Bình Luận: Nghi Vấn từ Phía Sau Các Sự Kiện

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Thưa quý thính giả,
Theo giới truyền thông quốc tế, qua cuộc viếng thăm Hoa Kỳ của Hồ Cẩm Đào, nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã bày tỏ một thái độ mềm mỏng rất đáng lưu ý. Trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng, trước thái độ có vẻ cứng cỏi của tổng thống Hoa Kỳ Obama về vấn đề nhân quyền, Hồ Cẩm Đào đã có những lời lẽ phát biểu hết sức thận trọng.
Về nhân quyền, Hồ Cẩm Đào nhìn nhận là trên thực tế vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc “còn cần nhiều nỗ lực cải thiện” và hứa hẹn sẵn sàng tiếp nhận ý kiến giúp đỡ từ mọi giới lãnh đạo các quốc gia. Họ Hồ cũng không nhắc tới việc Hoa Kỳ bán võ khí cho Đài Loan cùng thái độ của Hoa Kỳ đối với các vấn đề Tây Tạng hay Biển Đông, trong khi còn tuyên bố Bắc Kinh “sẽ không tham gia bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang hoặc đặt ra mối đe dọa quân sự nào.”
Riêng về lãnh vực kinh tế, các nguồn tin chính thức xác nhận nhân chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Hồ Cẩm Đào, hai quốc gia đã ký kết nhiều thoả ước thương mại đưa kim ngạch xuất khẩu Hoa Kỳ qua Trung Quốc lên tới 45 tỷ mỹ kim là mức độ hứa hẹn tạo ra ít nhất 235 ngàn việc làm cho người dân Hoa Kỳ.
Trước các sự kiện đó, nhiều quan sát viên cho rằng Trung Quốc tỏ ra đặc biệt nhún nhường hầu tránh bị đẩy vào thế trực tiếp đối đầu với Hoa Kỳ. Một số người còn nghĩ quan hệ giữa hai quốc gia có vẻ đang tiến vào thế định vị tốt đẹp, ít nhất là sẽ hứa hẹn một thời kỳ hỗ tương phát triển kinh tế và tránh dồn ép nhau vào cảnh khó khăn về các lãnh vực chính trị, quân sự.
Riêng báo Quân Đội Nhân Dân tại Việt Nam đã có một bài phát biểu ngược lại, với lập luận “Hoa Kỳ đã phải công nhận vị thế xứng đáng của Trung Quốc trên trường quốc tế” nhưng “vẫn không muốn và không bao giờ muốn Trung Quốc tiếp cận vị thế của một siêu cường.” Từ đây, tờ báo kết luận khó thể hình dung về mối quan hệ giữa hai quốc gia Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ ra sao trong tương lai. Giới quan sát quốc tế cho rằng phát biểu trên không cho thấy rõ lập trường hiện nay của Việt Nam là nghiêng về phía Hoa Kỳ hay Trung Quốc, tuy nhiên đã lưu ý tới phát biểu cùng ngày của đại sứ Trung Quốc tại ASEAN về vấn đề Biển Đông.
Lên tiếng trong cuộc gặp gỡ các ngoại trưởng thuộc khối ASEAN vào ngày 25 vừa qua tại Côn Minh, nữ đại sứ Trung Quốc Đồng Hiểu Linh đã cảnh báo khối ASEAN cần thận trọng về vấn đề Biển Đông, nhất là “phải lưu tâm tới các thế lực có mưu đồ biến chủ đề Biển Đông thành chướng ngại trong quan hệ giữa Trung Quốc với khối ASEAN.” Đại sứ Trung Quốc khẳng định Biển Đông không thể là chủ đề của khối ASEAN với Trung Quốc vì Biển Đông vốn thuộc chủ quyền Trung Quốc và chỉ có những hiểu lầm do một số quốc gia trong vùng nên không thể vượt khỏi phạm vi giải quyết song phương giữa Trung Quốc với các quốc gia này.
Theo giới quan sát, ngân sách thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN trong niên khoá 2010 lên tới ngót 300 tỷ mỹ kim nên cảnh báo trên của Trung Quốc có thể coi như một lời răn đe về kinh tế. Giới quan sát cũng nhắc lại lời khẳng định được phổ biến trên tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông để cho rằng lời phát biểu nhún nhường của Hồ Cẩm Đào tại Hoa Thịnh Đốn không có ý nghĩa báo hiệu một sự thay đổi tích cực trong thái độ của Trung Quốc đối với các quốc gia lân bang, đặc biệt là đối với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Vào lúc Hồ Cẩm Đào tỏ ra tránh né đối đầu với Hoa Kỳ thì các giới chức Bắc Kinh không hề thay đổi lời lẽ về vấn đề Biển Đông và ngược lại còn tỏ ra kiên quyết hơn trong việc tiếp tục cung cách hành xử đã có. Nói cách khác, Hồ Cẩm Đào tỏ ra nhún nhường khi hiện diện tại Hoa Thịnh Đốn, nhưng Trung Quốc vẫn cho thấy quyết tâm ngăn chặn Hoa Kỳ đưa ảnh hưởng trở lại vùng Đông Nam Á.
Cũng từ đây, giới quan sát tỏ ra lưu ý hơn tới lập trường của Hoa Kỳ đối với vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Theo một số người, sự lên tiếng của Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền hiện nay không thuần tuý biểu hiện tinh thần truyền thống của dân tộc Hoa Kỳ mà có thể còn nằm trong nỗ lực thúc đẩy một chuyển hoá chính trị tại Việt Nam. Thực tế cho thấy thời gian gần đây không chỉ riêng các tổ chức phi chính phủ và các đại diện dân cử tại Hoa Kỳ đặc biệt lưu tâm tới vấn đề nhân quyền tại Việt Nam mà còn gồm nhiều giới chức hành pháp Hoa Kỳ. Mới đây, qua đài VOA, trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ đã nói thẳng rằng Hoa Kỳ “đang trong quá trình hoàn tất quyết định về nước nào sẽ bị đưa vào danh sách CPC.” Tuyên bố trên đưa ra cùng lúc với phát biểu “nhân quyền luôn là một thành tố chính trong quan hệ hai quốc gia Việt Nam – Hoa Kỳ” đồng thời với tiết lộ Hoa Kỳ “sẽ tiếp tục thúc đẩy Việt Nam tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân có tự do tín ngưỡng, tự do phát biểu” khiến có người nghĩ Hoa Kỳ đang đặt Việt Nam trước một chọn lựa dứt khoát.
Động cơ chủ yếu là Hoa Kỳ cần mở lại ảnh hưởng tại vùng Đông Nam Á và trở ngại chính là hệ thống chính trị tại Việt Nam. Cho tới nay, tập đoàn lãnh đạo Hà Nội vẫn khăng khăng theo đuổi lý tưởng Cộng Sản nên khó thể thoát vòng chi phối của Bắc Kinh. Vì thế, một sự chuyển hoá về chính trị tại Việt Nam trở nên cần thiết để đưa Việt Nam thoát khỏi vòng chi phối phù hợp với sách lược ngoại giao quốc tế của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, ngay trường hợp chỉ coi đây là một giả thuyết thì giả thuyết này cũng ở hoàn cảnh không dễ hiện hình qua kết quả đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam vừa qua. Bởi theo nhận định chung của giới quan sát quốc tế, thành phần nhân sự lãnh đạo mới của Đảng Cộng Sản Việt Nam chắc chắn không hứa hẹn đem lại thay đổi nào cả về chính trị lẫn kinh tế. Giới quan sát quốc tế đã nhắc lại ý kiến của nhiều đảng viên, thậm chí cả nhân vật đang là phó chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân Hà Nội cảnh báo đất nước đang bị đặt trước hiểm hoạ thụt lùi và phá sản về mọi lãnh vực để cho rằng những trông chờ về một bước đổi mới sẽ không thể được đáp ứng tại Việt Nam.
Hàng loạt nghi vấn đó không những khó thể giải đáp mà còn dẫn thêm tới một nghi vấn quan trọng là có phải Hoa Kỳ đang thực sự muốn đi tới một chuyển hoá chính trị tại Việt Nam ?
Xin kính chào tạm biệt quý thính giả.
*******************
Uyên Thao
n/a