Truyện ngắn : Thơ gởi mạ tháng 4 - Nhà văn Thu Nga

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Mạ,

Mới đó mà đã 38 năm trôi qua- từ ngày con bỏ nước, bỏ xóm làng, bỏ ba mạ, bỏ anh chị và các cháu lưu lạc xứ người! Đứa con út của con ngày 30 tháng 4 mới có hơn hai tháng, giờ đây cháu đã 38. Thời giờ thấm thoát như thoi đưa, như bóng câu qua cửa sổ con của mạ chừ đã hai ba thứ tóc trên đầu mà mỗi lần nhớ mạ con lại rưng rức khóc như đứa trẻ lên 3!

Mạ ơi! 38 năm biết bao giông tố, đổi thay mà sao ngoảnh lại con vẫn tưởng chừng như chuyện mới vừa xảy ra hôm qua! Đôi khi nằm thao thức giữa đêm khuya, con tự hỏi lòng chừng nào con sẽ được trở về thăm làng xưa, xóm cũ, thăm mộ mẹ, mộ cha, thăm bà con thân thuộc, thăm ngôi trường lớp học thuở nào...Chắc có người sẽ bảo rằng, con muốn về thì về, ai cấm được mà ước với ao! Nhưng mạ ơi! con chỉ muốn về khi hoa tự do được nở rộ, khi không còn bóng dáng Cộng thù, kẻ tội đồ của đất nước. Con chỉ trở về khi có thể ngẩng cao mặt bước đi và trên bầu trời, trên đầu con là bóng cờ Vàng Ba Sọc <-breakĐỏ tung bay ngạo nghễ.

Con nhớ làm sao những đêm trăng sáng, con ngồi bên mạ trên chiếc ghế bố ở ngoài sân, nghe tiếng ca cải lương từ chiếc radio đặt ở ngưỡng cửa. Hàng xóm cũng quây quần chăm chú lắng nghe từng câu ca, tiếng đờn một cách say mê, nhiều khi con rơi vào giấc ngủ khi đoạn cuối của tuồng tới hồi gay cấn. Mạ bồng con vô giường, mặc dù lúc đó con đã lớn tồng ngồng. Hoặc những đêm rỗi rảnh, cả nhà ngồi nghe ba đọc Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Đông Châu Liệt Quốc... dưới ánh đèn ‘’măng sông’’ toả một màu xanh nhạt nhạt.  Tới năm 15, 16 tuổi, biết làm thơ, biết  mơ mộng, nhiều đêm con bắt ghế ngồi một mình dưới dàn hoa thiên lý ngát mùi hương quyện với hoa lài dưới ánh trăng vằng vặc chiếu sáng cả khu vườn nhỏ của ba.

Nhưng rồi chiến tranh sôi động. Cộng Sản phá rối khắp nơi. Xe GMC chạy ầm ì khắp nơi. Lính được đưa đi, xác được mang về không ngớt. Những giây phút êm đềm đó cũng đã bị xáo trộn vì những tiếng pháo kích xé màn đêm. Cả xóm phải đắp hầm, đào hố để tránh đạn. Hễ nghe tiếng súng, cả nhà vội vàng chun xuống dưới cái hầm làm bằng bao cát. Mùi ẩm thấp của căn hầm làm con rùng mình. Mạ lấy vạt áo che đầu con như thể mạ có thể ngăn được đạn bom cho con. Anh Quang làm ra vẻ con trai ngang tàng vẫn còn đứng nửa trên, nửa dưới, mạ nạt một tiếng, anh mới bò hẳn vô. Anh nói ‘’tụi Việt Cộng ác ôn, con lớn lên sẽ đi lính bắn hết tụi nó’’. Má nạt ‘’nói bá láp! mi coi như con một, ai cho đi lính mà đi’’. Anh cãi ‘’răng không được! con một thì có khác chi mô! con trai thì phải đi lính mới oai chớ mạ!’’....

Mắt con chợt cay. Anh Quang đi lính. Rày đây mai đó, bỏ ba mạ thui thủi một mình. Anh may mắn không bỏ thây nơi chiến địa như nhiều người bạn của anh. Nhưng cuối cùng anh cũng đi tù, ra về với một tấm thân tàn tạ, không thuốc men và cuối cùng anh nhắm mắt xuôi tay đi theo ba mạ, để lại trên đời chỉ còn có con cô độc!

Con bỏ xứ sở, lưu lạc xứ người đã 38 năm vẫn mơ một ngày lau khô giòng lệ trở về quê xưa dựng lại ngọn cờ Vàng như bao nhiêu người cùng chung chí hướng. Ở đây có những người ngày đêm miệt mài, làm việc hăng say, tranh đấu không ngừng nghĩ. Có những người tuổi đời đã hơn 80, nhưng vẫn không quên dấn thân cho đại cuộc. Lại có những em, những cháu, khi sinh ra thì đất nước đã rơi vào tay Cộng Sản, họ lớn lên cùng với chế độ CS,  tới lúc đôi mươi mới may mắn qua được xứ tự do. Có những em khi cha mẹ bồng bế nhau vượt biển, vượt biên, lúc mới vừa ra đời hay lên năm lên ba tuổi... nhưng các em đã được sự dạy dỗ tận tình, được nuôi dưỡng bằng nhiệt huyết của cha ông, nay đã trưởng thành, công danh sáng chói, các em đã không quên nguồn gốc của mình,  cả hai thế hệ cùng hỗ trợ cho nhau, xây dựng một cộng đồng vững chắc, cùng chung lưng, đấu cật, đem tiếng nói, kiến thức, tấm lòng  đấu tranh cho một nước Việt Nam bên kia trái đất, hầu mong giải thoát quê hương khỏi gông cùm,xiềng xích của bọn Cộng nô. Lòng yêu nước của những người này, lúc nào cũng dâng cao như triền sóng, cả con tim, khối óc đều hướng về nước non, xứ sở đồng thời luôn luôn muốn xây dựng một cộng đồng vững mạnh để hổ trợ cho một lý tưởng chung.

Nhưng cũng đau buồn thay ! lại cũng có nhiều kẻ đón gió, trở cờ, ăn cơm Quốc Gia, thờ ma Cộng Sản. Ngoài miệng họ rêu rao chống Cộng nhưng bên trong, họ toa rập với Cộng Sản, họ lân la, rỉ tai, cổ võ cho chiến lược hòa hợp, hòa giải. Họ quên đi ý nghĩa của sự ra đi của hơn 3 triệu người. Những người liều thân ra đi tìm hai chữ tự do đã làm mồi cho sóng dữ, thú rừng, hải tặc, bệnh hoạn, đói khát....những người còn ở lại bị đọa đày, hành hạ trong lao tù Cộng Sản. Họ đã quên ơn của các chiến sĩ trong QLVNCH, những người đã giữ từng bụi cây, con suối, từng tất đất, nhánh sông, từng ngọn đồi, từng con đảo, đã nằm gai nếm mật, hành quân giết giặc khắp cả mọi miền đất nước, trải qua những cơn nóng nung người đến những cơn gió bấc, rét buốt thịt da, để giữ an bờ cõi từ Bắc chí Nam, để chúng ta, người dân thành thị được cơm no, áo ấm, để có những trận cười thâu đêm, suốt sáng. Họ đã quên đi những chiến sĩ này một số lớn đã tự sát trong những ngày dầu sôi lửa bỏng 30-4, thà chết không hàng giặc. Những bậc danh tướng như: Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Phạm Văn Phú....đã làm cho hậu thế thán phục,  ‘’sinh vi tướng, tử vi thần’’.

‘’Anh đã chết, nhưng tên anh vẫn sống
Sống muôn đời với đất nước sử xanh...’’(Nguyễn Hiền)

Và những chiến sĩ vô danh đã hàng hàng lớp lớp ngả xuống trong ngày 30-4:

‘’Ta nhớ lắm, ngày 30 ta khóc
Súng đạn điên cuồng, máu đổ thây phơi
Gan ruột người lửng lơ trên dây điện
Đầu lâu người trừng mở lớn con ngươi...’’ (Ngô Minh Hằng)

 Những kẻ phản bội này đã quên đi những người bạn đã từng chung lưng đấu cật với ý chí tiêu diệt quân thù từ phương Bắc, lúc nào cũng chực chờ xâm lấn miền nam, những chiến hữu đã hy sinh một phần thân thể mình cho non sông, xứ sở và bây giờ vẫn sống đọa đày, lây lất trên chính quê hương họ đã hy sinh đó. Đó chính là những thương bệnh binh mà khi CS vào họ đã xua đuổi họ ra khỏi nhà thương không cho chữa trị, và khi nằm xuống, mồ mả của họ bọn CS cũng đã không tha.

Họ đã quên những người mẹ, những người vợ một đời thương khó, lo cho con, cho chồng từ lúc tóc họ còn xanh, mắt họ còn trong. Đêm đêm bên ngọn đèn dầu, lòng của những người đàn bà này như xé đi theo tiếng đại bác ì ầm từ chiến trường vọng lại. Con đã đi thăm rất nhiều người góa phụ thật trẻ, quấn vội lên đầu tấm khăn sô khi người yêu vừa tử trận. Con đã nghe những tiếng khóc than thảm thiết của người mẹ đã mất đứa con duy nhất trong cuộc chiến đang leo thang. Hàng xóm đã mũi lòng ôm những đứa trẻ ốm o, đang khóc hỏi chừng nào cha mới thức dậy từ cổ áo quan bên ngọn nến lung linh mờ ảo. Họ quên đi những lầm than khổ cực của những bậc nữ nhi phải lội suối, băng ngàn thăm người thân đang ở tù ‘’cải tạo’’. Họ đã quên những tiếng khóc xé lòng của những đứa con mất cả cha, trong chốn lao tù, và mất cả mẹ trên đường thăm nuôi! Những cảnh người chôn người thê thảm giữa đêm khuya. Nơi đó, các chiến sĩ miền Nam đã bị đối xử tàn ác nhất trên thế giới. Cộng Sản lừa bịp nói chỉ đi ‘’học tập’’ 10 ngày, nhưng đã giam họ hơn 10 năm, 20 năm!

Mạ ơi! mạ có thể hình dung ra những gương mặt hãi hùng của đoàn người chất chồng trên những chiếc thuyền nan nhỏ bé, thí sinh mạng cho đất trời, tìm hai chữ tự do trong cơn gào của sóng dữ. Những xác người chết hàng hà, sa số tấp vào bờ. Những cơn đói khát làm cho đàn con thơ vật vã. Hải tặc tấn công đoàn người vô tội. Tiếng khóc la, rên xiết làm động quỷ thần, vang vọng tận thủy cung, rúng tận chín tầng mây. Những cái chết tức tưởi của những sinh mạng làm mồi cho thú dữ trong chốn rừng sâu gai góc. Kiệt sức, vẫn cố lết qua những vùng lau sậy, bùn lầy qua biên giới với ánh sáng le lói ở cuối chân trời.

38 năm trôi qua con của mạ vẫn không bao giờ quên được mối hờn vong quốc. Nước mất vào tay Cộng Sản thì nhà nhà cũng tan theo bước chân người di tản. Nhưng có một điều an ủi là lá Quốc Kỳ thân thương đã được chấp nhận ở nhiều tiểu bang, thành phố quận hạt tại xứ tự do này. Đó là do công sức của nhiều tấm lòng, nhiều bàn tay trong Cộng Đồng Người Việt tạo dựng nên. Mỗi lần lá cờ được chấp nhận nơi nào, thì người Việt dẫu ở nơi đâu đều thấy lòng vui và ấm lại. Những lần đi dự lễ ‘’Vinh danh Cờ Vàng’’ lúc nào lòng con cũng rưng rưng và mắt con mờ những lệ vì cảm động. Nhất là khi con nhìn thấy những người bạn Mỹ, trên tay cũng cầm lá cờ vàng của chúng ta, đưa lên vẫy. Nhưng con lại đau lòng vì thấy người Mỹ mà còn ủng hộ sự đấu tranh, cũng chia xẻ niềm quý mến lá cờ thân yêu của mình thì tại sao có những người cùng chung huyết thống, máu đỏ, da vàng lại không biết quý lá cờ chính nghĩa! họ đã làm những việc ‘’đâm sau lưng chiến sĩ’’, làm ô nhục lá cờ thân thương mà biết bao anh hùng liệt nữ đã xả thân bảo vệ chỉ vì một chút lợi danh vì những đồng tiền nhơ nhớp.

Con nhớ ngày diễn hành lễ cựu chiến binh tại Austin, cách đây không lâu, con đi cùng đoàn người Việt từ Dallas, đến đây chào mừng ngày chiến thắng cờ Vàng, chân con bước trên con đường lộng gió của buổi sáng chớm đông, dưới một rừng cờ bay phất phới, trước mặt con là thủ phủ của Texas, mắt con chợt nhòa tưởng như mình đang đi trên thành phố Sài Gòn với hoa cờ rực rỡ.

Chiều nay con ngồi đây, gió mùa xuân đang rạt rào qua mái ngói. Con nhớ mạ, nhớ ba, nhớ anh Quang. Nếu Cộng Sản không cưỡng chiếm miền Nam, làm cho nhà tan, cửa nát, con không phải xa mạ, xa ba, ít ra trước khi ba mạ lìa đời con cũng còn vuốt được mắt của hai kẻ sinh thành. Nếu Cộng Sản không phản bội những hiệp ước chúng đã ký kết, con không phải nuối tiếc vì không được ở bên cạnh anh Quang trước giờ anh vĩnh viễn ra đi về lòng đất. Con vẫn nhớ như in cây đào trước ngõ, cây mận ở góc vườn, cây dừa sau chái bếp, tiếng đọc Tam Quốc Chí của ba, tiếng hát ru hời của mạ, tiếng đánh bi, đánh đáo của anh Quang...đã xa rồi   Tại sao? tại sao con tự hỏi như bài thơ của một kẻ vô danh:

‘’bao năm chinh chiến ta còn gặp
Sao thuở thanh bình lại biệt ly?’’

Ngày mà Cộng Sản gọi là ‘’hòa bình’’ là ngày mà mồ mả của các anh bị lăng nhục, ngày Cộng sản gọi là thống nhất đất nước là ngày họ lùa các anh vào các trại ‘’tù cải tạo’’ và cũng chính ngày họ gọi là đại thắng mùa Xuân là ngày mà toàn dân bồng bế nhau chạy loạn.

Sau 38 năm biết bao nhiêu máu xương đã đổ cho chính nghĩa. Nhiều người đã nằm xuống không còn cơ hội nhìn được ánh bình minh thật sự sẽ trở lại trên quê hương. Còn con, sau 38 năm con không còn người thân kẻ thuộc, ba mạ ra đi, người anh duy nhất cũng đã ra đi, chỉ còn một đơn vị gia đình là chồng con mà thôi.

Tưởng niệm 38 năm, xin thắp một nén nhang sám hối. Sám hối vì con chưa đền đáp được công lao sinh thành dưỡng dục, con ra đi bỏ ba mạ đơn lẻ một mình, con bất nghĩa không giúp đỡ được người anh đau ốm và nhất là con chưa làm được gì cho quê hương. Quê hương đó đã nuôi dưỡng con khôn lớn, nơi có tiếng ru dịu dàng của mẹ hiền, nơi có tiếng cười sang sảng của ba, nơi có sự dạy dỗ nghiêm khắc của anh Quang ‘’Quyền huynh thế phụ’’. Nhưng mạ ơi! dẫu núi có mòn, sông có cạn, nhưng lòng thương yêu  tổ quốc không bao giờ phai nhạt trong lòng con, trong lòng những kẻ tha hương

38 năm nhìn lại, tuy đất nước chưa được giải thoát khỏi bàn tay độc tài, tàn ác của Cộng Sản, nhưng sau 38 năm miệt mài tranh đấu, tiếng nói tự do đã được nhiều nước trên thế giới biết đến vì từ Úc Châu, Âu Châu, Mỹ Châu, ngay trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn, nơi địa đầu giới tuyến Irag, chỗ  nào có bước chân của người Việt là chỗ đó có bóng dáng của lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay. Niềm tin sẽ lớn mãi, chính nghĩa sẽ thắng, độc lập, tự do dân chủ sẽ được phục hồi nơi chốn quê hương

Quê hương ơi trong niềm tin sáng chói
Đàn con về mang lại ánh bình minh
Tổ Quốc mừng vui hai chữ Thái Bình
Hy vọng  đó làm đất trời bỗng sáng

Thu Nga viết nhân mùa 30-4