Thư Viết Từ Ðường Heatherglen

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Phạm Ngũ Yên



1.
Ðêm qua, khi những cơn mưa bay về làm xanh thắm một bờ cỏ mùa hạ, tôi còn đang ngồi trước computer. Lâu quá rồi, từ những ngày không còn em để mơ về một thời ngút lửa, tôi không còn thói quen viết về một băn khoăn nhức nhối dòng đời. Những nghịch lý song hành như hai chuyến xe vượt qua nhau mỗi ngày đã không làm tôi bận tâm. Khi người ta không còn nặng lòng về một dòng sông sẽ chảy trôi về đâu thì người ta sẽ không còn theo dõi những phù sa đổi thay như thế nào.

Trong nỗi buồn vui lẫn lộn của một người đàn ông, chỉ còn đọng lại tiếng chân mưa rượt đuổi qua những cánh cửa mòn. Trong khi con dế ngủ quên một góc sân nhà bỗng cựa mình thao thức. Giống như ngày xưa trong ngăn bàn học đã có một con dế như vậy chứng kiến một tình yêu thơ dại của tôi.

Mười tám tuổi tôi quen nàng. Cũng như có vài thanh niên của thành phố biển của tôi quen nàng khi nàng theo gia đình về nghỉ mát tại Vũng Tàu. Tên của nàng có nghĩa là một dòng sông. Khi tôi ngạc nhiên về số tuổi ít oi trong một cơ thể phát triển của nàng thì hình như biển không còn một màu xanh. Buổi chiều luôn có mưa khi chúng tôi ngồi trong một quán cà phê nhìn ra, những con hải âu đang lập lờ trên cát. Phù sa ngoài khơi trôi về làm cho biển trở nên xấu xí hơn. Không có một cánh buồm để nghe chan hòa trong tim một lời thơ Nguyễn Bính:

Hôm nay dưới bến xuôi đò
nhớ nhau ra cửa tò vò nhìn nhau
anh về đâu anh về đâu
cành buồn nâu cánh buồm nâu cánh buồm ...

Rồi những chiếc lá bàng sẽ úa vàng dưới một khung trời xanh ngút ngàn tầm mắt. Rồi em sẽ lớn khôn và thay đổi như con chim đập cánh rời khỏi một vùng sông. Một vài năm hay một vài tháng sau không chừng. Nhưng bây giờ em đang ngồi bên cạnh tôi và nói với tôi bằng những lời nũng nịu mà bất cứ một tình nhân nào cũng đều trải qua. Mười tám tuổi tôi nghe tôi khờ khạo trong khi nàng mới mười lăm. Trong giấy khai sinh của nàng ghi như vậy. Nhưng tôi không bận tâm về chuyện đó. Lớn thêm một vài tuổi hay nhỏ thêm một vài tuổi có làm biến dạng một tình yêu? Có làm cho hạnh phúc nồng nàn hơn hay xanh xao hơn khi hai vòng môi của nàng cong vút gió mùa?

Tôi chưa biết hút thuốc để thả những vòng khói trên tóc nàng như một tay chơi trong phim ảnh Pháp. Nhưng khói của ly cà phê làm được điều đó. Và nụ cười của nàng đã đậu xuống trên thành ly. Chiếc muỗng gõ nhịp trong những ngón tay đài trang trau chuốt. Biển ngoài kia đang xuống màu chiều, giống như màu của mắt nàng càng nhìn càng thấy thẳm xa.

Gia đình của nàng buôn bán sung túc tại Khánh Hội. Ba của nàng là chủ nhân của công ty Liên Cơ, một công ty xuất nhập cảng trên đường Trịnh Minh Thế. Mỗi vài tuần nàng xuống nghỉ mát tại Vũng Tàu bằng xe hơi, có tài xế lái. Những đứa con trai bám quanh nàng khi nàng mặc Bikini xuống biển. Tôi ngồi ở băng ghế đá nhìn theo. Sấn sượng một nỗi đau trong tim như có ai dùng dao cứa. Lợi thế để tôi nuôi dưỡng tình yêu cùng nàng bởi vì tôi là người địa phương. Tôi biết những cơn mưa sẽ cuốn theo mọi bụi bậm trên đường phố giống như những giọt nước mắt xóa sạch mọi đau khổ ban đầu. Tôi biết ngọn đèn pha soi rọi những ngổn ngang của biển nhưng không thắp sáng được niềm tin trong lòng đứa con gái mười lăm tuổi.

Tôi không biết trong trái tim của Giang có một ngăn nào trống trải dành cho tôi. Vì nàng luôn bận bịu những ngày trong tuần lễ. Nàng đến trường từ thứ hai đến thứ sáu. Ngày cuối tuần nàng còn mải mê những cuộc vui mà bất kỳ trong thành phố phốn hoa nào cũng đếu có. Những đại nhạc hội. Những vũ trường. Những lễ lạc gia đình. Những sinh nhật bạn bè. Bên cạnh đó là những lời đường mật. Không ít những con thiêu thân lao vào nhan sắc của nàng, nhưng tôi chưa thấy ai chết. Chỉ có mình tôi.

Ngày tôi học trung học có vài người bạn thân. Trong đó có một đứa là Tàu Lai. Tên hắn là Sì Lũ. Hắn có gương mặt của một người đàn ông không đẹp trai nhưng có nhiều tài năng. Sì Lũ mồ côi cha từ nhỏ giống như tôi, hiện ở chung với mẹ và một bà dì cũng góa bụa. Hai bà không chịu tái giá và nhứt định sống như vậy với những đứa con. Họ có một cửa tiệm buôn bán đồ tạp hóa và điều hành rất thành công. Tiệm Quảng Hiệp Hưng là một trong những tiệm tạp hóa lớn tại Vũng Tàu thời đó. Những đứa con gái con của bà dì nhỏ hơn chúng tôi vài tuổi và dĩ nhiên cũng là Tàu Lai. Có một đứa tên Caphé và đứa kia tên A Dia tôi rất thích chọc ghẹo mỗi khi có dịp. Nhưng các cô nàng rất siêng học, cả ngày cứ ngồi trên gác chúi đầu vào đám sách vở, không thích lê la ngoài đường như chúng tôi.

Vì là con trai một nên Sì Lũ rất được cưng chiều. Hắn được ăn xài và mua sắm thoải mái trong khi nhiều đứa trẻ khác không có cơ hội. Cao 1 mét 65 lúc mười bảy tuổi và là một tay thể thao có hạng, trong đó xuất sắc nhất là bóng rổ và bóng tròn. Sì Lũ có môt trái banh riêng bằng cao su có vòi bơm rất đẹp, lúc nào hắn cũng đem theo khi ra biển. Mùa hè chúng tôi thường hẹn nhau ngoài bãi Trước để tắm hoặc chia phe đá banh. Tôi ghé ngang nhà Sì Lũ mỗi buổi trưa (khi hai bà dì của nó còn ngủ trưa trên lầu) và huýt sáo. Sì Lũ ở trần chạy xuống, tay ôm trái banh. Ngực hắn nở nang và da đen nhẻm như một người Phi châu. Một lần hắn đưa trái banh cho tôi giữ và chạy ngược trở lên. Khi trở xuống hắn nhăn răng cười: “Tao ăn cắp tiền bà già để lát tắm xong mình đi uống nước”.

Nếu phải hình dung lại một mùa hè mà tuổi thơ tôi đã từng chan hòa trong đó, tôi không thể không nhớ lại những trận đá bóng đầy hào hứng trên bãi biển, trên bãi cát nước ròng. Chúng tôi, những đứa con trai vừa rời khỏi những ngày tháng mệt mỏi ở trường lớp cảm thấy hạnh phúc khi đối diện trước nắng gió và trước biển mênh mông. Lại thêm có tiếng rì rào của những hàng dương chạy dọc theo bờ, như lời nhạc muôn thuở được viết ra từ tấm lòng của biển. Có biết bao lần chúng tôi cùng rủ nhau để lội ra xa, rất xa. Cùng ngụp lặn dưới dòng nước xanh để tìm kiếm một cánh rong đã biến màu vì khúc xạ ánh sáng. Cùng thả ngửa để nhìn lên trời xanh và mơ được bay đi muôn hướng như mây ngàn. Ðôi khi, có những con tàu thả neo đậu lại ngoài khơi. Chúng tôi vừa bơi vừa nhìn những đám khói lan tỏa sau đuôi tàu. Lòng mê đắm một bến cảng xa lạ.

Có biết bao mộng ước được thêu dệt và thả bổng từ những ngày thơ dại đó. Và những tình yêu cũng nhờ đó tươi mát. Dù ngoài kia đầy những bụi bậm phố phường.

Chúng tôi gồm đủ hạng tuổi và không phân biệt làng trên hay xóm dưới, gom lại chừng mười mấy người là có được hai phe để đấu nhau. Hai đứa làm biếng nhất thường đảm nhiệm vai trò thủ môn. Hai cây bần trôi lạc đâu đó được tìm thấy và dùng làm hai cột gôn. Không cần có trọng tài vì chúng tôi quá quen thuộc với luật chơi. Khán giả thường là những người khách vãng lai đến từ Sài Gòn. Vài người là ngoại quốc. Họ ngồi trên ghế bố. Vừa hóng gió vừa coi đá banh miễn phí.

Mùa hè, tùy thời gian mà nước rút xuống buổi sáng hay buổi chiều. Ngày hôm nay nước ròng giữa trưa thì hôm sau sẽ là xế chiều. Mỗi ngày mực nước xuống chậm một tí. Khi trận đấu khởi sự cũng là lúc những con còng gió không còn một nơi chốn để rong chơi. Chúng tôi chạy dẫm lên chúng và bãi cát phẳng phiu cũng bị biến dạng sau những pha giành giật bóng. Nhưng sau đó thì nước biển dâng lên, xóa đi mọi vết tích làm cho bãi cát bằng phẳng trở lại.

Tôi thường đứng chung đội hình với Sì Lũ và đội chúng tôi ngầm coi hắn là một thủ quân. Ðội nào có hắn kể như nắm chắc phần thắng. Ðôi khi có những pha chơi xấu và xảy ra cãi cọ. Lập tức có những bạn khác, lớn tuổi hơn chạy đến can thiệp và hòa giải. Ða số ở trần mặc quần tắm. Vài người mặc áo thun quần đùi. Tiếng la hét gọi nhau để chuyền banh. Tiếng chửi thề khi một đứa để mất một đường bóng ngay “khung thành”. Tiếng hoan hô thán phục khi có một đứa lừa đảo vẽ vời qua mặt hàng phòng vệ. Tiếng va nhập vào nhau của hai thân thể khi cùng giành một đường bóng. Sì Lũ chạy lên chạy xuống không lúc nào ở không. Hắn chạy bao sân, chuyền bóng, dẫn bóng điệu nghệ như một Pélé khi chưa rời khỏi tổ quốc Brasil. Chính vì hắn tài nghệ như vậy mà nhiều khi hắn bị chơi xấu. Chuyện bị thúc cùi chỏ, bị ngán ống quyển xảy ra thường xuyên. Ðôi khi tôi đau xót nhìn thấy hắn bị chơi xấu nằm thẳng cẳng mấy phút trên cát. Nhưng rồi sau đó hắn hùng dũng đứng lên và lấy lại phong độ.

2.
Có thể trong một lần đá banh như vậy mà tôi gặp Giang. Gia đình nàng ngồi trên ghế bố, nhìn xuống những đứa con trai ngộ nghĩnh là chúng tôi đang hò hét, xô lấn nhau. Tôi không nhớ rõ hoàn cảnh nào chúng tôi quen nàng.

Có thể có một lúc nào đó, trái banh chúng tôi đá qua đà và sắp sửa rơi trúng ghế ngồi của Giang. Trong khi chúng tôi tránh né không dám đến gần chỗ của nàng thì Sì Lũ đã chạy đến đó lấy về. Dáng điệu của hắn như một lực sĩ chạy Marathon, đầy kiêu hãnh và tự tin.

Ðôi lúc tôi để cho trận đấu ra ngoài tâm trí vì thấy nàng đi bộ xuống bờ biển. Chiếc khăn lông quấn che ngang bụng, không che hết cơ thể vừa hình thành những đường nét quyến rũ. Ðôi chân thuôn thả chưa quen màu nắng gió chuyển động như những bước đi của một loài sơn miêu. Nàng đứng đó, nhìn ra khơi, ra những bao la như nghe ngóng một đời thuyền chuyển bến. Có cánh buồm nào đậu lại trong trái tim nàng từ một buổi chiều như vậy? Tôi không biết. Nhưng tôi ngẩn ngơ để nghe trong tâm hồn một mùa hè cựa mình thức giấc. Và bến đổ trong lòng tôi đang ngổn ngang rách nát những cánh buồm.

Sẽ không còn dấu vết từ những bàn chân không chạm trên cát bỏng. Và màu son trên môi nàng tươi như một màu phượng cháy. Bài thơ ngượng nghịu tôi viết cho nàng chiều nay không tìm ra vần để gieo xuống vì đời hứa hẹn nhiều dang dở.

Những cây sứ đang nở đầy hoa từ một mùa hè. Hướng nào đi về một bình yên khi gió mùa thổi mênh mang trên đường về Dinh Ông Thượng? Sự khao khát được làm một người lớn đã làm tôi úp mặt vào bàn tay khi đêm về lạnh giá. Tình yêu mất dấu như một trang cổ tích bị rách rời đoạn cuối. Nên tình yêu đó không có hậu.

Mùa thu trở về như một vết thương được tháo băng. Tôi nghe nhức nhối một màu vàng khô. Trên những băng ghế láng lẫy thời gian, có chiếc lá bàng nào vừa dửng dưng với cành để rụng xuống?

Ðêm chủ nhật trước ngày trở về Sài Gòn, chúng tôi đi dạo với nhau dài theo con đường Bãi Trước. Sì Lũ có vẻ không hứng thú để đi chung với hai chúng tôi. Hắn chỉ có mặt để Giang vui lòng và lát nữa đây hắn sẽ dạy nàng vài điệu nhảy.

Ngoài sự yêu thích thể thao, nhảy nhót và có tâm hồn ăn uống, Sì Lũ không biết đến tình yêu. Hắn chỉ yêu hắn và những trò chơi dính dấp đến may rủi. Sì Lũ cũng không màng đến chuyện lính tráng vì gia đình hắn sẽ lo liệu cho hắn chuyện này một khi hắn không còn cơ hội để học. Có thể một chỗ nhàn hạ nào đó trong binh chủng, hay cùng lắm là du học. Ðiều đó đã xảy ra. Khi tôi trú đóng tại vùng 2 chiến thuật, tôi nghe tin Sì Lũ đi Hải Quân và làm việc tại Vũng Tàu. Một thời gian sau nghe nói hắn dược đơn vị cho đi du học ở Mỹ.

Giang có một em gái nhỏ chừng 7, 8 tuổi. Nó quấn quít bên Sì Lũ mỗi khi chị của nó đi chơi với chúng tôi. Tự dưng hắn trở thành một kẻ vừa là chứng nhân cho cuộc tình chúng tôi, vừa là người vú em. Nhưng tánh hắn vui và phóng khoáng, không coi đó là chuyện bận tâm. Thỉnh thoảng mỏi chân chúng tôi ghé vào một quán kem hay cà phê nào đó và kêu đại một vài món gì có thể ăn uống được, vừa nghỉ chân, vừa tiếp tục những chuyện không đầu không đuôi.

Ðêm sâu hút vì những cây bàng che lấp ánh sáng của những ngọn đèn đường. Một lần trong quán cà phê Năm Tròn nhìn ra con dốc quanh co dưới chân núi Nhỏ, tôi thấy thời gian như vuột ngã ở một góc tối nào chúng tôi vừa đi qua. Không có báo hiệu nào để thấy tương lai chờ tôi ở cuối đường. Sì Lũ châm điếu thuốc rít một hơi dài. Hắn điệu nghệ ngước nhín khói chảy tràn trên tóc Giang, lạnh và buồn như một dòng sông mờ ảo. Em gái của Giang ngồi dưới chân nàng, trong một chiếc ghế thấp đan bằng mây. Tôi dựa lưng vào quấy hàng nghe Giang cất tiếng hát. Mưa đang dội về những tiếng rơi khô khốc trên mặt đường đá xanh. Mới đầu, nàng chưa bắt kịp giọng mình. Những âm thanh va vào những bàn ghế, những vách ngăn và lọt thỏm vào trong một vùng tối âm u. Nơi có một bếp lò đang cháy sôi ấm nước. Người chủ quán pha thêm cà phê vào trong chiếc vợt bằng vải ngả màu nâu sậm, sao giống màu mắt của nàng? Những khao khát cũng va vấp trên những ngón tay đang gõ nhịp trên mặt bàn. Còn ngón tay nào đang vuốt tóc?

Và bây giờ thì tiếng hát thoát ra khỏi thanh quản dễ dàng. Tiếng đàn là những lời mưa chợt đến gần rồi chợt rời xa. Ðâu đó chiếc xích lô dừng lại chờ khách chơi đêm về muộn. Ngọn hải đăng quét vội ánh sáng trên mặt biển mênh mông. Phố lặng lờ mưa bay.

“Ðêm nay em ngồi lặng yên nghe anh kể chuyện xưa
bao năm lắng trong tim
Tình mình từ thuở đôi mươi, mà ta chưa biết nên để lỡ duyên đời
Nghiêng nghiêng đôi nét mực xanh trong lưu bút ngày xanh em đã viết tặng tôi.
Mộng đời còn có đêm nay, ta hò hẹn nhau đây,
ôn lại chuyện chúng mình.
Ðời anh đã bao năm gió sương gót chân in chiến trường
Làm quen với đêm canh gió lộng, với mưa khuya núi rừng
Ðời tôi ngày ngày khi chiều chết trên đường phố
Giọng ca nhịp đàn mong gửi tám hướng tâm tư
Dù xa nhau em ơi, lòng ta luôn nhớ đời,
vì chờ mong còn dài
Mai nay anh đi rồi, làm sao tôi ngăn được,
thà vui đi cho trót đêm nay
Nhiều lần mình trắng bàn tay, như chuyện xa xưa ấy,
xin đừng nhớ hay buồn
Ðôi ta không sống vì nhau khi kẻ ở người đi,
thôi thương tiếc mà chi
Ðường về ngõ tối hai nơi, có phải vì sao rơi,
đêm hò hẹn hết rồi...
(chuyện chúng mình/ Trúc Phương)

Mai sáng nàng sẽ cùng gia đình trở về Sài Gòn. Một trăm hai mươi lăm cây số chia đôi một tình yêu không kịp chín mùi. Một trái cây đời già háp vì nắng quái xuyên ngang.

Có những điều nàng không làm sao hiểu được. Không phải giữa tôi và nàng bị phân cách mà bởi vì nàng quá nhỏ bé trong khi tương lai tôi thì quá mong manh. Ðã từng có những ngày khô hạn trên mái ngói của ngôi giáo đường cũ, lúc nàng chia tay với tôi. Giọt nước mắt chạy vòng quanh bên ngoài ký ức. Không còn ngọn gió nào gõ cửa để cho chiếc rèm rung lên vì mong đợi...

PNY