Bình Luận: Việt Nam, Sức Ép & Độ Nóng

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
 Uyên Thao
 
Những ngày cuối tháng 10 đã trở thành khoảng thời gian không bình lặng của Việt Nam. Trong lúc Hà Nội bận rộn trong hồi hộp với việc khai diễn Hội Nghị Cao Cấp Đông Á EAS thì một loạt sự việc ngầm chứa nhiều ý nghĩa đáng kể xẩy ra gần như trên khắp các vùng đất nước.
Chỉ trong vòng mười ngày ngắn ngủi, hai phiên toà đã được tổ chức để trấn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến và phản kháng hành động bất công khởi từ các cơ quan công quyền. Tại Trà Vinh, ba người trẻ tham gia hoạt động giúp đỡ dân oan khiếu kiện và bênh vực quyền lợi của người lao động đã bị bắt giữ và đưa ra xét xử với tội danh “phá rối an ninh trật tự, chống lại chính quyền nhân dân.” Đồng thời tại Đà Nẵng, 6 người dân phản đối việc chính quyền ngăn cản không cho chôn cất một cụ già từ trần trong khu nghĩa trang Cồn Dầu cũng bị đưa ra xét xử với tội danh tương tự.
Sự việc không ngừng tại đó, vì cùng trong thời gian ngắn ngủi trên đã có ít nhất 2 người bị bắùt giữ do phổ biến trên Internet các ý kiến chống đối hành vi lấn áp của Trung Quốc tại Biển Đông và các tin tức liên hệ tới hành vi bất chính của một số giới chức cao cấp. Những người này đều bị bắt giữ với tội danh chống phá cách mạng, chống phá nhà nước. Một sự việc đáng kể khác là quyết định tiếp tục giam giữ một tù nhân sau khi mãn án. Tù nhân này là blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bị bắt ngày 19 tháng 4 năm 2008 và bị kết án 30 tháng tù với tội danh ghép buộc là trốn thuế. Trên thực tế, Nguyễn Văn Hải bị bắt vì tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc cướp đoạt Hoàng Sa, Trường Sa và hô hào cản phá cuộc rước đuốc Olympic của Trung Quốc qua thành phố Sài Gòn vào thời gian đó. Hành vi trấn áp và cung cách dối trá trắng trợn của chính quyền Hà Nội không thuyết phục nổi dư luận, nhưng blogger Điếu Cày vẫn bị tống giam theo bản án được ấn định mãn hạn ngày 19 tháng 10 vừa qua. Đúng ngày nói trên, nạn nhân vẫn tiếp tục bị giam giữ do chính quyền lập luận còn phải chờ xét xử về tội chống phá chính quyền mà đương sự đã phạm từ ba năm trước. 
Chủ trương và hành động của chính quyền Hà Nội đã phản ảnh một thực tế hiển nhiên là tập thể đương quyền chỉ mạo danh pháp luật và xử dụng lời lẽ vu cáo để bạo hành đối với dân chúng trong ý đồ ngăn chặn mọi phản ứng bất lợi cho bản thân. Chủ trương và hành động loại này được dồn dập thi thố cũng cho thấy mức gia tăng độ nóng phân ly giữa dân chúng với tập thể đương quyền. Hơn bất kỳ ai, tập thể đương quyền Hà Nội đã thấy thái độ đối kháng đang dâng cao của dân chúng và để đối phó đã gia tăng sức ép bạo lực bằng các hành vi trấn áp với hy vọng dập tắt nguy cơ bị sụp đổ. Với lực lượng công an vô cảm tàn độc, tập thể đương quyền có thể nghĩ sẽ thu đoạt ý muốn bằng cách gieo rắc tai hoạ lên đầu người dân để tạo một tình trạng tê bại do kinh hoàng với những người thấp cổ bé miệng chỉ có hai bàn tay trắng.
Ý nghĩ này đang được chứng minh là không có vẻ gắn liền với thực tế.
Trước hết, sự trắng trợn xuyên tạc và mạo danh pháp luật của chế độ Hà Nội đã gây phẫn nộ trong dư luận quốc tế. Mấy ngày qua, gần như từ khắp nơi đều dấy lên những tiếng nói chỉ trích nặng nề cung cách hành xử của tập thể đương quyền Hà Nội đối với dân chúng. Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF đã kết án nặng nề hành vi của chính quyền Hà Nội và đòi trả tự do tức khắc cho những người đang bị giam giữ. Đồng thời, Uỷ Ban Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế USCIRF đã đặt ngoại trưởng Clinton trước một đòi hỏi cụ thể khi bà tới Hà Nội dự Hội Nghị Cao Cấp Đông Á EAS là “công khai lên án việc các cộng đồng tôn giáo Việt Nam tiếp tục bị đối mặt với bạo động và đối xử thô bạo.” Chủ tịch của Uỷ Ban này nói rõ là “Chính quyền Việt Nam dùng hù dọa, bạo hành để buộc giáo dân Cồn Dầu bán tài sản và công an đã tra tấn những người bị giam khiến 1 người dân Cồn Dầu thiệt mạng.” Vì thế, dù nhận định Hoa Kỳ đang có phần nương nhẹ với chế độ Hà Nội nhưng vẫn có dự đoán là rất có thểû Hoa Kỳ khó tránh gia tăng áp lực bằng cách đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt.
Quan trọng hơn là tổ chức Human Rights Watch đã gửi thỉnh nguyện thư cho Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc yêu cầu chính thức đặt vấn đề nhân quyền tại Việt Nam khi nhân vật này tới dự Hội Nghị Cao Cấp Đông Á tại Hà Nội vào ngày 28 tháng 10. Thư thỉnh nguyện của Human Rights Watch viết: “Chúng tôi đề nghị ông Tổng Thư Ký bày tỏ quan ngại về những trường hợp bị bắt bớ vì bất đồng chính kiến tại Việt Nam. Chúng tôi thấy chính quyền Hà Nội đang liên tục tăng cường chiến dịch đàn áp quyền tự do bày tỏ quan điểm qua việc sách nhiễu và bắt bớ những ngòi bút ôn hòa, các nhà hoạt động dân chủ, và những người bảo vệ nhân quyền.”
Tuy nhiên, quan trọng hơn nữa là những sự kiện xuất phát từ chính dân chúng Việt Nam. Trong những ngày qua, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chính thức lên tiếùng về vụ đàn áp giáo dân Cồn Dầu trong khi giáo dân giáo xứ Thái Hà Hà Nội và Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn đã quy tụ hàng ngàn người để cầu nguyện cho đồng đạo tại Cồn Dầu. Mặt khác, hàng loạt blogger đã quyết định chọn ngày 19 tháng 10 tức ngày mãn hạn tù của blogger Điếu Cày làm ngày blogger Việt Nam trong ý hướng bày tỏ thái độ quyết liệt không lùi bước trước bạo lực.
Chính quyền Hà Nội gia tăng trấn áp để dập tắt tiếng nói chống đối từ dân chúng, nhưng ngay lúc này, tiếng nói chống đối lại gia tăng độ nóng. Nguyện vọng sống chính đáng có vẻ đang biểu dương sức mạnh thực sự bất chấp mọi thử thách.
Xin kính chào tạm biệt quý thính giả.
******************************
n/a