Thư viết từ đường Heatherglen 5

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Phạm Ngũ Yên



Phạm Ngũ Yên

1. Những cơn mưa hồi đêm làm ướt đẫm mặt đường buổi sáng nơi đứa con gái đứng chờ xe buýt. Sương mù tuyệt đẹp che kín một góc ngã ba. Che mất lối dẫn vào khu công viên sau nhà và thùng thơ nằm co ro chờ đợi người phát thơ đi ngang mỗi ngày. Mùa đông đang hiện diện trên những cây sồi vùng Alaska. Chưa có nụ hoa nào nở kịp nơi tôi ở ngoại trừ những cánh thủy cúc màu tím được trồng ngoài thềm các chung cư để mời gọi khách vãng lai.

Rồi những cơn mùa phùn sẽ không tới kịp trong ngày hôm nay. Mới hôm nào thành phố còn ủ ê nhan sắc mùa thu trên những bảng chỉ tên đường và cuộc đời hoang vu vì màu xanh không còn chạy theo những bờ cỏ ngoài xa lộ. Có một chút quanh hiu nhưng không phải vì vậy mà đời sống không thừa mứa những lạc thú.

Suốt đời tôi luôn yêu mến và đau khổ đã từng vì cớ những cơn mưa bay ngang qua một thành phố núi. Những dòng mưa ướt đẫm một thời thanh xuân mê muội và những năm tháng lính tráng đầy những vết chém tương tư. Ðó là một phần quá khứ đậm nét không thể quên cho dù gần ba mươi năm. Như một chuyện phim buồn.

Ai đó đã nói rằng cuộc đời không bao giờ có chỗ đứng cho những kẻ chậm chân, nhưng cuộc đời luôn chứng kiến vòng lăn các chuyến xe về muộn. Khi tôi giải ngũ về với một vết thương lòng chưa kịp kéo da non thì mùa xuân cũng theo em về bến khác. Người đàn bà có cái tên của một dòng sông nhưng tâm hồn luôn khô cạn một lòng suối hẹp? Nàng dạy cho tôi cái giá của hạnh phúc nhưng hình như nàng không quan tâm đến chuyện thủy chung:

“Tôi gởi đời tôi trong tóc ấy

Ôm người chưa chắc nổi vòng lưng”.

(Trần Dạ Từ)

Mùa này Ðà Lạt lạnh bâng khuâng. Gió mùa se sắt thổi về trên những luống đất đỏ “ba dan” đường xuống Chi Lăng. Gió mùa chạy quanh những dàn su hào đường về Trại Mát. Những vòng khoai, những luống cà chạy thẳng tắp nhìn xa giống như được trồng trọt bằng máy cày. Thực ra do chính tay con người làm ra. Những con đường buồn một thời của chúng ta đang đón nhận những chiếc lá vàng xô nhau rụng xuống. Những bước chân ngập ngừng như quên lối về nhà ai. Giá mà có thêm một chút nắng thì đời sẽ bớt chông chênh.

2. Khi tôi từ Việt Nam sang định cư tại Hoa Kỳ, tháng 3 năm 1991. Ðêm đầu tiên tôi ngồi trong căn phòng của apartment nhìn ra mùa xuân đang lướt thướt bên ngoài. Khu chung cư mang tên một Thánh Nữ - Santa Maria - có tuổi đời hơn 20 năm. Ánh điện mù căm đang dội xuống lối đi dẫn ra nhà giặt công cộng, và bãi cỏ xanh mướt như cuộc đời chưa biết vay mượn nỗi buồn. Chung quanh tôi những người thân đang yên giấc. Sự trống vắng len lỏi trên những đồ vật hiện hữu, trên những ngăn kệ còn thơm mùi sơn nhưng lòng tôi đầy ắp nỗi hạnh phúc. Cái hạnh phúc được làm một người tự do trên đất nước tự do rất giản đơn, rất dễ dàng. Nhưng sao bên kia nửa vòng quay địa cầu bạn bè tôi, anh em tôi tìm hoài không thấy?

Từ chiếc bàn viết đơn sơ chưa bề bộn giấy tờ, nỗi hân hoan đậu xuống trên mỗi dòng chữ. Tôi viết bài tạp ghi đầu tiên tháng 3 năm 1991 để tạ ơn hạnh phúc, tạ ơn cuộc đời. Ðêm mênh mông cánh gió bên ngoài và những dòng xe nối đuôi nhau chạy trên đường 183 như một mạch sống vô tận. Có một chút mùi hương âm thầm của cây đêm và có tiếng cựa mình của đóa hoa nơi bình sứ, như lời chia tay với một quá khứ đau buồn.

Năm 1991, con đường 183 vừa mới mở mang để đáp ứng nhu cầu giao thông mỗi ngày mỗi nhiều trong thành phố. Một phía được làm thêm 2 lane và lên cầu. Ðất đá, xà bần còn ngổn ngang từng đống bên cạnh mấy xe cần cẩu vươn cao đầu giống như những con khủng long khổng lồ.

Tuần lễ đầu mới định cư, tôi thường đi bộ qua bên kia đường Lamar để đến khu chợ Liên Hương. Không phải để mua sắm mà chỉ tìm mua báo Việt ngữ. Những tờ Làng Văn (Canada), Hồn Việt, Văn Nghệ Tiền Phong đã quá thời hạn. Ða số bị chủ tiệm cắt một góc bìa chờ đợi gởi trả lại cho nhà phát hành. Trong khi vợ tôi mua sắm những thức ăn lỉnh kỉnh, tôi đọc lướt qua một số chủ đề và yêu cầu người bán để lại tôi với giá “ủng hộ”. Ðó là những tờ báo Việt ngữ đầu tiên trên đất Mỹ. Từ những số báo lạc loài đó, tôi đã có một cái nhìn chung về tác giả, tác phẩm VN đang có mặt ở hải ngoại. Tôi biết tôi phải bắt đầu từ đâu và viết như thế nào. Tôi ngồi xuống từng đêm để bắt đầu sự nghiệp viết lách của mình trên xứ người.

Một bàn máy đánh chữ do người bạn tốt bụng cho mượn dài hạn, tôi đã dùng nó đánh máy lại một số bản thảo đem từ VN sang, một số bài mới gởi đi cho các báo địa phương. Một số bài khác gởi cho Văn của Mai Thảo.

(Chợ Liên Hương làm ăn thua lỗ, bị phá sản. Người chủ mới sau này sang lại và đổi tên là Saigon Market. Người chủ cũ bỏ đi biệt tăm. Cho đến bây giờ, có rất nhiều cơ sở phát hành, mua bán sách báo tại Austin, như Mây, như Vũ, như Mi nhưng lòng tôi vẫn còn nhớ ơn người phụ nữ xa lạ đó đã “bán rẻ” cho tôi một vài thức ăn tinh thần quý giá. Cuộc đời có 2 mặt tốt xấu, hư thực lẫn lộn. Có những món đồ vô dụng, không cần thiết với người này, nhưng lại quan trọng với người kia).

Mỗi đêm, trong khi vợ con an giấc, tôi ngồi xuống chiếc bàn bừa bộn sách báo, trước chiếc bàn đánh máy chữ hiệu Canon. Không dám uống cà phê vì sợ mất ngủ, vì sáng ngày mai còn phải đi làm. Tôi nhìn ra khung cửa sổ lộng gió đêm và những đời xe nối đuôi nhau xuôi ngược dưới đường, lòng rung động một sự thôi thúc kỳ thú.

Tôi muốn thả sự hồn nhiên đậu xuống trên những chữ mình viết như một cách tạ ơn đời. Tạ ơn mùa xuân muộn màng khi nhận ra chân mình đã dẫm lên vạch cuối mùa đông. Trong khi tâm hồn kẻ lưu vong là tôi thèm muốn được chết trên rẻo đất tự do đượm đầy sữa và mật. Nhưng hình như tôi không đủ khả năng. Cuộc sống có quá nhiều tan tác chia ly. Làm sao tôi che dấu hết những ngấn lệ làm lem luốc hạnh phúc? Làm sao tôi có thể từ chối đón nhận nỗi tan hoang từ một cuộc tình rách nát như một tặng phẩm của Thượng Ðế. Giống như thiên nhiên cũng gởi đến cho chúng ta những nụ hồng tươi tắn, nhưng cũng kèm theo gai nhọn đâm chảy máu tim người...

Tới đây, mùa đã xuân hồng

Cây vui trổ lá, nụ mừng đơm hoa

Xin chào bằng hữu gần xa

Dẫu chưa quen biết đã là anh em...

(Thanh Nam)

Cuộc đời đang vàng phai những gió mùa, hôm nay ngồi ôn lại những bước đầu ái ngại mười mấy năm về trước. Tình yêu phôi pha và mộng ước cũng tan theo dòng đời. Không còn bao nhiêu tươi mới để lòng muốn tìm hái những búp thanh xuân. Nhưng lửa tro than vẫn còn âm ỉ chờ đợi ngún cháy bất ngờ. Làm sao chúng ta không trăn trở, không khua động một đời đau để đi lại những con đường xưa liều lĩnh?

3. Ðêm về sáng ở nhà người bạn cũ nghe tiếng chim cu rúc từng hồi. Tiếng chim gợi nhớ một thời thơ ấu nơi bãi biển Vũng Tàu. Nơi những đồi cát chập chùng của tháng mười hai tôi chở người yêu đạp xe ra Bãi Sau để nghe hai hàng phi lao tỏ tình với biển. Một lần tôi nghe được tiếng chim cu đất rúc trong bụi rậm và gió thổi bay ngược tà áo dài của ai vừa khép nép sau lưng. Có những ngăn đời chỉ chứa đựng một viên sỏi hay một hòn cuội nhưng sao làm nặng trí nhớ. Khi người ta không biết suồng sã với tình yêu, thì tình yêu tự nó sẽ bay mất. Ai đã nói như vậy?

Những vòng bánh xe mỗi thời có kéo thêm những hao mòn sên xích, và mái tóc bồng bềnh không hề biết đến gương lược kia không che giấu hết vầng trán muộn phiền.

Rồi vậy đó, bỗng dưng mà họ lớn

Tuổi hai mươi đến có ai ngờ

Một hôm trận gió tình yêu lại

Ðứng ngẩng trông vời áo tiểu thư.

(Huy Cận)

Tuổi hai mươi chưa kịp đi xuống cuộc đời đã thấy chóng mặt vì nắng gió chói chan. Biết bao nụ cười đôn hậu đã thay cho nỗi buồn và trái tim khô khốc không kịp ngày hồi sinh. Những nàng con gái chung trường chung lớp cũng từ biệt thơ ngây để theo chồng, không cần biết mưa bên chồng vui nhiều hay ít. Những ly đậu đỏ giờ ra chơi đã lạnh tanh vì thiếu vắng hơi thở xuân thì, trong khi môi miệng ai vừa lén lút trao hôn?

Cuối tháng mười hai có lẽ vẫn còn gió mơn man trên những nụ hoa sứ trắng đường lên Dinh Ông Thượng. Những trái bàng già rụng vội vàng như tuổi xuân của chúng tôi, những gả trai dại khờ trót trao trái tim đi mà không kịp lấy về. Giống như những kẻ đánh bạc hết thời, đen tình mà cũng không đỏ bạc.

Ba mươi mấy năm sau, bất chợt gặp lại những người con gái cũ của trường xưa. Họ vẫn phơi phóng một tấm lòng của biển. Ðường phố Bolsa có đông vui nhưng lòng ai đã quạnh hiu một góc chợ chiều. Vì thời gian không dừng lại. Bên ly cà phê báo hiệu một đêm mất ngủ, vài mẩu chuyện gợi lại một khung trời hương mật và màu xanh của sóng đang lao xao trong mắt. Một vài người đã là bà ngoại, bà nội. Một vài người nghe tin đã chết. Một vài người thiếu may mắn trên đường vượt biên. Một người nghe nói còn ở Việt Nam nhưng bây giờ đi tu.

“Ngày mai trong đám xuân xanh ấy

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi...”

Vài người an phận khép kín tương lai giữa bốn vách đời cơm áo. Vài người thành danh giữa trùng điệp “gió tanh mưa máu” giang hồ.

Một lần ngồi ở Lee Backery nhìn ra giao lộ đèn đỏ trùng điệp những đời xe mới toanh, nghe từ cuối một hành lang vọng lên bài hát. Nó không quen thuộc và lặng lẽ. Nhưng dấy động một nỗi buồn.

Ngày xưa anh đón em Nơi gác chuông chùa nọ Anh bây giờ qua đó Còn thấy chữ trong chuông Em khoát áo nâu sòng Anh một đời biền biệt Tên em giờ tha thiết Theo tiếng chuông chiều đưa... (Phạm Thiên Thư/Dấu Chân Chim)

Người con gái có tên Hoàng Hoa một thời tôi theo đuổi tại Vũng Tàu bây giờ đã đi tu. Tôi không biết duyên cớ nào làm nàng từ bỏ cuộc đời dung tục này để nương thân vào cửa Phật? Câu chuyện nghe có vẻ đượm mùi cải lương mang dấu ấn của Lan và Ðiệp. Nhưng tôi biết nàng vẫn từng hạnh phúc sau khi không còn đến trường. Tôi biết người chồng đẹp trai của nàng là Ðại uý Trần Bình Lâm. Sau 30 tháng 4 năm 75, nàng bương chải bán thuốc tây ngoài chợ trời để nuôi chồng ở tù và nuôi mấy đứa con còn nhỏ. Ðôi lần tôi gặp Hoàng Hoa dắt xe đạp từ chỗ gởi xe. Chiếc áo bà ba thay cho chiếc áo dài ngày thơ dại. Và đôi mắt đẹp buồn não nùng.

Mỗi cuộc đời đều giống như một dòng sông. Có khi sông vặn mình chảy xiết qua những gềnh thác cheo leo. Có khi sông âm thầm nép kín sau những khúc quành. Sông ủ đời sông theo những ngày tháng lạnh của mưa và trong veo của nắng. Nhưng sông không bao giờ quay đầu trở lại thượng nguồn, mà chảy luôn về biển.

Mối tình của tôi, với Hoàng Hoa, giống như dòng sông như vậy. Ðêm đêm, lời kinh của nàng có làm sầu muộn thêm những đóa hoa sứ trong vườn Bồ Ðề? Ðêm đêm, tiếng gõ mõ của nàng có làm kinh động những đời bướm mòn mỏi giang hồ?

Nàng giam mình trong một chiếc am nằm trên đường ra Ô Quắn (Au de Vent). Mỗi tuần, Trần Bình Lâm chạy Honda đem thức ăn chay cho nàng. Tôi nghe bạn bè nói lại. Nàng hạnh phúc trong câu kinh tiếng mõ. Chờ đợi ngày hóa thân.

Nhớ xưa em rất dịu dàng

Hồn vang tiếng guốc mơ màng Hoàng Hoa

Em từ cõi Huế đi ra

Hương Giang bỗng mặn phù sa Vũng Tàu

Bây giờ em rất thanh cao

Áo xanh nay đổi áo bào Quan Âm

Ðêm qua một cánh hoa bầm

Rớt trên kinh Phật tưởng lầm môi ai?

(PNY)

4. Dấu vết của thơ ấu luôn tồn tại trong chúng ta, mặc cho tháng năm rụng xuống như lá khô. Mặc cho vết nhăn dọc ngang rõ ràng trên mọi trán đời, mọi đuôi mắt. Lũ lượt mọi người vượt qua biển dâu, qua những tan hoang cùng những hạnh ngộ. Nhưng đất đai Vũng Tàu vẫn còn đó. Núi Lớn và Núi Nhỏ vẫn còn đó. Ngọn hải đăng có từ thời Pháp thuộc đã soi dọi bao nhiêu thăng trầm của chế độ, đêm đêm làm bổn phận soi đường cho bao nhiêu chuyến hải hành. Xa hơn nữa về phía tây nam là Cần Giờ, nơi có hai dòng nước mặn, ngọt gặp nhau và cá tôm cũng chìu người không chịu theo sông để trở ra cùng biển. Những gã học trò nhỏ, lớn lên đã bỏ vùng đất phèn chua và nước lợ đó để trôi giạt ra thị thành vì nhu cầu trường lớp, một hôm nào thèm thuồng nhớ lại hương vị những trái mãng cầu nứt gai ngọt ngào trong cổ, những con tôm khô đậm đà không phải được vớt ra từ lòng muối. Những dấu vết của phù sa không theo sông để trôi về biển lớn. Chúng nằm yên ở một khúc quành. Nhưng mỗi ngày trong ký ức của tôi luôn đọng lại hàng hàng lớp lớp phù sa. Chúng có khả năng làm cho trái tim khi muốn quên mà không thể nào quên được.

Trên đường ra phi trường John Wayne sáng nay, qua mấy hàng cây che hết nắng mặt trời, nhưng lòng tôi vẫn thấy trống trải một vùng biển rộng. Những cây cọ trẻ trung mang vẻ đặc thù Cali nhưng sao giống như những cây dứa già nua theo đời học sinh chúng tôi ngày trước? Chiếc xe của người bạn mới quen luồn lách qua những stop signe, những ngõ quanh đường tắt để kịp giờ đến phòng vé phi trường. Mây xuống thấp ngang tầm mấy khách sạn bề thế làm cho buổi sáng mang màu ảm đạm hơn.

Tôi sắp giã từ Cali. Thành phố rất ít mùa đông. Cũng rất ít heo may rõ ràng khi thu về. Tôi mới vừa giã từ những cây anh đào non mới vừa được trồng trên đường Westminster năm vừa rồi. Ðây là một trong những thành quả lãng mạn của người Việt lưu vong trên xứ người. Có biết bao điều quen lạ, quyến rũ từ đất đai, từ con người nơi đó, mỗi năm tôi về gặp lại. Cái quen lạ và quyến rũ giống như đất đai của vùng biển ấu thơ, nơi mà mỗi mùa hè tôi phơi trần mình trên bãi cát nước ròng để đá banh với bạn bè. Ðôi lúc lang thang dọc dài theo mấy tán dù, nhìn ngắm các em gái Sàigon xuống tắm biển. Tình yêu và sự thất vọng cũng nở hoa từ đó.

Tôi nói tình yêu vì ngày đó cứ nhìn thấy các em gái Sàigon cười nói bâng quơ là đã đem lòng yêu. Ðêm tối về tơ tưởng và làm thơ như điên.

Ngẩng đầu ngắm mãi chưa xong nhớ

Hoa bưởi thơm rồi đêm đã khuya (Xuân Diệu)

Tuổi trẻ không biết mình là ai và cứ lao đầu vào lửa. Cứ tưởng rằng mình là trung tâm điểm của thành phố biển. Tuổi trẻ có nhiều cái ngộ nghĩnh như vậy.

Nhưng từ những ngộ nghĩnh đó, đã thắp sáng chúng ta. Ðã nuôi đời chúng ta lớn khôn và biết ủ tương lai mình bằng sự lãng mạn.

Làm sao để biết rằng tình yêu đất đai là một cái gì đó không thể nói ra bằng lời. Mà chỉ cảm nhận bằng trí tưởng.

Hãy chịu khó cúi xuống, để nghe vang từ mạch đất tiếng đập thủy chung, đôn hậu, nồng nàn...

PNY