Bình Luận: CHỦ ĐIỂM TRONG THỰC TẾ VIỆT NAM

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
 Tình hình Việt Nam tuần qua được lưu tâm khá nhiều về khía cạnh phát triển kinh tế. Lý do đơn giản là tình trạng lạm phát đã hiện hình thành một mối đe doạ cụ thể trước mắt, một mối đe doạ với những hậu quả tệ hại khó ước lượng và không thể tránh. Theo con số chính thức của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam thì tỷ lệ lạm phát chỉ kể từ đầu năm tới tháng 4 năm 2011 đã được ước tính là 9,64% tức vượt xa ngưỡng 7% mà chính phủ đặt làm mục tiêu cho cả năm. Nếu so với cùng thời điểm trong năm 2010, lạm phát đã lên tới 17,51%, tức cao hơn mức đỉnh lạm phát 16% mà Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đưa ra cho Việt Nam. Lạm phát có thể hiểu đơn giản là sự mất giá của đồng tiền đang lưu hành và hậu quả xảy ra là đời sống toàn thể xã hội lập tức bị đe doạ. Bởi đồng tiền thu nhập không thay đổi mà giá trị tụt giảm nặng nề thì cảnh ngộ điêu đứng trong sinh hoạt thường nhật của người dân đương nhiên sẽ ập tới.
Nhưng thực tế không cho thấy dấu hiệu sẽ ngừng tại đó, vì theo các chuyên gia thì mức lạm phát sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới do các biện pháp chống đỡ được đề ra qua nghị quyết số 11 không hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả cụ thể. Hai hướng nhắm chủ yếu đã nêu là điều chỉnh giá sinh hoạt và thắt chặt tài khóa, giảm bội chi ngân sách cho tới nay đều chỉ được biểu hiện bằng lời lẽ chứ không qua kế hoạch cụ thể nào. Theo ghi nhận của các chuyên gia, trong lúc sản phẩm thuộc mọi lãnh vực đều tăng giá chóng mặt thì con số thống kê chính thức cho thấy “việc cắt giảm đầu tư công mới chỉ tương đương khoảng 1% tổng đầu tư mỗi năm của khu vực Nhà Nước.” 
Trước thực tế này, các cơ quan truyền thông của chính quyền còn phổ biến một luận điệu giải thích lạ lùng là “việc tăng giá dồn dập gọi là "buông giá" là điều bất khả kháng, không chỉ vì Nhà Nước không thể bao cấp giá, mà trước hết là những bất hợp lý từ giá cả của nền kinh tế đã đến lúc không thể cầm giữ lâu hơn.” Mức độ lạ lùng còn lớn hơn qua phát biểu “Lạm phát tăng 10% trong bất cứ trường hợp nào đều là một mức cao. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến đời sống người dân. Nhưng 10% dường như cũng là mức khá quen thuộc của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua, và người dân đã hình thành một thói quen ứng phó với biến động giá cả và bất ổn của nền kinh tế.”
Tiếp theo lập luận buông xuôi mọi việc cho thực tế quyết định và bỏ mặc người dân tự ứng phó như thế là những lời hô hào “đừng hoảng vì lạm phát cao” mà phải tin rằng “để ổn định vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế đòi hỏi cả một chiến lược dài hạn mà “dục tốc bất đạt.” Trong bối cảnh hiện nay, nghị quyết 11 là tất yếu phải lựa chọn.”
Giả dụ lời kêu gọi trên là đúng thì công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam ở cấp vĩ mô đang có những hiệu báo tích cực nào? 
Theo ghi nhận từ các nguồn tin quốc tế Bloomberg và Reuters, tốc độ leo thang lạm phát tại Việt Nam hiện nay là mức tăng quá cao sẽ khiến đời sống người nghèo ở Việt Nam ngày càng điêu đứng và cũng gây bối rối cho các nhà đầu tư quốc tế trong dự tính đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Các hãng thông tấn trên dựa theo con số thống kê chính thức của chính quyền Việt Nam cho biết mức cam kết đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam đã giảm gần 48% trong 4 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi khẳng định đây là một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của Việt Nam. Người ta chưa quên vào dịp kết toán tình hình chung thế giới cuối năm vừa qua, tạp chí kinh tế The Economist đã nêu con số nợ công của Việt Nam tính đến cuối năm 2010 là hơn 50 tỉ đô-la, tương ứng với 51.6% toàn bộ lợi tức đầu người GDP, theo đó, mỗi người dân Việt Nam phải gánh nợ 581đô-la, bất kể già trẻ lớn bé và không ai biết rõ về điều này.
Nợ cũ chồng chất trong khi vẫn tiếp tục trông chờ vay thêm nợ mới để tránh thâm thủng về mậu dịch và ngân sách thì viễn ảnh ổn định và phát triển kinh tế chắc chắn không mang ý nghĩa khả quan. Cho nên không có gì ngạc nhiên khi chính bộ trưởng Tài Chánh của chính quyền Hà Nội đã phải than thở “nền kinh tế Việt Nam đang ngồi trên đống lửa.”
Cùng trong khuôn khổ ổn định và phát triển kinh tế, các nguồn tin ghi nhận là chỉ riêng năm 2010, Việt Nam đã nhập trên 20 tỷ đô-la hàng hóa từ Trung Quốc, gây mức chênh lệch khó thể tưởng tượng về cán cân thương mại. Báo Tuổi Trẻ của chính quyền dẫn nguồn từ Tổng Cục Hải Quan cho hay kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2010 là hơn 20 tỷ đô-la với đủ loại mặt hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng, trong khi lượng hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc dù hết sức cố gắng chỉ đạt chừng 6,5 tỷ đô-la. Báo điện tử VietnamNet của chính quyền cũng cho biết sự mất thăng bằng cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc ngày càng trầm trọng và gia tăng với tốc độ "chóng mặt". Theo báo này, năm 2000, nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam ở mức 135 triệu đô-la tới năm 2007, tăng vụt lên hơn 9 tỷ và năm 2009 đã là 11,5 tỷ đô-la. Điều quan trọng được các nguồn tin trên ghi nhận là hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam qua Trung Quốc không có một sản phẩm nào ngoài các nguyên liệu và khoáng sản sơ chế trong đó bao gồm cả chất alumin từ các dự án bauxite ở Tây Nguyên.
Nhận định chung của giới chuyên gia kinh tế là Việt Nam đang “phụ thuộc quá lớn” vào riêng thị trường Trung Quốc và tình trạng này không chỉ tác hại cho công cuộc phát triển kinh tế mà còn di hoạ không ít cho nhiều lãnh vực kể cả sự sống còn của đất nước trong tương lai. Từ đây, điểm chủ yếu thực sự cần lưu ý không còn là những hiện tượng thực tế mà chính là nguồn cỗi dẫn đến các hiện tượng đó.
Vào những ngày vừa qua, trong dịp viếng thăm quan sát tình hình Việt Nam, một chuyên gia Liên Hiệp Quốc đã đề cập tới sự thiếu chính sách về tài chánh minh bạch của chính quyền Hà Nội, đồng thời ngay vào lúc này, nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế vẫn không ngừng chỉ trích vấn đề nhân quyền bị trà đạp tại Việt Nam. Đây cũng chỉ là những hiện tượng tương tự hiện tượng lạm phát tài chính và suy sụp về kinh tế.
Hết thẩy những hiện tượng đó sở dĩ trở thành thực tế chỉ vì một chủ điểm duy nhất là cho tới nay chủ quyền Việt Nam vẫn nằm trong tay một tập thể không hề ưu tư tới sự sống của người dân và tương lai đất nước. Đây chính là điều mà mọi người không thể bỏ quên khi nghĩ về con đường đổi đời cho dân tộc.
Xin kính chào tạm biệt quý thính giả.
 Uyên Thao
n/a