THỜI SỰ TRONG TUẦN – AUG 29, 2010

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

LẠI PHẢI BUỘC BỤNG


QUAN HƯNG

Sau nguyên một tuần lễ cổ phần bị mất giá tại thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, công khố phiếu của chính phủ cũng bị sụt ngay sau khi ông chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Ben Bernanke hôm thứ Sáu 27 tháng 8 đưa ra các dấu chỉ cho thấy Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang (Fed) dự trù sẽ mua lại rất nhiều công khố phiếu mới. Ông còn cho hay chính phủ chỉ can thiệp để củng cố kinh tế trong trường hợp tình trạng thêm tồi tề, nhưng ông mong đợi nền kinh tế đang tiếp tục hồi phục.

Fed có thể sẽ phát động một chương trình lớn nhằm mua lại các công khố phiếu để phục dậy nền kinh tế mà chính phủ cho rằng đang chậm lại ngoài dự tưởng. Ông Bernanke còn cho biết hiện một số giải pháp đang còn nằm trên bàn thảo luận. Trong cuộc họp của Ngân Hàng Trung Ương gần đây, họ hứa là sẽ giữ phân lời của chính phủ ở mức gần con số 0 thêm một thời gian dài nữa hoặc họ phải cắt lãi xuất cho các ngân hàng tư nhân vay.

Ông Bernanke cảnh cáo rằng, nay chính ngân hàng Trung Ương vẫn không biết chính xác việc gì sẽ xảy ra trên những hành động của họ hiện nay. Đây là một buổi nói chuyện được xem là nóng nhất trong suốt thời gian giữ chức vụ chủ tịch của ông Bernanke, đặt biệt đối với giới đầu tư tại thị trường chứng khoán. Trong những tuần lễ gần đây, tình trạng kinh tế ngày thêm tồi tệ. Nhiều kinh tế gia tiên đoán nền kinh tế Mỹ sẽ chậm như con rùa, kéo theo nạn thất nghiệp trong tam cá nguyệt thứ nhì năm nay lên cao nữa.

Những người theo dõi các hành động của Ngân Hàng Trung Ương mong rằng ông Bernanke cần phải giải thích rõ về những chính sách mới mà chính phủ sẽ áp dụng trong những tháng kế tiếp, đặc biệt là các hành động theo kết quả của cuộc họp ngày 10 tháng 8 là sẽ tái đầu tư các khoản lời chứng khoán trả góp nợ nhà để cân bằng sổ sách.

Bộ Thương Mại hôm thứ Sáu báo cáo rằng tổng sản lượng quốc gia tăng ở mức chỉ có 1.5% hàng năm trong tam cá nguyệt từ tháng Tư đến tháng Sáu, tệ hơn những gì trước đây người ta dự phỏng. Trong những tuần lễ qua, các dữ liệu mới cho thấy bộ phận nhà đất đã hầu như tụt dốc không phanh trong tháng Bảy; các công ty đặt đơn mua các dụng cụ nặng co cụm trong tháng và những vụ khai xin quyền lợi thất nghiệp giữ ở mức suy thoái trong tuần qua. Thế nhưng ông Bernanke lại có cái nhìn khá lạc quan trên những báo cáo cho rằng người Mỹ hiện tiếp kiệm nhiều tiền hơn. Dù rằng tỉ lệ tiếp kiệm của dân là 6% so với 4% dự liệu trước đây, đã ép mức tiêu thụ thấp hơn nữa trong những tháng qua, theo ông chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương, tình trạng này sẽ có lợi trên đường dài, vì sẽ giúp giảm những món nợ gia đình, tức là sau này người dân Mỹ sẽ có tiền để chi tiêu nhiều hơn trong tương lai.

Sự chi tiêu của dân chúng là một trong những dấu chỉ quan trọng về sự phục hồi của nền kinh tế, thế nhưng nó chỉ ở mức tăng trưởng 2% mà thôi. Tỉ lệ này được xem là cao hơn những gì Bộ Thương Mại Hoa Kỳ dự đoán trong tháng trước.

Ông Bernanke nhất mạnh là nạn giảm phát không ảnh hưởng nặng đến nền kinh tế Hoa Kỳ trong lúc này. Ông đã đưa ra những bước hành động nhằm giảm thiểu những đe dọa của nạn giảm phát. Thứ nhất là Ngân Hàng Trung Ương sẽ mua các chứng khoán nhằm giúp kềm lãi xuất dài hạn xuống và như vậy sẽ giảm chi phí cho người vay mượn, đóng góp cho sự ổn định của kinh tế và sự phục hồi được bắt đầu như thời kỳ mùa xuân của năm 2009.

Thứ nhì là ông Bernanke sẽ mở rộng thêm nhằm giảm lãi xuất dài hạn. Ngân Hàng Trung Ương trong quá khứ đã giữ cho mức phân lời đoản kỳ thêm một thời gian dài. Tại Canada, ngân hàng Trung Ương của họ đã cố gắng giữ phân lời thấp tới một thời hạn nhất định và tại Nhật Bản, chính phủ cũng áp dụng chính sách tương tự tới khi nào giá cả ổn định hoặc tăng trưởng.

Thứ ba là ngân hàng Trung Ương Hoa Kỳ sẽ giảm tỉ lệ tiền tệ dự trữ. Hiện nay số tiền dự trữ là $1,000 tỉ mà các ngân hàng lưu trữ tại Fed. Và cuối cùng, theo lời ông Bernanke, chính phủ sẽ nhắm vào mục tiêu lạm phát trung kỳ vượt trên mức giá tiêu thụ nhằm ổn định giá cả.

Không cần phải theo dõi thị trường chứng khoán hay tổng sản lượng quốc gia, người ta vẫn có thể nhận biết nền kinh tế đang gặp khó khăn, đó là tỉ lệ sinh đẻ của Hoa Kỳ đã giảm ở mức thấp nhất trong gần một thế kỷ qua khi mà ngày có thêm nhiều người cho rằng họ không còn đủ khả năng để có thêm miệng ăn trong nhà.

Tỉ lệ sinh đẻ đã giảm trong 2 năm liên tiếp kể từ khi nạn suy thoái xảy ra trong năm 2007. Tỉ lệ sinh để giảm xuống còn 2.6% trong năm ngoái mặc dầu dân số Hoa Kỳ gia tăng. Tỉ lệ sinh đẻ thường được dùng để đo mức phát triển dân số trong tương lai, đã giảm tới mức 13.5 vụ sinh đẻ trong số 1,000 dân vào năm ngoái. Giảm từ mức 14.3 trong năm 2007 và 30 trong năm 1909, khi mà lúc bấy giờ gia đình người Mỹ thường có đông con.

Trong một cuộc thăm dò gần đây, gần phân nửa những phụ nữ thuộc thành phần có lợi tức thấp và lợi tức trung bình cho hay họ muốn tạm hoãn mọi việc sinh đẻ hoặc giới hạn số con cái vì vấn đề tài chánh. Phân nửa trong số phụ nữ vừa kể cho biết nạn suy thoái đã ảnh hưởng đến các quyết định không sinh đẻ thêm.

Tất cả những yếu tố trên cho ta thấy nền kinh tế chưa có gì khả quan, đặc biệt là trong thời gian gần đây, thị trường chứng khoán bị mất giá, tỉ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức trên 10%. Mặc dầu giá xăng, giá thực phẩm và hàng hóa giảm, các công ty không còn muốn mướn thêm nhân viên. Nhiều kinh tế gia cho rằng phải chăng thế giới đang trải qua một cuộc suy thoái mới về kinh tế khi nó chưa kịp phục hồi. Người ta vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm.[]