Con Quan

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

Truyện ngắn

 

Con Quắn

 

Thu Nga

 

Cậu Tín, người có họ xa với mạ tôi có con chó tên Quắn. Sỡ dĩ nó có cái tên ngộ nghĩnh này vì đuôi nó hay quắn tròn lại như đuôi con heo. Con quắn có màu đen tuyền. Nó được cậu tôi lượm về khi nó bị xe nhà binh cán què cẳng, nằm thẳng cẳng ngoài lộ khi cậu đi uống rượu về.

 

Cậu Tín kể, lúc ấy trời cũng đã nhá nhem, khi đi qua bờ ruộng, cậu nghe tiếng rên ư ử. Cậu hoảng hốt tưởng bị ma nhát, cậu dáo dác nhìn sau, nhìn trước, nhìn sang phải, và khi nhìn sang trái cậu thấy một đống màu đen đang nhúc nhích và rên ư ử. Khi biết đó là con chó bị thương, cậu tính bỏ đi, nhưng rồi lòng bác ái của cậu nổi dậy. Cậu thấy con chó tội nghiệp quá, chân sau, bên trái của nó bị cán dập, ngoài ra không có chỗ nào bị xây xát hay chảy
máu. Cậu đoán nó bị xe cán. Tôi hỏi sao cậu biết bị xe nhà binh cán. Cậu nói, trước nhất là đoạn đường này có nhiều xe nhà binh chạy ngang, thứ hai nếu nó bị xe đạp hay xe gì khác tông thì vết thương không nặng như vậy. Lý luận của cậu nghe không ổn chút nào. Nhưng giọng cậu chắc nịch như hai với hai là bốn, nên không ai muốn cãi cậu làm gì. Khi con chó bình phục, mạ tôi hỏi cậu con chó tên gì, cậu trả lời như đã có chủ đích: ‘’con Quắn’’. Không ai bảo ai, mợ tôi và tôi đều nhìn vào cái đuôi của nó và công nhận tên Quắn rất thích hợp với con-chó-bị-xe-nhà-binh-cán. Khi chiếc chân sau lành, nó đi cà nhót, nhưng không kém vẻ nhanh nhẹn.

 

Con Quắn với cậu Tín như bóng với hình. Nó theo cậu đi chợ,  ra tiệm sửa xe đạp của cậu, ngay cả khi cậu lén mợ đi uống rượu, nó cũng tìm cách chạy cà thọt theo cậu. Mợ tôi giận cậu, giận luôn cả con Quắn. Có bữa tôi nghe tiếng mợ tru tréo:’’mụ cô mi con Quắn, răng mi với hắn không bị xe nhà binh cán chết cho rồi, hắn say nằm thẳng cẳng, mi không để nó chết bờ, chết bụi, mi còn kéo hắn về nhà mần chi?’’. A, thì ra cậu Tín say dựa vách quán ngủ, chủ quán đã đóng cửa, không còn ai ngoài đường ngoại trừ con Quắn và cậu . Không biết bằng cách nào nó đã lôi được cậu Tín về tới nhà. Sau đó cậu nói cậu ‘’vịn vào nó mà về’’ chứ không phải nó tha cậu về như mợ nói. Cũng như câu chuyện con Quắn bị xe nhà binh cán. Nghe lý luận kỳ cục của cậu, không ai thèm cãi làm gì.

 

Con Quắn có con mắt đen thật hiền từ. Ðôi tai nó quặp xuống, cái lưỡi đỏ hồng hay  thè ra để thở mỗi khi trời nắng. Mợ Tín hay nói chắc nó bị dại, coi chừng nó cắn một cái là chết. Cậu Tín la ‘’mụ đàn bà miệng ăn mắm, ăn muối, chó ri mà dại? chó lè lưỡi thở là chuyện thường chi chi mô mà nói dại, mụ dại thì có’’. Mợ Tín coi bộ không ưa con Quắn cho lắm. Mỗi lần không có cậu ở nhà, con Quắn men men lại tìm đồ ăn ở bếp, thế nào nó cũng bị một cú đánh trên đầu, chạy la oăng oẳng, cũng may là nó ít khi ở nhà một mình với mợ vì như đã nói, nó đi theo cậu như keo dính.

 

Một lần cậu Tín nói với tôi:’’Mi biết không! không nhờ con Quắn thì tau đi đứt hôm nằm trước quán con Thu rồi!’’. Tôi hỏi:

 

--Răng cậu nói, cậu vịn con Quắn về mà?!

 

--Tau phải nói như rứa, không thì mợ mi lại nói lôi thôi. Con Quắn không tha tao về thì chắc tao cũng bị trúng gió, trúng máy chết rồi. Con Thu... rứa mà ác!

 

Tôi trố mắt hỏi:

 

--Cô Thu mần răng mà ác?

 

Cậu Tín chợt nhìn tôi bằng ánh mắt nghi kỵ:

 

--Mi hỏi chi rứa?

 

Tôi ngạc nhiên:

 

--Cậu nói con không hiểu mới hỏi!

 

Cậu nhìn quanh như sợ vợ nghe:

 

--Mi đừng nói cho ai nghe?

 

Tôi gật đầu chấp nhận. Cậu Tín nói tiếp:

 

--Hắn nài tao mua rượu, bán kiếm tiền, khi tao say, hắn đóng cửa hàng, bỏ mặc tao nằm trước cửa tiệm, mi coi hắn vô hậu chưa?

 

Tôi gật đầu:

 

--Vô hậu thiệt. Răng cậu cứ uống rượu quán cô Thu hoài rứa?

 

Cậu nạt:

 

--Mi còn nhỏ, biết chi mà nói. Rượu tiệm con Thu ngon thì tao uống...Thôi tao không nói với mi nữa mô...mi hỏi lộn xộn quá!

 

Tôi càng ngạc nhiên hơn:

 

--Con lộn xộn mô nà?!

 

Từ hôm đó trở đi, tôi quên mất câu chuyện đã nói với cậu Tín, cho tới khi mợ Tín gọi giật ngược khi gặp tôi mua ổi ở quán đầu đường:

 

--Hoa! mi có thấy cậu mi với con Quắn mô không?

 

Tôi lắc đầu:

 

--Dạ không!

 

--Mi chạy ra quán con Thu coi cậu có ở ngoài nớ không cho tao.

 

Tôi dạ và chạy đi kiếm cậu Tín. Tiệm của cô Thu đã đóng. Nhớ tới chuyện con chó tha cậu Tín về, tôi chạy chung quanh quán mong thấy cậu, nhưng không thấy đâu cả. Tôi đang đứng lóng nhóng bỗng nghe có tiếng sủa gâu gâu của con Quắn. Tôi chạy vội lại. Con Quắn đang đưa tay quào quào vào cánh cửa sau của cái quán. Tôi đoán có cậu Tín ở trong nên con Quắn mới đòi vào. Tôi đưa tay gõ cửa miệng kêu to: ‘’Có ai trong nớ không? có ai không?’’ gõ hoài chẳng có ai ra. Tôi vỗ tay vào đầu con Quắn nói:

 

--Mi sủa chi rứa? có ai trong nớ mô nà!

 

Con Quắn không nghe, cứ rên ư ử và hai chân trước vẫn quào lia, quào lịa cái đầu lắc lư. Tôi nạt nó:

 

--Thôi! đừng có cào nữa, đi theo tao về mau. Chủ mi không có trong nớ mô. Ðây là tiệm của cô Thu chớ phải nhà của mi mô?!

 

Con Quắn miễn cưỡng theo tôi về nhà. Sợ mợ Tín thấy tôi đi với con chó, mợ la lây, nên tôi mở cửa rào cho nó vô, rồi rảo bước đi nhanh.

 

Khi cậu Tín nghe tôi kể chuyện, mặt cậu hơi tái đi, cậu nói:

 

--Mồ cha con Quắn vô duyên. Tao có ở trong xó bếp của quán con Thu mô mà mi tìm!

 

Tôi chọc:

 

--Cậu chắc không? mợ cho con Quắn đi tìm đó. Con chó nớ khôn lắm. Cậu không có trong nớ thì tại sao nó cào cửa?răng nó không cào cửa nhà ai mà lại cào cửa quán cô Thu?

 

Cậu nói giọng chống chế:

 

--Mi cũng vô duyên như con Quắn! tao làm răng biết tại sao hắn cào cửa nhà người ta. Sao mi không hỏi con Quắn mà hỏi tao.

 

Cậu hừ một tiếng rồi nói tiếp:

 

--Tối hôm nớ tau đi đánh kiệu (một loại bài đặc biệt của dân miền trung) nhà mụ Thượng mà....rứa mi có nói lại với mợ không?

 

--Ngu răng mà nói?

 

Cậu Tín gõ nhẹ vô đầu tôi để cảm ơn.

 

Cậu Tín thương con Quắn chừng nào, thì mợ Tín ghét nó chừng nấy. Hễ thấy mặt mợ là nó len lén chạy đi. Nhưng đâu có yên, hễ có dịp là mợ nạt, mắng hoặc đập cho nó một cái nên thân. Một lần nó chẳng làm gì nên tội, đang ngủ ngoài thềm, vừa sưởi nắng, mợ đi ngang ngứa mắt, đá vào bụng nó một cái và mắng nó làm biếng. Nó vừa cố chạy nhanh với cái chân què,  vừa rên đau đớn. Tôi thấy bất nhẫn, nói với mợ:

 

--Răng mợ ghét con Quắn? con thấy nó hiền và khôn lắm mà!

 

Mợ nhăn mặt nói:

 

--Hắn mà khôn! Tối ngày la cà hết chỗ nọ tới chỗ kia với cậu mi. Không đi thì nằm ngủ, không ra tích sự chi cả. Nhà có trộm vô hắn cũng không biết!

 

Tôi ngạc nhiên:

 

--Ủa! nhà có trộm sao mợ! hồi mô? trộm có lấy chi không?

 

Mợ hứ to:

 

--Mạ mi không nói chi với mi à? trộm rinh nguyên cả nồi bánh chưng hôm 30 Tết. Hắn còn vô lấy cả sợi giây chuyền ngọc thạch của tao để trong rương. Cậu mi đi uống rượu đánh bài cả đêm không về. Con chó vô tích sự cũng ngủ như chết. Chỉ có con già ni vừa làm việc vừa giữ nhà, có nhờ ai được mô!

 

 

 

Thế rồi cả xóm đồn ầm lên cậu Tín đã bỏ nhà ra đi lập tổ ấm với cô Thu. Cậu bỏ gia đình, bỏ nghề sửa xe đạp và bỏ luôn cả con Quắn. Tôi biết mợ tôi đang đau khổ và ghen hờn cậu nên không dám qua thăm, thỉnh thoảng mạ sai đem thức ăn tặng mợ, tôi đến nơi đưa xong, cũng vội vã về liền. Có hôm không biết chuyện gì, mạ đi qua nhà mợ Tín liên tiếp nhiều ngày, mỗi lần ở lại cả buổi. Tôi không dám hỏi nhưng ban đêm nghe mạ và ba nói chuyện có tên mợ Tín. Mạ nói:’’họa vô đơn chí! tội nghiệp mợ Tín rưá thê’’. Tôi nghe ba nói nho nhỏ:’’mạ nó qua khuyên nhủ  mợ nó, dại dột chi rứa!. Chết đi thì hắn cũng có về mô!’’. Tôi nghe tới chữ chết cũng ơn ớn, nhưng không hiểu ba mạ nói gì.

 

 Mỗi lần thấy tôi, con Quắn mừng lắm, có bữa chạy theo về nhà. Tôi cũng tính xin mợ cho con Quắn vì tôi sợ tới một ngày nào đó, mợ ghét nó quá sẽ cho người làm thịt nó thôi. Mặc dù có lần tôi nghe có người đề nghị cho nó đi nếu không ưa nó, nhưng mợ Tín nạt: ‘’Nói chi vô hậu rứa! ăn thịt chó đi đầu thai không được mô! cho người ta làm thịt thì tội cũng giống nhau!’’.

 

Tuy vậy, tôi cũng không ngớt lo ngại cho số phận của con Quắn. Tôi nghĩ không có cậu Tín, mợ càng hành hạ nó nữa. Nhưng tôi đã lầm.  Một hôm mạ sai tôi đem nồi bún bò qua cho mợ, tôi xỏ vội đôi guốc, tôi đang muốn đem con Quắn chạy ra đồng thả diều. Vừa đến cổng, tôi giật mình đứng khựng lại. Cảnh tượng trước mắt làm tôi ngạc nhiên sửng sờ. Mợ Tín đang ngồi trước thềm với con Quắn. Tay mợ đang để trên đầu nó và vuốt ve nhè nhẹ. Hình như mợ đang nói chuyện với nó. Thấy tôi, con Quắn chạy xổ ra, cái đuôi ve vẫy vài cái xong lại xoắn vào như cũ. Tôi vỗ vào đầu nói nói:

 

--Giỏi hỉ! mi cũng  nhớ tau há!. Ủa! mợ! mợ ...không ghét con Quắn nữa răng?

 

Mợ lắc đầu, nở nụ cười hiền lành kỳ lạ. Mợ đưa tay vẫy tôi lại gần mợ và nói:

 

--Con Quắn khôn lắm.

 

Tôi khoái chí cười toe:

 

--Con nói rứa mà mợ không tin. Răng bi chừ mợ biết?

 

--Nó đã cứu mợ đó con.

 

--Nó cứu mợ ra răng?

 

Mợ ôm đầu nó nựng nịu rồi kể chuyện với tôi như thể đang tâm sự với một người bạn cùng trang lứa. Tôi cũng chăm chú nghe như một người lớn. Giọng mợ trầm, buồn, mợ kể một cách mạch lạc. Thì ra mợ đã  biết cậu Tín mê cô Thu bán rượu. Dạo sau này cậu Tín đi cả đêm, có bữa không về. Mấy người hàng xóm nay chỉ chỗ này, mai mách chổ khác, người nói thấy cậu ở xóm này, kẻ nói chộ cậu ở làng kia. Mợ nghe mách ở đâu, đi tới đó. Mợ nói phải bắt tận tay, day tận cánh mới hoạ may cậu mới chừa. Nói không có bằng cớ, cậu cãi mà còn đánh mợ nữa. Một đêm mợ cũng đi như vậy, và cũng như lần trước, không tìm ra cái tổ uyên ương của chồng và tình địch. Cô Thu đã bán tiệm và dọn đi nơi khác.  Tìm không được, mợ đi về, ngang qua bờ sông, buồn cho hoàn cảnh bị chồng phụ bạc, trong một phút buồn chán quá độ, mợ nhảy xuống sông tính tự tử. Nhưng khi nhảy xuống giòng nước lạnh giá, bản năng sinh tồn của mợ nỗi giậy. Mợ kêu gào cầu cứu. Ðêm hôm thanh vắng bên giòng sông không có một bóng người. Nhưng bỗng nhiên có một sức mạnh kéo mợ lên bờ. Mợ nói cái bóng cũng có vẻ đuối sức, nó thả mợ rớt mấy lần, nhưng rồi cuối cùng cả hai đều lên bờ bình an. Khi mở mắt ra, mợ thấy con Quắn đang  lè cái lưỡi nóng hổi liếm trên mặt, trên mũi mợ. Thấy mợ mở mắt, nó vẫy cái đuôi còn sũng nước mừng rỡ. Người và chó từ đó thành ra thân thiết. Con Quắn đổi tình thương của ông chủ, qua tình thương của bà chủ một cách tự nhiên.

 

Nghe mợ kể xong, tôi thương mợ quá, ôm cứng cánh tay mợ, một tay ôm đầu con chó. Tôi nhớ lại những lời ba mạ nói chuyện và những ngày mạ qua đây liên tiếp và ở lại rất lâu, chắc lúc đó mạ an ủi và săn sóc mợ.  Tôi yên tâm về con Quắn từ nay không còn bị những cú đá oan ức nữa.

 

 

Trước Tết 1 tháng, xóm tôi lại xôn xao bàn tán vì cậu Tín đã trở về. Cậu về ốm xo, ốm bại. Mặc mợ tôi chì chiết. Cậu không nói nhiều chỉ xuống giọng xin mợ tha thứ. Cậu cũng không nói chuyện nhiều với tôi. Tôi chỉ được biết là cô Thu sau khi xài hết tiền bạc của cậu đã đi theo người khác. Và tôi cũng được biết nồi bánh chưng và sợi dây chuyền cẩm thạch của mợ tôi đã bị cậu Tín lấy tặng cho cô Thu chứ không phải ăn trộm lấy. Người mà cậu dành thì giờ cho nhiều nhất bây giờ cũng lại là con Quắn. Cái tiệm xe đạp của cậu không còn nữa, mợ đã bán lấy tiền trang trải nợ nần nên bây giờ cậu đi làm đủ thứ, ai thuê gì làm nấy: sửa nhà, làm hàng rào, trộn xi măng, xay lúa, giả gạo....chuyện gì cậu cũng không từ nan. Sau vụ cô Thu, cậu Tín tự nhiên thành một người ít nói, thâm trầm. Mợ Tín cũng có vẻ hiền lành và ít nói hơn với tất cả mọi người. Ðiều duy nhất làm tôi thích thú là thấy mợ Tín săn sóc đặc biệt cho con Quắn. Nó quấn quít cả hai người. Khi nào cậu muốn nó đi theo, cậu huýt gió ra hiệu cho nó thì dù đang ăn hay đang ngủ, nó cũng chạy theo liền. Nếu không muốn nó đi theo, cậu vuốt đầu và nói :

 

--Mi ở nhà coi nhà, giỏi nghe không?!

 

Thời gian thắm thoát trôi qua đã một năm từ khi cậu Tín quay lại với vợ. Tóc cậu giờ cũng đã lấm tấm bạc. Có khi cậu đến nhà tôi, ngồi hàng giờ nói chuyện với mạ. Không biết hai chị em tâm sự những gì nhưng mắt cậu và mắt mạ cũng đỏ hoe. Con Quắn chạy lanh quanh đùa giỡn với anh em tôi cho đến khi cậu đứng lên từ giã ra về, nó chạy bay theo cậu, cái chưng khấp khễnh thấy mà tội nghiệp. Mạ nói vắn tắt, cậu mắc nợ nhiều lắm, nhất là từ khi theo vợ nhỏ bỏ vợ lớn. Bây giờ làm ăn khó khăn, cậu không biết làm sao trả nợ cho nổi. Năm hết Tết đến cậu phải qua mượn mạ một ít tiền thanh toán cho một vài chủ nợ.

 

Rồi cậu Tín lại bỏ đi hết hai ngày. Mợ Tín và con Quắn đi tìm hết nhà này, đến nhà kia không gặp. Tối ba mươi, trời tối đen như mực, có tiếng con chó sủa và rên như báo hiệu điều gì. Mợ  chạy ra, con chó chạy lúp xúp ở trước. Mợ chạy theo mà lòng hồi hộp không yên. Chạy qua bờ sông, ngang qua giữa cánh đồng, nơi có nhiều xe nhà binh chạy ngang qua và là nơi cậu Tín đã cứu con Quắn. Con chó đứng lại sủa vào bụi rậm. Mợ lần mò vẹt cỏ nhìn vào trong. Cậu Tín đang ngồi dựa vào bụi cây, đầu tóc rối bù. Bên cạnh có chai rượu đã uống hết. Mợ lay gọi, cậu không trả lời. Con chó rên hừ hừ như khóc. Nó liếm mặt, liếm cổ, liếm tay người chủ, nhưng cậu Tín không hề nhúc nhích. Ðể tay trước đầu mũi mới biết cậu đã hết thở. Mợ  chạy về kêu ba mạ tôi và làng xóm ra đưa xác cậu về. Con Quắn chạy theo sau rên lên những tiếng não nùng trong cổ họng.

 

Ðám tang cậu Tín diễn ra vào giữa tháng 12, thiên hạ đang chuẩn bị đón Tết.  Năm nay nhà cửa mợ vắng ngoe. Mạ tôi và hàng xóm chạy qua, chạy lại đem thức ăn, bánh mứt và an ủi mợ. Tôi cũng hay qua thăm mợ,  mỗi khi làm bài xong. Tôi hay ngồi vuốt tóc con chó ở ngoài hiên. Ðôi mắt hiền lành của nó hay nhìn ra ngõ như chờ một bóng hình. Hôm mở cửa mả, nó tru lên từng hồi nghe rợn người.  Ðêm 30 Tết, ngoài đường không bóng người qua lại. Con Quắn ra trước hiên hực lên mấy tiếng như thấy bóng ma. Các nhà hàng xóm vội vã đóng các cánh cửa. Nghe mạ nói hồn cậu Tín linh lắm, về hoài. Mợ Tín hay nghe tiếng con chó rên ư ử ở ngoài sân. Tiếng rên của nó vừa có vẻ mừng rỡ, vừa có vẻ sợ sệt.

 

Chiều nay mạ sai tôi đem cho mợ trách cá ngừ kho, bánh giò, chả. Khi qua tới nơi, tôi thấy mợ có vẻ bồn chồn. Mợ nói:

 

--Con Quắn có ở bên mi không?

 

Tôi lắc đầu:

 

--Dạ không! rứa hắn có về nhà hôm qua không?

 

Mợ lắc đầu, gương mặt lo âu:

 

--Ít khi con Quắn đi ra ngoài buổi tối. Không biết hôm qua hắn chạy đi mô.

 

Tôi hỏi:

 

--Hôm qua mợ có ra ngoài mộ cậu không?

 

--Răng không! chuẩn bị ngày mai cúng 49 ngày cho cậu... Hay là con....

 

Mợ ngừng nói, nhưng tôi đoán mợ muốn nói gì. Tôi tử giã mợ ra về. Linh tính tôi tự nhiên cho biết có một điều gì đang xảy ra cho con Quắn. Mợ mới nói ngày mai 49 ngày. Chân tôi tự nhiên bước nhanh đến mộ cậu hồi nào không hay. Trời gần chiều. Tôi sợ ma, nhưng thương cậu và lo cho con Quắn nên làm liều ! thường thường tôi hay ra đây với ba mạ hoặc với mợ Tín hoặc ít ra có con Quắn bên cạnh. Tôi nhớ nó hay đến ngay đầu mộ có tấm hình của cậu Tín, đôi mắt nó đục ngầu,  gương mặt  buồn hiu.

 

Mắt tôi đã mờ lệ khi thấy con Quắn đang nằm trước mộ cậu Tín, đầu nó gác lên hai chân trước, mặt nó hơi ngẩng lên như cố nhìn vào hình cậu trên tấm bia. Tôi bước đến vỗ nhẹ lên đầu cho chó trung thành. Không có một phản ứng nào. Tôi kêu ‘’Quắn! Quắn!’’ nó cũng không quay lại. Tôi đưa tay lên mũi như mợ đã làm khi tìm thấy cậu Tín ngồi dựa bụi cây. Không thấy một hơi thở nào cả. Tôi ôm đầu con chó mếu máo:’’Quắn! răng mi nằm chết ở đây! mi thương nhớ cậu  lắm phải không?’’ Câu hỏi tôi bằng thừa. Con chó trung thành đã chết theo chủ cho tròn nghĩa ân.

 

Có tiếng động làm tôi giật mình nhìn lên. Mợ Tín cũng ràn rụa nước mắt. Mợ ngồi bệt xuống cỏ ôm con chó cùng tôi khóc ròng. Ngoài đường lộ, từng đoàn xe nhà binh chạy tung những bụi khói mờ mịt.

 

Thu Nga