Câu Chuyện Thời Sự: Những Lo Ngại cho Việt Nam

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Uyên Thao

Khoảng 30 ngày nữa, guồng máy lãnh đạo chế độ Hà Nội sẽ được quyết định qua Đại Hội thứ 11 Đảng Cộng Sản Việt Nam. Một thắc mắc kéo dài từ nhiều ngày qua đang chờ được giải đáp là quyền lực sẽ rơi vào phe nhóm nào trong các phe nhóm được mô tả là bảo thủ và cấp tiến? 
Dù khó tránh tính phỏng đoán, đã có những suy luận về đặc trưng của hai phe được nêu trên là phe bảo thủ luôn coi trọng ý hệ còn phe cấp tiến tương đối hướng nhiều hơn về vận mạng đất nước. Dựa trên suy luận đó, đã có kết luận nếu phe cấp tiến giành được quyền lãnh đạo thì Việt Nam sẽ nghiêng về phía các quốc gia tự do còn phe bảo thủ giành được ưu thế thì mức độ lệ thuộc Bắc Kinh tiếp tục gia tăng.
Vượt khỏi vòng suy luận trên, lại có sự khẳng định rằng không hề có xu hướng bảo thủ hay cấp tiến trong hàng ngũ lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam hiện nay mà chỉ có tình trạng đối đầu vì tranh giành quyền lực bè phái. Theo một số chuyên gia, dù phe nào giành được vị thế lãnh đạo, chế độ Hà Nội vẫn không thể có những thay đổi phù hợp với ước nguyện chung của người dân. Bởi thực tế cho thấy hàng ngũ lãnh đạo tại Việt Nam hiện nay hoàn toàn vắng bóng những con người tâm huyết và có khả năng. Cho nên hiện trạng đất nước ra sao thì viễn ảnh vẫn chỉ giữ nguyên như thế chứ khó có cơ chuyển hóa.
Trong tình huống đó, hiện trạng Việt Nam đã được ghi nhận như thế nào.
Chỉ trong tuần lễ vừa qua, đã có không ít ý kiến được phát biểu bởi hàng loạt chuyên gia Việt Nam và quốc tế về nhiều lãnh vực hoạt động với tâm trạng ưu tư nhiều hơn là phấn khởi.
Trước hết là những quan ngại về viễn ảnh bất ổn của nền kinh tế vĩ mô do bối cảnh lạm phát gia tăng và tỷ giá hối đoái cùng giá vàng biến động dữ dội. Vì thế, một chuyên gia quen thuộc của Việt Nam là tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã nhắc đến những khó khăn trong đời sống người dân, đặc biệt là của thành phần lao động do mức lương không tăng lên tương xứng. Trả lời phỏng vấn của đài VOA, Lê Đăng Doanh đã nhắc tới trường hợp nhiều người hiện phải bỏ bữa ăn trưa và rất nhiều người khác không thể có thuốc men khi lâm bệnh. Chuyên gia này cho rằng “năm 2011 sẽ là một năm nhiều khó khăn và nhiều diễn biến phức tạp, chứ không phải là một năm tăng trưởng dễ dàng.” 
Cùng bày tỏ mối quan ngại đó, nhiều chuyên gia quốc tế đã lên tiếng cảnh báo nền kinh tế Việt Nam sẽ bị đe doạ nếu chính quyền không kiềm chế nổi tình trạng lạm phát và phá giá đồng bạc. Theo nhận định chung của các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng rất lớn để thu hút đầu tư quốc tế và đã được coi là một con hổ của Á Châu về phát triển kinh tế từ đầu thập niên 1990 khi quyết định từ bỏ nền kinh tế tập trung để chuyển sang kinh tế thị trường. Nhưng từ đó tới nay, hai thập niên đã trôi qua và trên thực tế Việt Nam chỉ đạt được những bước lùi thảm hại.
Ba lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng này được viện dẫn là cơ sở hạ tầng quá bề bộn, trình độ lao động non yǪ u, tệ nạn quan liêu tham nhũng tràn lan và quan trọng hơn hết là việc tước đoạt quyền tự do tiếp nhận thông tin và tự do phát biểu của người dân.
Giám đốc chi nhánh Việt Nam của Ngân Hàng Thế Giới, bà Victoria Kwakwa, phát biểu rằng “chính quyền Việt Nam thay vì dồn nỗ lực cho vấn đề ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô lại chỉ tập trung vào việc khống chế truyền thông và các mảng khác của xã hội mang tính ngăn cản công cuộc phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam.”
Trong khi đó, đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam đặt thẳng vấn đề về hậu quả khốc hại của tệ nạn tham nhũng và tình trạng thiếu minh bạch của chính quyền Hà Nội trong mọi chủ trương, chính sách. Chống tham nhũng và nâng cao tính minh bạch là hai chủ đề đã được mang ra bàn thảo tại Hội Nghị Các Nước Cấp Viện Cho Việt Nam và theo đại sứ Staffan Herrstrom, đây là những vấn đề gắn bó mật thiết với yêu cầu ổn định và phát triển kinh tế Việt Nam cho nên “tham nhũng vẫn là thách thức lớn đối với xã hội và chính quyền tại Việt Nam.”
Đề cập tới những nỗ lực yểm trợ của Thụy Điển dành cho Việt Nam từ nhiều năm qua, đại sứ Staffan Herrstrom nhấn mạnh: “Quan niệm của Thụy Điển là tất cả nguồn lực, từ tiền thuế trong nước đến viện trợ nước ngoài, cần phải được quản lý một cách có trách nhiệm. Người dân có quyền kiểm soát hoạt động của người có chức quyền. Các tổ chức trong nước như báo chí, kiểm toán, xã hội dân sự phải được phép đặt câu hỏi tiền của quốc gia được quản lý như thế nào… Cơ chế này, nếu được làm tốt, sẽ giúp giảm tham nhũng đáng kể, trợ giúp người nghèo tốt hơn.”
Cũng tại Hội Nghị Các Nước Cấp Viện Cho Việt Nam, đại sứ Thụy Sĩ Jean-Hubert Lebet thay mặt cho 3 quốc gia Canada, Na Uy, New Zealand đã bày tỏ mối quan ngại về mức đói nghèo đang thực sự lan rộng ở nhiều vùng sâu, vùng xa tại Việt Nam trong khi hành động trấn áp những người dị kiến và các blogger được chính quyền đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Đại sứ Jean-Hubert Lebet cho biết rất bất bình về tình trạng bắt giữ giam cầm những người đòi hỏi hoặc biểu hiện quyền tự do chính đáng và cảnh báo rằng những hành vi này “chỉ ngăn cản việc phát triển kinh tế và ổn định xã hội tại Việt Nam.”
Như thế, vào lúc các lãnh tụ Cộng Sản Hà Nội quay cuồng giữa cơn lốc tranh giành địa vị và quyền lực, các chuyên gia quốc tế về nhiều lãnh vực gần như đồng loạt lên tiếng cảnh báo về thực trạng với viễn ảnh u ám trong đời sống Việt Nam. 
Từ đây, thắc mắc về phe nhóm nào sẽ giành ưu thế trong việc tranh đoạt quyền lực không còn đáng kể trước một thắc mắc khác là những lời bày tỏ các mối quan ngại nêu trên sẽ được tiếp nhận ra sao bởi những kẻ sẽ nắm giữ guồng máy lãnh đạo chế độ Hà Nội trong những ngày sắp tới?
Xin kính chào tạm biệt quý thính giả.
******************************
n/a