Mây Theo Gió Về

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

 

 Truyện dài
 
Thu Nga
 
(Tiếp theo kỳ trước)
 
Vừa nói tới đó thì ngoài cửa có tiếng lách cách mở khóa, ông Tâm và cô Tình cũng ngừng nói chuyện nghe ngóng. Cửa mở ra, Thuần bước vô. Thuần là đứa con trai thứ hai của ông bà Tâm khoảng 22, 23, gương mặt sáng sủa, mái tóc hơi dài sau gáy. Thuần mặc chiếc quần Jeans bạc màu, áo sơ mi màu vàng nhạt hơi nhàu ở lưng và ở tay, dáng mệt mỏi. Vừa bước vào thấy ba và chị đang nhìn mình, Thuần nở một nụ cười:
-- Ba với chị Tình đều dậy hết rồi hả?
Ông Tâm nhìn đứa con trai trưởng, mặt ông tự nhiên dịu hẳn đi, tuy nhiên ông lấy lại giọng cứng rắn, nói:
-- Thì sáng bảnh rồi! Không dậy làm việc để đói nhăn răng hay sao con? Ủa! Con học khuya rồi lại đi làm liền chắc mệt lắm phải không... Ba nói "đói" nhưng mình cũng chưa đến độ "đói" để con khổ cực quá như vậy. Con phải để ý đến sức khỏe một chút. Bệnh xuống là mệt lắm đó con!
Ông quay sang Tình:
-- Em con chắc mệt, má mày phụ việc may vá được rồi, để em nó nghỉ.
Thuần ngạc nhiên hỏi:
-- Ủa! Cần cắt chỉ phải không chị Tình? Con phụ được mà ba! không sao đâu! Con là con trai mà!
Thuần nhìn quanh:
-- Ðâu? Ðồ đâu? Ðưa em phụ cho! Em cắt lẹ lắm.
Tình nghe ba nói em mệt, cũng thấy tội nghiệp, vì Thuần tánh tỉ mỉ, ngoan ngoãn, lúc nào cũng giúp đỡ nàng cùng lo công việc nhà, lại rất có hiếu với cha mẹ, biết nhường nhịn chị em. Nàng ân hận vì đã định nhờ Thuần giúp, trong khi em nàng cần nghỉ ngơi mới phải, con trai mà siêng năng như vậy đã quá đủ rồi. Nàng xua tay:
-- Thôi khỏi đi em! Ðể chị làm một mình được rồi! Em vào tắm rửa, nghỉ ngơi, còn phải đi học nữa. Chị chắc cũng không còn bao nhiêu nữa đâu, má đã cắt xong một mớ rồi.
Ðang nói thì mọi người giật mình vì có tiếng chân dẫm thình thịch trên sàn nhà gỗ rồi bóng Thảo, cô gái út của ông bà Tâm hiện ra nơi khung cửa phòng khách. Mặt Thảo nhăn nhó, ngái ngủ, miệng chu ra lầu bầu những gì không nghe rõ, sau lưng là bà Tâm đang đi như chạy theo Thảo. Thảo định nói gì, thấy ông Tâm ngồi đó, nét mặt nghiêm khắc đang nhìn mình, Thảo khựng lại, nói nhỏ:
-- Mới sáng mà bắt người ta dậy rồi! Chị Tình may, thì chị Tình cắt chỉ! Má may thì má cắt chỉ! Sao bắt con hoài vậy? Hôm trước con phụ một lần rồi ...
Thảo liếc nhìn cha, nói nho nhỏ:
-- Thấy... thấy phụ được một lần, bắt người ta làm hoài!
Bà Tâm ngớ ra, tính nhờ đứa con út phụ việc cho lẹ, quên mất cái tính ngang chướng của nó, mà nó nổi chướng, thì không khỏi bị ông Tâm nổi giận, bà vội nói át đi:
-- Ðược! được! nếu con không muốn làm thì để má làm cho, đừng có um sùm lên như vậy. Ði vô lại trong nhà ngủ tiếp đi!
Ông Tâm nghe tới đó, không nhịn được nữa, ông la lên:
-- Chèn đét quỷ thần thiên địa ơi! coi bà đó chớ! Vậy làm sao con Thảo nó không leo lên đầu, lên cổ cho được! Nó đi chơi không lo học hành, ngủ nướng cho đến trưa, khi nào cần nó giúp đỡ việc nhà nó đều cằn nhằn, cảu nhảu thì bà vội biểu nó đi ngủ tiếp hả?
Thảo sợ hãi líu ríu tính trốn sau lưng mẹ. Ông Tâm đứng lên khỏi ghế một cách giận dữ, chỉ tay vào mặt Thảo:
-- Thảo! đứng lại biểu coi! Mày nói gì nói lại tao nghe coi?!
Mặt mày tái mét, Thảo ấp úng:
--... Dạ... dạ... con đâu có nói gì ?!
Ông Tâm hừ lên một tiếng:
-- Vậy mà không nói gì nữa hả? Con tưởng con là ông hoàng bà chúa gì trong nhà này phải không? Con nói vậy mà con nghe được sao?! Hừ! chị Tình may thì chị Tình cắt chỉ! má may thì má cắt chỉ!
Sau mỗi câu nói ông hừ một tiếng, Thảo co rút người lại vì sợ hãi. Ông cau mặt gằn giọng tiếp:
-- Còn con! con làm được việc gì? Vậy sao con không nói má với chị Tình có làm việc thì mới có ăn, con không làm việc thì con không ăn? Giỏi thì cứ nói như vậy coi!...
Ông Tâm giận dữ, nên giọng ông như khàn đi. Bà Tâm cũng sợ không kém gì con. Tình, Thuần cũng lo ngại trước cơn thịnh nộ của ông Tâm nhưng không ai dám lên tiếng. Ông Tâm thở khó nhọc:
-- Thảo! Sao con không làm một việc gì để phụ giúp má với chị Tình vậy con? Nếu con không giúp gia đình thì ai giúp con để lo cho con ăn, lo cho con học?
Thảo bây giờ hoảng quá, mới thút thít khóc, nhưng cũng cố cãi:
-- Ai thấy con là út nên cũng ăn hiếp hết. Con đâu có ăn gì nhiều mà ba nói. Còn quần áo con có được may sắm gì đâu, toàn là quần áo... cũ không hà!
Thuần lo lắng nhìn em rồi nói:
-- Thảo à! Em không được trả lời lại với ba như vậy, em vào trong đi. Ðể anh phụ với chị Tình được rồi. Hôm nào có tiền, anh dẫn đi shopping mua đồ mới nghe. Thôi, em xin lỗi ba rồi đi rửa mặt, mau lên!
Bà Tâm cũng làm dấu là đồng ý với lời Thuần. Thảo phụng phịu tính nghe theo lời Thuần, ông Tâm lại hét lên:
-- Không được đi đâu hết! đứng đó ba biểu! Con muốn trở nên một người con gái đàng hoàng, có giáo dục, hay con muốn trở thành một cô gái hư hỏng, ương ngạnh, cứng đầu và mất nết hả?
Ông thở dài, mệt nhọc, nói tiếp:
-- Cả nhà mình đã mất hết tất cả để đi tìm Tự Do. Phải phụ nhau, giúp nhau, thương yêu nhau mà sống chớ con! Phải cố gắng vươn lên để bắt kịp với những người qua trước. Cuộc đời của ba má coi như bỏ đi rồi, chỉ còn trông cậy vào các con mà thôi...
Ông chua xót lắc đầu:
-- Tại sao con lại hư đốn như vậy hả Thảo? Con coi như chị Tình vừa phải đi làm, vừa học, vừa săn sóc nhà cửa, nấu ăn phụ với má của con. Anh Thuần con vừa đi học, vừa đi làm, không được nghỉ ngơi. Sao con không thấy có một bổn phận gì hết trong nhà nầy vậy con?
Trong nhà không khí bây giờ thiệt là ngột ngạt, bà Tâm cứ chép miệng nho nhỏ không dám nói gì, bà tự giận trách mình tự nhiên kêu nó dậy làm chi cho sanh chuyện. Tình và Thuần đứng lóng ngóng chờ ông Tâm nguôi giận. Thảo thấy không ai dám bênh mình, tủi thân lại khóc nho nhỏ:
-- Tối ngày ba cứ so sánh chị Tình với anh Thuần hoài vậy? Ai cũng cưng, cũng quý chị Tình với anh Thuần hết. Còn con với anh Thương thì bị ba la rầy hoài. Cái gì chị Tình với anh Thuần cũng đẹp, cũng hay hết....
Nghe tới đây, ông Tâm chịu không nổi nữa, quát to:
-- Câm cái mồm mày lại! Nếu không tao sẽ cho một trận đòn cho biết!
Bà Tâm, Tình, Thuần hoảng hồn, Thảo cũng giật mình mắt lấm la, lấm lét nhìn ông Tâm. Bà Tâm là người nói đầu tiên:
-- Thôi! thôi ông! ông cho tôi xin. Ông bớt giận đi. Thảo! Xin lỗi ba rồi đi vô trong liền coi.
Thuần cũng vội nói theo:
-- Ba! ba! Ba để con khuyên em con.
Tình cũng nói vô:
-- Ba! Ba đừng giận nữa mà sanh bệnh đó.
Tình quay sang Thảo, chùi nước mắt cho em và nói:
-- Thảo nè, em đừng có nói nữa được không?.
Ông Tâm vẫn giận dữ, xua tay:
-- Thôi! mấy người làm ơn đi chỗ khác cho tôi nhờ! Còn cái con tiểu yêu kia! Tao không trị mày thì cuộc đời của mày về sau không biết sẽ ra sao?! Ði! đi chỗ khác hết cho khuất mắt tôi!
Bà Tâm vội vã cầm cánh tay của Thảo đẩy vào nhà trong, Tình và Thuần cũng lật đật bước vô theo, bỏ lại ông Tâm ngồi chơ vơ một mình ở phòng khách. Tay ông run run cầm cái bình trà vẫn còn đang bốc khói, mùi trà làm cơn giận của ông dịu xuống đôi chút. Ðứa con gái út đã làm cho ông bực mình hầu như hàng ngày. Hai ông bà hay lục đục với nhau cũng chỉ vì mấy đứa con. Ông có vẻ thương yêu Tình và Thuần hơn vì đối với ông hai đứa con lớn vừa chăm chỉ học hành, vừa làm việc cực nhọc để phụ giúp gia đình trong khi Thảo vừa cứng đầu, vừa làm biếng. Còn Thương, đứa con trai thứ thì cũng không thua gì Thảo. Cả ngày ông ít khi gặp mặt Thương, nếu có gặp mặt là như lửa với nước. Mỗi lần thấy Thương là lòng bực bội của ông lại dâng lên, cũng y như khi thấy mặt Thảo là ông khó chịu la rầy.
Chợt ông nhớ ra, Thương, hình như đêm hôm qua nó cũng không có ở nhà. Ông kêu giật bà Tâm:
-- Nè, bà! Còn cái thằng Thương đi đâu rồi? Nó đi từ tối hôm qua chưa về đúng không?
Bà Tâm bước ra, lo lắng:
-- Dạ... nó nói với tôi nó đi chép bài rồi khuya quá nên nó ngủ lại nhà bạn là thằng Phú. Chắc nó cũng sắp về rồi đó ông.
Ông gằn giọng:
-- Bà thấy không? cái gì bà cũng bao che cho tụi nó hết! Sao bà biết nó đi chép bài? Sao bà biết nó ngủ ở nhà thằng Phú?
-- Thì nó nói sao, tui nghe vậy! Lát nữa tôi bảo con Tình gọi phôn lại đằng nhà thằng Phú coi nó có ở đó không, là biết liền chớ gì...
Bà đang nói nửa chừng thì tiếng ổ khóa lại khua lục cục và Thương từ ngoài bước vô. Áo quần Thương rộng thùng thình theo mốt thịnh hành. Cái quần rộng, ống to, lưng quần xệ xuống dưới rún, tai mang một chiếc bông tai, tóc tai chải dựng đứng có một màu đỏ hoe như râu bắp cháy. Mới bước vô cửa thấy mặt ông Tâm, Thương khựng lại nhưng ráng làm tỉnh nở một nụ cười gượng gạo pha trò:
-- Ủa! làm gì mà mặt mày người nào, người nấy bí xị? Bộ nhà cháy hay sao vậy?
Bà Tâm hoảng hốt tính ra hiệu cho Thương đừng nói. Ông Tâm tiến gần lại Thương, cúi sát mặt nó nói:
-- Chà! coi bộ con ngon quá há con? Ði cả đêm, sáng ngày mới mò về rồi xấc láo như vậy hả? Nói cho ba biết cả đêm con đi đâu!?
Thương gãi nhè nhẹ vô đầu:
-- Dạ con đi học bài bên nhà thằng Phú mà ba! Bộ ba không tin con hay sao mà ba hạch hỏi như vậy? Con có nói với má nghe rồi mà?!
Bà Tâm vội lôi Thương đi, vừa nói:
-- Coi bộ con học nhiều quá nên mệt lắm rồi. Vào đây rửa mặt, thay đồ xong phụ với má cắt chỉ cho kịp chuyến đồ này nghe con.
Thương giựt tay bà Tâm ra:
-- Má nói cái gì? cắt chỉ? Con có nhiều việc quan trọng cần làm gấp, con đâu có cắt chỉ được? Hơn nữa, đó là việc của đàn bà, con gái, má biểu con làm sao được? Mà chị Tình đâu?
Ông Tâm chưa kịp nói gì, bà Tâm vội nói:
-- Chị Tình may suốt đêm mà con! Thôi! vô đây! vô đây! con không làm được để má làm một chút là xong. Con vô trong đi.
Ông Tâm nắm lấy vai Thương:
-- Không đi đâu hết! Con nói lại cho ba nghe việc gì mà quan trọng vậy dữ vậy con? Con với con Thảo học hành giống nhau mà làm biếng cũng giống nhau! Không làm thì làm sao có tiền mua gạo mà ăn?
Ông bóp mạnh vai Thương, Thương cố giằng ra, nhưng vẻ mặt của ông có một vẻ gì vừa hung hăng vừa bi thảm, Thương sợ đành buông thõng tay chịu trận. Tiếng ông Tâm vẫn văng vẳng bên tai Thương:
-- Nếu mình còn nhà cửa, ruộng vườn như khi xưa, trước khi bọn Cộng Sản vô, chắc các con không phải đi làm lụng gì hết. Bây giờ lưu lạc đến đây, ăn nhờ ở đậu xứ người, mấy con không muốn làm, không muốn phụ giúp gia đình làm ra tiền thì tương lai của tụi con sẽ đi về đâu?
Thương ráng gỡ hai tay của ông Tâm ra:
-- Mới sáng đã nghe ba giảng bài, ngày nào cũng vậy, ai mà chịu cho nổi?!
Ông Tâm chỉ vào mặt Thương:
-- Nếu mày không muốn làm việc, không muốn học hành, không muốn nghe tao nói nữa, thì mày hãy cút ra khỏi nhà này cho khuất mắt tao!
Thương nhún vai:
-- Ðuổi thì đi! tưởng sợ hay sao đuổi hoài vậy?!
Thương nói xong đi nhanh ra cửa, vừa lúc bà Tâm và Tình đi ra. Bà Tâm và Tình hốt hoảng la to:
-- Thương! Thương!
Thương mở cửa, lách ra ngoài thật nhanh, rồi dùng chân đạp ngược lại để đóng cửa, tiếng cửa đóng lại cái rầm. Bà Tâm mặt mày méo xệch. Tình đứng ngỡ ngàng giữa nhà. Thuần ở trong cũng ngơ ngác chạy ra. Ông Tâm bực tức ngồi phịch xuống ghế, ông rên rỉ:
-- Ði! đi hết đi! tụi bây đừng bao giờ ló mặt vô cái nhà nà nữa! Ðồ con mất dậy! đi đâu đi hết cho tao nhờ!
Bà Tâm và mấy đứa con lặng lẽ rút lui để ông Tâm ngồi ôm đầu một mình. Lòng ông đau như cắt, cơn đau làm ông như nghẹt thở. Ông cầm chén nước trà đã nguội lạnh lên uống một hơi. Mắt ông cay xè. Ông nhớ tới những đứa con mà đau lòng xót dạ. Ông thấy như đã mất mát một cái gì to lớn lắm. Ông hình dung ra những cảnh gia đình êm ấm, con cái học hành giỏi giang, ngoan ngoãn của những gia đình chung quanh mà phát thèm. Ông biết có nhiều gia đình Việt Nam qua đây cũng gần một thời với ông, sao gia đình của họ thật hạnh phúc. Con cái có hiếu, vâng lời cha mẹ một cách tuyệt đối. Ðứa nào cũng lo làm, lo học. Ði làm về đưa tiền hết cho cha mẹ để dành mua nhà, mua xe, nhất thiết không cho cha mẹ làm một việc gì hết. Còn con ông? Ông có 4 đứa con, may mà Tình và Thương thật ngoan ngoãn, việc gì trong nhà cũng lo, thương cha mẹ, thương em hết mực. Còn Thảo với Thương chỉ đem đến cho ông những muộn phiền. Thảo thì đua đòi, khó dạy, Thương cứng đầu, lêu lỏng. Hai đứa con này đã làm cho lòng ông tan nát. Ðôi khi ông ngẫm nghĩ, nếu mình còn ở Việt Nam, nếu đất nước mình không bị Cộng Sản xâm chiếm, nếu ông, nếu ông.... biết bao nhiêu chữ nếu xảy ra. Những chữ nếu này mỗi lần nghĩ đến thì tim ông se lại. Ông lấy tay lau nước mắt thật vội như lo sợ có ai trông thấy. Ông cứ ngồi như thế cho đến khi ông nghe có tiếng xe rồ máy rồi tiếng xe lăn bánh. Ông giật mình ngồi thẳng hơn trên ghế. Ông nghĩ thầm chắc bà Tâm và cô Tình đang đi giao đồ may.
 
                                                                                    ***
 (Tiếp theo)