Năm Sửu Nói Chuyện Trâu

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

 

Chuyện phiếm 
 
Thu Nga
 
 
 
Khi nói đến một người nào làm lụng cực khổ, 2,3 “jobs” chẳng hạn, hoặc khi làm việc mệt mỏi người ta hay ví von “làm cực như trâu!” hay “cực như thân trâu bò”! như vậy chắc chắc chắn không ai có thể làm việc triền miên và khỏe mạnh hơn  trâu được .
 
 
Hình ảnh con trâu đã đi vào ca dao tục ngữ rất nhiều vì trâu đã gắn liền với cuộc sống của người dân Việt Nam, lấy nghề đồng áng là chính:
 
“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”
 
Bức tranh cho thấy cuộc sống đầm ấm thanh bình của người nông dận . Trâu bò là những lọai gia súc giúp đỡ con người trong công việc hàng ngày, chúng cũng là biểu tương cho sư sung túc của gia chủ , nó cũng là đơn vị đo lường sự giàu có của các địa chủ  :
 
“Con trâu là đầu sự nghiệp
Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà
Trong ba việc ấy ắt là khó thay “
 
hay “Chín trâu, mười bò”, “ruộng sâu, trâu nái”
 
Hình ảnh các mục đồng trên mình trâu cũng là một bức tranh đẹp. Những em bé này nhà nghèo, không được ăn học như con cái của những người giàu có, tuy vậy các em lấy   sức lao động nhỏ nhoi của mình giúp gia đình, lấy gió mát của hương đồng cỏ nội làm niềm vui, chơi đùa với các bạn cùng trang lứa thật vô tư. Con trâu là bạn bè thân thuộc của các em như con chó, con mèo ngày nay :
 
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngòai ruộng trâu cày với ta
Cấy cầy nối nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công”
 
Vì con trâu quá quen thuộc với cuộc sống tại nông thôn, nên người ta cũng dùng trâu để mua vui trong các ngày hội gọi là hội “chọi trâu”, nhất là hội chọi trâu tại Đồ Sơn
 
“Dù ai đi đâu, về đâu
Mồng 9, tháng 8 chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mồng 9, tháng 8 thì về chọi trâu”.
 
Lễ chọi trâu cũng là một nét đặc biệt của dân Việt Nam tại các tỉnh miền Bắc . Trâu để dùng trong trò chơi này được chọn lựa rất kỹ, từ sức khỏe tới vóc dáng, cặp sừng cũng được lưu ý như sừng phải đen như mun, sừng phải vênh lênh như cánh cung, mắt cũng phải lộ rõ ràng hai màu đen, đỏ
 
Những con trâu được chọn sẽ có một màn đấu sức hấp dẫn như màn đô vật nhưng khủng khiếp hơn vì với “sức trâu”, hai con sẽ lao vào nhau, hai đôi sừng sẽ chém nhau san sát , người đi xem vỗ tay vang dội, kết thúc sẽ là một bữa tiệc thịt trâu (cả con thắng, lẫn con bại  cũng bị giết ) cúng tế thật linh đình .
 
Không phải chỉ có trâu chọi mới được chọn kỹ, những con trâu nuôi để làm việc đồng áng cũng được chọn đúng “tiêu chuẩn” bằng những tướng sau đây:
 
“Sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi
Mồm gầu dai, tai lá mít, đít lồng bàn
Đầu thanh, cao tiền, thấp hậu, chẳng tậu thì sao ?”
 
Trái lại những con trâu có tướng xấu thì không nên mua:
 
“Xa sừng, mắt lại nhỏ con
Vụng đàn, chậm đẽo ai còn nuôi chi”
 
Chân to, bàn nặng kéo cày làm sao ?
Lại thêm tiền thấp hậu cao
Đuôi chùng quá gối đi nào được đâu ?”
 
Người đi tậu trâu cũng như người đi mua gà mái tơ, người ta bắt trâu há miệng, sờ nắn, ngắm gần, nhắm xa, đầu cao, đuôi thấp, xem cả hàm:
 
“Hàm nghiến lưỡi đốm hoa cà
Vễnh sừng, tóc chóp cửa nhà không yên”
 
Trâu đươc dùng để cày bừa . Người ta đẽo vật dụng bằng gỗ để tròng vào cổ trâu cho trâu kéo cày . Việc này đòi hỏi rất nhiều công phu, sự khéo léo, kinh nghiệm vì nếu bắp cày dài quá, trâu phải làm việc cực nhọc hơn, tốn sức hơn:
 
“Chín gang trâu cười, mười gang trâu khóc “
 
Trâu cũng còn được dùng để để kéo gỗ lại  còn được dùng trong chiến trận . Ông Đinh Bộ Lĩnh và bầy trẻ chăn trâu đã cưỡi trâu, dùng cờ lau tập trận . Lê Đại Hành cũng đã dùng trâu phối hợp cùng quân sĩ  trong việc đàn áp tinh thần của sứ thần nhà Tống tại bờ sông Hòang Long . Chiến thuật dùng trâu của ông là đã cho trâu uống rượu say, dùng lửa đốt vào đuôi trâu, lùa trâu húc vào quân địch trong trận hỏa công, làm quân nhà Tống tổn thất nặng nề .
 
Nông dân thường thường chuộng trâu màu đen, không thích trâu trắng  vì cho rằng năm nào có trâu trắng ra đời thì năm đó mùa màng bị mất
 
Gương mặt của con trâu không được đẹp, nên những kẻ cao bồi du đãng đươc mệnh danh “lũ đầu trâu mặt ngựa”, hay hình ảnh dưới âm ty địa ngục cũng có những con quỷ mang gương mặt này
 
Trâu có nhiều lọai khác nhau: như trâu đồng, trâu nước, trâu rừng . Trâu thích sống từng bầy, thích đầm lầy . Theo các nhà chuyên môn trâu rừng hoang dã có thể đã bị tuyệt giống . Trâu rừng ở Việt Nam còn sống dọc theo dãy núi Trường Sơn . Trâu rừng tại Việt Nam có bộ sừng vừa dài, vừa to .Trâu nặng khỏang 250 đến 500 ký, trâu rừng cân nặng hơn,  khỏang 800 ký, chiều cao có thể lên đến 1.8 mét .Ấn Độ là nước nuôi trâu nhiều nhất thế giới, họ uống sữa và ăn thịt trâu thay cho sữa và thịt bò .
 
Chuyện cổ tích về trâu cũng rất nhiều và rất thú vị như câu chuyện sự tích cái nốt dưới cổ trâu:
 
“Ngày xửa, ngày xưa khi lòai vật còn nói được tiếng người thì đã có lòai trâu . Lúc ấy người ta cũng đã biết dùng trâu để cày bừa rồi . Có một mục đồng rất ham chơi,  không cho trâu ăn uống đầy đủ, nhưng sợ chủ la nên sau một ngày làm việc ngòai đồng, trước khi dắt trâu về nhà, cậu bé này mới dùng cái mo cau áp vào bụng trâu, rồi dùng  đất sét trét làm cho cái bụng trâu phồng lên như đã được ăn no . Chủ thấy cái bụng trâu căng cứng nên yên tâm lại còn khen thưởng thằng bé chăn trậu, còn trâu thì tức tối lắm muốn mách chủ nhưng thằng bé mục đồng cứ lấp liếm không cho nói. Một bữa con trâu tôi nghiệp bị chủ mắng “cái thứ trâu lười ăn no mà lại không chịu nhanh nhẩu ra đồng làm việc “, con trâu không thể nhịn được nữa nên cãi:“No gì mà no, trong mo ngòai đất sét, ị cái phẹt, hết no !”
 
Thế là sự gian dối của thằng bé mục đồng bị bại lộ, bị chủ đập cho một trận nên thân, nó tức lắm ngồi khóc than, có một ông tiên hiện ra hỏi tại sao nó khóc, thằng bé chăn trâu kể chuyện mách lẽo của con trâu, ông tiên nói để ông giúp thằng bé bằng cách không cho con trâu nói tiếng người nữa , ông thắp một cây hương rồi thọc vào dưới cổ con trâu, con trâu dãy dụa nhưng không nói đươc mà chỉ còn có thể phát ra từ cổ họng những tiếng “nghé ọ ....” mà thôi . Vết thẹo dưới cổ trâu sau đó lành thành một cái sẹo nhưng từ đó thằng bé chăn trâu làm những điều dối trá như thế nào đi nữa, con trâu cũng không mách được . Từ đó về sau, con trâu nào sinh ra cũng có một nốt dấu dưới cổ cũng do sự tích này mà ra “
 
Trong 12 con giáp, trâu đứng thứ nhì, chứng tỏ tài nghệ lanh lẹ cũng không thua gì con chuột . Tuy hình vóc to lớn nhưng với sức mạnh dẽo dai, trâu cũng đã chạy tới mấy vòng từ lúc người Việt tản mác, xảy đàn, tan nghé, đã 34 năm . Cộng sản cưỡng chiếm miền nam bằng chiều dài đời sống của một em bé mới sanh bây giỡ đã quá tuổi trưởng thành “tam thập nhị lập” mà đời sống người dân tiếp tục khốn khổ, vẫn là cuộc sống “kéo cày trả nợ” hạt muối chén cơm . Chén cơm chỉ có muối nhưng phải chan bằng máu và nứớc mắt, nhà cửa bị chiếm đọat, chùa chiềng, nhà thờ bị xâm chiếm, người dân thấp cổ bé miệng phải thắt lưng buộc bụng theo lời đảng và nhà nước “dạy bảo” “với sức người sỏi đá cũng thành cơm”, sức lao động phải đổ ra trong sự cai trị của CS chắc chắn phải còn khổ hơn sức lao động của lọai trâu mạnh nhất .
 
Một lần nữa con trâu lại hùng hục trở về cùng nhân lọai năm 2009, nhưng con trâu năm nay khác hẳn với  con trâu trong lễ hội chọi trâu, hay con trâu của trẻ  chăn trâu trên cánh đồng bát ngát thanh bình với tiếng sáo diều réo rắt của mùa xuân dân tộc xa xưa . Đau buồn làm sao, với đà tiến hóa của nhân lọai, người dân của các nước dân chủ sống một cuộc đời sung túc bình an, thịnh trị, trong khi chế độ CS làm cho đất nước càng ngày càng lầm than cơ cực, việc gì cũng lẹt đẹt đi sau thế giới cả trăm năm khiến người dân luôn ở trong cảnh “trâu chậm uống nước đục”
 
Bản chất CS là dối trá, một mặt đàn áp thẳng tay với người dân vô tội bằng nhiều hình thức bắt bớ, giam cầm, chém giết bằng luật rừng, nhưng khi đến Hoa Kỳ để lạy lục van xin ân huệ về kinh tế thì lại láo khóet nói những điều trái ngược với sư thật, nhưng với nền văn minh hiện tại: thông tin, tin tức liên lạc giữa người dân trong nước với thế giới bên ngòai, CS đã bị tố cáo thật rõ ràng như câu chuyện cổ tích trên:“ No gì mà no, trong mo ngòai đất sét”.
 
Cộng Sản không còn che mắt với ai đươc nữa, đã đến lúc người dân trong nước phải nổi dậy tư cỡi bỏ xích xiềng đòi quyền sống, đòi quyền làm người, đòi những sự tư do tối thiểu; còn người dân Việt tại hải ngọai- trong khi đón chào ánh sáng mùa xuân trở lại với vạn vật- nhất quyết kết hợp, thành một khối sức mạnh, yễm trơ phong trào đấu tranh trong nước, giải thể chế độ CS để Việt Nam được sớm trở lại những ngày thanh bình năm cũ, hầu giấc mơ xưa:“rồi có một ngày, có một ngày chinh chiến tàn ....” , trở thành sự thật, chúng ta sẽ   “có con trâu, có nương dâu ta làm lại từ đầu...” . Chúng ta nhất định sẽ xây dựng lại những gì CS đã chiếm đọat, ngay cả những cảnh thanh bình nhỏ nhoi nhất có hình dáng con trâu nằm nghĩ ngơi dưới lũy tre già  nơi đầu thôn !
 
Thu Nga