Những Mẫu Chuyện 30-4

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
 
Phạm Văn Hòa
 
 
Nhân ngày 30-4, đọc lại những tài liệu, những hồi ký, những mẫu chuyện trao đổi qua điện thư . . . đâu đâu tôi cũng bắt gặp những hình ảnh thân thương, những mẫu chuyện đau lòng, những gương hy sinh, những tấm lòng trung tiết của các cấp chỉ huy, các chiến hữu và các người bạn trong QLVNCH. 
Riêng cá nhân người viết, vào sáng ngày 30-4-75 đã tham dự cuộc họp bất thường tại phòng họp QĐ4 do Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam , TL/QĐ4/ QK4.  Phòng họp chật ních, người người vẽ mặt lo âu.  Mấy đứa bạn cùng khóa của tôi không hẹn mà gặp.  Không hỏi han, bù khú như thường khi chúng tôi gặp nhau, mà chỉ siết tay nhau thật chặt, lặng thinh nhìn nhau bồn chồn lo lắng.   Sau hơn một giờ chờ đợi, vị Tư lệnh xuất hiện.  Gương mặt đỏ như vừa khóc xong, ánh mắt bàng hoàng.  Ông vào đề ngay và cho biết là vừa nói chuyện với Sàigòn và "khuyên bảo" đại để như sau: "Các anh là đơn vị trưởng, nhớ đừng phí phạm sinh mạng binh sĩ thuộc hạ trong giờ phút cuối cùng này.  Nếu bên kia không phát hỏa thì các anh đừng, và giữ nguyên vị trí.  Thôi các anh hãy về và lo cho binh sĩ thuộc hạ!".  Câu nói ngắn gọn của người chỉ huy mà lúc nào cũng hết lòng lo cho thuộc hạ.  Bước ra khỏi phòng họp, tôi bàng hoàng, cơ thể như bị đóng băng, đầu óc trăm thứ ngổn ngang.  Tôi có cảm giác như lúc bị thương trước đây.  Không đau đớn nhưng cảm thấy tê dại.  Lời nói của vị Tư lệnh khả kính như lời khai tử cho một quân đội kiêu hùng, như con người bị bắt đem đi chôn sống.  Vùng IV vẫn còn yên mà sao ra nông nổi!!  Lời nói của ÔNG là cáo chung cho một chính thể bị tức tử bởi người bạn phản trắc!  Bao nhiêu bài báo, bài viết ca tụng vị "Anh Hùng" này.  Tôi không dám lạm bàn vì tôi nghĩ mình không đủ, đủ cái gì không biết, để phán xét hay viết về ÔNG.  Tôi chỉ ghi lại lời nói cuối cùng mà tôi nghe được, mà chỉ sợ là không phản ảnh trung thực, những gì mình đã nghe thấy trong buổi họp cuối cùng này. 
Hôm nay, 35 năm sau, lời nói này vẫn còn vang vang trong đầu tôi mỗi độ Tháng-Tư-Về. 
Chúng ta đã học được gì qua biến cố này?  Cuộc đời há chẳng qua là một cuộc thử thách.  Người cầm quân có thắng, có bại.  Người dấn thân hành động mới thấy cái đúng, cái sai.  Còn giờ đây chúng ta nên làm gì để bù đắp, để làm cho cuộc sống này khá hơn, cho xã hội này công bằng hơn và riêng cho nước Việt Nam thì làm sao chấm dứt được chế độ CS, độc đảng đang lộng hành, chà đạp nhân quyền, và đang trên đà đầu độc thế hệ tương lai của dân tộc Việt Nam. 
    
Nhân đây, xin kể hai mẫu chuyện, được viết vào hai thời điểm khác nhau.  Câu chuyện thứ nhất viết về người chỉ huy trong QLVNCH trong thời chiến.  Lúc nào cũng lo cho dân, vì dân và hy sinh niềm vui riêng tư cho thuộc hạ, những mong đem an bình cho Quê Hương thân yêu.  Và câu chuyện thứ hai là của người quân nhân trong QLVNCH sau cuộc chiến, anh đã hy sinh một phần thân thể cho quê hương, và rồi anh phải sống trong cảnh bần hàn ngay trên phần đất mà anh đã hy sinh, nhưng lúc nào cũng giữ được khí tiết của một chiến sĩ  VNCH đáng làm ta hảnh diện.
 
*
**     
 
 
 
 
Đọc:  Expandable Warriors
The battle of Khe Sanh and the VietNam War
của Bruce B. G. Clarke, in năm 2007
 
 "Những con Chốt Thí trong cuộc chiến Khe Sanh"
Thân tặng bạn Tinh A Nhi K18/VBĐL, Quận trưởng Hương Hóa mà tác giả nhắc đến.
 
30-4
Lục tìm tài liệu về cuộc chiến VN bị chôn vùi hơn ba thập niên qua, không thiếu gì thiên hùng ca của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa.  Vào ngày này, các cộng đồng người Việt Tự Do trên khắp thế giới từ Âu sang Mỹ sang Úc đâu đâu cũng hâm nóng lại những tấm gương hy sinh của dân quân cán chính trong chính thể Việt Nam Cộng Hòa. 
"Sự lầm lổi của người công nhân, thì chỉ món hàng bị hư hỏng; sự lầm lẩn của người chủ gia đình thì cả gia đình bị tan nát; sự lầm lẩn của người tướng cầm quân thì bị thất trận bao nhiêu quân sĩ chết chóc; còn sự sai lầm của người cầm vận mạng quốc gia thì hãy coi gương Việt Nam!". 
Hậu quả bao nhiêu chiến sĩ anh dũng đã phải trả giá bằng cuộc đời mình trong chốn lao tù mà Cộng Sản gọi là "Học Tập Cải Tạo"!  Ngu xuẩn!  Chúng ta, những người Việt yêu chuộng Tự Do phải gọi đó là "Trại Tù Khổ Sai".  Không có trường học nào trên thế giới cho học viên ăn không đủ no, bệnh không có thuốc, lao động khổ sai ngày đêm, thậm chí một người bạn của tôi kể lại ban đêm đã phải đi tìm bới trong đống rác để kiếm thức gì ăn để được sống, để may ra còn về lại với vợ con!  Học tập gì mà gia đình không được thăm nuôi.  Học tập chi mà đêm đêm đưa các "học viên chuyển trại" âm thầm từ Suối Máu, Long Thành ra tận Hoàng Liên Sơn hay các trại sơn lam chướng khí miền Bắc.  Làm sao có thể nói hết cách đối xử tàn ác của CS Hà Nội đối với các "Học Viên" của họ!  Danh từ hoa mỹ này chỉ để tuyên dụ và ru ngũ những kẻ xu thời Việt Gian nối giáo.   CSVN đã trắng trợn vi phạm hiệp định Genève nếu họ coi các chiến sĩ VNCH là "Tù Binh Chiến Tranh", bởi vậy họ mới đặt cho cái tên là "Học Viên", "Học Tập Cải Tạo".  Tội ác mà bọn CS đối với các Chiến sĩ VNCH và dân quân cán chính không thua gì tội diệt chủng của Đức Quốc xả đã giết hàng triệu dân Do Thái  trong thế chiến thứ 2.
Chua chát thay, đau xót lắm, vào đáo hạn mỗi năm ngày 30-4!  Nhưng, thà "đốt lên một ngọn đèn còn hơn là ngồi nguyền rủa trong bóng tối".
 
 . . . Trong tinh thần này, tôi xin kể . . .,
Trên diển đàn Võ Bị Đà Lạt cách nay khá lâu, có tin một cố vấn Hoa Kỳ tìm người bạn, mà từng là chiến hữu trấn thủ Khe Sanh cách nay trên dưới 40 năm.  Thưa các bạn đó là Đại Tá hồi hưu Hoa Kỳ Bruce Clarke tìm Thiếu Tá Tinh A Nhi, Khóa 18 VBĐL, quận trưởng Hương Hóa từ năm 1966 đến 1968.  Sự may mắn tình cờ tôi được đọc quyển Expandable Warriors do ông Bruce Clarke viết về trận chiến Khe Sanh mà ông, là cố vấn, và bạn Nhi, là Chi khu Trưởng, đã trấn giữ với quân số cả Việt, Mỹ và các chiến sĩ Thượng Bru là 157 người đã chống lại một Trung Đoàn CSBV vây hảm.  Phần chủ lực tấn công của CSBV là TĐ7, TĐ9 và ĐĐ11 thuộc TrĐ66, Sư Đoàn 304.  Và sau hai ngày 21, 22 tháng 1, 1986, họ đã chiến đấu dũng mãnh với sự yểm trợ của phi pháo và B52.  CSBV đã thất bại và phải rút lui để lại khoảng 600 xác chết. 
Tôi xin tạm dịch đề tựa quyển sách tài liệu "Expandable Warriors" là "Những con Chốt Thí trong cuộc chiến Khe Sanh".  Trong quyển truyện tác giả đã nói rất nhiều về người bạn Khóa 18 VBĐL của chúng ta và ca ngợi sự hy sinh, gan da mà tác giả, xuất thân từ West Point được hân hạnh chiến đấu cho Tự Do cho nhân dân miền Nam Việt Nam bên cạnh bạn T.A.N., xuất thân từ trường Võ Bị ĐàLạt mà tác giả gọi là West Point của Việt Nam. 
Tôi không có được kinh nghiệm chiến trường như bạn Trần Ngọc Huế, anh hùng Hạ Lào.  Tôi không có khả năng viết lách phóng sự chiến trường như bạn Phan Nhật Nam , trong Mùa Hè Đỏ Lửa.  Tôi không có cái gan lỳ của Nguyễn Lô, nhảy dù và những người bạn cùng khóa khác.  Tôi không phải đi "Học Tập Cải Tạo" như những người bạn chúng tôi trải qua.  Nhưng tôi có cảm quan của người Chiến sĩ cho Tự Do cay đắng vì vận nước và biết hảnh diện vì người bạn cùng khóa đã để lại trong lòng tác giả, trong lòng người dân Hoa Kỳ và đọc giả quyển Expandable Warriors nhiều ngưỡng mộ vì anh đã đề cao triết lý của người chỉ huy là phải biết hy sinh và sống hoà đồng với thuộc cấp.  Bạn Tinh A Nhi đã nhấn mạnh một trong số những đòi hỏi của cấp chỉ huy là LÒNG TIN, đại để anh đã nói:
 "Trong một quận lỵ hẻo lánh, quân sĩ, dân chúng đánh giá sự  tận tụy, thanh liêm, danh dự, can đảm của người chỉ huy.  Tôi chẳng hề than phiền hay đòi hỏi gì ở Quảng Trị.  Tôi chẳng có được cái xe jeep làm phương tiện di chuyển như các vị quận trưởng khác.  Chuyện đó không thành vấn đề.  Tôi hy sinh cá nhân, miễn sao lúc nào gạo thóc tiếp tế đầy đủ cho dân chúng trong quận.  Vì tình trạng đặc biệt của Khe Sanh, sự có mặt của tôi làm an lòng người dân ở đây.  Nên, dù tôi phải đi họp tại Quảng Trị một vài tháng một lần, và nếu tôi rời nhiệm sở vào sáng ngày thì trở lại vào trưa ngày hôm sau.  Cũng như tôi có 10 ngày phép thường niên để thăm cha mẹ ở Sàigòn, nhưng năm 1967 tôi không đi phép để ở lại lo cho thuộc cấp.  Tôi cố gắng tạo niềm tin và lo cho dân, điều này đã được đền bù xứng đáng trong khi lâm trận."
In this remote mountain district, the people (soldiers, cadres and civilians could easily find out under what circumstance the chief was assigned to the post).  They would measure the intergity and mettle of an officer by watching his devotion to the job.  I neither complained nor asked Quang Tri for anything.  I didn't have a jeep for transportation as other District Chiefs had.  That was ok!  As long as Quang Trị took care of sending enough rice for the civilians, I was satisfied.  Due to the unique situation in Khe Sanh, I felt that my presence was more important to the peace of mind of everyone in Khe Sanh.  I was summoned to Quang Tri for provincial meeting every few months.  I left in the morning and returned at noontime in the next day.  I was supposed to get 10 days off (vacation) so that I could visit my parents living in Saigon .  In 1967, I skipped my vacation so that I could be with my troops all the time.  My effort in building trust and serving people well paid off  during the battle". (trang 92)
 
Trở lại mặt trận Khe Sanh, dù cho CSBV bị thảm bại sau 2 ngày tấn công và đã rút lui . . . nhưng toàn bộ lực lượng của ta trấn thủ Khe Sanh được lệnh phải di tản.  Một binh sĩ Hoa Kỳ sau 2 ngày chiến đấu anh dũng đẩy lui địch quân đã viết thơ về Hoa Kỳ cho gia đình kể sự chiến thắng và anh đã kết thúc bức thư bằng câu:
 "Đừng tin!  Những gì về trận chiến Khe Sanh trên báo chí vì không đúng sự thật". 
Tác giả Bruce Clarke hiểu rõ điều này.  Chính ông là một trong "Những con Chốt Thí trong cuộc chiến Khe Sanh" nói lên sự thật của mặt trận Khe Sanh và sự chiến đấu dũng cảm của QLVNCH và các chiến sĩ Thượng Bru.  Tác giả đã bật mí, bỏ Khe Sanh là ý đồ của Tướng Westmoreland để hổ trợ cho tương lai chính trị của Tổng thống Lyndon Johnson vì dân chúng Hoa Kỳ phản kháng chiến tranh Việt Nam.  Tướng Westmoreland biết rõ sự điều động gần 40,000 quân CSBV trong vùng.  Nhưng ông dùng Khe Sanh như miếng mồi nhữ địch, và các chiến sĩ Việt và kể cả Hoa Kỳ là những "Con Tốt Thí" tại căn cứ Khe Sanh trong "Ván Cờ" Hoa Thịnh Đốn.  Báo chí và cơ quan truyền thông Hoa Kỳ đã gián tiếp, tiếp tay cho kẻ thù là ngư ông CSBV thủ lợi thôn tính Miền Nam .
 
*
**
 
Ngẫm lại, chủ thuyết của cuộc chiến Việt Nam giờ đây như bức tường tưởng niệm bằng pha lê đã bị vỡ tan không còn hàn gắn được nữa và chúng ta, những người đã từng tham dự, mỗi người nhặt một mảnh pha lê vỡ vụn đi khắp cùng năm châu. 
Lịch sử không thể thay đổi.  Đoạn đường đời chúng ta đã đi qua, không thể lui trở lại.  Quá khứ!  Kinh nghiệm dù có đắng cay, ta phải chấp nhận và tiến bước.  Nhưng buồn thay bước chân chúng ta hôm nay không còn mạnh khỏe như ngày xưa và mỗi khắc trôi qua cán cân đời người xiêu lệch dần như bóng chiều. 
Đọc Expandable Warriors như nhặt được mẫu đời của anh em cùng khóa Tinh A Nhi, của các chiến hữu đã một thời từng sống mái cho chính nghĩa, cho Tự Do, an cư lạc nghiệp cho dân Việt.  Đọc Expandable Warriors, tôi như tìm được viên ngọc trong đám pha lê vỡ vụn, xin gởi đến các bạn và gia đình để quên đi những dằn vặt 30-4.
 
PVH, 2007
 
 

Cảm nghĩ sau khi đọc mẫu email dưới đây của một người bạn
(Hình T/S Nguyễn Công Bốn, ĐĐ Hắc Báo)
 
 
 
"Trong tháng 3/2010, L.  có dịp về Việt Nam, gặp và chứng kiến một trường hợp rất cảm động là tình cờ hội ngộ một Chiến Sĩ Hắc Báo trên đường phố Saigon . Đó là một gã Đàn Ông (là một người cụt hai chân đang lết trên hè phố Lê Thánh Tôn để bán vé số, chứ không nhận mình là kẽ ăn xin.  Rất tư cách, chỉ nhận giá bán hai tờ vé số 10,000$ Việt Nam trong khi đưa tờ 100,000$ Việt Nam và từ chối nhận số tiền thối (cho không). Thấy tư cách rất cảm phục và tuổi tác ngoài 60, cảm nhận đây là "phe ta" nên dò hỏi trước 1975 làm gì?
"Tôi là lính Việt Nam Công Hòa! "
"Ông có phải Sĩ Quan mình không?"
Mới rõ đệ tử của Đại Úy Trần Ngọc Huế (1968) ĐĐT Hắc Báo. Chuyển đến H. và các Bạn hình ảnh một chiến sĩ quả cảm và rất tư cách và liêm sĩ mặc dù đang sống trong hỏa ngục trần gian.  Được thiết đãi chiến hữu một tô bún bò Huế.  Trả trước cho chủ quán hè phố 10 tô, để khi cần bạn ta đến ăn! . . . Làm được việc này vợ chồng mình rất sung sướng , rất cảm động ôm bạn vào lòng, hai bên nước mắt cùng chảy . . ."
 
*
**
Đây là mẫu điện thư tôi nhận được của một người bạn cùng khóa sau khi trở về từ Việt Nam .  Anh viết về một người tàn tật bán vé số dạo trên đường phố Sài Gòn.  Người bán vé số dạo này là một chiến sĩ VNCH, một chiến hữu của chúng ta.  Đặc biệt, anh lại là thuộc cấp của người bạn của chúng tôi đã từng vào sinh ra tử, và là chiến sĩ Hắc Báo đã tái chiếm cổ thành Huế trong trận chiến Mậu Thân 68.  Anh đã hy sinh một phần thân thể của mình cho Quê hương mà anh ta yêu mến.  Nhưng nay, anh phải lê lết tấm thân tàn tật để tự lo cho cuộc sống và bị ngược đải trên phần đất quê hương mà anh đã hy sinh!  Anh là nạn nhân, là sản phẩm phụ của ngày 30-4, là trường hợp điển hình mà đa số các chiến hữu của chúng ta phải cam chịu tại quê nhà.  Chúng ta còn lạ lùng gì cái lối đối xữ tàn tệ của chánh quyền CSVN đối với những người thuộc chánh quyền VNCH khi xưa hiện đang sống ở VN.  Chẳng những thế, mà thế hệ con cháu của họ cũng bị ngược đãi và chèn ép.  Trong khi đó chính quyền CSVN lại ve vãn, rêu rao, ca tụng, xin xỏ "Khúc ruột Ngàn Dặm" để khuyến dụ những người Việt hải ngoại . . . hầu hết là các quân dân cán chính trong chính phủ mà họ gọi là "ngụy"!  Thái độ đó của Chính thể CS là thái độ hèn mạt, nếu đem so thì còn thua xa thái độ của người Chiến hữu VNCH lỡ vận.  Anh ta có tinh thần của một chính nhân, quân tử, biết tự trọng dù lâm cảnh khốn cùng, đáng được khâm phục và ngưỡng mộ.
 
Hai hình ảnh tương phản đó có đủ là bằng chứng hùng hồn để chúng ta suy gẫm về chế độ đang cầm quyền tại VN hay không?   
 
Còn 10 tô bún bò Huế mà người bạn tôi trả trước, có thấm vào đâu so với cuộc sống khốn cùng, làm sao so được với nhu cầu cần giúp đở của người chiến hữu này.  Nhưng 10 tô bún bò nói lên được tình huynh đệ của những người đã cùng chung chiến tuyến . Nghĩa cử này nói lên được phong thái, tình người và "Tính Chất Người"  của những người lính yêu chuộng Tự Do, đã từng chiến đấu cho sự an bình cho người dân Việt. 
 
Trên đây chỉ là một trường hợp điển hình cho trăm ngàn trường hợp đã và đang xảy ra trên quê hương Việt Nam chúng ta.  Nạn xã hội tồi tệ, bè phái tham nhũng, đàn áp, lấp liếm càng ngày càng tệ hại hơn để bao che cho một tập đoàn thống trị.  Chúng ta có kêu gào, có biểu tình kêu gọi nhân quyền cho VN cho đến khản cổ cũng sẽ không bao giờ xảy ra, khi mà CS còn đang thống trị trên phần đất của Tổ Tiên chúng ta. 
 
Trở lại người Chiến sĩ tàn phế sau trận chiến, phần đất quê hương VN đã được tưới máu từ thân xác anh, đã được vun bón bởi phần da thịt anh.  Dù thân thể bị tàn phế nhưng tinh thần "không tàn phế".  Có bao nhiêu người trong chúng ta có được tinh thần như người cựu chiến binh VNCH này?  Lịch sữ đã ghi lại, các sữ gia ghi nhận toàn là những sự kiện liên quan đến các người quyền cao chức trọng.  Nhưng mấy ai để tâm những chiến sĩ "vô danh" đang sống trong cảnh đọa đày nơi quê nhà.  Khi nói đến chiến tranh Việt Nam , các sữ gia có khi nào nghĩ đến các chiến sĩ "vô danh" này hay không? 
 
5, 10, 20, 50, 100 năm sau khi đọc lại lịch sữ Việt Nam, biến cố 30-4 biết đâu lại chẳng bị bóp méo, nếu như nhà cầm quyền CSVN còn nhúng bàn tay máu để viết lại lịch sữ Việt Nam.  Họ đã đầu độc cả thế hệ, họ đã tiêm nhiễm dư luận thế giới, họ đã ru ngủ triệu triệu người VN, họ đã là nguyên nhân cho một trong những vụ di tản lớn nhất nhân loại . . thì họ sẽ không ngần ngại gì bóp méo sự thật, bóp méo lịch sữ để đầu độc thế hệ mai sau.  Chúng ta là những người đã sống, đã tranh đấu, là nạn nhân, là nhân chứng của sự lừa đảo thế giới, là con tốt thí của người bạn Đồng Minh bất tín.  Chúng ta biết rõ sự thật, vậy hãy đừng để bọn CSVN lợi dụng tấm lòng yêu nước để vắt bầu nhiệt huyết còn lại trong mỗi chúng ta, hay đừng để chúng gặm nhấm từng "Khúc Ruột Ngàn Dặm" để làm lợi cho chúng và tập đoàn.
 
Cuộc đời chúng ta đã gắn liền với lịch sữ VN với bao nhiêu CON SỐ.  Mỗi khi nhắc đến các con số trong lịch sữ Việt Nam có từ ngàn xưa, ta cảm thấy tự hào cho dân tộc, cho tiền nhân đã làm vang danh thanh sữ.  Còn riêng con số Ba-Mươi-Gạch-Bốn (30-4), mỗi lần nhắc đến ta thấy nghẹn ngào, chua xót vì đó là ngày đánh dấu một quân đội kiêu hùng phút chốc bị tan biến, vận mệnh một quốc gia yêu chuộng Tự do bị xóa tan như bọt biển.  Ngọn nước nào cũng đều chảy về nguồn, nhánh sông nào cũng đổ vô biển, giọt máu nào cũng chảy về tim . . . riêng thân phận chúng ta, dù quê hương còn đó, nhưng biết chừng nào những giọt nước lưu lạc này được trở về khúc sông mang đầy phù sa của quê hương Việt Nam thân yêu!!!                     
 
Phạm Văn Hòa, Tháng 4, 2010          

n/a