Bình Luận: Hà Nội, Khó Khăn và Ngõ Thoát

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Uyên Thao
 
Thưa quý thính giả,
Chuẩn bị đón chào một giai đoạn mới luôn là công lệ trong thời điểm cuối năm với mọi người ở khắp mọi nơi. Tại Việt Nam, thời điểm chuẩn bị hội hè năm nay còn ghi dấu sự kiện chuẩn bị Đại Hội Đảng Cộng Sản để bầu chọn nhân sự lãnh đạo cho thời gian tới. Theo báo chí trong nước, sáng ngày 13 vừa qua, hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng khoá 10 đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội và kéo dài tới hết ngày 21 để thông qua nhiều vấn đề quan trọng đối với vận mạng đất nước.
Nhưng cùng thời điểm này, một loạt sự kiện thực tế đã diễn ra không mang tính chất chuẩn bị chào đón hội hè mà gần như các tiếng nói báo hiệu một tương lai đầy hiểm trở.
Chỉ một ngày sau khi khai mạc Hội Nghị Trung Ương Đảng Cộng Sản tại Hà Nội thì cũng tại Hà Nội hàng trăm công nhân thuộc một cơ sở quốc doanh đã tập trung biểu tình phản đối tình trạng bị ngược đãi, bóc lột. Tin từ trong nước cho hay, Công Ty Cơ Khí Hà Nội là một công ty quốc doanh có tới 800 công nhân đã bị hàng trăm công nhân biểu tình căng biểu ngữ đòi trả lại quyền lợi chính đáng cho người lao động. Các công nhân biểu tình tập trung trước cổng công ty tố giác hành vi bóc lột, ngược đãi công nhân cùng nhiều sự việc bê bối chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của các giới chức lãnh đạo. Sự việc còn đang tiếp diễn dù chính quyền Hà Nội từng đe dọa trừng phạt nặng nề và cấm đoán mọi hành vi tương tự.
Cần nhắc lại đây không phải vụ biểu tình đầu tiên của công nhân mà chỉ tiếp nối một chuỗi dài sự việc tương tự đã xảy ra hầu khắp các địa phương suốt một năm qua. Thêm nữa không chỉ riêng giới công nhân bày tỏ bất bình mà nhiều thành phần dân chúng khác cũng có chung thái độ. Cùng ngày nói trên, tại Thái Nguyên hàng trăm người dân đã tập trung tuần hành trước Uỷ ban Nhân Dân Tỉnh Thái Nguyên phản đối việc bị cướp đoạt tài sản. Theo tin từ trong nước, đây là những giáo dân thuộc Giáo Hội Công Giáo Thái Nguyên từng kiên trì đòi hỏi công lý suốt 20 năm qua về việc đất của nhà xứ Thái Nguyên bị chính quyền địa phương tự ý cắt bán cho tư nhân khai thác thương mại.
Song song với cảnh tượng bất ổn xã hội gần như vô phương giải quyết đó là một báo hiệu khó khăn đáng kể gấp nhiều lần hiển hiện từ viễn ảnh bất ổn kinh tế. Theo các chuyên gia quốc tế thì trong tháng 11 vừa qua tỉ lệ lạm phát tại Việt Nam đã tăng 11%, tạo sức ép nguy hiểm cho hối đoái mà hậu quả khó tránh là sẽ thiếu hụt vốn liếng đầu tư cho công cuộc phát triển kinh tế vĩ mô. Theo báo Wall Street Journal số ra ngày 15 tháng 12 , kinh tế Việt Nam đã bị hạ điểm và nguy cơ khủng hoảng là điều khó tránh. Tờ báo ghi lại ý kiến của các chuyên gia cho rằng nguyên do chủ yếu đưa đến tình trạng này là các chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền, đặc biệt là do mục tiêu duy trì vai trò chủ yếu cho chủ trương kinh tế quốc doanh.
Viễn tượng kinh tế và xã hội kể trên được nhiều chuyên gia cho rằng khó tránh gây tình trạng bất ổn toàn diện về mọi mặt sinh hoạt tương lai, đặc biệt là trong tương quan quốc tế, Việt Nam cũng gần như đang lâm tình trạng sa lầy thực sự. Chỉ hai tuần lễ trước đây, Quỹ Tài Trợ Quốc Tế cam kết hỗ trợ cho Việt Nam 7,9 tỉ mỹ kim trong năm 2011 tức là giảm gần 1 tỉ so với năm 2010 trong khi Việt Nam cho biết cần được trợ giúp 30 tỉ mỹ kim trong 5 năm tới. Quan trọng hơn nữa hầu hết các nhà tài trợ đều công khai bất bình về tình trạng thiếu minh bạch và tham nhũng tại Việt Nam. Sự trạng này cho thấy không phải Việt Nam luôn luôn ở trong tình trạng dễ dàng được quốc tế trợ giúp.
Mặt khác, vào dịp kỷ niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền, tại Hà Nội đã diễn ra hai cuộc đối thoại giữa Việt Nam với tổ chức Liên Âu EU và Việt Nam với Hoa Kỳ. Trong cả hai cuộc đối thoại trực tiếp này, Việt Nam đều bị đặt trước những yêu cầu phải đáp ứng các điều kiện tương tự các điều kiện tiên quyết để có thể tiếp tục nhận lãnh sự hỗ trợ cần thiết cho việc phát triển kinh tế.
Trong cuộc đối thoại với khối Liên Âu EU, vấn đề nhân quyền bị đàn áp tại Việt Nam đã được các đại diện tổ chức này nêu ra một cách công khai và còn cảnh báo rằng đó là một cản trở nặng nề cho mục tiêu phát triển kinh tế. Vì thế, các đại diện EU khẳng định “nhân quyền là một phần quan trọng của mối quan hệ với Liên Âu”.
Đây cũng là điều được lập lại gần như nguyên vẹn bởi đại diện Hoa Kỳ trong cuộc đối thoại với Việt Nam về vấn đề nhân quyền vừa qua. Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Posner đã cho biết “nhân quyền có vai trò quan trọng trong việc cải thiện quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.” Người ta chưa quên là mấy ngày trước đó, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã bày tỏ sự bất bình trước tình trạng “Việt Nam tiếp tục trừng phạt tự do ngôn luận, bắt giữ bất đồng chính kiến, gọi các đảng chính trị ngoài hệ thống cộng sản là tổ chức khủng bố,”
Trong khi đó, một khó khăn cùng cực cho Việt Nam là thái độ của Trung Quốc đối với vấn đề lãnh hải và hải đảo. Giữa lúc Việt Nam tiến hành mật đàm với Trung Quốc về các vấn đề này thì tướng Bành Quang Khiêm, chuyên gia chiến lược quân sự tại Học viện Quốc Phòng Trung Quốc, nói không bao giờ có việc Trung Quốc nhượng bộ chủ quyền tại Hoàng Sa hay Trường Sa. Bành Quang Khiêm đã tuyên bố: “Trung Quốc không bao giờ thay đổi quan điểm về bảo vệ chủ quyền biển. Chính Việt Nam và các nước khác đang chiếm dụng hải đảo của Trung Quốc.”
Theo chuyên gia Pháp Benoit de Tréglodé Giám đốc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á, Việt Nam chỉ có thể thoát khỏi tình trạng khó khăn trùng điệp trên khi thay đổi đường lối tức là thực sự chấp nhận cải biến về chính trị.
Tuy nhiên cũng theo chuyên gia này thì hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ xẩy ra. Bởi cho tới nay, mục tiêu chủ yếu của tập thể đương quyền Hà Nội vẫn là bảo vệ quyền lực của Đảng Cộng Sản chứ không phải lo tháo gỡ các khó khăn để đưa đất nước tiến lên. Vì thế, theo Benoit de Tréglodé, tình trạng xa cách giữa giới lãnh đạo và dân chúng Việt Nam sẽ còn tiếp tục kéo dài và việc bắt bớ, trấn áp sẽ tiếp tục xẩy ra trong khi các vấn đề khó khăn về kinh tế, xã hội chưa thể có ngõ thoát.
Xin kính chào tạm biệt quý thính giả.
******************************
n/a