Thơ Gởi Mạ Mùa Tháng Tư Ðen

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

 

Tuy Bút
 
Thu Nga
 
Mạ ơi!
 
Chiều hôm ni khi con thắp ba nén nhang trước bàn thờ có hình ba, hình mạ và hình anh Quang, lòng con chợt chùng xuống. Mắt con chợt mờ lệ, con nhận ra rằng, trên đời này con không còn ai là người thân thích ruột thịt nữa, ruột thịt ở đây theo tiếng Mỹ có nghĩa là ‘’sibling’’. Con không có cha, có mẹ, con không có anh em thân thích, anh em ruột cũng không mà anh em họ cũng không có nốt! Con nhớ lại lời của một người bạn cùng sở, tuổi bà hơn con nhiều, nhưng một lần bà nhìn con với đôi mắt buồn vời vợi khi báo tin người anh ruột duy nhất của bà qua đời ‘’my brother is lat sibling I had’’!
 
Con tẩn mẩn lau chùi bụi bặm trên các khung hình. Mắt anh Quang vẫn sâu và ánh nhìn vẫn nghiêm nghị như thuở nào khi anh chăm sóc và dạy dỗ bài vở cho con. Hình ảnh người anh trai duy nhất như mờ đi sau hàng nước mắt. Bệnh tật đã cướp anh đi trước khi được nhìn mặt đứa em gái yêu quý mà anh nuối tiếc đợi mong nhưng không được. Bức hình anh chụp sau khi anh bị bệnh. Hai má anh tóp lại, đôi lông mày nhíu lại, cố hữu. Anh có vẻ suy tư hơn là buồn rầu. Không biết trước khi anh từ giã cõi đời để được gặp gỡ ba mạ, anh đã những điều gì mà không nói ra được trong đôi mắt sâu thăm thẳm đó? Có phải anh cảm nhận được điều tử biệt hơn linh ly? Tử biệt cha mẹ và sinh ly với đứa em gái bên kia một vòng trái đất, biết trong kiếp này có còn gặp nữa hay không?!
 
Chiều hôm nay trời có nhiều mây, sau khi nhận được một tin tử biệt của một người bạn khá thân trong gia đình Võ Bị. Cuộc đời như một giấc mộng lớn, hy vọng khi tỉnh giậy những việc buồn phiền sẽ không phải là sự thật . Con ngồi trên căn phòng làm việc, mắt nhìn xuống đường bâng quơ. Gió thổi hơi nhiều trong một ngày, trời giăng mây xám. Mùa đông vừa mới đội áo lạnh ra đi, mùa xuân mặc màu vàng hoa cúc vừa đến ngõ, nhưng cũng có những ngày buồn trời hơi đục như hôm nay. Một người bạn cùng phòng đến ra dấu con có một buổi họp chớp nhoáng.
 
Ra khỏi phòng họp con bàng hoàng ngơ ngẩn, tin ‘’tử biệt’’ trên chưa kịp nguôi ngoai, buổi họp đã báo một tinh ‘’sinh ly’’ làm con và những người bạn cùng phòng tưởng tai mình nghe lộn, người xếp của tụi con, ông Bill Coats, sau 23 năm phục vụ cho nhà bank này đã đệ đơn xin từ chức! Ông Bill là người xếp rộng lượng, tốt bụng mà con đã làm việc với ông lâu nhất. Con nhớ đôi mắt thông cảm, bàn tay ấm của ông đặt nhẹ lên bàn tay con vỗ về khi nghe tin anh Quang mất. Ông nói giọng từ tốn: ‘’cô cứ khóc đi, khóc cho vơi nỗi buồn mất mát..rồi cô làm những điều gì cô cần làm, cô có thể ở nhà hoặc đi đâu để lo công việc này cho tới hồi nào cô xong việc. Ðừng lo, tôi sẽ take care mọi chuyện’’. Trong những lần biết con đi Washington, đi California, đi Houston, đi Austin v..v.. với những công việc đấu tranh cho nước Việt Nam, lúc nào ông cũng khuyến khích, chia sẻ nỗi lòng của con và của cộng đồng tị nạn CS. Khi nghe con đi biểu tình chống Phan Văn Khải, ông cũng khuyến khích con nên đi và con bảo hãy cổ động bạn bè đi nữa, ông hỏi ‘’tại sao CS đọa đày nước Việt Ham như vậy mà vẫn có người tin theo chế độ CS?’’ câu hỏi này, đã nhiều lần tụi con cũng tự hỏi. Hỏi xong con lại buồn vì nếu không còn những người xu nịnh, những người a dua, những người vì lợi lộc riêng tư đã và đang làm tôi tớ cho CS, tiếp tục đưa đất nước vào con đường lầm than nhất, nghèo khổ nhất- Ông Bill là người Mỹ, không phải ‘’sibling’’, cũng không chùng huyết thống, nhưng ông hiểu, thông cảm và hỗ trợ tinh thần của con, còn hơn những người đồng hương cùng máu mủ VN của con. Nhiều người đã ngoảnh mặt làm ngơ, bôi bác trước những phong trào tranh đấu, dè biểu những việc biểu tình chống Cộng, thờ ơ trước những lễ lạc của cộng đồng tại hải ngoại... và đối với tất cả nhân viên, ông luôn luôn tôn trọng những công việc riêng tư của họ. Nhưng nay ông Bill vì những bất đồng về đường lối làm việc đối với người xếp trực tiếp của ông, ông xin từ chức. Tụi con nhóm làm việc dưới quyền ông Bill, gặp riêng nhau, nước mắt lưng tròng trước cái tin đột ngột này. Nhưng rồi con và các bạn trấn tỉnh, tự nhủ: ‘’đời sống phải được tiếp tục, có ông Bill, hay không có ông Bill, tụi con cũng phải cố gắng làm việc mưu sinh, nhất là về phần con, ngoài việc mưu sinh con còn phải nhớ tới những bổn phận, những sứ mạng của người dân Việt   đối với tổ quốc Việt Nam đang bị đọa đày vì chế độ Cộng Sản. Người ở rồi đi, có kẻ để lại những kỷ niệm đẹp và sự ra đi của người này có thể là một sự nhớ nhung cho người ở lại, nhưng người ra đi sẽ tìm được những điều tốt đẹp hơn. Sau khi rời nhiệm sở, ông có email cho con nói ông mong là con tự ‘’take care’’ cho con và take care những gì phải làm cho nước Việt Nam.
 
Còn ai mà không đau buồn trước sự ‘’tử biệt’’, nhưng con cũng nghĩ Anh bạn Võ Bị sẽ tìm được sự bình an nơi một thế giới khác, cũng như anh Quang, anh không còn đau đớn vì bệnh tật, anh được ở một nơi thật đẹp, thật an lành, nơi không có hận thù, không có nhà giam, không có hàng rão kẽm gai, không có bắt bớ, không có giam cầm, không có bị... bịt miệng!
 
Năm rồi, những hình ảnh hãi hùng của của cuộc trốn chạy chế độ Cộng Sản sau khi bọn chúng cưỡng chiếm miền nam vào tháng 4 năm 1975 được phim Vượt Sóng vẽ lại rất đầy đủ và trung thực. Hình ảnh chạy loan năm nào tưởng như mới ngày hôm qua. Vậy mà mạ ơi! đã 32 năm rồi từ ngày dân tộc Việt bước vào con đường đau thương, khổ ải nhất.
Phim Vượt Sóng thật ra chỉ nói lên được một khía cạnh nhỏ mà người dân phải chịu thôi, vậy mà đã làm cho những người xem phim bật khóc. Không khóc làm sao được khi những ảnh của đoàn tù ‘’cải tạo’’ ăn mặc rách rưới, tấm thân tiều tụy, máu đổ chan hòa lê lết quang đời đau thương từ trại tù này, qua trại tù khác. Họ bị chửi rủa, đánh đập với những lời mắng chửi tục tằn, những cơn đòn thù tới tấp tưới lên tấm thân tàn tạ của họ. Có ai ngờ trên cõi đời này, trong thế kỷ này, ngay trên trái đất nơi mọi người được thở khí trời trong lành, tự do, thì tại xứ sở Việt Nam lại có cảnh người hành hạ ngườI tới mức tàn tệ như vậy! Ngay các nhà sản xuất phim đã không tin những sự thật mà một đạo diễn trẻ tuổi như Hàm Trần đã cố mang lên màn ảnh cho thế giới được biết.
 
Những người tù, tay chân bị xiềng xích, hàng ngày phải lao động vất vả đổi lấy miếng cơm. Sự vất vả của họ, không một ngòi bút nào có thể lột tả được. Khi phải đi vào rừng, xuống suối làm việc, họ phải phó mặc cuộc sống cho trời xanh vì cán bộ cộng sản có thể nổ súng vào đầu họ bất cứ lúc nào. Quá đau đớn, tủi hờn, lớp thương vợ nhớ con, họ phải trốn chạy và sự trốn chạy tìm tự do của họ được kết liễu bằng cái chết.
 
Số phận của quân dân cán chính miền Nam, sau năm 75 đã thê thảm như vậy, mà số phận của vợ con họ cũng thảm thương không kém. Cùng với hàng hàng lớp lớp những người dân tìm đường vượt biển, vượt biên, dân Việt đã làm xôn xao thế giới, động lòng cả đất trời với cuộc di cư vĩ đại nhất của loài ngườI, hàng triệu triệu người đã bỏ xứ sở, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ bao nhiêu của cải đã tạo dựng bằng mồ hôi nước mắt để ra đi tìm tự do, và chỉ có một số nào may mắn đến được bến bờ, số còn lại làm mồi cho cọp beo, thú dữ trên rừng, làm no bụng cá và làm món thịt sống cho hải tặc! Thân phận đau thương của đàn bà con gái trên những chiếc thuyền mong manh, làm sao chống cự nỗi với thú tính của những tên giặc biển. Chồng, cha của những cô gái xấu số, không thể nào chịu nỗi khi chứng kiến được điều bất hạnh xảy ra cho con, cho vợ, cho người thân của mình phải đem sức bình sanh ra chống chọi lại, mạng sống của họ được kết liễu với báng súng, hoặc làm mồi cho cá biển đông.
 
Chiếc tàu tròng trành trong biển sóng làm sống lại những chiếc thuyền mong manh đi tìm cái sống trong cái chết của người chạy trốn ‘’thiên đường CS’’ mà khoảng thập niên 1980 đã làm rung động đến trời xanh. Số phận của người VN không biết động thấu trời xanh bao lâu, nhưng lòng nhân đạo của người trên thế giới lần lần teo nhỏ trở lại, họ đóng cửa,   ngoảnh mặt làm ngơ, họ đẩy những con thuyền nhỏ bé, mong manh trả lại cho sóng to, biển lớn. Nước mắt người Việt Nam còn nhiều hơn nước biển đông!
 
Diễm Liên, một tài tử chính trong phim thuộc thế hệ thứ hai, đã diễn xuất thật tài tình trong vai người vợ tên Mai. Thân thể Mai cô dập nát, đớn đau. Cô phải mang nỗi đau này trong suốt cuộc đời còn lại. Bà mẹ do Kiều Chinh đóng đã lột tả được nỗi lòng của những người thuộc thế hệ trước. Họ sống giữa thực và mộng. Thực là cuộc sống quá mới mẻ để bà có thể hội nhập, mộng là vẫn mơ tưởng, vẫn nuôi hy vọng là đứa con của bà, là Long (do Nguyễn Long đóng), (người đã từ chối không chịu chạy trốn chế độ CS, muốn ở lại chứng kiến và làm điều gì để xây dựng quê hương, nhưng anh đã lầm và cái lầm của anh đã phải trả giá bằng cái chết oan khiên, tức tười khi trốn trại)- vẫn sống. Bà mẹ chuyền niềm hy vọng này vào đứa cháu đích tôn tên Lai. Người chủ thuyền tên Nam, cũng diễn tả hết tính chất thuần hậu, tốt bụng của một người bạn. Anh đi song song với cuộc đời của Mai, chắc chắn anh cũng nuôi một hy vọng đẹp cho tương lai.
 
Mạ biết sao không, một đoạn làm cho con thật xúc động, đó là cảnh cãi nhau của những người đang phải vật lộn với cuộc sống nơi xứ người. Cuộc cãi cọ như đã bùng phát vì ‘’tức nước vỡ bờ’’, những buồn đau chồng chất, ai cũng muốn dấu tâm sự mình cho đến một ngày không thể nhịn được, cô Mai nói mẹ không thực tế đã nói dối với đứa cháu là cha nó còn sống, bằng cách khuyến khích đứa bé viết thư cho bố rồi bà đem dấu những lá thư vào trong một cái hộp, cất trong tủ. Bà mẹ nói, bà làm điều đó để đứa bé có hy vọng mà sống, cũng như bà, bà vẫn hy vọng một ngày gặp mặt đứa con yêu, bà còn tức giận nói cô dâu đã lạnh lùng và không giúp đỡ đưá con vì cô phải làm việc cả ngày ở ngoài và cô cũng không giúp cho niềm hy vọng của bà một tí nào. Cô Mai cũng uất ức cho biết cuộc đời cô đã hết từ ngày cô bị cướp bởi hải tặc. Cô phải phan đấu với đời, với bản thân của cô, để   sống nuôi con. Còn bé Lai bật lên thành tiếng, trách mẹ đã ơ thờ với mình, với bà nội, mà chỉ còn lo cho chú Nam thôi, bé còn nói to ‘’chú đâu phải là ba ruột của con!’’. Trong khi anh Nam đứng lặng yên không dám xen vào chuyện của gia đình người bạn mà anh đã săn sóc và lo lắng từ ngày anh và họ định cư. 
 
Hình ảnh chiếc diều tung bay trên bầu trời chuyên chở được những giây phút hạnh phúc của gia đình cô Mai. Nếu không có những lúc ‘’tức nước vỡ bờ’’, ai biết được trong đầu những người tị nạn này đã suy nghĩ như thế nào trong cuộc sống khó khăn hàng ngày!?
 
Khi đèn bật sáng, con nhìn thấy những đôi mắt đỏ hoe, nhiều giọt lệ vãn còn chảy dài trên má của nhiều người. Nhiều người đàn ông cũng không cần dấu diếm xúc cảm. Họ cảm ơn người đạo diễn trẻ Hàm Trần đã cho họ có cơ hội ôn lại cuộc đời của họ từ lúc thất thủ miền nam. Nhiều người đã đem con, cháu để con cháu biết được cuộc hành trình gian nan, thống khổ của họ. Cũng như để cho con cháu biết tại sao chúng ta lại có mặt ở hải ngoại. Ðau đớn thay, có nhiều người cũng đã ra đi một cách đau thương như gia đình cô Mai nay lại quay trở lại quỳ lụy lòn cúi xin xỏ ân huệ kẻ thù dân tộc.
 
Mạ ơi! Con thắc mắc, những kẻ còn mơ ước ảo huyền ở chế độ có mở mắt ra không khi xem qua phiên tòa xử linh mục Lý? Hình ảnh hai tên công an mặc đồng phục đứng nhìn lom lom hai bên và tên công an mặc thường phục đứng đàng sau lưng đã làm cho ai yếu bóng vía cũng hãi hùng, nhưng khi tên công an đứng sau lưng đưa hai bàn tay dùi đục lên bóp miệng cha Lý thì sự hãi hùng trở thành sự phẫn nộ! phẫn nộ cho chế độ dã man, phi nhân, tàn ác và vô cùng man rợ. Có một phiên toà nào trên trái đất này lại không cho nạn nhân nói và hành động này là hành động của bọn côn đồ muốn diệt nhân chứng. Một nhân chứng anh hùng, một nhân chứng dám đứng trước bạo lực và hô to ‘’Ðả đảo Cộng Sản’’. Nước mắt của mọi người yêu chuộng tự do, công lý đều phải chảy ra. Gương mặt của ngài vẫn cương quyết, uy nghi . Ôi! vị linh mục khả kính đã chịu nạn ngay trong mùa Phục Sinh!
 
Phiên toà man rợ của Cộng Sản xử cha Lý, cảnh cơ cực của người tù Cộng sản trong phim Vượt Sóng, tin chiến sĩ Lý Tống được trả tự do về Mỹ làm nỗi lòng người tị nạn chúng con buồn vui lẫn lộn. Buồn thì không thể nào không có, vì đã 32 năm qua, đất nước Việt Nam vẫn chìm trong màu đen tối, dưới sự cai trị độc tài, độc đôn, độc đảng của CSVN, buồn vì nhớ lại sự đau thương vô cùng tận của những người tù cộng sản. Biết bao nhiêu người đã chết trong cái gọi là ‘’tù cải tạo’’? Biết bao nhiêu người đã nằm xuống trên bước đường tìm hai chữ tự do. Biết bao đàn bà phụ nữ đã chết một cách oan khiêng bởi hải tặc Thái Lan và biết bao nhiêu đàn trẻ thơ mồ côi cha mẹ và biết bao nhiêu ngườI vẫn còn sống lang thang vất vưỡng với danh hiệu Thương phế binh VNCH. Nhưng trong nỗI thống hận đó, đã vươn ra những tinh hoa của đất nước, những ngườI dám làm, dám nói, hiên ngang như cây tùng trong cơn bão, anh hùng Lý Tống. Với thờI gian dài đăng đẳng tranh đấu, không khuất phục, những việc làm không một người bình thường nào dám làm để gióng lên một tiếng kêu toàn dân nổi dậy chống lại bạo quyền cộng sản, Lý Tống đã làm cho mọi người hãnh diện và nay công lý đã thắng, anh được trả tự do và đoàn tụ cùng thế giới tự do.
 
Mãi suy nghĩ, con không biết cây nhang đã tàn tới gốc, đầu cây nhang đã biến thành tro, cong lại. Con nhớ lời mạ dạy, khi thắp nhang, đầu tro cong lại là được người khuất mặt chấp nhận lời cầu xin. Con mỉm cười trong màn lệ. Ba mạ, anh Quang con đã chứng giám cho lời cầu xin của con trong mùa Quốc Hận 30-4. Con cầu xin cho những nhà tranh đấu dân chủ như: Hoà Thượng Quảng Ðộ, mục sư Nguyễn Hồng Quang, nữ luật sư Nguyễn Thị Công Nhân, LS Nguyễn Văn Ðài, nhà báo Ðỗ Nam Hải, LS Nguyễn Vũ Bình, những người đã lớn tuổi, những người trẻ tuổi đủ mọi thành phần trong xã hội ... và còn nhiều nhiều lắm những người đầy nhiệt huyết và can đảm, được có đủ sức khỏe nghị lực tiếp tục đấu tranh cho đất nước Việt Nam sớm được có tự do dân chủ, nhân quyền.
 
Con tuy không còn một người thân, không có bà con xa, nhưng con còn có láng giềng gần - láng giềng đó là những người cùng chung chí hướng cùng quyết tâm tranh đấu lật đổ chế độ cộng sản. Con vẫn còn những người cùng chung máu huyết Việt Nam đã noi bước các vị anh hùng liệt nữ thà chết không khuất phục trước kẻ thù như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, trước bão tố vẫn sừng sững oai nghi như cây tùng, cây bách
 
Và tất cả chúng ta đều cùng chung một hy vọng một ước mơ như cánh diều trong Vượt Sóng. Cánh diều sẽ được tung bay trên bầu trời cao rộng của quê hương thanh bình trong một ngày không xa.
 
Mạ ơi! Qua màn lệ con thấy cây nhang cong thành cái vòng tròn xoe, ba mạ, anh Quang nhìn con âu yếm!
 
Thu Nga
Viết trong mùa 30 tháng 4