ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
 
VỀ NGÀY QUỐC HẬN 30 THÁNG 4 NĂM 2010
                                                                                           
                                                                                                  Đỗ ngọc Nhận
 
Là một cựu quân nhân QLVNCH, tôi luôn luôn hãnh diện về quyết định đã tình nguyện đầu quân  phục vụ nhiều năm trong QLVNCH chiến đấu chống cộng sản nhằm xây dựng và bảo vệ chính nghĩa tự do của chính quyền Quốc Gia Việt Nam ban đầu, và sau đó là chính thể Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) suốt trong hai cuộc chiến 1946-1954 và 1957-1975.
Sức mạnh dân tộc
Vào năm 1988, Ông Phan Xứng, một nhân sĩ thời đệ nhất VNCH định cư tại Minesota gởi tặng tôi cuốn sách CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM do tác giả Tùng Phong soạn thảo.  Cuốn sách vừa do nhà xuất bản Hùng Vương tái bản tại California, Hoa kỳ. Sau này tôi được biết: tác giả Tùng Phong chính là biệt hiệu của Ông cố vấn Ngô đình Nhu, bào đệ của cố Tổng Thống Ngô đình Diệm.
Giáo sư học giả Tôn thất Thiện đánh giá cuốn CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM là “một viên ngọc quý trong kho tàng tư tưởng” Việt Nam. Nghe nói, nguyên bản sách viết bằng tiếng Pháp, được các chiến hữu của tác giả dịch và phổ biến lần thứ nhất tại Sài Gòn trước khi nền đệ nhất VNCH bị bức tử.
Mở đầu cuốn sách, tác giả Tùng Phong  trích dẫn một câu văn có ý nghĩa rất sâu sắc của đại văn hào Nhật bản Đức Phổ Tô Phong về sức mạnh dân tộc: Một dân tộc hùng cường là một dân tộc giàu chiến sĩ vô danh. Với bản thân từng tham gia, đồng thời cũng là chứng nhân của cả hai cuộc chiến cận đại, tôi xác tín rằng: mặc dầu người quốc gia VN đã không thể chiến thắng truớc thế lực của phong trào quốc tế cộng sản mà CSVN chỉ là tay sai, nhưng cuộc chiến đấu cho tự do của quân dân MNVN đã diễn ra vô cùng anh dũng và quyết liệt. Hằng hà sa số chiến sĩ VNCH đã hy sinh cho dại nghĩa mà những anh hùng tuẫn tiết không chịu quy hàng địch vào cuối tháng 4 năm 1975 như các tuớng  Nguyễn khoa Nam, Lê văn Hưng, Trần văn Hai, Lê nguyên Vỹ, Nguyễn văn Phú v. v. chỉ là “những ngọn sóng mà ta thấy được. Dưới những ngọn sóng ấy còn âm ỉ một sức mạnh vô song, tuy âm thầm lặng lẽ mà bền bỉ kiên trì thúc đẩy cho ngọn sóng lên cao. Đó chính là sức mạnh của các chiến sĩ vô danh, sức mạnh của dân tộc.” (CĐVN: Lời nhà xuất bản).
Thực vậy, trong chiến tranh VN, những chiền sĩ vô danh VNCH nhiều không kể xiết, bao gồm hằng trăm ngàn quân dân cán chính đã bỏ mình trên chiến địa khắp các nẻo đường đất nước, vô số kể bị cộng sản tàn sát oan uổng dưới mọi hình thức, hằng ngàn vạn bị cộng sản trả thù giam cầm dài năm không xét xử trong hàng trăm trại cải tạo sau khi chiến tranh chấm dứt. Thêm vào đó, vô vàn đồng bào không thể kiểm chứng bị thủy táng  trong lòng biển cả, vùi thây trong tận rừng sâu nước độc, bị hải tặc hãm hiếp giết hại oan nghiệt… trên đường đi tìm tự do lánh nạn cộng sản sau biến cố 30-04-1975. Họ rời bỏ quê cha đất tổ ra đi đến một nơi bất định, bất chấp mọi hiểm nguy kể cả tính mệnh của mình. Phong trào di cư lánh nạn CS không tiền khoáng hậu trong lịch sử thế giới về di cư của nhân dân VN đã thức tỉnh và đánh động lương tâm nhân loại về hiểm hoạ cộng sản, do vậy đã là yếu tố góp phần không nhỏ vào biến động làm sụp đổ chế độ cộng sản Liên bang Sô Viết và Đông Âu năm 1989.
Tưởng cũng cần nhắc lại, để bảo vệ biên cương do tiền nhân để lại, các chiến sĩ hải quân VNCH, mặc dầu yếu thế, nhưng đã dũng cảm chiến đấu với 53 chiến sĩ hy sinh, chống lại cuộc xâm lăng của lực lượng hùng hậu hải quân Trung cộng, gồm có cả tàu ngầm, trong mưu đồ cuỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của VNCH vào ngày 19-01-1974. Tôi còn nhớ vào thời điểm này, Phái Đoàn Quân Sự VNCH trong Ban Liên Hợp Quân Sự 2 Bên tại Tân Sơn Nhất (lúc ấy tôi giữ chức vụ Tổng Thư Ký  PĐ/VNCH) đưa ra bàn hội nghị bản Tuyên bố chung đề nghị Phái Đoàn Quân Sự Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời MNVN (Mặt Trận Giải Phóng của CS) cùng ký chung với Phái Đoàn VNCH lên án Trung cộng xâm lược. Phía cộng sản bối rối từ chối lấy lý do: vấn đề tế nhị không thể quyết định (?). Rõ ràng sự lệ thuộc của CSVN vào đảng cộng sản Trung hoa  đã là vấn đề bản chất trong hệ thống kỷ luật đảng  ngay từ thưở ban đầu.
Tình hình diễn biến phức tạp tại quốc nội suốt 35 năm qua kể từ ngày CS cưỡng chiếm MNVN 30-04-1975, đã mỗi ngày làm sáng tỏ thêm chính nghĩa rạng ngời của chính thể VNCH.  Lịch sử cận đại chứng minh rằng: so với chế độ cộng sản toàn trị toàn cõi Việt Nam, thì thời kỳ 20 năm (1954-1975) MNVN dưới chính thể VNCH tuy ngắn ngủi nhưng lại vượt trội hẳn chế độ cộng sản về chủ quyền quốc gia, về uy tín quốc tế, về nền kinh tế hưng thịnh, về sự phát triển văn hoá, về truyền thống đạo lý dân tộc. Quan trọng hơn hết là nhân dân MNVN đã thực sự sống trong tự do, ấm no và hạnh phúc. Quốc gia VNCH lúc ấy không thua kém bất cứ nước lân bang nào trong khu vực.
Sức mạnh cộng đồng
Nhân kỷ niệm ngày quốc hận 30 tháng 4, tôi cũng muốn nói lên niềm hãnh diện về sự thành công lớn lao của cộng đồng người Việt quốc gia tỵ nạn CS tại hải ngoại, đặc biệt tại Hoa kỳ. Nhớ lại lúc ban đầu đối với đồng bào vượt biên lánh nạn CS đi tìm tự do, CS lên án hết sức nặng nề hỗn xược, cho rằng đó là những bọn “liếm gót giầy đế quốc, những cặn bã của xã hội, bọn nguỵ quân nguỵ quyền phản động v.v.” Nhưng rồi theo thời gian, sự thành công của khối người tỵ nạn “nguỵ quân nguỵ quyền phản động”  tại quốc ngoại về các mặt học vấn, kinh tế, chính trị và ngoại giao dần dần trở thành mối đe doạ chế độ nhưng đồng thời cũng là kho tàng béo bở ngoại tệ, cho nên CS quay hướng 180 độ dở trò ve vãn chiêu dụ. Bởi vậy, ngày 23-03-2003, Bộ chính trị đảng CSVN cho ra đời Nghị Quyết 36/NQ-TW (NQ36) quy định đường lối đấu tranh nhằm khống chế khối 3 triệu người Việt đang sinh sống tại nước ngoài. Sự ra đời của Nghị Quyết 36 CSVN chính là một bàng chứng cụ thể về sự thành công của người Việt tỵ nạn CS vậy.
Nguy cơ mất nước
Nguyễn văn Trần, tác giả bài viết Năm nay 30-04 trong mục thời sự Tạp chí điện tử Dân chủ và Phát triển đã có nhận định xác đáng cho rằng: “Biến cố 30-04 của VN, sau 35 năm vẫn còn được nhiều người nhắc tới dưới những cái nhìn khác nhau, nhưng tuyệt đối không có cái nhìn đó là “sự giải phóng” ngoại trừ nhóm cộng sản cầm quyền tại Hànội… Ngày nay, người dân trong và ngoài nước đều khẳng định đất nước đã thực sự lệ thuộc Tàu Bắc kinh. Nhưng thật ra Việt Nam đã bắt đầu mất về mặt chính trị từ khi CS cai trị cả nước. Chế độ độc tài toàn trị đã cướp đoạt mọi quyền của dân thì người dân không còn làm chủ đất nước của họ. Hơn nữa, họ không làm chủ được mạng sống của họ nữa. Nay chỉ mất thêm lãnh thổ, biển vào tay ngoại bang. Nhưng trên quan điểm “cùng phe xã hội chủ nghĩa” thì Việt Nam vẫn tồn tại trong không gian xã hội chủ nghĩa, vì Việt Nam xã hội chủ nghĩa thì không có biên cương quốc gia. Cùng “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” với nhau, vấn đề cầm quyền ở nơi này hay nơi nọ chỉ là sự ủy nhiệm mà thôi.”
Luật sư lão thành Trần Lâm hiện ở Hà nội, nguyên Thẩm Phán Toà Án Nhân Dân Tối Cao (CSVN), nguyên trưởng ban tuyên giáo tỉnh và hiệu trưởng trường Đảng  nhiều chục năm, trong bài viết mới đây với tựa đề: SỰ THAY ĐỔI ĐÃ GẦN KỀ, can đảm báo động tình hình chính trị nguy ngập của đất nước hiện nay với một số nhận định đáng chú ý như sau:  
-        Việt Nam ngày nay làm gì cũng phải nghĩ đến Trung quốc. Đó là môt chỉ dẫn quan trọng. Đó là “biết người”. Có lẽ, mọi người Việt nam cần đào sâu suy nghĩ: “Mình đứng cương vị gì, mình bảo vệ đất nước ra sao trước Trung quốc?”. Còn nếu chấp nhận “nghèo thì hèn, mạnh thì được, yếu thì thua”, và hơn thế nữa “cứu nhà hơn cứu nước, cứu thân mình hơn cứu Chúa”, thì coi như mất nước. Đó là “biết mình
-        Gần đây việc dùng bạo lực tràn lan: bắt bớ giam cầm, xét xử các nhà dân chủ, với các tội gán ghép; xô xát đàn áp giáo dân, phật tử; bịt miệng, mạt sát các trí thức, bắt bớ xét xử các nhà báo… Có nghĩa là đánh tất cả. Không hiểu nhà nước, Đảng dựa vào ai để tồn tại? Hay là người ta nói: khi sắp tan rã thường một chính quyền… tăng cường đàn áp?
-        Dựa vào Trung quốc để tồn tại? Tôi chưa hiểu dựa như thế nào, không biết kịch bản Trung quốc cứu sự đổ vỡ của Đảng và chính quyền Việt Nam ra sao. Tôi chỉ cảm thấy con đường duy nhất: tồn tại trong thân phận tôi đòi cho Trung quốc. Không thể nói là tồn tại mà phải nói là bán đứt linh hồn cho quỷ sứ.
-        Đi với Trung quốc thì mất nước, còn Đảng, còn quyền nhưng lại là đầy tớ, đi với Phương Tây thì mất quyền nhưng còn nước, chỉ mất thân phận tôi đòi. Mà đi với Phương Tây thì phải dân chủ, dân chủ thì phải phát động quần chúng.
Bài học lịch sử
Về mối liên hệ giữa Trung quốc và Việt Nam, Ông Ngô đình Nhu cách đây nửa thế kỷ trong cuốn CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM đã viết như sau: “Trung Hoa, suốt gần một ngàn năm lịch sử, lúc nào cũng muốn lấy lại mảnh đất (Việt Nam) mà Trung Hoa coi như bị tạm mất… Trong 900 năm, từ năm 939 đến năm 1840, khi Tây phương tấn công vào xã hội Đông Á làm cho những mâu thuẫn, nội bộ của xã hội này, tạm ngưng hoạt động, Trung hoa đã bảy lần toan chiếm lại nước Việt Nam. Hai lần do nhà Tống chủ trương, ba lần nhà Nguyên, một lần nhà Minh và một lần nhà Thanh. Một hành động liên tục như vậy, nhứt định có nghĩa là tất cả các Triều đại Trung hoa đều theo đuổi một chính sách, đặt lại nền thống trị trên lãnh thổ Việt Nam. (CĐVN tr. 235).
Ta cũng có thể thêm vào cuộc xâm lăng Việt Nam lần thứ 8 của Trung hoa cộng sản năm 1979 do Đặng tiểu Bình chủ xướng để dạy cho CSVN một bài học vì CSVN đã tuân lệnh  cộng sản Liên sô, tấn công lật đổ chế độ cộng sản Pol Pot tại Kampuchia, chư hầu của Trung cộng.
Như vậy thì Trung hoa dầu của Mao trạch Đông hay Đặng tiểu Bình, hay của các Triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh, lúc nào cũng là mối đe doạ thường xuyên cho chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Vì ngu muội,  vì ngây thơ, vì phản bội tổ quốc, vì tham vọng cá nhân, vì bán nước cầu vinh…, CSVN không chịu học bài học lịch sử vô cùng quan trọng ấy, Hồ chí Minh đã du nhập chủ thuyết cộng sản ngoại lai vào Việt Nam, lại tự đặt mình trong hệ thống kỷ luật đảng dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Trung hoa, cho nên dân tộc đang phải gánh chịu hậu quả vô cùng khắc nghiệt như ngày nay.
Con đường cứu nước
Nhân tưởng niệm ngày Quốc hận 30 tháng 4, chúng ta hãy nêu cao ngọn cờ chính nghĩa Quốc Gia Dân Tộc, vinh danh tri ân các chiến sĩ quân dân cán chính VNCH đã hy sinh cho đại nghĩa để bảo vệ non sông gấm vóc, tưởng nhớ các đồng hương đã bỏ mình trên đường tìm tự do.
Chúng ta hãy ý thức đầy đủ vai trò lịch sử của mình trước hiện tình vận mệnh đất nước bằng cách xây dựng cộng đồng ngươì Việt quốc gia hải ngoại đoàn kết vững mạnh, ngõ hầu trở thành căn cứ địa yểm trợ hữu hiệu cho phong trào đấu tranh dân chủ trong nước.
Hướng về quê hương, chúng ta hãy cùng đồng bào quốc nội, hạ quyết tâm tiếp nối sự nghiệp của tiền nhân, của các bậc cha anh anh hùng trên đường tranh đấu chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc.
Lịch sử  chứng minh, chỉ có sức mạnh đoàn kết của toàn dân, Việt Nam mới có điều kiện chống lại mưu dồ xâm lăng của kẻ thù truyên kiếp Trung Hoa từ phương Bắc.
Điều kiện tiên quyết để xây dựng tình đoàn kết dân tộc trong và ngoài nước hiện nay là phải tạo sức ép  toàn diện “thiên la địa võng” buộc CSVN phải tức khắc trao trả lại quyền làm chủ đất nước cho nhân dân trong một thể chế chính trị tự do, dân chủ và nhân quyền. Đó chính là sự khởi đầu  con đường đứng đắn nhất để cứu nguy dân tộc vậy.
Mong lắm thay!

n/a