O Xương

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

Truyện ngắn

Thu Nga  

  
Thật ra tôi phải gọi o Xương là chị mới đúng vì o là con bác họ của tôi, bác Giáo (Hồi xưa bác Giáo đi dạy học, nên người ta gọi bác là ông bà Giáo, tôi cũng không biết tên thật của bác là gì), nhưng ai cũng gọi chị là ‘’o Xương’’, ba mạ tôi cũng gọi như vậy nên tôi cũng bắt chước theo.
 
 O Xương lúc đó tuổi vào khoảng hai lăm, hai sáu. O có vóc dáng to lớn, xồ xề. Gương mặt o hình vuông hành bạnh. Cặp mắt lồi, mỗi lần o ở trong trạng thái điên loạn thì cặp mắt lại càng có vẻ lồi hơn, to lồ lộ, tròng trắng nhiều hơn tròng đen, coi rất hung dữ. Miệng o hơi hô, tuy nhiên o lại có hai cái lúm đồng tiền, khi nào hiếm hoi, o cười, hai đồng tiền trên má làm gương mặt o dịu đi một cách bất ngờ. Mái tóc o Xương bình thường được cuốn lên, giắt bằng cây kẹp ba lá. Khi nào o nổi cơn thì không biết cây kẹp ba lá biến mất ở đâu mà tóc tai được thả xuống, vài mảng rối nùi, vài mảng bay lung tung trong gió trông rất hoang dại. Áo quần lôi thôi, xốc xếch. Cũng có khi o diện kẻng lắm, tóc tai được kẹp đuôi gà, áo dài mầu nâu non hay màu lá cây lợt, quần lãnh Mỹ A đen, đôi chân cục mịch, chè bè, có lẽ vì đi chân đất lâu ngày, được xỏ vào đôi guốc sơn hoa xanh đỏ. Lúc đó miệng o cười ngỏn nghẻn, o nói o có hẹn với bồ đi chơi. O phải lòng một anh trung sĩ thiết giáp, từ lúc anh tử trận, o Xương thất tình rồi bị điên luôn. Cái điên của o Xương thật ra không dữ tợn hay có hại cho ai. Chỉ thỉnh thoảng o mới nổi cơn hung, tự xé quần áo rồi ở lổ đi tồng ngồng khắp nơi. Sau khi bác Giáo trai mất đi, chỉ một mình bác Giáo gái tất tả khó nhọc đi lôi o Xương về. Bác Giáo nước mắt lả chả, cáimiệng móm không còn một cái răng, cầm tay o Xương, lạy lục, năn nỉ:
 
 - Con ơi mạ lạy con trăm lạy, đừng làm như ri ốt dột họ hàng, theo mạ về con hỉ?
 
 O Xương bặm môi, lắc cái đầu tóc đã xổ đầy mặt, đầy lưng:
 
 - Tui khôn muốn về, mụ làm chi mà bắt tui về, tui phải đi tìm anh Tự, ảnh noái khi mô em thấy xe tăng đậu đầy tiểu khu thì biết anh về. Bây chừ tui thấy xe tăng bất loạn mà không thấy anh là răng?
 
 Vừa nói o Xương vừa trì tay bác Giáo để đi về hướng cửa tiểu khu. Nhưng o Xương không dám lại gần cổng. Có lẽ dù đang mê loạn nhưng o cũng nhớ những lời cảnh cáo của những người lính gác cổng. Bác Giáo thiếu điều quỳ lạy con và dỗ:
 
 - Con ơi, đừng có ngẳng nữa, nghe mạ nói đây nì. Thằng Tự hứa với mạ chiều túi đến thăm con. con về thay áo rồi hắn lại.
 
 Hàng xóm đầu trên, xóm dưới đã bu lại đầy. Người lớn thì mỗi người dỗ một cau, con nít thì chỉ trỏ cười nói. Mạ tôi đem một cái mền rách lại để bác Giáo quấn che thân hình loã lồ của o lại. Bây giờ o đã trở lại bình thường, o khóc than vật vả:
 
 - Anh Tự ơi, răng anh lại đành đoạn bỏ em. Mạ ơi, con không muốn sống mô, anh Tự chết rồi mạ ơi!
 
 Bác Giáo gạt nước mắt của con và của chính bác rồi dìu con đi lần về hướng nhà ga xe lửa là nhà của bác. Ðám đông lắc đầu và giải tán dần.
 
 Nghe nói anh Tự đâu có yêu thương gì o Xương, vì thật ra trước khi thất tình và điên thật sự tánh o Xương đã khật khùng như vậy rồi mà anh Tự thì rất đẹp trai và có nhiều đào. Nhưng vì thấy o Xương mết mình quá, rồi không biết vì muốn lợi dụng hay tội nghiệp o mà thỉnh thoảng anh Tự cũng đến nhà thăm o rồi chắc cũng đôi lúc nói thương yêu o nên o mới ra nông nổi nầy. Khi quan tài có phủ cờ vàng, ba sọc đỏ của anh được đem về tiểu khi chờ người nhà tới nhận, o Xương đã ngất lên, ngất xuống mấy lần.
 
 Lúc o mới bắt đầu điên, tôi mới lên lớp đệ lục. Tôi rất sợ o Xương. Chỉ nhìn cặp mắt thất thần của o, được che đi một nửa bởi làn tóc rối bù, tôi đã hoảng hồn quay đi hướng khác. Dôi lúc o còn đi đến cổng nhà tôi, kêu tôi mở cổng, những lúc o trở nên tỉnh táo:
 
 - Thu, chú Bá có nhà không mi?
 
 O rất sợ ba tôi. Một lần o đến nhà tôi, cái cổng không được khóa, o vô sân hái ngay trái đu đủ mới đang chín tới, vàng hườm. Ba tôi đi ra bắt gặp, la o mấy câu, o quăng trái đu đủ xuống đất rồi ngoe nguẩy bỏ đi. Mỗi lần o lảng vảng gần nhà, ba nạt một tiếng, bảo về nhà đi là o lỉnh mất.
 
 Tôi hết hồn nói:
 
 - Dạ không.
 
 - Mi múc cho tau gáo nước lạnh.
 
 Tôi run lập cập đi múc nước lạnh từ cái lu sau hè cho o uống. Uống một hơi hết gáo nước, o đưa trả lại cho tôi, rồi lấy tay quẹt vô miệng nói:
 
 - Mi có thấy anh Tự mô không?
 
 Tôi lắc đầu:
 
 - Dạ không.
 
 - Thôi tau đi tìm anh Tự hí. Mi gặp anh thì noái o Xương đang đi tìm nghe chưa? Mi mà quên là tau giết cái đầu.
 
 Anh Tự cũng như một số các anh lính khác từ khắp nơi được đổi và đóng ở Tuy Hòa trong một giai đoạn ngắn dài tùy lúc và thuê nhà trong xóm tôi. Xóm này nằm ở dươí tiểu khu, chỉ cách bằng những hàng rào kẽm gai. Nhà ai rộng rãi hay có dư phòng thì cho gia đình lính, có người có vợ con có người độc thân, thuê nhà và đôi khi còn bao cả cơm tháng luôn. Tôi đã chứng kiến nhiều mối tình ‘’trai tiền tuyến, gái hậu phương’’, toại nguyện , nên duyên cũng có mà ngang trái, chia lìa cũng không ít đã xảy ra tại đây. Anh Tự thuê nhà củ bà Sáu ở cuối xóm. Ðầu xóm có nhà con Thương cũng rất rộng, hết gia đình lính nầy tới gai đình lính khác thuê không bao giờ bỏ trống. Một nhà khác cũng khá rộng và được các anh lính độc thân thuê và ăn cơm tháng luôn thể là nhà con Tú ở giữa xóm. Ba mạ tôi cũng có một căn nhà riêng biệt cho thuê. Căn nhà nầy được ngăn chia với căn nhà tôi ở bằng một cái hàng rào bằng cây. Trên hàng rào, những dây hoa ti gôn leo quấn quýt. Những nụ hoa màu hồng như tim vỡ rất dễ thương, để con nhỏ sớm mơ mộng như tôi cố học thuộc lòng bài thơ ‘’Hai sắc hoa ti gôn’’ của TTKH.
 
 Một người khác mà tôi hay sợ nhất, ngoài o Xương là ‘’Chú Năm Say Rượu’’. Chú say sưa tối ngày, đầu bù xù, con mắt đỏ kè. Mỗi lần thấy con nít như tôi, chú trợn mắt hầm hè như muốn bắt để ăn tươi nuốt sống. Một lần bị chú dọa như muốn rượt theo, cánh tay vươn dài ra như tay con quỉ sống làm tôi điếng hồn, mặt không còn tí máu chạy về tới nhà thì gần ngất xỉu. Mạ tôi nóng ruột đi xuống nhà chú Năm phàn nàn. Từ lúc đó chú không dọa tôi nữa. Nhưng tôi vẫn không dám đi ngang nhà chú. Vì ngoài việc sợ chú ra, tôi còn sợ cả cây dâu um tùm trước nhà chú nữa. Mạ tôi nói roi dâu có thể đánh đuổi được ma. Sau này khi tôi có chồng, nằm ngủ hay giật mình mạ tôi xin chú Năm Say Rượu chặt một cành dâu để dưới đầu giường cho tôi. Tôi đi vòng một đường rất xa. Ðúng là ‘’tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa’’, tôi gặp o Xương đang đi vào con đường hẽm ngược đường với tôi. O Xương vừa đang nổi cơn điên, xé quần xé áo, khóc than thảm thiết. Tôi vắt giò lên cổ, chạy thục mang về nhà. Từ lúc đó, hễ thấy bóng o Xương từ đàng xa là tôi lo khóa cổng vào núp sau bếp không dám ló ra.
 
 Năm tôi lên lớp đệ tam, o Xương hầu như lúc nào cũng ở trong trạng thái điên loạn, o đi long rong ngoài đường, lúc cười, lúc khóc, lúc nghêu ngao hát, tiếng o khàn khàn rất lạ:’’đêm hôm qua, anh trở về, về bên sông, sông lờ mờ, mắt ngước dìn, dà ta chìm trong khói súng thù...’’, hát đến đoạn:’’...mơ ước gì thấy đôi mắt chồng...’’, o bật khóc nức nở. Tụi con nít không thương còn đi theo hát chọc:’’anh cùng em té xuống sông ướt cái quần ni lông’’, rồi chỉ chỏ vừa cười nhạo báng. Ði ngang qua nhà chú Năm Say Rượu, o giơ tay bẻ một cành dâu rượt tụi con nít. Tiếng hò reo của tụi nhỏ, tiếng lè nhè chửi rủa của chú Năm Say Rượu cùng với tiếng la lối của o Xương:’’đồ ranh mương, tau giết đầu tụi mi’’ làm thành một âm thanh kỳ dị vang vọng cả một góc xóm. Năm khi mười họa mới thấy o tỉnh táo một chút. Ai thấy o cũng tránh. Bác Giáo bây giờ cũng già hơn. Lưng bác cònh hơn. Hang cùng ngỏ hẽm nào cũng thấy bác với cái khăn trùm đầu gần kín gương mặt, tay run run cầm cái gậy đi tìm con để giắt về và càng ngày công việc này lại càng khó khăn hơn.
 
 Nhà con Thương dạo này có một anh trung uý biệt động quân , xuất thân từ trường Võ Bị Ðà Lạt thuê, tên Huy, người nam. Anh Huy hay được một vị hôn thê người Huế, tên Phượng, đang học sư phạm tại Qui Nhơn vô thăm. Chị Phượng dáng người nhỏ nhắn, gương mặt bầu bầu như một con búp bê Nhật Bổn, mái tóc thề đen mượt chảy trên đôi vai mảnh khảnh dễ thương. Chắc chị bị cận nặng lắm, vì tôi thấy mắt kiếng của chị rất dầy. Ði học ngang qua căn phòng anh Huy ở trọ, tôi thấy chị Phượng hay lúi húi giặt đồ trong một cái thau nhôm lớn. Mái tóc mướt như giòng suối của chị che kín một bên mặt. Khi nào anh Huy không đi hành quân, anh cùng chị đi phố hay đi xi nê. Chị ngoan ngãn dịu hiền với chiếc áo dài màu tím than và cái quần trắng, bên nah hiên ngang với bộ áo hoa rừng và cái mũ nâungạo nghễ trên gương mặt sạm nắng. Tôi thấy anh chị thật đẹp đôi. Nghe nói, chị và anh Huy sang năm sẽ làm đám cưới.
 
 Khi tôi lên đến lớp đện nhị, chiến trận càng ngày càng khốc liệt. Ban đêm tiếng đại bác nghe dội lại rầm rầm từ những miền quê ven tỉnh Phú Yên. Những chiếc xe bịt bùng chở xác chết từ mặt trận về nhiều không sao đếm xuể. Pháo kích làm cho người dân trong xóm ở trong tình trạng căng thẳng và báo động thường xuyên. Vụ pháo kích ở Ngả Năm làm cho nhiều gia đình bị chết và bị thương nặng. Rồi pháo kích lại trúng sao tháp Nhạn. Và cuối cùng những trái đạn vô tình ác độc rơi trúng nhà chú Năm Say Rượu và những căn nhà nhỏ ở xóm dưới tan hoang đổ nát. Nhà tôi cũng như mọi nhà khác phải làm hầm trú pháo kích. Hầm nhà tôi được đào ngay ở sau hè, gần cái bếp. Ba làm cái tầng cấp bằng gỗ, để dựa vào vách hầm. Trên hầm là những bao cát xanh. Dưới hầm để sẵn đèn pin, đèn cầy, cơm khô, nước mắm, muối, đồ hộp...Mỗi lần nghe tiếng pháo kích, tôi run như cầy sấy trong bày tay của mạ, bà đẩy tôi xuống hầm trước, làm như thân thể của mạ có thể che chở mảnh bom, mảnh đạn cho con. Khi mọi người đã xuống hầm rồi, mạ mới run rẩy chun vô sau.
 
 Nhà con Tú đã có lính độc thân mới dọn lại. Anh này là thiếu úy, cũng là sĩ quan Võ Bị Ðà Lạt. Anh làm trung đội trưởng truyền tin. Trung đội nầy mới xây cất mới toanh, đối diện với tiểu khu. Gia đình anh trung sĩ Toàn cũng trong trung đội truyền tin nầy thuê một căn nhà biệt lập hẳn của ba mạ tôi. Chị Toàn cứ theo tôi hỏi:
 
 - Em thấy thiếu úy Huân thế nào?
 
 Tôi biết ý chị, mắc cở nói:
 
 - Em có chi mô nà.
 
 Sau đó chị rù rì nói chuyện gì với mạ tôi không biết mà sau đó vài ngày, chị đem Huân lại nhà tôi giới thiệu và chúng tôi quen nhau. Ba má tôi rất thương Huân vì nói tánh chàng hiền lành dễ thương. Huân hay đến cổng trường chờ tôi tan học, với một gói bánh da lợn còn nóng hổi- Huân biết tôi ghiền ăn món bánh nầy, nên khi nào xuống phố Tuy Hòa, không khi nào chàng quên mua một gói cho người yêu. Thỉnh thoảng tôi thấy Huân và anh Huy nói chuyện với nhau rất tương đắc, anh Huy là khóa đàn anh của Huân. Còn những người lính khác, thấy hai anh thì đưa tay lên chào kiểu nhà binh rất kính trọng. Ngoài tôi ra, nhiều đứa bạn học cùng lớp cùng trường cũng đã trở thành ‘’người yêu của lính’’. Những bản nhạc yêu lính, nhớ lính thường là những đề tài được các nhạc sĩ đương thời ráo riết khai thác, đại loại như:’’nếu em không là người yêu của lính...’’, ‘’anh là lính đa tình...’’, ‘’nếu có anh chiều nay ta sẽ lên đồi sim, anh hái hoa tím giắt lên đôi bờ tóc mềm...buồn thì mơ ước, nhưng em biết anh còn đi, vui trên bước đường thiên lý...’’v...v...và v...v...Những bản nhạc đương thời nầy rất được tụi học sinh đang tập làm người lớn như chúng tôi say sưa hát trong những buổi tiệc tất niên hay những giờ văn nghệ trưóc khi niên học được chấm dứt. Nhiều khi chúng tôi còn được cử đi đến những chỗ hành quân tặng quà cho các anh chiến sĩ trong chiến dịch ‘’Cây mùa xuân’’. Làm người yêu của lính văn phòng thì đỡ khổ, còn làm người yêu của lính chiến trường thì đúng như là ‘’ngồi trên lửa’’, vì ngày anh về, anh có thể đã thành ‘’bại tướng cụt tay’’ hay cụt chân. Hay anh có thể sẽ ‘’lên lon giữa hai hàng nến trong’’, có nhiều cô đã không muốn làm ‘’góa phụ thơ ngây’’ nên âm thầm leo lên xe bông về nhà chồng trong khi anh đang lặn lội ở rừng sâu giết giặc.
 
 Lúc này quân đội Ðồng Minh gồm có Mỹ và Ðại Hàn, nhiều nhất là Mỹ đổ đến các trung tâm quân sự rất nhiều nên nẩy sinh ra nhiều việc cho các người thông thạo tiếng Mỹ thành ‘’thông dịch viên’’. Cùng xóm tôi, có con Hường và xóm bên kia đường Lê Lợi có con Thúy đã thành người yêu và thành vợ của những anh thông dịch viên trẻ.
 
 Mấy ngày nay không thấy anh Huy về thường xuyên nữa. Huân cho tôi biết có đánh lớn ở Núi Sầm, một quận lị nhỏ bé, khá xa thành phố Tuy Hòa. Những đoàn ‘’công voa’’ rầm rầm chạy trên quốc lộ số 1, mang lại bao nét lo âu cho người dân thành phố. Huân nói sư đoàn của anh Huy đang đi hành quân. Tôi chép miệng tội nghiệp chị Phượng, chắc chị lo lắm. Một lần Huân đem tôi đi thăm vợ một người bạn cùng khóa, tên Thân, chị Thân rất trẻ và rất đẹp, chị lo sợ và rơm rớm nước mắt nói với tôi:
 
 - Mỗi lần nghe tiếng súng, tiếng đại bác là lòng mình như lửa đốt. Mình chĩ cầu xin Trời Phật cho anh được bình yên trở về với mình.
 
 Tù lúc quen Huân tôi cũng được anh giới thiệu với anh Huy và chị Phượng. Tôi cũng được biết hoàn cảnh trái ngang của anh chị. Ba mạ chị muốn chị ưng một kỹ sư nông lâm súc, môn đăng hộ đối với gia đình chị, và chê anh Huy là sĩ quan nghèo, mồ côi cha mẹ, lại rày đây mai đó, sợ chị góa chồng sớm nhưng chị nhất quyết ưng anh. Ba mạ chị giận hờn không muốn thấy mặt chị nên chị từ Huế vào Qui Nhơn ở nhà ông bác và đi học sư phạm và sẽ nhờ hai bác đứng chủ hôn. Tôi thầm phục tình yêu thương chân chính và sự cương quyết của chị. Chị nói:
 
 - Anh Huy thương chị lắm, anh không muốn chị bị thiệt thòi, đã hỏi chị suy nghĩ kỹ chưa. Chị đã dứt khoát nói với anh là chỉ trừ trường hợp chị chết đi thì chị mới xa anh được mà thôi. Ðáng lẽ sang năm anh chị mới làm đám cưới nhưng bây chừ vì hoàn cảnh bắt buộc...
 
 Chị trầm ngâm:
 
 -...Anh chị sẽ làm đám cưới tháng sau, chị không cần làm đám cưới lớn, chỉ có hai bác của chị và một số bạn bè tham dự thôi, gia đình anh Huy không còn ai cả...
 
 Huân cũng có đi dự đám cưới của anh Huy và chị Phượng. Chị Phượng chỉ chờ ra sư phạm xong là sẽ đi theo anh. Chị lo không biết có được đi dạy gần nơi anh đóng hay không. Tôi rất thương chị khi thấy mắt chị u buồn, sau làn kính cận.
 
 Một lần o Xương lẩn quẩn ở trước căn phòng của anh Huy, chị Phượng mới vào thăm anh ngày hôm qua. Tôi thấy chị Phượng đem một ly nước trà nóng và mấy cái bánh ít cho o Xương. Lúc ấy o tỉnh táo lắm. Ăn xong o còn nói cảm ơn rồi mới đi. Chị Phượng nói với tôi:
 
 - Tội nghiệp chị nớ quá Thu hỉ. Răng chị bị tàng tàng rứa em?
 
 Tôi nói với chị đó là bà chị họ xa của tôi và nguyên nhân làm chị cuồng trí theo những điều tôi biết. Chị Phượng cứ xuýt xoa mãi:
 
 - Chao ôi là tội em hỉ. Chị thương ‘’o’’ Xương rứa thê.
 
 Buổi chiều không có giờ học, tôi cùng vài đứa bạn cùng lớp đi theo Huân thăm những quan tài vừa mới được chở về từ chiến địa. Những chiếc quan tài buồn nằm song song bên nhau trên có những chiếc cờ ủ rủ bao bọc. Trong ánh sáng rung rinh của những cây nến, những bóng quan tài in trên vách trông thật ảm đạm. Tiếng khóc than thê thiết của những bà mẹ, vợ con nghe đứt ruột. Buổi tối tôi đi tham dự lễ cầu siêu ở chùa. Sau buổi tụnh niệm Huân và tôi đi dọc theo con đường số 6 dưới những tàn cây thông xanh cao vút. Huân bùi ngùi nói về những hy sinh cao cả của những người bạn thân. Tự nhiên tôi lại nhớ đến chị Phượng, tôi hỏi anh Thân ra sao hả anh. Huân nói anh cũng không được rõ.
 
 Ngày hôm sau tin anh Huy đã tử trận khiến cả xóm mủi lòng. Chị Phượng cũng đã được tin. Chị khóc than đến khan cả giọng, mắt kiếng của chị cũng phải lột đi để lau giòng nước mắt tưởng như không bao giờ cạn của chị tuôn ra. Huân và một số bạn bè của anh mua trà để ướp xác anh cho thơm. Chị Phượng muốn đưa xác anh về Qui Nhơn chôn. Tôi phải nhắm mắt, quay đi để khỏi phải chứng kiến một cảnh đau lòng: chị Phượng ôm tấm hình anh Huy khóc ngất trước quan tài, bóng chị như nhảy múa trên vách qua ánh sáng của những cây nến sáng lung linh tạo nên một hình ảnh cực kỳ thê thảm và rùng rợn.
 
 Buổi chiều cả xóm ngạc nhiên đến sửng sờ khi thấy chị Phượng đang được o Xương dìu đi về căn phòng anh Huy. Hình ảnh ốm yếu và tuy đang đau khổ tột cùng nhưng vẫn không kém phần quý phái của chị Phượng thật tương phản với tấm thân ô dề, dơ bẩn của o Xương. Mà hình như chị Phượng cũng rất tin tưởng và thương yêu o Xương nên chị không màng đến đự đụng chạm với quần áo của o. Tôi bây giờ đã lớn nên cũng bớt sợ o Xương. Tôi đang định đến thăm chị Phượng, đem mấy cái bánh da lợn mà Huy mới đem lại cho tôi tối qua để chị nhấm nháp cho đỡ đói, vì biết chị có ăn uống gì đâu và cũng để an ủi chị, thì thấy o Xương đang lăng xăng lấy khăn nhúng nước lau mặt cho chị Phượng. Ðúng là một hiện tượng lạ. Vì như đã biết, từ lâu o Xương ít khi tỉnh táo bình thường trở lại, nên bác Giáo đã nhốt o vô một căn phòng rồi khóa kỹ, chỉ mở ra cho o ăn uống mà thôi, không hiểu nguyên nhân nào o lại xổ ra rồi không hiểu tại sao o lại tình táo hẳn trở lại và đang ở nhà chị Phượng và săn só cho chị như một người chị hiền săn sóc em thơ? Chị Phượng đang ngồi dưới nền xi măng, úp mặt trên giường, tay chị đang ôm bức ảnh của anh Huy, đôi vai gầy run run như không đủ sức chở cái tang tóc on nghiệt đang rớt xuống đời chị. O Xương cố nâng cầm chị lên để lau mặt cho chị Phượng. Mặt o hiền từ, ánh mắt trở nên dịu đi không lồ lộ ra như thường nhật, thái độ chậm rãi từ tốn như không hề bị bệnh điên loạn bao giờ. O đem cái khăn ướt vắt lên đầu giường rồi rót cho chị một ly nước lọc, vỗ về:
 
 - Uống một xí nước, tui thương. Tội quá, răng cứ khóc hoài, bịnh chừ... O biết răng không, anh Tự tui cũng chết rồi, chết như chồng của o rứa đó.
 
 Hàng xóm có người cảm động khóc ra tiếng. Có người dìu chị Phượng lên giường ngồi. Chị mềm nhủn như đã chết. O Xương tóc tai vẫn rối rắm, bết mồ hôi, đàng sau đuôi tóc có kẹp trễ tràng bằng một cái kẹp ba lá, quần áo xộc xệch, hôi hám nhưng không ai lấy thế làm phiền vì chị Phượng như tìm an ủi rất nhiều ở o Xương. Một tay o Xương cầm tay chị vuốt ve. Hình như hai tâm hồn đau khồ đã gặp nhau và thông cảm nhau không cần lời nói. Mắt tôi cũng mờ đi qua màn lệ.
 
 Ngày đưa linh cửu anh Huy lên máy bay, o Xương cũng có đó. Cũng như khi tại căn phòng của anh Huy, chị Phượng và o Xương không nói gì với nhau nhiều, chị Phượng khóc sụt sùi và o Xương chỉ vổ về với một giọng khào khào nho nhỏ. Tôi lại thấy mắt mình cay sè.
 
 Từ đó đến nay đã gần ba chục năm rồi,mỗi lần nghe nghe bản nhạc ‘’Tấm thẻ bài’’: ‘’ngày mai đi nhận xác chồng, quay đi để thấy mình không là mình’’ là tôi lại hình dung đến cảnh chị Phượng ôm bức hình anh Huy với giòng lệ chảy dài và tôi lại nhớ đến bà chị họ xa của tôi. Như một hiện tượng lạ, o Xương bớt điên đi và không còn xé quần, xé áo đi lêu rêu ngoài đường nữa.
 
 Vài tháng sau đó, Huân được gắn lon trung uý, chàng đã mời cha mẹ từ Nha Trang ra Tuiy Hòa đẻ làm đám cưói vói tôi. Mỗi lần nhắc câu chuện thương tâm của chị Phượng và cái tình thân thiết bất ngờ của o Xương và chị, Huân đã nói với tôi:
 
 - Tình cảm của chị Phượng và o Xương được nảy sinh một cách tự nhiên từ một sự đau khổ tột cùng và đây là một hiện tượng cảm động nhất mà anh mới được chứng kiến lần đầu tiên trong đời.
 
THU NGA