Bình Luận: Cam Ranh và Vinashin

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Uyên Thao

Theo dõi hội nghị Thượng Đỉnh ASEAN tại Hà Nội, nhật báo Pháp Libération ghi lại một điều được đánh giá là cần đặc biệt chú ý. Theo báo Libération, trong thời gian chuẩn bị và khai diễn hội nghị, chính quyền Hà Nội đã tiến hành một loạt hành vi trấn áp, bắt giam, kết án những người bất đồng chính kiến. Sự việc này được nhiều tổ chức đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền trên thế giới nhắc nhở, thậm chí trực tiếp thông báo với các nhân vật lãnh đạo quốc tế với lời yêu cầu đưa vấn đề ra trước hội nghị. Thế nhưng khi vấn đề nhân quyền khu vực Đông Nam Á được nêu ra thì chỉ có sự chỉ trích cung cách hành xử của chính quyền Miến Điện, ngoài ra không có một lời nào nhắc nhở tới hành vi áp chế của chế độ Hà Nội. Hai nhân vật từng được trực tiếp đề nghị lên tiếng là ngoại trưởng Hoa Kỳ và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đều lặng thinh. Phát biểu công khai duy nhất về vấn đề đàn áp nhân quyền tại Việt Nam chỉ là phát biểu của đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và là phát biểu ở bên ngoài hội nghị. Nhắc về sự kiện này, báo Libération có vẻ muốn nói tới mức độ quyết tâm của Hoa Kỳ trong chủ trương đưa ảnh hưởng trở lại khu vực Đông Nam Á cùng sự tán trợ của quốc tế, ít nhất là của các quốc gia Đông Nam Á đối với chủ trương trên.
Trong khi đó, nhật báo The Washington Post nhắc một điều mà báo này coi là đặc biệt. Theo The Washington Post thì trong cuộc triển lãm tại Bảo Tàng Lịch Sử Quân Sự Việt Nam đầu tháng 10 vừa qua đã có những hình ảnh buộc người coi không thể không suy nghĩ. Đó là hình ảnh minh hoạ những trận đánh trong lịch sử Việt Nam chống lại đế quốc phương Bắùc, cụ thể là những trận đánh của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung. Tờ báo ghi nhận không có hình ảnh nào về trận đánh xảy ra năm 1979, nhưng những hình ảnh lịch sử kia cũng mang ý nghĩa cố ýù bày tỏ thái độ mới của chế độ Hà Nội đối với Bắc Kinh. Thái độ đó có thể tóm gọn trong câu nói của một cựu viên chức cao cấp Hà Nội nói riêng với nhà báo là “Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam để ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc và bây giờ đang phát huy quan hệ hữu nghị với Việt Nam... để hạn chế tham vọng của Trung Quốc.”
Hai sự việc xa cách nêu ra bởi một tờ báo Pháp và một tờ báo Hoa Kỳ gần như cất lên cùng một tiếng nói xác nhận đang có những nỗ lực xích lại gần nhau giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Hoa Kỳ vì quyết tâm đạt mục tiêu nên phải nhắm mắt làm ngơ trước những sự việc không chỉ ngoài ý muốn mà còn xúc phạm tới truyền thống của mình. Ngược lại, với chế độ Hà Nội, hiểm hoạ mất quyền độc tôn thống trị đã trở thành mối ám ảnh nặng nề vì mọi quốc gia trở thành đồng minh với Hoa Kỳ đều sẽ phải tiến dần tới chấp hành thể chế dân chủ. Cho nên, việc trấn áp, tiêu trừ các thế lực bất đồng đã trở nên cấp thiết.
Tin tức mới nhất trong ngày qua về hải cảng Cam Ranh cho thấy dự đoán trên khá gần với thực tế. Vào lúc kết thúc hội nghị Thượng Đỉnh ASEAN, Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập đến hải cảng Cam Ranh qua hứa hẹn là Cam Ranh sẽ biến thành một hải cảng dịch vụ “sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu hải quân mọi quốc gia kể cả tàu ngầm khi có yêu cầu theo cơ chế thị trường.” Từ lâu Trung Quốc vẫn tỏ ý lo ngại Việt Nam sẽ biến Cam Ranh thành căn cứ hải quân quốc tế nên lời tuyên bố của Nguyễn Tấn Dũng được kể như một cách trấn an Bắc Kinh. Thế nhưng, mấy ngày qua, bộ trưởng quốc phòng Hà Nội, nhắc lại ý kiến của Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức loan báo về người khách hàng đang có mặt tại Cam Ranh chính là Hoa Kỳ vì đang có tàu cần sửa chữa nằm tại cảng Cam Ranh. Theo chuyên gia Úc Carl Thayer thì Hoa Kỳ đang muốn đạt thỏa thuận với Việt Nam về việc thiết lập các kho hậu cần cho hải quân ngay trên bờ và việc mở cửa Cam Ranh để cung cấp dịch vụ cho hải quân ngoại quốc có thể là bước đầu nhằm đáp ứng yêu cầu trên.
Tất nhiên mọi sự vẫn chưa thoát vòng lượng đoán, nhưng ngay trong nội bộ hàng ngũ chính quyền Việt Nam vừa nổ ra một sự việc có vẻ khá gắn bó với vấn đề. Đó là sự bất ngờ lên tiếng của một số dân biểu Quốc Hội yêu cầu đặt vấn đề bất tín nhiệm thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Lý do được nêu là vụ bê bối của Công Ty Quốc Doanh Vinashin đã gây ra món nợ khổng lồ gần 100 ngàn tỉ đồng tức là hơn 4 tỉ mỹ kim. Các dân biểu cho rằng Nguyễn Tấn Dũng không thể chối bỏ trách nhiệm vì đã ký lệnh thành lập công ty và trực tiếp bổ nhiệm các thành phần lãnh đạo công ty từ lúc đầu. Theo dư luận, chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng đang tận tụy với Bắc Kinh nên sự việc này là đòn đánh của Bắc Kinh để loại trừ Nguyễn Tấn Dũng vốn có ý ngả về phía Hoa Kỳ. Nhưng hơn một tháng trước đây sau khi lộ ra vụ Vinashin, tại Hà Nội đã xuất hiện một bản kiến nghị mang chữ ký của 11 tướng lãnh và nhiều sĩ quan cao cấp, đảng viên lão thành tố cáo đích danh “4 kẻ tham quyền cố vị” đang gây nguy hại cho đất nước là Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Tô Huy Rứa. Lời tố cáo Nông Đức Mạnh nêu rõ “khuyết điểm trầm trọng nhất là ngả hẳn vào bọn Trung Quốc, không thấy được âm mưu muôn đời của Trung Quốc là muốn nuốt chửng nước ta, không thấy qua 4000 năm dựng nước và giữ nước, vương triều nào nhu nhược chạy theo bọn Trung Quốc là mất nước.”
Vụ Vinashin đã được đoán là sẽ vượt khỏi phạm vi kinh tế để tạo những biến động chính trị. Ước đoán này có vẻ đang hiện hình thành thực tế sau dấu hiệu Hoa Kỳ có thể sẽ có mặt tại Cam Ranh. Tình trạng phe nhóm đấu đá giữa nội bộ tập thể đương quyền Hà Nội gần như vô phương cứu vãn, nhưng nỗi buồn rõ rệt nhất sẽ vẫn là hậu quả tác hại trong đời sống người dân và đất nước nói chung.