Thư viết từ đường Heatherglen 2

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Phạm Ngũ Yên





1.

Ly cà phê nồng nàn ở quán cà phê quen thuộc lúc tôi ngồi một mình trong buổi sáng cuối tuần. Mùa thu vẫn trôi qua nhưng đời sao nghe vắng lặng. Có phải nắng đang xuống đường ngoài kia để bù đắp cho những ngày mưa dầm làm biếng nhác dấu chân ai vừa rời xa thềm cửa? Câu hỏi không lời giải đáp và rơi xuống đáy ly, khô khốc và hắt hiu như một lời kinh cầu: “Xin cho yếu đuối trở thành vững vàng...”

Làm sao để biết rằng tại Austin đang có một người nhớ về một người?

Em có biết rằng Austin đang nhớ em da diết hay không?”. Hôm qua mưa và gió lốc thổi về. Hôm nay nắng ngập ngừng trên mấy trụ điện giao thông làm cho mấy con chim bồi hồi. Làm sao để biết lúc nào em sẽ trở về, sau một thời biền biệt. Như ngày bình yên sau những mưa nắng thất thường?

“Hôm nay tôi lên đường phố cũ, tìm em chiều hẹn hò ...

Cho nhau niềm vui cuối tuần, vì hơn mỗi lần, vắng em chiều kinh đô nghe xao xuyến bước bâng khuâng ...

Ai quen ai khi bàn tay trót nằm trong lòng tay rồi ...” (Chiều Cuối Tuần/ Trúc Phương).

Có những cuộc tình xoải cánh bay cao hơn một cánh diều, để lại đàng sau nó niềm đau tơi tả cùng với nắng gió. Khi rời khỏi Việt Nam năm một ngàn chín trăm chín mươi mốt, tôi đã cầm chắc tôi sẽ mất hẳn Sài Gòn. Như mất một món đồ quý giá trong đời. Thời gian chồng chất mỗi ngày trên đôi vai bắt đầu thấy yếu mòn và trên bước chân bắt đầu thấy mõi. Làm sao để tôi có dịp nhìn lại thơ ấu ngày xưa khi tôi chạy theo đuôi một cánh diều? Ở đó có một đứa bé ỏ trần, mặc quần đùi, phơi phóng niềm vui lên trời trong khi bờ cỏ dưới chân đang nở đầy những cánh hoa hi vọng... Ở đó, có sự hồn nhiên rối bời những thơ dại, đứa bé nhìn theo cánh diều ngẩn ngơ trên nóc phố, và khóc ngất một mùa xuân.

2.

Tháng mười một đang sắp sửa bắt tay tháng mười hai. Cái rét đang chen chân qua mấy con đường đầy lá, để rồi mỗi lần xe chạy ngang qua chúng nhảy múa theo vòng bánh xe, như những vũ điệu mùa thu. Mấy trái vàng khô từ những ngày Halloween đang nằm lăn lóc trước sân nhà ai, chờ đợi chuyến xe rác ngày thứ tư đến thu lượm. Chỗ nằm của chúng sẽ là một vị trí khiêm tốn nào đó trong một nhà máy phân bón, chờ chế biến thành một cái gì đó, cho một nhu cầu khác. Chúng có mặt trong giờ phút này, không phải để luyến tiếc và níu chân tháng mười nhưng hình như muốn chia sẻ với chúng ta về những bất hạnh cần phải được quên. Những cô gái mang đậm quá khứ thương đau có tên Rita, Katrina, hay những mụ phù thủy mới vừa lang thang suốt một đêm tháng mười để tìm trong rét mướt bão giông một chút bình yên dấu kín trong lòng. Mới vừa đây, những cơn hỏa hoạn đã xóa sỗ mấy ngàn hecta rừng, kéo theo những chấn thương trong lòng cư dân vùng bắc Califonia cùng hàng tỉ mỹ kim phải bỏ ra, đã nói lên sự nghịch lý luôn là một bài học lớn trong đời sống.

Sự bình yên dấu kín đó đang mở ra trên mọi đường phố, và không cần phải hẹn hò. Người ta đang chuẩn bị cho mùa Tạ Ơn trọng đại. Sự bình yên trong tâm hồn người Việt Nam lưu vong cũng đang mở ra những cánh cửa. Từ đó, người ta sẽ cảm giác được ngoài kia hạnh phúc có mặt và tràn trề ân tứ của Thượng Ðế. Nhiều chục năm sau, bầy chim bỏ xứ có cơ hội để nhìn lui lại những mất mát và và đau khổ. Họ đã tồn tại từ sự hũy diệt, để đến được bến bờ tự do. Họ ra đi trên những chiếc thuyền mong manh và bão tố chực chờ cơ hội để vùi dập họ không thương xót.

Cách đây không lâu, tôi cò đọc trên internet, bài thơ XIN CẢM ƠN của nhà thơ Viễn Ðông và được Ngọc Trọng phổ nhạc, có những câu sau đây:

Xin cảm ơn người sống đất Tự Do,

Ðã nhận tôi xơ xác,

Ðã nhận tôi bơ vơ

Ðã dẹp lòng ích kỹ

Cùng chia xẽ ấm no ...

Bài thơ được đăng trên báo Việt Nam Hải Ngoại năm 1980, nói lên tấm lòng tri ân dân tộc Mỹ và Tổ Quốc Mỹ đã cưu mang người Việt Nam tị nạn. Bài thơ cũng còn có những câu cảm ơn những vì sao trên trời nhìn xuống lòng biển lạnh bao la, như những con mắt nhân chứng nhìn xuống thân phận người vượt biển. Cảm ơn những cơn sóng bình an bên hông thuyền, và cảm ơn tấm lòng cha mẹ nơi quê nhà, đang hướng về hướng đi của con mà nguyện cầu. Bài thơ, đại diện cho những tấm lòng biết ơn người Mỹ và đất nước tạm dung.

Khi cơn gió mang hơi lạnh thổi về trên đường phố và màu thu làm vàng những đời cây, người ta biết mùa Tạ Ơn trở về.

Theo lịch sữ, ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên đã được tổ chức ở miền Ðông Bắc nước Mỹ bởi những di dân đầu tiên. Họ còn được gọi là Pilgrims và chính họ đã lập ra xứ New Plymouth bây giờ.

Con tàu May Flower rời cảng Plymouth ở Anh, đưa những người Pilgrims vượt Ðại Tây Dương sang Bắc Mỹ. Trên tàu gồm có 102 người, trong đó có 44 người Separatist- tức Thanh Giáo, một hệ phái Tin Lành mới muốn tách rời khỏi Giáo Hội Anh Quốc để được tự do tín ngưởng. Wiliams Bradford, là tên người trưởng nhóm.

Cuộc hành trình dài 65 ngày, khởi đi vào tháng 9 năm 1620, đến đất liền khoảng tháng 11 năm 1620. Lúc đầu họ dự định đến Virginia, nhưng không thành công vì bị gió bão thổi trôi lên phía Bắc, tàu tấp đến một vùng mà bây giờ nằm trong phần đất của Tiểu Bang Massachusetts. Khí hậu khắc nghiệt, lại thêm gian khổ, bệnh tật, và thiếu thốn lương thực, một nửa trong số di dân đã chết. May mắn thay, họ gặp những thổ dân địa phương da đỏ thuộc dòng Wampanoag dạy họ cách thức chăn nuôi và trồng trọt hoa màu. Mùa xuân năm 1621, họ bắt đầu gieo xuống những hạt giống, trên vùng đất màu mỡ chưa người khai phá. Những gia súc cũng được họ nuôi để làm thịt. Cuối năm đó vụ mùa trở nên tốt đẹp không ngờ. Cuộc sống trở thành no ấm, dể chịu. Tháng 11 năm 1621, Williams Bradford tổ chức một bửa tiệc để Tạ Ơn Thượng Ðế và Ðất Trời, đồng thời mời những ân nhân người da đỏ đến tham dự.

Ðó là một sự kiện ghi dấu cho mùa lễ Tạ Ơn Ðầu Tiên trên Hiệp Chũng Quốc Hoa Kỳ. Thời đó Bắc Mỹ còn là những vùng hoang vu, tự trị, mãi hơn một thế kỷ sau mới thành một quốc gia độc lập với bản Tuyên Ngôn 1776. Ðến năm 1863, Tổng Thống Abraham Lincoln ra lệnh rằng ngày thứ năm cuối cùng của tháng 11 hàng năm sẽ là ngày Lễ Tạ Ơn trên toàn quốc. Từ đó cho đến ngày hôm nay.

Ngày Lễ Tạ Ơn mang ý nghĩa truyền thống vô cùng quan trọng. Từ đó, dân chúng Mỹ học biết bài học yêu mến và trang trọng quá khứ, bên cạnh sự khao khát tự do. Cái quá khứ làm nên hạnh phúc lớn lao, từ những bất hạnh và mất mát.

Ngoài cái truyền thống tốt đẹp nói trên, ngày Lễ Tạ Ơn còn mang ý nghĩa Lịch Sữ. Chính Trị.

Những người Thanh Giáo năm xưa làm Lễ Tạ Ơn Thiên Chúa vì họ chấp nhận Thiên Chúa là Ðấng Cứu Rỗi của họ. Nhưng bất cứ ai dù không theo cùng một đức tin với họ, khi đã may mắn sống còn từ sau một hoạn nạn khủng khiếp như vậy, cũng phải cảm tạ các đấng Thần Linh cao cả trên Trời. Hoa Kỳ ngày nay trở thành một siêu cường trên thế giới nhờ những bàn tay xây dựng của những thế hệ di dân kế tiếp. Trong số những thế hệ di dân đó, có cả người tị nạn Việt Nam.

Dù thời gian quá ít để hội nhập vào dòng chảy của Mỹ Quốc, trong đó phải kể thêm sự hạn chế về tuổi tác, sức khỏe và ngôn ngữ, nhưng những di dân Việt Nam đầu tiên đã đóng góp không ít thành quả vào sự phồn vinh của Hợp Chũng Quốc Hoa Kỳ. Cộng đồng Việt Nam đã hảnh diện vì những đóng góp lao động, trí tuệ cho xã hội Mỹ trong suốt hơn 30 năm và hôm nay, trở thành một sức mạnh đáng kể giống như những cộng đồng di dân khác.

Người Việt Nam tị nạn chúng ta không thể quên được bài học của quá khứ. Cũng như không thể quên được giá trị đau khổ rút ra từ bài học tháng 4 năm 1975. Thời đại di tản dồn dập của dân tộc Việt Nam xãy ra từ thời Tổng Thống Geral Ford. Nhưng đến thời Tổng Thống Jimmy Carter, mới ban hành sắc lệnh chính thức giúp đở thuyền nhân tị nạn. Danh từ Boat People cũng trở thành một trong những danh từ chung của thế kỷ 20 được ghi trong Bách Khoa tự điển. Tin tức về những đợt di tản khổng lồ từ các vùng biển phía Nam Việt Nam đã trở nên quen thuộc với thế giới tự do. Người ta biết thêm về những địa danh như Pulau Bidong, Terengganu (Mã Lai), như Galang (Tân Gia Ba)... Người ta biết thêm về những con tàu mong manh chỉ có khả năng 1, 2 block, nhưng đã cương quyết cởi đè trên những cơn sóng hung hản. Người ta còn biết thêm về những thãm kịch trên biển đông của hàng ngàn phụ nữ Việt Nam và những điều gì xãy ra cho họ trước đám hải tặc Thái Lan không còn tính người.

Những trang sử nóng hổi đau thương đó vẫn còn mở ra trong lòng người tị nạn Việt Nam mỗi ngày. Cùng lúc sự tri ân về một nước Mỹ nhân hậu vẫn là một điều không thể không ghi nhớ. Chúng ta cũng không quên tri ân những quân nhân Mỹ đã hi sinh cho cuộc chiến tranh Việt Nam. 58, 000 người đã nằm xuống vì Tự Do, nhưng giá trị tinh thần của họ bay cao như những chim phượng hoàng.

Hơn 3 thập niên trôi qua, 2 thế hệ di dân Việt Nam đã lần lượt chứng tỏ cho ngưới bản xứ thấy sự quyết tâm làm lại cuộc đời và vươn vai đi về một bình minh phía trước. Bằng những bước đi chân cứng đá mềm. Bao nhiêu thành công từ các thành viên của thế hệ di dân thứ nhất đến những hi vọng ngời sáng của các người trẻ thuộc thế hệ thứ hai, đã gây cho dân chúng Mỹ từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác. Từ kính phục này đến kính phục khác. Những Dương Nguyệt Ánh, những Andy Quách, những Trần Thái Vân, những Madison Nguyễn, vv...

3.

Mỗi năm, có khoảng 40 triệu con gà tây bị làm thịt nhân ngày Thanksgiving. Buổi tiệc trong ngày Tạ Ơn gồm có các món ăn chính là khoai jam, thịt gà tây rừng nướng, bắp ngô và bí đỏ.

Thông lệ, hàng năm, trước buổi chiều ngày Thứ Năm, sau khi cầu nguyện để Tạ Ơn Quốc Gia tại vườn Hồng Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống đương nhiệm sẽ chọn một con gà tây để ân xá. Danh sách những con gà tây được lấy từ Website của White House. Những con gà được ân xá không làm thịt sẽ được thả vào Sở Thú riêng. Năm ngoái, chú gà tây may mắn được Tổng Thống Bush chọn sau khi vào chung kết có tên là Stars và chú gà dự khuyết khác, mang tên là Strips.

Truyền thống- làm cho chúng ta yêu mến cuộc đời này hơn, mỗi ngày. Một đất nước sẽ tiến bộ khi con người biết vinh danh những giá trị tốt đẹp của quá khứ, để rút ra bài học về tương lai.

32 năm trôi qua. Cuộc đào thoát tìm tự do của dân Việt Nam mang một màu sắc sinh động và đầy kịch tính mà không phải bất cứ dân tộc nào cũng có được. Nó lớn lao và kỳ diệu như cuộc tìm về Ðất Hứa của dân Do Thái thời Cựu Ước. Nó bất trắc và tuyệt vọng như chuyến hải hành 65 ngày của nhóm Pilgrims thời lập quốc Hoa Kỳ. Vẫn có những nước mắt, những gian khổ, những bệnh tật và chết chóc xãy ra. Vẫn những bánh Mana và chim cút từ trời rơi xuống và những tấm lòng thiện nguyện. Cuối cùng, là những bình minh và thảo nguyên ngút ngàn hạnh phúc.

Chúng ta hãy xây dựng và đầu tư hạnh phúc mà chúng ta tìm thấy được sau một mùa biển động, và gởi gắm mọi thứ đó vào con cháu chúng ta. Ðể chúng có thói quen nhớ lại những đau khổ vặm vỡ của quá khứ. Và hãnh diện từ đó.

Mùa Phục Sinh năm 2003, tại Little Rock, Arkansas, có buổi lễ khánh thành thư viện mang tên Tổng Thống đời thứ 42 của Hoa Kỳ, Tổng Thống Bill Clinton. Người ta thấy hầu hết những vị Tổng Thống còn sống có liên hệ đến cuộc ti nạn của cộng đồng Việt Nam hiện diện. Ngoại trừ cựu TT Geral Ford, đã 90 tuổi, không đến dự được, còn có cựu TT Ronald Reagan, cựu TT Jimmy Carter, (hai vị này mới vừa từ trần) cựu TT George H. W Bush, cựu TT Bill Clinton và đương kiêm TT Hoa Kỳ, G. Bush.

Trong bài diễn văn của cựu TT Clinton, có đoạn:

“Ðối với tôi, một sự tượng trưng không phải chỉ là những gì tôi đã tìm cách thực hiện mà là những gì tôi muốn làm trong những ngày còn lại của cuộc đời tôi: Xây dựng những cây cầu từ hôm qua cho đến ngày mai, xây dựng những cây cầu bắt qua các hố chia rẽ chủng tộc, tôn giáo, dòng giống, lợi tức và chính trị”.

Buổi lễ diễn ra thật cảm động, trong khuôn viên thư viện, dưới cơn mưa tầm tả, trước sự chứng kiến của gần 30,000 người đội mưa đến tham dự...

Những cơn giông và mưa tuyết luôn là những đề tài khó chịu cho những dịp lễ từ tháng mười một trở đi.

Mùa Phục Sinh luôn là một mùa có nhiều giông bão, mưa tuyết nơi các tỉnh phía Bắc. Những lớp tuyết dầy bao phủ từ khu Ðại Hồ cho đến bình nguyên miền Trung Hoa Kỳ. Từ Iowa cho đến Michigan. Từ Illinois, từ Indiana, đến New York, đến Boston. Những cơn mưa và giông gió đã góp phần làm chậm trễ các chuyến bay trên toàn lảnh thổ Hoa Kỳ.

Nhưng cũng có khoảng hơn 30 triệu người đi chơi xa nhà bằng đường bộ và số còn lại sẽ ăn Lễ Gà Tây tại nhà, quanh chiếc bàn ăn 6 chổ ngồi, dưới những ngọn nến tỏa sáng. Mọi thứ, đều toát lên cái rung động mãnh liệt mà chỉ có những ai biết nương tựa vào ơn phước của Thượng Ðế mới cảm giác được.

4.

Nhiều khi tôi muốn tin rằng tình yêu giống như mây trời. Nó chợt đến rồi đi và sau đó chúng ta cảm nhận được từ đấy những lạc thú hay đau khổ. Vì đó là cái giá của cuộc sống. Cũng không ai từ chối hay tìm kiếm kinh nghiệm từ một vết chém hay kinh nghiệm từ một vỗ về. Tình yêu cũng giống như định mệnh. Nó vừa rực rỡ vừa xanh xao trộn lẫn. Nó vừa êm đềm như một dòng sông đêm, vừa ào ạt như một cơn thác đang chảy xiết. Và tình yêu theo tôi cảm nhận, ngoài mùi vị, còn có thêm nhan sắc.

Làm sao để đi cho hết con đường dương gian với một trái tim bầm ứa những tia máu tuyệt vọng? Hãy thử làm trái lại điều đó. Kinh Thánh nói rằng “Ái tình mạnh như sự chết”. Không ai tránh né được tình yêu hay tránh né sự chết. Và cũng không ai đùa giỡn với tình yêu hay đùa giỡn với sự chết. Và nếu đã không tránh né hay thay đổi được thì tại sao chúng ta lại để cho đời sống tăng thêm những bi kịch:

Lả tả bay trên thành phố đông người

Tro quá khứ của tình yêu em đã đốt

Cái quá khứ không đem mà ăn được

Nhưng con người lại chẳng thể quên

Dẫu bây giờ không được nắm tay em

Mắt trong mắt như cái thời lửa cháy

Nhưng hãy lọc trong tro tàn đen ấy

Có những điều đốt mãi chẳng thành tro...

(không nhớ tên tác giả)



Có những vì sao đang trôi vào vùng bão lửa. Chúng đang cháy cho đến cuối cùng cái nguyên tử bụi đất để gia nhập vào hư vô. Tình yêu của tôi và nàng cũng giống như các vì sao đó. Ðều cùng tàn cháy trong lòng nhau để gia nhập vào những khát khao thầm kín.

Xin hãy nghĩ về nhau, khi đêm đã khuya rồi. Có những điều mà nàng không làm sao hiểu được, là dù trái tim có ngập tràn giông bão, tôi vẫn luôn để lòng hân hoan bên màu đời biến động của nàng. Những chiếc lá vàng rơi xuống, gắn chặt trên lưng ghế ngoài công viên chiều nay, sao giống như nụ hôn đang ghim xuống vai tôi, vội vàng...?

PNY