Xuân Này Con Vẫn Chưa Về

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

Tùy Bút

 
Thu Nga
 
"Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều"
 
Ca dao
 
Mạ!
 
Một mùa xuân nữa lại về rồi đó. Lại một mùa xuân nữa, con vẫn xa quê hương và con biết lại một mùa xuân nữa mạ mỏi mòn trông ra cửa, mỏi mắt đợi chờ con. Mạ ơi! cứ mỗi lần xuân lại, lòng con lại ray rứt đau buồn, nhưng chắc chắn ở quê nhà lòng mạ còn buồn đau nhớ thương con gấp bội, vì con biết lòng mạ lúc nào mà không thương con như biển hồ lai láng.
 
Ngày mà cùng chồng và 2 đứa con chạy ra bến tàu để bỏ nước ra đi là ngày con xa mạ vĩnh viễn. Ngồi trên boong tàu, trong cảnh hỗn độn, người nằm la liệt chung quanh, con nhớ mạ đến đau đớn cả ruột gan. Từ đó đến nay, thoắt một cái mà đã 19 năm trôi qua trên mái tóc.
 
Mỗi lần xuân về, con cũng biết bắt chước mạ, làm một mâm cơm cúng ông bà. Mấy năm sau này, khi được mạ gởi cho tấm ảnh cũ của ba, con đã phóng lớn để trên bàn thờ, nên con cũng khấn cầu ba về chứng giám cho tấm lòng thành kính thương yêu của con đối với ba. Mặc dù khi xưa đã nhiều lần con đồng ý với chị Thảo, ba là người cha không trách nhiệm, đã nỡ dứt tình vợ con theo lời đường mật của những kẻ thờ chủ nghĩa vô thần, ra Bắc tập kết.
 
Nhìn làn khói mờ ảo, tỏa nhẹ trên đầu những cây nhang và ngửi được mùi hương trầm quen thuộc, lòng con bỗng rung rung bao cảm xúc, cả một thời kỷ niệm ấu thơ bên mạ chợt bừng bừng sống lại. Ôi! những mùa xuân êm đềm, những mùa xuân của tuổi thơ ngây trong vòng tay thân thương của mạ, nay đâu còn nữa mạ ơi!
 
Con nhớ như in vào khoảng giữa tháng chạp, là mạ bắt đầu làm bánh mứt. Nhũng món mứt dừa, mứt bí, hạt sen, gừng, me...với cái vỏ áo bằng đường trắng tinh mát mắt. Con ngồi say mê nhìn mạ trộn từng thau nọ đến thau kia những lớp đường dẻo quẹo trước khi bắt đầu khô. Con vét những mảnh vụn ở đáy thau bỏ vô miệng nhau rau ráu, rồi hít hà với miếng mứt gừng vừa ngọt lịm vừa cay xé vành môi - người ta dặn mạ, phải làm cho cay thì thưởng thức mới đậm với trà ngon.
 
Con thích nhất là món mứt me làm dẻo, bỏ vào miệng thì thật đúng "vừa ngậm, vừa nghe", chất chua còn sót lại, ứa ra từ kẻ răng, làm con nuốt nước miếng mãi vẫn còn thòm thèm. Mạ bảo để mạ cân cho đủ ký người ta đặt rồi mạ cho ăn. Mạ làm mứt ngon nhất xóm, cả xóm trên, lẫn xóm dưới. Mạ làm không hở tay, nhà lúc nào cũng rộn rịp người lui tới đặt mứt. Mạ còn làm thêm bánh thuẫn, bánh hột xoài, bánh kẹp. Con ăn no nê những cái bánh thuẫn vàng tươi, thơm lừng mùi hột gà, những cái bánh hột xoài ngọt ngào dừa nạo và bùi bùi trong miệng những hột mè rang vàng ngậy, béo dòn...
 
Mặc dù nhà không có đàn ông, mạ cũng chăm chút được mấy chậu thược dược, vạn thọ và cúc để ba ngày Tết được tươm tất hơn. Chị Thảo hơn con bốn tuổi, nhưng rất đảm đang - mạ lo làm mứt để bán thêm trong những ngày cuối năm - chị phải lo trông coi cái cửa hàng xén nho nhỏ để mạ rãnh tay. Buổi chiều dọn dẹp hàng hóa lại xong, chị lại lo phụ mạ làm cơm chiều cho ba mạ con cùng ăn. Chỉ có con là con út, sướng nhất, mạ chỉ sai vặt mà thôi, mạ hay nói:"Con ni đoảng hậu lắm, sai chi hắn cũng làm hư, chỉ có ăn là hắn làm được mà thôi".
 
Sáng sớm ngày 30 Tết là mạ thật bận rộn nấu một mâm cơm có đủ canh, đồ xào, thịt kho, cá mặn để cúng ông bà. Bên cạnh mâm đồ mặn lại còn có xôi và chè xanh đánh. Không ai có thể nấu chè xanh đánh ngon bằng mạ được. Mạ ngâm đậu cả một đêm cho mềm, lượt vỏ thật sạch, không còn một tí lợn cợn màu xanh, cả nguyên rổ đậu vàng nhánh để thật ráo nước trước khi nấu. Ðậu chín mềm mụp, mạ dùng hai cây đũa cả, đầu vót dẹp, đánh đậu thật mạnh tay, đậu nát nhừ, mịn láng như xay bằng máy. Kỹ thuật nấu chè xanh đánh là không nhão, không đặc, ngọt lừ, nuốt khỏi cổ là mát cả ruột gan. Mùi thơm và chất béo của đậu như còn đọng lại trên đầu lưỡi làm cho mình muốn được ăn thêm mãi. Mà ăn chè xanh đánh của mạ là phải thưởng thức chớ không phải ăn no. Mạ múc chè ra từng cái chén kiểu nhỏ xíu, coi thật đẹp mắt, thật hấp dẫn. Bên cạnh mấy cái đĩa xôi cũng nhỏ xíu, màu trắng của nếp trộn lẫn với màu đậu xanh vàng mịn.
 
Con gà cồ được mạ làm rồi, con chỉ phụ mạ ngồi nhổ mấy cái lông còn sót lại. Bây giờ chú gà cũng đã được trang trọng bầy chung trên mâm cỗ. Ðầu chú gà, mặc dù cái mồng vẫn còn, nhưng không còn cái dáng hùng dũng nữa, mà lại ngoẹo đầu về một bên. Hai chân chú nằm thẳng cẳng lên trời. Mỗi lần cúng xong được ăn con hay xin mạ gặm cái chân, mạ bắt phải ăn cả hai cái, mạ nói nếu ăn một chân, đi sẽ bị run đầu gối.
 
Ngày trước đó, mạ cũng rô ti một miếng thịt đùi và một miếng thịt bò để khi nào chán ăn cơm, chị Thảo và con xắt thịt, xắt dưa leo, rau thơm cuốn với bánh tráng, đổi bữa.
 
Ðến xế trưa, việc cúng ông bà đã hoàn tất, mạ thúc hối chị Thảo để làm cho kịp nồi bánh chưng, bánh tét. Ðến chiều, nồi bánh dưới bàn tay khéo léo của mạ cũng đã gần xong. Con năn nỉ chị Thảo gói cho con những cái bánh tét nhỏ xíu, cứ hai cái, chị lại cột lại với nhau thành một cặp. Mạ sắp bánh vô trong cái nồi to tướng, thật chặt, đổ nước thật đầy, bắc trên cái bếp làm bằng ba cục gạch, chụm bằng củi. Con hớn hở nhìn ngọn lửa bập bùng reo vui ở sau hiên nhà, mong nồi bánh mau chín để được lãnh phần những cặp bánh tí hon. Thỉnh thoảng mạ nấu nước sôi trong cái soong lớn châm thêm để nước lúc nào cũng ngập mặt bánh, tránh cho bánh khỏi bị sượng.
 
Dù làm túi bụi cho kịp cúng giao thừa, mạ cũng phải dặn dò chị em mắt trước, mắt sau kẻo trộm lại viếng. Mạ nói hồi còn nhỏ mạ đã thấy ăn trộm rinh nguyên cả nồi bánh tét của bà ngoại còn nấu trên lò. Mạ lại kể, ở Huế, khi ăn trộm viếng nhà, hắn hay lấy cái nồi đất giả làm cái đầu, đút vào cái vách đã được khoét lỗ, nếu chủ nhà sớn sác, thấy cái nồi tưởng cái đầu, hấp tấp lấy gậy đánh, thì ở ngoài hắn biết động ổ, sẽ chạy mất. Nhưng có nhiều người tinh mắt, khôn ngoan, thấy cái nồi, cứ yên chí rung đùi chờ. Ở ngoài thằng ăn trộm thấy không ai đánh cái nồi, tưởng chủ nhà đi ngủ, kéo cái nồi ra, bò vào, lúc đó mới bị lãnh đủ, nghe nói có tên trộm lãnh cả một cái cây xuyên qua lưng. Nghe nói bắt khiếp! trống ngực c8a con đã lo đánh lô tô. Con thì thầm hỏi chị Thảo:
 
- Rứa hồi túi tới chừ, chị có thấy cái chi khả nghi không?
 
Chị Thảo lắc đầu:
 
- Không! mi coi chừng tau đi lấy cuốn truyện ra đây ngồi đọc chơ tau sợ tau buồn ngủ rồi đây nì!
 
Con níu chặt tay chị:
 
- Ư! ư! em không chịu mô! sợ lắm! mạ mắc sửa soạn đồ cúng, em ngồi đây một mình sợ lắm, không chịu mô!
 
Thấy vẻ mặt hoảng hốt của con, chị Thảo đành phải thở dài chờ mạ ra mới đi được.
 
Mạ canh giờ thật hay, gần tới giao thừa thì nồi bánh tét vừa chín tới, mạ lấy một cặp, cắt mỏng để bày cho đủ lễ bộ trên bàn thờ, cùng với một mâm trái cây đủ thứ quả: đu đủ, quýt, cam sành, bưởi, chuối, dưa hấu v...v...
 
Mạ đứng thật lâu trước bàn thờ khấn vái. Con không biết mạ khấn gì mà lâu lắm con mới thấy mạ gật đầu lạy ba cái và trịnh trọng cắm nhang vào cái ly cắm hương. Mặt mạ trang nghiêm, mắt mạ thoáng buồn nhưng thấy tụi con nhìn, mạ cố gắng tươi tỉnh vì mạ đã dặn, Tết không được buồn, xui cả năm. Ở trước sân, mạ cũng bày một mâm trái cây thật đẹp mắt để cúng ông bà "trong đất trong đai". Chờ cho nhang tàn, cả trên bàn thờ lẫn trước sân, mạ lấy một cái thùng thiếc nhỏ, đốt tiền vàng để ông bà có đủ tiền tiêu Tết. Mạ làm những việc đó rất cẩn thận và thành kính, con cũng cảm thấy gai gai trong mình như thể cảm thấy được những vong hồn khuất mặt đang ở quanh quẩn đâu đây.
 
Sáng dậy, mồng một Tết, chị Thảo và con được mạ cho thay đồ mới, con được mạ chải đầu, cột nơ. Chân cũng được trịnh trọng xỏ trong đôi guốc mới tinh còn thơm mùi nước sơn. Tụi con được mạ dẫn đi chùa, lễ Phật, hái lộc. Mạ lì xì cho tụi con với những tờ giấy bạc còn nguyên nếp mà mạ đã cố gắng đổi trước đó cả tháng. Mạ đã bỏ sẵn nhiều tờ giấy năm mười đồng trong những phong bì đỏ cho con nít hàng xóm. Ngày mồng một Tết, hàng xóm, bà con hay lại thăm mạ trước, đến ngày mồng hai, mạ mới đi chúc Tết lại, mạ ngại không có chồng bên cạnh, đầu năm sợ họ kiêng cữ mạ đơn độc.
 
Lớn lên một tí, con mới hiểu và đoán rằng, mỗi lần xuân về, mạ lại nhớ đến ba, mạ cầu khẩn van xin ơn trên gia hộ để một ngày nào đó, ba lại trở về bên mạ con mình. Mạ ơi! nhớ đến đó, lòng con đau như dao cắt. Vậy mà mấy chục năm trời, mạ dấu nỗi buồn trong tận cùng tâm não, không bao giờ con nghe mạ oán than ba. Mặc dù, khi ba đi, lúc con lên năm tuổi, con nhớ mạ đã khóc nức nở từng hồi trong đêm ba đi theo bác Tịnh.
 
Ðêm ấy trời rất âm u, gần Tết, lúc nào đến thăm ba, bác Tịnh cũng đến ban đêm khuya khoắc, ba rù rì nói chuyện với bác ở nhà trong, bên cạnh cây đèn đã được vặn nhỏ tối đa. Sau vài lần bác Tịnh tới thăm thì ba đi theo bác, không bao giờ trở về nữa.
 
Khi có đủ trí khôn, con nghe mạ nói ba đi "Tập Kết". Mạ tránh nhắc đến ba. Mắt mạ hay long lanh ướt. Chị Thảo có vẻ oán hận ba nhiều lắm, còn con lúc ấy non nớt quá. Con cũng được bác Nhu, chị họ của ba nói cho biết mạ là con nhà trâm anh, thế phiệt, ưng ba, xuất thân từ một gia đình lam lũ, không môn đăng, hộ đối, nên ông ngoại đã từ mạ. Mạ vì tiếng gọi của tình yêu, theo ba đi xứ khác lập nghiệp. Vậy mà sau khi chỉ hai mặt con, ba nỡ đành đoạn nghe theo lời dụ dỗ của những kẻ điên cuồng, bỏ mạ lại sau lưng với hai đứa con còn non dại. Mạ vẫn một lòng vững chí nuôi con một mình cho đến lớn khôn. Nhưng mỗi lần xuân về, vết thương lòng chưa kín miệng, vẫn còn mưng mủ của mạ lại động, mạ hay khóc âm thầm.
 
Nhất là lúc chị Thảo đi lấy chồng, nhà chỉ còn mạ và con. Chồng chị Thảo là lính tác chiến rày đây, mai đó, chị phải đi theo chồng xa xứ, nhà mình lại càng đơn chiếc. Ðến ngày Tết, đôi lúc chị Thảo cũng về thăm nhà. Mạ vui hơn, mứt bánh mạ vẫn làm đều đều và vẫn còn hấp dẫn như xưa. Con vẫn còn ở bên mạ, thay chị làm việc nhà giúp mạ, ngoài lúc cắp sách đến trường, như lời chị giao phó "Em ơi, em ở lại nhà, vườn dâu em đốn, mẹ già em trông". Con hay nũng nịu với mạ rằng:
 
- Mạ ơi! con không bao giờ lấy chồng để con được mãi mãi ở bên cạnh mạ, mạ ơi!
 
Mạ cười hiền, tát yêu vào má con:
 
- Ðứa con gái nào cũng nói như rứa! cho tới hồi gặp người hắn vừa ý t hì hết mạ với con!
 
Con lắc đầu quả quyết:
 
- Con nhất định làm rứa! để mạ coi!
 
Vậy rồi đúng như lời mạ nói, con lấy chồng và con xa mạ. Ngày con lên xe hoa, mạ vừa cười, vừa khóc. Con thương mạ lắm, nhưng "mẹ kêu mặc mẹ, thương chồng vẫn cứ theo (chồng)".
 
Cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt, con và chị Thảo lại càng đi xa mạ. 30 tháng 4 năm 1975, con và gia đình đã xa mạ vĩnh viễn. Chồng chị Thảo bị đi học tập cải tạo, chị dọn về ở với mạ cùng hai đứa con thơ. Rồi oái oăm thay, bao năm son trẻ chồng đi biệt, nay đã hơn sáu mươi, ba lại lù lù hiện về để mạ lại học lại bổn phận làm vợ lúc tuổi xế chiều! Ba ra bắc mấy chục năm, kết hôn với một người đàn bà Bắc nhưng bà nầy cũng đã mất từ lâu, ba đã có hai con với bà ta.
 
Ðọc thơ mạ, con thương mạ vô tả, đời của mạ thật nhiều trái ngang. Nhưng với tâm hồn độ lượng và khoan dung, mạ vẫn đón nhận ba cùng hai đứa con của vợ kế với một sự chịu đựng vô bờ. Mạ kể, bao nhiêu đồ đạc trong nhà, hai đứa em khác mẹ của con lần lượt khuân ra bắc. Ba thì dĩ nhiên đã thay đổi hoàn toàn, không thể nào hợp với mạ, nhưng mạ vẫn tử tế và nhẫn nhục đủ điều. Ba không làm gì để giúp đỡ chồng chị Thảo lại còn mắng nhiếc chồng chị là lính "Ngụy" nên bị "trừng trị" là phải! Chị Thảo đã giận nên không còn ở chung với mạ nữa cho đến lúc chồng chị đi "học tập" về, chị vẫn ở riêng, anh chị chỉ đi thăm mạ, lúc ba không có ở nhà. Mạ âm thầm sống bên cạnh ba đến mấy năm cho đến khi ba bị bệnh mất.
 
Trước khi nhắm mắt, ba chợt tỉnh ngộ (hay ba đã tỉnh ngộ từ lâu mà không dám thú nhận?), cầm tay mạ thều thào:
 
- Bà và hai con hãy tha thứ cho tôi!
 
Chỉ một câu nói đó thôi, là như nước vỡ bờ, là cả một biển sóng dâng cuộn trào làm nát tan lòng mạ! Mạ như một cây khô chờ gãy, câu nói của ba như ngọn giớ lớn cuối cùng xô mạ xuống, mạ ngất đi bên cạnh ba, sau khi gật đầu chấp nhận lời cầu xin tối hậu của ba- Còn họ hàng của gia đình bà vợ sau của ba, vào phúng điếu mà xin hết cái nọ đến cái kia không từ một thứ gì. Mạ chán nản và lợm giọng nên cũng "thí cô hồn" cho chúng để được yên thân. Và cũng vì lời trối trăn của ba, mạ nhất quyết không chịu cho con bảo lãnh mạ sang, ở lại để chăm sóc mộ phần cho người chồng lầm đường, lạc hướng cho trọn đạo.
 
Mấy năm sau này, chị Thảo đã dọn về ở với mạ, chị viết hơ, nói mạ đã quá già yếu, mạ trông con về mỏi mòn từng ngày, từng tháng. Mạ hay nói:"răng con Thư không về thăm mạ?" Con đọc thơ mà lòng đau như xé. Mạ ơi! đất nước ly tan vì giặc thù Cộng Sản. Chúng là loài lang sói, nói đó rồi nuốt lời. Sau khi chi đôi đất nước, chúng vẫn muốn xâm lăng lãnh thổ miền nam. Hội nghị Paris cũng không cản được bước chân ăn cướp của chúng. Mạ có nhớ chăng, đã bao lần kêu gọi hưu chiến rồi vẫn ào ào kéo quân xâm nhập, vẫn pháo kích vào thành phố trong những ngày xuân? Tết Mậu Thân vẫn còn ghi trong sách vở, nên tin làm sao được giọng lưỡi của những kẻ vô thần mà về. Cả hàng triệu người, lớp lớp bỏ quê hương xứ sở ra đi tìm tự do, biết bao nhiêu kẻ đã làm mồi cho sóng dữ, cho hải tặc...nhất quyết không nản lòng. Ngày nào còn bóng dáng của lũ chồn hôi, thì con không thể nào về được.
 
Nhưng như bao triệu đồng bào, trong cũng như ngoài nước, ai cũng thấy rằng chủ thuyết phi nhân của Cộng Sản đang rẫy chết, ánh sáng tự do đang hồi sinh. Ngày về của những đứa con tha hương chắc chắn đã gần kề. Con biết mạ như ngọn đèn trước gió, mà dầu trong đèn thì sắp cạn, mà hàng ngày vẫn le lói, tựa cửa đợi con, mỏi mòn ngấn lệ. Con van mạ hãy cố gắng đợi chờ một ngày mai không xa, gia đình mình được đoàn tụ trên mảnh đất thân yêu. Con sẽ về quỳ gối bên mạ để xin mạ thứ tha. Con bất hiếu này xin gởi về mạ tất cả lòng thương kính ngút ngàn trong mùa xuân hy vọng. Nhưng xuân này con vẫn chưa về được mạ ơi!
 
Thu Nga
(Trích tuyển tập "Bên Bờ Hạnh Phúc", xuất bản năm 1999)