Rồi Cũng Chỉ Là Kỷ Niệm

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

Tạp ghi

 
Thu Nga
 
 
Thế là ba mẹ con tôi vội chuẩn bị để đi du lịch một chuyến rất xa mãi tận bên Ý để thăm đứa cháu ngoại, Gabrielle, mới chào đời.
 
Rời Dallas lúc 3 giờ chiều trong một ngày mùa đông không đến nổi u ám lắm. Tới Chicago lúc gần 5 giờ. Mới 5 giờ mà trời đã tối mịt. Ngồi hơn một tiếng đồng hồ nhìn người qua kẻ lại để chờ phi cơ bay tiếp. Phi trường Chicago khá rộng, người đi kẻ lại tấp nập. Có rất nhiều người ngoại quốc như Ý, Pháp và nhiều bộ mặt lạ không hiểu là người nước nào, cũng đang chờ đợi như mình. Tôi gật gù chỉ cho Anna, con dâu thứ hai của tôi nói:
 
- Hết 70% người ở đây mặc đồ jeans, con có thấy đúng không?
 
Nó gật đầu:’’yes, that’s right’’. Nếu không quần jeans thì người Mỹ cũng khoái mấy bộ quần áo giản dị như sweat suits, T-shirt, hay những thứ y phục xuề xòa.
 
Chiếc máy bay bay những đường bay quốc tế to lớn hơn chiếc máy bay trong quốc nội rất nhiều. Nó có đến 3 hàng ghế. Một màn ảnh lớn để mọi người xem. Gần đuôi máy bay lại có một TV nhỏ hơn để những người ngồi tận ở đàng sau xem. Vì máy bay lớn nên động cơ khi cất cánh cũng có vẻ ồn ào hơn. 6 giờ 15 phi cơ bay bỗng thật nhanh lên không trung bỏ lại sau lưng thành phố Chicago đã lên đèn từ lâu.
 
Ngồi được hơn tiếng đồng hồ, mấy cô chiêu đãi viên xinh đẹp đã đem lại phát cho mọi người một cái khăn nhúng nước ấm thêm lừng để lau tay chờ ăn tối. Nhưng trước khi ăn đồ ăn chính thức, mấy cô phát cho một bao đậu phộng rang cùng nước ngọt để ăn ‘’chơi’’ trước khi ăn thiệt. Có hai món chính để chọn là thịt gà hoặc steak. Ðồ ăn khá ngon. Những thức ăn được đựng trong những cái mâm nhỏ xíu, chia từng ngăn như đồ chơi. Mặc dù nhìn như đồ chơi nhưng ăn hết các thứ thì cũng rất no và rất ngon. Ðồ ăn được đi kèm với đủ các thứ rượu, hoặc nước ngọt, nước suối, nước lạnh, có những thứ nước giải khát gì rất lạ trong những chai nhỏ mà tôi không được biết tên, tùy theo ý thích mọi người. Ăn uống xong chỉ vài phút sau lại một màn uống cà phê, bánh ngọt khác.
 
Ðang tính nhắm mắt nghĩ một tí, thì tôi hơi giật mình khi thấy cô gái Ý bên cạnh cởi bỏ cái quần jeans của cô đang mặc ra. Thì ra cô ta cảm thấy tù túng khó chịu với cái quần chật bó nên cổi ra để ngủ cho thoải mái. Cô này gan thiệt. Tuy nhiên cô cũng cẩn thận lấy cái khăn màu xanh trên phi cơ, quấn chung quanh người rồi mới ngã người nằm trên đầu gối của người bồ hay chồng gì đó của cô.
 
Ðang lim dim tôi bỗng giật mình vì các cô chiêu đãi viên lại đẩy một cái xe khác để bán những sản phẩm của hiệu ‘’Duty Free’’, gồm đủ loại như khăn quàng, đồng hồ, bút máy...những sản phẩm có phẩm chất rất tốt và giá cả cũng rất phải chăng.
 
Phi cơ miệt mài bay trong đêm vắng vài tiếng thì hành khách được loan báo phi cơ đang đi vào vùng không khí hỗn loạn (turbulence). Thân phi cơ rung chuyển rất mạnh. Tôi chợt nhớ lại chiếc phi cơ bị gió mà rớt cách đây không lâu nên hơi ớn ớn. Phi cơ thỉnh thoảng lắc rất mạnh. Lúc này ai cũng mệt mỏi lắm rồi. Ngồi một chỗ nên chân và mông cứng nhắc có người phải đứng lên đi tới, đi lui để giản gân cốt. Ðến 1 giờ sáng của mình, tức là 8 giờ sáng ở đâu đó, lại được ăn điểm tâm. Cô gái Ý bên cạnh cũng đã thức giấc, cô quấn chặt cái chăn che phần dưới để nhận thức ăn. Thức ăn gồm có bánh bông lan, chuối, nước cam.
 
Phi cơ đáp xuống phi trường Milan đúng 9 giờ. Sớm hơn một giờ dự định. Trời dày đặc sương mù, lại mưa nên mù mịt. Không thấy đứa con rễ, Rob, ở đâu cả, chắc nó tưởng phi cơ đến đúng giờ là 10 giờ nên chưa ra. Nhìn quanh, giờ không thấy ai là Mỹ nữa, phần đông là người bản xứ, mặt người nào, người nấy lạnh như tiền, ngồi đợi ở trong không thấy Rob, mẹ con bàn với nhau đi ra phòng ngoài để gọi điện thoại. Tưởng máy nhận credit card nên tôi và Anna bỏ cái card vào để gọi Rob. Loay hoay mãi vẫn không gọi được, cũng không biết hỏi ai vì thấy toàn những bộ mặt lạnh lùng mà còn nhìn mình một cách soi mói nữa chứ. Ðang lúng túng thì có tiếng của Rob chọc quê ở đàng sau:’’bộ má tính gọi con với cái thẻ đó hả’’. Sau này nó mới giải thích là nếu muốn có cái thẻ điện thoại mình phải bỏ tiền vào máy rồi operator sẽ chỉ cách thức làm sao, tiền phải bỏ vào bao nhiêu rồi sẽ có một cái thẻ rớt ra, chớ không phải bỏ cái thẻ credit card vô như vậy.
 
Ðường sá ở Ý không có ghi bản tốc độ, ai muốn chạy nhanh thì chạy qua bên trái. Ở đây ít khi thấy cảnh sát. Thằng nhỏ chạy thấy phát ớn. Nó lạng bên nọ, lạng bên kia, mấy xe chạy trên đường cũng không thua gì mặc dù trời ướt át và trơn trợt. Tôi vừa nói chuyện vừa ngủ gục, mệt muốn tắt thở sau gần cả ngày trên phi cơ. Tuy vậy, tôi cũng ráng mở mắt nhìn xem nhà cửa, phố xá ở đây ra sao. Phần đông nhà lợp bằng ngói đỏ, tường được sơn màu hồng hay màu cam lợt.
 
Căn nhà của Loan và Rob thuê đứng cheo leo một mình trên đồi cao rất đẹp. Trước cửa có một cây, không biết tên gì, nhưng hình dáng giống như một cây thông. Những cành có hình thù như những búp hoa được kéo dài, rất lạ. Hai bên hông nhà và đàng sau nhà là khoàng đất rộng để trồng rau, trồng bắp. Khu này thuộc về ngoại ô thành phố, nên nhà nào cũng có vườn tược rộng rãi. Phần đông nhà ở đây trồng rất nhiều nho. Những cây nho trơ trụi lá dưới mùa đông xám ngắt. Ở đây buổi chiều mới hơn 4 giờ là trời đã bắt đầu tối. Sáng ngày hơn 8 giờ mới thấy sáng.
 
Sáng thứ bảy, sau khi cho Gabrielle, cháu mới sinh được 2 tuần, ăn xong, Loan đem chúng tôi đi vào chợ bán thực phẩm của Ý. Chợ khá lớn, giống như chợ Hypermart của Mỹ. Gian hàng tôm cá thì y như tiệm Việt Nam, cá tươi, tôm tươi, mực tươi ê hề, có cả cá hồng, cá nục, cá thu... gần đó là những gian hàng bán bánh ngọt, sandwich. Chúng tôi mua mấy cái bánh crosant và nước ngọt trước khi rời chợ đi shopping. Khu shopping
Paramid khá sang trọng. Áo quần dầy dép, son phấn đẹp nhưng mắc kinh khủng. Dân Ý chịu khó ăn diện hơn dân Mỹ nhiều. Ðàn bà đi shopping mà mặc váy ngắn, giầy cao gót. Ði xe đạp cũng mặc váy đàng hoàng. Ðàn ông lúc nào cũng diện ‘’đồ lớn’’, cà vạt, giày da....chứ không lùi xùi quần jeans, T-shirt như người Mỹ.
 
Ðiện ở đây rất yếu. Không được bật đèn một lúc cả ba bốn phòng, còn nếu xài cả microwave mà phòng nào cũng mở đèn là điện bị cúp ngay. Ðồ điện nào đem từ Mỹ qua 110 thì phải xài cái máy biến điện vì điện ở đây 220. Nước xải cũng phải dùng hạn chế. Thành ra dân ở đây không tắm hàng ngày. Nếu hai ba người tắm liên tiếp, hết nước nóng phải đợi đến 5, 6 tiếng đồng hồ nước mới nóng lên được.
 
Chủ nhật chúng tôi được Rob chở lên ga xe lửa để đi Venice. Ga xe lửa củ kỹ Vicenza giống như những cái ga năm nào ở Việt Nam. Ôi những cái ga thân thương của quê hương, những chiếc tàu lửa đưa tôi về quê hương bên nội, bên ngoại của thuở ấu thơ như hiện ra trong tâm khảm tôi. Xe lửa chạy qua những đám rừng cây trơ trụi lá dưới cơn lạnh của mùa đông. Xe lửa chạy hơn 45 phút thì đến Venice. Nhà ga xe lửa ở đây lớn hơn ở Vicenza. Vừa bước xuống ga là thấy vui ngay. Hàng quán đầy đường, trưng bày những đồ ‘’souvenir’’ trong những tủ kính với đèn sáng choang, lộng lẫy. Bước thêm vài bước nữa là đã bước vào một thành phố rất lạ lùng. Ðây là một thành phố được dựng lên cách đây một ngàn năm trăm năm ngay trong nước. Nền nhà bị hư hại rất nhiều vì ngâm mình dưới nước quá lâu. Khi mưa nhiều nước dâng lên có thể ngập cả từng dưới, nên từng dưới bị bỏ trống, chỉ cho thuê bắt đầu từ tầng thứ hai trở lên. Tàu bè đậu đầy bến sông. Tôi chợt nhớ đến giòng sông Riverwalk ở San Antonio. Nhưng sông nầy lộng lẫy và to lớn hơn Riverwalk nhiều. Ði sâu vào hơn một chút nữa, chúng tôi bị lóa mắt vì những gian hàng bán các sản phẩm bằng thủy tinh rất lạ và rất đẹp mắt. Áo quần, dầy dép, chén dĩa, ly tách, bóp xách, các hàng hóa bằng các loại đá màu bán đầy đường phố. Các viên kẹo, các chim chóc làm bằng thủy tinh rất đặc sắc chưa thấy bao giờ. Dưới sông thuyền bè qua lại nườm nượp, trên bộ người đi từng đoàn lũ lượt. Ðã nói dân Ý rất ăn diện có điều mình tưởng trong phố họ mới diện, té ra ở đi chơi dạo mà đàn bà cũng diện váy ngắn, hay mặc những quần ống loe (mốt hiện thời), mang giày cao, khoác áo lông mink, giắt chó (chó cũng mặc áo quần) đi đầy thành phố venice! Một anh chàng ‘’nghệ sĩ với cây đàn’’ đang ngồi hát những bản tình ca Ý bên bờ sông. Thỉnh thoảng gặp một hai người ăn mày đứng xin tiền khách qua lại. Ðang đi ngắm cảnh, ngắm người thì có một người đàn ông chận ba mẹ con tôi lại hỏi đi thuyền không? Bình, con trai tôi hỏi người đàn ông mặc bộ quần áo đen, đầu đội nón cũng màu đen:’’bao nhiêu?’’. Hắn nói tiếng Mỹ rất khó nghe:’’90,000.00 lire’’, mẹ con tôi lắc đầu nói mắc quá. Hắn nói thường thường là hắn đòi cả một trăm mấy chục ngàn lận, hôm nay là lấy rẻ đó. Bình hỏi đi bao lâu? Hắn nói cái quan trọng không phải đi bao lâu mà giá trị là chuyến du thuyền rất thú vị (?) Thấy đắt quá lại không muốn đi nên tôi trả lơi ‘’thôi 70,000.00 đi thì đi, không thì thôi. Hắn nói:’’no way’’. Thế mà mình mới quay đi có mấy bước là hắn chạy theo thiếu điều níu áo bằng lòng với giá đó. Sau này mình mới biết giá nào hắn cũng đi hết. Nếu trả 90,000.00 thì hắn chèo xa hơn, còn trả 70,000.00 thì hắn chèo ít hơn. Có thế thôi. Chiếc thuyền khá dài cũng sơn màu đen, có chạm hình con rồng màu đỏ viền vàng. Trên thuyền có một cái mền và những cái gối cũng được thêu thùa cẩn thận. Hai người Ý đứng sẵn ở đó để cầm tay chúng tôi leo lên thuyền. Thuyền đi qua những căn nhà ngâm mình dưới nước. Cả một khu phố dân cư đông đúc và phồn thịnh sinh hoạt trên mặt nước thật là không thể tưởng tượng được. Ðược biết chiến dịch xây nhà trên nước đã lan rộng nên người ta đã nối liền nhiều hòn đảo lại với nhau bằng cách này. Thuyền vẫn lướt êm qua những ngõ ngách của thành phố Venice. Mỗi khi đi qua một eo sông người đàn ông Ý hô lên một tiếng to để những thuyền khác biết mà tránh đi khỏi phải đụng nhau. Toàn là nhà lầu. Áo quần được dân cư ở đây phơi đầy sau khung cửa sổ. Lúc đầu tôi thắc mắc không biết làm sao họ phơi quần áo ngoài cửa sổ như vậy được, sau đó chúng tôi mới khám phá ra là họ có một hệ thống giây kéo từ trong nhà ra tới bên ngoài! Thỉnh thoảng hiện ra mỗi một góc phố là một cặp tình nhân ôm nhau hôn mùi mẫn. Gió thổi khá lạnh trên mặt sông mù mịt khói nước. Người đàn ông vừa chèo thuyền vừa giải thích từng di tích của mỗi căn nhà của mỗi khúc sông. Ði đâu cỡ hơn 30 phút là hết. Thật ra nghe nói cuộc du thuyền phải đến 1 tiếng đồng hồ lận. Ðúng là thằng Ý gian xảo. Thảo nào nó nói ‘’thì giờ không quan trọng!’’
 
Người Ý ăn mặc lịch sự nhưng họ không được lịch sự lắm về cách sắp hàng. Họ không thích sắp hàng nên hay lấn để đến trước, con nít cũng vậy chuyên môn lấn để dành chỗ. Ði ngắm và mua đồ kỷ niệm đã mỏi chân, chúng tôi đi tìm đồ lót dạ. Mấy cái tiệm ăn coi bộ đắt khách quá mà giá cả coi bộ cắt cổ nên khi thấy tiệm McDonald chúng tôi nhào vô, mặc dù cái hàng dài khủng khiếp, ở trong thì đông nghẹt. Mới đứng một lát thì có vài người chen lấn đứng trước mặt mình rồi, có vài đứa con nít len lỏi để đi trước, không lẽ lại đi dành lộn với chúng. Cuối cùng cũng mua được ba cái hamburger. Hamburger của Ý không được lấy ketchup thả giàn như ở Mỹ, phải hỏi mới có. Coca Cola không có đá, phải hỏi mới đưa, mà đưa thì cũng chỉ có khoảng 3 viên đá bằng đầu ngón tay mà thôi!
 
Quên chưa nói một điểm quan trọng ở xứ Ý này là đi cầu tiêu công cộng phải trả tiền và thường thường phải cho tiền ‘’tip’’. Nếu không cho ‘’tip’’ thì họ vô lễ ra mặt, hỏi họ giả vờ không hiểu, không nghe.
 
Khoảng 3 giờ chiều, chúng tôi phải đi ra ga để đón tàu về. Các quán hai bên đường phần đông đã đóng cửa nghĩ trưa. Cách sinh hoạt hàng quán ở đây rất kỳ cục, 10 giờ mở cửa, 12 giờ trưa đóng cửa nghĩ trưa cho đến 3 giờ. Chúng tôi tay xách, nách mang những quà kỷ niệm thật đẹp ,mà thứ nào cũng muốn mua, lên xe lửa.
 
Thứ hai chúng tôi ngồi ở nhà xả hơi, nựng cháu để chờ Loan và Rob về chi tiết chuyến tàu đi Paris. Trưa thứ ba 12:50 chúng tôi lại leo lên xe lửa để làm một chuyến du lịch 9 tiếng đồng hồ ( 2 tiếng từ Vicenza đi Milan cọng với 7 tiếng từ Milan đến Paris) để đi thăm kinh thành ánh sáng.
 
Xe lửa hôm nay chạy khá nhanh qua những khu phố đông dân cư. Nhà cửa ở đây phần đông cũ kỹ. Rob cho biết chính phủ đóng thuế nhà bằng bề ngoài của căn nhà đó, vì thế dân Ý không muốn sơn sửa nhà cửa. Thành ra tuy ở ngoài cũ kỹ như vậy nhưng bên trong rất đẹp. Chỉ những nhà nào hư hại quá, không thể làm khác hơn , người ta mới sửa, hoặc nhà nào quá giàu người ta có thể không ‘’care’’ về tiền thuế. Phần đông là nhà lầu, có nhiều cửa sổ. Nói về cửa sổ thì phải chú ý đến cái mành cửa sổ. Thay vì mình treo mành ở trong, nhà cửa ở Ý treo mành ở ngoài. Cái mành này được làm bằng một thứ gỗ rất chắc. Có dây kéo từ bên trong. Cái mành này có công dụng như một cái cánh cửa sổ đôi để ngăn nóng và lạnh từ bên ngoài. Tất cả nhà cửa ở đây đều xây một cách chắn chắn bằng xi măng đúc chứ không phải nhà làm bằng cây như nhà ở Mỹ. Nền nhà phần đông được lót bằng các loại đá màu (mable).
 
Xe vẫn chạy vùn vụt qua những căn phố, qua những khu rừng xám ngắt, những cánh đồng trồng nho, những vườn tược khô cằn trong bầu không khí mùa đông. Một người đàn ông Ý ăn mặc rất lịch sự ngồi bên cạnh chúng tôi đang xem sách, thỉnh thoảng ông ta ngước lên lắng nghe chúng tôi nói chuyện. Ông giữ thái độ im lặng rất lâu, tôi đoán ông không nói tiếng Mỹ. Khi người soát vé vào, hỏi ông ta cái gì đó không biết, tôi đoán là muốn hỏi vé ông đâu. Không biết ông ta trả lời cái gì nhưng không thấy ông đưa vé ra. Kế đó họ soát vé chúng tôi. Tôi thắc mắc nói với Anna:’’không hiểu tại sao họ lại không soát vé ông nầy?’’. Anna lắc đầu nói:’’ con cũng không biết nữa’’. Ðến hồi gần xuống xe ông ta tự nhiên quay sang bắt chuyện với chúng tôi bằng một thứ tiếng Mỹ rất là rành rẽ. Hú hồn! may mà mình không nói xấu gì ông ta cả. Ông còn cho biết ông có thể nói tiếng Pháp nữa. Sau này chúng tôi mới được biết dân Ý không ưa dân ngoại quốc lắm, nhất là họ ghét dân Mỹ. Ðối với họ, người nước khác đến Ý, phải nói tiếng Ý, đừng bắt họ phải xài tiếng Mỹ hay tiếng gì khác. Ðến 3 giờ 45 thì đến ga xe lửa Milan. Nhà ga rộng thênh thang với 3 nhà vòm. Xe lửa đậu đầy trên các đường rầy. Du khách ồn ào tấp nập kẻ đến, kẻ đi, người tiễn người đưa. Hàng hóa, bánh trái bán đầy. Lật đật đi tìm phòng vệ sinh trước khi làm công chuyện khác. Tôi và Anna đi vào trong xong lật đật đi ra vì không có giấy vệ sinh. Ðang còn ngần ngừ không biết tính sao, khi thấy một người đàn bà khác vừa đi ra, tôi hỏi ở trong cái phòng đó có giấy vệ sinh không? Bà chỉ cho chúng tôi một phòng nhỏ trước phòng vệ sinh có giấy đã được xé sẵn , sắp từng lớp một ở đó. Thật đúng là đồ bần tiện tôi thầm nghĩ, chắc lấy giấy xong mà không cho người xé giấy ‘’tip’’ chắc chúng chửi mình quá! Còn không họ đòi giấy đã phát lại nếu có thể chắc họ cũng đòi!
 
Chúng tôi đi rảo coi tiệm nào bán bánh ngon mua để ăn. Quán nào nhìn cũng như quán nấy, thôi mua đại 3 cái bánh mì thịt nguội. Chúng tôi lựa 3 thứ khác nhau nhưng cái nào cũng khô khốc, ở trong chỉ kẹp có một miếng ‘’ham’’ mỏng như tờ giấy, chả có rau ráng gì ráo. Cắn một miếng bánh phải nuốt một hớp coca cola mới trôi khỏi cần cổ! Thế mà phải trả đến 26,000 lire (vào khoảng 17 đồng mỹ kim). Vừa ngồi ăn vừa nhìn ra cửa sổ toa tàu. Người đi lên xe kẻ mới xuống xe, chuyến chạy tới chuyến vừa mới đi. Tôi chợt nhớ tới bài hát:’’người về chiều nay hay đêm mai. Người sắp đi hay đã đi rồi, muôn vì hành tinh rung rung. Lung linh thềm ga vắng hay rượu tàn rung trên môi. Người về nhặt sao rơi đêm nay. Ðường sắt kia bên những con tàu bồi hồi. Sao đường tàu không đi quanh. Cho con tàu xuôi bến. Tay người lại trong tay tôi...’’. Trên những chuyến xe lửa kia có kẻ nào ra đi để một người ở lại nhớ thương hay không? Hay những chuyến tàu vừa đổ bến có kẻ nào trở về đoàn tụ vói một người đứng ở sân ga không nhỉ? Tôi nhận xét cứ 10 người đàn bà Ý thì hết 4 người khoác áo lông ‘’mink’’ rồi. Tôi nhớ lại lời người đàn ông trên chuyến xe lửa vừa qua. Ông ta bảo những người ở tỉnh nhỏ hay mặc áo lông để chứng tỏ ta đây là sang trọng. Ông ta cho biết thêm hồi xưa áo lông mink khá mắt nhưng bây giờ thì giá cả không đến nổi nào. Ông còn châm biếm thêm, lúc trước áo fox cũng rất thịnh hành cho các bà ưa khoe của, nên nếu trên đường phố nhỏ hẹp mà không may có hai bà cùng mặc áo lông chồn thì đường phố không còn chỗ trống để lách qua! Mà thật đúng như ông nói ở Milan ít người bận lông mink hơn ở Vicenza.
 
4 giờ 15 xe lửa rời ga Milan. Xe chạy vùn vụt có khi chun vô những đường hầm tối thui. Kỷ niệm lại chợt về trong tôi. Tôi nhớ lại những chuyến xe lửa đi về Huế thăm quê nội ngoại lúc lên lớp nhì. Mỗi lần xe lửa chun vô hầm, mạ tôi hay lấy vạt áo dài trùm đầu tôi lại sợ khói than làm lấm lem mặt mũi. Tôi cũng nhớ lại những chuyến tàu đi Phan Rí thăm dì Nẫm, xe lửa ngừng ở ga nào là tôi được ăn quà ở ga nấy. Nào bắp luộc nào chả lụa, bánh ít, bánh tro. Chỉ có tiếng còi tàu là khác và tiếng động cơ của xe lửa tân thời cũng khác với tiếng máy xình xịch chạy bằng than của xe lửa một thuở xa xưa. Vào khoảng 6 giờ trời đã tối không nhìn được gì rõ nữa, tuy vậy thỉnh thoảng chúng tôi cũng rán dán mắt sát khung kính coi có thấy được gì không. Xe lửa chạy ra ngoại quốc lớn hơn những xe chạy trong quốc nội. Trên xe lửa có hàng ghế thuận chiều với đường xe chạy, có hàng phải ngồi ngược lại. Lần đi tôi được ngồi thuận chiều cả hai chuyến. Vì chuyến đi này sẽ đến Paris trước 12 giờ khuya nên chúng tôi không phải mua thêm những cái ghế bố để ngã lưng. Còn nếu chuyến đi cả đêm, sáng mới lại thì bắt buộc phải mua ghế bố mới đi được. Có lẽ họ sợ hành khách không ngã lưng được cả đêm thì ‘’sụm bà chè’’ chắc?! Vì chuyến xe đi ra ngoại quốc nên họ soát vé rất kỹ. Soát cả trong phòng vệ sinh hai ba lần cho chắc ăn. Không hiểu vì tình nghi hay vì lý do gì mà họ soát vé người đàn ông ngồi bên dãy ghế kia rất kỹ, lại còn khám cả túi quần, túi áo nữa. Khi đến ranh giới của nước Pháp, mọi người phải trình passport. Lúc này những người soát vé được thay thế bằng những người Pháp chỉ còn lại ít người Ý. Thỉnh thoảng xe lửa chạy qua những quảng đường đầy ánh đèn, cho thấy bên ngoài trời tuyết còn đọng từng mảng dày trên vệ đường. Xe lửa loan báo chỉ còn 3 tiếng đồng hồ nữa là sẽ đến ga Lyon và bắt đầu từ giờ phút này xe sẽ không ngừng ở một ga nào hết nữa. Trong bóng đêm xe lửa vẫn lao mình vun vút. Tôi hơi tiếc rẻ là trước khi đi mình không chịu ôn lại bài vở Pháp văn một tí thì bây giờ nói quấy nói quá cũng đỡ. Ðến 11 giờ khuya xe tới nhà ga Lyon. Ga Lyon rất lớn. Người ta lục tục xuống ga. Người nào cũng khệ nệ những giỏ, những xách, những va li. Trong đầu tôi những lời ca lại lúc ẩn lúc hiện:’’lên xe tiễn em đi. Chưa bao giờ buồn thế. Trời mùa đông Paris, suốt đời làm chia ly...Ga Lyon đèn vàng...Cầm tay nhau khẽ nói. Nói chi cũng muộn màng...’’Vì đã khuya, các tiệm đã đóng cửa những người làm bên trong các quyầy cũng đã vội kéo màn, tắt đèn để nghĩ ngơi. Chúng tôi tất tả đi chung quanh để tìm chỗ đổi tiền nhưng tiệm tùng hàng quán đã dẹp tiệm rồi. Tôi hơi lo, không biết đêm nay mình ngủ ở đâu? Không có tiền làm sao mướn phòng ngủ. Nhưng thật ra tôi chỉ ‘’lo con bò trắng răng mà thôi’’. Có thẻ credit trong tay thì tới xứ nào cũng ‘’cưa’’ được. Ba mẹ con băng qua đường đi tìm phòng ngủ. Phòng ngủ nào cũng to, tìm một cái nho nhỏ cho rẻ nhưng không thấy. Xe cộ qua lại ồn ào, người đi bộ vẫn còn đầy đường như các khu phố ở Sài Gòn. Chúng tôi đi đại vào một cái. Người Ấn Ðộ ngồi ở quầy đòi 520 franc, cái thứ hai đòi 600. Cái thứ ba đòi 409. Con tôi chắc buồn ngủ nên tính nhẩm ra tiền Mỹ là 250 đồng. Thấy đắt quá tôi ngủ không được và tiếc tiền hùi hụi. Sáng ngày tỉnh táo cu cậu mới tính lại nói chỉ có khoảng 70 đồng thôi má à. Hú hồn. Trời mùa đông Paris buổi sáng hay có mưa lất phất. Tôi nhìn ra cửa sổ từ lầu bốn của phòng ngủ và thắc mắc không biết ga Lyon nằm ở hướng nào rồi vì hồi hôm đi tìm chỗ ngủ băng qua tới mấy con đường. Phòng ngủ gồm có một giường lớn cho hai đứa con tôi nằm.giường nhỏ thì tôi an tọa.
 
Sáng ngày chúng tôi đi xuống dưới nhà tiếp tân ăn điểm tâm. Ðiểm tâm chỉ có cà phê và crosant. Nói về cà phê thì phải nhắc là cà phê ở Ý và ở Pháp rất đặc. Khi mới qua Mỹ tôi không uống được cà phê Mỹ vì nó loãng lại hơi chua chua. Uống riết quen, bây giờ uống lại kiểu cà phê đậm của Pháp (Việt Nam cũng uống như vậy) khó uống quá. Tôi phải xin thật nhiều đường mới uống được. Ly cà phê rất nhỏ mà tính ra tiền Mỹ đến ba đồng! Bà manager đổi tiền mỹ kim ra franc cho Bình.
 
Mấy mẹ con đi ngược lại nhà ga Lyon để tìm mua vé xe buýt đi quanh thành phố. Hỏi đến hai ba người khác nhau, không ai biết mua ở đâu cả. Ði tới hỏi người ở quầy ‘’information’’. Cái bản mặt thằng này khó đăm đăm rất dễ ghét. Nó nói tiếng Mỹ rất khó nghe, lại quạu quọ nữa có điều đại ý nó nói cứ đón xe buýt ở một trạm nào đó rồi người ta sẽ bán vé đi ‘’tour’’ luôn. Hỏi nó trạm xe buýt ở đâu? Nó bảo những trạm đó bên kia thành phố và nó cho chúng tôi những tên trạm mà xe buýt sẽ ngừng, trong đó có nhà thờ Ðức Bà. Chúng tôi bàn tính với nhau là chỉ có cách thuê xe taxi đi đến nhà thờ Ðức Bà vậy chứ biết ở đâu mà lội bộ. Muốn chờ xe buýt phải sắp hàng bên vệ đường. Những chiếc xe taxi nối đuôi nhau để đón khách. Gặp ngay cái thằng taxi hắc ám. Sau này chúng tôi mới biết nó chạy lòng vòng xa hơn để ăn tiền mắc hơn. Ðã vậy chúng tôi ngù ngờ tưởng chỉ trả tiền taxi xong là thôi, đâu ngờ mình mới chun ra khỏi xe, nó kêu ơi ơi là quên chưa cho nó tiền ‘’tip’’!
 
Nhà thờ nổi danh Notre Dame De Paris to và đẹp kinh khủng. Ngay mặt tiền những bức tường đầy đặc những hình tượng các thiên thần các bậc thánh được chạm trổ, đúc khắc thật tinh vi, thật khéo léo. Du khách đứng đầy trước cửa. Họ đi từng toán, từng đoàn. Bên trong thì thật là một kỳ công xây cất. Những vòm, những nóc nhà, những cây cột cao ngất ngưỡng đủ hình đủ sắc. Những bức tượng tôn giáo, những thánh tử đạo được trưng bày một cách mỹ thuật và trang trọng. Còn những cửa kính màu thì lộng lẫy không tả xiết. Có rất nhiều khu thờ phượng. Mỗi khu đều có chỗ cắm đèn cầy để du khách cầu nguyện và đốt đèn. Xem và chụp hình khá nhiều, chúng tôi mua một mớ những đồ vật kỷ niệm để làm quà cho bạn bè. Ði ra khỏi nhà thờ nhưng trời lại lất phất mưa, mọi người lại ào ào chạy vô nhà thờ trở lại. Tôi bảo coi nữa cũng được tại nhà thờ đẹp quá. Lần nầy chúng tôi mua vé để đi coi phòng trưng bày đồ đạc làm bằng vàng. Thật là lộng lẫy! Những áo quần, vương miện, chén bát, ngọc ngà đều được cẩn, dát bằng vàng. Cả những tranh ảnh, ‘’cup’’, đồng hồ, cái nào cũng lóng lánh màu vàng rất sang trọng. Xem xong lại đi ra, bước vài bước trời lại mưa, lại chạy vô. Chạy ra, chạy vô khoảng 4 lần trời mới tạnh. Gần đó là cái cầu bắc ngang sông Sein. Nước sông Sein đục lờ lờ. Dưới sông thuyền bè đậu đầy. Trên bờ chung quanh là các lầu đài, dinh thự nhìn rất cổ kính và nguy nga. Lâu đài nào cũng chạm trổ hình tượng đầy nóc nhà. Dọc theo bờ sông Sein còn có những hàng cây trơ trụi lá. Tôi nói với con trai và con dâu về bài hát nổi tiếng có tên sông Sein ở trong đó, và tôi hát nho nhỏ:’’Paris có gì lạ không em? Mai anh về trên bến sông Sein. Anh về giữa một giòng sông trắng. Lá ru ngủ hay áo em?...’’ Thành ra Paris tuy đây là lần đầu tiên tôi đến nhưng không hiểu sao lại có một cảm giác rất thân quen? Có phải vì những bài hát những bài thơ có liên quan đến Paris mà mình đã nghe đã biết tạo ra cái cảm giác thân thuộc này? Hay tôi bị ảnh hưởng của bài :’’tôi đi giữa Paris mà nhớ thương Sài Gỏn’’?
 
Chúng tôi leo lên xe buýt để mua vé chạy quanh thành phố Paris. Ở mỗi nơi danh lam thắng cảnh nổi tiếng xe buýt có trạm để đổ khách xuống. Nếu không muốn xuống thì cứ ngồi ở trên xe chạy vòng vòng xem phố. Thành phố thật tráng lệ với những hình điêu khắc các vị thần trong cổ tích, huyền thoại. Những vị thần cởi ngựa, bắn tên, những vị thần đầu người, mình thú...Những hình tượng các con vật lạ mắt trong các chuyện cổ tích...hầu như không có một lâu đài nào là không có điêu khắc, chạm trổ. Phần đông những tòa lâu đài có từ thế kỷ 13, 14, 15, 16, 17....Xe buýt vừa chạy, vừa kể lịch sử của những di tích lịch sử của thành phố Paris. Xe buýt chen chân với xe nhỏ, xe lớn. Ðường phố Paris không có vẻ lằn trắng ranh giới của những chiếc xe nên xe chạy ẩu kinh khủng. Muốn chạy kiểu gì thì chạy, y như ở Sài Gòn. Xe chạy cũng ghê mà người đi bộ cũng khiếp. Chưa tới đèn đi bộ mà hễ có lằn hở là người ta ào qua liền. Khi đi bộ qua phải mắt trước mắt sau, những đường phố một chiều và chỉ có một con đường thì khá an toàn khi băng qua đường, nhưng những con đường có những con đường cong chạy ngang thì phải coi chừng họ ủi mình lúc nào không hay. Nhất là những chiếc xe gắn máy chạy rất nhanh và rất ẩu, có khi họ leo lên chạy trên vệ đường của người đi bộ. Xe chạy quanh khu thành phố được mệnh danh là kinh thành hoa lệ thật không ngoa. Cô gái trên xe buýt đến gạ bán vé cho chúng tôi du thuyền trên giòng sông Seine. Nhớ đến vụ du thuyền ở Venice, chúng tôi định từ chối, nhưng nhìn xuống giòng sông Seine thấy nó quyến rủ quá, tôi bằng lòng mua vé.
 
Chúng tôi đến cái trạm cuối cùng là tháp Eiffel và xuống tại đó. Nhìn lên đỉnh tháp từ dưới chân tôi bị chóng mặt và tưởng như cái tháp di chuyển, ngiêng ngả vì những đám mây đang trôi qua trên chóp. Lúc nầy bụng cũng đã hơi cồn cào, chúng tôi đi tìm mua đồ ăn để lót dạ. Ba mẹ con mua được ba cái hotdog dài thòng, ăn không giống hotdog của Mỹ tí nào cả. Bình mua cho tôi một ly cà phê đựng trong cái ly nhỏ xíu, giá ba đồng Mỹ Kim, đặc như thuốc bắc và không có đường cũng không có cả sửa, tôi lay hoay vừa giữ đồ ăn cho gió khỏi bay, một tay lo gặm bánh mì hotdog. Trời hôm nay hơi lạnh, gió thổi phần phật, du khách vội vã kéo những cái khăn quàng lên che kín đầu và tai, nhưng gió cứ thổi bạt đi. Tôi không mang theo bao tay nên bàn tay lạnh cóng, hôm qua trời tốt, Anna tưởng hôm nay cũng tốt nên nó lại không mang theo áo jacket, nên nó cũng vừa đi vừa run. Sợ trể chuyến du thuyền, chúng tôi bảo nhau đi thuyền xong mới leo lên tháp Eiffel. Ði tìm được chỗ leo lên thuyền nhưng lại còn sớm quá. Chúng tôi đi vào tiệm bán đồ kỷ niệm mua vớ vẩn được vài cái quà nho nhỏ. Trong quán hơi khuất gió, tuy vậy hơi lạnh vẫn thổi đầy từ nước bốc lên. Những chiếc du thuyền đến rồi đi, những thuyền nhỏ đậu chi chít dọc hai bên sông. Chờ rất lâu chiếc du thuyền mà chúng tôi mong đợi cũng đã đổ bến để thả những khách cũ xuống và rước khách mới lên. Thuyền rất to, có một cái phòng che bằng kiếng, hai đầu để trống, 4 giãy ghế ngồi. Sợ chụp hình không được ở trong phòng kiếng nên chúng tôi ra đàng sau nơi trống để ngồi. Gió vẫn thổi rất mạnh từng cơn lạnh buốt nhưng không đến nỗi nào. Thuyền từ từ tách bên. Bên cạnh mỗi ghế có để một cái máy điện thoại, tiếng giới thiệu trên tàu là tiếng Ý, nhưng trên điện thoại có những số khác nhau cho mỗi thứ tiếng được thông dịch lại. Mỗi lần đi ngang một di tích lịch sử, hay những tòa bảo tàng viện thì tiếng giới thiệu lại vang lên, đôi khi là những bài hát trữ tình rất quyến rũ. Ðây là Conciergerie, xưa là nhà tù vĩ đại, nơi đã xử và hành quyết hoàng hậu Marie-Antoinette. Nơi nọ là bảo tàng viện Louvre, và bây giờ thuyền đang đi ngang qua lâu đài của các bậc vua Henry đệ tam, đệ tứ, là nơi mà vua đã đi săn, cởi ngựa, cỡi lạc đà...đàng kia là tòa Catherdral hùng vĩ. Có rất nhiều cây cầu bắc ngang qua sông Sein, có những cây cầu kiến trúc thật mỹ lệ với những tượng thần tiên trắng xóa hay lóng lánh một màu vàng rực rỡ. Thuyền trôi nhẹ nhàng trên sông nhìn hoài không chán mắt. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những cặp tình nhân dìu nhau đi trên bờ sông, họ nhìn xuống du thuyền nhưng họ không vẫy tay như những người Mỹ thường làm, Anna đưa tay lên vẫy thân thiện nhưng họ làm ngơ. Những người đi đầy trên những cây cầu cũng vậy, họ đứng đầy nhìn xuống một cách chăm chú nhưng dửng dưng.
 
Khi du thuyền dừng lại thì trởi cũng đã về chiều, ba mẹ con vội vã lên bờ đi đến tháp Eiffel leo lên cho biết. Gió vẫn thổi không ngớt, chúng tôi xuýt xoa nhìn hàng người đi lên thang máy đang sắp hàng và ước lượng giờ giấc. Hàng dài quá, nếu chờ đến phiên mình sợ tối. Bình đi vào trong mua vé để lên bằng thang chân. Bình ra nói với tôi, leo thang chân đến lầu thứ hai sẽ được đi bằng thang máy. Tôi dại dột nghe theo. Lầu hai đây không có nghĩa như lầu hai của một cái nhà mà lầu hai có nghĩa là một nửa cái tháp lận. Leo lên độ vài vòng hai đầu gối tôi muốn sụm, leo vài bước tôi lại nghĩ để thở, Bình luôn miệng dục gần tới thang máy rồi má. Leo hoài cũng chả thấy thang máy đâu mà tim tôi thì đập thình thịch, mắt hoa, đầu gối bủn rủn. Tôi đâm quạu nói:’’má sẽ leo xuống đừng có đánh lừa má nữa không thấy cầu thang đâu hết cứ xạo hoài’’. Bình lại chỉ trên đầu tôi nói:’’đó đó, má thấy không thang máy kìa’’. Thật ra nhìn lên những vòng thang xoắn giống như thang máy nhưng tăm hơi thang máy thì chưa tới đâu cả. Ðến một mức mà cái đầu gối tôi không theo mệnh lệnh nữa tôi dứt khoát không leo nưã nghỉ một lát xong tôi sẽ leo xuống vì tôi biết leo xuống đở hên leo lên nhiều. Bình bỏ đi chụp hình khá lâu chung quanh tầng lầu đó, Anna đi tìm Bình sau một hồi chúng hối lộ tôi nước uống và dụ tôi đi tiếp. Lại dại dột như lần trước tôi lại leo thang. Tháp Eiffel cao 320 mét có đến 652 bậc thang mà tôi đã leo lên một nửa rồi hỏi tôi không sụm sao được? Cuối cùng con rùa già tôi cũng lên đến lầu hai chờ thang máy. Từ thang máy chúng tôi được kéo lên tới đỉnh chót vót của tháp. Gió thổi tung tóc tai, lạnh buốt, nhìn xuống thấy chóng mặt. Một cảnh hùng vĩ gồm: đền đài, cung điện, nhà cửa trải dài ngút mắt một màu trắng tinh. Nơi đây có rất nhiều cửa hàng bán đồ kỷ niệm đủ loại thượng vàng hạ cám, có nhiều máy chụp hình tự động chỉ bỏ tiền vô bấm máy là xong. Gió lạnh quá, đi một vòng quanh trên chóp tháp ngắm ra ngoài cho đã mắt chúng tôi đi tìm thang máy để xuống. Sao đi hoài chả thấy đâu hết tôi đâm lo. Mẹ ơi nếu phải bò xuống bằng thang chân hơn 600 bậc thang chắc tôi tiêu tùng quá. Nhưng cuối cùng mới biết chúng tôi đi lộn phòng có thang máy xuống kia rồi. Thang máy dừng ở lầu hai rồi có một thang máy khác đi thẳng xuống đất. Bây giờ trời đã tối mịt xe buýt không thấy mà taxi cũng không thấy luôn. Bình nhắm phương hướng của thành phố rồi bảo từ đây đến nhà thờ Notre Dame không xa lắm đâu. Tôi tưởng Bình nói đi đến nhà thờ xong rồi tìm xe taxi về khách sạn nên cũng hăng hái đi. Không ngờ nó giắt chúng tôi đi bộ dọc theo sông Seine đến nhà thờ Ðức Bà xong và từ đó đi hơn nửa đoạn đường nửa mới tới nhà tất cả là 3 tiếng đồng hồ, cái chân muốn rụng nhưng cảnh trí đẹp quá và không biết vì đi bộ nhiều quá rồi không thấy lạnh hay trời trở ấm thật sự mà không khí bỗng trở nên rất dễ chịu. Buổi tối người đi đầy đường những cặp tình nhân ngồi ôm nhau dưới những gốc cây trên băng đá. Có nhiều cặp đi chậm rãi dưới ánh trăng xanh. Ngôi tháp Eiffel ban đêm với đèn thắp sáng từ chân đến  ngọn trông như tháp bằng vàng. Tôi thắc mắc không biết Hoàng Hạc Lâu bên Tàu và tháp Eiffel ban đêm như đêm nay, cái nào đẹp hơn cái nào. Mặt trăng tròn một nửa treo lơ lửng cạnh tháp làm thành một bức tranh tuyệt mỹ. Sông Seine lấp lánh một màu đen. Tôi ca nho nhỏ:’’Paris có gì lạ không em. Mai anh về mắt vẫn lánh đen. Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm. Chả biết tay ai làm lá sen...’’ Tuy chân mỏi nhưng tâm hồn tôi rất khoan khoái trong một đêm đi bộ xuyên qua thành phố Paris. Những gian hàng ban ngày bày ra, ban đêm được xếp lại một cách gọn ghẽ dọc đường. Gió thổi từng cơn mát rượi. Chúng tôi đi ngược những con đường mà xe buýt đã chạy qua. Này là Notre Dame De Paris, kia là tòa, Conciergerie, và đằng xa là Bảo tàng viện Louvre, nọ là cây cầu được đặt tên của người lính bị giết đầu tiên trong ngày cách mạng Pháp. Thỉnh thoảng thấy mấy cái ghế dài dưới những gốc cây, tôi muốn ngồi xuống nghĩ chân và để thưởng thức một đêm đẹp tuyệt trần trên bến sông Seine nhưng 2 đứa con tôi nói cần đi về để ăn vì đói quá rồi, tuy nhiên hai đứa cũng cùng tôi nhìn hoài xuống bến sông rực rỡ ánh đèn dưới kia. Bình chỉ xuống những cái thuyền có mui nói người ta dùng thuyền để ở như mình ở nhà. Tôi nhớ lại những cái nhà xây trong nước và những người ở trong những căn nhà ngập nước quanh năm ở Venice và ngẩm nghĩ con người ai cũng có một cuộc sống, một định mệnh khác nhau. Cuối cùng chúng tôi cũng về khu phố gần nhà ga tức là gần hotel chúng tôi ở. Bụng đã xép, chúng tôi ngừng lại một nhà hàng ăn khá sang trọng gần đó. Người bồi không nói được tiếng Mỹ hỏi chuyện đủ thứ. Chúng tôi gọi đại 3 món thức ăn trên cái menu. Thằng bồi không nói được một tiếng Mỹ nào, còn chúng tôi là tiếng Pháp nửa mùa thành ra 3 mẹ con order toàn là những thứ kỳ cục: tôi thì được 2 đĩa thịt bò sống, mỗi đĩa gồm có 4 miếng, mỗi miếng được xắt mỏng hơn tờ giấy. Thịt bò được ướp với những gia vị gì không biết mà ăn gần giống như thịt bê thui. Bình được 4 con hào sống. Thịt con hào Pháp mỏng te, bỏ vô miệng chắc là nó tự động biến mất khỏi cần nhai. Chỉ có món của Anna là may mắn vì nó thấy trên menu có chữ steak. Thì ra đây là một miếng thịt bò bằm, không gia vị được dọn chung với khoai chiên. Dầu sao món này cũng no hơn là 8 miếng thịt bò và 4 con hào sống nhăn. Nhìn quanh thấy ai cũng uống rượu chỉ có ba mẹ con tôi là uống coca cola. Ðã vậy coca cola nóng, không có đá. Anna xin một ly nước đá. Bình bảo:’’uống đá coi chừng lại bị bệnh, vì đá là nước dơ, không phải nước đã khử trùng’’. Nhưng khát quá, coca phải có đá uống mới được thành ra anh chàng nói coi chừng bị bệnh nhưng thấy những cục đá nhỏ hấp dẫn quá nên Bình cũng dùng.
 
Vừa mới bước vô cửa thằng Ấn Ðộ đã la lên một tràng dài bằng tiếng Pháp. Nó có vẻ rất bực mình, bực mẩy hỏi tại sao chúng tôi không để chìa khóa cho nó. Nó cứ tiếp tục lằng nhằng, Anna hỏi nó có nói tiếng Mỹ không, nó không trả lời cứ tiếp tục nói, tôi tưởng nó cằn nhằn vì nó nghỉ là tụi tôi đi luôn. Tôi nói đại bằng tiếng Mỹ là tụi tôi đã trả tiền phòng cho cả 2 đêm rồi chứ đâu phải chỉ trả có 1 đêm ? Lúc đó nó mới quay sang tôi, nói tiếng Mỹ rất rành rẽ là nó biết tụi tôi trả tiền rồi nhưng luật của hotel là phải để chìa khóa lại khi mình đi ra ngoài. Chỉ có thế mà nó nhặng lên và xổ một tràng tiếng Pháp không chịu nói bằng tiếng Mỹ,hỗn thật!
 
Sáng thứ năm tuy hai chân mỏi nhừ nhưng tụi tôi cũng ráng thức giậy sớm để đi phố tiếp vì ngày mai phải ra ga đi về Ý rồi. Tôi nhớ lại lời ông khách giả bộ không biết nói tiếng Mỹ ở trên xe lửa:’’thật là điên rồ khi bỏ tiền ra để đi thăm Paris chỉ có 2 ngày’’. Ðúng vậy, chỉ có 2 ngày không thể nào coi cho hết được những chỗ mình muốn coi. Chúng tôi cũng sắp hàng ở chỗ ga Lyon để đón taxi như hôm qua. Lần này gặp người tài xế tử tế hơn chỉ lấy có 26 franc chứ không phải 40 franc như cái ông hôm trước vì người này chạy đúng đường chứ không ăn gian chạy loanh quanh. Chúng tôi xuống ở trạm Notre Dame De Paris, chụp thêm vài cái hình ở trước mặt và ngang hông nhà thờ. Nhớ lại câu chuyện trong cuốn phim ‘’Thằng gù ở nhà thờ Ðức Bà’’, tôi cố hình dung coi góc cạnh nào của nhà thờ là nơi thằng gù đã đổ vàng chảy thành nước xuống đám đông nơi có nhiều người đang đòi bắt sống người đẹp của chàng ta. Và tôi tưởng tượng như câu chuyện có thật khi hình dung lại cảnh thằng gù đu tòng teng trên những sợi dây chuông.
 
Khi đứng chờ xe buýt, tôi đi vào một tiệm bán đồ kỷ niệm có hai người đàn bà Việt Nam còn trẻ đứng bán. Hai cô khá bặt thiệp. Tôi hỏi có tiệm ăn Việt Nam nào gần đây không. Một cô chỉ cho tôi một tiệm ăn cách hướng của nhà thờ Ðức Bà không xa. Khi xe buýt đi ngang qua con đường đó, tôi có nhìn thấy nhưng không thể ngừng xe buýt một cách bất ử được thành ra không có dịp thưởng thức đồ ăn Việt tại Paris được.
 
Hôm nay chúng tôi đi xem bảo tàng viện nổi tiếng Louvre. Ngôi bảo tàng là cung điện của vua chúa hồi xưa. Cung điện được xây thành hình chữ U, một kiến trúc cực kỳ tinh xảo với những hình tượng chạm trổ đẹp kinh khủng. Du khách đã đến đầy và đang sắp hàng mua vé để đi vào một căn nhà xây hình tam giác bằng kiếng. Trong nhà kiếng là cầu thang để đi xuống tầng dưới có nơi chỉ dẫn các phòng ốc cho các loại triển lãm khác nhau như hình tượng, tranh vẽ, nữ trang bằng vàng, nữ trang bằng bạc hay các loại đá quý, hình tượng làm bằng đồng, bằng đá v...v...Từ phòng dưới này có các cầu thang để đi lên các tầng lầu khác nhau. Những tượng được khắc bằng đá trắng để dọc theo các hành lang, các phòng phần nhiều là hình của các người đàn ông từ thời cổ La Mã, không bận quần áo chỉ có một cái khăn choàng quấn hờ hững trên vai, thành ra hình tượng nào cũng ở lổ tô hô, nên mặc dù thấy lạ mắt Bình cũng không muốn chụp hình. Bên trong có những cái hòm bằng đá, chạm trổ rất công phu. Quẹo sang phòng khác là phòng chưng bày tranh sơn màu. Hằng hà sa số, hàng hàng lớp lớp những bức tranh đủ màu đủ sắc, mỗi hình mang một sự tích thần thoại khác nhau. Ở trên nóc nhà cũng có tranh. Hành lang nối từ phòng này sang phòng kia dài hun hút thảo nào mấy ông vua Henry thời đó có thể đua ngưạ, cổi lạc đà đi dạo trong này. Tôi lại hình dung ra cảnh hoàng hậu, cung nữ, cận thần ra vào tấp nập ở đây từ một thuở nào xa lơ xa lắc. Lúc đó không có điện họ đã thắp bao nhiêu đèn dầu, đèn cầy để làm cho cung điện sáng lên? Và mấy ông vua đó đã làm gì cho hết tất cả những phòng nầy? Rẻ phải rồi rẻ trái, bảo tàng viện gồm có đủ các hình tượng, kho tàng, tranh ảnh những đồ vật mỹ thuật từ Ai Cập, La Mã, Ðông Phương v...v... làm cho ai cũng phải trầm trồ ngưỡng phục những di tích lịch sử quý giá nầy. Nhìn những bức tranh lộng lẫy và vĩ đại ta không khỏi khâm phục những người nông dân nước Pháp trong thời kỳ Ðức Quốc Xã chiếm đóng họ phải đem những bức tranh cổ này chôn dấu dưới đồng ruộng hầm hố để bảo toàn tài sản quốc gia. Tôi nói đùa với Bình và Anna má muốn thăm bà Mona Lisa và má muốn chụp hình chung với bà ta. Theo mũi tên hướng dẫn chúng tôi đã tìm gặp nàng Mona với nụ cười bí hiểm nổi tiếng giữa muôn bức tranh quý giá khác. Tôi hơi thất vọng vì bức tranh hơi nhỏ hơn sự tưởng tượng của tôi hơn nữa nó còn bị đóng khung bằng kiếng, và lại có dây bao ở trước không đến gần được. Nhưng dầu sao tôi cũng đã tìm gặp được nàng. Người đàn bà ngoài nụ cười bí hiểm còn có nét đặc biệt khác là không có cặp lông mày ngoài ra đôi mắt của nàng rất kỳ lạ và linh động là hướng theo tia nhìn của người chiêm ngưỡng nàng nữa. Một lần nàng bị di chuyển đi đến bảo tàng viện này, người ta phải bao bọc nàng rất kỹ, vì khí hậu đã làm cho nàng bị nứt nẻ rất nhiều. Nơi phòng chưng bày tranh ảnh này có rất nhiều họa sĩ đặt gía vẽ trước những hình mà họ thích và họ đã vẽ lại y như vậy. Chúng tôi dừng lại trước một họa sĩ nhìn bức tranh sắp hoàn thành của ông và hỏi thử ông muốn bán bao nhiêu? Ông nói khoảng 300 đô la, nhưng có thể hơn hay thua một chút khi ông hoàn thành xong. Trưóc khi đi qua phòng khác, chúng tôi đi ngang qua một hành lang có tượng thần vệ nữ Milo không có cánh tay, những tượng thần khác thì có đầu người, mình thú và rất nhiều hình tượng khác từ các câu chuyện huyền thoại cổ tích xa xưa. Phần đông những tranh vẽ và các hình tượng hay có những kiểu dơ tay dơ chân như đang bay múa rất lạ mắt. Vô một phòng khác chưng đồ toàn bằng vàng. Từ tường tới trần đều thếp vàng hay. Với phòng chưng đồ bằng vàng nầy người ta không cho chụp hình có đèn chớp sợ đồ đạc bị ảnh hưởng mà hư hao.
 
Sợ trễ giờ xe buýt để đi đến đại lộ Champs-Élysées chúng tôi tiếc rẻ tìm đường đi ra sau khi mua vài món quà làm kỷ niệm.
 
Chúng tôi băng qua qua cầu sông Seine để đón xe buýt trước mặt bảo tàng viện Orsay. Bảo tàng viện này được thành hình từ một nhà ga của Paris hồi xưa. Ở trên cao hai đầu của bảo tàng viện là hai cái đồng hồ rất lớn, làm tự nhiên tôi nhớ đến chợ Bến Thành Sài Gòn, mặc dù cách hai nơi không có gì gọi là giống nhau hết chỉ trừ có cái đồng hồ. Thật đúng là ‘’tôi đi giữa trời Paris mà nhớ thương Sài Gòn’’. Dựa vào lan can vệ đường, tôi nhìn xuống mặt nước sông Seine. Hôm nay trời không đến nổi nào lạnh lắm, nhưng hơi gió, Mặt nước đục, gợn sóng lao xao. Tôi có thể nhìn ngắm giòng sông hoài không chán mắt, thảo nào đã có biết bao nhiêu bài hát ca tụng giòng sông dễ thương này. Mặt nước ban ngày có màu đục lờ lờ và ban đêm thì đen nhánh. Dọc theo bờ sông thỉnh thoảng có vài người bán dạo một loại ốc trông hơi giống như ốc bưu. Tôi muốn ăn thử nhưng Bình và Anna không cho sợ tôi bị đau bụng.
 
Xe ngừng chúng tôi ở gần cái cổng Arc de Triomphe. Khải hoàn môn nầy được xây để đón mừng đoàn quân chiến thắng của Napoleon. Cổng Arc de Triomphe cao 49 thước. Dưới hầm của cổng là nghĩa địa đã chôn những chiến sĩ vô danh của những năm 1914-1918. Leo lên tháp có thể nhìn được những cảnh đẹp chung quanh thành phố. Dọc theo đại lộ là một rừng người. Tôi thắc mắc chắc người Pháp ở đây không đi làm việc vì ngoại trừ những nơi lôi cuốn du khách như ở đây chẳng hạn, những đường phố khác khi xe buýt đi ngang cũng toàn người là người. Ban ngày cũng đầy đặc người ban đêm cũng không kém. Người ta hôn nhau ở khắp mọi nơi, dọc theo sông Seine là nơi lý tưởng để tình tự, nơi đường phố, trên ghế đá, dưới gốc cây, ngay cả nơi chốn trang nghiêm là nhà thờ mà người ta cũng hôn nhau. Chó được giắt đi chơi rất nhiều và chúng có mặc áo đàng hoàng như ở Ý. Dân Pháp nghe nói cũng không ưa dân Mỹ. Nhớ lại bữa ăn tối hôm qua, đã mắc tiền mà lại không no, nên khi chúng tôi thấy tiệm Buger King là nhào vô liền. Quán khá đông đúc nhưng không đến độ như tiệm McDonald ở Venice.
 
Dọc theo đại lộ Champs Élysées hàng quán sầm uất đủ thứ để du khách mua sắm. Chúng tôi vào tiệm Planet Holywood, tiệm này do những tài tử xi nê nổi tiếng cùng nhau hùn vốn chung, để mua T-shirt và sweat shirt, hàng hóa khá mắc, nhưng rất đẹp.
 
Vừa bước qua đường, chúng tôi thấy một người thanh niên và một thiếu nữ Tàu nhìn chúng tôi cười thân thiện như có ý bắt chuyện. Bình chào xã giao, 2 người nói với nhau vài câu cả tiếng Mỹ lẫn tiếng Pháp. Bình đến gần tôi nói:’’nó muốn chỉ mình nơi bán Loui Vouiton (một loại bóp xách của Pháp, rất đắt và rất nổi tiếng, trước khi đi cô hàng xóm của tôi cũng đã dặn nếu ở đây loại bóp này rẻ hơn ở Mỹ thì mua dùm cô một cái). Vì cũng đã có ý định đi tìm tiệm này nên tôi hớn hở đi theo cặp người Tàu, không biết cô ta có phải là vợ hay là gì của chàng thanh niên. Bỗng dưng tôi thắc mắc hỏi Bình:’’tiệm ở đâu, tại sao nó muốn chỉ cho mình coi?’’. Bình quay lại hỏi nó, nó nói một dây bằng tiếng Pháp, Bình nghe chữ được chữ không nhưng cũng hiểu nên giải thích cho tôi nghe là tiệm Louis Vouiton ở đây có một cái luật kỳ cục là nếu mua trả tiền mặt, mỗi người chỉ được mua một số lượng tiền trung bình bao nhiêu đó thôi, còn nếu mua bằng credit card thì mua bao nhiêu cũng được. Hai cô cậu đã mua đủ số của tiệm ấn định cho mua rồi, nhưng họ cần mua thêm vì thế họ cần tìm người nào có vẻ tử tế (?) để nhờ, và khi thấy chúng tôi có 3 người, mặt mày chúng tôi lại coi có thể tin cậy được nên bọn họ muốn nhờ. Dùng dằng, hỏi qua, nói lại một hồi tụi tôi nói thôi tội nghiệp tụi nó, chắc tụi nó muốn mua cho gia đình, bạn bè gì đó. Người thanh niên đưa cho Bình một xấp tiền mới toanh, Bình đưa lên ánh sáng mặt trời coi. Chàng thanh niên Tàu biết ý nên nói đó là tiền thiệt mới lãnh từ trong ngân hàng ra. Chàng ta đã thủ sẵn trên tay một cuốn catalogue, rồi viết ra một mảnh giấy nhỏ những số order của món hàng hắn muốn mua và hắn nói sẽ đợi chúng tôi ở góc phố nầy.
 
Tiệm bán ví Louis Vouiton nằm cách đó không xa. Tiệm đông nghẹt người, hầu như 100 phần trăm người mua là người Á đông, đúng là người Á đông chịu chơi thật. Còn người bán thì thôi cũng hơn cả chục người tiếp khách. Có vài người đứng ở cửa ra vào để chào đón và tiễn đưa khách hàng.
 
Chờ cũng một lúc mới có một cô người Tầu giúp chúng tôi coi hàng. Vợ chồng chàng thanh niên nầy coi bộ có tiền dữ vì họ nhờ mua 4 món gần 2000 đồng của Mỹ. Tôi thích một cái xách du lịch đã lâu và so giá Franc cùng giá Mỹ kim thì thấy rẻ hơn khoảng hơn một trăm hay một trăm rưỡi nên tôi mua một cái, Anna mua một cái bóp xách tay. Nhớ đến cô bé hàng xóm, tôi mua thêm một cái bóp, gần giống như cái bóp của Anna. Vừa chờ, vừa mua cả đến gần 2 tiếng! Tôi thắc mắc, chả hiểu vợ chồng chàng thanh niên Tàu có nóng ruột không, không chừng họ tưởng tụi tôi lấy tiền và dông rồi chăng!?
 
Cặp người Tàu rất cảm động khi thấy chúng tôi mang hàng ra cho họ. Chàng thiếu niên cảm ơn rối rít. Chúng tôi chia tay nhau để đi chụp hình ở cổng Arc de Triomphe vì trời cũng đã khác chiều rồi. Trước khi về chúng tôi ghé vô tiệm piza Hut ăn. Lại cái màn xin xỏ, khiếu nại mới có đá lạnh để uống. Ðang đói bụng tôi cầm một miếng piza lên định bỏ vô miệng cắn, Bình đưa mắt ra dấu với tôi dùng muỗng nỉa. Thì ra ở xứ nầy người ta ăn piza với dao nỉa chứ không cầm thoải mái bằng tay như ở Mỹ!
 
Ðêm hôm nay cũng trễ xe buýt như đêm hôm qua, chúng tôi quyết định đi bộ băng qua trong thành phố chứ không đi dọc theo bờ sông Seine nữa để thay đổi không khí và cảnh trí.
 
Gió về đêm mát dịu. Chúng tôi băng qua không biết bao nhiêu con đường, bao nhiêu phố chợ. Ở đây người ta đi nườm nượp cả đêm. Xe vẫn chạy ào ào, mỗi lần băng qua đường phải hết sức cẩn thận. Tuy băng trong thành phố, chúng tôi cũng vẫn có thể chiêm ngưỡng một lần nữa những cảnh trí huy hoàng uy nghiêm của các đền đài cung điện. Tháp Eiffel lấp lánh như dát vàng dưới ánh trăng soi.Tôi cố thu vào trong óc thật đầy những cảnh tượng đẹp đẽ của thành phố Paris về đêm.
 
Ðến hotel thì chúng tôi mệt lã vì tay xách nách mang khá nhiều đồ kỷ niệm. Thằng Ấn Ðộ đêm hôm nay có vẻ thân thiện hơn đêm hôm qua, nó còn hỏi tụi tôi cần xách dùm không, chúng tôi lắc đầu. Leo lên đến tận phòng chúng tôi thở phào nhẹ nhỏm. Tội nghiệp cho cái chân già của tôi phải đi bộ đến 2 ngày, lại còn phải leo lên tới 4 tầng lầu, gần bá thở. Khi về, chúng tôi mới thấy cái cầu thang máy đi lên đi xuống vậy mà thằng Ấn Ðộ mắc dịch thấy tụi tôi khệ nệ khiêng đồ, leo thang chân, nó có nói gì đâu.
 
Mới thay đồ xong Bình hỏi tôi có muốn ăn ốc và sò không vì lúc nãy tôi tiếc rẻ không thử món ốc bưu mà mấy người bán dạo ở dọc sông mời. Và trước khi về hotel, chúng tôi thấy có một tiệm ăn bày rất nhiều ốc, sò tươi ở trước tiệm. Vậy là 3 mẹ con lại chuẩn bị leo xuống lầu đi ăn khuya. Vì đã thay đồ sweat suits cho thoải mái nên chúng tôi cứ thế mà đi vô một cái tiệm ăn ở dưới đường. Vừa bước vô, tôi đã thấy tiệm còn khá đông người mà đàn ông và đàn bà ai cũng mặc đồ đàng hoàng như đi ăn tiệc. Hơi chùng bước, nhưng đã lỡ rồi chúng tôi cứ đi vô. Chẳng biết tên món ăn nào cho ngon chúng tôi chỉ đại vào 2 món. Mắc khủng khiếp, đã vậy thằng bồi không biết vô tình hay cố ý lại còn tính lộn thêm mấy chục. Chỉ có 12 con sò thịt mỏng như tờ giấy và 12 con ốc nhỏ bằng ngón tay cái của tôi mà hơn 60 đồng mỹ kim! Cái thằng bồi nói tiếng mỹ khá sỏi nhưng rất vô lễ có lẽ thấy chúng tôi ăn bận loàng xoàng và không order rượu chăng?!
 
Sáng thứ sáu, chúng tôi dậy sớm ra ga xe lửa Lyon. Ði đâu cũng vậy, khi đi ít hành lý, đi về sao nhiều thế không biết. Nhà ga đã đầy người, kẻ đến, người đi rất huyên náo. Bình vào tiệm mua cà phê để có ghế ngồi đỡ chân. Ngồi trong đã rồi mua thêm thức ăn và nước uống để ngồi ở ngoài đợi xe. Cà phê đậm đặc. Tôi đi quanh ga tìm mua một ít bánh trái cho con gái và con rễ đồng thời để ăn dọc đường vì tôi nhớ đến mấy miếng bánh sandwich khô khốc ở ga Milan. Trời hôm nay rất ấm, nắng chiếu rực rỡ. 11 giờ xe lửa rời ga. Giã từ ga Lyon đèn vàng. Tôi lại hát nho nhỏ:’’lên xe tiễn em đi chưa bao giờ buồn thế...’’hôm nay chỉ có thiếu ‘’tuyết rơi mông mênh buồn’’ nhưng vẫn còn đó: ‘’ga Lyon đèn vàng...’’. Giã từ Paris, giã từ những đền đài cung điện lộng lẫy và huy hoàng. Không biết bao giờ mới thấy lại.
 
Xe lửa chạy ra ngoại ô, những nhà san sát nhau lợp ngói đỏ. Xa xa có những dinh thự màu trắng xóa dưới ánh mặt trời. Kinh đô ánh sáng càng lúc càng xa dần. Bây giờ xe lửa đang đi qua một khu rừng tuyết còn đọng thật dầy. Có nhiều nhà xây cheo leo trên núi. Tôi thắc mắc không biết họ leo lên bằng con đường nào.
 
Không biết vì nước uống, vì ăn sò ốc hay vì ngồi ngược chiều trên xe lửa nên tôi cảm thấy chóng mặt và buồn nôn kinh khủng. Sau khi nôn xong một lát thì lại bị lại. Tôi nằm vùi trên ghế không ngồi xem cảnh vật nữa. Lúc mới chạy thì lâu lắm mới nghĩ, qua khỏi biên giới Pháp, xe ngừng lại nhiều lần hơn.
 
Ðến Milan 6 giờ tối, đổi xe lửa về ga Vicinza lúc 9 giờ tối. Rob được điện thoại là chạy ra ngay. Loan đã làm xon món phở dã chiến cho má và anh chị ăn đỡ lòng. Bình bắt đầu bịnh như tôi, nó ói cả đêm. Qua ngày hôm sau mẹ con ai cũng mệt đừ. Tôi nói thôi đừng đi Rome hay đi Florence nữa vì mệt quá. Ðến chiều Anna bắt đầu bịnh. Tôi ngồi ẳm bé Gabrielle và coi thêm vài phim hoạt họa. Nghe Loan nói ngày Noel nó và chồng không được ăn vì cháu Gab đau, tôi tội nghiệp nên buổi tối tôi nấu gà quay và những thứ lỉnh kỉnh như bữa ăn Giáng Sinh. Anna ráng ngồi dậy làm thêm một cái bánh để mừng sinh nhật sớm cho Rob (sinh nhật nó còn vài tuần nữa)
 
Vì sáng thứ hai Rob không thể chở tụi tôi tới phi trường ở Milan được, nên sáng chủ nhật tụi tôi phải dậy sớm chuẩn bị để Rob chở đi đến phòng ngủ gần phi trường. Tôi nói với Bình cũng tốt lắm vì mình sẽ đi coi đồ đạc thời trang và các bảo tàng viện ở Milan. Tới một cái hotel rất gần phi trường thì gặp giờ họ nghĩ trưa! Rob lái xe một đoạn nữa tìm cái khác. Hotel khá đẹp và sạch sẽ, tiếp đón lịch sự, có người nói được tiếng Anh. Sau khi chỉ dẫn cặn kẻ và cất đồ đạc lên phòng xong Rob từ giã chúng tôi vì nó phải lái 4 tiếng nữa mới về tới nhà. Chúng tôi hỏi đường đi xem phong cảnh nhưng người ở hotel cho biết hôm nay chủ nhật không có nhiều nơi mở cửa đâu đã vậy ngày hôm nay sương mù dày đặc, cả ngày không có một cọng nắng. Chúng tôi đi bộ chung quanh để tìm hàng quán.  
 Chả có cái gì để coi trong một khu phố nhỏ, cửa đóng then cài, nhà nào cũng có hàng rào sắt, có vài cái để bảng:’’coi chừng chó dữ’’. Mà những con chó đứng ở trong sân coi bộ dữ thiệt, chúng sủa thật to và hung hăng như muốn nhảy ra khỏi cái hàng rào để tấn công chúng tôi. Sương mù vẫn dầy đặc làm tôi liên tưởng đến mấy phim ma cà rồng ở Ăng Lê. Gần ra tới đường lớn chúng tôi thấy một tiệm ăn khá lịch sự nên đi vô để hỏi coi mấy giờ chiều nó đóng cửa đi ăn tối cho kịp. Thật là ông nói gà bà nói vịt, nó chẳng hiểu mình, mình chẳng hiểu nó. Thằng bồi đi gọi một người bồi khác già hơn, ông nầy làm tài khôn đưa menu ra tụi tôi coi, chắc ông tưởng tụi tôi muốn biết họ bán món gì. Chán quá, tụi tôi nói cảm ơn và đi ra. Bình bàn sẽ trở lại đây 5 giờ để ăn tối, không lẽ họ sẽ đóng cửa giờ đó. Mà họ đóng cửa thật! đến đó khoảng hơn 4 giờ, thấy mặt chúng tôi một người bồi đi ra nói bằng tiếng Mỹ ‘’closed’. Chúng tôi bực mình đi ra, một người đàn ông đúng tuổi có lẽ là manager đứng ở đằng sau cửa tiệm nói vói theo:’’7 giờ mở cửa lại’’. Thật là một thời khóa biểu kỳ quái. 7 giờ ba mẹ con lại lội trong sương mù dày đặc để đi ăn tối. Mấy con chó dữ thấy tụi tôi đi qua đi lại mấy lần nên đã quen mặt không còn nghe sủa nữa, hay chúng đã đi ngủ rồi không biết. Bữa ăn tính ra là 130 đồng mỹ kim. Vì nghe con gái và con rễ nói ở Ý, khi đi ăn tiệm lớn, phải order đủ các thứ ăn chơi, ăn thiệt, thêm món rau, cuối cùng là phải order đồ ăn tráng miệng và phải có rượu đi kèm. Trời đất, xứ gì kỳ lạ, đáng lẽ người ta ăn bao nhiêu thì ăn cũng phải tiếp đón cho tử tế chứ. Ðêm nay chúng tôi ráng order đúng theo ‘’lễ bộ’’ mặc dù mấy thứ ăn chơi đã làm cho tụi tôi phát ớn lắm rồi. Bình và tôi hôm trước ăn ốc ở Paris không đã nên lại order thêm ốc. Ăn mới 2 con là đã ớn tới tận cổ, hết ngon như hôm trước. Anna khôn hơn nó order steak. Bình order một chai rượu champange. Chúng tôi chỉ uống có một tí xíu, bàn với nhau hay là mình đem rượu về. Anna mở miệng mới nói được có nửa câu thấy gương mặt kỳ cục của thằng bồi nó ngừng không đòi mang rượu về nữa. Tới món tráng miệng tôi order xong chỉ nhấm nháp cho biết mùi mà thôi. Thật là phí của trời.
 
8 giờ sáng hôm sau, chúng tôi vội vã thu xếp lại hành lý, xuống dưới nhà ăn điểm tâm ‘’free’’. Lại cà phê đặc quánh, lại cũng crosant. Nghe nói rượu Ý ngon tôi hỏi người đàn ông ở quầy chỉ cho tôi chai rượu nào ngon trong quầy của hotel. Một cách tử tế và lịch sự hắn ta nói bà nên đi tới phi trường mua rẻ mà có nhiều rượu ngon hơn ở đây. Ăn xong chúng tôi mang đồ đạc xuống để người làm ở hotel chở ra phi trường cho đúng giờ. Phi trường lớn một cách kinh khủng. Khi đến Ý chúng tôi chỉ đi ra có một cổng thôi nên không biết phi trường lớn như vậy, hôm nay mới có thì giờ và cơ hội để nhìn ngắm và mua những đồ đạc kỹ niệm như rượu, kẹo, áo T-shirt v...v...Ðồ đạc ở đây toàn là đồ hảo hạng có bán cả loại bóp Fendi ( một loại bóp da mà giá tiền cũng như Louis Vouiton). Chúng tôi lại khệ nệ thêm một mới quà cáp. Tôi cười thầm so sánh đi du lịch cũng như đi đánh bài ở Las Vegas. Ở nhà thì hà tiện nhưng đã đi du lịch hay đi đánh bài thì đồng tiền xài rất nhanh, rất phí, khi nào về nhà mới thấy mình đã xài quá nhiều.
 
12 giờ 30 máy bay cất cánh. Từ giã Italy, từ giã xứ sở của những người Mafia lạnh lùng, kiêu ngạo. Từ giã những khu phố mỹ miều hoa lệ với áo quần sang trọng và đúng ‘’mode’’. Trái lại với phần nhiều những người Ý khó thương, hai chàng tuổi trẻ ngồi gần tôi trên máy bay rất dễ thương. Thấy tôi thích những chai rượi nhỏ trên máy bay, thằng ngồi bên cạnh tôi order một chai rất xinh và đưa cho tôi. Còn 3 người ngồi trước mặt Anna và Bình thì thuộc loại ‘’ó đâm’’. Một ‘’ông già Ba Tri’’ không chịu kéo màn cửa sổ xuống để mọi người ngủ, hai ba cô chiêu đãi viên lại yêu cầu, ông ta cũng cứ làm ngơ, cứ mè nheo đòi thứ này đến thứ khác. Bà vợ to như cái ‘’bồ sứt cạp’’ nói chuện huyên thuyên với một đứa cháu hoang như ma. Thằng bé nầy cứ đứng chật cả lối đi, dây nghe TV cứ kéo lòng thòng không cho ai đi qua. Thấy mọi người bực mình vì ánh sáng chói chang dọi vào, bà vợ giơ tay kéo cánh cửa xuống, ông già đưa tay ra ngay đẩy lên cái rột. Một lúc rất lâu, không biết nghĩ sao ông ta giơ tay kéo cửa sổ xuống, có tiếng vỗ tay khen ngợi, ông ta cáu kỉnh lại kéo trở lên! Trước hàng ghế của cái gia đình quái gở này là hai mẹ con một bà người Ý khác. Bà già hành bà con gái tơi tả. Bà con gái cứ phải đứng lên ngồi xuống cho bà mẹ đi ra đi vô. Kéo mền lên, đẩy mền xuống.
 
Ăn uống cả đến ba bốn lần gì đó, ai nấy cũng mệt nhoài cố gắng dỗ giấc ngủ. Máy bay vẫn lao đi vun vút trong mây. Hành khách bây giờ không ngủ nữa mà ai nấy cũng cuồng chân, cuồng cẳng vì ngồi lâu quá. Có nhiều người đứng luôn ở chỗ ngồi, có người rảo bước lên, xuống cho giản gân. Ði ngang qua thằng cháu của ông già Ba Tri, một ông không đi qua được vì cái giây nghe TV của nó chặn đường, ông ta bực mình cúi xuống bức giây nghe ra khỏi ghế, thằng nhỏ la toáng lên.
 
Sau 9 tiếng dài mỏi mệt, nghe tiếng động của những bánh xe chấm đất Chicago, mọi người vỗ tay vang dậy!
 
Ðúng như lời con rễ tôi đã dặn bảo, tụi tôi phải hành động như những con lật đật mới kịp giờ đi tử cổng nầy qua cổng khác, lại phải trình passport, chạy bá thở cho kịp chuyến xe lửa đổi cổng. Xe lửa vừa trờ tới là phải nhào lên liền, lúc nó ngừng cũng phải nhảy xuống ngay. Lại trình giấy tờ, lại trả lời những câu thủ tục thường lệ, cứ làm như ai đi buôn thuốc phiện họ sẽ khai ra chắc! Không biết ngoài kia trời Chicago có lạnh không vì tuyết đọng rất nhiều tuy nhiên ở trong phi trường thì ấm lắm. Ai cũng bảo đi đâu xa về mới thấy xứ Mỹ sống tự do và thoải mái đồng thời người Mỹ cũng dễ thương và lịch sự hơn người Âu Châu.
 
Vì tuyết đã rơi hôm trước nhiều quá và đọng dầy trên cánh máy bay nên người ta phải trễ mất hơn 15 phút để cào tuyết trước khi cất cánh cho an toàn.
 
Phi cơ cất cánh bỏ lại dưới kia thành phố Chicago đã lên đèn đủ mảu đủ sắc.
 
Hình dung đêm nay tôi sẽ được ngủ thật yên trong chiếc giưòng ấm cúng của mình trong một thành phố mà mình đã quen thuộc từng con phố, được nói và nghe thứ ngôn ngữ mà mình dùng đã thông suốt, làm cho bao nhiêu mệt nhọc của tôi tự nhiên được tiêu tan! Tôi thiếp đi với những con tàu và những ga xe lửa ở Huế, ở Phan Rí trộn lẫn với những con tàu với những ga ở Milan, Lyon. Tôi cũng lơ mơ thấy giòng sông đục lờ ở An Cựu với giòng sông Sein gợn sóng ở Paris. Tôi giật mình thức giấc để ngỡ ngàng thấy mình đang lạc loài nơi xứ Mỹ. Tất cả rồi cũng chỉ là kỷ niệm.
 
Thu Nga