Thư Viết Từ Đường Heatherglen 16

Phạm Ngũ Yên
1. Những cơn mưa đêm làm mượt mà thêm các bờ cỏ héo hắt mùa đông. Tháng ba tươi mát những đoạn đường và thùng thơ trước nhà cũng ríu rít tiếng chim. Sương mù che kín mọi tầm nhìn. Sớm mai no đầy hơi thở của giá rét trong khi cây anh đào vừa nứt nụ đêm qua. Mới ngày nào thành phố ngủ quên vì mùa đông đang tràn về nhiều cơn lạnh bất chợt. Tôi chưa có dịp đi về khu downtown để nhìn xem những cây anh đào. Ðể nghe trong lòng một chút son trẻ ngày mới định cư.
Chúng tôi đặt chân đến Hoa Kỳ theo diện P.I.P, tháng 3 năm 1991. Ðêm đầu tiên ngủ tạm trong căn apartment đường Lamar tôi không ngủ được trọn giấc. Có một điều gì đó, giống như những xúc động kỳ thú không thể nói lên thành lời. Ðêm phơi phới tiếng gió ngoài kia làm run rẩy rèm cửa. Những đời xe lao vun vút trên cầu 183 vừa bắt đầu xây dang dở. Ánh đèn xe nối đuôi nhau chạy đuổi về phía trước và khuất lấp tầm nhìn, như những vì sao bay mất vào thiên hà. Căn phòng tôi ngụ là một trong 3 phòng cuủa anh chị Lâm Bĩnh Lợi dành cho thuê trong chung cư mang tên một Thánh Nữ (Santa Maria). Anh Lợi và chị Lành có liên hệ mật thiết với chúng tôi và sang Mỹ trước đó một năm. Nói đúng ra giữa tôi và anh Lợi là hai anh em “cột chèo”. Anh chèo mũi, còn tôi chèo lái. Dù là cột chèo nhưng anh và tôi có hai hoàn cảnh sống khác nhau. Trước 1975 anh là một trí thức cũ của miền Nam Việt Nam, là một Kỹ sư Nông Nghiệp. Anh sống căn bản, ngăn nắp và hạnh phúc cùng vợ con. Sự thành đạt từ thời trẻ hứa hẹn ở anh một tương lai sáng chói nếu miền Nam không bị “sụp đổ” nửa chừng. Còn tôi, một người lính tầm thường. Lương có đồng nào xào đồng đó. Mười năm lính tráng lê la hết vùng I và vùng II chiến thuật. Tình yêu lúc có lúc không. Tương lai không hi vọng có ngày về bình yên nói chi một mái ấm gia đình. Nói chi đến một bếp lửa hồng để dấy lên một cời than ấm. May mắn mà cuộc đời nhà binh của tôi có một kết thúc “có hậu”, để không “áo bào thay chiếu anh về đất” (thơ Quang Dũng) hay “trở về trên đôi nạng gỗ” (thơ Linh Phương). Và sau đó cũng không phải “thường trú dài hạn” trong các trại tù lao động của cộng sản. Nhưng bù vào đó, trái tim thì thương tật ít nhiều.
Anh Lợi và tôi dùng một chút thời gian ít ỏi của đêm để tâm sự, trong khi hai người phụ nữ và những đứa cháu cũng có những điều để nói. Một vài chai bia được rót ra và vài thức ăn lấy ra từ microwave để mừng ngày gặp lại sau một cuộc “đổi đời”. Những ly bia, có lẽ ngon hơn và hương vị phong phú hơn lúc nào hết. Sau này, trong một vài cuộc nhậu tới bến tại nhà các bằng hữu khác, tôi không tìm thấy chất men hạnh phúc như ngày mới định cư. Anh đón tôi nơi phi trường Austin. Ngày đó phi trường còn nằm trên góc đường Airport và 38 E. Chuyến bay từ Bangkok quá cảnh ở Tokyo nưa ngày, sau đó bay tiếp về Denver, Seatle. Nơi đây đợi làm thủ tục nhập cư, làm thẻ I.94 và khám hành lý. 9 giờ tối chúng tôi mới đến Austin.
Lần đầu tiên tôi hít thở không khí của tự do thực sự. Tôi choáng váng vài phút khi bước xuống hành lang dẫn ra phòng đợi. Ðời sống khoáng đạt của đêm biểu lộ ra từng ngõ ngách, từng góc đường. Sự rực rỡ cùng với tiện nghi làm nên đời sống Mỹ quốc và nơi nào cũng đều giống nhau.
Xe qua Capitol. Qua những tiệm ăn, hàng quán lấp lánh ánh đèn. Qua những giao lộ rười rượi cánh gió. Những ngọn đèn sau xe nối đuôi nhau dài như một đám rước vĩ đại. Sự phồn vinh mà cộng sản cho là giả tạo đang xảy ra trước mắt tôi. Hình như mọi kẻ thắng trận may mắn đều có cớ để áp đặt suy nghĩ nông cạn của họ xuống cho người khác. 16 năm trong lòng chế độ tôi thường nghe những luận điệu như vậy. Những kẻ thắng trận dốt nát luôn đùa giỡn với chữ nghĩa. Và nói ngọng cùng chữ nghĩa. Ðêm cũng ùa về những kỷ niệm mà trong đó niềm vui và nỗi buồn đan vào nhau chằng chịt. Nơi thềm chung cư, bãi cỏ thắm thiết một màu xanh như hi vọng vừa nhen nhúm trong những trái tim đời. Ánh điện từ ngọn đèn cao áp như muốn níu kéo một đêm tàn. Lối đi quanh co dẫn ra nhà máy giặt công cộng của chung cư. Nơi đó có những chiếc ghế xích đu mà ban ngày những đứa trẻ người Mễ đến ngồi đong đưa. Một máy bán nước tự động mang biểu tượng Coca Cola. Mọi thứ toát ra sự quyến rũ trẻ trung làm chới với trái tim già nua của người đàn ông lưu vong.
Ðêm trôi qua êm đềm và cánh gió thì rượt đuổi nhau không mệt mỏi. Mọi người đều rời khỏi phòng ăn để đi nguủ. Còn mình tôi ngồi lại thao thức. Chiếc bàn tròn lạnh buốt chỗ ngồi. Lọ hoa cúc vàng chói chang như một chứng nhân thầm lặng cuủa đêm. Cảm giác về một không khí Sàigòn như vẫn còn ràn rụa chung quanh. Không phải mới vừa đây thôi, tôi vừa chia tay với nàng. Người đàn bà của một thời ngút lửa Ðàlạt? Nàng lén lút tiễn tôi nơi phi trường. Giữa những huyên náo của phòng đợi và oi bức hơi người, chúng tôi lặng lẽ nhìn nhau. Hi vọng tiếng gầm rú ngoài phi đạo và âm thanh rền rĩ từ những chuyến bay lên xuống không làm nàng khóc. Mái tóc màu đen rủ xuống vầng trán thanh xuân chưa bị bão giông đời làm hoen ố. Và vòng môi cong vút gió mùa.
Nhiều năm không gặp lại nàng. Nhiều năm tôi rời bỏ một con đường dẫn đến nhà nàng tưởng chừng như tôi đã quen từng viên đá cuội, từng nhánh cỏ. Ðóa dã quỳ vàng lạnh rưng rưng. Tôi bỏ đi không kịp chia tay thành phố núi, không kịp chia tay một mối tình vừa chớm nụ hôn thời con gái. Cũng vừa chớm tàn phai. Chiếc áo len tím nặng trĩu rét mướt ngày nào cũng muốn phôi pha. Không biết trong trái tim nàng có còn bao nhiêu chỗ trú cho một người đàn ông thua thiệt và mặc cảm vì thất bại? Suốt đời tôi từng yêu mến cũng như từng đau khổ vì những cơn mưa bay thê thiết một mùa lính tráng. Những dòng mưa ướt đẫm một thời thanh xuân mê muội đầy vết chém tương tư. Ðó là một phần quá khứ đậm nét không thể quên cho dù gần hai mươi năm. Như một chuyện phim buồn.
2. Chưa ai yêu tôi bằng nàng. Khi tôi không còn cơ hội để làm việc tại Ðàlạt và trở về phục vụ tại Chi Nhánh Truyền Tin Bảo Lộc nàng mới 17 tuổi còn tôi 23. Nàng học đệ nhị tại một trường Nữ Trung Học địa phương và tôi mới vừa rời khỏi quân trường. Ba lô còn mới mẻ những mộng ước và bộ đồ treilli chưa bám bụi đất cùng nắng gió quân hành. Một hôm nàng chận tôi nơi cửa quán cà phê để xin tiền. Lý do trường của nàng tổ chức quyên góp từ thiện cho nạn nhân bão lụt miền Trung. Một lý do hết sức dễ thương nhưng làm khó khăn cho những người lính nghèo như tôi. Tôi không nhớ mình đã bỏ vào thùng giấy lạc quyên bao nhiêu số tiền tôi có được sáng hôm đó, nhưng tôi biết tôi đã đầu tư vào đấy rất nhiều tình cảm thơ dại trộn lẫn khôn lớn cuủa mình. Nhiều đến nỗi có thể làm nặng trĩu cánh tay nàng. Mưa phùn rơi lất phất trên đường. Chiếc áo len màu tím lướt thướt trên cơ thể mảnh mai của nàng. Tôi hứa với lòng tôi là sẽ không bao giờ quên được một màu tím buồn bã như vậy, kể từ hôm nay. Ly cà phê không còn bao nhiêu dưới đáy ly nhưng tôi thấy lòng đầy ấp niềm vui. Những niềm vui góp nhặt từ ảo ảnh làm nên cuộc sống trần trụi mà rất bao la. Tình yêu nhen nhúm giữa tôi và nàng giống như là tro than âm ỉ trong lò. Có đôi khi bị vùi lấp. Có đôi khi bùng cháy.
\Chúng tôi thường xuyên gặp nhau. Mặc kệ cho thiên hạ chia nhau những lời bình phẩm. Mùa đông rã rời những thềm đá lạnh trước sân nhà bưu điện. Bên cạnh nhà bưu điện là Tòa Hành Chánh Tiểu Khu, nơi tôi làm việc. Người ta mới vừa xây xong bức tượng Kinh Thượng Một Nhà. Chúng tôi hôn nhau trong bóng tối mù căm và trong cái rét ngọt cuủa không khí đầy sương. Những nụ hôn vụng về không trang trải đủ hơi ấm. Nhưng nó làm thăng hoa một hạnh phúc đầu đời.
Một lần, nàng hỏi tôi về một nhân vật nữ trong tác phẩm của tôi. Tôi trả lời đó là em gái của tôi. Nó là một chỗ dựa vật chất của tôi mỗi khi về phép. Nàng lại hỏi về màu tím nằm xen kẽ giữa những trang văn. “Anh yêu màu tím rồi mới yêu em, hay yêu em rồi mới yêu màu tím?” Câu hỏi rắc rối khiến tôi khó trả lời ngay. Nhưng lẽ nào nàng chẳng nhận ra. Giữa cái khô khan có pha một chút rối bời của chiến tranh và giữa cuộc sống trôi đi vội vàng là tình yêu tôi đang dành cho nàng. Lẽ nào nàng bắt tôi phải lên tiếng về một điều đã làm tôi thao thức hàng đêm, sau khi trở về nơi căn phòng độc thân trong khu gia binh. Người ta nói người đàn ông yêu bằng đôi mắt trong khi đàn bà yêu bằng hai tai, điều đó đúng trong trường hợp của nàng.
Những bài viết tôi viết ra trong căn phòng độc thân là những mảnh vụn của tình yêu chúng tôi. Chúng được gởi đi đăng báo Sài Gòn. Ðiều này làm cho nàng ngại ngùng lẫn hãnh diện. Ngại ngùng vì tôi viết thật quá, có thể làm cho gia đình nàng không vừa ý. Hãnh diện vì tôi đưa hình ảnh nàng vào văn chương chữ nghĩa, dù khiêm tốn.
Nhiều buổi chiều tan sở sớm, tôi lang thang ra sạp báo nơi góc chợ Mới. Nơi đây đang tấp nập người mua. Những tờ báo gởi về từ Sài Gòn sáng sớm, bằng xe đò Minh Trung, đến xế chiều mới đến nơi, đang được người chủ sạp sắp xếp ngăn nắp. Chiến tranh và tin tức thời sự tràn ngập trên trang nhứt. Người đọc sẽ nhìn vào đó để biết tình hình mỗi ngày. Ðể vui hơn hoặc buồn hơn. Cuối năm 1967, là năm cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt và đầu năm 1978, xảy ra trận Mậu Thân. Tôi bận việc suốt trong mấy ngày Tết vì những công điện qua lại giữa Tiểu Khu Bảo Lộc và Bộ Tổng Tham Mưu ở Sài Gòn. Giữa Chi Nhánh cuủa tôi và Tiểu Ðoàn Truyền Tin nằm ở Nha Trang. Ðại Tá Nguyễn Duy Bách, Tiểu khu trưởng ban hành lệnh giới nghiêm vì Cộng sản vi phạm ngưng bắn và tấn công Sài Gòn. Nghe nói vấn đề này có sự bỏ ngỏ của người Mỹ. Theo giới am hiểu tình hình thì trận tổng công kích Tết Mậu Thân là một thất bại cho cả hai phía. Phía Việt Nam Cộng Hòa bị mang tiếng là thiếu hữu hiệu trong vấn đề phòng thủ, để cho chiến tranh vào đến tận thành phố. Tổn thất tương đối nhẹ, bên cạnh một số tổn thất nhân sự và tổn thất vật chất, còn có sự tổn thất tinh thần khác là việc xử tử tên đặc công VC của Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Hành động nóng nảy cuủa ông đã bị lọt vào ống kính của một ký giả ngoại quốc và lan truyền rất nhanh trong tin tức thời sự Mỹ. Phía cộng sản thì đã nướng tiêu mấy chục ngàn bộ đội và mấy sư đoàn chính quy vừa bị xóa tên. Hầu hết cơ sở nằm vùng tại miền Nam được Bắc Việt gài lại sau tập kết đều bị lộ diện. Và một thiệt hại quan trọng khác, là sự ra đi tức tưởi của “bác”. Sau trận Mậu Thân, vị “cha già của dân tộc” đã cảm thấy cay đắng, đang sống mà đã “chuyển sang từ trần” (thơ Bút Tre).
Tôi gặp lại nàng sau mấy tuần giới nghiêm. Nỗi nhớ nồng nàn không kém những nụ hôn. Hình như trong lòng chúng tôi mùi vị của hạnh phúc không nhạt nhòa hay tổn thất, dù đêm vẫn vọng về tiếng đại bác. Dù dấu tích của chiến tranh còn hằn trong tâm hồn mọi người sống sót. Ðôi lần trong quán cà phê bên hồ Ðồng Nai Thượng, tôi và nàng chung nhau một ly chè hay ly cà phê. Sự ngậm ngùi vừa thoáng qua trong mắt nàng. Hương sứ ngoài sân bay dào dạt, len lỏi vào tận chỗ chúng tôi ngồi. Góc phố hôm nào còn chật những tiếng mưa và ngày tháng đi qua âm thầm như hơi thở. Bây giờ, mọi hình ảnh và mọi cảm giác đó, trở về, tại đây, nơi một góc phi trường. Tôi hôn nàng. Ðôi mắt nàng nhắm nghiền như năm tháng tình đầu. Không có ánh sáng của một vầng trăng xưa khuất để cầu chứng giờ chia tay. Thời gian làm tan lạc nhiều thứ. Nhưng có giọt đắng làm từ một tình yêu nghiệt ngã còn tồn đọng giữa trái tim hai chúng tôi, không thẩm thấu và không tan vỡ.
\3. Tháng 3 vừa dứt những cơn mưa, lập tức cây anh đào ra nụ. Mới hôm qua còn ngổn ngang một góc đường những thân cây trơ cành khẳng khiu, sáng nay màu hồng đã lấm tấm một khoaủng đường. Tôi lái xe chạy một mình xuống phố. Những góc đời nhộn nhịp sung mãn một sức sống mới mẻ theo hồn hoa. Có một lúc, xe vào khu đường một chiều. Những lằn xe kèn cựa nhau như hối hả một nhịp đời bất tận. Những Stop Signe và những đèn đỏ. Những kiều nữ thanh thoát một dáng đi với môi hồng mắt sáng. Những chiếc áo dây và những chiếc bụng trắng ngời phơi phóng một niềm vui tục lụy. Ðâu đó tiếng chuông nhà thờ đổ dồn ngày chủ nhật. Ðâu đó tiếng nhạc vẳng ra từ vài tiệm cà phê. Những ngọn đèn huyễn hoặc chúi xuống từ trần phòng, nhắc nhở một ngày bình thản.
“Nếu biết trước chẳng thể là của nhau.
Tôi sẽ chẳng bao giờ làm thơ được nữa”.
Ai đã nói như vậy? Câu thơ rơi như lá vàng của một ngày thu cuốn theo từ cánh gió. Vừa mở tung cánh cửa ngôi nhà hạnh phúc, đón tôi vào những cũng vừa đuổi tôi ra. Có những ngày gió rất miên man. Nụ hoa trên lối đi khẽ khàng một lời tạ lỗi. Có thể là khi người ta xa nhau, người ta cảm thấy nói lên một lời tình yêu sẽ trở nên vội vàng. Vì trong mầm mống của tình yêu bao gồm cả sự bội phản. Cho nên tôi sẽ không nói thêm điều gì để đừng nghe rét mướt. Ðể đừng thấy giọt mồ hôi lạnh khi đêm về làm thao thức một hoài mong. Mười bốn năm tôi vẫn đi hoài trên đoạn đường quen thuộc. Cây anh đào cũng quen thuộc như vậy. Chỉ có người đàn ông già mệt laủ những vòng xe. Góc phố năm xưa của tôi và nàng từng đi qua, từng một thời luyến ái. Nhưng cuộc đời đâu phải chỉ toàn màu xanh. Vì biển dù có một lúc nào hiền hòa, nhưng biển vẫn còn trong lòng nó bão tố.
Ðàlạt mùa này ra sao? Có lạnh nhiều như ngày tôi ra đi? Vòng tay mảnh mai có mọc thêm nỗi nhớ khi đêm về? Riêng tôi, dù cách xa nghìn trùng - dù không hi vọng để đi bên nhau trọn đời - dù kiếp này không được ơủ bên nhau - nhưng vẫn cháy trong nhau một tình yêu rực lửa. Một đêm cuối tuần tôi trở mình nghe mưa bên ngoài khung cửa đang òa vỡ. Tiếng mưa lạc mùa không đợi sáng. Nghe ray rứt một tình yêu không đọng lại mà bốc hơi. Trên mái căn nhà kế cận, cây ăng teng cong mình vặn vẹo. Nó không hi vọng đứng vững dù chỉ một đêm, hay chỉ một ngày. Ô cửa tò vò lạnh úa màu đêm.
4. Lâu lắm rồi, những câu thơ Nguyễn Bính đã vắng xa trong trí nhớ. Người thi sĩ tài ba và những dòng lục bát quê mùa đã ủ mật trái tim tôi khi tôi bước vào đời. Nghe nói con gái Bắc Kỳ mê thơ Nguyễn Bính như mê ăn trầu. Nhưng ít có ai biết Nguyễn Bính là vua ghen. Khi người yêu đi chợ phiên trở về, chỉ nhìn dáng đi, (và có thể chỉ mới nhìn thấy cô cười với mình) nhà thơ đã nổi cơn ghen. Chỉ nhìn thôi mà chàng đã cảm giác được cái chân quê, cái mộc mạc từ cô làng giềng đã không còn. Hoặc có còn, nhưng đã phôi pha ít nhiều:
"Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều"
Thơ Nguyễn Bính đọc không hề chán. Tập Lỡ Bước Sang Ngang là một tập thơ gối đầu giường của các cô gái Hà Nội những thập niên 40. Ru em cũng Nguyễn Bính. Dệt cửi cũng Nguyễn Bính. Tỏ tình trai gái với nhau, người ta cũng đọc thơ Nguyễn Bính. Hồn thơ của Nguyễn Bính bay lên bao la với bốn mùa. Ðêm có thể thiếu trăng, nhà có thể thiếu đèn, nhưng thơ Nguyễn Bính không thể thiếu. Sau 1954, Nguyễn Bính làm thơ không còn bay bướm như trước. Vài bài thơ viết để ca tụng chế độ, ca tụng nhà nước đã làm thui chột hồn thơ Nguyễn Bính.
“Chín năm đốt đuốc soi rừng
Về đây ánh điện ngập ngừng bước chân
Cửa xưa mành trúc còn ngăn
Góc tường vẫn đọng trăng thu thuở nào
Làng xa, bản nhỏ, đèo cao
Gió bay tà áo chiêm bao nửa chừng
Anh về luyến núi thương rừng
Nhớ em đêm sáng một vùng Thủ Ðô”
Tình cờ, một lần, tôi gặp một hồn thơ khác trên internet. Lời thơ mang âm hưởng Nguyễn Bính, tôi ngạc nhiên. Rất tiếc tôi không tìm thấy tên tác giả. Dù không tuôn trào lai láng như Nguyễn Bính trước khi mang hồn Ðảng trong tim, nhưng hơi thở của bài thơ khiến người ta tin rằng lục bát viết về tình yêu vẫn chưa mai một:
Bao năm đi giữa kinh thành
Bao năm lẻ bóng, lẻ hình, lẻ đôi
Cả kinh thành có những ai?
Cả kinh thành có một người mắt nhung
Người ơi cứu vớt tôi cùng
Dành đôi mát đẹp cho lòng rất đơn
Tôi còn mơ ước gì hơn
Hai tay người chấp phím đờn cho tôi
Phải chăng tôi đã yêu rồi?
Hồn xin quì dưới mắt người từ đây
Ðêm qua buồn quá tôi say.
Ðã mơ một giấc mơ đầy mắt nhung!”
Và một bài thơ khác, của một tác giả khác:
“Còn em lại đến với người
Tôi không ghen, chỉ buồn thôi, thật buồn
Cái bông hoa nở giữa vườn
Hương thơm nhiều lúc lại thường bay xa
Thôi thì em đó tôi đây
Không yêu nhau được dẫu đầy thương yêu
Mong em yêu và được yêu
Ðừng như tôi chỉ một chiều tương tư”
PNY
- Login to post comments
Printer-friendly version