Tùy Bút Vàng Thu
Submitted by SaiGon1600AM on Mon, 11/23/2015 - 18:12.
Printer-friendly version
Trong hồ những chiếc lá sen bây giờ chỉ còn lại những cọng khô tự bao giờ. Hồ sen nhỏ làm bằng chậu cao su, chứ không phải ao sen ở đâu đó của Việt Nam thời xa xưa để thấy trong ao thu “có chiếc thuyền câu bé tẻo teo” của cụ Nguyễn Khuyến, nhưng chỉ thấy “lá vàng trước gió sẽ đưa vèo .
Lại một mùa thu nữa nơi đất khách. Một mùa thu nữa xa quê hương. Những thân cây quen thuộc ở sau nhà cứ tuần tự mùa xuân mang áo xanh mới, mùa thu áo cũ thành vàng, rách tả tơi. Lá đâu mà nhiều thế! Cây nhà mình rụng, cây nhà hang xóm rụng, bay lung tung rồi đậu trên cỏ nhà ai nấy quét.
Thời gian trôi quá nhanh, 40 mùa thu đã trôi qua trên mái tóc, những đứa con đã quá tuổi trung niên, lớn hơn mình khi mới đặt chân lên đất Mỹ. Những đứa cháu nội ngoại, tưởng như mình mới đi thăm khi nó mới chào đời mà nay có đứa đã vào đại học. Tuổi thơ của con nít ở Mỹ sung sướng, đầy đủ hơn thời của mình ở Việt Nam. Với nền văn minh, tân tiến và con nít lại là thành phần được ưu đãi nhất nên tr ẻ con ở Mỹ được sống quá sung sướng, dư thừa. Cứ nhìn tủ đồ chơi của chúng là thấy ngay một sự sung túc dồi dào, khi còn bé tí thì có vô số những con thú nhồi bông, búp bê, xe lửa, xe hơi, tàu bay, tàu thủy chất đầy phòng….tới khi đã biết chơi chơi trò điện tử thì nào là computer, ipad, iphone…không thiếu một thứ gì! Cắm trại thì được nhà trường tổ chức chu đáo, có khi lại được đi xa tiểu bang khác, các em trung học lại có những dịp được đi du lịch ngoại quốc nữa!
Thế nhưng mỗi thời đại, thời thế tuy thay đổi, nhưng tuổi niên thiếu có được những niềm vui khác nhau. Ai mà không nhớ những trò đánh banh, chuyền thẻ, đá kiệng, đá dế, nhảy dây…Những chiếc lều cắm sơ sài nhưng ấm cúng với lửa trại. Không có phone, nên những cuộc hẹn hò ánh mắt, bằng trang thơ viết vội, những trang nhật ký, những tấm thiệp chúc Tết tô vẽ bằng tay, nắn nót viết những lời trìu mến tự đáy lòng….Vì thế không ai trong chúng ta lại không nhớ thương những ngày tháng nơi sân trường lớp học, từ thuở tiểu học cho đến trung học là thời gian, có lẽ ,trong mỗi đời người là thời gian đẹp nhất. Vì đó là tuổi mộng mơ, tuổi của những mối tình đầu non dại.
Mới đó mà đã 40 năm trôi qua, 40 mùa lá vàng tan tác! Ngày ra đi tóc còn xanh thẳm mà nay có người đã bạc phếch, có người muối nhiều hơn tiêu, đàn ông thì phần đông để yên cho thời gian tự do trườn trên mái tóc, nhưng đàn bà thì dầu không phải là “giai nhân” nhưng vẫn nhất định ví mình “ tự cổ như danh tướng”, không muốn nhân gian thấy cái đầu tóc bạc, dầu muối nhiều hơn tiêu hay tiêu có nhiều hơn muối cũng trông thấy thảm lắm, nên nhất định phải “dối già”; vì thế nên ít khi thấy bà nào quá 60 mà đầu tóc trắng. Tuy nhiên, dầu có dối già cách mấy, nhưng khi nhìn lại đàn con- và bây giờ nhìn đàn cháu- thì không cần nhắc cũng biết mình đã đi vào đoạn cuối của cuộc đời. Mà lạ một điều, khi còn bé ta mong làm sao thời gian chạy nhanh nhanh để chúng ta được làm người lớn. Có những mơ ước ngây ngô nhưng thật dễ thương, muốn trở thành cô giáo để được đứng trước bảng đen, tay cầm phấn dạy học sinh làm bài, hay tay ôm con búp bê và mong một ngày mình lớn, có con để ru ẳm nâng niu.
Quay quắt nhớ thương quãng đời niên thiếu và quay quắt nhớ thương quê hương xa nửa vòng trái đất! Nhớ làm sao tiếng lao xao của sân trường lớp học, có lũ bạn thân thương cùng sánh bước tới trường! Nhớ làm sao cặp sách chứa đựng bao nhiêu bài tập mà còn chứa nào me, nào cóc, ổi xoài, cả một gói muối ớt!. Nhớ làm sao quán cóc của ông già gác trường. Bán cho “ly quần lãnh”! - tức là ly chè đậu đen, hay một ly nước mía, một cây kem có đậu xanh. Ở đây cũng có những thứ nhu chè đậu đen, đậu đỏ, hay những cây cà rem đủ mùi vị, những trái ổi, cóc cũng ngâm trong nước cam thảo vàng lườm nhưng sao mùi vị không thể nào so sánh được với những hương vị đặc biệt năm xưa.
Nhất là tới mùa tan trường trong dịp hè hay Tết, không khí vừa nôn nao vừa bồi hồi không sao tả được. Học sinh giỏi được những món phần thưởng có bao giấy kiếng mà đỏ rực rỡ, bưng không muốn nổi. Rồi tới những giờ tập hát, tập múa cho buổi văn nghệ tan trường. Có những giáo sư có khiếu về âm nhạc tập hát, tập múa cho học sinh.
Ngoài văn nghệ còn làm bích báo. Lúc thời bấy giờ, không có máy đánh chữ, nên những trang bích báo đều viết bằng tay. Các anh chị nào viết đẹp thì phụ trách viết, bích báo có đủ truyện, thơ, tranh vẽ cũng toàn bằng tay, handmade, homemade, đẹp vô cùng.
Phần đông con gái chúng tôi, đứa nào cũng thích văn nghệ, múa hát. Năm đệ lục có hai giáo sư, một người tập cho chúng tôi hát, người kia tập vũ. Tôi nhớ thầy dạy hát, khi tới điệu “slow rock” thầy lấy những đốt ngón tay ấn xuống bàn tạo thành những “trường canh” nhạc để chúng tôi không trật nhịp. Giáo sư kia dạy chúng tôi những điẹu vũ rất lạ mắt. Thời bấy giờ không có đồng phục như các đoàn thể bây giờ, ai có gì bận nấy. Tôi nhớ dịp gần Tết, khi được mạ sắm cho bộ quần áo mới, tôi xin mạ bận trong dịp trình diễn văn nghệ cuối năm trên sân khấu. Bận xong, về giặt ủi và xếp lại chờ Mồng Một Tết mới đem ra bận lại- Đó là chiếc quần tây bó ống có sọc và chiếc áo sơ mi màu vàng, mạ mua ở một tiệm sang trọng ở dướỉ phố Tuy Hòa gọi là “áo hộp”.
Những năm chưa lên trung học thì sau khi đi chọn vải với Mạ ở phố xong, đưa vải cho chị Ba ở xóm dưới may áo. Mỗi ngày rỗi rãnh tôi hay ghé vào xem áo mới đã may chưa. Lúc tôi còn học tiểu học, mạ hay mua cho những đôi guốc có sơn đủ màu hoa lá cành. Đôi guốc nào mạ cũng mua trừ hao, áo quần cũng vậy, mua sẵn hay thợ may gì mạ cũng có màn “trừ hao”, do đó, khi mới thì mặc rộng, dài, tới khi mặc vừa thì đã cũ. Thế nhưng đôi guốc sơn không chịu mòn, mà chờ tới Tết thì lâu quá, nên tôi phải dung kế để mạ phải mua guốc mới, tôi dung cái rựa của ba làm vườn, chặt phứt cái gót guốc. Mạ phát giác ra việc này không khó là vì gót guốc mòn tự nhiên khác, mà gót bị dao chặt mòn khác. Vừa bị ăn đòn mà cũng không có guốc mới!
Tới khi lên trung học được mang guốc Đa Kao, gót nhọn, dưới gót là cục cao su. Cục cao su này mang một thời gian là mòn, mỗi bước đi là nghe tiếng gót sắt gõ lóc cóc rất khó chịu. Bữa nào bị thầy cô gọi lên bang đen trả bài, mấy cô có đôi guốc mòn đế đau khổ lắm. Từ bàn lên đến bảng đen tưởng như vô tận. Để tránh trường hợp đế guốc mòn bất tư, mỗi đứa chúng tôi lúc nào cũng có hộp quẹt, đèn sáp và một cái cây sắt nhỏ. Khi gót bị mòn, dung cây sắt nạy ra, thường thường nạy ra không hết phải đốt nến, hơ vào gót cho cao su chảy ra hết, xong mới vặn gắn những gót cao su mới vào được. Thành ra nhiều khi trên đường về nhà, hay tới trường, nhiều cô phải ngồi xuống bãi cỏ vệ đường thay đế guốc.
Tuổi ô mai của chúng tôi được an vui cắp sách đến trường, nhưng cũng hiểu ở nhiều nơi, chiến tranh đang diễn ra vì tiếng sung, tiếng đại bác ở đâu đó không xa, vẫn vẳng về nơi phố thị. Những đoàn xe con-voi chạy rầm rập ngang qua thành phố. Nhiều đêm có thể nhìn thấy ánh sáng hỏa châu ở đâu đó tận cuối trời. Những bạn bè khi xong phần trung học đệ nhất cấp đã lên đường ngập ngũ. Có những đôi bạn đang yêu đương thắm thiết đã phải chia tay. Có những đứa trong chúng tôi, mới xong trung học đã lấy chồng vì hoàn cảnh gia đình. Những đứa còn lại hang ngày cắp sách đến trường với những mối tình ngây thơ, trong sáng.
Lúc này thơ tiền chiến được các nàng chép tối đa và thuộc làu làu. Nàng nào mới biết yêu thì nào là “yêu là chết ở trong lòng một ít, vì mấy khi yêu mà chắc được yêu” (Xuân Diệu) . Hay lúc đau khổ thì lại than “cười là tiếng khóc khô không lệ” (Xuân Diệu). Ngoài ra những bài thơ của Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng thì các nàng đều có đầy một bụng. Thơ được nắn nót chép trên những tờ giấy perlure mỏng đủ màu xanh, vàng, hồng, trắng đẹp nõn nà.
Trước khi nghĩ hè, ngoài việc chép những bài thơ tặng nhau, còn có mục viết “lưu bút”. Những trang lưu bút ngây thơ, được viết nắn nót, lại còn được dán thêm một tấm hình ở một góc. Nào là nhớ thương, đừng quên nhau v…v…nhưng thật ra, hè thì cũng vẫn gặp nhau, vẫn “mày mày, tao tao” trong những lớp hè, nếu không thì cũng kéo nhau đi dạo phố ăn hang- mà làm như mỗi đứa một chân trời không bằng! Còn những tấm hình thì ai cũng đẹp trai, đẹp gái dầu hơi ngây ngô một chút. Các cô nếu tay không cầm dù, thì cũng cầm quạt, nụ cười run run vì cười lâu quá mà bác phó nhòm mãi lo sắp xếp cây cảnh, sửa cái này, vuốt cái kia, chưa kịp bấm máy, nên khi máy được bấm “click” thì nụ cười đã méo xệch hoặc trở thành gượng gạo thấy tội nghiệp. Con trai thì áo quần cũng bảnh bao, đầu chải bóng láng. Đôi mắt của anh chị nào cũng như đang mơ một thiên đường nào đó.
Rồi lần lượt những niên học bắt đầu, những niên học kết thúc và cuối cùng, ngưòi nào có khả năng đi đại học thì vào Sài Gòn hay ra Huế, hoặc đi học sư phạm Qui Nhơn, có người đã lên xe bông, tay bế tay bồng. Rồi chiến cuộc lan dần cho tới khi mất nước vào tay Việt Cộng từ phương bắc!
Một mùa thu khi mạ lên thăm tôi ở Pleiku, mạ cho biết tin tức của những đứa bạn năm nào, đứa lấy chồng, đứa dạy học, đứa đi xa. Tôi vân vê đôi vớ và chiếc áo len của đứa con trai đầu lòng vừa 4 tháng, đôi vớ là của Th., con bạn thân nhất của tôi tặng cháu. Rồi cũng mùa thu năm nào, khi tôi đang ở Mỹ nghe tin chiếc thuyền chở người tị nạn trên đó có Th. đã mất tích. Lòng tôi lúc nào cũng bồi hồi mỗi khi nghe bài hát “xác em trôi ở phương nào”. Tôi nhớ đến Th., nhớ đến những đứa bạn thân thương của thời niên thiếu cũ. Họ đang trôi giạt phương nào?!
Mùa thu về, hoa cúc vàng lưng giậu, lòng quay quắt nhớ những chậu hoa cúc vàng của những ngày tháng đón xuân sang ơi quê xưa làng cũ. Ở nơi đó, bên cạnh những chậu cúc vàng chen nhau khoe sắc với hoa thược dược, hoa vạn thọ, thủy tiên. Chậu mai vàng đã được chiết lá từ cả tháng trước, đang mở vàng rực một góc sân.
Từ thu sang Noel không xa. Noel cũng là mùa thương nhớ. Dầu có đạo hay không có đạo tới đêm Noel cũng lũ lượt đến nhà thờ chen chúc xem những vũ khúc, hay những màn kịch diễn tả lại cảnh Chúa Hài Đồng giáng sinh nơi máng cỏ. Nơi sân nhà thờ cũng có những cặp đang hẹn hò nhau, hay cũng là những bước đầu tiên của những bài thơ sau đó chép vội gởi cho nhau.
Trong xóm đã có những hang đá làm bằng giấy bồi, carton cũng được dựng lên. Những bóng đèn chớp lóa xanh đỏ, thu hút trẻ con hang xóm tới xem. Đây cũng là dịp để cả con nít lẫn người lớn nhìn ngắm hòn non bộ của chú Tống. Thường khi cửa rào nhà chú hay khóa vì sợ tụi nhỏ vào phá phách hòn non bộ. Thế nhưng tới khi anh Phú dựng hang đá Noel lên, đèn hoa lấp lánh thì chú lại mở cửa rào vào để hang xóm vào chiêm ngưỡng và một điều lạ hơn nữa là chú không phải người Công Giáo. Trên hòn non bộ của chú đủ loại tượng Phật và các hình tiên ông, tiên bà, tiên cô, tiên cậu gì cũng có! Nước suối chảy róc rách nghe thật vui tai.
Thế nhưng khi chú qua đời, anh Phú cũng không còn dựng hang đá trong mỗi mùa Noel nữa. Người yêu của anh, chị Thắm đã lên xe bông với một người có đạo Công Giáo như chị. Sau đó gia đình anh dọn đi xứ khác. Mỗi lần tôi về thăm nhà, nhìn qua hang rào sau hè, qua nhà chú Tống, bỗng nhiên lòng ray rức! Hòn non bộ bây giờ chỉ còn cái bệ, xác lá phủ đầy. Nhìn nơi góc vưởn ngày xưa là hang đá Noel, nay không còn một vết tích gì cả!
Mùa thu của những ngày thơ dại không lạnh lắm, chỉ có những cơn gió mát thổi vài chiếc lá vàng rụng xuống đầu hiên. Những chiếc cửa sổ thường khi mở toang đón gió mát, nay cũng phải đóng lại, nhất là cuối thu, trời thỉnh thoảng se lạnh.
Những cô con gái mới ngày nào chân chim ríu rít tới trường bây giờ đều lần lượt “theo chồng bỏ cuộc chơi”, có người đã bỏ nơi thành phố nhỏ để vào nam, hay xuôi trung… theo hoàn cảnh mỗi người.
Tôi về thăm nhà vào cuối thu, không khí lành lạnh chuẩn bị sang đông có thể bận những chiếc áo len mỏng. Tôi bận chiếc áo len đỏ tự đan và nhớ lại bài thơ chính mình làm ở lớp đệ ngũ thì phải, mà tôi chỉ nhớ hai câu “….màu áo đỏ dành riêng mình anh đó, tôi bây giờ đã từ giã thơ ngây”. Một bài thơ khác có một kỷ niệm khó phai, lúc ấy một hình bóng ai len vào tâm tưởng nên bài thơ ra đời. Bài “Mưa”
Nhớ thương này tôi gởi đến cho người
Mùa đông rồi trời lạnh lắm người ơi
Sao không đốt lên lửa hồng luyến ái
Để đêm buồn sưởi ấm mảnh tình côi
Mưa đầu mùa rơi nhè nhẹ trên vai
Kỷ niệm xưa đè mi nặng u hoài
Con chim nhỏ hát bài ca nuối tiếc
Xa người rồi má hồng tôi phôi phai
Mưa rơi rồi người có biết hay không
Mưa ngoài trời và mưa cả trong lòng
Tôi một mình ngồi yên như tượng đá
Mưa rơi rồi người có biết hay không?!
Bài thơ ngây ngô này tôi bị các bạn xúi dại gởi cho tờ báo Phụ Nữ Diễn Đàn, hay Phụ Nữ Ngày Mai gì thời đó, lâu quá, không nhớ rõ, và bài thơ được đăng. Thế nhưng số báo sau đó có một người phê bình viết ngay trên trang báo “ý kiến độc giả” là bài thơ nghe rất lãn mạn nhưng câu “mưa ngoài trời và mưa cả trong lòng” là copy đại ý bài thơ Pháp. Tôi rất bực bội vì mình đâu có biết bài thơ Pháp nào đâu. Tôi giận không them gởi cho báo đó nữa. Sau này, khi biết chuyện, bạn bè an ủi, thế thì “mấy thi sĩ suy nghĩ giống nhau” tố! làm tiếp đi! Sau đó cho tới bây giờ, sáng tác nhiều bài thơ, nhưng không thuộc bài nào cho trọn, nhưng bài này thì lại nhớ mãi. Đó là giai đoạn của những nàng con gái mới lớn, hay buồn không duyên cớ, hay giận không nguyên do, và hay tưởng tượng những giấc mơ không thực.
Bây giờ mùa thu đang trở lại. Những buổi sáng sớm nhìn ra ngoài vẫn còn tối. Sương mù bao phủ cảnh vật. Khi mặt trời lên, ánh sáng xóa tan lớp sương bang giá. Trong khung cảnh hiu hiu rét, vài chiếc lá lìa cành theo gió bay ngang qua chiếc hồ cá. Những con cá Koi mùa này cũng lười biếng bơi lội. Buổi sáng sớm chúng nằm im lìm một hàng như những chiếc tàu lặn. Buổi trưa ấm áp đôi chút, chúng mới trồi lên tìm thức ăn. Mùa đông băng giá chúng nằm im dưới đáy hồ, đôi khi trời tuyết và nhiệt độ xuống dưới 32 độ, nước đóng thành bang, chỉ cần đục vài lỗ nhỏ cho chúng thở là được. Sức những con cá dẻo dai thiệt, trong khi người Việt lớp thế hệ thứ nhất đã qua 40 năm, lạnh một chút là nhức xương, trời se se là ê mình. Nhìn xuống hồ nước là gai gai lạnh.
Mùa thu này đã là mùa thu 40 rồi. Những chiếc lá trên cành hết xanh rồi lại vàng, rồi qua xuân lại xanh trở lại, cứ như thế theo nhịp tuần hoàn. Mỗi một giây phút qua đi, trở thành quá khứ đều có nét đẹp riêng. Kỷ niệm nào cũng là hành trang quý giá trong tim óc mọi người. Mỗi một bài hát xưa cũng mang lại những ký ức đâu đó trong một thời xa lắc, một chiếc lá bay cũng gợi bao kỷ niệm thân thương.
Mỗi mùa thu- lúc nào mới có lá vàng- mọi người đều nôn nao thích thú, chụp hình, làm thơ, thế nhưng khi cái tay đã mỏi cái vai đã ê, quét lá vàng nhà mình, quét cả lá vàng hang xóm, tức cảnh sinh tình, không làm thơ được thì ngâm nga mấy câu thơ của thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cũng thấy thi vị lắm
Ngọn gió thu phong rụng lá vàng .
Lá bay hàng xóm lá bay sang.
Vàng bay mấy lá năm già nữa.
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng.
Ngọn gió thu phong rụng lá hồng.
Lá bay tường bắc lá sang đông.
Vàng bay mấy lá năm hồ hết.
Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng trông.
Đúng! 40 năm vẫn thơ thẩn đứng đó mắt đăm đam trông về cố quốc. Lá vàng bay là biết năm cũng sắp hết rồi. Lệ hay sương làm mờ ánh mắt! Nhớ quá thu ơi!
Thu Nga
»
- Login to post comments
- Printer-friendly version