BÌNH LUẬN: ASEAN, BIỂN ĐÔNG VÀ VIỆT NAM?

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Thưa quý thính giả,
Ngày 7 tháng 5 vừa qua, hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 18 đã khai diễn tại Jakarta và một chủ đề được đưa ra thảo luận là tình hình tranh chấp tại Biển Đông. Những ngày trước đó không lâu, Philippines và Trung Quốc đều gửi công hàm cho Liên Hiệp Quốc xác nhận chủ quyền tại vùng biển này, đặc biệt là Trung Quốc khăng khăng xác định toàn bộ các quần đảo tại Biển Đông và gần chín mươi phần trăm diện tích Biển Đông đều thuộc lãnh thổ của họ.
Chỉ vài ngày trước khi khai mạc hội nghị ASEAN, Trung Quốc còn loan báo quyết định gia tăng lực lượng tuần dương để bảo vệ an ninh biển. Tin từ Cục Hải Dương Quốc Gia Trung Quốc cho hay sẽ tăng lực lượng Tổng Đội Hải Giám lên 10 ngàn người và trong 5 năm trước mắt, sẽ có 36 tàu hải giám với các trang thiết bị mới để tăng cường khả năng áp đặt thi hành luật pháp tại Biển Đông theo luật biển Trung Quốc. Báo chí Trung Quốc nêu rõ là Tổng Đội Hải Giám Trung Quốc hiện có 300 tàu các loại, trong đó có 30 tàu trên 1 ngàn tấn cùng 10 phi cơ và trong năm 2010 vừa qua đã đạt thành tích thu 116 triệu Mỹ kim tiền xử phạt các tàu thuyền vi phạm lãnh hải Trung Quốc tại Biển Đông. Ít nhất có 4 quốc gia ASEAN là Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines vẫn thường xuyên phản bác đòi hỏi và các hành vi của Trung Quốc. Tuy nhiên, cả bốn quốc gia này cũng có những bất đồng nên đạt tiếng nói chung vẫn chỉ là mong mỏi. Do đó thành quả mà hội nghị ASEAN đạt được về vấn đề Biển Đông chỉ là sự đồng ý rằng tình trạng tranh chấp sẽ tạo nguy cơ bất ổn trong khu vực. Nhưng giải quyết vấn đề tranh chấp ra sao thì vẫn không có sáng kiến nào ngoài việc khuyến khích thực hiện bản Tuyên Bố về Quy Tắc Ứng Xử DOC mà các quốc gia này cùng Trung Quốc ký kết từ 9 năm trước.
Trên thực tế, năm 2002, Trung Quốc đã ký kết Bản Tuyên Bố này cùng các quốc gia ASEAN, nhưng cho tới nay, lập trường của Bắc Kinh không hề thay đổi. Cùng với đòi hỏi chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, Trung Quốc luôn khẳng định chỉ giải quyết tranh chấp với từng quốc gia chứ không đặt thành vấn đề chung với khối ASEAN. Do đó dù đã ký kết bản Tuyên Bố DOC, Trung Quốc vẫn coi như không có bản Tuyên Bố này và tiếp tục dựa vào ưu thế sức mạnh hải quân hành động ngang nhiên và tuỳ tiện tại đây.
Theo các quan sát viên quốc tế thì một phần thái độ của Trung Quốc và tình trạng thiếu đoàn kết của khối ASEAN đã khởi từ thái độ của Việt Nam. Bởi Việt Nam là quốc gia bị chèn ép và thiệt thòi nặng nề nhất, nhưng cũng chính Việt Nam lại là quốc gia gần như luôn tán trợ lập trường của Trung Quốc. Giữa lúc Indonesia kêu gọi các quốc gia ASEAN đoàn kết để có tiếng nói chung phản bác đòi hỏi của Trung Quốc thì chính quyền Hà Nội mở cửa đón các đoàn đại biểu Trung Quốc với lý do bàn thảo về vấn đề Biển Đông vào tháng 4 vừa qua. Báo chí Việt Nam những ngày đó còn loan tin Việt Nam và Trung Quốc đã đạt nhiều hứa hẹn về cách giải quyết vấn đề tranh chấp tại Biển Đông. Cung cách đó cho thấy Việt Nam chưa hề dứt khoát trong chọn lựa chống lại đòi hỏi của Trung Quốc là giữ vấn đề tranh chấp trong phạm vi giới hạn song phương giữa Trung Quốc với từng quốc gia Đông Nam Á vốn là đòi hỏi không chỉ riêng các quốc gia Đông Nam Á mà chính Hoa Kỳ cũng khẳng định là không thể chấp nhận được. 
Nhưng sau hội nghị ASEAN lần thứ 18 vừa qua, nhiều quan sát viên cho rằng Việt Nam có vẻ đang tỏ ra nghiêng về phía đi ngược đòi hỏi của Trung Quốc.
Ghi nhận đầu tiên về sự kiện này là việc Việt Nam cho tổ chức bầu cử đại biểu Quốc Hội và hội đồng Nhân Dân các cấp tại quần đảo Trường Sa vào ngày 15 tháng 5 tới đây. Trung Quốc đã chính thức lên tiếng phản đối, coi việc làm này là vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.
Ghi nhận thứ nhì quan trọng hơn là việc hải cảng Đà Nẵng đón tiếp cuộc viếng thăm của ba chiến hạm Nga thuộc hạm đội Thái Bình Dương trong cùng thời gian diễn ra hội nghị ASEAN. Báo chí quốc tế nhận định rằng “sự kiện này nằm trong kế hoạch quan hệ quân sự giữa Việt Nam và Nga” cũng chính là “một động thái chuẩn bị đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông.” Đây là điều mà chuyên gia Úc Carl Thayer từng phát biểu khi có tin thủ tướng Nga Putin sẽ chính thức viếng thăm Việt Nam. Theo Carl Thayler, “mối quan hệ Hà Nội - Mạc Tư Khoa thực sự bắt đầu phát triển theo mong muốn hòa nhập quốc tế của Việt Nam” vì đã tới lúc Hà Nội thấy cần “theo đuổi chính sách đa dạng hóa quan hệ với các cường quốc nhằm tìm ra lợi thế ở sự cân bằng nào đó” trước tham vọng của Bắc Kinh. Nhưng hầu hết các chuyên gia đều cho rằng hướng nhắm quan trọng của Hà Nội chính là Hoa Thịnh Đốn chớ không phải Mạc Tư Khoa. Điều này rất dễ hiểu vì uy lực của hạm đội Nga tại Thái Bình Dương quá nhỏ so với Hoa Kỳ trong khi ảnh hưởng Hoa Kỳ tại vùng Biển Đông là một thực tế hiển nhiên và các giới chức cao cấp tại Hoa Thịnh Đốn đã nói rõ duy trì ảnh hưởng này là “lợi ích quốc gia.” Vì thế đối tượng mà Việt Nam phải nhắm tới không thể là quốc gia nào khác ngoài Hoa Kỳ.
Nhưng trở ngại đã và đang khiến Việt Nam chưa thể dứt khoát là viễn ảnh suy giảm, thậm chí tiêu tan quyền lực của tập thể đương quyền. Vì nghiêng về phía Hoa Kỳ cũng đồng nghĩa với sự phải chấp nhận đổi thay trong chính trị, cụ thể là không thể làm ngơ trước nguyện vọng dân chủ của người dân. Chứng cớ về nguyện vọng này đã có quá nhiều và đang tiếp tục phơi bày trước mắt. Các cuộc biểu tình đòi hỏi quyền sống của nhiều thành phần từng liên tục xẩy ra và ngay thời điểm này cuộc biểu tình của hàng ngàn người thuộc sắc tộc H’Mong song hành với các cuộc cầu nguyện bền bỉ của tín đồ Thiên Chúa Giáo, Tin Lành từ Bắc vào Nam mong mỏi bình an cho những người đấu tranh vì dân chủ tự do đã cho thấy rõ thái độ bất bình của nhiều tầng lớp dân chúng trước chủ trương áp chế của tập thể đương quyền. Cùng với tình trạng dân tâm bất ổn đó là nguy cơ kinh tế suy sụp qua tình trạng lạm phát gia tăng, nhất là qua nạn đói kém đang xẩy ra tại nhiều địa phương thuộc các tỉnh Thanh Hoá, Thừa Thiên, Trà Vinh… Ý nghĩa không thể phủ nhận của tình trạng này là đời sống ại đa số dân chúng đang bị đe doạ nặng nề do các chủ trương chính sách mà tập thể đương quyền vẫn theo đuổi. Trong trạng huống đó, một sự thay đổi về chính trị có thể sẽ dẫn tới sự sụp đổ hoàn toàn chế độ. Nhưng nếu không thay đổi lại khó tránh khỏi nguy cơ bị lấn áp từ chế độ Bắc Kinh vì không tìm nổi bàn tay nâng đỡ hữu hiệu.
Tập thể đương quyền Hà Nội đang đứng trước một nan đề mà tham vọng thủ trì quyền lực không bao giờ giúp giải đáp nổi.
Xin kính chào tạm biệt quý thính giả.
 Uyên Thao