Thư Viết Từ Đường Heatherglen

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

Phạm Ngũ Yên


1.
Trong hơi thở rất khẽ của thời gian, mọi thứ đã nằm yên trong lớp bụi quá khứ. Những chuyện ngày xưa giống như cổ tích không muốn khơi động nhưng vẫn cứ xúc động trong trái tim già nua. Bầy sẻ cũ một hôm nào lìa xa mái phố và màu hoa cũng bớt đi vẻ nồng nhiệt ban đầu.

Sài Gòn mới đó đã xa hơn mười tám năm. Thời gian vừa đủ để có biết bao thay đổi. Khi tôi rời Sài Gòn, Việt Nam khoảng đầu tháng 3 năm 1991. Bây giờ tháng 6 năm 2009. Buổi sáng âm u những cụm mây xám trên bầu trời màu chì. Tôi chờ đợi một cơn mưa về muộn.

Bây giờ tháng sáu
Sân trường không ai
Anh về hong lửa
Soi ân tình dài...

Tháng này từ mọi miền trên đất nước Hoa Kỳ không có ai trên sân trường. Không có bóng dáng một trẻ thơ nào lang thang rượt đuổi những cánh bướm hư ảo. Nhưng mùa hè tại đây có ngày Lễ Mừng Các Người Cha- (Fathers’ Day). Không biết những “người cha thời thơ ấu Việt Nam” hôm nay có còn nhen nhúm một ngọn lửa nào trong trái tim cằn cỗi vì sinh kế nơi quê người? Và cũng không biết có bao nhiêu mùi thơm tỏa ra từ những ngăn ký ức mà một đứa bé còn có thể giữ được về Cha nó? Những mùi thơm đó đang hóa thân thành những tấm thiệp nằm hàng hàng lớp lớp trên các quầy bách hoá ở siêu thị. Nó nhắc nhở cho những đứa con nhớ về một ràng buộc thiêng liêng rất trang trọng giữa đời. Là ơn nghĩa sinh thành. Cho dù đôi lúc xã hội văn minh có làm méo mó hình ảnh đẹp đẽ của người Cha. Đôi lúc người Cha bị đẩy lùi nằm ở hàng cuối cùng trong bảng phân loại ưu tiên ở Mỹ (nhứt trẻ con, nhì đàn bà, ba súc vật, bốn cây cỏ và cuối cùng mới tới... đàn ông).

Những chiếc buýt vàng khô sáng nay không đậu nơi góc đường quen. Ngày không vui không buồn vì những vạt nắng đang đậu xuống cành xanh. Cây phượng xỏa nhánh như nhắc nhở một mùa hè. Nhưng màu phượng nơi đây không chói chan như phượng ở quê nhà. Những cánh hoa màu hồng phấn, gợi nhớ đến màu má của một tình nhân thời giông bão.

Vũng Tàu của thập niện 60. Tôi vừa bắt đầu một mùa hè và chuẩn bị một mùa thi. Ngôi trường của tôi nằm kế bên hông Nhà Thờ Lớn, cách một con đường trải nhựa rợp bóng mát. Tôi không nhớ tên của con đường. Chính nơi đây, chúng tôi, những đứa con trai dại khờ thường ngồi ngắm các nữ sinh mặc áo dài trắng đi qua. Vừa nói chuyện với nhau vừa chờ đợi giờ vào lớp. Mùa thu đoạn đường này đẹp vô cùng, vì những lá sao vàng rơi che lấp lề đường và sân chơi. Nhưng người gác dan của trường là Bác Nhượng sẽ vô cùng khó chịu vì mùa thu làm cho bác phải quét lá và thu dọn thường xuyên.

Tôi sẽ viết ra đây như một lời tạ lỗi muộn màng, cho Bác Nhượng. Người đàn ông già ốm yếu nhưng rất tháo vát, đã yêu mến một nơi chốn mà ai cũng có thể gặp nhau mỗi ngày. Một nơi chốn mà ai cũng có thể tìm thấy một tình yêu bâng khuâng hay một đau khổ nhẹ nhàng. Bác Nhượng từng yêu mến ngôi trường cùng những gì làm nên giá trị của một quãng đời học sinh của chúng tôi. Bác cũng yêu mến luôn chúng tôi, dù chúng tôi luôn dùng bác làm đề tài để chọc ghẹo. Bác cũng có một đứa con trai học chung với chung tôi, tên Trường. Trường ít nói và cần cù hơn chúng tôi.

Bác Nhượng được ông Hiệu trưởng cấp cho một căn nhà ngay phía sau văn phòng làm việc, để tiện cho bác việc bảo vệ khi trường khi không còn ai hoặc sẽ chăm sóc từng lớp học khi đến mùa bãi trường. Vì bác là người Bắc di cư năm 54, nên khi bác cất tiếng nói thì đám học trò miền Nam chúng tôi cười phá lên. Chúng tôi càng cười bác càng lộ vẻ lúng túng.

Tuổi thơ có những điều gây buồn lòng cho người lớn. Chúng tôi không thoát khỏi tình trạng đó. Nhưng những chuyện phá phách, bông đùa như vậy chỉ cốt để dịu đi những căng thẳng trong giờ học, chớ tuyệt nhiên không dùng để gây thương tổn cho một ai. Thảng hoặc nếu có thì chỉ là ngoài ý muốn. Vì dù sao, tận trong đáy lòng, chúng tôi vẫn tôn trọng bác, coi bác như một thành viên trong gia đình. Nhưng có một câu chuyện đáng tiếc xảy ra sau khi tôi rời khỏi trường và đi lính. Tôi cũng chỉ mới biết cách đây vài năm, khi có một vài người bạn e mail qua lại với nhau, tình cờ nhắc đến tên bác. Họ cũng nghe kể lại, cho nên câu chuyện thiếu tính chất chính xác của thời gian và không gian thì dường như đã thay đổi rất nhiều từ sau những mùa thi. Câu chuyện kể rằng, không biết một tên nào đó (học sau tôi một vài lớp) vừa học dở vừa có máu du côn một hôm liều mạng chui vào sân nhà sau của bác Nhượng ăn cắp một con gà mái tơ. Không biết có bao nhiều người tham dự trong sự việc nầy và ai là kẻ cầm đầu. Nhưng bác Nhượng lên văn phòng thưa với ông Hiệu trưởng và nêu đích danh một đứa từng có lần léng phéng ngang nhà bác buổi chiều hôm đó. Thế là thủ phạm cũng như đồng phạm đều bị kêu lên văn phòng để “điều tra”. Dù sợ đến xanh mặt, nhưng cả bọn đều nhứt định không chịu khai ra đứa chủ mưu.. Sau mấy tiếng đồng hồ vừa dọa nạt (hăm mách lại với ba má, hăm đuổi học...) vừa vỗ về (đứa nào lỡ làm thịt ăn thì mua trả lại, trường sẽ bỏ qua ....) ông Hiệu trưởng vẫn không tìm ra ai là tác giả của dự án “kinh khủng” kia -- cuối cùng ông ra lệnh phạt “cấm túc” tất cả lớp ngày chủ nhật.

Đó là những vết mực lem luốt trên những trang vở đầu đời. Nhiều chục năm sau nầy, khi nghe lại câu chuyện, tôi vẫn thấy có một cái gì đó không thanh thản trong lòng. Giống như một hạt bụi bay xốn xang qua mắt.

Bác Nhượng đã mất từ lâu. Từ những năm tháng tôi còn miệt mài ở ngoài quân khu 2 (Đà lạt). Anh Trường - con bác - tôi cũng không gặp. Một lần tôi về phép, thăm lại trường, tôi thấy khung cảnh giống như cũ nhưng mọi khuôn mặt đều xa lạ. Nhiều người bạn quen học chung tôi nghe tin cũng vào lính như tôi. Một vài đứa khác cha mẹ có tiền cho đi du học ngoại quốc. Lũ lượt mọi người vượt qua bể dâu. Qua những tan hoang cùng những mất mát. Màu biển ngoài kia vẫn còn xanh, nhưng trong lòng người lính bỗng vàng phai như lá.

Tôi ngồi dưới một cây điệp già nua như tuổi đời chúng tôi. Cột cờ giữa sân trường đang phơi mình trong gió chiểu, Lá cờ rã rượi như chia xẻ một nỗi quạnh hiu không rõ nét. Chính cây điệp nầy, có lẽ ngày xưa ít ai còn nhớ về nó, về những con sâu rọm nằm trong lá mùa đông. Chúng rơi xuống vì cơn gió thổi qua, đậu bám trên tóc, trên vai áo của những cô gái xuân thì. Và sau đó, những đứa con trai “nghĩa hiệp” tình cờ đã ngượng ngừng phủi những những con sâu hạnh phúc đó cho các em.

Những tình cảm như vậy luôn nẩy nở và không kịp vun phân tưới nước, cho đến một hôm nào một trong hai người không còn yêu nhau, hay một trong hai người vừa bỏ trường bỏ lớp - để theo chồng hay đi vào quân ngũ.

Cuối sân, thấp thoáng cành phượng vươn mình trên mái ngói. Tôi không nhớ có bao nhiêu cây phượng nằm trong sân trường tôi. Nếu còn đủ, chắc bây giờ chúng đã không còn tươi thắm một mùa hè. “Màu hoa phượng thắm như máu con tim”. Đúng vậy, nhạc sĩ Thanh Sơn đã viết thay cho những trái tim học trò trót cho đi nhưng thu về chẳng được bao nhiêu. Những mối tình si hay những cuộc tình đã có kết cuộc, đều mang một chất lửa chói chang. Nắng chiều ngại ngùng không muốn hiện diện trên sân đang vương vãi những xác lá từ đâu bay về. Ở một nơi nào trong trái tim, những điều tưởng chừng đã ngủ quên, bỗng cựa mình thức dậy. Vì cuộc đời không phải chỉ toàn màu xanh, nên lời hát năm nào bốc hơi thành nỗi nhớ.

Những dung nhan một thời làm trở trăn giấc ngủ đứa con trai chưa kịp trưởng thành. Tất cả đều giống như giọt mực rơi trên tờ vở cũ. Tất cả bỗng cất thành tiếng nói. Đều hóa thân thành những câu thơ.

Không biết chiếc bàn học nơi lớp cũ của tôi có còn không. Tôi nhớ nó nằm hàng thứ nhì tính từ bên phải. Bên cạnh tôi còn có thêm ba đứa nữa, cũng nhỏ con và “ốc tiêu” như tôi. Một ngày mưa phùn, tôi nhìn vào hộc bàn và thấy một con dế đang nằm im trong đó. Có lẽ nó đi lạc vào hồi đêm qua. Phía bên trái từ của lớp đi vào, bàn của nàng ngay dãy đầu. Lâu lâu đứa con con gái nhìn qua phía chúng tôi. Con mắt đen và tròn như hai hột nhãn.

Lúc tôi đi lính, Vũng Tàu đang giữa mùa thu. Không có heo may như Hà Nội để tôi nhìn theo tà áo ai cuống quít băng qua đường. Hàng cây sao bên hông nhà thờ cũng chưa kịp thay màu lá. Nhưng tôi biết mùa thu lấp lánh trên khóe mắt em. Hình như bao giờ cũng vậy. Những cuộc chia tay đều ướt át những ngấn lệ.

Ngày xưa. Ngày xưa. Hai tiếng đó nghe tưởng nhẹ nhàng nhưng lòng nặng nề quá đỗi. Tôi không thể yên lòng để tự nhủ rằng tất cả mọi chuyện rồi sẽ trôi qua. Như chuyện tôi vào lính và thuyên chuyển ra vùng Một. Như chuyện em đi lấy chồng. Nó không trôi qua giản dị như vạt nắng buổi sáng khi mặt trời mọc lên hay cụm mây lang thang trên bầu trời. Lần đầu tiên tôi nhìn ra một tình yêu mà trong một phút yếu lòng tôi đã tưởng nàng đã thuộc về tôi, giống như tôi đã thuộc về nàng. Đó là một tình yêu mắc cạn trên bờ cát nước ròng.

Có phải em dòng sông
Tìm mênh mông cửa bể
Anh chỉ là đứa trẻ
Xe cát trên đường về
Con sóng nào đam mê.
Để tóc anh sũng ướt
Cơn gió nào đã hát
Rủ anh vào trùng khơi
Sao lại có chân trời
Để anh tin bờ bến
Đêm nay lòng biển cạn
Gió u u ngực sò
Em là dòng xanh ư?
Anh mù lòa cửa bể
Gió cát rồi sẽ kể
Ngày xưa ta yêu nhau ...
(không nhớ tác giả)

Những ngày tháng mới mẻ qua nhanh, chập vào nhau để làm đậm nỗi nhớ. Tôi không trở lại trường cũ một lần nào nữa cho đến ngày mất nước.

Các bài hát cũ cũng không còn được phổ biến. Bài Nỗi Buồn Hoa Phượng cùng chung một số phận. Những dòng lệ lặng lẽ trên quê hương này đang hiếm hoi vì bị cấm đoán. Vì nhà nước ngày đó không muốn thế giới bên ngoài thấy Việt Nam trở thành biểu tượng của sự bất hạnh.

Nhưng “màu hoa phượng thắm như máu con tim” đang chảy miệt mài hơn bao giờ. Không phải vì tình yêu của đôi tình nhân bị ngăn trở không thôi, mà cả nước Việt Nam những trái tim đang bị vết cắt của đời làm chảy máu.

Tôi muốn nghe lại chính giọng hát thực sự của Thanh Tuyền cách đây hơn ba mươi năm khi nàng hát bài Nỗi Buồn Hoa Phượng. Giọng hát trong veo như một dòng suối nước giống như tên của nàng làm điêu dứng hồn tôi. Bao nhiêu năm rồi mà sự rung động vẫn y như ngày mới lớn.

Những tiếng hát ngày xưa, giống như những cột mốc bên đường. Chúng đánh dấu một chặng đời. Một nơi chốn. Có thể những tiếng hát sẽ không còn tồn tại với thời gian vì không một ca sĩ nào có thể hứa hẹn được điều ấy. Nhưng trong lòng người mộ điệu luôn khao khát một khung trời xưa. Một góc phố xưa. Từ một bài hát đã cũ. Có cây phượng đứng ngẩn ngơ bên đường. Cây phượng đó vừa trải chói chang của mình lên mọi tấm lòng đang bị bão giông đời làm hao hụt...

PNY