Bình Luận: Từ Biến Cố "Bình Minh 02"

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
 Uyên Thao
  
Thưa quý thính giả,
Cách bờ biển Nha Trang khoảng 80 hải lý là một địa điểm thăm dò dầu khí có tên gọi Lô 148 của công ty Dầu Khí Việt Nam PVN. Địa điểm này thuộc 4 lô thăm dò trong thềm lục địa miền Trung Việt Nam do tàu Bình Minh 2 đảm trách nhiệm vụ khảo sát.Vị trí của Lô 148 không những nằm sâu trong lãnh hải thuộc thềm lục địa Việt Nam theo quy định quốc tế là cách bờ 200 hải lý mà còn cách xa cả các vùng biển đang tranh chấp thuộc liên quan tới các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.
Nhưng sáng sớm ngày Thứ Năm 26 tháng 5 vừa qua, 3 tàu hải giám Trung Quốc đã ngang nhiên xâm nhập vùng biển này, buộc tàu Bình Minh 2 ngưng công việc bằng cách cắt các dây cáp thăm dò và phá hư các thiết bị khác. Các tàu Trung Quốc chỉ ra đi sau 4 tiếng đồng hồ uy hiếp tàu Bình Minh 2 và hoàn tất các hành động phá hoại ngang ngược. 
Ngày Thứ Sáu 27 tháng 5, bộ ngoại giao Hà Nội tổ chức cuộc họp báo đặc biệt về biến cố trên và vào sáng Thứ Bảy 28 tháng 5, các nguồn tin chính thức cho hay Việt Nam cũng gửi công hàm phản đối tới đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.
Đồng thời với những động thái đó của chính quyền Hà Nội, ngay sang Thứ Bảy 28 tháng 5, phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc đã ra thông cáo tố cáo Việt Nam thăm dò và khai thác dầu khí tại khu vực Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc. Ngoài ra, báo chí Trung Quốc, đặc biệt là tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan chính thức của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã phổ biến một bài viết với lời lẽ gần như công khai đe dọa sẽ dùng sức mạnh quân sự “để bảo toàn chủ quyền lãnh hải” trong khi thông cáo của phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc khẳng định "Những gì mà các cơ quan của Trung Quốc thực hiện đều là hoạt động thực thi pháp luật trên biển và giám sát hải dương hoàn toàn bình thường trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc".
Cho tới nay, trong mọi dịp lên tiếng, phía Trung Quốc đều coi động cơ chủ yếu gây ra căng thẳng tại Biển Đông là tình trạng tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Trường Sa và toàn bộ vấn đề chỉ gói tròn trong giới hạn đó. Bằng cách này, Trung Quốc nhắm hai điều rõ rệt trước hết là hướng dư luận quốc tế vào riêng vùng quần đảo Trường Sa vốn liên hệ tới nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong khi quần đảo Hoàng Sa do Trung quốc chiếm đóng năm 1974 và vùng lãnh hải tự vẽ theo hình lưỡi bò đều hiển nhiên thuộc chủ quyền Trung Quốc hoặc là chuyện riêng giữa Trung Quốc với Việt Nam.  
Qua hành động thực tế cùng những lời khẳng định mới được đưa ra của phía Trung Quốc, ý đồ đó càng hiển lộ rõ ràng hơn. Sự kiện này đã khơi lên nhiều nghi vấn trong dư luận quốc tế và các nghi vấn đều khởi nguồn từ thái độ của Hoa Kỳ đối với Biển Đông.
Trước hết, nhiều quan sát viên cho rằng những khẳng định được đưa ra liên tục từ một năm nay bởi các giới chức Hoa Kỳ về sự cần thiết có mặt tại Biển Đông đã khiến Trung Quốc phải cấp tốc hành động để biến mọi chuyện thành việc đã rồi. Như vậy, những ngày sắp tới sẽ là thời điểm Trung Quốc không chỉ khoa trương binh lực mà rất có thể sẵn sàng dùng binh lực để đạt toàn ý đồ vẫn theo đuổi từ lâu. 
Một số quan sát viên khác dè dặt hơn cho rằng Trung Quốc chỉ đang nhắm thăm dò phản ứng của nạn nhân là Việt Nam và thái độ của Hoa Kỳ. Do đó, hành động mà Trung Quốc vừa đưa ra không hẳn là báo hiệu khó tránh một cuộc chiến trên Biển Đông mà chỉ là một lời cảnh báo về hậu quả chủ trương của Hoa Kỳ đối với vấn đề Biển Đông trong tình huống chủ trương đó mang lại điều bất lợi cho Trung Quốc. Riêng đối với chính quyền Hà Nội thì hành động vừa đưa ra là một nhắc nhở đừng nuôi hy vọng đi ngược ý đồ của Trung Quốc. Hành động đó cũng có thể mang ý nghĩa một lời đe dọa đối với các quốc gia Đông Nam Á hiện đang tranh chấp với Trung Quốc về quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, theo các quan sát viên, điều mà Trung Quốc đặt nặng qua hành động đó chỉ là tìm hiểu thái độ của Hoa Kỳ và khối các quốc gia Tây Phương. Thái độ đó sẽ quyết định những bước đi tương lai của Trung Quốc đối với vùng biển này.
Dù nhìn vấn đề theo cách nào thì với người Việt Nam, một nghi vấn không thể tránh là phản ứng của chính quyền Hà Nội sẽ ra sao?
Những lời phản đối suông trên giấy chắc chắn không thể là phản ứng thích nghi trước tình trạng lãnh thổ bị ngang nhiên xâm phạm. Đó là chưa kể trường hợp những lời phản đối trên giấy vẫn còn nằm trong các giới hạn chặt chẽ. Vào những ngày qua, gần như chỉ có vài tờ báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên có bài vở và tin tức liên hệ tới sự việc còn những tờ báo phản ảnh tiếng nói chính thức của Đảng Cộng Sản Việt Nam và chính quyền Hà Nội như tạp chí Cộng Sản, Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân thì đều trong tình trạng lấp lửng chờ đợi.
Thêm nữa, mọi người cũng không thể không thắc mắc về cảnh huống bất động của các tàu bảo vệ cho tàu khảo sát Bình Minh 2 khi con tàu khảo sát bị uy hiếp, phá hoại các thiết bị trong thời gian dài 4 giờ đồng hồ. Các tàu này không chịu làm nhiệm vụ bảo vệ của mình do run sợ trước các tàu hải giám Trung Quốc hay đã phải làm lơ theo chỉ thị từ nơi nào đó như Quân Uỷ Trung Ương Đảng hoặc từ Bộ Quốc Phòng? Trên thực tế, cho tới nay, cả hai cơ cấu thẩm quyền tối cao này về bảo vệ an ninh quốc gia vẫn hoàn toàn im tiếng. Như vậy, nếu các tàu hải giám Trung Quốc cứ tiếp tục xâm nhập thềm lục địa Việt Nam vào những ngày tới để “thi hành luật biển của Trung Quốc” như phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố thì mọi chuyện sẽ ra sao?
Điều mà ai cũng có thể trả lời ngay là trong trường hợp đó, đất nước Việt Nam sẽ không thể nuôi một hy vọng mong manh nào về sự bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Nhưng nếu đương đầu bằng cách đưa hải quân ra ngăn chặn kẻ xâm nhập thì liệu có đủ sức đối cự không? 
Từ nhiều ngày qua, không ít quan sát viên đã đề cập tới tình trạng này và khẳng định lối thoát duy nhất cho Việt Nam là phải mau chóng kết thân với Tây Phương để có sự hỗ trợ cần thiết khi đối phó với một kẻ địch mạnh như Trung Quốc.
Điều cản trở duy nhất là con đường kết thân với Tây Phương lại đặt Việt Nam trước đòi hỏi phải thay đổi thể chế chính trị, từ bỏ chế độ độc tài độc đảng để thực thi tự do dân chủ. Đã tới lúc thực tế đang đặt chính quyền Hà Nội trước đà hối thúc phải đáp ứng khẩn cấp đòi hỏi này, nếu không muốn trở thành những kẻ phản dân hại nước.
Xin tạm biệt quí thính giả.
************************************
n/a