BÌNH LUẬN: THỰC TẾ VÀ HIỆU BÁO TỪ TRUNG ĐÔNG QUA VIỆT NAM

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Thưa quý thính giả,
Hai sự việc vừa xảy ra trong tuần qua đã khiến nhiều người nghĩ rằng tình hình rối loạn ở Bắc Phi và Trung Đông đang có báo hiệu đi tới hồi kết thúc, ít nhất thì cũng có thể chấm dứt cuộc chiến tại Libya.
Trước hết, Nga không còn giữ vị thế bên lề với những lời tuyên bố chỉ nhắm cản trở mọi mưu tính của các quốc gia NATO. Ngày 17 vừa qua, tại Mạc Tư Khoa đã có cuộc gặp gỡ chính thức giữa ngoại trưởng Nga và các đại diện chính quyền Gaddafi.
Vào dịp này, Nga đã trực tiếp yêu cầu lực lượng Gaddafi chấm dứt tấn công các vùng đất đang do lực lượng nổi dậy chiếm giữ và xem xét kế hoạch hoà bình do Liên Hiệp Phi Châu đưa ra trước đây. Theo ngoại trưởng Nga tiết lộ với báo giới, Libya tỏ ra sẵn sàng chấp thuận kế hoạch này chỉ với điều kiện duy nhất là NATO chấm dứt các hành động oanh kích.
Trên thực tế, Libya vẫn tuyên bố không bác bỏ kế hoạch hoà bình do Liên Hiệp Phi Châu đưa ra nhưng ngược lại cũng khẳng định không có vấn đề Gaddafi từ bỏ quyền lực. Cũng trên thực tế, Nga vẫn nhìn nhận chính quyền Gaddafi là đại diện hợp pháp của Libya và chỉ đưa ra lời nhắc mơ hồ là Libya cần tuân hành nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, việc Gaddafi từ bỏ quyền lực không chỉ là đòi hỏi của các quốc gia NATO mà đã nằm trong quan điểm của Liên Hiệp Quốc từ trước khi có nghị quyết 1973.
Khi chính thức yêu cầu Libya tuân hành nghị quyết Liên Hiệp Quốc, Nga có vẻ đã đổi thái độ với Gaddafi và như thế hy vọng tìm hỗ trợ từ phía Nga của nhà lãnh tụ độc tài này đã trở nên heo hút. Trong tình thế này, thái độ khăng khăng bác bỏ mọi đòi hỏi từ bỏ quyền lực của Gaddafi có thể sẽ phải thay đổi. 
Sự việc thứ hai xẩy ra trong cùng thời gian là quyết định của Toà Án Hình Sự Quốc Tế ICC đối với Gaddafi cùng người con trai và người em rể của ông ta. Theo ICC, Gaddafi cùng hai người kể trên chính là các thủ phạm chủ yếu đã phạm các tội ác giết hại thường dân Libya suốt thời gian qua. Vì thế, các thẩm phán ICC đang chuẩn bị cho kế hoạch ra lệnh bắt giữ 3 tội phạm này để đưa ra xét xử. 
Vị trưởng công tố ICC cho biết kết luận về tội trạng của các thủ phạm dựa trên sự xem xét hơn 1200 tài liệu cùng hơn 50 cuộc phỏng vấn các nhân chứng và nhấn mạnh ICC đã hành động theo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Dù Libya tuyên bố không lưu tâm tới quyết định của ICC, nhưng đây vẫn là ngọn đòn hết sức nặng nề đối với mọi hy vọng về tương lai sự nghiệp của Gaddafi. Bởi nhìn theo cách nào thì quyết định hoàn toàn phi chính trị vì chỉ mang tính pháp lý này đã đặt Gaddafi vào vị thế một tội phạm.
Điều này không chỉ củng cố cho lập trường của NATO đòi loại bỏ Gaddafi mà chắc chắn sẽ tác động tới tinh thần của chính những phần tử thân cận đang ở ngay bên cạnh Gaddafi cho tới lúc này.  
Cho nên theo nhiều chuyên gia, cuộc nổi dậy tại Libya đang có báo hiệu tiến tới hồi kết thúc mà trở ngại cuối cùng có vẻ chỉ còn xoay quanh cách sắp đặt cho số phận của Gaddafi cùng những người thân thuộc của ông ta. Một trở ngại được coi là mang không ít tính hài hước khi đối chiếu với những tai họa mà người dân Libya phải gánh chịu nhưng lại là thực tế phổ biến của chính trường.
Trong khi đó, nhìn về Việt Nam trong tuần qua, các chuyên gia cũng ghi nhận có vài dấu hiệu chuyển biến trong thái độ quanh vấn đề Biển Đông. Bản tin của hãng thông tấn DPA từ Hà Nội cho biết so với các năm qua, Việt Nam đã có vài động thái tương đối khác đối với các hành động đã trở thành quen thuộc của Trung Quốc.
Bước vào tháng 5, như cựu lệ, Trung Quốc ban lệnh cấm ngư dân đánh bắt cá trên Biển Đông từ ngày 16 tháng 5 tới ngày 1 tháng 8, đồng thời điều động tàu ngư chính Lôi Châu mở cuộc tuần tra quanh quần đảo Hoàng Sa từ ngày 5 tới ngày 25 tháng 5. Lời lẽ và hành động của Trung Quốc nhắm bày tỏ và củng cố quan điểm Biển Đông là sở hữu của Trung Quốc.
Vào những năm trước, phản ứng của Việt Nam là đại diện Bộ Ngoại Giao họp báo đưa ra bản tuyên bố xác nhận chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ngoài bản tuyên bố này, Việt Nam không có một động thái nào khác kể cả khi ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ tịch thu tàu bè, bắt nạp tiền phạt mới được thả về. Khi các sự việc đó xảy ra, báo chí Việt Nam thường không được loan tin và trong trường hợp loan tin lại tuyệt đối cấm nhắc đến Trung Quốc khi mô tả kẻ chủ động gây ra các sự việc.    
Sự khác lạ được các hãng tin ghi nhận là tuần qua, Việt Nam đã nêu rõ tên tàu tuần tra Lôi Châu của Trung Quốc và cử đại diện ngoại giao tới sứ quán Trung Quốc để phản đối việc vi phạm chủ quyền và lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam.
Cùng với động thái đó, khi đề cập tới việc Trung Quốc cấm ngư dân đánh cá tại Biển Đông, đại diện bộ ngoại giao Việt Nam cũng đưa ra lời tuyên bố không chỉ ngắn gọn trong mấy câu xác nhận chủ quyền như các năm trước. Lời tuyên bố của đại diện bộ ngoại giao Việt Nam đã đi xa hơn là nhắc tới các quy chế ứng xử tại Biển Đông đồng thời cảnh báo hành vi của Trung Quốc đang khiến cho tình hình trên biển thêm phức tạp. Điểm khác lạ hơn hết là bên cạnh sự lên tiếng của đại diện bộ ngoại giao đã có sự lên tiếng của chủ tịch Hội Nghề Cá Việt Nam với lời lẽ khẳng định sẽ tiếp tục hành nghề, bất chấp lệnh cấm của Trung Quốc.  
Ngoài ra, các nguồn tin địa phương cho biết huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Trung Đội Dân Quân Biển với sự mô tả là để “phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Hải Quân, Biên Phòng, Cảnh Sát Biển và các lực lượng khác kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xua đuổi, bắt giữ các phương tiện, tàu thuyền nước ngoài xâm phạm trái phép vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và các hành vi khác gây mất trật tự an ninh, phá hoại môi trường biển.”
Chưa thể đoán trước diễn biến tình thế sau các báo hiệu này nhưng ít nhất vẫn có thể ghi nhận đây là những báo hiệu tương đối có một ý nghĩa cần lưu ý về cuộc tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc.
************************************
 Uyên Thao