Bình Luận: Thực Tế và Hiệu Báo Việt Nam Tuần Qua

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
 Uyên Thao
 
 
Thưa quý thính giả,
Ghi nhận về diễn biến thời sự tuần qua tại Việt Nam cho thấy có khá nhiều sự kiện không thể không lưu ý. Tin tức về việc chính quyền đưa quân đội đàn áp dân chúng Mường Nhé tiếp tục được loan tải cho biết đã có nhiều nạn nhân bị bắn giết và hàng trăm người H’Mong hiện đang phải bỏ nhà trốn vào rừng. Chính quyền Hà Nội bác bỏ các nguồn tin này nhưng vẫn ngăn chặn các nhà báo ngoại quốc không cho tới quan sát sự việc tại chỗ. Nguồn tin mới nhất cho biết ngày 24 vừa qua, bộ ngoại giao Hà Nội thông báo sẽ tổ chức một chuyến viếng thăm vùng Mường Nhé cho các phóng viên báo chí quốc tế, nhưng mọi chi tiết không được cho biết ra sao. Theo nhiều người thì một chuyến đi ngắn hạn do chính quyền tổ chức sẽ không giúp ích gì cho việc tìm hiểu thực tế.
Trong khi đó, các nguồn tin chính quyền đều xác nhận tại Mường Nhé “đã có một số phần tử nhẹ dạ, bị dụ dỗ, lường gạt nên có có hành động vi phạm pháp luật và sẽ bị đem ra xét xử.” Ngoài ra, theo các hãng thông tấn DPA và AFP thì ngày 30 sắp tới, 7 người bị bắt giữ từ mùa hè 2010 do lên tiếng bênh vực các dân oan đi khiếu nại bị chiếm đoạt đất đai tài sản sẽ phải ra trước toà. Chính quyền Hà Nội đã ghép cho những người này tội danh “âm mưu lật đổ nhà nước vi phạm điều 79, Bộ luật Hình sự Việt Nam, và liên hệ với tổ chức phản động ở hải ngoại.” Theo các tổ chức nhân quyền thế giới, người dân Việt Nam đang ở trong tình trạng bị đàn áp cướp đoạt mọi quyền sống căn bản bởi một tập thể đương quyền luôn vận dụng bạo lực để củng cố địa vị, đồng thời không ngừng dùng lời lẽ xảo trá để lường gạt dư luận.
Cùng với tin tức về tình trạng nhân quyền bị khống chế là tin tức cho biết chính quyền Hà Nội vẫn tiếp tục bỏ rơi hàng triệu ngư dân dọc miền duyên hải Việt Nam. Cụ thể là vào ngày 15 vừa qua, hai tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động trong vùng biển Trường Sa bị chặn bắt, tịch thu hết hải sản đồng thời 2 ngư dân đã bị bắn trọng thương. Các giới chức địa phương loan báo tin trên đều nói một cách mơ hồ “có thể là do tàu Trung Quốc” trong khi chính quyền Hà Nội hoàn toàn im tiếng. Điều được ghi nhận là sự việc xảy ra đúng vào thời điểm Trung Quốc ra lệnh cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên Biển Đông.
Vươn lên khỏi những diễn biến hầu như đã trở thành bình thường đó tại Việt Nam là ghi nhận về một diễn biến đặc biệt mang nặng tính chính trị vẫn được theo dõi từ nhiều ngày qua. Đó là cuộc bầu cử đại biểu Quốc Hội khoá 13 mà chính quyền Hà Nội đã mô tả là “ngày hội lớn của toàn dân Việt Nam.”
Cho đến nay, hết thẩy các quan sát viên quốc tế về tình hình Việt Nam đều cho rằng nguyên do chủ yếu cản trở các nỗ lực xây dựng và phát triển xã hội Việt Nam nói chung là do hệ thống chính trị lỗi thời với hai tệ nạn lạm quyền và tham nhũng. Hai tệ nạn đó cũng được xác định chính là hệ quả tất yếu của mọi kiểu mẫu chế độ độc tài độc đoán đi ngược chiều với diễn trình tiến hoá chung của cuộc sống.
Nói cách khác, chủ trương theo đuổi lý tưởng Cộng Sản đã trở thành nguyên do chủ yếu đưa đất nước Việt Nam vào đoạn đường tràn ngập chông gai. Đây không chỉ là quan điểm riêng của những người thuộc trận tuyến chống Cộng Sản mà đã được không ít người từng đặt trọn niềm tin ở chủ nghĩa Cộng Sản nhìn nhận. Ngay tại Việt Nam, trong thời qua, không ít viên chức lãnh đạo ở đủ mọi ngành nghề đã phát biểu về tầm cần thiết của việc xét lại hậu quả hệ thống chính trị độc đảng độc quyền. Qua các kiến nghị do nhiều người ký tên chung cũng như qua các thư ngỏ phổ biến trên các phương tiện truyền thông, thậm chí ngay tại diễn đàn Quốc Hội đã có những ý kiến phát biểu đòi hỏi tiến tới hệ thống đa nguyên đa đảng tôn trọng quyền tự do tối thiểu của công dân. Sự trạng này đã khơi dậy hy vọng là sẽ có một bước tiến trong kỳ bầu cử Quốc Hội lần thứ 13 để Việt Nam có thể có một Quốc Hội tương đối xứng danh là cơ quan đại diện của người dân, thay vì chỉ là một công cụ của đảng đương quyền. Các guồng máy tuyên truyền của đảng Cộng Sản và chính quyền Việt Nam cũng không ngừng cổ võ cho tính chất tự do của cuộc bầu cử lần này và còn biểu dương cuộc bầu cử sẽ biểu hiện cụ thể tinh thần dân chủ mà mọi người đang trông đợi.
Cuối cùng, hệ thống truyền thông của chính quyền đã loan báo đặc điểm chỉ tỏ thành công của cuộc bầu phiếu là tỉ lệ cử tri đi bầu đông đảo trên khắp nước. Những con số được đưa ra là tại Hà Nội tính đến 6 giờ 30 chiều chủ nhật 22 tháng 5 đã có 98,23 phần trăm cử tri đi bầu trong khi tại Sài Gòn là 99,81 phần trăm.Tỉ lệ còn cao hơn nữa tức là 99,9 phần thăm hoặc 100 phần trăm tại các tỉnh thành trên khắp nước.
Nhưng qua các trang mạng ngoài hệ thống chính quyền thì hầu hết cử tri khi phát biểu đều không tin tưởng sẽ có một chuyển dịch gì về chính trị sau cuộc bầu cử. Vì con số cử tri đi bỏ phiếu bầu cao đã được phát hiện có không ít cử tri cầm theo 7, 8 thẻ cử tri để bầu thay cho người khác và đặc biệt là tại các phòng phiếu, cử tri còn bị các nhân viên nhắc nhở nên bỏ phiếu cho ai, nên xoá tên người nào. Hơn nữa trong tổng số 827 ứng viên tranh 500 ghế đại biểu đã có 812 ứng viên được đảng tuyển chọn tức là không có gì khác biệt so với những cuộc bầu cử trước đây. Ngoài ra, cũng không thể không nhắc tới một văn bản mà đài BBC đã có và phổ biến, trong đó nhắc nhở sinh viên và giáo sư các trường đại học phải tuyệt đối bỏ phiếu cho những ứng viên được đảng Cộng Sản xếp vào hạng “quán triệt trúng cử.”
Cho nên, theo dư luận chung thì danh sách ứng viên trúng cử sẽ được công bố vào ngày 29 ttháng 5 sau một tuần lễ kiểm phiếu, nhưng trên thực tế danh sách đã có sẵn từ lâu và kiểm phiếu chỉ là việc làm theo hình thức mà thôi.
Cũng chính vì thế mà trước ngày diễn ra cuộc bầu phiếu đã có một nhân vật tuyên bố tẩy chay đi bầu với lời phát biểu “Đảng Cộng sản Việt Nam gọi ngày 22 tháng 5 là ngày hội của toàn dân, thực chất đó là ngày “ô nhục” của đất nước. Vì đây là cuộc bầu cử giả hiệu, chỉ tạo ra một quốc hội gồm những “tôi trung của đảng”, đa số các ứng cử viên đều là đảng viên... Nói tóm lại, cuộc bầu cử này vừa mang tính cưỡng bức, vừa mang tính giả tạo…”
Dù nhìn theo cách nào thì thực tế lại thêm một lần cho thấy niềm hy vọng có chuyển đổi về chính trị do ý thức tự giác của tập thể đương quyền chỉ là một hy vọng hão huyền. Với mọi người dân Việt Nam hiện nay, nguyện vọng tự do dân chủ và cuộc sống an lành chỉ có thể trở thành hiện thực khi hết thẩy đứng lên dứt khoát xoá bỏ sự hiện diện trong vị thế lãnh đạo của tập thể đương quyền.
Xin tạm biệt quí thính giả.
************************************
n/a