Bình Luận: Việt Nam từ Vận Hội Mới đến Khả Năng Thich Ứng

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Thưa quý thính giả,
Thắc mắc về tác động của tình hình Trung Đông với đối sách Á Châu của Hoa Kỳ có vẻ như đã nhận được lời giải đáp. Giữa lúc các cuộc biểu tình tại thủ đô Ai Cập bước qua tuần lễ thứ ba, Ngũ Giác Đài đã lên tiếng thông báo công khai về chiến lược quân sự mới của Hoa Kỳ. Văn bản dày 21 trang với tựa đề Sách Lược Quân Sự Toàn Quốc được công bố ngày thứ ba vừa qua nêu rõ rằng “thế giới ngày nay đề ra một bầu không khí an ninh biến chuyển nhanh chóng và đầy khó khăn, đòi hỏi tăng cường sự lãnh đạo từ phía quân đội Hoa Kỳ, một chính sách có liên quan đến sức mạnh dân sự và quân sự, cộng thêm quan hệ đối tác với các nước trên khắp mọi vùng.” Văn bản vạch ra vai trò của các quân binh chủng bộ binh, hải quân, không quân, thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trong thời gian tới với sự nhấn mạnh “phải điều lực lượng tới những nơi có nguy cơ.” Đây là văn bản sửa đổi văn bản công bố năm 2004 về sách lược quân sự của Hoa Kỳ và có hai điểm thay đổi rõ rệt.
Thay đổi thứ nhất trong sách lược quân sự Hoa Kỳ là không còn thu gọn vào mục tiêu cụ thể được ghi rõ bao gồm 3 nhiệm vụ là “bảo vệ đất nước, ngăn chặn các cuộc tấn công bất ngờ và đánh bại các thế lực thù địch” mà hướng tới mở rộng phạm vi hoạt động, tập trung vào các mối đe dọa đang ngày càng trở nên phổ biến ở mọi khu vực, đồng thời xử dụng các lực lượng và ưu tiên viện trợ cũng như đào tạo của quân đội nhằm đạt được những mục tiêu về an ninh.
Thay đổi thứ hai rõ rệt hơn là nhấn mạnh về mục tiêu tập trung vào Á Châu, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á. Văn bản cho biết Ngũ Giác Đài đặc biệt chú trọng vào Á Châu vì khu vực này “đang ngày càng mạnh lên và gây thêm nhiều quan ngại” do các mối đe doạ từ chủ nghĩa cực đoan nên Hoa Kỳ cần “tăng cường an ninh trong khu vực và trên quy mô quốc tế cũng như hình thành một lực lượng tương lai.”
Giải thích về những lời lẽ bao quát trên, các chuyên gia diễn tả rằng mục tiêu chủ yếu của Hoa Kỳ chính là tìm cách ngăn chặn làn sóng bành trướng ảnh hưởng Trung Quốc bằng sự kết hợp với các quốc gia trong vùng bao gồm cả việc đầu tư nguồn lực để giúp các quốc gia này vươn lên về mọi mặt hầu tạo thành một khối lực khả dĩ đối đầu nổi với sức mạnh của Bắc Kinh. Trên thực tế, Ngũ Giác Đài đã hơn một lần bày tỏ quan điểm về chủ trương của Trung Quốc qua các tuyên bố như “Hoa Kỳ quan ngại về quy mô và mục đích chiến lược của quá trình hiện đại hóa quân sự Trung Quốc, cũng như thái độ ngày càng mạnh bạo của nước này trong không gian, không gian ảo, tại Hoàng Hải, Đông Hải và Biển Đông” hoặc “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục theo dõi thận trọng sự phát triển quân sự của Trung Quốc cũng như tác động lên cán cân quân sự ở khu vực.” Nói cách khác, qua chiến lược quân sự vừa công bố, Hoa Kỳ đã công khai hoá mục tiêu nỗ lực đưa các quốc gia Đông Nam Á vào thế kết hợp thành một khối với Hoa Kỳ để chặn đứng ý đồ bành trướng của Bắc Kinh.
Quyết tâm của Hoa Kỳ không chỉ bày tỏ bằng lời nói mà được chứng minh bằng thực tế qua cuộc tập trận chung với nhiều quốc gia đang diễn ra tại Thái Lan. Cuộc tập trận khởi đầu từ ngày 7 vừa qua sẽ kéo dài tới ngày 18 tới đây với một lực lượng gồm 11 ngàn người trong đó có 7200 binh sĩ Hoa Kỳ bên cạnh binh sĩ các nước Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Nam Hàn, Nhật Bản. Cuộc tập trận này khởi sự có từ năm 1982 giữa Hoa Kỳ và Thái Lan với tên Hổ Mang Vàng -- Gold Cobra đã theo thời gian cuốn hút thêm nhiều quốc gia tham gia. Riêng Việt Nam chỉ cử đại diện tới quan sát từ năm 2003 nhưng năm nay đã cử người tham gia tập trận với con số tượng trưng là 3 người tương tự 9 quốc gia khác là Australia, Canada, Pháp, Ý, Anh, Nepal Bangladesh, Campuchia, và Philippines. Sự kiện trên không những nêu rõ quyết tâm của Hoa Kỳ tại vùng Đông Nan Á mà còn cho thấy không ít quốc gia trên thế giới đã cùng chia xẻ mối ưu tư của Nhà Trắng.
Đối chiếu với tình hình đang diễn ra tại Ai Cập và Trung Đông, sự kiện có thể coi như báo hiệu về một vận hội mới cho những người đang theo đuổi nguyện vọng dân chủ tự do. Cho tới nay thực tế cho thấy mối lo ngại về các hiểm hoạ tinh thần cực đoan đã khiến Hoa Kỳ và cả khối Âu Châu phải dựa vào các chính quyền độc tài tại Trung Đông để ngăn chống mọi nguy cơ. Nhưng lúc này, Hoa Kỳ và cả khối Âu Châu gần như đều thấy cần yểm trợ cho tiếng nói phát sinh từ nguyện vọng dân chủ tự do, không còn nghĩ tới việc bảo vệ các đồng minh cố hữu nữa. Qua thực tế, Hoa Kỳ rõ ràng đã sẵn sàng chấp nhận một cuộc thay đổi trên toàn bộ vùng Trung Đông, không đặt nặng vai trò của các tập thể đương quyền đã mất tín nhiệm của quần chúng. Theo một số quan sát viên, biến động hiện nay tại Trung Đông không do tinh thần tín ngưỡng cực đoan thúc đẩy mà khởi từ ý hướng tranh thủ cuộc sống đích thực của người dân. Chính vì thế, Hoa Kỳ và khối Tây Âu đã công khai kêu gọi tổng thống Ai Cập rời bỏ quyền hành và tỏ ra không lưu tâm nhiều tới hậu quả tương lai để tập trung nỗ lực cho các dự tính đã có.
Từ đây, các quốc gia Đông Nam Á đang đứng trước một cơ may trước hai mục tiêu là nhận sự hỗ trợ tích cực để phát triển đồng thời giảm nhẹ hiểm hoạ lấn áp nặng nề của Trung Quốc. Tuy nhiên, cơ may này có vẻ chưa hề được nhận thức hoặc chưa thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Quốc, ít nhất là đối với Campuchia và Việt Nam. Trong khi Campuchia đẩy Thái Lan vào thế phải đưa quân đội qua biên giới và đặt toàn khối ASEAN vào thế tự đối đầu căng thẳng, thì Đảng Cộng Sản Việt Nam tiếp tục dồn quyền lực vào tay các nhân vật bảo thủ và trung thành với chế độ Bắc Kinh. Tin mới nhất từ Hà Nội vừa cho biết Tô Huy Rứa và Đinh Thế Huynh vừa được cử lãnh hai nhiệm vụ trọng yếu trong guồng máy lãnh đạo và cả hai nhân vật này đều là người tận trung với chủ nghĩa cực quyền Cộng Sản và chế độ Bắc Kinh.
Khả năng thích nghi với vận hội mới mà nhiều người trông chờ chưa thấy có báo hiệu nào tại Hà Nội ngay cả khi Hà Nội đã thấy cần phải cử người tham dự cuộc tập trận chung Hổ Mang Vàng. Cho tới nay, điều duy nhất có thể nói là vận hội mới chỉ đến nổi với Việt Nam khi chính người dân thấy rõ cần phải đứng lên tự cứu mình như dân chúng Tunisia và Ai Cập.[]
Uyên Thao