Bình Luận: QUANH CÁI CHẾT CỦA OSAMA BIN LADIN

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Thưa quý thính giả,
Sự kiện lôi cuốn dư luận trong tuần qua chắc chắn không là gì khác ngoài việc thủ lãnh Al-Qaeda bị Hoa Kỳ hạ sát. Ít nhất đã từ hơn 10 năm, cái tên Osama Bin Laden là ám ảnh đối với hầu khắp mọi người trên thế giới, nhất là sau vụ khủng bố 9-11 giết hại 3000 nạn nhân tại Toà Tháp Đôi New York. Vì thế, một tình trạng bất thường đã xảy ra là quang cảnh bày tỏ niềm vui của nhiều đám đông trước một nguồn tin về chết chóc, dù không ít người trong các đám đông đó đã nói rõ rằng “tỏ nỗi vui mừng trước một cái chết là điều hoàn toàn nghịch lý” mà bản thân họ không bao giờ chấp nhận. Nhưng các đám đông không thể làm khác, bởi lẽ từ hơn 10 năm qua, cái tên Osama Bin Laden không còn là tên gọi của một con người mà đã là một hiểm hoạ, một nguy cơ gây huỷ hoại, chết chóc, nói chung là một mối đe doạ đời sống an lành và sinh mạng của những người dân bình thường ở bất kỳ nơi đâu. 
Trên thực tế, không chỉ những người dân Hoa Kỳ còn nặng trĩu nỗi đau về thảm cảnh tang tóc 9-11 tại Toà Tháp Đôi New York tìm được phần nào an ủi mà hầu khắp chính giới quốc tế cũng bày tỏ một cảm giác nhẹ nhàng. Ngay sau khi tin Osama Bin Laden bị hạ sát được loan báo, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã công bố thông cáo coi đây như một báo hiệu về tình trạng suy giảm của nạn khủng bố đang đe dọa mọi người trên thế giới. Đồng thời, đa số các nhân vật lãnh đạo quốc gia khắp nơi đều đón nhận tin về cái chết của Osama Bin Laden như một tin vui, mặc dù khẳng định lực lượng khủng bố Al-Qaeda không thể hoàn toàn tan vỡ ngay trong lúc này.
Các nguồn tin còn ghi nhận một sự kiện mang khá nhiều ý nghĩa là tác động của sự việc trên vào chuyển dịch của thị trường tài chính thế giới. Theo các nguồn tin này, sau khi tin Bin Laden bị hạ sát được loan truyền, chỉ số chứng khoán cũng như giá đồng đô la và chỉ số Dow Jones đều có dấu hiệu tăng, trong khi giá dầu trên thị trường thế giới giảm hạ. Dù mức tăng, giảm rất nhỏ nhưng vẫn biểu hiện một thái độ lạc quan chung của nhiều giới quần chúng và cho thấy ý hướng của hết thẩy đều tán thành việc loại trừ những hiểm hoạ mà cái tên Bin Laden gợi nhắc.
Tuy nhiên, cái chết của Bin Laden cũng trở thành tiền đề cho không ít mối ưu tư.
Mối ưu tư thứ nhất là phản ứng của tổ chức Al-Qaeda để trang trải mối hận thù cho vị thủ lĩnh. Đây là điều được nhìn thấy ngay và được kể như một mối đe doạ nặng nề đối với hết thẩy công dân Hoa Kỳ dù đang sinh sống ở đâu.
Mối ưu tư kế tiếp là mức độ tác động của tên tuổi Bin Laden đối với khối Hồi Giáo, đặc biệt là những phần tử quá khích đang theo đuổi chủ trương thù nghịch với các quốc gia Tây Phương. Nghi vấn được nêu ra là cái chết của Bin Laden có trở thành động cơ hình thành một trận tuyến mới đe doạ cuộc sống hoà bình của thế giới không?
Trong khuôn khổ mối ưu tư này, thái độ của chính quyền Pakistan đối với Hoa Kỳ nói riêng và toàn khối Tây Phương nói chung hiện đang gây không ít thắc mắc. Trên thực tế, ngày 3 tháng 5 vừa qua đã có cuộc họp báo chung của đại diện ngoại giao Hoa Kỳ cùng với đại diện Pakistan và Afghanistan. Trong cuộc họp báo này, đại diện ba quốc gia đều khẳng định cái chết của Bin Laden là thành quả chung của ba nước trong nỗ lực chống khủng bố. Nhưng cũng trong ngày 3 tháng 5, ngoại trưởng Pháp và thủ tướng Anh lại đồng loạt đòi hỏi sự giải thích của Pakistan về việc Bin Laden đã sống an toàn tại Pakistan suốt nhiều năm qua. Lý do rất đơn giản là bằng cách nào mà Bin Laden có thể che mắt được chính quyền Pakistan khi hiện diện tại đây nhiều năm và cư ngụ trong một dinh cơ rộng lớn ngay giữa một khu vực đặc biệt, nhất là chỉ cách Học Viện Quân Sự Quốc Gia Pakistan vài trăm thước? Ngoại trưởng Pháp khẳng quyết việc Pakistan nói không biết gì về nơi cư ngụ của Bin Laden là điều khó tin, ngoại trừ chính phủ Pakistan quá yếu kém về hoạt động an ninh. Đây cũng là ý nghĩ của thủ tướng Anh và cả hai nhân vật này đều cho biết sẽ chất vấn thẳng thủ tướng Pakistan. Cùng thời gian đó, tin tức cho thấy ngay tại Pakistan đã có những cuộc biểu tình phản đối Hoa Kỳ vi phạm chủ quyền nước này khi đột nhập tấn công nơi cư ngụ của Bin Laden và chính ngoại trưởng Pakistan cũng phát biểu tương tự. Từ đây, hố ngăn cách giữa khối Tây Phương và các quốc gia Trung Đông gần như đã hiển hiện vẫn là một thực tế khó thể phủ nhận.
Điều quan trọng được nói tới là hố sâu này không khởi từ Bin Laden mà chính là động cơ dẫn tới sự hiện diện những phần tử tương tự như Bin Laden. Nói một cách khác, chính chủ trương của khối Tây Phương mà chủ yếu là Hoa Kỳ đã tạo ra hố sâu đó. Bởi theo quan niệm của đa số người Hồi Giáo thì Hoa Kỳ không chỉ là đồng minh với kẻ thù của khối Hồi Giáo là người Israel mà còn là bàn tay nâng đỡ các phần tử bạo ngược áp đặt trên đầu họ những guồng máy thống trị tàn bạo. Một nhà báo ghi lại ý kiến từ nhiều cuộc phỏng vấn cho rằng với nhiều người dân Trung Đông thì Hoa Kỳ là mối đe doạ lớn hơn cả tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Bởi vì, Hoa Kỳ đã đỡ đầu cho không ít phần tử tham nhũng, nhẫn tâm đàn áp, bóc lộc và đày đoạ người dân trong nhiều năm qua mà chứng cớ là hiện nay đã khiến bùng lên các phong trào đấu tranh kéo dài trên khắp giải đất này. Cho nên, theo nhà báo này, cái chết của Bin Laden dù được toàn thế giới lưu tâm nhưng không thể có ý nghĩa lớn lao bằng cái chết của người thanh niên Tunisia vào mấy tháng trước đây.
Vì vậy, lời kết luận thực sự đáng kể đối với những thắc mắc đang có chính là thái độ của toàn khối Tây Phương nói chung và Hoa Kỳ nói riêng đối với tình hình đang diễn biến từ Libya qua Syria hiện nay sẽ ra sao chứ không phải là thái độ của người dân Hồi Giáo như thế nào sau cái chết của Bin Laden. Bởi, qua thực tế chứng minh, thủ lĩnh Bin Laden dù được một thiểu số sùng bái vẫn không thể thu hút lòng tin phục của khối Hồi Giáo nói chung mà ngược lại còn bị nhiều người coi là kẻ làm hư hại uy danh của đạo Hồi vì đã có những chủ trương đi ngược với giáo lý truyền thống. 
Tóm gọn lại, từ cái chết của Bin Laden, điều mà những người thực sự mong sẽ có một cuộc sống an lành trên khắp mặt địa cầu đang trông chờ là thái độ tích cực của các quốc gia Tây Phương đối với phong trào đòi hỏi tự do dân chủ đang diễn ra tại Bắc Phi và Trung Đông.
Xin kính chào tạm biệt quý thính giả.
 Uyên Thao