Tản Mạn Mùa Hè

Phiếm luận mùa hè
Thu Nga
Nếu tôi thích mùa thu vì mùa thu quyến rũ, thơ mộng và mát mẻ, nếu tôi thích mùa xuân vì mùa xuân hoa lá nở rộ tô điểm đất trời, thì tôi lại thích mùa hè vì đây là mùa cho tôi nhiều cảm xúc để viết nhất và hình như mùa hè đối với tôi có nhiều kỷ niệm hơn là những mùa khác.
Mùa hè hay gợi cho tôi những quá khứ của tuổi học trò với lưu bút xanh với phượng đỏ và mực tím. Mùa hè làm tôi nhớ quay quắt đến ngôi nhà cũ có tiếng võng kẽo kẹt ở sân trong những đêm đứng gió. Mùa hè xao xác tiếng chim quen ngoài ngõ, dưới giàn hoa thiên lý. Mùa hè thấp thoáng hình bóng mạ tôi bóng nhỏ xiêu xiêu lên thăm tôi nơi miền Pleiku đất đỏ. Mùa hè cũng làm tôi ngậm ngùi đau đớn nhớ đến cái chết của người anh độc nhất trong đời mà tôi đã không gặp không biết bao nhiêu mùa hè rồi và anh đã vĩnh viễn ra đi trong cái tháng 7 mùa hè bốc lửa của cái gọi là ‘’vùng kinh tế mới’’ Bà Rịa.
Và bây giờ mùa hè lại đến nơi cái xứ vốn dĩ không cần mùa hè đã được gọi là xứ sa mạc này.
Mùa hè đã hiện diện rất rõ ở Texas với cái nóng nung người với những cơn gió chỉ mang hơi nóng hừng hực trên từng vùng da thịt. Mùa hè đã hiện diện nơi những shopping có những người vừa già, vừa nghèo đi vào đó tìm một chút hơi mát. Mùa hè cũng đã được thể hiện trên những cánh tay, chân, đùi phơi bày trong nắng gió ngay khi mùa xuân chưa kịp ra đi.
Mùa hè này tôi đã có được hồ cá sau hè. Những giây phút rỗi rãnh hiếm hoi, tôi ra ngồi nhìn những con cá tôi mới tậu được từ một tiệm bán cá quen, người chủ vừa bán, vừa tặng, vừa cho. Người ta hay nói học bao nhiêu cũng không đủ và mỗi ngày những chuyện xảy ra quanh ta cũng cho ta những bài học quý giá. Tôi đã học được bài học ngộ nghĩnh khi những con cá ‘’Koi’’ của tôi mới đem về thả dưới hồ nhảy lên khỏi mặt nước, nằm phơi bụng trắng hếu trên những miếng gạch dẹp màu xám, sắp chung quanh hồ và chết một cách lãng nhách, mà những người bạn cùng sở bảo tôi là những con cá đã tự tử. A, thì ra cái chết của những chú cá thật là kỳ cục, cá bắt buộc phải sống vì nước như những anh chàng nịnh đầm nói với đào ‘’con cá nó sống vì nước, anh sống vi em’’ có nghĩa là những con cá không có nước thì không thể nào sống được, còn anh không có em thì anh sẽ chết thẳng cẳng, ngay đơ cán cuốc (nhưng thật tình vẫn sống nhăn răng để tiếp tục ca bài ca cố hữu cho tới khi nào anh mặc sơ mi gỗ). Những con cá khờ dại không hiểu vì vui quá độ, tung bay nhảy nhót mà vô tình rơi trên phiến đá, hay tại trong nước hồ mới đào có những chất thuốc mà mấy chú cá không chịu được nên nhảy lên biểu tình? Tôi không khỏi bật cười khi có một so sánh kỳ cục là con cá muốn chết thì nhảy lên bờ, còn con người ta muốn chết thì nhảy xuống nước (trong trường hợp không biết bơi! như tôi chẳng hạn).
Sỡ dĩ tôi nhắc đến chuyện tôi không biết bơi là cũng do câu chuyện từ mùa hè mà ra. Một thuở mùa hè xa lơ, xa lắc nơi bực đá giòng sông ở nơi quê tôi. Tôi cũng không biết gọi quê tôi thì có đúng hay không vì tôi được sinh ra ở đó, nhưng không lớn lên ở đó, mà chỉ về thăm lại một đôi lần mà thôi. Ðó là bờ sông của miền sông Hương núi Ngự. Bờ sông có những bậc tam cấp, tôi không biết nên đã bước hụt xuống, nước ngập tới trán, tôi uống một bụng nước sông no nê, báo hại mạ tôi xanh máu mặt. Từ cái thuở thiếu thời đó, tôi sợ nước, thấy nước sông, nước biển tôi rất thích nhìn, ngắm nhưng không dám bước xuống để tập bơi. Và những kỷ niệm một thuở xa xôi tôi đã chứng kiến thấy người chết đuối ở bãi biển Tuy Hòa. Nhưng mùa hè này tôi làm một cuộc cách mạng là đi học bơi! Trời ơi tôi đã bỏ ra bao nhiêu giờ, bao nhiêu phút, bao nhiêu sự hy sinh không đi shopping để học làm sao thân hình nổi lên mặt nước, mà chả ra làm sao cả, chìm thì cũng cứ chìm! Tôi nghe lời hết thầy giạy bơi này đến thầy giạy bơi khác, thử nào là: phao tròn, phao dài, phao áo, chân vịt, banh nổi v...v... hễ có những thứ này trên người thì nổi mà hễ bỏ những đồ phụ tùng này ra là chìm nghỉm. Khi đi vào chỗ tập thể dục, phải đi ngang hồ, tôi hay nhìn ngắm những người bơi thành thạo với một đôi mắt khâm phục. Tôi cứ thắc mắc? tại sao họ có thể nổi lên khỏi mặt nước và bơi thoải mái như vậy? Nhắc đến chữ thoải mái, tôi lại phì cười vì mấy thầy giạy bơi hàm thụ của tôi cứ nhắc nhở:’’phải relax! relax! relax!’’ tôi nói ‘’sure, If I relax I would die !’’. Thế nhưng tôi đã làm liều ‘’relax’’ theo như lời thầy giạy bảo, tôi ráng ‘’relax’’ và tôi đã nổi được một vài phút khi nằm ngửa, tay buông thỏng như thể không còn gân cốt, đầu thoải mái cừ để ngửa trên mặt nước. Chỉ học tới chừng đó là hết cỡ. Ðã qua hơn cả tháng rồi tôi vẫn chưa nổi lên trong thế bơi sấp. Thấy mấy con cá tội nghiệp chết trên cạn vì không có nước để bơi, tôi bỗng nghĩ còn tôi thì chắc chắn sẽ chết chìm dưới nước vì không biết bơi! Vì vậy bài học của tôi là, ở đời, những môi trường có thể hợp với người này mà lại không hợp với người khác chút nào, có thể là nguy hiểm nữa.
Mùa hè cũng đã cho tôi thấy rõ có nhiều người thật tự nhiên như ‘’người Hà Nội’’ mà không biết họ đã lấy can đảm từ đâu. Sau mỗi lần tập thể dục trong giờ ăn trưa, tôi và cô bạn cùng phòng cũng đi tắm như những người khác, nếu không sức nóng của mùa hè sẽ làm mùi mồ hôi của mình nặng mùi sẽ làm khó chịu cái mũi của những người bạn cùng phòng. Tôi rất e ngại vì phòng thay quần áo chả có màn, có vách gì ráo, cứ thế mà thoát y, coi thiên hạ như bức tường là được, thế nhưng dù tới đó nhiều lần tôi vẫn không thể nào quen để có thể thay đồ một cách lộ liễu như vậy. Trong khi đó thì các người Mỹ thoải mái cứ đi đứng tô hô, coi thiên hạ như cỏ rác. Trời ơi! phải chi họ có thân hình đẹp như vệ nữ thì cũng không nói làm gì, hoặc vì đẹp như thế nên họ muốn khoe, đàng này bà nào bà nấy vừa chảy, vừa xệ, vừa nhăn, có bà như bộ xương khô, có bà như cái ‘’bồ sứt cạp’’ ....vậy mà mấy bà cứ đi qua, đi lại, đi tới, đi lui, lớp thì phải bắt buộc nhìn ngắm cái thân hình mất thẩm mỹ của mấy bà bằng xương, bằng thịt, sát ngay bên cạnh, trước mắt mình, lớp thì các hình bóng thiếu mỹ thuật này in lồ lộ trong những cái gương treo đầy trong phòng. Chả hiểu tại sao họ treo gương nhiều như thế để làm gì? để nhìn nhau? Nhưng không thay ở đây thì phải vào trong phòng tắm thay vừa ướt át, vừa chật hẹp nên mình củng đành nhắm mắt đưa chân mà thôi. Nhưng đã bảo cái gì từ từ cũng phải quen mà thôi, mau hay lâu để thích hợp chỉ là vấn đề thời gian.
Mùa hè cũng đã hiện diện nhiều nhất với ngày lễ trọng đại của Hoa Kỳ, Ngày lễ Ðộc Lập mà Mỹ hay gọi là ‘’The Fourth’’. Trong dịp lễ này, các trái bắp tha hồ bay mùi thơm cùng với những miếng thịt nào gà, nào heo, nào bò trên bếp lửa ngoài trời. Những trái dưa hấu to được mọi người yêu thích trong các buổi picnic với nắng chói chang ngoài trời. Lễ Ðộc Lập được người ta vinh danh với những lá cờ Mỹ Quốc may thành những cái áo, cái quần ngắn củn cỡn. Lễ Ðộc Lập trong mùa hè được người ta tiếp đón với những tràng pháo bông đủ màu, sặc sỡ, vui tai nhưng cũng không kém phần nguy hiểm. Ðã có những vụ nổ vì pháo bông làm chết người hàng năm xảy ra. Tôi nhớ đến những buổi tối mùa hè trong mùa lễ Ðộc Lập tại bãi đậu xe của Tandy Center. Xe đậu hàng hàng lớp lớp. Người ta đem theo nào mền, nào ghế, nào đồ ăn thức uống. Con nít người lớn thoải mái trong những tấm áo mùa hè, gương mặt vui tươi. Chúng tôi cũng đem theo con cái len lỏi vào tìm một chỗ đậu tốt để xem pháo bông. Tới giờ, mọi người ngước lên bầu trời trong xanh để tấm tắc ‘’oh! ah!’’ với những pháo bông đủ các hình dạng, màu sắc đang tung bay trên bầu trời, có cái nở tròn như cái nấm, có cái kéo dài như hỏa tiễn, có cái xòe ra như một cánh hoa....Người Việt Nam chúng ta có tính lẩm cẩm, hay tính toán, ngồi xuýt xoa với nhau’’chà đốt như vầy một đêm tốn cả chục ngàn đô la, nước Mỹ giàu dữ’’. Ðúng vậy có những thứ chúng ta phung phí ở đây cả quần áo, thức ăn, đồ chơi v...v...trong khi có nhiều nơi cơm không đủ ăn, áo không đủa mặc như nước Việt Nam càng ngày càng lạc hậu, con nít không có một món đồ chơi cho ra hồn làm gì được coi một bữa đốt pháo bông cho đã mắt như vầy.
Ngày Ðộc Lập của Hoa Kỳ trong mùa hè nắng cháy còn có một mục hấp dẫn người địa phương ở Fort Worth, Arlington này là mục xe hoa diễn hành. Mỗi năm người ta ước tính có hơn 50,000 người ở các thành phố địa phương và lân cận đã đến tụ tập chung quanh khu vực Arlington ở các ngã đường Center, Pecan, Border, Mitchell v...v... để xem diễn hành. Những người Hoa Kỳ thưởng thức mùa hè rất thoải mái, có người cũng tìm những gốc cây có nhiều bóng mát để ngồi, nhưng phần đông, học chỉ bắt ghế, hoặc trải khăn dưới đất dưới ánh nắng chói chang của mùa hè xứ sa mạc xem diễn hành, không cần đội nón, không cần che dù và không cần cả kiếng mát. Mùa hè của ngày Lễ Ðộc Lập cũng được cộng đồng người Việt Quốc Gia Fort Worth đón tiếp trong niềm vui với chiếc xe hoa đủ màu sắc góp phần trong đoàn diễn hành xe hoa bản xứ thêm nhiều màu sắc và ý nghĩa. Năm nay anh Lưu Xuân Thăng làm trưởng ban tổ chức, các anh chị em khác trong ban chấp hành cộng đồng Người Việt Quốc Gia nhiệt liệt hưởng ứng bắt tay làm việc.
Tôi cũng đã được tham dự làm xe hoa diễn hành ngày lễ Ðộc Lập liên tiếp 3 năm. Mỗi một năm thành phố Arlington có một chủ đề khác nhau, năm nay chủ đề ‘’Proud to be an American’’. Người Mỹ đã thực hiện chủ đề này với nhiều cách trưng bày đặc biệt, có gần đến 200 chiếc xe hoa tuy cách trang hoàng khác nhau, nhưng màu sắc thì giống nhau đó là màu xanh, đỏ và trắng như màu trên lá cờ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Cộng Ðồng Việt Nam năm nào cũng ráng lồng vào những ý nghĩa đấu tranh của người Việt tị nạn CS vào trong đề tài của thành phố đưa ra. Năm nay xe hoa người Việt được trang hoàng với một trái cầu lớn, trên trái cầu là hình thể chữ S của nước Việt Nam màu đỏ, tượng trưng nước Việt Nam đang bị nhuộm đỏ bởi bọn CS đã xâm lăng từ phương bắc. Một bên của địa cầu là hình ảnh của nước Mỹ tự do có tượng thần tự do, có các em đang đọc sách, đang chơi gam, trước đầu đầu xe có hai người lính Việt Nam Cộng Hòa đang cầm 2 lá cờ Mỹ và Việt. Trong khi nửa kia của quả cầu là tình cảnh đau thương, khốn khổ của dân tộc Việt Nam với cũng một nữ thần tự do, nhưng tay của nữ thần đang bị xiềng buộc lại. Dưới chân nữ thần tự do là hai mẹ con của một người đàn bà nghèo khổ, đang ngước mặt nhìn thần tự do với một mơ ước tràn đầy. Cạnh đó là một người Cộng Sản, tay lăm lăm khẩu súng, chỉa vào hai mẹ con khổ cực, sẵn sàng nhả đạn, người đóng vai VC mặc đồ đen, nón cối, dép râu làm người ta ngậm ngùi nhớ lại những câu hát chế riễu khi VC tràn vào miền nam
‘’Ðôi dép râu dẫm nát đời son trẻ
Nón tai bèo che khuất nẻo tương lai’’.
Có nhiều người Mỹ đã đến chia sẻ nổi lòng của người Việt tị nạn CS sau khi họ được giải thích ý nghĩa trên chiếc xe hoa Việt Nam. Có một người Mỹ tỏ ý khó chịu khi thấy hình ảnh VC trên xe hoa. Một người đã vội giải thích cho người Mỹ đó hiểu ý nghĩ của những cảnh đang ở trên xe hoa. Người Mỹ này gật gù hài lòng sau khi nghe rõ câu chuyện. Chung quanh bãi đậu xe rộng, những chiếc xe hoa đủ màu, đủ sắc. Những người tham dự của mỗi chiếc xe hoa mặc nhiều bộ áo quần sặc sỡ, có nhiều chiếc trang hoàng rất công phu và đẹp mắt. Năm nay có lẽ vì không khí chiếnt tranh Irag đang còn phảng phất nên cộng đồng người Mỹ đã mặc quân phục rất nhiều, cả người lớn, trẻ em, đàn ông đàn bà với những bộ đồ rằn ri mang một sắc thái rất đặc biệt. Ðoàn diễn hành của Cộng Ðồng người Việt rất trang trọng với những bộ quân phục của các hội đoàn cựu quân nhân. Có mũ, có súng, có kiếm chào. Ði đầu là các chị, các bà trong hội phụ nữ với chiếc áo dài màu vàng, khăn vàng và có cờ Việt Nam quàng quanh. Cờ xí Việt Mỹ bay phấp phới và nhiều đoàn thể, cá nhân tháp tùng theo.
Ðoàn diễn hành đi qua những con đường có nắng hạ chói chang. Những tiếng vỗ tay chào mừng xe hoa của VN cũng khiến cho lòng người Việt bồi hồi và cảm động. Có rất nhiều người Hoa Kỳ đã đứng lên chào lá Quốc Kỳ của họ trên xe hoa Việt Nam. Họ có vẻ cũng hiểu được ý nghĩa của chiếc xe hoa. Tôi đang đóng vai một người nghèo khổ ngồi dưới chân tượng thần Tự Do nên không dám cười và vẫy tay người đi xem, nhưng thỉnh thoảng cũng phải ‘’cười nhè nhẹ’’ để đáp lễ những cái chào thân thiện của người đi xem thì em bé Bell, đóng vai đứa con của người đàn bà khổ cực nhắc tôi ‘’ớ ờ, không được cười’’ tôi gật đầu ‘’đúng rồi, nhất định không cười’’. Tội nghiệp người đóng vai VC và người đóng vai nữ thần tự do đang bị áp chế cũng không dám cười, không dám uống nước vì sợ sai mất ý nghĩa của chiếc xe hoa. Năm ngoái trong chủ đề ‘’Chiến Sĩ Tự Do’’, xe hoa của Cộng Ðồng Người Việt cũng đã làm cho khách đi xem chào đón rất niềm nỡ, họ đứng lên chào kính cẩn lá Quốc Kỳ Hoa Kỳ được cắm chung với lá Quốc Kỳ Việt Nam có những người lính Việt Mỹ đang cùng giang tay nắm lấy. Sau lưng họ là bức tường đổ nát của 2 toà nhà World Trade Center, trước cảnh hoang tàn đổ nát là những người bác sĩ, y tá, lính cứu hỏa, cảnh sát, người volunteer của thảm họa 911. Bên kia bức tường là hình ảnh Ải Nam Quan đứng trơ trọi chia lìa khi bị Cộng Sản cắt đất dâng biển cho Trung Cộng.Chiếc xe hoa này được cả 2 giải thượng hạng và hạng nhất.
Chiếc xe hoa đang diễn hành là một công trình, một hy sinh to lớn của ban tổ chức, mà trong đó các tổ chức, đoàn thể trẻ đã góp công rất nhiều như Hoa Lư, Hội Văn Hóa Khoa Học, Hội Chuyên Gia, Gia Ðình Ðạo Tâm, Ðoàn Văn Nghệ Hồn Việt...những người tuổi trẻ đã làm cho các đàn anh, cha ông thán phục với tài năng sẵn có cùng với bầu nhiệt huyết đã làm nên những thành tích đáng kể trong cộng đồng địa phương nói riêng và Cộng Ðồng người Việt nói chung. Những người tuổi trẻ đã góp phần xây dựng cộng đồng cho lớn mạnh, có tiếng nói tại hải ngoại cũng như đã góp những bàn tay trong các công cuộc đấu tranh cho lý tưởng tự do hầu có một ngày về giải phóng quê hương thoát khỏi bàn tay của bọn CS độc tài, đảng trị. Tôi đã được đến xem chiếc xe hoa trước khi nó được hoàn thành. Những người ‘’ăn cơm nhà, đi vác ngà voi’’ làm việc không ngừng nghĩ để hoàn thành chiếc xe hoa cho kịp thời hạn. Họ làm sau giờ làm việc mệt nhọc, họ làm trong những cuối tuần khi họ có thể đi chơi, hưởng thụ như những người khác. Họ làm việc trong cái nắng hừng hực, cái nắng thiêu đốt da thịt, cái nắng làm loé mắt, lóe mũi và cái nắng có thể làm cho người yếu đuối có thể lăn đùng vì say nắng. Cái nóng làm họ phải ở trần, mồ hôi nhễ nhại nhưng không dám mở quạt vì sức gió sẽ bay mất những hạt kim tuyến lấm tấm sắp sơn phết lên những tấm giấy đang sử soạn dán trang hoàng lên xe. Họ làm trong một bầu không khí vui tươi, không nề hà, không tranh nạnh, ai rãnh tới làm, bận việc thì về, người khác lại tới làm tiếp. Năm đầu tiên tôi tham dự, ngay trong khi làm việc tại nhà anh Sang, nhóm người trẻ này vừa làm, vừa nói chuyện vừa hát nhạc đấu tranh để anh em lên tinh thần. Năm thứ nhì tôi tham dự, xe hoa được kéo về nhà Hoài Châu. Trời Texas mưa nắng thất thường vì vậy xe hoa được che chở dưới một cái lều lớn. Trời mưa đôi khi làm hư hỏng những phần đã trang hoàng thật kỹ. Có năm một người làm việc rất hăng say trong việc trang hoàng cho xe hoa đã bị ngã trặc chân, người thì xước tay...nhưng mặc những cái lặt vặt đó không làm nản lòng hay buồn phiền cho họ.
Trong cái nắng rực rỡ của mùa hè. Ðoàn xe hoa từ từ chấm dứt phần trình diễn nơi điểm xuất phát. Ðoàn người diễn hành và người trên xe hoa tìm về dưới gốc cây cố trốn tránh vài giây phút mát mẻ sau khi đã đã đi qua nhiều ngã đường lên đồì, xuống dốc trong không khí mùa hè dâng đầy ánh nắng mà những ngọn gió không làm sao đủ sức để thổi mát.
Cũng như mọi năm, vài người trong ban tổ chức đã đến City Hall của Arlington để chờ xem kết quả. Tôi vì phải đi làm ở đài phát thanh cho kịp giờ, nên đã vội từ giã và nhắc nhủ Lưu Xuân Thăng và Nguyễn Kinh Luân và Lưu Xuân Bảo hãy gọi báo tin đặng tôi có thể nói cho thính giả đồng hương trong phần tin tức. Không bao lâu, tôi được Luân rồi Bảo gọi báo tin vui: Xe hoa Cộng Ðồng Việt Nam về nhất lần nữa!
Ðây là một niềm khích lệ một điều an ủi và một phần thưởng xứng đáng cho ban tổ chức, cho những người tuổi trẻ, cho những đoàn thể cựu quân nhân đã góp công, góp sức làm nở mày, nở mặt cho cộng đồng người Việt suốt bao nhiêu năm qua, không phải chỉ có phần xe hoa mà hầu hết trong các tổ chức lễ lạc của chúng ta. Tôi hình dung ra những nét mặt vui tươi, hồn nhiên của của các bạn trẻ khi nghe được tin vui này. Công sức của họ đã có một kết quả tốt đẹp. Tốt đẹp ngay khi nghe ban giám khảo nói trong khi xe hoa đi ngang qua là Cộng Ðồng Người Việt đã tham gia nhiều năm trong buổi diễn hành và là một niềm vui lớn khi họ nhận thức được ý nghỉa đấu tranh của xe hoa người Việt lồng trong chủ đề ‘’Proud to be an American’’, hãnh diện cũng là người Mỹ, nhưng chúng tôi không bao giờ quên chúng tôi là người Việt Nam! Tôi thở phào sung sướng và nhẹ nhõm từ một sự việc cũng làm tôi nghĩ ngợi là cái đêm trước ngày diễn hành lúc nào các bạn trẻ cũng có một buổi triễn lãm xe hoa và hát nhạc đấu tranh tại trung tâm Phước Lộc Thọ, buổi nhạc tối đêm 3 tháng 7 không được đông đảo như ban tổ chức mong muốn. Có lẽ người ta bận đi chợ, bận đi ăn tiệm, bận đi nghe nhạc, bận đi trồng cây, bận đi rửa xe, bận đi shopping, bận đi xi nê v...v... hay họ nghĩ đơn giản đâu phải lễ lạc gì của người Việt mà quan tâm??!! họ không buồn nghe lời kêu gọi trên báo, trên đài. Tuy nhiên cũng có một số người đã tới nơi ngồi nghe hát và hát theo các bạn trẻ những bản nhạc tình ca quê hương đấu tranh trong tinh thần hòa đồng, vui vẻ. Có những người vui vẻ ủng hộ năm ba chục cho ban tổ chức có thể trang trải thêm chi phí cho buổi diễn hành xe hoa. Ban tổ chức trong các flyer có in tên của những cơ sở thương mại bảo trợ như một lời tri ân: Siêu Thị Nam Hưng, nhà hàng Sao Mai, siêu thị Hồng Kông, khách sạn Wyndham. Tuổi trẻ đã đội nắng hạ, đạp gió hè đi quyên tiền ủng hộ, đi dán fliers, tập dợt cho đêm văn nghệ v...v...ôi tuổi trẻ Việt Nam, thế hệ hai tại hải ngoại đã làm cho chúng ta hãnh diện rất nhiều.
Nói về tuổi trẻ, thì chúng ta cũng không khỏi xót xa khi nói về những người đã bắt đầu bước vào tuổi xế chiều. Có nhiều người hành động như họ đã làm xong bổn phận rồi, họ không còn sức lực nữa nên bây giờ họ thấy ai gánh vác việc cộng đồng việc đấu tranh cũng được, họ không màng, đây là những người tiêu cực số người này rất nhiều. Lại có những người khác, sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi, đấu tranh, hoạt động làm gì không có thì giờ để hái tiền nuôi vợ, nuôi con, mua nhà cho lớn hơn, mua xe cho láng hơn, họ đứng bên lề sinh hoạt, đấu tranh chung của cộng đồng, số người này không ít. Một số người khác sẵn sàng làm tay sai cho CS miễn là họ có một chút lợi lộc hoặc có thể làm cho họ hưởng một đôi phút phù du của cuộc sống, hạng này hình như có đầy dẫy, khắp nơi. Thật đáng buồn!.
Nhưng đền bù lại, cũng vẫn có số đông người đã, đang và sẽ sẵn sàng dấn thân sinh hoạt, đấu tranh hầu mong mang lợi ích, tiếng tốt chung cho cộng đồng cũng như trong mục đích sớm mang lại tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam.
Không phải đợi đến ngày 30 tháng 4, ta mới nhớ đến thân phận mất nước, lưu vong, cũng không phải đợi đến ngày 19 tháng 6, mới ghi nhớ công ơn của những chiến sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mà mỗi ngày, mỗi giây, mỗi phút chúng ta hãy luôn nhớ rằng, dầu có sung sướng cách mấy ở đây, chúng ta cũng chỉ là những kẻ đang ăn nhờ, ở đậu, dầu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã tan hàng theo miền Nam thân yêu nhưng công lao của các chiến sĩ đã chiến đấu giữ gìn an ninh, hòa bình cho miền Nam gần một phần tư thế kỷ phải được ghi ơn mãi mãi và mãi mãi.
Dẫu biết rằng tre già, măng mọc, nhưng măng cần được sự bảo bọc, che chở, khuyến khích, uốn nắn, chăm nom của những bụi tre già. Tây phương có câu ‘’sống bao lâu phải là điều quan trọng mà sống làm sao cho có ý nghĩa mới là quan trọng’’. Ta đã sống hơn nửa đời người, không bao lâu sẽ đi về với lòng đất rồi, hãy làm sao trong quãng đời ngắn ngủi còn lại làm được những việc gì có ý nghĩa thì chúng ta mới không phụ công tiền nhân và ngày về lại quê hương không hổ thẹn cùng nước Việt Nam yêu dấu.
Trong ý nghĩa miên man đó, tôi ra ngồi bên cái hồ cá, mà tôi ao ước có được bao nhiêu năm mới hoàn thành. Tôi không khỏi thầm cảm ơn người bạn đồng sở đã thực hiện được điều mơ ước nho nhỏ của tôi. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, hồ cá trong nhà hay ngoài trời cũng đều làm cho tâm trí ta dễ chịu. Nước trong hồ dưới ánh nắng gay gắt của mùa hè đã trở nên màu xanh lục vì nắng làm hồ mọc rêu. Những con cá lặn mất tiêu không thấy bóng dáng. Tôi bỏ xuống đó những hột thức ăn nhỏ xíu, chúng ùa lên táp mồi. Những con vật nho nhỏ đem lại cho tôi những niềm vui. Tôi lại tự nghĩ, những con cá cũng đã cố gắng làm quen với hoàn cảnh hiện tại, có con cá đã quen sống với hồ kiểng nhỏ xíu nay đã có chỗ lớn hơn tung tăng, bơi lội, lại có những con cá đã sống trong những hồ cá thật lớn nay cũng đã nhởn nhơ êm ả trong cái hồ nhỏ xíu của tôi.
Nhìn những con cá đủ màu lượn lên, lượn xuống thỏa thích, đúng là cá với nước như dân và quân, câu nói dễ thương bình dân hồi xưa, tôi quả quyết tôi phải học bơi cho được! Tôi nghĩ ngoài những chuyện đội đá, vá trời, những chuyện đại sự, có nhiều người làm được, mình làm không được như chuyện chiến sĩ Lý Tống về việc Nam thả truyền đơn chẳn hạn, còn những chuyện khác, hễ người ta làm được thì mình làm được, chỉ sợ mình không có chí mà thôi vì rằng ‘’đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông’’. Nhiều người đã nói học bơi như tập lái xe đạp khi tập xong rồi sẽ thấy dễ ơi là dễ, tôi đã từng phì cười nói, tập xe đạp tôi chỉ bị trầy gối chớ đâu có bị chết đuối đâu chớ? Người bạn Mỹ cũng bật cười nói:’’đừng lo! khi chị đã học biết bơi rồi, chị mà lên cạn là có vấn đề như mấy con cá Koi của chị, tức là chết cạn đó!’’
Nhất định! tôi nhất định phải học bơi để khi nào về lại quê hương thân yêu, khi không bóng dáng CS, tôi sẽ ra thăm lại Huế, tôi sẽ đến ngay bến sông năm nào trong tuổi ấu thơ cũng trong một ngày hè rực nắng, tôi sẽ sãi tay, sãi chân bơi từ bên này qua tới bờ bên kia như những con cá vàng suốt đời sống vì nước! Và tôi, và chúng ta sống vì Quê Hương trước mặt!
Thu Nga
- Login to post comments
Printer-friendly version