Bình Luận: Biển Đông & Các Hành Động Mới

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Thưa quý thính giả,
Cuối tháng 7 năm 2010, trước diễn đàn hội nghị khu vực ASEAN tại Hà Nội, ngoại trưởng Hoa Kỳ chính thức lên tiếng về vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông với lời lẽ khẳng định vấn đề gắn bó mật thiết tới quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ và đạt mức ưu tiên trong đối sách quốc tế của quốc gia này. Cùng thời điểm đó, Hoa Kỳ đã điều động các hàng không mẫu hạm tới Biển Đông như một hành động biểu dương cụ thể ý chí ngăn cản mọi tham vọng giành trọn chủ quyền vùng biển này của Trung Quốc.
Cho tới thời điểm đó, Trung Quốc gần như thường xuyên xử dụng ưu thế sức mạnh hải quân so với các quốc gia Đông Nam Á tự tung tự tác trên Biển Đông. Thái độ của Hoa Kỳ khiến Trung Quốc phản ứng giận dữ nhưng theo ghi nhận của giới quan sát thì tình hình chung kể từ đó đã có phần thay đổi.
Trước hết là các quốc gia Đông Nam Á không giữ thái độ dè dặt vốn có với Trung Quốc và đã đồng loạt tán trợ việc đặt vấn đề tranh chấp thành vấn đề quốc tế chung thay vì là vấn đề riêng giữa Trung Quốc với từng quốc gia như chế độ Bắc Kinh vẫn đòi hỏi. Bên cạnh đó là ghi nhận về tình trạng giảm nhẹ mức độ hung hăng của hải quân Trung Quốc so với thời gian trước. Trên thực tế, tàu chiến Trung Quốc vẫn hiện diện trên Biển Đông nhưng không còn giữ mức độ hành động đã có là ngang nhiên ngăn chặn hoặc tuỳ tiện bắt giữ các loại tàu bè của các quốc gia trong vùng.
Tình thế bỗng đột ngột đổi thay trong hai tuần lễ vừa qua.
Vào trung tuần tháng 4, Philippines đã gửi một văn thư ngoại giao tới Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách chủ quyền của chế độ Bắc Kinh biểu hiện qua bản đồ thềm lục địa với đường ranh chín đoạn. Philippines cho rằng yêu sách trên “không có cơ sở theo luật quốc tế” và vi phạm chủ quyền của quốc gia này đối với quần đảo Kalayaan tức quần đảo Trường Sa cũng như các vùng biển xung quanh. 
Ngay lập tức, Trung Quốc cũng gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc khẳng định chủ quyền tại Biển Đông và kết buộc chính Philippines đã xâm lược quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa.
Trước lời kết buộc của Trung Quốc, ngày thứ Hai vừa qua, Phi Luật Tân cho biết sẽ xử dụng loại tàu Hamilton do Hoa Kỳ chế tạo để tăng cường tuần tra khu vực quần đảo Trường Sa. Phát ngôn viên của quân đội Philippines phát biểu với hãng thông tấn AFP rằng hải quân nước này cần bảo vệ an ninh cho lãnh thổ và lãnh hải của đất nước mình và Trường Sa là nơi đang cần được bảo vệ.
Sự việc không ngừng tại đó mà phức tạp hơn với quyết định khá đột ngột của Đài Loan. Đảo quốc này không phản đối đường ranh chín đoạn do Bắc Kinh nêu ra, nhưng coi đó là phần lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình. Trên thực tế, Đài Loan đang chiếm giữ một số đảo trong số có hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa là đảo Ba Bình theo tên gọi của Việt Nam. Vào lúc chính quyền Manila và Bắc Kinh gửi thư cho Liên Hiệp Quốc thì Đài Loan cho biết sẽ điều động lực lượng thủy quân lục chiến tới các hòn đảo trong Biển Đông mà đảo quốc này đang nắm giữ. Thông cáo của Bộ Ngoại Giao Đài Loan khẳng định “chủ quyền không thể tách rời” đối với “các quần đảo Nam Sa, Tây Sa” tức Trường Sa và Hoàng Sa “cùng với các vùng biển phụ cận và thềm lục địa.” Thông cáo nhấn mạnh là Đài Loan không chấp nhận bất cứ sự chiếm đóng của quốc gia nào khác tại các vùng biển cùng các hải đảo nói trên và việc điều động lực lượng tinh nhuệ nhất của đảo quốc này tới trấn giữ các hải đảo cho thấy quyết tâm bảo vệ chủ quyền bằng mọi giá. Theo thông cáo chính thức kể trên, việc động binh của Đài Loan sẽ khởi sự vào ngày 27 tháng 4.
Một câu hỏi không thể không đặt ra là do đâu và nhắm ý hướng nào đã khiến khởi phát các động thái trên?
Liên tưởng của giới quan sát là tương quan mật thiết giữa Philippines và Đài Loan với Hoa Kỳ. Trên thực tế, hai quốc gia trên từ hơn nửa thế kỷ qua đã đứng vững nhờ vòng tay nâng đỡ và che chở của Hoa Kỳ. Vậy phải chăng đã đến lúc Hoa Kỳ thấy cần có hành động cụ thể hơn những lời tuyên bố và quyết định được hai quốc gia này đưa ra chỉ thể hiện một bước đi chiến thuật nào đó của chính quyền Hoa Thịnh Đốn?
Giả thuyết này được nghĩ tới bởi hai sự kiện liên hệ tới Trung Quốc vừa diễn ra và có vẻ thu hút sự lưu tâm đặc biệt của chính giới Hoa Kỳ.
Sự kiện thứ nhất là Trung Quốc đã đạt bước tiến mới là thực sự có hàng không mẫu hạm. Nhiều nguồn tin từ chính quyền Bắc Kinh tiết lộ Trung Quốc sẽ khởi dụng hàng không mẫu hạm đầu tiên vào ngày 1 tháng 7 tới đây và mẫu hạm này chở 120 hoả tiễn sẽ đến cảng Hải Nam để phô trương uy lực hải quân trong vùng biển Đông Nam Á. Dù Hoa Kỳ đang giữ thế độc tôn về sức mạnh trên biển tại đây, nhưng các giới chức quân sự đều thấy sự kiện trên là “một thách thức đáng kể.” Nhân vật cầm đầu Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ là đô đốc Robert Willard đã phát biểu là Trung Quốc đang “biến đổi cán cân quyền lực trong vùng.”
Sự kiện thứ hai là từ đầu tháng 4 tới nay, Bắc Kinh liên tục cử đại diện tới Hà Nội và theo các nguồn tin thì Trung Quốc và Việt Nam “sẽ sớm ký kết thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển.” Tiết lộ mơ hồ trên không thể giúp đưa ra kết luận nào, nhưng trên thực tế, Việt Nam có vẻ chưa thoát vòng chi phối của Trung Quốc vì vẫn phải chấp nhận đàm phán tay đôi trong khi các quốc gia liên hệ đều đã đặt vấn đề Biển Đông thành vấn đề quốc tế chung. Điều quan trọng là trong khối Đông Nam Á, quốc gia có vai trò lớn nhất tại Biển Đông là Việt Nam và hầu hết phần lãnh hải cùng các hải đảo mà Trung Quốc cố chiếm đoạt đều thuộc chủ quyền Việt Nam.
Do đó, các động thái từ Philippines và Đài Loan rất có thể không xa ý hướng của Hoa Kỳ là gửi một cảnh báo tới chế độ Hà Nội về thái độ cần có với Trung Quốc, đồng thời cũng có thể coi là một sự chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với mọi diễn biến khó đoán trong tương lai do chế độ Hà Nội sẽ ép mình nhận vai trò công cụ của Bắc Kinh.
Từ đây, ít nhất những động thái mới này cho thấy Trung Quốc sẽ không dễ dàng đạt tham vọng làm chủ Biển Đông như mong muốn. Với riêng người Việt Nam, những động thái này ít nhất đang ngầm chứa lời nhắc về hướng đi cần thiết để bảo toàn chủ quyền và lãnh thổ không thể là sự cúi đầu tuân lệnh kẻ luôn theo đuổi manh tâm thôn tính đất nước mình.
Xin kính chào tạm biệt quý thính giả.
 Uyên Thao