THỜI SỰ TRONG TUẦN – AUG 14, 2010

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

NGƯ ÔNG ĐẮC LỢI


QUAN HƯNG

Các quốc gia Đông Nam Á hiện đang cố gắng cải thiện sức mạnh quân sự, bằng cách mua thêm tàu ngầm, chiến đấu cơ và áp dụng chiến thuật thân Hoa Kỳ nhằm kềm chế sự vươn lên của Trung Cộng, nhất là việc quốc gia này tự cho là có chủ quyền trên tất cả các hòn đảo trong vùng biển Nam Hoa.

Số lượng vũ khí mà các quốc gia Đông Nam Á Châu mua của nước ngoài đã tăng gần gấp đôi từ năm 2005 đến năm 2009 so với cùng thời gian của 5 năm trước đó. Trong bài bình luận của ông John Pomfret đăng trên tờ Washington Post hôm 13 tháng 8, 2010 cho biết, chính quyền CSVN đã đồng ý chi $2.4 tỉ cho 6 chiếc tiềm thủy đỉnh Kilo của Nga và hơn một chục chiến đấu cơ Su-30MKK trang bị vũ khí tiêu diệt địch trên biển. Ngoài ra, Úc Đại Lợi dự trù sẽ mua hoặc sẽ tự ráp thêm 6 tàu ngầm nữa và củng cố sức mạnh của binh chủng Hải Quân của họ bằng cách mua thêm 110 chiến đấu cơ của Mỹ loại F-35s. Mã Lai Á cũng đã trả trên $1 tỉ mỹ kim cho 2 chiếc tàu ngầm chạy bằng dầu cạn của Pháp, trong khi Nam Dương gần đây tuyên bố sẽ tậu mãi thêm các loại tầu ngầm.

Các lo ngại về sự vươn lên của Trung Cộng trong vùng Đông Nam Châu Á đã xuất hiện trong diễn đàn an ninh khu vực được tổ chức tại Hà Nội vào trung tuần tháng 7 vừa qua, và trong các quốc gia của khối ASIAN, Hoa Kỳ và các cường quốc Á Châu. Trong các cuộc gặp mặt này, ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton lần đầu tiên đã thẳng thừng tố cáo và bác bỏ những tham vọng bá chủ vùng biển đông của Trung Quốc trên khu vực biển rộng 1.3 triệu cây số vuông. Hiện đang có 11 quốc gia, đứng đầu là Việt Nam, được sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, lên tiếng chỉ trích Trung Quốc và đã gây khó chịu và lúng túng cho họ.

Từ nhiều năm nay, các chuyên gia tiên đoán là Trung Quốc sẽ dùng kinh tế để khuynh đảo khu vực này.  Tuy nhiên vì hành động quá lộ liễu của Trung Quốc gần đây đã gây lo ngại cho các quốc gia trong vùng và họ cần nhờ Hoa Thịnh Đốn giúp đỡ.

Trong năm 2009, khi được hỏi ai sẽ là quốc gia mang lại hòa bình và ổn định trong khu vực trong một thập niên tới, nhiều người trả lời là Hoa Kỳ. Quốc gia nào sẽ mang lại đe dọa trong vùng, cuộc thăm dò cho thấy, không phải Bắc Hàn mà là Trung Cộng.

Các chuyên gia đều đồng ý rằng, các chương trình mua thêm vũ khí của CSVN là nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh. Việt Nam muốn hiện đại hóa lực lượng hải quân của họ cũng chỉ nhằm giảm ý đồ của nhà cầm quyền Trung Hoa. Việt Nam hiện nay đang tìm thêm các đồng minh quan trọng. Họ đã cải thiện liên hệ ngoại giao với Ấn Độ, một đối thủ chính của Trung Quốc trong vùng.

Trong tháng qua, chính quyền của TT Obama cho hay một thỏa thuận hợp tác nguyên tử với CSVN, nhiều khả năng sẽ bao gồm phần cam kết cho phép Việt Nam làm giàu chất uranium. Việc này đã gây kinh ngạc với Bắc Kinh và các quốc gia từng có những cam kết hạt nhân với Hoa Kỳ. Trong tháng 11 năm ngoái, Quốc Hội Việt Cộng đã chấp thuận việc xây cất nhà máy phát điện nguyên tử đầu tiên và dự trù sẽ thực hiện thêm 8 trong số 10 nhà máy khác trong tương lai.

Việc tàu USS John McCain của Hoa Kỳ cập cảng Đà Nẵng trong 2 ngày 10 và 11 tháng 8 và sự xuất hiện của tàu USS George Washington trong vùng Biển Đông đã tạo một làn sóng chỉ trích của báo chí Trung Quốc. Tờ China Daily tố cáo Hoa Kỳ là đã tìm cách khơi lại hận thù và chính sách của Hoa Kỳ trực tiếp chống lại Bắc Kinh và cố ý khuấy động các quốc gia có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc. Báo chí Trung Quốc còn cho rằng Hoa Kỳ đang thiết lập thêm một lực lượng NATO tại Châu Á để kềm chế Trung Quốc, mà bằng chứng là các cuộc diễn tập quân sự chung với hải quân Nam Hàn.

Thế nhưng theo nhận định của ông Carl Robinson, một nhà báo và là nhân viên cứu trợ Hoa Kỳ, đã từng làm việc nhiều năm tại Việt Nam, cho rằng CSVN như thường lệ, đang đứng về tất cả các bên, giống như họ đã từng làm trong thời chiến, khi dựa vào cả Trung Quốc lẫn Liên Xô cũ. Ông cho rằng đây là điều rất ngôn ngoan và thật đáng tiếc là người Mỹ đã mất nhiều thời gian để thức tỉnh và cùng tham gia vào cuộc chơi.

Tuy nhiên, trong cuộc phóng vấn với đài truyền Phượng Hoàng ở Hong Kong ngày 13 tháng 8, đô đốc Dương Di của Trung Quốc nói rằng CSVN đang chơi trò nguy hiểm là đã kích động hai cường quốc đối đầu với nhau nhằm ngư ông đắc lợi. Tướng Dương Di nhắc lại chính sách ngoại giao thời chiến tranh lạnh của Hoa Kỳ là lôi kéo Trung Quốc về phí mình để đối trọng với Liên Xô. Một vị tướng hải quân khác là ông Dương Nghị phát biểu rằng, uy tín của Trung Quốc bị tổn hại nặng về sự có mặt của các hàng không mẫu hạm Mỹ trong vùng Hoàng Hải. Bắc Kinh cho biết sẽ không loại trừ bất cứ biện pháp nào để chống lại đe dọa.[]