THỜI SỰ TRONG TUẦN – MAR 14, 2010

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

CÔ GÁI KIÊN CƯỜNG

Lê Thị Công Nhân, cái tên đã được cha mẹ đặt cho từ hồi mới ra đời là Công Bằng và Nhân Ái, thế nhưng sau khi đã đạt được giấc mơ trở thành luật sư để thực hiện ý nguyện mang lại sự công bằng và nhân ái đến cho con người thì cũng đem đến nhiều nỗi khó khăn và tù đày cho chính người con gái can đảm này.

Luật sư Lê Thị Công Nhân vừa mới được trả về với gia đình vào lúc 5 giờ chiều ngày 6 tháng 3 tại Hà Nội, nhưng chưa kịp mừng với nỗi vui gặp lại người thân thì cô lại bị tạm giữ khi cùng một người chị ra ngoài mua sắm ít đồ dùng trong nhà. Theo lời chị kể lại, bốn người công an đã chờ sẵn ngoài cửa một tiệm bán quần áo và ập vào dẫn chị về văn phòng công an phường vì cho rằng cô đã vi phạm luật quản chế. Theo lời của LS Công Nhân, lý do công an cầm giữ cô 4 tiếng đồng hồ rồi thả về là vì muốn ngăn cản không cho cô gặp phóng viên của hãng thông tấn AFP. Vào năm 2007, LS Lê Thị Công Nhân đã bị tòa án CSVN tại Hà Nội kết án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế vì vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình Sự. Tuy nhiên, sau đó án phạt này đã được giảm còn 3 năm tù giam và 3 năm quản chế tại phiên toà phúc thẩm ngày 27 tháng 11, 2007. Cô bị bắt cùng với trưởng phòng luật Thiên Ân là LS Nguyễn Văn Đài vào ngày 6 tháng 3, 2007 vì tội tuyên truyền chống nhà nước CSVN. Cả hai bị xóa tên khỏi Đoàn Luật Sư Hà Nội. Như vậy có nghiã là cả hai sẽ không thể hành nghề luật của mình tại Việt Nam.

Ngay khi công an đưa LS Công Nhân về tận nhà, cô rất mệt mỏi và đã xỉu ngay trước cửa, nhưng trước đó cô đã bị công an phường đưa cho xem bản quy định về việc bắt đầu thời gian quản chế và buộc cô phải ký vào biên bản này. LS Công Nhân cho hay cô đã ký vào đó, nhưng viết thêm ý kiến là cô không chấp nhận bản án, trong đó có hình phạt phụ là quản chế.

Vào sáng thứ Năm 11 tháng 3, 2010, tức sau 2 ngày được thả, LS Lê Thị Công Nhân từ Hà Nội đã trả lời phỏng vấn với ký giả Dương Phục trong chương trình Vấn Đề Hôm Nay của hệ thống đài Sàigon phát thanh tại Dallas trên làn sóng 890AM và tại Houston trên làn sóng 900AM, cô cho biết tinh thần rất khá và hóm hỉnh nói rằng vắng mặt 3 năm vì bận đi tù. Trong buổi nói chuyện này cũng có sự tham dự của Dân Biểu Hoa Kỳ Cao Quang Ánh và TS Nguyễn Đình Thắng từ Hoa Thịnh Đốn. Mở đầu, DB Cao Quang Ánh chúc mừng về sự tự do của LS Lê Thị Công Nhân. Ông hy vọng những ngày tới cô sẽ có cơ hội hợp tác với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và cùng với các cộng đồng khắp nơi để thay đổi đất nước Việt Nam và thay đổi đời sống người Việt trong nước tốt đẹp hơn. DB Ánh thẳng thắn khen ngợi LS Công Nhân là một anh hùng.

Khi được hỏi ông có thể làm được gì để giúp đỡ những người đang đấu tranh ở trong nước hoặc với cá nhân LS Công Nhân, DB Ánh nói rằng ông sẽ dùng mọi quyền hạn của mình để có thể đưa tên LS Lê Thị Công Nhân vào nghị trình vận động với Quốc Hội để nhờ can thiệp. Ông chính thức mời LS Lê Thị Công Nhân sang điều trần trước Quốc Hội Mỹ về tình trạng đàn áp nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam, mà theo lời ông sẽ thực hiện trong tháng 3 cùng với những bằng chứng về những lời lên án của ông Kirk Campbell, phụ tá Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về Đông Á và Thái Bình Dương. Ông Kirk Campbell cho biết CSVN vẫn tiếp tục có các hành động đàn áp về tự do tôn giáo và nhân quyền.

Nguyện vọng của LS Công Nhân hiện nay là một nưóc Việt Nam tốt đẹp, cần sự an toàn cho những người đấu tranh đang chịu những sự đàn áp khắc nghiệt của CSVN, các thông tin cần được loan tải rộng rãi. Cô nói rằng đi tù chỉ là bất đắc dĩ, nhưng phải chấp nhận, và nó chưa phải là điều tồi tệ nhất. Cô luôn chủ trương bất bạo động và cần công luận quan tâm càng nhiều càng tốt. LS Lê Thị Công Nhân muốn rằng, dù hai Quốc Hội Mỹ và CSVN cách nhau một trời một vực, nhưng cần giữ lại một sự liên hệ đối thoại, không nên cắt đứt mọi quan hệ mặc dầu tình hình có tồi tệ cách mấy, vì như thế mới thay đổi được thể chế trong nước. LS Công Nhân mong mỏi được ra điều trần trước Quốc Hội Hoa Kỳ, vì cô chính là một nhân chứng sống. Cô cho biết chưa nghĩ đến việc tị nạn chính trị, nhưng việc này cũng có thể xảy ra nếu nhà cầm quyền CSVN đàn áp, chà đạp cô thái quá. Cô cho rằng việc xử án cô là một phiên tòa có tính cách chính trị.

Trong suốt thời gian 3 năm trong tù, theo lời LS Công Nhân, cô thường hay đọc kinh thánh. Ngay cả trong lúc ra trước tòa Phúc Thẩm, trong đầu cô cũng nghĩ tới những lời trong kinh thánh. Theo cô, buổi xử án này chẳng quan trọng tí nào vì nó đã được sắp đặt sẵn rồi. Khi còn ở trong tù, LS Công Nhân đã được phái đoàn của Hoa Kỳ và đại sứ Mỹ đến tận trại giam thăm viếng. Đây là trường hợp ngoại lệ đối với một nhà đấu tranh chưa từng đặt chân lên Bắc Mỹ. Phái đoàn Hoa Kỳ cho cô biết họ sẽ gặp những người lãnh đạo CSVN và sẵn sàng chuyển đến những lời yêu cầu hay đề nghị của cô. LS Lê Thị Công Nhân nêu ra câu hỏi là các nhà lãnh đạo CSVN có muốn con dân của mình bị cầm tù hay không? LS Lê Thị Công Nhân là thành viên của Liên Đoàn Luật Sư Quốc Tế, thành viên của Khối 8406 và cũng là phát ngôn viên của đảng Thăng Tiến Việt Nam. Năm 2008, tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền đã trao tặng giải thưởng Hellman/Hammett cho cô vì đã can đảm tranh đấu đòi hỏi nhân quyền bất chấp đến nguy hiểm, tù tội cho bản thân.

Trước khi có phiên tòa phúc thẩm, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng có công du sang Ba Lan giữa tháng 9 năm 2007. Khi bị báo chí tại đây chất vấn về tình trạng vi phạm nhân quyền và vụ án Lê Thị Công Nhân, ông Nguyễn Tấn Dũng nói rằng nếu Ba Lan muốn nhận thì Hà Nội sẽ cho LS Công Nhân đi ngay.  Ls Công Nhân trong suốt 3 năm bị giam tại nhà tù Thanh Hóa cho tới Hỏa Lò, cô luôn đấu tranh và giành được quyền giữ lại cuốn kinh thánh do Ủy Ban Tôn Giáo Hoa Kỳ tặng, và ngay cả đấu tranh về trình trạng vệ sinh trong trại giam quá tồi tệ.

LS Lê Thị Công Nhân luôn xác định đấu tranh là phải hy sinh, nhưng hy sinh thì phải hy sinh tới cùng và luôn chuẩn bị tư tưởng và tinh thần để chủ động. Cô biết mình sẽ phải ngồi tù vì không còn cách nào khác. Tuy nhiên, khi trở về sau 3 năm bị giam, LS Công Nhân cho biết cô cảm thấy choáng váng khi nhận được nhiều lời khen ngợi, lời yêu thương và quý trọng của những người xung quanh và cộng đồng khắp nơi trên thế giới.

Giờ đây, với sự khao khát về một nền dân chủ của cô gái trí thức, khẳng khái 31 tuổi được nhiều người biết đến và ca ngợi như một “thiên thần trong bóng tối”, quê hương Việt Nam biết đến bao giờ mới sớm có được sự tự do, dân chủ, ấm no cho mọi người dân.[] QUAN HƯNG