy đặt tại phi trường Tân Sơn Nhất ở Miền Nam Việt Nam. Trước đó, ông đã từng nắm chức tư lệnh phó Hải Quân khu vực Thái Bình Dương. Sau khi qua đời ông được chôn tại Nghiã Trang Quân Đội Arlington.
Vào thời gian năm 1972, các phi công của ông đã bị cộng quân Bắc Việt bắn rớt rất nhiều và ông đã chống trả mãnh liệt.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Melvin Laird lúc bấy giờ đã đến thăm Việt Nam và đã cho phép ông Lavelle dội bom Bắc Việt để trả thù. Sau đó còn có thêm giấy chứng chấp thuận của chủ tịch Tổng Tham Mưu Liên Quân.
Tất cả đều được giữ bí mật cho tới khi 3 năm về trước, các nhà nghiên cứu đã tìm ra những cuốn băng, được bảo trì và lưu giữ tại Bảo Tàng và Thư Viện Tổng Thống Nixon. Những cuốn băng này ghi lại các cuộc đàm thoại giữ cựu tổng thống Richard Nixon và cố vấn An Ninh Quốc Gia Henry Kissinger. Các cuộc nói chuyện trong năm 1972 cho thấy ông Lavelle đã được sự cho phép của Tòa Bạch Ôc gia tăng cường độ ném bom Bắc Việt, trong đó có các cuộc đàm thoại như sau:
Nixon: Tốt, tôi xin hỏi ông về vụ Lavelle….Tôi không muốn ông ấy là dê tế thần.
Kissinger: Đúng, tôi có thể nói gì được.
Nixon: Chúng ta đều biết cần phải phản ứng bảo vệ ra sao, tên đáng nguyền rủa Laird (Bộ Trưởng Quốc Phòng lúc bấy giờ)… đang chơi trò gì đây…
Kissinger: Chuyện đã xảy ra với Lavelle là ông ấy có đủ lý do để tin tưởng rằng chúng ta muốn…tiến hành những bước xông xáo hơn.
Nixon: Đúng, đúng thế.
Ông Lavelle sau đó bị triệu hồi về Hoa Thịnh Đốn và bị cắt chức. Ông đã không thể gặp mặt Bộ Trưởng Quốc Phòng Laird hoặc các giới chức cao cấp của Hải Quân để biện hộ cho mình. Số phận của ông đã được quyết định bí mật trong cuộc họp tại Phòng Bầu Dục trong tháng Sáu. Tổng Thống Nixon tiếp tục đàm thoại với Kissinger về ông Lavelle như sau:
Nixon: Trở lại câu chuyện của Lavelle. Tôi không muốn người đàn ông này bị ngược đãi chỉ vì những gì ông ấy nghĩ là đã làm đúng. Tôi không muốn làm thế…Bây giờ tình hình như thế nào rồi?..Câu chuyện có vẻ buộc gã đàn ông này làm vật tế thần rồi. Nhưng không thể được.
Thế nhưng trong một cuộc họp báo vài ngày sau cuộc đàm thoại với Kissinger tại Tòa Bạch Ốc, tổng thống Nixon đã nói với các phóng viên rằng ông Lavelle chưa bao giờ được sự chấp thuận gia tăng nỗ lực ném bom của cấp trên. Tổng thống Nixon nói: “Lavelle đáng phải như thế. Ông ấy phải bị cắt chức và cho về hưu.” Giới phân tích cho rằng, dưới áp lực của các nhà làm luật và các cử tri, tổng thống Nixon không dám thừa nhận là chính ông đã bí mật cho phép gia tăng cường độ ném bom Bắc Việt.
Trong các phiên điều trần và phỏng vấn với báo chí trước khi qua đời năm 1979, ông Lavelle nhận mọi trách nhiệm về các hậu quả ném bom mà ông cho rằng cần để bảo vệ phi công Mỹ và hoàn thành sứ mệnh tại Việt Nam. Nhưng ông cũng luôn cho rằng mình chưa bao giờ hành động vượt quá quyền hạn. Ông cho hay đã thi hành đúng theo chỉ thị của Ban Tham Mưu ở Hoa Thịnh Đốn, cũng như lệnh của Bộ Trưởng Quốc Phòng Melvin R. Laird và của tướng Creighton Abrams.
Hôm nay, 38 năm sau, cũng một ủy ban đã từng giáng cấp ông Lavelle, đang tiến hành việc phục hồi danh dự và cấp bậc cho tướng Lavelle. Trong một thông cáo gần đây, TNS Dân Chủ Carl Levin và TNS Cộng Hoà John McCain của Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện viết rằng, sau nhiều thập niên tranh đấu nhằm phục hồi danh dự cho tướng Lavelle, bà quả phụ Mary Josephine và gia đình họ rất xứng đáng nhận được những quyết định nhanh chóng.[]