Bình luận : BIỂN ĐÔNG VÀ CHẾ ĐỘ HÀ NỘI.

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
˜Uyên Thao
 Thưa quý thính giả,
Tình hình Biển Đông đang đặt ra hàng loạt câu hỏi, qua đó nổi bật mối lo sẽ xẩy ra xung đột quân sự giữa các quốc gia trong vùng, cụ thể là Việt Nam và Trung Quốc. Mối lo không chỉ có trong dư luận mà đã được nhắc nhở bởi chính nhân vật cầm đầu Ngũ Giác Đài. Phát biểu trong dịp dự hội nghị về an ninh Á Châu tại Singapore trước một cử tọa gồm các nhân vật lãnh đạo quân sự trong vùng, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ đã cảnh báo “sẽ có xung đột” vì , Biển Đông ở tình trạng “không có luật lệ quy định về lưu thông cũng không có sự đồng ý về cách thức giải quyết các vấn đề tranh chấp”.
Trong khi đó, các diễn biến thực tế gần như đều báo hiệu về mức căng thẳng khó tránh. Trước hết, Trung Quốc được chỉ rõ là quốc gia đang tạo ra bất ổn do đòi hỏi phi lý về chủ quyền cùng cách hành động ngang ngược đã không hề xét lại thái độ. Các nhân vật đại diện chế độ Bắc Kinh vẫn khẳng định Biển Đông thuộc chủ quyền của họ, và vì thế, mọi hành động đã có chỉ là hành động đương nhiên để bảo vệ chủ quyền. Bắc Kinh cũng mở một chiến dịch đe doạ Việt Nam qua báo chí với những lời cảnh cáo tự tôn và xấc xược như đã xuất hiện trên tờ Văn Hối nguyên văn như sau: “Việt Nam nên nhớ câu nóimột đứa trẻ không vâng lời sẽ bị đánh đòn.” Bài báo trên còn trích lời một chuyên gia quân sự Trung Quốc cáo giác Việt Nam được Hoa Kỳ hứa giúp nên đã có hành vi khiêu khích Trung Quốc, nhưng chuyên gia này khẳng định rằng hy vọng của Việt Nam sẽ là hão huyền, vì Hoa Kỳ không thể từ bỏ các quyền lợi đang có với Trung Quốc.
Qua bày tỏ này, kể như Trung Quốc dứt khoát tiếp tục hành vi ngang ngược đã có như ngăn cấm ngư dân Việt Nam ra biển, tiếp tục đưa tàu bè xâm phạm lãnh hải Việt Nam, ngăn trở mọi hoạt động khác, cụ thể là các dự án thăm dò khai thác nhiên liệu, và trong trường hợp bị cản trở họ sẽ sẵn sàng nổ súng.
Vì Biển Đông không liên hệ riêng tới Việt Nam nên thái độ của Trung Quốc đã gặp phản ứng từ nhiều quốc gia trong vùng và cả Hoa Kỳ. Vào dịp lên tiếng tại Singapore, bộ trưởng Quốc Phòng Gates nói rõ là dù trong tình trạng khủng hoảng kinh tế và phải gánh vác các chiến dịch quân sự tại Irak, Afghanistan, Hoa Kỳ vẫn không coi nhẹ vị thế một quốc gia Thái Bình Dương đang có nhiều quyền lợi quan trọng tại vùng Đông Nam Á. Ông Gates khẳng định “bất chấp mọi khó khăn đang phải đối diện, Hoa Kỳ vẫn đặc biệt quan tâm tới tình thế diễn biến tại Biển Đông.”
Trong khi đó, ngoại trưởng Philippines cho rằng Trung Quốc đang “vi phạm thô bạo” thỏa thuận năm 2002 với các nước láng giềng Đông Nam Á. Qua bài viết trên báo Philippines Star, ngoại trưởng Del Rosario phát biểu “hành động của Trung Quốc là thách thức nghiêm trọng nhất đối với chủ quyền của Philippines ở Biển Đông.”Đồng thời, theo tin của hãng Reuters, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines đã bày tỏ mong muốn có sự hiện diện về quân sự của Hoa Kỳ tại Biển Đông, vì theo ông, Hoa Kỳ hiện diện về quân sự tại đây “sẽ ngăn cản bất cứ hành động bất hợp pháp nào” để duy trì tình trạng ổn định và an ninh trên mọi phương diện.
Riêng Việt Nam, theo hãng thông tấn DPA, đã khẳng định giữ nguyên lập trường về lãnh hải và tiếp tục cho tàu thăm dò địa chấn tại vùng biển mà ngày 26 tháng 5 vừa qua tàu Trung Quốc đã xuất hiện, ngăn cản. Nguồn tin chính thức còn cho biết Việt Nam đã tăng số tàu hải quân tháp tùng tàu Bình Minh 02 lên 8 chiếc thay vì 3 chiếc như trước đây. Đồng thời, dư luận cũng đặc biệt lưu tâm tới cuộc thăm viếng Hà Nội của nhân vật lãnh đạo Uỷ Ban An Ninh Nga mà hãng thông tấn Itar-Tass cho biết là sẽ tiếp xúc với các giới chức chính trị, quốc phòng Việt Nam để bàn về việc “Nga xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên cho Việt Nam cùng hoạt động của liên doanh dầu khí Vietsopetro và hợp tác giữa hai quân đội.” Vào ngày chủ nhật 5 tháng 6 tại Singapore, bộ trưởng Quốc Phòng Hà Nội đã thông báo Việt Nam mua sáu tàu ngầm hạng Kilo 636 của Nga với mục tiêu bảo vệ đất nước và nhấn mạnh “để ai đó có ý đồ xâm chiếm Việt Nam cần lưu ý tới yếu tố này.”
Như thế, các quốc gia liên quan đến Biển Đông gần như đều tỏ thái độ sẵn sàng xử dụng biện pháp quân sự, sẵn sàng chấp nhận chiến tranh để bảo vệ chủ quyền. Bên cạnh đó, ngoài sự xuất hiện của Hoa Kỳ đã có thêm bóng dáng của Nga dù chỉ ở vị thế tiếp trợ về khí cụ. Qua sự kiện đặc biệt này, nhiều chuyên gia cho rằng cuối cùng Trung Quốc sẽ phải xét lại để chuyển hướng. Bởi chiến lược bành trướng hiện nay của Trung Quốc không chỉ dựa vào sức mạnh quân sự mà khai thác cả sức mạnh chính trị và kinh tế. Trong trường hợp mặt trận quân sự không bảo đảm vẹn toàn, chắc chắn Trung Quốc sẽ quay sang các mặt trận chính trị và kinh tế. Do đó, màn kịch tiếp nối từ sóng gió Biển Đông hiện nay có nhiều hứa hẹn chuyển hướng và nhiều chuyên gia đã nghĩ tới các quyền lợi khổng lồ mà giới chức đương quyền tại Đông Nam Á, nhất là tại Việt Nam sẽ đối diện trong thời gian tới.
Trong cảnh huống này, tình thế sẽ ra sao?
Mọi người chưa quên vào ngày 5 tháng 6 vừa qua, hai cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội và Sài Gòn đã có không ít tình huống cần lưu ý. Trước hết là cả hai cuộc biểu tình diễn ra do nhiệt tình của dân chúng thúc đẩy, nhưng các phần tử đấu tranh cho dân chủ, tự do đã bị lực lượng công an ngăn cản, bắt giữ trước khi diễn ra biểu tình. Trong khi đó, tại các trường đại học, giới chức lãnh đạo công khai lên tiếng kêu gọi sinh viên không tham gia biểu tình. Sự việc chỉ có thể lý giải là chính quyền bị đẩy vào thế không thể cấm dân chúng bày tỏ lòng yêu nước, nhưng vẫn không dám bày tỏ thái độ quyết liệt với Trung Quốc, đặc biệt là luôn cẩn mật đề phòng ngọn lửa đấu tranh đòi hỏi dân chủ tự do. Tâm cảnh đó cho thấy nhiệt tình phụng sự đất nước nơi tập thể đương quyền luôn quá nhỏ so với mong muốn bảo toàn quyền lợi bè phái. Vì Trung Quốc dù hiện hình là kẻ thù của Việt Nam nhưng vẫn là anh em đồng chí của tập thể đương quyền, nên dựa vào Trung Quốc vẫn có nhiều hứa hẹn được tiếp trợ để bảo toàn địa vị hơn là nghe theo tiếng gọi chấp hành tôn trọng dân chủ tự do của toàn dân.
Từ đây, nếu cần giải đáp ngay câu hỏi đã nêu về tình hình Biển Đông tương lai chắc chắn sẽ là một giải đáp không mấy lạc quan. Bởi hành động ngang ngược do ưu thế quân sự không thể che giấu như những hứa hẹn lợi lộc chỉ nói nhỏ bên tai. Trong trường hợp sau, dân chúng khó thể biết điều gì sẽ xảy ra cho tới khi mọi chuyện thành sự đã rồi.
Xin tạm biệt quí thính giả.