Thư Viết Từ Đường Heatherglen

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Phạm Ngũ Yên



1.
Một lần tôi có dịp đi xuống khu down town bằng chuyến xe buýt miễn phí. Đó là ngày Ozone Day. Thành phố nơi tôi ở thỉnh thoảng có một ngày chính quyền kêu gọi dân chúng tham gia chương trình bảo vệ môi sinh. Mọi người góp phần vào việc làm cho hành tinh này bớt ô nhiễm vì những bụi bặm và khói thải ra từ các máy móc. Chính quyền kêu gọi nhân dân nên hạn chế đi lại bằng xe nhà, trong khi những chuyến buýt công cộng sẽ phục vụ mọi người di chuyển từ nơi này đến nơi khác từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối mà không tính tiền. Khu Downtown là một vùng rất đông xe trong những giờ cao điểm và rất khó tìm chỗ đậu xe nên ít khi tôi xuống đó ngoại trừ công việc cần thiết phải đi.

Lâu lắm rồi, tôi không có thói quen thả bộ dọc những con đường nối liền những khu phố chính của thủ phủ Austin. Những con đường mang dáng vẻ thanh lịch và nói lên sự khoáng đạt của Mỹ Quốc. Lâu lắm rồi tôi không có cơ hội nhìn lại kiến trúc hùng vĩ của tòa nhà Capitol, nơi làm việc của các đại diện chính quyền. Tôi không có dịp dẫm chân lên những phiến đá mát rượi ngậm những hơi thở của tiền nhân cùng những vạt cỏ ẩn giấu mồ hôi người khai phá. Lịch sử sẽ dừng lại một chỗ nếu chúng ta bỏ quên quá lâu những chứng tích làm nên một đời sống hay những nền tảng làm nên một đời sống. Và lịch sử sẽ què quặt không thể cất cánh một khi chúng ta mãi cúi xuống với những gì hiện hữu hôm qua. Lịch sử sẽ không bồng bế trên tay nó những gánh nặng và những thương tổn của quá khứ. Đứng ở một góc đường số 6 cắt ngang đường Congress, chúng ta sẽ thấy được hết tâm hồn và trái tim của Texas. Chúng ta sẽ thấy rằng sự đóng góp của con người vào cuộc đời rất khiêm tốn, không có là bao. Chỉ có thiên nhiên mới đáng kể.

Cho nên, khi nhìn thấy bảng đèn chớp nháy trước đầu xe buýt báo hiệu ngày Ozone Day, là tôi hân hoan thu xếp tài liệu và bản thảo, cùng chiếc laptop vào trong túi xách có bánh xe kéo, trèo lên chuyến buýt gần nhà nhất, để làm một cuộc bụi đời dài mười lăm tiếng đồng hồ.

Mới sáng sớm dự báo thời tiết cho hay là sẽ có 40 phần trăm mưa trong ngày hôm nay. Bầu trời mang một dáng vẻ của một ngày mùa đông với những hơi hám của mùa hè. Tôi đi xuống một trạm gần tòa nhà Capitol có một quán cà phê Starbucks nằm kế cận một cửa hàng bán Pizza. Một góc dù lộ thiên nhiều màu đứng bên cạnh lối đi dẫn vào quán và mùi vị cà phê chưa gì đã bay qua khứu giác. Những xe cộ đang nối đuôi nhau dừng lại trước một đèn đỏ. Những ngân hàng bề thế có cửa kính nặng nề và nhân viên bảo vệ chìm khuất đâu đó. Một số đông người chờ đợi trên lằn ranh dành cho bộ hành. Vài người cầm ly cà phê trong tay và tay kia ôm những đồ vật lỉnh kỉnh. Vô tình họ đem đến góc phố này một chút sinh động và một chút hơi ấm. Vài ba phụ nữ ăn mặc chải chuốt mang dáng điệu tự tin, tương phản với vài người đàn ông homeless ngồi trên một băng ghế, nhìn mông lung ra con đường một chiều. Đó là đời sống Mỹ và sức mạnh Mỹ. Những hình ảnh trái ngược song hành bên nhau đã làm nên giá trị ưu việt của Mỹ Quốc.

Chúng ta thấy cùng một lúc, trên một đường phố có hai nhóm biểu tình. Bên này chủ trương tấn công Iraq, bất chấp sự chống đối của Liên Hiệp Quốc. Bên kia hô hào “đừng đổi máu lấy xăng”. Những văn chương và chữ nghĩa cũng xuống đường để giành giựt nhau một chút chân lý giấu mặt. Nhưng cuối cùng, chân lý nằm trên đầu ngọn súng, trên những viên đạn chính xác phóng đi từ các chiến đấu cơ tối tân. Và chân lý cũng vừa hóa thân thành những đóa hoa lộng lẫy dưới chân những tù binh được thả về.

2.
Tháng năm sớm khép lại ở Việt Nam, khi những người cầm đầu Bắc Bộ Phủ chấp nhận cho Trung Quốc khai thác Bau xít tại Lâm Đồng, thản nhiên trước sự chống đối của mọi người, mọi giới. Chế độ Cộng sản VN là một chế độ tồi tệ nhất trong tất cả các chế độ cộng sản còn lại trên hành tinh này. Từ lâu, người ta tin rằng những người cầm đầu Hà Nội đã mất trí nhớ và chất xám trong đầu của họ đã hóa thạch. Từ những quyết định ngớ ngẩn của họ trong vấn đề nhân quyền, đến những án lệnh ban hành trên các nhân vật chống đối trong nước, khiến cho những nhà phân tích chính trị thấy rằng con bệnh cộng sản VN đang hết thuốc chữa. Cộng sản VN giống như con khủng long đã không còn thích nghi với đà tiến hóa của nhân loại và đang dẫy dụa chờ chết. Càng gần đến giờ cáo chung, con khủng long càng vặn mình dữ dội.

Còn đâu sự kiêu hãnh của những ngày hô hào chống Mỹ cứu nước? Còn đâu dư âm của bài Tiến Quân Ca đòi phanh thây uống máu quân thù và những lời mê hoặc bầy thiêu thân lao vào lửa đỏ? Hôm nay, chỉ còn chơ vơ mười lăm khuôn mặt dày dạn thản nhiên với bất hạnh con người. Những khuôn mặt hồng hào không còn hom hem vì sốt rét Trường Sơn và trái tim đang bầm vập những nghi kỵ về nhau. Hôm nay, những ngày mùa hè của năm 2009, hải ngoại đang nghe Việt Nam lên tiếng ca tụng nhân quyền trước Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Loại nhân quyền được treo trên đầu ngọn súng và phất phới trên những tù ngục kiên cố hơn cả địa đạo ngày xưa. Còn đâu những ngày mà Bác từng hô hào khi ngồi trong hang Pắc Pó:

Đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào...
Thắng giặc Mỹ ta xây dựng gấp mười lần hơn.

Nhiều năm sau ngày chiến thắng”Mỹ Ngụy”- chúng ta nghe những câu ca dao thoát ra từ môi miệng nhân dân miền Nam. Những câu ca dao ngậm đầy đau khổ và hùng hồn hơn một bản cáo trạng gởi ra nước ngoài:

Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
Đồ đạc bán trước cửa nhà bán sau
Có ăn thì hãy ăn rau
Đừng ăn thịt cá mà đau dạ dầy...

Nhiều năm sau, cũng vẫn từ môi miệng dân gian, chúng ta nghe thêm những lời thơ bình dị nhưng óng ánh những thất bại của chế độ. Người cha già “bề thế” năm xưa và những mong ước đưa cả nước lên thế giới đại đồng (Bác đưa một nước qua nô lệ, Tôi dẫn năm châu đến đại đồng) đang trăn trở dưới lăng Ba Đình, khi nghe những lời thơ chua hơn dấm và rát bỏng hơn cường toan:

“Chiều chiều ra bến Ninh Kiều
Dưới chân tượng Bác đĩ nhiều hơn dân...”

Hai mươi tám năm chống Mỹ cứu nước. Và hơn ba mươi năm “đế quốc Mỹ” ra đi nhưng hôm nay ta hồ hởi rước Mỹ vào. Chính quyền VN có thời đánh tiếng bỏ ngỏ Cam Ranh và phơi bày những phế tích giống như người đàn bà bán trôn quá thời đang phơi bày hàng họ của mình.

Khi tôi còn ở VN, mọi sai lầm hay thất bại, chính quyền đều ngụy biện với dân và đưa ra những lý do nghe rất êm đềm là “đất nước chúng ta còn nghèo”. Họ đổ lỗi cho tàn dư Mỹ Ngụy và những thế lực thù địch bên ngoài làm đất nước không vươn mình lên được. Một lần trong một cuộc họp dân phố, khi bệnh sốt xuất huyết hoành hành cả nước làm chết hàng ngàn trẻ em, thay vì lên tiếng khuyên dân chúng cố gắng làm vệ sinh đường phố, vệ sinh cống rảnh và tìm kế hoạch ngăn chận, người cán bộ phường đã tỉnh bơ giải thích: “Bệnh sốt xuất huyết sở dĩ có là do nước láng giềng thiếu cẩn trọng. Những con muỗi mang mầm mống sốt xuất huyết có xuất xứ từ Thái Lan bay sang. Việt Nam chúng ta không có.”

Những lãnh đạo vô học như vậy, mà vẫn tồn tại và đè đầu đè cổ dân tộc suốt hơn một phần tư thế kỹ? Những tâm hồn láu cá và ma cô ma cạo như vậy mà vẫn đang ngồi trên ngai để cai trị cả 80 triệu người dân suốt hơn năm mươi năm? Lạy Chúa. Đúng là dân tộc Việt Nam bị Trời hành!

3.
Mưa bỗng dưng ập tới không một lời báo trước. Những rác rưới bên đường vừa có mặt buổi sáng, đã chia tay với mặt đường để trôi vào cống rảnh. Mùa hạ nghe từ mênh mang đất trời những lời mưa Nguyễn Bính:

Đàn tôi đứt hết dây rồi
Không người nối hộ, không người thay cho
Rì rào những buổi gieo mưa
Lòng đơn ngỡ tiếng quay tơ đằm đằm...

Tôi ngồi trong tiệm cà phê vắng vẻ. Mưa không tạt được đến hiên ngoài, nhưng lòng tôi sũng nước. Một chút êm đềm của hè phố và một chút lười biếng đã giữ tôi ngồi lại. Những chuyến buýt đậu đến rồi vượt đi. Ngọn đèn Ozone Day Free nhấp nháy phía trước. Nó mang trong lòng nó những trái tim phiền muộn hay hân hoan để thả ra nhiều hướng? Và cuộc đời có bao nhiêu nhịp đập sôi nổi để hưởng ứng với một tình yêu cũng vừa ướt át? Tôi không thể trả lời. Trong khi người nữ bán hàng đang lau chùi khung kính mờ đục vì hơi nước. Nàng như muốn cười với người khách lạc lõng. Nhưng chắc không hẳn như vậy.

Đêm nay, có một người đàn ông ngoài sáu mươi sẽ về dưới lòng mưa không kịp có một cánh dù bung ra độ lượng. Như vì sao đêm nở ra trên những vai đời. Sẽ không có ai để tôi cúi xuống dò dẫm một bờ môi thanh tân và đôi mắt nhắm nghiền run rẩy. Đêm sẽ vồ vập một hạnh phúc tưởng chừng như chỉ có trong ngày tháng chiến tranh. Nơi căn gác trọ nghèo nàn bên khu Chợ Mới, Bảo Lộc. Người con gái vừa qua thời trinh nguyên để đón nhận cảm giác đàn bà. Những giọt mưa thánh thót trên mái tôn, trên những cành bơ cuối mùa. Và ngọn nến lung linh hình bóng hai chúng tôi trên tường. Không có tiếng đạn vọng về như mọi đêm vì là đêm sinh nhật của nàng:

Đêm hân hoan những nụ cười
Gởi em ngọn nến rạng ngời phục sinh
Ta về từ cõi điêu linh
Mà bên em thấy an bình làm sao.
Mừng em ngày tháng ngọt ngào
Trái tim xanh vỗ nhịp chào trăm năm
Ta đang một đỉnh đời thầm
Mời em chiếc nhẫn giam cầm tự do...

Bài thơ tôi làm khoảng thời gian năm 1974. Để tặng đám cưới vợ chồng Phạm Thanh Chương. Vợ chồng anh là một trong những giọng ca nòng cốt trong đoàn Văn Công Chí Linh, thường xuất hiện trên chương trình truyền hình Cộng Hòa những năm 70. Bên cạnh họ còn có những giọng hát của Viết Chung, Nguyễn Tùng, Lê Vĩnh Ngọc, Nguyễn Thị Diệu và Lê Thị Bé... Người soạn nhiều ca khúc nổi tiếng ngày đó cho đoàn Văn Công hát là nhạc sĩ Phan Công Danh. Còn Nguyễn Tùng đã chết sau ngày mất nước vì tai nạn xe. Những người kia trôi giạt ở đâu đó, lâu rồi.

Bài thơ tôi đề tặng hẳn hoi cho Phạm Thanh Chương và gởi đăng trên Văn của Mai Thảo. Ngày báo có bài đăng, tôi đang đi lính về phép Sài Gòn, ghé tòa soạn báo Văn ở đường Phạm Ngũ Lão để lãnh nhuận bút. Buổi trưa mùa hạ nắng Sài Gòn hực lửa và tôi đi qua những người thợ sắp chữ mặc quần đùi áo thun. Trèo lên một thang gác nơi có Gia Tuấn, con gái của Nguyễn Đình Vượng ngồi kế toán, để đến một thang gác khác, nơi có Mai Thảo ngồi. Nói chuyện vài câu với ông và Mai Thảo kêu người tùy phái đem lên hai quyển báo Văn nóng hổi bọc trong bao thơ và một phong bì có 200 đồng nhuận bút. 200 đồng thời đó khá lớn đủ để tôi hào phóng với bạn bè. Phạm Thanh Chương và Lê Vĩnh Ngọc ngồi chờ tôi ở một quán nước trong chợ Thái Bình. Tôi đãi bạn bè một bữa thoải mái. Sau đó hết phép về lại Bảo Lộc.

Bây giờ tôi nhớ lại một mùa hạ như vậy của hơn ba chục năm về trước. Tôi mới 28 tuổi. Tôi mang tấm lòng kiêu bạt vào đời và một tình yêu đang sắp phá sản. Ly cà phê được đem ra trên đất đai tạm dung, và tiếng mưa dội ngoài kia tưởng chừng nghe quen như đang ngồi trong một quán xá Sài Gòn...