Sao Mùa Xuân Lá Vẫn Rơi

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Tôi vừa quét lá vừa nhìn lên ba cây live Oak cao ngất vừa ngẫm nghĩ  “Quái lạ! Mùa xuân, chứ đâu phải mùa thu mà lá rơi nhiều thế!?” Mà dầu có là mùa thu đi nữa,  những cây này đúng ra,cũng không  rụng lá vì nó thuộc loại ever green, nghĩa là xanh bốn mùa. Tuy nhiên, thay vì  rụng lá vàng như những loại cây khác,  nó lại rụng trái , trái này gọi  là acorn.  Trái acorns rụng đầy vườn. Bước ra sân là đạp ngay  lên những trái to bằng đầu ngón tay, kêu lốp rốp. Vừa mới quét sạch sẽ xong hôm nay , ngày mai, trái acorn lại rụng đầy. Một lần đang lui cui hốt trái khô, một hột acorn rụng đúng đầu, rơi xuống đất. Tuy không đau, nhưng làm tôi giật mình.  Tôi phì cười nhớ câu chuyện thiếu nhi của Mỹ, Chicken-Licken, một con gà đang dạo chơi trong rừng, khi bị trái acorn rớt trúng đầu, nó lại tưởng là bầu trời đang rơi xuống, nó la bải hải “the sky is falling”, và nói phải đi tâu với nhà vua, đi dọc đường hễ nó gặp những bạn bè khác nó đều kể câu chuyện bầu trời đang rớt. 
 
Nhà tôi thì trồng toàn là cây live oak, trước sân và bên hông có sáu cây, vườn sau có ba cây. Những cây này khi mới trồng, cây nào, cây nấy nhỏ xíu, thân chỉ bằng ngón tay cái và cao  khoảng nửa thước, tôi nhớ không lầm, giá của mỗi cây chỉ mười hay hai chục đồng. Lúc đó mình đâu có ngờ sẽ có ngày nó thành cây cổ thụ như thế này. Những tàng cây lớn, che kín mặt trời làm cho cỏ chết hết vì  không có ánh nắng . Thân cây bây giờ đã to bằng nửa vòng tay. Nhìn những cây sồi cao to, tôi không khỏi bồi hồi nhớ rằng thời gian trôi qua quá nhanh, từ khi chúng tôi trồng những cây này đến giờ đã gần hai mươi năm. Hai mươi năm cây non cũng trở  thành già, huống chi con người.
 
Bây giờ là tháng Tư, trời tuy  gọi là vào xuân, nhưng khí hậu có ngày đã nóng như mùa hè. Tôi ngồi xuống bờ thành của hồ cá, dùng cái vợt dài để hớt những lá cây oak rụng,  trôi lều bều dấy đặc trên mặt nước. Tôi chợt dừng tay khi nghe tiếng hát từ chiếc radio nhỏ, tôi mang ra để trên chiếc bàn đá gần đó để vừa nghe vừa làm sạch vườn, tôi ngẩn người ra lòng chợt dâng lên một nỗi buồn man mác. Nỗi buồn này mỗi lần tới tháng Tư lại trở về ray rứt  trong tâm tưởng. “Saigon ơi! tôi đă mất người trong cuộc đới. Saigon ơi! thôi đă hết thời gian tuyệt vời. Giờ còn đây những kỷ niệm sống trong tôi. Những nụ cười nát trên môi Những giọt lệ ôi sầu đắng.Saigon ơi! nắng vẫn còn vương trên đường.Đường ngày xưa mưa có ướt ngập lối người về.Rồi mùa thu lá còn đổ xuống công viên…”. Tôi để chiếc vợt vớt lá bên cạnh và lắng nghe hết cả bản nhạc, sáng tác của Nam Lộc, qua tiếng ca của cố ca sĩ Ngọc Lan.  Tôi chợt thấy mắt mình cay cay. Tôi đã xa Sài Gòn gần bốn mươi năm! Lúc tôi lìa Sài Gòn, tóc tôi còn xanh mướt, thế mà!...
 
Tháng năm chồng chất, kể từ khi bỏ nước ra đi, nhiều chuyện trong quá khứ đôi lúc cũng mù mờ trong ký ức  , tuy nhiên, cảnh tượng  của mẹ con tôi lúc ấy, trước tin nhà tôi mới từ bên ngoài về báo “có lẽ mình phải xuống tàu để đi, em lo chuẩn bị mọi thứ” thì tôi lại nhớ rất rõ. Tôi ngẩn ngơ chẳng hiểu “chuẩn bị” mọi thứ là chuẩn bị như thế nào. Tôi hỏi vọng theo “đi đâu?” nhà tôi vừa đi vừa nói “cứ lên tàu hãy hay”. Trước đó tôi cũng có nghe loáng thoáng  gia đình người bạn cùng ngành truyền tin với nhà tôi, là ông S. trước ở trung tâm điện ảnh Khánh Hội, nhưng sau đó, đổi đi làm việc tại Đà Nẵng, và hiện thời gia đình ông S. đang ở ngoài bến Bạch Đằng chờ lên tàu.
 
Tôi cảm thấy lúng túng, không biết phải làm cái gì trước, cái gì sau. Với tâm trạng hoang mang, tôi đi gội đầu. Có lẽ gội đầu là hành động thông thường của người đàn bà khi chuẩn bị đi làm một việc gì quan trọng,  sợ rằng những ngày tới không có thì giờ làm điều này. Tôi thay bộ quần áo khác rồi lại đi ra, đi vào. Hai đứa con trai lớn, đứa tám tuổi, Nhẫn, đứa bảy tuổi, Bình, đang nghĩ học vì trường  đóng cửa, cũng cảm thấy có chuyện gì quan trọng đang xảy ra, nhưng hai đứa vẫn ngồi im đọc sách chờ lệnh của mẹ . Đứa con gái thứ ba, bé Loan, gần bốn tuổi vẫn chạy sang nhà bà trung úy M. chơi với mấy đứa con gái gần bằng tuổi nó. Đôi bàn chân nhỏ xíu của nó bám chặt vào đôi dép nhật cũng nhỏ xíu, để khi chạy khỏi bị sút, nếu có tiếng mẹ gọi giật lại, thường thường, nó làm bộ không nghe.
 
Cô em chồng, tên Hồng, hôm nay cũng nghĩ  học, từ một trường dạy nghề uốn tóc, đi theo tôi xuống bếp, hỏi cần gì để cô sắp đặt mang theo. Tôi và Hồng vào phòng trong, lôi  trong tủ ra, mỗi người vào bộ quần áo, bỏ vào trong một cái bao đã may sẵn như tay nải. Những bao này thật ra tôi đã may và đã bỏ vào vài bộ quần áo trong chuyến đi hụt trước đây hai tuần. Lúc ấy tôi đi theo bà M., số là  bà làm trong căn cứ của Mỹ, họ đã lo cho bà giây tờ để rời Việt Nam, bà rủ chúng tôi cùng đi. Mấy mẹ con tôi và mẹ con của bà đã vào trong Tân Sơn Nhất, nhưng khi biết các ông không đi  cùng một lượt được, bà và tôi quyết định quay về, vì cùng nghĩ như nhau, qua Mỹ làm gì nếu không có mấy ông chồng bên cạnh?! Bà M.  mới sanh được một tháng, còn tôi cũng mới sanh cháu Thuận cũng mới hai tháng rưỡi. Do đó, những bọc quần áo cho mỗi người  vẫn còn để ngay chân giường, có vài bộ đã được lấy ra mặc, nên tôi bỏ thêm vài bộ mong mỏng vào.
 
Hai đứa con trai xoay lưng lại cho tôi cột tay nải lên lưng, thật chắc, bằng sợi dây vải, choàng từ  lưng, ra trước bụng. Cô Hồng cố lấy thêm một bao ni lông để đem theo những thứ lỉnh kỉnh. Lỉnh kỉnh nhất có lẽ là vật dụng của thằng  út Thuận. Nào là những hộp sửa bột, phải bỏ ké vào bao của Nhẫn, khăn, tả phải nhét thêm vào bao của Bình, bé Loan cũng phải chia thêm chỗ trong bao với hai  chai sữa . Tay nải của tôi thì nặng hơn với khăn lông, tả lót, bình thủy đựng nước sô và những vật dụng cần thiết như thuốc men cho cả nhà, nữ trang, tiền bạc, lớp bỏ trong bọc mang trên lưng, lớp bỏ trong ruột tượng, cột  quanh bụng. Bọc của cô em chồng nặng cũng không kém. Nhà tôi cũng đã về và nói ông bà L. và ông bà T. cùng đi. Ông vừa nói vừa  vác chiếc ba lô mà tôi đã dồn đủ mọi thứ, lên vai. Ông nhét khẩu sung lục vào bụng, dưới áo một cách cẩn thận. Ông luôn miệng hối mọi người lẹ lên, nếu không, tàu chạy mất.
 
Sửa soạn coi như đã đầy đủ, tôi chạy đến bên cửa sổ nhìn  ra bên ngoài, trời đã gần trưa. Trong cư xá cả tuần nay có vẻ im lặng kỳ lạ. Nhà bà Trung Tá S. im lìm không biết bà và mấy đứa con đi đâu. Ông trung tá ngày hôm qua tới nay cũng không thấy về nhà. Căn trước mặt chúng tôi là nhà của ông bà Ch. Bà và hai đứa con cũng đã về gần khu Chợ Lớn ở với mẹ của bà, khi thấy tình hình chộn rộn trong thành phố. Nhìn xéo qua căn cuối cùng là nhà của ông bà đại úy Th. Tôi thấy hình như  bà Th. đã chạy qua căn của bà M. Tôi nói với nhà tôi, để em chạy qua coi mấy bà kia ra sao. Ông nói không còn thì giờ, phải đi gấp kẻo trễ. Vừa lúc ấy bà Th. bước vào và nói với tôi ông bà M. không chịu đi và nói chờ gia đình từ Vũng Tàu lên thêm vài người nữa.
 
Mấy ông giục mấy bà và các con phải đi lẹ và hết sức cẩn thận,  nếu không, lỡ có chuyện không hay xảy ra vì lúc này hỗn quân, hỗn quan mà mình phải đi ra khỏi cổng, tuy nhiên khi xe đi ngang qua cổng, chúng tôi không thấy có lính canh như thường lệ.
 
Gia đình chúng tôi chất bảy người lên một chiếc xe Honda. Bây giờ nghĩ lại, không hiểu tại sao bảy người, gồm ba người lớn, bốn đứa con nít,   trên lưng thì mang một bọc quần áo,   lại có thể chất lên một chiếc xe Honda  nhỏ xíu như vậy mà chạy một mạch ra bến tàu được. Gia đình ông bà Th. gồm hai người lớn, hai đứa con nít cũng chạy một chuyến. Chỉ có gia đình ông bà L. có tới năm đứa con, nên phải chạy hai chuyến. Bên góc tường thông ra đường, sát căn nhà của bà, trước đó bà L. đã đục một cái lỗ lớn đủ một người chun ra, chun vào, nên chuyến thứ hai ,bà đi qua bằng ngã đó ra đường cho ông chạy về đón cho lẹ.
 
Lúc đó trên bãi cát, quang cảnh vô cùng  hỗn độn ồn ào.  Xe Honda bỏ nằm la liệt, có cả xe hơi nữa. Chúng tôi được ông S. chỉ cho chiếc tàu sắp chạy, đang đậu dưới bến, chiếc tàu có tên Anh Tuấn. Và không nhớ, bằng cách nào, chúng tôi  cả ba gia đình đã lên được trên tàu. Cảnh tượng trước mắt thật là chộn rộn, toàn người là người, chúng tôi  leo xuống hầm tàu bằng một chiếc thang dài, dựng đứng và ở đó với rất nhiều người.
 
Sau đó, đúng là “lênh đênh trên sóng nước mông mênh”, không thấy đâu là bến, đâu là bờ. Qua một trận mưa gió tơi bời, mọi người hoàn hồn , đem áo quần, hình ảnh ra phơi . Thằng út Thuận như có trời nuôi, vì sữa chỉ được pha với nước lạnh. Ban đêm thỉnh thoảng nó tỉnh giấc, khóc lè nhè trên chiếc võng, mà nhà tôi tìm cách móc tạm trên những cây cột sắt dưới lòng tàu. Người trên chiếc tàu Anh Tuấn được người chủ tàu tử tế phát cơm nước đàng hoàng, mặc dù cơm nước hạn chế. Những người có tiền nhiều như gia đình bà L. thì mua được thêm bánh kẹo, sữa từ những người có chuẩn bị, mang theo dư giả, còn gia đình bà Th. Và chúng tôi thì được phát gì, ăn nấy. Những ngày đầu, cả nhà bị say sóng, ói tới mật xanh, mật vàng, chỉ có bé Loan là không bị say sóng, nó chạy lăng quăng  theo cha lên khoang, xuống khoang . Khi nào cảm thấy khỏe khoắn đôi chút, chúng tôi thay phiên nhau lên boong tàu, nhìn trời biển và hỏi nhau mình đi đâu? Những câu hỏi cứ lập đi lập lại, suy đoán lung tung. Cho đến hết bảy ngày, bảy đêm tàu ghé vào Subic Bay. Trước đó vài ngày, có tàu Mỹ tới, nhưng thấy chiếc tàu Anh Tuấn khá lớn, chắc có thể tiếp tục chuyến hải hành, nên họ chỉ tiếp tế thức ăn nước uống rồi để chiếc tàu chạy tiếp.
 
Những hình ảnh tại Subic Bay rồi sang Gwam, tôi không nhớ rõ lắm vì thời gian ở đây ngắn ngủi và di chuyển vào ban đêm. Cuối cùng gia đình chúng tôi được đón nhận vào trại tị nạn Fort Chaffee, Arkansas. Những ngày ở đây, trong ký ức tôi còn sót lại là những buổi xếp hàng đi lãnh cơm. Cơm gà hay cơm cá. Lúc đầu nghe nói có thịt gà, ai cũng sáng mắt vì nhớ tới miếng thịt gà luộc thơm phức ở Việt Nam, thế nhưng tới hồi lãnh phần cơm gà đem về, mới té ngữa vì gà vừa bở rịch vừa lạt nhách, bỏ bao nhiêu tương ớt vào cũng không thêm được mùi vị gì. Cơm trộn cá lại còn tệ hơn, cơm thì nhão, cá thì lạt và tanh, cũng như cơm gà, đổ cả chai tương ớt cũng không tạo được một chút hương vị nào để ăn cho ngon.  Nhiều người đã “tự nhiên như người Hà Nội” mang vài chai tương ớt đem về phòng làm của riêng. Tuy nhiên, không chờ lãnh cơm thì không biết phải làm gì cho hết ngày giờ, hơn nữa, nếu không có tiền đi mua thức ăn ngon ở trong các hàng quán, thì cũng phải   ăn cơm tị nạn thôi . Hàng ngày có xe phát bánh ngọt và cà phê; lại có cả xi nê chiếu ngoài trời để bà con giải trí nữa. Có những cô ca sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn cũng có mặt trong trại tị nạn, nên  lại có những buổi văn nghệ bỏ túi  khá hấp dẫn.
 
Người ta kháo nhau mùa đông ở Mỹ lạnh lắm, nên mấy bà đang rỗi rãnh ngoài mục lãnh cơm, tán gẫu cho đỡ nhớ nhà, còn lấy mền được phát, cắt may áo lạnh, chuẩn bị nếu có spongsor bảo lãnh ra ngoài thì cũng có sẵn áo ấm. Tại đây, chúng tôi gặp thêm nhiều bạn bè ở những nơi khác lần lượt, từng đợt  được đưa vào tại trại tị nạn này.
 
 Gia đình tôi và gia đình ông bà Th.   tuy không ở chung một barack nhưng không cách xa nhau mấy. Bà Th. ốm thấy rõ vì nhớ thương đứa con lớn, tên H., lúc ấy cháu H. đang về chơi với bà ngoại, ông bà Th. rước không kịp mang theo,  nhưng phải chạy ra bến tàu với chúng tôi. Lúc đó  tinh thần người nào cũng căng thẳng khi nghe Việt Cộng đã vào  tới Sài Gòn, phải chạy cho lẹ; Hơn nữa cả bọn chúng tôi đều nghĩ,  chạy tránh pháo kích ở một hòn đảo nào đó vài ngày rồi trở về mà thôi. Cũng vì nghĩ như vậy, nên trước khi đi, tôi đưa tay khóa cánh cửa lại và còn xem lại các cửa sổ đã đóng chưa.  Nhưng khi biết phải tàu chạy đến Philippines, rồi  sang Mỹ thì hy vọng gặp lại con không còn nữa.  Bà Th. Khóc lóc, đau khổ. Những lúc nhớ  con quá,  bà đòi về lại Việt Nam. Thấy bà khóc sụt sùi, ai cũng  mủi lòng và cũng không biết phải khuyên nhủ ra sao.
 
Đây là lúc có rất nhiều người cùng tâm trạng với bà Th.,  chạy loạn, bỏ lại bao nhiêu người thân yêu, bây giờ hoàn hồn mới quay quắt nhớ.  Đó cũng là lúc mà những tên Việt Cộng nằm vùng   đã đi theo đoàn người di ản, thừa cơ,  tìm đủ mọi cách dụ dỗ  những người  này trở về lại Việt Nam. Hàng đêm những tên này, đi hết dãy nhà nọ, tới dãy nhà kia để kêu gọi, ghi tên. Trong số này có một người lính, không nhớ thuộc binh chủng nào, nhưng anh hay bận chiếc áo lính và chiếc quần kaki bạc màu thường tới thăm chúng tôi. Anh rất thương bé Loan vì anh nói nó giống con gái anh. Hầu như hàng ngày, anh cõng bé Loan trên lưng đi chờ xin bánh, kẹo . Nhiều lúc tới chơi, cả barack được thưởng thức tiếng ca thật buồn, thật ray rứt của anh khi bong đêm bao trùm cảnh vật trong trại tị nạn: “rồi có một ngày, có một ngày chinh chiến tàn, anh trở về quê, trở về quê, tìm tuổi thơ mất năm nao…” khi anh hát, mắt anh long lanh ướt mà ai nghe giọng ca nức nở của anh mắt cũng ướt theo. Thế rồi anh bị bọn người nằm vùng rù quến nhỏ to, anh và rất nhiều người đã trở về lại mảnh đất mà họ mới hớt hãi bỏ chạy bằng chiếc tàu Việt Nam Thương Tín; để rồi không biết tánh mạng của mọi người trên chiếc tàu định mệnh đó ra sao.  Giờ đây, không biết người lính năm xưa  trôi giạt nơi nào, hay đã bị giết, bị chôn vùi đâu đó nơi chốn rừng sâu, hay trong lòng biển cả. Cộng Sản đã lừa dối không biết bao nhiêu lần, thế mà vẫn có người vẫn mắc bẫy.
 
Sau một thời gian không lâu lắm,  gia đình chúng tôi, ông bà Th. ông bà L. tứ tán khắp nơi tùy theo địa điểm của sponsor cư ngụ. Chúng tôi về Texas. Cái xứ mà trước kia, khi còn ở Việt Nam đã nghe là thời tiết khủng khiếp,  ngày nóng cháy thịt và đêm lạnh cắt da,  vì là xứ sa mạc! Thực tế không đến nỗi như thế, chúng tôi đến mùa hè nên ngày nóng và đêm cũng nóng. Tuy nhiên, nhà có máy lạnh nên cũng không thấy gì là dễ sợ như tin đồn. Ông bà sponsor của chúng tôi có vẻ khá giả, nhà cửa tươm tất. Bà vợ tên Rhoda, dạy tôi những món ăn Mỹ làm rất nhanh và lau chùi nền nhà làm sao cho bóng. Bà dạy cho Hồng cách giặt áo quần (của họ) và xếp áo quần sao cho gọn. Tôi rửa chén, lay hoay với chén bát, soong chảo làm cái bồn rửa chén bị trầy những lằn ngang dọc màu đen, tôi lo sợ không biết làm sao thì bà Rhoda cười bảo, đừng lo rồi bà dùng một loại bột trắng, rắc lên những chỗ trầy, rồi dùng miếng bọt biển chùi một loáng là màu men sạch, trắng bóng như mới. Bà cười tươi khi thấy vẻ mặt ngạc nhiên, thán phục của tôi. Bà nhìn vào cổ tôi thấy có mề đay bằng cẩm thạch hinh trái tim, bà khen đẹp, tôi vội vàng cởi luôn cả sợi giây chuyền tặng cho bà, bà không từ chối, đeo ngày vào cổ và rối rít cảm ơn. Nhà tôi thì được ông John dạy cho cách cắt cỏ, tỉa cây, tuy nhiên sau khi nhà tôi đưa vài nhát kéo to, nặng gần gãy tay, làm mấy lùm cây của ông trở thành hình thù quái dị,  ông John trợn mắt và giật cái kéo lại. Từ đó tôi không thấy ông John kêu nhà tôi phụ làm vườn nữa.
 
Hàng tuần, chúng tôi đi theo gia đình ông bà sponsor đi nhà thờ Tin Lành. Điều này mới nghe thì thấy không có gì phải nói, đi nhà thờ thì cũng tốt thôi, thế nhưng lúc mình mới qua, tiếng Mỹ nghe tiếng được, tiếng mất, trong đầu đang lo dịch câu này, thì họ đã nói sang mười câu khác, vì thế nên khi ông mục sư giảng đạo, mình chẳng hiểu gì, chỉ thấy ai cười thì mình cười theo, ai gật gù cái đầu ra vẻ đồng ý, thì mình cũng làm y chang ra điều thông hiểu hết mọi sự. Thế nhưng giả bộ được một hồi thôi là cơn buồn ngủ ào tới, con mắt chỉ muốn díp lại. Những cây đèn trần, cả cây đèn pha lê cũng trở thành mờ mờ ảo ảo. Cơn buồn ngủ hình như bò từ trong bụng bò ra, không cưỡng nỗi. Tôi hé mắt nhìn sang thấy cái đầu của ông xã tôi quẹo qua bên phải, rồi giật mình ngôi thẳng nửa giây lại quẹo qua bên trái, thỉnh thoảng đâu chồm về phía trước thiếu điều đụng vào người ngồi trước mặt. Cứ thế, chúng tôi phải đi nhà thờ ít nhất hai lần mỗi tuần,  sáng Chủ Nhật và chiều Thứ Tư. Mấy bà Mỹ trong nhà thờ ríu rít chuyện trò với ông bà John, có lẽ hỏi thăm về chúng tôi. Nhiều bà khuân cả thùng áo quần cũ bảo đem về mà mặc. Khổ nỗi, áo quần, dày dép gì cũng vừa to, vừa dài, chất đống nhưng không dùng được cái nào cả.
 
Ở với gia đình ông sponsor thứ nhất này vài tháng thì họ tìm ra một gia đình sponsor thứ hai cho chúng tôi. Vì gia đình sponsor thứ Hai này thỉnh thoảng cũng có đi nhà thờ ở đây. Họ có công ty mua nhà cũ, sửa sang bán lại. Bà Rhoda nói,  như vậy họ sẽ có công ăn việc làm tốt cho chúng tôi.  Ông chồng tên Richie và vợ người Nhật tên là Sue. Ông bà Richie có hai đứa con, một trai, một gái, cũng phụ cha mẹ trong công việc sửa chữa nhà cửa. Lúc này, chúng tôi ở trong một trailor, cách nhà thờ không xa. Ông xã tôi được giao phó những việc nặng như khiêng gỗ, khiêng ngói lợp nhà. Ngói ở đây là những miếng làm bằng chất ni long, chứ không giống ngói của Việt Nam, nhìn thì mỏng manh, nhưng khá nặng, nhất là khi khiêng lên thang đưa lên cho thợ của ông Richi lợp nhà . Công việc di chuyển lên chiếc thang cao không phải là chuyện dễ cho ông xã tôi, vì ông cả đời chỉ ở trong quân đội mà lại cũng không phải thuộc loại handyman, khéo tay. Nhìn ông hì hục leo lên chiếc thang cao nghệu, tay không ôm ngói, thì cũng vác gỗ, mà tội nghiệp và lo sợ ông rớt xuống lúc nào không hay. Còn tôi thì được đi theo bà Sue và cô Shirley, làm những công việc nhẹ nhàng hơn, như chùi sàn, lau dọn các phòng lại cho tươm tất. 
 
Làm với ông bà một thời gian, ông Richie tìm được một căn nhà gỗ xinh xắn ở phía bắc của Ft Worth, ông bán cho chúng tôi chín ngàn dollars, “down” chỉ có một trăm.  Chúng tôi vui mừng dọn vào căn nhà có ba phòng ngủ cũng khá tươm tất. Ông xã tôi tìm được công việc khác, nhưng việc nào ông cũng làm vài ngày là nghĩ vì những công việc này coi bộ không thích hợp với ông ấy chút nào. Trước tiên là nghề khiêng ống nước, ổng chê quá nặng. Tiếp theo là đi làm thợ mộc, chủ không vui, vì đóng cây đinh nào không gãy cũng quẹo. Một ngày, ông mục sư Wolf nói đã tìm cho nhà tôi đưọc việc trong trường học rồi. Tưởng bở sẽ được đi phụ dạy học, té ra là làm nhân viên gác gian cho trường của những người bị điên điên, khùng khùng. Tuy nhiên, công việc cũng không đến nỗi nặng như thợ ống sắt hay thợ mộc. Nhà tôi làm một thời gian, lại xin thêm được một chân làm việc trong chợ thực phẩm Buddies. Tức là ông làm hai “job”, làm xong công việc ở chợ, trong khu vực rau trái xong, ra xe ngủ một lát, rồi đi làm ở trường học cho tới sáng. Vì làm lien mien nên ông hay buồn ngủ, hễ có dịp là ông ngáy, bất cứ chỗ nào.
 
Còn tôi thì cũng ba chìm, bảy nổi, thấy người ta ăn nên, làm ra vì may đồ ở nhà, người Việt gọi nôm na là “home sew”, tôi cũng lân la làm quen với những người kinh nghiệm trong ngành này. Tôi may vài đợt là phải dẹp vì tôi may chậm, lại hay may lộn màu, thức cả đêm để may, tới sáng, thấy sai lại ngồi tháo. Ông xã tôi đi làm hai job, gần sáng mới về, thấy tôi ngồi tháo chỉ, ổng phải  phụ tháo tiếp. Đôi khi buồn ngủ quá, khi tháo không khéo, vải sẽ bị rách với đầu kéo nhọn và bén, vất vả vô cùng. Coi bộ không ổn với nghề” home sew”, tôi xin làm thợ  thợ may màn cửa. Trải qua vài tiệm, thấy cũng chẳng hợp với mình  thì may quá, tìm được một trường dạy nghề làm văn phòng. Học đâu được vài tháng, tôi kiếm được job keypunch trong một văn phòng bảo hiểm. Không lâu, văn phòng này đóng cửa, tôi may mắn tìm được việc làm trong nhà bank tại downtown Ft Worth. Tôi làm việc luôn ở đó hai mươi tám năm, cho đến ngày bị laid off.
 
Người ta có nhiều câu cách ngôn, ví von về việc thời gian qua mau, nào là như bóng câu qua cửa sổ, nào là như thoi đưa, nhưng câu mà tôi thấy đúng nhất là câu cách ngôn của Mỹ “thời gian như cuộn giấy toilet, càng tới lõi,  càng hết nhanh”.  Nhớ lúc còn bé,  bậc tiểu học, mong thời gian chạy nhanh  để được làm cô giáo, được đứng trên bục gỗ, cầm  phấn trắng viết  những bài toán, những bài chánh tả lên bảng đen, dạy học trò. Hay mong làm người lớn để đeo được những món nữ trang vàng chóe sang trọng như các cô các bác trong xóm và rất nhiều  ước mơ rất ngây ngô. Bậc trung học, mong thời gian chạy lẹ để mình lấy được bằng nọ, bằng kia, đi làm, kiếm tiền. Tới khi có gia đình mong con mau lớn, thành tài, lập gia đình để mình có cháu bồng. Và giờ đây, thoáng chớp mắt, cuộn giấy đời đã sắp cạn sắp tới lõi,  có dè xẻn cách mấy cũng thấy nó hết thật nhanh. Sáng, trưa, chiều, tối, hết Thứ Hai đến Thứ Sáu, cuối tuần rồi đầu tuần. Xuân, hạ, thu, đông nối tiếp liền liền. Soi gương, giật mình khi thấy nét thời gian đã ghi đậm trên mặt, không phấn, kem nào có thể che dấu được.  Người ta hay nói thời gian là liều thuốc nhiệm mầu hàn gắn bao nhiêu điều oan trái, nhưng thời gian cũng là tác giả  của những nếp nhăn, là nguyên nhân cho sự suy yếu của  trái tim, lá phổi, tứ chi và cả trí óc. Thời gian là thủ phạm đã chồng chất tuổi đời, bện hoạn, già nua lên thân thể con người, làm chúng ta chia cách với những người thân yêu. Tôi chợt nhớ đến ba tôi, mạ tôi, anh tôi, những người đã ra thiên cổ mà tôi không gặp được từ lúc bỏ nước ra đi. Tôi lại ước ao, phải chi tôi có phép thần thông quay ngược lại kim đồng hồ để tôi có dịp thương yêu, săn sóc, gần gũi với những người thương nhiều hơn.
 
Tôi nhớ bàn tay của ba tôi  thoăn thoắt cây cọ, sơn lại những song sắt cửa sổ trong cư xá điện ảnh Khánh Hội khi vào thăm tôi. Những chiếc cửa sổ có song ngang, mở đóng bằng cách bật lên kéo xuống. Tôi đã đưa tay kéo xuống rồi buông màn cẩn thận trước khi làm một chuyến đi xa  và cứ tưởng sẽ được trở về. Tôi cũng nhớ hình ảnh của ông cõng   đứa cháu ngoại đầu tiên trên lưng, đi dạo khắp xóm để tôi có thì giờ lo cho đứa thứ hai. Tôi nhớ bàn tay mạ tôi đong đưa trên bốn tao nôi, ru đứa cháu khó tính, khóc nhè cả đêm. Lòng tôi nhói đau khi  nhớ hình ảnh ốm yếu của mạ  băng ngang con đường  dẫn vào khu cư xá sĩ quan ở Pleiku. Cứ khoảng vài tháng, mạ lại mang đủ thứ áo quần, vật dụng, thức ăn lên cho con gái, con rể và cháu ngoại.
 
Tôi để trí óc tôi đi xa hơn về quá khứ. Tôi thấy tôi và anh Quang đi bắt những con châu chấu, cào cào về cho sáo ăn, những con cào cào nhảy lung tung rất khó bắt, anh em chúng tôi bị cỏ cào xướt cả tay chân. Tôi cũng thấy tay anh Quang rướm máu khi ngồi làm những chiếc đèn ngôi sao bằng tre và lạt, lạt bén, cắt vào ngón tay, để tôi có đèn, đốt nến đi khắp xóm với tụi trẻ nhỏ cùng lứa trong đêm Trung Thu. Mắt tôi mờ lệ như ngửi được  mùi khói thơm từ đống lá vàng được ba tôi nhóm lại một đống nhỏ ở góc vườn có nhiều cây ăn trái. Mạ tôi đem quần áo phơi trên dây vào nhà vì trời đã tối. Tiếng anh tôi kêu vào nhà học làm toán. Gương mặt anh tôi nhoè đi tan lẫn vào gương mặt thàng Út. Mạ tôi hay nói, thằng  Út Thuận rất giống cậu.
 
Lần cuối cùng mạ vào nuôi tôi sanh thằng út là đầu tháng hai năm bảy lăm. Một tháng sau, mạ về, tức là đầu tháng Ba và không bao lâu miền trung mất dần vào tay Việt Cộng, tôi không còn được gặp ba, mạ anh Quang cho tới khi những người thân này đi vào lòng đất tôi cũng không hề một lần gặp mặt. Nỗi ân hận làm cổ tôi nghẹn lại.
 
Thằng Út Thuận nay đã ba mươi chin tuổi. Hai đứa con trai và đứa con gái nay đã vào tuổi trung niên. Bất giác tôi lại nhìn lên những cây sồi xanh cao chót vót và nhớ ra rằng cây non ngày nào, đã thành cây đại thụ chỉ qua hai mươi năm, huống chi con người đã qua gần bốn mươi năm. 
 
Tôi chợt giật mình. À! chỉ là những chiếc lá sồi bay xoẹt qua tóc tôi, rớt xuống hồ, làm đàn cá sợ hãi bơi tán loại. Tôi dụi đôi mắt cay xè. Sao tôi ngồi đây mà nhớ toàn chuyện bên kia nửa vòng trái đất . Sao đã gần bốn mươi năm qua mà thời gian không hàn gắn được vết thương lòng. Sao tim tôi vẫn bồi hồi đau đớn “ Saigon ơi! nắng vẫn còn vương trên đường.Đường ngày xưa mưa có ướt ngập lối người về.Rồi mùa thu lá còn đổ xuống công viên…”. Lại vài chiếc  rụng! Ủa! “ Sao mùa xuân lá vẫn rơi?”
 
Thu Nga
 
Tháng Tư 2014