Mây Theo Gió Về

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

 

Truyện dài
 
Thu Nga
 
                                                           
 
Chương 1
 
Trời đã bắt đầu vào thu, buổi sáng mây xám giăng đầy. Tàn liễu ngoài ngõ đong đưa phơi mái tóc dài chấm đất, lưa thưa, trong ánh nắng nhàn nhạt, dịu dàng. Những cơn gió đầu mùa nghe vi vút trên mái của căn appartment Weeping Willows cũ kỹ, bạc phếch.
Khi mới chân ướt, chân ráo tới đây thuê nhà, ông Tâm đã chắc lưỡi:
-- Chà! sao mà nhiều cây liễu quá vậy? Cây này trồng nhiều không tốt, chỉ tổ làm ổ cho ma quỷ thôi!
Bà Tâm gạt phắt đi:
-- Ông đừng nói vậy, tụi nhỏ mình nó sợ. Bên Việt Nam thì có nhiều ma quỷ, chớ ở đây làm gì có?
Ông Tâm tự nhiên đổ quạu:
-- Ai nói với bà bên này hổng có ma? Bộ bà tưởng nước Mỹ ngon lắm hay sao mà không có ma? Tui sợ ở đây quỷ thần không được trọng vọng như ở Việt Nam, ma lại còn gấp trăm lần, bà đừng có lầm!
Bà Tâm ráng nhịn không nói gì thêm. Bà biết tính ông, nên nhịn đi là hay hơn hết. Dạo này ông đổi tính, chuyện gì cũng có thể làm cho ông quạu được. Bởi vậy cho nên ông bà ta mới có câu "gái đeo hoa, già đeo tật".
Hôm nay, trời bỗng trở lạnh khi làn gió heo may lọt nhẹ qua khung cửa sổ đang mở he hé. Ông Tâm, tối hôm qua không ngủ được, nên buổi sáng ông dậy rất sớm. Ông bận một chiếc quần kaki màu rêu đậm - ông rất yêu thích màu này vì nó làm ông nhớ lại thời còn trong quân ngũ - và một cái áo thun trắng, rộng thùng thình. Tóc ông bạc muối tiêu, khá dày. Tuy ốm yếu, nhưng da mặt vẫn hồng hào, gương mặt hình chữ điền, quắc thước... Ông chậm chạp đi ra phòng khách tìm trà. Ông cầm tách trà lên, thấy bình nhẹ hều mà nguội ngắt, chất men sứ tê mát cả đầu tay. Bực mình ông đặt bình trà xuống, rờ tay vào túi quần theo thói quen, tìm một điếu thuốc, cái túi cũng trống không. Ông Tâm cau mày nhìn vào phía trong kêu to:
-- Bà nó ơi! bà nó à! Mới sáng mà đã đi đâu mất tiêu rồi! Trà chưa có... thuốc cũng hết... chưa mua.
Bà Tâm từ trong phòng đang lui cui lật qua, lật lại đống áo quần mà bà và Tình đang may gần xong, nghe tiếng ông Tâm réo, bà ngừng tay đi ra. Bà Tâm mặc một bộ quần áo bằng lụa dày màu nâu, nét mặt bà hơi mệt mỏi, tuy nhiên vẫn không giấu được nét phúc hậu và dưới vầng trán thông minh, đôi mắt vẫn còn trong sáng, cho biết lúc trẻ bà đã có một nhan sắc diễm lệ.
Bà chùi tay vào hai bên hông hấp tấp đi ra hỏi:
-- Tui đây! tui đây nè ông! Cái gì mà mới sáng, ông đã kêu réo dữ vậy!? Hôm qua con Tình thức khuya, vừa học, vừa may cho xong đống quần áo đầm của bà Sáu Hinh, ông la to, nó thức giấc tội nghiệp. Tôi đang nấu nước, trong khi chờ nước sôi, tui tính cắt chỉ lẹ lẹ cho kịp. Lát nữa thức giấc, nó với tui đem giao hàng rồi lãnh đợt khác.
Bà Tâm cầm bình trà lên nói:
-- Chờ tui chút, tui đi pha trà liền, có trà ướp sen bà Hương mới đi Việt Nam về cho mình đó. Thủng thẳng chút mà ông! Gì mà quạu quá vậy không biết!
Chợt bà nhìn vào phía trong như nghe ngóng rồi nói:
-- Hình như nước đang sôi. Ông chờ nghe, tôi đi pha trà liền.
Bóng bà khuất sau khung cửa, ông Tâm nhìn theo bóng dáng gầy ốm của vợ mà lòng dâng lên một nỗi thương yêu. Ông chợt nhớ ra ông và bà thực sự đã cùng nhau đi qua rồi thời son trẻ. Một lát, bóng bà lại hiện ra nơi khung cửa. Bà bước đến gần ông đặt bình trà xuống khay, mùi hương hoa sen thoang thoảng, đang tỏa những làn khói mỏng, từ cái vòi cong cong. Bà dịu dàng nói:
-- Ông chờ chút để trà ra đã.
Nghe bà cứ dùng tiếng "chờ chút" như dỗ con nít, ông Tâm dịu giọng:
-- Bà đã biết tính tui rồi, dậy là phải có thuốc, có trà. Thuốc thì cũng hết, mà trà thì chưa pha.
-- Thì tui biết tính ông chớ sao không? Có điều... từ từ, ông hay quạu làm tụi nhỏ nó sợ là vậy!
Ông Tâm chợt bực dọc ngang trở lại:
-- Vậy mà biểu đừng quạu nữa hả? Già bằng chừng này, mất hết rồi, chỉ còn có 2 cái thú đó mà cũng không được nữa hay sao?
Thấy ông lại nổi chứng, bà vội vã an ủi:
-- Thôi! thôi! tui xin ông! Dầu sao mình vẫn còn may mắn hơn bao nhiêu người khác, qua được đây rồi thì nên lạy tạ trời Phật đã phù hộ cho gia đình mình, biết bao nhiêu người kém may mắn gấp trăm ngàn lần mình mà ông. Lớp chết đường bộ, lớp bỏ thây đường biển. Còn ba cái thứ vật chất, thì có mấy hồi ông! "Người làm ra của" mà!
Ông Tâm "hừ" một tiếng trong mũi:
-- Hừ! "người làm ra của"! Bà làm như tui còn trẻ lắm để có thể làm ra của nữa! May vá đổ mồ hôi, xót con mắt, bà coi, bà với con Tình lãnh được bao lăm?! Ðã vậy, nếu xui, may hư còn phải tháo ra, tháo vô sửa đi, sửa lại, không sửa xong còn phải bị đền tiền rồi còn bị họ càu nhàu, chê trách... Còn tôi thì tay bị thương như vầy, làm lụng gì được nữa mà nói "người làm ra của?!"
Bà Tâm chép miệng, trong đầu bà cũng hiện ra những cảnh ngồi thâu đêm, suốt sáng tháo những cái áo, cái váy ráp lộn màu. Ðầu tóc của mấy mẹ con bà rối mù, không kịp chải, hình như cả ngày cũng chỉ bỏ ba hột cơm dằn bụng. Làm sao ăn được, vì chủ đòi giao đồ may gấp. Cũng vì gấp nên khi ráp những phần nọ với phần kia, bà và cô Tình không để ý ráp lộn màu với nhau. Những bó vải mới nhìn qua thì tưởng cùng màu xanh da trời, nhưng nếu nhìn kỹ thì mới thấy tuy cùng màu nhưng màu nọ và màu kia có khác nhau đôi chút, nhất là khi ráp lại với nhau thì mới thấy sự khác biệt lớn hơn. Thế là toi công. Thì giờ lại càng cấp bách hơn. Không làm nghề may vá tại gia thì gia đình làm sao mà sinh sống được? Ông Tâm thì đã không đi làm cả 2 năm rồi.
Khi mới qua đây, nghe bạn bè nói nghề thợ hàn, thợ tiện trả lương khá, ông Tâm cũng vội đi xin một chân thợ tiện. Công việc cũng không đến nỗi mệt nhọc, nếu như còn sức lực của người trai trẻ, mạnh khỏe, nhưng ông Tâm nay đã già, sức khỏe yếu kém, hậu quả của những năm trong tù Cộng Sản. Khi ông được chúng thả về, ông mắc đủ thứ bệnh sốt rét, kiết lỵ, thêm những trận đòn thù của công an, ông còn mắc chứng đau lưng khủng khiếp, có khi cơn đau làm ông đứng không vững, thì làm gì còn sức mà kéo những chiếc máy. Một hôm cơn đau lưng kéo đến, lúc ông đang chạy máy, cánh tay phải của ông tự nhiên như rủ liệt đi, cái máy đập vào cánh tay, ông bất tỉnh, được các bạn cùng hãng đưa vô nhà thương. Từ đó ông được lãnh tiền trợ cấp của hãng chỉ đủ chi tiêu và nghỉ làm, mọi việc bây giờ chỉ còn bà vợ và con lo hết.
Cũng vì cảm thấy bất lực không lo cho vợ con được, ông Tâm hay cau có, bực mình. Không muốn chồng bực dọc thêm, bà Tâm lại nói:
-- Thì nghề nào cũng có vui buồn của nó mà ông! Chớ ông thử nghĩ coi, tui già rồi, đâu có đi làm hãng xưởng gì được, còn con Tình thì vừa may, vừa nấu ăn, vừa làm công chuyện nhà phụ tui, rồi lại còn đi học nữa. Nếu nó ra ngoài đi làm công sở thì đâu có đủ thì giờ chạy tới, chạy lui lo cho mấy đứa em của nó...
Nhắc tới mấy đứa con, ông Tâm chợt thấy lòng chùng xuống. Ông chắc lưỡi:
-- Còn 3 đứa em của con Tình, thiệt cũng làm tui khổ trí, học hành cũng chưa đâu với đâu hết. Thằng Thuần thì còn ham học nhưng tánh tình lại thiệt thà quá, sau này rồi cũng bị đời ăn hiếp mà thôi, còn thằng Thương với con Thảo thì a dua, đua đòi chúng bạn, học hành không ra cái gì cả!
Bà Tâm vội gạt đi:
-- Thôi ông ơi! bàn tay có ngón dài, ngón ngắn, con thì có đứa này, đứa kia, ông cứ la mắng tụi nó hoài, tụi nó buồn, tội nghiệp!
-- Bà sợ tụi nó buồn?! Vậy chớ bà không sợ tui buồn?! Thiệt! cũng vì bọn giặc cộng ác ôn mà mình mới bỏ xứ qua đây, chớ con cái ở xứ này dễ nhiễm thói hư tật xấu quá đi!
Bà Tâm định nói gì để ông nguôi ngoai và cũng để binh vực cho mấy đứa con. Nhưng thấy mới sáng chắc ông chưa tỉnh ngủ, khó chịu, nên bà nhịn không nói gì thêm. Hơn nữa, bà nghĩ, ở đâu cũng vậy, có kẻ tốt, người xấu, con nít cũng thế, có đứa hấp thụ cái tốt, có đứa bắt chước cái xấu, thiếu gì đứa qua đây ăn học thành tài, làm rạng rỡ giống nòi. Người lớn, người già cũng vậy, có lẽ những người đó, may mắn hơn, nên tài năng của họ được phát triển ở xứ tự do này, công danh, sự nghiệp sáng chói. Theo bà nghĩ, các con bà, tụi nó cũng ngoan ngoãn hiếu thảo, chỉ có Thương và Thảo là hơi ham chơi một chút mà thôi, nhưng chưa đến độ nào. Tụi nó còn nhỏ, ăn chưa no, lo chưa tới, cứ từ khuyên nhủ, dạy dỗ là được, cứ la rầy hoài, đâm ra phản ứng ngược.
Bà nhìn ra ngoài khung kính. Có một chiếc lá vàng đang rời cành, bay là đà trong gió. Bà giật mình nhớ ra trời đã sang mùa. Mau quá, lại một mùa thu nữa trở về rồi. Bà nghe tiếng gió thổi lất phất vào nhánh cây đang đập những tiếng sột soạt trên mái nhà. Chợt có tiếng động ở trong phòng, bà và ông quay đầu cùng nhìn vào phía trong khi bóng cô Tình xuất hiện. Mặt cô trái xoan, da trắng xanh. Ðôi lông mày thanh tú nằm trên đôi mắt to có vẻ u buồn, cô nhỏ nhẹ chào cha mẹ, xong hỏi giọng có vẻ lo âu:
-- Má cắt chỉ giùm con tới đâu rồi? Gần xong chưa má?
-- Má cắt cũng gần xong rồi con. Má đang làm nửa chừng thì ba kêu pha trà. Má vô làm tiếp nghe con.
-- Bộ cũng còn nhiều lắm hả má? Mình đã trễ 1 ngày rồi. Sáng nay mà không giao kịp thì lôi thôi lắm má à!
-- Chắc không còn bao nhiêu đâu con...
Như nhớ ra điều gì, bà Tâm nhìn vào bên trong rồi nói tiếp:
-- Hôm nay hình như con Thảo ở nhà ... để má vô coi rồi kêu nó dậy phụ cho lẹ coi...
Ông Tâm cười hắt ra có vẻ diễu cợt:
-- Con Thảo mà phụ chắc nước Việt Nam hòa bình tới nơi...
Bà Tâm quay lại ra dấu cho ông Tâm nói nho nhỏ:
-- Ba mày thiệt! Nó cũng giỏi lắm chớ sao không!
Bà lật đật vừa đi vào trong, vừa nói:
-- Thôi! để má vô kêu nó thử coi. Thảo ơi! Thảo à!?
Cô Tình cũng nói:
-- Ðể con vô buồng ôm đống đồ ra cắt với má mới được. Phải chi có thêm thằng Thuần về nhà sớm thì nó phụ với con được rồi.
Ông Tâm nói:
-- Hôm qua nó học tới khuya rồi đi làm luôn... Ủa! Mấy giờ nó mới về? Ba quên mất rồi!
Cô Tình quay lại trả lời:
-- Dạ chắc nó cũng sắp về tới nơi rồi. Nó nói hôm nay nó cần học bài, chắc nó xin ông Chà, chủ cây xăng, cho nó về sớm hơn, ba.

(tiếp theo)