Bình Luận: Việt Nam, Thực Tế & Chọn Lựa

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

Uyên Thao

Vào thời điểm này, không còn ai ngạc nhiên trước sự khẳng định Hoa Kỳ đang củng cố và khai triển ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á. Bởi vấn đề đã vượt khỏi giới hạn lời lẽ ngoại giao và được chứng minh bằng nhiều hành động cụ thể. Trên thực tế, tin tức báo chí đã ghi nhận quyết định mở cửa cảng Cam Ranh của Việt Nam như bước đi chiến lược đầu tiên chuẩn bị tiếp nhận các chiến hạm Hoa Kỳ. Khi loan báo quyết định mở cửa cảng Cam Ranh, các giới chức Hà Nội đều nhấn mạnh chủ trương biến Cam Ranh thành cơ sở dịch vụ tổng hợp nhắm giúp tàu bè quốc tế có nơi sửa chữa. Nhưng nhật báo South China Morning Post tại Hong Kông đã nhận định như sau: “Hoa Kỳ và các cường quốc khu vực khác vốn là khắc tinh của Trung Quốc sẽ là những khách thường xuyên tại Cam Ranh.” Bởi việc sửa chữa chỉ là cái cớ để chiến hạm Hoa Kỳ có mặt tại Cam Ranh và thường xuyên lui tới Biển Đông để biến thành một trở lực ngăn cản hải quân Trung Quốc tự tung tự tác.
Tất nhiên để đạt chủ trương thiết lập và bành trướng ảnh hưởng, Hoa Kỳ không thể chỉ nhắm riêng mục tiêu đưa chiến hạm lui tới Cam Ranh. Tuần lễ vừa qua, cựu tổng thống Bill Clinton trong dịp viếng Việt Nam đã nói rõ rằng Hoa Kỳ luôn muốn phát triển quan hệ với Việt Nam, chia xẻ những lo lắng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc nên rất quan tâm thúc đẩy vấn đề “hợp tác an ninh” để tạo mối tương quan đối tác bền vững giữa hai nước. Nói cách khác, đối sách ngoại giao của Bạch Ốc đang tạo cơ hội thuận lợi đặc biệt cho Việt Nam trở thành đồng minh của Hoa Kỳ. 
Câu hỏi được đặt ra là Việt Nam chọn lựa ra sao trước cơ hội này?
Theo báo New York Magazine, Việt Nam có vẻ vẫn lúng túng về câu trả lời, dù lý do thúc đẩy nghiêng về phía Hoa Kỳ hiện rất rõ ràng đối với Việt Nam cả về kinh tế lẫn chính trị và ngoại giao.
Về kinh tế, Việt Nam đang ở tình thế thúc bách nóng hổi phải nỗ lực ổn định mà điều kiện tối yếu là vốn liếng đầu tư và thị trường chỉ có Hoa Kỳ là đối tác hứa hẹn đáp ứng tốt nhất. Về chính trị và ngoại giao, Việt Nam đang lâm cảnh bị Bắc Kinh bao vây lấn ép đẩy tới viễn tượng một thuộc quốc bị khống chế như nhiều nhân vật Trung Quốc vẫn rêu rao, cụ thể mới đây Vương Hàn Lĩnh, một học giả thuộc Học Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc đã ngang nhiên khẳng định Việt Nam vốân là thuộc quốc của Trung Quốc nên không thể có chủ quyền lãnh thổ riêng trên Biển Đông. Như vậy, thực sự trở thành đồng minh của Hoa Kỳ là yêu cầu hết sức cấp thiết với Việt Nam.
Vì trong thế đứng đó, Việt Nam không những hứa hẹn đi tới ổn định về phát triển kinh tế mà còn có sự yểm trợ thích đáng để không cho phép Trung Quốc ỷ mạnh lấn ép trong cuộc tranh chấp về chủ quyền lãnh hải như hiện nay.
Nhưng Việt Nam chưa thoát khỏi vòng lúng túng vì một điểm tế nhị trong đối sách quốc tế của Hoa Kỳ. Theo báo New York Magazine, chính quyền Obama có vẻ sẵn sàng hợp tác với nhiều quốc gia chuyên chế ở Á Châu, nhưng lại có thái độ hơi khác đối với Việt Nam. Tờ The Atlantic chia xẻ nhận định trên với lý do Hoa Kỳ đã có ở khu vực Đông Nam Á nhiều đối tác để chọn lựa chứ không chỉ riêng Việt Nam. Chính thực tế này khiến sự việc đang diễn biến ở Việt Nam qua các vụ triệt hạ người bất đồng chính kiến, bỏ tù các nông dân phản đối nạn “cướp đất” ở đồng bằng Cửu Long cùng hành vi trấn áp tín đồ các tôn giáo… là một vấn nạn mà Hoa Kỳ không thể bỏ qua. Trong thế cờ quốc tế, Hoa Kỳ buộc phải tạm thời “mềm dẻo” với một số quốc gia chuyên chế nhưng truyền thống tôn trọng tự do vẫn là chỉ tiêu của chính giới Hoa Kỳ. Vì thế, Bạch Ốc vẫn gửi đến chính quyền Hà Nội bản thông điệp nhấn mạnh tới việc “phải tôn trọng mọi quyền tự do căn bản của công dân” mà vấn đề này lại đang là tử huyệt của tập thể đương quyền tại Hà Nội.
Vào thời điểm hiện nay, không chỉ những tiếng nói cất lên từ mọi giới quần chúng mà ngay từ nhiều nhân vật từng ở trong hàng ngũ Cộng Đảng Việt Nam đều nhấn mạnh cần thiết phải đoạn tuyệt với chủ nghĩa Cộng Sản. Đầu tháng 10 vừa qua, trong dịp hội thảo về “Báo Cáo Chính Trị, Cương Lĩnh Và Chiến Lược” của đảng Cộng Sản, gần như hết thẩy hội thảo viên đều nêu bật hai điều đã khiến tập thể đương quyền bị dồn vào cảnh ngồi trên lò lửa.
Điểm thứ nhất là khẳng định việc “kiên định theo chủ nghĩa Mác - Lênin” là sai lầm nguy hiểm vì Mác mắc nhiều sai lầm cơ bản như cổ súy đấu tranh giai cấp, tiêu diệt sở hữu cá nhân, thổi phồng cực đoan sở hữu Nhà Nước là những sai lầm đã tàn phá nền kinh tế và đời sống các nước Xã Hội Chủ Nghĩa trong đó có Việt Nam.
Điểm thứ hai là “mục tiêu xây dựng một xã hội Dân Chủ, Bình Đẳng, Hiện Đại, Văn Minh” như chính quyền Hà Nội tuyên truyền chỉ là nói suông, là bánh vẽ, nhằm lừa dối nhân dân và tự lừa dối mình vì không có biện pháp thực hiện. Theo các hội thảo viên, vấn đề chính trị lớn nhất, cơ bản và cấp bách nhất tại Việt Nam là thay đổi cơ chế lãnh đạo, vì tổ chức hệ thống cầm quyền hiện nay không hợp lý, không hợp pháp, việc gì cũng phải chờ quyết định của “Thường Vụ Bộ Chính Trị”, trong khi cơ cấu này chỉ gồm những kẻ tham quyền vị, thiếu hiểu biết, không do dân cử, không có quyền gì theo Hiến Pháp hay Pháp Luật.
Như thế, nghiêng theo Hoa Kỳ hầu có một đồng minh vững mạnh cũng đồng nghĩa với việc tự từ bỏ quyền lực của tập thể đương quyền theo đòi hỏi của mọi giới quần chúng ở trong nước. Từ đây, thái độ lúng túng đã có và câu trả lời về chọn lựa thế đứng của Việt Nam vẫn chưa thoát vòng chờ đợi.
 Xin kính chào tạm biệt quý thính giả.
******************************